Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Khi chúng tôi đến, ngõ vào nhà cô Tài đã dựng đầy những xe máy, bên trong không còn chỗ để nên chúng tôi phải gửi xe vào nhà dân gần đó. Ban đầu tôi nghĩ vào phủ sẽ thấy một khung cảnh u ám với cửa đóng vòng trong vòng ngoài, một tủ thờ vĩ đại, trên trưng ra hai ngọn đèn đỏ, người ngồi khấn vái lụp xụp. Nhưng đi đến trước cổng tôi mới thấy mình nhầm, phải nói là tiếng người từ trong vọng ra rất ồn ào, giống như một phiên chợ thu nhỏ.
Qua cánh cổng sắt mở rộng, chạy suốt dọc khoảng sân diện tích đến 80m2, đếm qua tôi cũng thấy được 50 chiếu dải thành bốn hàng dọc. Người với người chen nhau ngồi khắp các chiếu, cứ năm sau người quây lại thành một vòng cung, họ chụm đầu trước một chiếc bàn nhựa, đồ đạc là để trên bàn đó.
Nhà tôi đã cử người tới đây xí chỗ trước, vì nghe giới thiệu là tầm này sẽ có đông người đến gọi, nhưng dù đông cũng không nghĩ đến cảnh tượng này. Trong lúc loay hoay tôi may mắn tìm được chiếu nhà mình, bên cạnh cũng toàn người làng, họ đến dây gọi vong liệt sĩ. Hóa ra cô Tài còn gọi được vong liệt sĩ, thảo nào mà tiếng tăm cô phát triển như vậy.
Sau khi đã yên vị, chiếu hàng xóm mới mách chúng tôi cách để vong nhập xác. Đầu tiên phải lấy thân chuối tươi đã chuẩn bị sẵn ra, cắm ba que nhang lên cho nó cháy. Bày trên bàn một đĩa gạo, ít bánh xếp vào một bên, ít hoa quả xếp vào bên đối diện. Nhất thiết phải đem ảnh vong dựa vào thân chuối để vong có lên còn biết mà nhận mặt. Nhà tôi đem theo trứng gà sống để lên đĩa gạo, đây là lòng thành của con cháu, ai biếu được cái gì thì biếu. Tiếp đến là dâng sớ đến trình trong phủ cô Tài, hiểu đơn giản là cô có thể dùng sớ như lệnh bài chiêu hồn, mẹ tôi bảo cô sẽ triệu tập vong từ dưới Âm tào lên, sau đó nhà tôi mới hô vong nhập xác.
Nghe đã ảo diệu, tới khi bắt tay vào hành động còn thấy kinh ngạc hơn. Trong lúc nhà tôi cho người đi trình sớ vào phủ, tôi được dịp chứng kiến cảnh vong nhập xác. Tức là lúc đó bên chiếu hàng xóm đã có hồn về, thẻ hương cháy sắp tàn, người ta lại vội vã thắp ba nén mới lên, để mong cái làn khói mỏng manh ấy bợ đỡ cho chân vong ở dương thế. Vong là thần là thánh, đừng ai nghĩ vong là ma quỷ, tôi đoán là họ không muốn người thân mình bị so với ma quỷ, nên mới phải chiều như chiều vong. Họ lim dim mắt, ngồi xếp bằng hai chân và hơi rung rung người. Có khoảng ba bốn người hợp vong nên bắt đầu nhập tịnh, những người còn lại dùng lời nói dịu dàng để vong ngồi lên đầu lên cổ, nhập xác con cháu mình.
Cảnh đó nói thật là hết sức buồn cười, người nói thì mỗi miệng một câu, có khi người này nói vong khôi ngô đẹp đẽ, người khác lại nói vong cường tráng đẫy đã, nói tới hết các mĩ từ để tả người, khiến tôi cũng phải ngó xem ảnh người được gọi trông thế nào. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi, ảnh chụp khi vừa lấy vợ, sau thì ra trận và hy sinh tại chiến trường B. May mắn là người này cũng đã có hai con gái, hôm này họ đưa mẹ và mấy đứa nhỏ đến tìm ông ngoại. Chả thế mà trong những người ngồi nhập tịnh có một thằng bé, tuổi tầm 11, cũng nhắm mắt xếp bằng, tôi nghĩ nó bắt chước người thân nên không để ý.
Nhưng tới khi bên nhà tôi bắt đầu làm lễ, chiếu hàng xóm bỗng khóc òa lên, tôi nhìn sang thấy mấy người lớn đều vật ra chiếu khóc, họ vái lấy vái để đứa nhỏ. Thằng bé kia mặt đỏ tía tai, hai mắt nhắm chặt, tay chống xuống đùi, ngổi thẳng người dậy. Nhập rồi, đấy ông cháu hợp nhau, mới đó đã lên rồi đấy. Tôi nghe loáng thoáng thấy mẹ và bác nói với nhau, thú thật là tôi không tin chuyện này, tới khi thằng bé kia bắt đầu hành động, bản thân lập tức bị một phen kinh thần.
Vì là lần đầu mục sở thị cảnh vong nhập nên người nhà tôi đều tập trung quan sát. Lúc đó có cả bố tôi chứng kiến, bố cũng không thể giải thích nổi, một đứa trẻ 11 tuổi, sau khi lử đử ngồi lắc vài vòng, đột nhiên hai mắt đổ lệ. Tức là nó khóc mà không thành tiếng, khóc tới mức ướt hết cổ áo, hai tay vẫn chống đùi, chân rung rung, không nói không rằng mà cứ thế khóc.
Cô Tài được mẹ tôi nhờ xuống hướng dẫn gọi vong trông thấy, liền quỳ bến cạnh thằng bé, bảo với nó là bác trai về gặp vợ con phải không, bác về thì phải mừng chứ, sao bác lại khóc. Qua một lát mới thấy tay trái đứa bé giơ lên, nó đấm mấy cái vào ngực, nước mắt vẫn rơi lã chã.
“Đau lắm.”
Đứa bé vừa đấm vừa nói, điệu bộ như một người trưởng thành đang than vãn. Cô Tài lại ngọt nhạt hỏi, bác đau thế nào.
“Bị giặc bắn vào đây. Đau lắm.”
Thế là cả chiếu lại thi nhau khóc, người lớn tuổi nhất bên đó, cũng là vợ của liệt sĩ kia liền ôm tay đứa nhỏ, gào khản tiếng, giọng già cả nghe vô cùng thảm thiết. Cô Tài nói gia đình phải bình tĩnh, vong là liệt sĩ nên có thể hy sinh trong khi bị thương tích khắp người, được lên gặp người nhà thì phải hết sức an ủi, khóc thế không giải quyết được việc gì. Cô hướng dẫn phải mời mọc khuyên giải, hỏi han vong, rồi từ từ mới được xin đưa vong về, nghĩa là khi vong ưng rồi thì sẽ chỉ chỗ nằm cho mà tới đón.
Bên nhà đó lập tức nín khóc, họ rót rượu và châm thuốc lá cho thằng bé. Nói những lời hết sức tình cảm, người nào là vợ thì nhất nhất hỏi ông có nhận ra tôi không, xong lại tới hai cô con gái, mà trong hai người bọn họ có một người là mẹ đứa nhỏ, nhưng lúc này cũng một câu bố ơi, hai câu bố ơi. Cảnh tượng trở lên hỗn loạn, bản thân tôi lại không nhịn nổi cười, đấy là còn chưa đến màn chính. Đứa trẻ sau một hồi khóc than, nó đỡ cốc rượu và điếu thuốc, hai mắt vẫn nhắm chặt, một hơi nó lốc cạn cốc rượu gạo trong tay. Tiếp đó nó rít mấy hơi thuốc, hít vào đâu, thở ra đường nào, mặt làm biểu cảm ra sao, nó đều thể hiện được hết.
Có bao nhiêu đứa trẻ 11 tuổi làm được như vậy? Cảm giác lúc đó của tôi giống như mình vừa gặp ma, trán lấm tấm mồ hôi và mặt biến sắc. Nếu thực sự là vong nhập, vậy trong khoảng sân này có bao nhiêu hồn ma đang hiển hiện. Chưa bao giờ cảm giác âm dương lại gần nhau như vậy, cứ chốc chốc từ một góc nào đó lại vang lên tiếng khóc, báo hiệu vong đã nhập và người nhà mừng không cầm được nước mắt khi thấy người quá cố trở về.
Ấn tượng của tôi về lần đầu tiên đi gọi vong chỉ dừng lại ở đấy. Nhà tôi ngồi hết buổi chiều cũng không gọi được bà lên, cô Tài giải thích là bà tôi mới mất nên chưa đi mây về gió nhanh như vậy được. Nếu gia đình kiên trì thì hôm sau lại đến gọi, cô sẽ hỗ trợ đưa đường chỉ lối cho. Bản thân tôi rất tò mò về việc vong nhập xác người sống như vậy, không biết cơ chế để một người bị vong nhập diễn ra thế nào, tâm sinh lý người đó thay đổi ra sao, cảm giác khi người khác nhập vào mình có được bình thường không, có nhận biết được xung quanh không... Thế nên hôm sau tôi lại theo mẹ đi sang nhà cô Tài lần nữa.
Ngày nào ở chỗ cô cũng đông như vậy, lần này nhà tôi lại ngồi cạnh chiếu người làng, thời kỳ tổng động viên năm đó có rất nhiều thanh niên trai tráng lên đường vào Nam. Phần lớn đều hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên, rất ít người còn tìm lại được hài cốt, thân nhân họ đến trung tâm này để mong có cơ may đoàn tụ với người liệt sỹ thất lạc.
Ông ngoại tôi cũng mất trong đợt đó, sau khi thấy người ta đi gọi vong liệt sĩ đông như vậy, gia đình tôi cũng thử gọi ông, nếu được thì để hai ông bà gặp nhau một thể. Những người hợp ông như tôi, bác cả hay bác thứ đều ngồi vào thiền tịnh, có lúc tôi cảm giác người hơi nâng nâng, toàn thân thả lỏng, tay chân bỗng nhiên mất hết sức lực. Nhưng cảm giác đó qua nhanh, chỉ loáng một cái là tôi lại tỉnh táo, đó cũng chưa phải là vong nhập.
Lúc mọi người không để ý nhất thì tự nhiên chị họ tôi lại gục đầu xuống, sau đó chị ấy khóc như thằng bé hôm trước, mẹ tôi thấy đầu tiên nên vội hú hồn gọi tên ông, hỏi có phải ông P đấy không? Đầu chị họ tôi cúi sâu, nước mắt chảy thành giọt xuống chân, nhưng không để ai thấy là mình khóc, phải hỏi đến câu thứ tư chị mới gật gật đầu. Mẹ tôi lập tức nắn tay nắn chân chị ấy, xúc động mà khóc nấc lên, ông ngoại hy sinh trước khi mẹ ra đời, có ngày gặp lại như vậy quả thực là kỳ tích.
Mọi người hỏi “ông” xem có bị đau đớn ở đâu không, nghe chừng “ông” tôi nói chuyện rất khó khăn. Cô Tài bảo là do chỗ ông nằm bị mối hoặc kiến làm tổ, che hết mũi miệng ông. Gia đình tôi thương quá, bao nhiêu năm ông phải nằm nơi đất khách quê người, thân thể còn bị xâm phạm tới mức đó, giờ quyết tâm phải đón ông về đây mai táng đàng hoàng. “Ông” ngồi được chục phút thì người ngả ra, mắt vẫn nhắm nghiền như không thấy gì, bác cả và bác hai nhà tôi đỡ lấy người “ông”. Hai bác bảo chị họ tôi lúc đó nặng lắm, đỡ mãi không thẳng lên được, người cứ như đeo đá, đến hai bác cũng phải dựa tường mới đỡ được chị ấy.
Mẹ tôi vừa khóc vừa hỏi, bố biết con là ai không, con là đứa út, bố bỏ lại mẹ con con đi B, từ đó bặt vô âm tín, mẹ con con khổ trần đời bố ơi. “Ông” không nói gì, mặt cứ méo xẹo đi, vừa ngừng khóc được giây lát, “ông” lại giọt ngắn giọt dài, đầu hơi gật gật. Mỗi vong lên biểu hiện lại một khác, tôi thấy chủ yếu họ khóc rất nhiều, có người còn trách cứ thân nhân, hờn dỗi đủ kiểu, nhưng thái độ như ông tôi thì hiến lắm. Bác cả tôi vừa lau nước mắt cho “ông” vừa nói, bố có đau ở đâu thì nói chúng con, muốn ăn muốn uống gì cứ chỉ, con cháu bố ở cả đây mà. Lúc này “ông” liền chỉ vào cổ, sau đó xua xua tay.
Bác tôi vẫn hỏi, đến câu cổ họng bố bị giặc đâm trúng phải không, “ông” mới gật đầu. Cô Tài bảo phải từ từ để ông hồi lại mới nói chuyện được, nhà tôi gặp được ông như thế này là nhanh đấy, có gia đình đến đây ba bốn ngày mới gặp. Nói theo cách tích cực thì là ông vẫn luôn dõi theo con cháu, hồn phách nhớ đường nhớ lối mà về nhà phù hộ cho toàn gia. Chúng tôi khóc thêm hai ba mươi phút nữa, tới khi thấy “ông” không còn rầu rĩ thì bác cả tôi mới hỏi, bố đã hết đau chưa.
“Ông” bây giờ đã có thể nói, ban đầu chỉ ậm ừ mấy tiếng, hai mắt “ông” nhắm nghiền, nhưng vẫn ngoái lại nhìn bác tôi. Bác hai hỏi tiếp, rằng thì mẹ con vừa mất, bố đã biết chưa. “Ông” đáp là biết rồi, nhưng còn chưa gặp được. Sau đó ông hỏi lại, thế mẹ mày đi thì ai ở nhà trông đàn lợn, chúng mày còn nhỏ trông không đặng rồi chúng nó chết ra.
Tức là ông vẫn nhớ hồi trước khi đi B, nhà bà có nuôi một chuồng lợn, bấy giờ các bác tôi còn nhỏ, ông chỉ nghe mà không thấy được ai với ai. Chị họ tôi hơn tôi sáu tuổi, tôi không nghĩ là chị ấy biết được những chuyện từ thời của ông tôi, nhưng khi các bác hỏi, chị đều trả lời, có câu đúng, có câu bỏ qua vì lâu rồi không nhớ nữa. Phải nói thật là tôi bị thay đổi nhận thức hoàn toàn sau hai ngày tới trung tâm này, nếu ai đó chưa từng thấy vong nhập sẽ nghi ngờ chuyện của tôi. Kiểu như thầy gọi vong lên xong nói những cái chỉ có dưới cõi âm thì đó là lừa đảo, tôi đây là chính mắt thấy người nhà mình nhập, đang bình thường bỗng thành người khác, miệng nói được vanh vách chuyện ngày xưa.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, chiếu hàng xóm cùng lúc cũng có vong lên, người nhập là con trai của liệt sĩ ấy. Ban đầu nhà tôi mải hỏi chuyện ông nên không để ý, mãi sau thấy chiếu bên rậm rịch thì mới nhìn sang. Chú bị vong nhập mặt đỏ như mặt gà trọi, mắt nhắm hờ, đang ngồi đột nhiên chú ta đứng phắt dậy, chân nghiêm tay đặt trước trán như đang chào cờ. Mọi người cùng không hiểu chuyện gì, tự nhiên thấy chú ấy hô một hai một hai, chân dậm tại chỗ, bác cả tôi mới chỉ chú ấy, hỏi “ông”:
“Kia là chú S, chú đi B với bố ngày xưa đấy, nhà chú ngay đằng sau nhà mình, bố nhớ không?”
“Ông” tôi ngửa mặt nhìn, sau lại nói:
“Không phải. Thằng S tao còn lạ gì, nó ngày trước làm liên lạc viên xong xung phong lên tuyến trên, thằng S nào ở đây.”
Cả nhà tôi và nhà hàng xóm đều bất ngờ trước câu nói của ông. Bên nhà đó còn hỏi chú bị vong nhập xem có nhận ra ai đang ngồi kia không, vong ấy không trả lời, dậm chân vài cái liền lập tức rời đi. Nhà tôi lấy làm phân vân lắm, hỏi cô Tài thì cô bảo vong tất nhiên phải nhận ra nhau, nhìn người có thể không rõ nhưng không có chuyện nhận nhầm vong. Vì thế mà nhà tôi có phần khó nghĩ, nếu ông mình đúng thì kia không phải liệt sĩ S, cái vong nhập vào người chú ấy là của ai, không phải vong của người nhà có vấn đề gì không.
Cơ bản là chuyện đó không thuộc quản lý của nhà tôi, mọi người lại quây vào hỏi han tình hình ông, rằng ông có nhận được giầy dép quần áo cúng giỗ gửi xuống hàng năm không. “Ông” bảo không nhận được gì sất, ở dưới đấy người ta phân phát đồ như thời bao cấp, chẳng biết quần áo của ai, mà mấy thứ tiền giấy, tiền âm phủ cũng không dùng được, tốt nhất về sau đừng có đốt nữa.
Hỏi ông ngày giỗ mà nhà làm cho ông có đúng không, ông bảo sai rồi, nhưng giờ bà đã không còn thì ông chẳng về làm gì nữa. Nhà tôi chột dạ, bảo hay là để bố cho bọn con cái địa chỉ của bố,để bọn con vào đón bố ra, đoàn tụ với mẹ con ngoài này. “Ông” liền gạt đi, đáp chúng mày không phải đi tìm, tao ở đấy có bạn có bè, về đây một chốc một lát rồi lại vào chiến khu thôi. Dù là con nào nói ông cũng không chịu để đưa hài cốt về, hỏi mãi ông đâm ra giận, không nói không rằng gì nữa.
Mẹ tôi giờ nhớ lại vẫn thương ông, bảo là ông vì con vì cháu, chắc chỗ yên nghỉ trong rừng rú xa xôi, không muốn con cháu phải khổ mà đi vào đó đưa ông ra. Có khi xương cốt cũng mục hết, như nhà nào đi đón hài cốt liệt sỹ về chỉ được một nắm đất không nguyên vẹn đấy. Bố tôi lại nói, chắc ông cũng chẳng nhớ xương cốt nằm đâu nữa, bao nhiêu năm như vậy rồi, ông đi mây về gió suốt, muốn ông chỉ đường người trần mắt thì là bất khả thi.
Trò chuyện với ông được trọn vẹn bốn tiếng, ông bảo mệt nên phải đi, còn dặn là từ giờ không cần con cháu đi gọi thế này nữa, nhọc công ông lắm. Nhà tôi vâng lời, sau đó thấy chị họ đang ngồi đột nhiên thả lỏng toàn thân, hai bác đỡ sau lưng cũng không còn thấy nặng nề như trước nữa. Khoảng dăm phút sau thì chị họ tôi tỉnh, mọi người hỏi chị có nhớ gì không, cảm thấy trong người thế nào, đầu óc đã tỉnh táo chưa.
Chị bảo lúc nãy ngồi lim dim, tự nhiên mắt díp lại, tai vẫn nghe thấy tiếng nói nhưng không đáp được. Chị cũng biết nước mắt chảy ra, nhưng không tài nào cho tay lên lau đi, kiểu như toàn thân thoát lực, mệt mỏi không buồn nhấc tay. Quá trình tiếp theo chị chỉ nghe thấy mọi người xung quanh nói chuyện, không thấy gì cũng không đáp gì, gần như mất hết tri giác. Giờ tỉnh lại cảm thấy xương cốt rã rời, người chỉ trực lả đi, nếu ai từng bị bóng đè sẽ hiểu hoàn cảnh của chị tôi lúc bấy giờ, chính xác đó là một dạng bóng đè, não bộ vẫn thức nhưng mọi giác quan đều không hoạt động.
Vong nhập vốn dĩ là chuyện rất hoang đường, một người còn sống không bị bệnh gì về thần kinh, bỗng thay đổi suy nghĩ, nhớ được cả những chuyện xảy ra từ khi mình chưa đẻ, chỉ kể lại thôi tôi đã thấy khó tin. Nếu không tận mắt chứng kiến, lại chính người nhà mình trực tiếp liên quan, chỉ như vậy mới không thể bị ai mua chuộc, cũng không thể nói mò mà đúng được chuyện trong quá khứ. Vong ấy tôi gọi là vong nhà mình, còn trường hợp không phải vong nhà mình nhập vào, tình hình sẽ khác hoàn toàn, vong đó được gọi là Âm Binh. Cũng trong mấy ngày đó, tôi được thấy luôn cả Âm Binh nhập người sống, cảm giác như trải nghiệm thực tế về thế giới tâm linh.