Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Con người ở Măng
Cái đám đông tụ tập đó không phải để chờ xem một người sắp bị treo cổ, mà xem một kẻ thắt cổ. Xe dừng lại một lát rồi tiếp tục lăn bánh, đi qua đám đông, đi vào phố Thánh Ônôrê, rẽ sang phố Lũ trẻ ngoan và dừng lại trước một cái cửa thấp.
Cửa mở hai lính gác dìu Bonacieux, có viên cai đỡ rồi đẩy ông vào một lối đi, lôi ông trèo lên một cầu thang và để ông trong một phòng chờ.
Tất cả những động tác đó được ông thực hiện như một cái máy.
Ông đi như đi trong mơ, như mọi vật như nhìn qua sương mù, tai ông tiếp nhận các âm thanh mà không hiểu là gì. Nếu người ta hành quyết ông lúc đó chắc ông cũng chẳng làm nổi một cử chỉ nào phản vệ, chắc cũng chẳng thốt ra một tiếng kêu để cầu xin lòng thương.
- Ông ngồi nguyên như thế trên một chiếc ghế dài, tựa lưng vào tường, hai tay thõng xuống, đúng chỗ mấy tên gác đã đặt ông xuống.
- Tuy nhiên vì nhìn quanh mình, ông chẳng thấy vật gì đáng sợ, vì chẳng có gì chỉ ra ông đang gặp nguy hiểm thật sự, vì chiếc ghế dài đệm lót tươm tất, tường được bọc loại da đẹp Coócđu, những tấm rèm Đamát của Syri màu đỏ được ghim giữ bằng những móc vàng bồng bềnh trước cửa sổ, dần dần ông hiếu ra chẳng qua là mình quá sợ và ông đảo đầu mình cho thư thái.
Chẳng thấy ai phản đối, ông đánh bạo hơn một chút, liều đưa một chân lên, rồi nốt chân kia. Cuối cùng, chống hai tay, ông vươn lên khỏi ghế rồi đứng thẳng dậy.
- Đúng lúc ấy, một viên sĩ quan mặt mày dễ chịu, vén mở rèm cửa, tiếp tục trao đổi thêm vài lời với người đang ở phòng bên, rồi quay lại phía người tù. Ông ta nói:
- Chính ông có tên là Bonacieux?
- Vâng, thưa ông sĩ quan - Ông hàng xén sợ hết hồn ấp úng - xin được hầu ông.
- Vào đi!
Viên sĩ quan tránh ra cho ông hàng xén đi qua. Ông này nhất mực tuân theo đi vào căn phòng hình như người ta đang đợi ông.
Đó là một căn phòng lớn, tường treo đầy binh khí tấn công và phòng thủ, khép kín và ngột ngạt, mới cuối tháng chín mà bên trong đã đốt lò sưởi. Một chiếc bàn vuông kê ở giữa phòng, trên đầy sách và giấy tờ, một tấm bản đồ lớn của thành phố La Rochelle đã được mở sẵn.
Đứng trước lò sưởi là một người đàn ông tầm vóc trung bình, vẻ mặt kiêu hãnh, mắt sắc, trán rộng, bộ mặt choắt như dài thêm ra vì bộ râu chòm, phía trên là đôi ria mép vểnh lên cho dù con người đó mới khoảng ba sáu ba bảy tuổi, tóc, ria và râu chòm đã hoa râm. Con người đó, không đeo gươm, vẫn đầy đủ dáng dấp con nhà chinh chiến, và đôi giầy da trâu còn phủ nhẹ lớp bụi chỉ rõ ông ta trên lưng ngựa cả ngày.
Con người đó chính là Armand Jean Duplessis - Giáo chủ Richelieu, không phải như người ta giới thiệu với chúng ta, còng như một ông già, đau khổ như một kẻ từ vì đạo, thân hình tiều tụy, nói không ra hơi, vùi mình trong một chiếc ghế bành lớn như trong một nấm mồ đào trước, chỉ còn sống bằng sức mạnh thiên tài của mình và chỉ còn duy trì nổi cuộc đấu tranh chống lại châu Âu bằng việc áp dụng bất di bất dịch tư tưởng của ông.
Nhưng con người ông thực sự vào thời kỳ đó là như thế này, một kỵ sĩ thiện nghệ và phong tình, có thể đã suy yếu nhưng được nâng đỡ bởi một sức mạnh tinh thần tạo nên ở ông một trong những con người phi thường nhất đã từng tồn tại. Sau khi ủng hộ Quận công De Nevơ ở công quốc Măngtu, sau khi chiếm Nimơ, Cátxtrơ và Uyzet, cuối cùng ông đang chuẩn bị đuổi quân Anh khỏi dảo Rê và bao vây La Rochelle.
Thoạt nhìn, chẳng có gì chứng tỏ đây chính là Giáo chủ và những ai chưa từng biết mặt ông khó có thể đoán ra ai là người đang ở trước mặt mình.
Ông chủ tạp hóa tội nghiệp cứ đứng ngây ra ở cửa, trong khi đôi mắt của con người vừa miêu tả đó, nhìn xoáy vào ông và như thể muốn lọt sâu vào tận quá khứ của ông. Sau một phút yên lặng. Giáo chủ hỏi:
- Đây là cái ông Bonacieux ấy ư?
Viên sĩ quan trả lời:
- Vâng, thưa Đức ông.
- Tốt lắm, đưa cho ta những giấy tờ ấy rồi mặc chúng ta.
Viên sĩ quan lấy trên bàn tập giấy tờ đã chỉ, đưa lại cho Giáo chủ, cúi rạp mình xuống đất rồi đi ra.
- Ông Bonacieux nhận ra những giấy tờ ấy là biên bản thẩm vấn ông ở ngục Bastille. Thỉnh thoảng người đứng ở lò sưởi lại ngước mắt lên khỏi những ghi chép và như hai con dao găm thọc sâu vào trong tim ông hàng xén.
Đọc khoảng mươi phút và mươi phút quan sát, Giáo chủ quyết định vào việc. Ông lẩm bẩm: "Cái thớ kia thì âm mưu cái gì nhưng mặc kệ, cứ phải xem xem", rồi chậm rãi nói:
- Ông bị buộc tội đại phản nghịch.
- Thưa Đức ông, đấy, người ta cứ bảo tôi thế đấy - Bonacieux kêu lên và cũng gọi theo viên sĩ quan bằng danh hiệu Đức ông - nhưng tôi xin thề với Đức ông, tôi chẳng biết gì cả.
Giáo chủ cố nén một nụ cười.
- Ông đã âm mưu cùng với vợ ông, với phu nhân De Chevreuse và với Huân tước Quận công De Buckingham.
- Thưa Đức ông - Ông hàng xén trả lời - quả là tôi có nghe thấy vợ tôi nói ra những tên ấy.
- Và trong trường hợp nào?
- Nó nói rằng Giáo chủ Richelieu đã dụ Quận công De Buckingham đến Paris để làm hại ông ta và với cả Hoàng hậu.
- Nó nói như thế? - Giáo chủ nói to dữ dội.
- Vâng, thưa Đức ông, nhưng tôi, tôi bảo rằng nó nghĩ như vậy là tầm bậy, rằng Giáo chủ chí tôn không thể…
- Câm miệng đi, ông là đồ súc sinh.
- Thưa Đức ông, nhưng đúng là vợ tôi đã trả lời tôi như thế.
- Ông có biết ai bắt cóc vợ ông không?
- Không, thưa Đức ông.
- Tuy nhiên ông có những nghi ngờ chứ?
- Vâng, thưa Đức ông, nhưng những nghi ngờ ấy có vẻ làm phật ý ông đồn trưởng, và tôi không còn nghi ngờ nữa.
- Vợ ông đã trốn thoát, ông biết chứ?
- Không, thưa Đức ông, tôi chỉ biết điều đó khi đã bị tống vào tù, và cũng là do ông đồn trưởng, một người dễ mến cho biết thôi ạ.
Giáo chủ cố nén nụ cười thứ hai.
- Vậy là ông không biết vợ ông ra sao từ khi trốn thoát?
- Tuyệt đối không, thưa Đức ông, nhưng chắc nó đã trở lại điện Louvre. Lúc một giờ sáng, nó vẫn còn chưa về đó.
- Lạy Chúa! Vậy bây giờ nó ra sao rồi?
- Cứ bình tĩnh, rồi sẽ biết thôi, người ta không giấu gì Giáo chủ cả, Giáo chủ biết tất.
- Thưa Đức ông, trong trường hợp ấy, liệu Đức ông có tin là Giáo chủ sẽ bằng lòng nói cho tôi biết vợ tôi ra sao không?
- Có thể, nhưng trước hết ông cần phải thú nhận tất cả những gì ông biết liên quan đến những mối liên hệ của vợ ông với bà De Chevreuse đã.
- Nhưng thưa Đức ông, tôi chẳng biết gì cả, tôi chẳng bao giờ gặp bà ta cả.
Trước đây khi ông đi đón vợ ông ở Louvre, vợ ông có về thẳng nhà không?
- Hầu như không bao giờ, nó có việc buôn bán với dân hàng vải và tôi đưa nó đến chỗ họ.
- Và có bao nhiêu dân buôn vải?
- Hai, thưa Đức ông.
- Họ cư trú ở đâu?
- Một người ở phố Vôgira, người kia ở phố Đàn Thụ cầm.
- Ông có vào nhà họ cùng với vợ ông không?
- Không bao giờ, thưa Đức ông, tôi đợi ở ngoài cửa.
- Thế vợ ông mượn cớ gì với ông để vào đó một mình?
- Nó chẳng vin cớ gì cả. Nó bảo tôi đợi và tôi đợi thôi.
- Ông là một ông chồng dễ tính đấy, ông Bonacieux thân mến ạ! - Giáo chủ nói.
Ông hàng xén tự nhủ: "Đức ông gọi mình bằng ông bạn thân mến. Mẹ kiếp! Mọi việc khá rồi!".
- Ông có nhận ra cửa các nhà ấy không?
- Có chứ.
- Ông biết số nhà chứ?
- Vâng.
- Số bao nhiêu?
- Số 25 ở phố Vôgira, số 75 ở phố Đàn Thụ cầm.
- Tốt lắm - Giáo chủ nói.
Vừa nói, ông vừa cầm một chuông nhỏ bằng bạc và rung chuông. Viên sĩ quan vào và nói nhỏ:
- Đi tìm Rochefort cho ta, bảo đến ngay tức khắc, nếu ông ta đã trở về.
- Bá tước ở ngoài kia - viên sĩ quan nói - Ông ấy yêu cầu được thưa chuyện ngay với Đức ông tối thượng.
- Vậy bảo ông ấy vào ngay đi? - Richelieu vội vã nói.
Viên sĩ quan lao vụt ra ngoài, như mọi người hầu cận thường nhanh nhảu như vậy để tuân lệnh Giáo chủ.
"Với Đức ông tối thượng ư!" - Ông Bonacieux trợn tròn mắt lẩm bẩm.
Viên sĩ quan biến đi chưa được năm giây, cửa đã mở, và một nhân vật mới bước vào.
- Chính hắn? - Bonacieux kêu lên.
- Hắn nào? - Giáo chủ hỏi.
- Kẻ đã bắt cóc vợ tôi.
Giáo chủ rung chuông lần thứ hai. Viên sĩ quan lại hiện ra.
- Hãy giao lại người này cho hai tên lính gác và bảo đợi lại gọi.
- Không, thưa Đức ông! Không, không phải hắn! - Bonacieux kêu lên - Không, tôi nhầm, đây là một người khác chẳng giống hắn chút nào! Quý ông đây là một người lương thiện.
- Mang tên súc sinh này đi! - Giáo chủ nói.
Viên sĩ quan nắm lấy cánh tay ông Bonacieux lôi ra phòng đợi ở đó ông lại gặp hai tên gác ngục.
Nhân vật mới đến sốt ruột đưa mắt nhìn theo Bonacieux.
- Họ gặp nhau rồi - Người này vội vã đến gần Giáo chủ và nói.
- Ai? - Đức ông tối thượng hỏi.
- Bà ta và hắn.
- Hoàng hậu và gã Quận công! - Richelieu kêu lên.
- Vâng.
- Và ở đâu?
- Ở Louvre.
- Ông chắc chứ?
- Hoàn toàn chắc ạ.
- Ai nói với ông?
- Bà De Lonoa, người toàn tâm toàn ý với Đức ông như ngài đã biết đấy.
- Tại sao bà ta không nói sớm hơn?
- Có thể hoặc vì tình cờ hoặc nghi ngờ, Hoàng hậu đã cho bà De Xuyadít ngủ ở phòng bà ta, và canh phòng bà ta suốt cả ngày.
- Hay lắm, chúng ta thua rồi. Hãy cố phục thù thôi.
- Tôi xin toàn tâm toàn ý giúp Đức ông, xin Ngài hãy bình tĩnh.
- Việc đó xảy ra như thế nào?
- Vào lúc mười hai giờ rưỡi đêm. Hoàng hậu đang cùng với các thị nữ của mình.
- Ở đâu?
- Trong phòng ngủ của Hoàng hậu.
- Được lắm.
- Đúng lúc ấy có người đến trao cho Hoàng hậu chiếc khăn tay của người thị nữ lo việc xiêm áo…
- Sau đó?
- Hoàng hậu lập tức tỏ ra hết sức xúc động, mặc dầu đã thoa phấn hồng lên, mặt bà vẫn tái đi.
- Rồi sao nữa? Sao nữa?
- Thế nhưng Hoàng hậu vẫn đứng dậy và lạc giọng bảo: "Thưa các bà, xin đợi tôi mươi phút, tôi sẽ quay lại". Và bà mở cửa khuê phòng rồi đi ra.
- Tạo sao bà De Lanoa không đến báo ngay cho ông?
- Lúc ấy còn chưa chắc điều gì cả. Vả lại, Hoàng hậu đã nói: "Xin các bà hãy đợi tôi", bà ấy không dám trái lệnh Hoàng hậu.
- Và Hoàng hậu ra khỏi phòng trong thời gian bao lâu?
- Bốn nhăm phút.
- Không một thị nữ nào theo hầu?
- Chỉ có mỗi Étxlêphania nương tử thôi.
- Tiếp đó Hoàng hậu có trở lại không?
- Có, nhưng để lấy một cái tráp nhỏ bằng gỗ hồng đào nạm vàng tên tắt của bà rồi lại ra ngay.
- Và sau đó khi trở lại bà ấy có mang cái tráp về không?
- Không.
- Bà De Lanoa có biết trong tráp đựng gì không?
- Có những nút kim cương Hoàng thượng tặng Hoàng hậu.
- Và bà ấy trở về không có cái tráp ấy?
- Vâng.
- Bà De Lanoa cho rằng bà ta đã trao cho Buckingham ư?
- Bà ấy tin chắc như thế.
- Sao lại thế?
- Suốt ngày hôm ấy, với tư cách thị nữ coi đồ nữ trang của Hoàng hậu, bà Lanoa đã tìm cái tráp, và tỏ ra lo lắng khi không tìm thấy nó, cuối cùng phải hỏi Hoàng hậu.
- Và Hoàng hậu bảo sao?
- Hoàng hậu đỏ bừng mặt lên và trả lời đêm trước làm vỡ một trong những nút đó, và bà đã sai đưa đến người thợ kim hoàn của mình để chữa lại.
- Phải qua đấy, để nắm chắc có đúng như thế hay không.
- Tôi đã qua đấy rồi.
- Thế nào? Người thợ kim hoàn bảo sao?
- Người này bảo chẳng nghe thấy nói gì cả.
- Tốt! Tốt! Rochefort, chưa hỏng hết đâu mà có lẽ… có lẽ mọi việc lại còn tốt đẹp hơn.
- Vấn đề là tôi không nghi ngờ thiên tài của Đức chí thượng…
- Lại không sửa chữa nổi những điều ngu xuẩn của nhân viên của mình, cô phải không?
- Đúng là điều tôi định nói nếu Đức ông để cho tôi nói nốt câu.
- Bây giờ ông có biết nữ Công tước De Chevreuse và Huân tước De Buckingham trốn ở đâu không?
- Không, thưa Đức ông, người của tôi không thể nói cho tôi biết mấy về điều đó.
- Thế mà tôi biết đấy.
- Thưa, chính Đức ông.
- Phải, ít nhất ta cũng không ngờ gì về điều đó. Bọn họ, người ở phố Vôgira số nhà 25, và người kia ở phố Đàn Thụ cầm số 75.
- Đức ông ngài có muốn tôi cho bắt giữ cả hai?
- Sợ sẽ quá muộn, họ sẽ đi mất.
- Không sao, cứ thử xem thế nào.
- Hãy lấy mười cận vệ của ta, và lục soát cả hai nhà.
- Thưa Đức ông, tôi đi đây.
Và Rochefort lao ra ngoài.
- Còn lại một mình, Giáo chủ nghĩ ngợi một lát và rung chuông lần thứ ba. Viên sĩ quan lại hiện ra. Giáo chủ bảo:
- Đem người tù vào đây.
Ông Bonacieux lại được dẫn vào. Giáo chủ ra hiệu cho viên sĩ quan rút lui rồi nghiêm nghị nói:
- Ông đã lừa ta.
- Tôi? - Ông Bonacieux kêu lên - Tôi dám lừa Đức ông ư?
Vợ ông khi đến phố Vôgira và phố Đàn Thụ cầm, không đến nhà mấy người buôn vải.
- Vậy nó đến nhà ai hở trời?
- Nó đến nhà nữ Công tước De Chevreuse và nhà Quận công Buckingham.
Bonacieux nhớ lại tất cả nói:
- Vâng, vâng, đúng vậy. - Đức ông có lý. Nhiều lần tôi đã nói với vợ tôi rằng dân buôn vải mà lại ở những nhà như thế thì lạ thật, những tòa nhà không có biển hiệu, và lần nào vợ tôi cũng chỉ cười trừ.
Rồi Bonacieux cũng quỳ sụp dưới chân Đức ông nói tiếp:
- Chà, thưa Đức ông, ngài chính là Giáo chủ rồi, vị Đại Giáo chủ, con người thiên tài mà cả thế giới phải trọng vọng.
Thắng một kẻ vô danh tiểu tất như Bonacieux là hết sức tầm thường, song không phải Giáo chủ không thấy vui vui trong phút chốc. Rồi, hầu như ngay tức khắc, một ý nghĩ mới nảy ra trong đầu ông, với một nụ cười răn rúm trên môi, ông chìa tay ra cho ông hàng xén và bảo ông ta:
- Đứng dậy đi, ông bạn của ta, ông là một con người tử tế.
- Giáo chủ bắt tay tôi. Tôi bắt tay một vĩ nhân! - Bonacieux kêu lên - Bậc vị nhân gọi tôi là bạn!
- Phải, ông bạn ạ, phải đấy? - Giáo chủ nói bằng cái giọng bậc cha mà đôi khi ông vẫn biết đường dùng, nhưng nó chỉ lừa được những người không biết ông - Và vì ông bị nghi oan, nên thế này nhé, ông phải được đền bù. Cầm lấy! Hãy cầm lấy cái túi một trăm đồng tiền vàng và hãy thứ lỗi cho ta.
- Thưa Đức ông, tôi mà lại thứ lỗi cho Đức ông ư?
Bonacieux do dự chưa dám cầm túi tiền, chắc hẳn sợ rằng món quà vờ vịt đó chỉ là một trò đùa, ông ta nói tiếp:
- Nhưng mà Đức ông được tự do bắt bớ tôi. Đức ông được thả cửa cho tra tấn tôi, được tùy thích cho treo cổ tôi. Đức ông là bậc chúa tể, nhẽ đâu tôi dám nói nửa lời, chứ đừng nói đến câu thứ lỗi của Đức ông. Thưa Đức ông, ngài không nghĩ thế ư?
- Ôi, ông Bonacieux thân mến của ta! Ông tỏ ra quảng đại thế đấy ta biết thế, và ta cảm ơn ông. Vậy thế này đi, ông cầm lấy cái túi này rồi ông đi đi, mà không quá bất bình đấy chứ?
- Thưa Đức ông, tôi ra về, lòng cực kỳ sung sướng.
- Vậy vĩnh biệt, đúng hơn là tạm biệt, bởi ta hy vọng chúng ta sẽ lại gặp nhau.
- Bất cứ khi nào Đức ông muốn, và tôi sẵn sàng đợi lệnh của Đức ngài.
- Sẽ thường xuyên đấy, cứ yên tâm, bởi ta thấy cực kỳ mê ly trong cách nói chuyện của ông.
- Ôi, thưa Đức ông.
- Tạm biệt, ông Bonacieux, tạm biệt!
Và Giáo chủ giơ tay ra hiệu, ông Bonacieux đáp lại bằng việc cúi mình sát đất, rồi ông giật lùi đi ra và khi ra tới phòng đợi.
Giáo chủ nghe thấy ông ta, trong cơn cuồng nhiệt, ráng sức kêu to: "Đức ông muôn năm! Đức ngài muôn năm! Đại Giáo chủ muôn năm!". Giáo chủ mỉm cười nghe sự biểu lộ ồn ào những tình cảm cuồng nhiệt của ông Bonacieux rồi khi tiếng hô của ông ta tắt hẳn ở phía xa, Giáo chủ nói:
- Tốt lắm, từ nay đây là một người sẵn sàng chết vì ta.
Và Giáo chủ chuyển sang khảo sát hết sức chăm chú tấm bản đồ thành La Rochelle, như ta đã nói, được trải rộng trên bàn, rồi lấy bút chì vạch một đường kẻ nơi con đê trứ danh sẽ đi theo và mười tám thâng sau sẽ bịt kín bến cảng của thành phố bị bao vây ông đang chìm sâu trong những suy tư chiến lược thì cửa mở và Rochefort đi vào.
Giáo chủ đứng phắt lên chứng tỏ tầm quan trọng của nhiệm vụ ông trao cho Bá tước, và vội hỏi:
- Thế nào?
- Thế đấy - Ông Bá tước nói - một thiếu phụ chừng hai sáu đến hai tám tuổi và một người đàn ông khoảng ba nhăm đến bốn mươi quả nhiên đã trọ, một người bốn ngày, người kia năm ngày, trong những ngôi nhà mà Đức ông đã chỉ rõ, nhưng người đàn bà đã đi khỏi đêm nay và người đàn ông sáng nay.
- Chính chúng rồi! - Giáo chủ kêu lên và nhìn đồng hồ - Bây giờ, quá muộn để đuổi theo rồi. Nữ Công tước đã ở Tours và Quận công ở Bulônhơn. Phải đuổi kịp họ ở London.
- Đức ông ra lệnh mới thế nào ạ?
- Không được lộ một câu chuyện đã xảy ra. Hoàng hậu phải được an toàn tuyệt đối. Bà ấy không được biết chúng ta biết được bí mật của bà ấy. Bà ấy phải tưởng rằng chúng ta đang điều tra một âm mưu nào đấy. Phái ông chưởng ấn Xêghiê đến chỗ ta.
- Thế còn con người ấy, Đức ông đã làm gì?
Con người nào? - Giáo chủ hỏi.
- Cái tay Bonacieux ấy?
- Ta đã làm tất cả những gì có thể làm. Ta đã biến hắn thành tên gián điệp theo dõi vợ hắn.
Bá tước nghiêng mình với tatư cách người nhận ra tầm siêu việt lớn lao của bậc thầy và đi ra.
Còn lại một mình, Giáo chủ lại ngồi xuống, viết một bức thư, và đóng dấu riêng của mình, rồi lắc chuông. Viên sĩ quan vào lẩn thứ tư.
- Gọi Víttray đến đây cho ta - Ông nói - và bảo hắn chuẩn bị một cuộc hành trình.
Một lát sau, người mà ông yêu cầu đã đứng trước mặt ông, đầy đủ ủng và đinh thúc ngựa.
- Víttray! - Giáo chủ nói - Ông đi thật nhanh đến London. Không được dừng lại giây lát nào ở dọc đường. Đưa thư này cho Milady. Đây là một ngân phiếu hai trăm đồng vàng, ông hãy qua thủ quỹ của ta để lĩnh tiền. Ông sẽ được lĩnh ngần ấy nữa nếu trong sáu ngày quay lại có mặt ở đây và hoàn thành tốt nhiệm vụt ta giao.
Phái viên không trả lời một câu, cúi mình, cầm thư và tấm ngân phiếu hai trăm đồng vàng rồi đi ra.
Đây là nội dung bức thư.
Milady,
Hãy có mặt ở buổi khiêu vũ đầu tiên Quận công De Buckingham tham dự. Ông ta sẽ có trong áo chẽn của mình mười hai nút kim cương, hãy lại gần ông ta và cắt lấy hai viên. Chiếm đoạt được mấy viên kim cương đó, báo cho ta ngay tức khắc.