Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Đã là ngày thứ ba Khả Ái cùng gia đình du lịch ở bãi biển Hòn Tầm, Nha Trang. Là cô gái với nước da ngâm nên cô chẳng sợ nắng. Trong khi biết bao cô gái Việt Nam cảm thấy tự tin hơn với nước da trắng và làm mọi cách không tự nhiên để biến đổi nước da trời sinh của mình, thì Khả Ái lại rất hài lòng với làn da ngâm sẵn có, và đó không bao giờ là lý do cản trở cô thoả thích ngoài biển giữa trời nắng ấm. Khả Ái đang ngâm mình dưới cái nắng đầu ngày dịu dàng. Những tia nắng sớm bao phủ khắp thân thể cô gái trẻ đầy sức sống đang thả mình giữa bãi cát trắng mịn màng, cô khẽ nhắm mắt, giang tay như muốn chào đón những tia nắng non còn đang e ấp toả sáng. Ánh nắng ban mai hong khô những giọt nước mắt vừa từ khoé mi cô rơi xuống. Đôi chân mày khuôn khổ của cô đang nhíu lại không phải vì nắng mà vì sự nghẹn ngào.
Trong ba ngày qua, Khả Ái thật hạnh phúc với sự đoàn tụ gia đình, với sự hiện diện của ba khỏa lấp nỗi nhớ nhung cô dành cho ông. Nhưng bên cạnh đó cô cũng phải chứng kiến đủ nhiều những sự lén lút không rõ ràng của ông, những cuộc điện thoại bí mật, những khi bỏ đi đâu đó vô cớ, những lời giận dỗi, trách móc của mẹ, khiến cô thấy niềm hạnh phúc đó chỉ là ảo tưởng, giả tạo. Cô đã phải chứng kiến điều này gần hai năm nay nhưng không thể nói với ai. Với biểu hiện và lòng tin tuyệt đối của mẹ nơi ba, với hình tượng ông chồng chuẩn mực, chung thủy với vợ, yêu thương gia đình gần 30 năm chung sống, chắc chắn bà không nghi ngờ gì, mẹ chỉ đơn thuần trách ba cứ đem công việc vào thời gian nghỉ của gia đình, hoặc giận vì ba vô tâm, cô thầm mừng vì điều đó, bởi nếu mẹ biết bà sẽ hoàn toàn sụp đổ. Đối với mẹ, gia đình là ưu tiên, ba là điều quan trọng và là người mẹ tin tưởng nhất, đôi khi sự vô tâm của ba làm tổn thương mẹ nhưng mẹ chưa bao giờ để con cái nghĩ xấu về ba, và cũng chẳng hề tâm sự với chị em, bạn bè về điều đó. Cô cũng không dám nói với chị hai, vì từ nhỏ hai chị em rất thần tượng ba và tự nhủ sẽ kiếm người đàn ông như ba làm chồng, cô không muốn chị phải có cảm nhận như mình, mất đi niềm tin vào người đàn ông, khi chị trong độ tuổi gần lên xe hoa thế này.
Cô dường như cảm thấy bế tắc trong vấn đề này, cô sợ đến một ngày nào đó sự thật sẽ đổ bể, rồi đến cả hạnh phúc ảo tưởng cũng không còn. Càng ngày cô càng sợ óc quan sát của mình, cô ước rằng mình không hay biết gì thì sẽ tốt hơn.
"Khả Ái lên ăn thôi con!" Mẹ gọi cô.
Khả Ái miên man với những suy nghĩ đắng lòng, cùng từng dòng nước mắt đua nhau chảy đến tận trưa mà cô không hay biết. Nghe tiếng mẹ gọi càng làm cô cảm thấy xót thương cho bà.
"Hôm nay là ngày cuối rồi. Chiều nay sẽ về Sài Gòn nên các con tranh thủ ăn xong thu xếp hành lý cho kịp giờ trả phòng." Ông Khanh dặn dò các con rồi quay sang bảo vợ: "Em còn muốn mua đặc sản, quà cáp gì nữa không? Trả phòng rồi trên đường về ghé mua luôn hay em định sao?"
"Dạ! Vậy cũng được!"
"Sao con gái ba buồn vậy?"
"À không! Vì chơi chưa đã, về phải đi học tiếp" Cô kiếm lý do lấp liếm cho nguyên nhân thật. Nhìn thấy những lúc ba ngọt ngào với mẹ, cô chẳng hiểu ba đang nghĩ gì? Tình cảm của ba đang như thế nào? Có phải bây giờ ba đối với mẹ chỉ còn là trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, ba đang bù đắp cho điều ba đang làm? Còn đối với chị em cô thì như sao? Còn biết bao nhiêu điều mà ở cái tuổi 16 như cô bây giờ chưa được trải nghiệm, cô phải làm sao để cứu vớt gia đình này? Cô cảm thấy nặng nề khi nghĩ về tương lai của gia đình mình.
Tối hôm sau, Tuệ Lâm đang trang hoàng phòng khách. Ông Thái thì đang mở bánh kem và kiếm hộp quẹt lửa để thắp nến. Anh Hai lo về phần quay phim chụp hình. Ba cha con đang định làm bất ngờ cho sinh nhật của mẹ Tuệ Lâm. Lúc này bà Vân - mẹ cô - đang trên phòng ngủ và chẳng hay biết gì.
"Ai bấm chuông kìa! Con ra mở cửa đi Tuệ Lâm."
Tuệ Lâm bất ngờ với Khả Ái đứng trước cửa vài giây rồi cô mỉm cười và mời cô bạn vào nhà. Trong lòng Tuệ Lâm vui thật sự vì lần gặp nhau trước phòng dịch vụ học sinh cô cứ nghĩ Khả Ái đang giận mình, hoặc vì chuyện tình cảm mà tình bạn giữa cô và cô bạn bị ảnh hưởng. Sự hiện diện của Khả Ái hôm nay làm cô bớt đi một phần lo âu.
"Sao hôm nay cậu qua đây vào giờ này vậy? Gia đình đang làm sinh nhật cho mẹ, cậu cùng tham gia cho vui nha." Tuệ Lâm vừa kéo tay cô bạn vừa nói.
Nghe vậy Khả Ái dừng bước vì cảm thấy như mình đến không đúng lúc. "Ủa vậy hả? Vậy thôi tớ về đây, mai tớ ghé!"
"Vào nhà chơi đi con, gia đình xem con như con gái trong nhà mà, đừng ngại." Ông Thái lên tiếng.
Có vẻ không thể từ chối được bác trai, và thật lòng Khả Ái qua đây vì không muốn về nhà hôm nay, cô cũng đã nói dối ba mẹ là có bài tập cần làm với Tuệ Lâm. Khả Ái vào nhà phụ Tuệ Lâm bày biện mọi thứ. Khi tất cả đã hoàn thành, anh Hai vào mời bà nội ra trước để vui cùng con cháu, còn ông Thái thì lên phòng ngủ để dẫn vợ xuống. Phòng khách chìm trong bóng tối cho đến khi nghe tín hiệu của ông Thái thì nến từ từ được thắp lên như kế hoạch. Khi ông Thái dẫn vợ từ cầu thang bước xuống thì cả gia đình hát bài chúc mừng sinh nhật, với bánh kem tươi đầy hình hoa hồng được Tuệ Lâm cầm trên tay. Cả nhà vỗ tay kết thúc bài hát trong sự nghẹn ngào, cảm động của bà Vân. Hai anh em Tuệ Lâm lần lượt chúc mừng và tặng quà cho mẹ. Rồi đến ông Thái cũng tặng quà và hôn lên má vợ một cái thật ngọt ngào trong tiếng vỗ tay của gia đình.
"Đây là cách mừng sinh nhật mà em thích đúng không? Không rình rang, cầu kỳ nhưng ấm cúng với gia đình." Ông Thái nói với vợ.
"Cám ơn anh và các con. Con cám ơn mẹ. À, cám ơn con gái Khả Ái nữa." Bà Vân cảm thấy hạnh phúc vô cùng và đây chính xác là những điều bà muốn.
Khả Ái đứng đó chứng kiến mọi sự. Cô cũng rươm rướm nước mắt vì hoà vào hạnh phúc cùng gia đình Tuệ Lâm, và vì tủi thân khi nhớ về vấn đề của gia đình mình. Khi buổi tiệc kết thúc cũng đã hơn nữa đêm nên Khả Ái gọi về xin phép ba mẹ cho cô ngủ luôn tại nhà Tuệ Lâm đêm nay, và mai cũng là ngày nghỉ.
"Cậu đi chơi vui không?"
"Ừ! Cũng vui! Nhưng bây giờ phải tập trung học vì đã nghỉ mấy buổi học rồi."
"Ừ! Cậu có gì muốn kể với tớ không?" Tuệ Lâm đang muốn nói về chuyện Trường Hy.
"Ừ thì! Thôi ngủ đi. Tớ mệt rồi." Khả Ái có rất nhiều chuyện muốn nói với cô bạn thân. Chuyện gia đình, chuyện Trường Hy. Nhưng dường như cô không cách nào mở miệng được. Cô cần suy nghĩ thêm về việc chia sẻ với Tuệ Lâm chuyện gia đình. Cô cảm thấy tủi thân, xấu hổ về những chuyện gần đây của gia đình mình và chút ganh tỵ với gia đình Tuệ Lâm, liệu cô bạn luôn sống trong hạnh phúc đầy đủ thế này có thể hiểu được cho hoàn cảnh của mình? Về chuyện Trường Hy, cô đã hứa với anh sẽ để anh là người nói với Tuệ Lâm chuyện này.
Ba ngày sau đêm sinh nhật mẹ Tuệ Lâm.
Trong không khí đêm tĩnh lặng, tiếng bước chân Tuệ Lâm nện vào sàn cầu thang gỗ vang vọng khắp cả phòng khách. Cô nàng không đơn giản là bước, nói đúng hơn là phóng như bay xuống các bậc thang. Cô vấp ngã ở bậc nhảy cuối cùng nhưng vẫn không tỏ ra đau đớn, mà lập tức đứng lên chạy xiêu vẹo đến một anh chàng thanh niên cao to đang đứng ngay giữa phòng, cô nhảy bổ vào người anh ta, câu cổ, rồi cười như la toáng lên, với đôi chân vẫn chưa chịu đứng yên vì phấn khích.
"Anh Trần Vỹ của em! Anh về khi nào vậy? Anh Trần Vỹ! Anh khoẻ không? Sao anh đi lâu vậy? Bây giờ mới chịu về thăm gia đình em? Lần này anh về bao lâu?" Tuệ Lâm vừa ôm cổ chàng thanh niên, vừa nhảy lưng tưng, rồi đặt một lèo câu hỏi.
"Chèn ơi! Coi nó kìa, con gái gì mà như con trai. Khẽ thôi! Bà Nội đang ngủ!" Bà Vân nhắc nhở con gái.
"Anh nghẹt thở sắp chết rồi! Buông anh ra cho anh trả lời rồi giết anh sau vẫn chưa muộn!" Trần Vỹ nói trong vẻ nghẹt thở.
Nghe Trần Vỹ lên tiếng Tuệ Lâm mới chịu buông anh ra. Lúc này cô mới bắt đầu có cảm giác đau ở chân do khi nãy té cầu thang. Cô khuỵa xuống vì cơn đau bất chợt. "Ui da! Chân bị gì vậy ta?"
"Do cái tật hấp tấp của em đó. Đi bao năm nay trở về em vẫn chẳng thay đổi." Trần Vỹ vừa đỡ cô lên ghế, vừa nói.
"Anh nhanh trả lời hết mấy câu hỏi của em đi. Ủa mà hồi nãy em hỏi gì vậy?"
"Con nhỏ này thiệt chịu không nổi mà." ông Thái ôn tồn cười.
"Dạ, lần này con về đây 9 tháng, do sự điều phối của công ty bên đó. Mấy năm nay con muốn về thăm gia đình lắm nhưng vì công việc không cho phép."
"Tớ cứ tưởng cậu quên luôn gia đình này rồi chứ. Thỉnh thoảng tớ liên lạc cậu cũng không nói chuyện được nhiều." Anh hai của Tuệ Lâm trách móc.
"Làm sao mà quên cho được, nhờ có gia đình mà con mới có ngày hôm nay." Trần Vỹ nói đầy thành ý, rồi tiếp sau vài giây.
"Trong thời gian này con có thể ở tạm nhà hai bác không ạ? Khi nào tìm được chỗ thích hợp con sẽ dọn ra."
"Coi nó nói chuyện kìa! Đúng là trưởng thành thật sự rồi. Căn phòng lúc trước của con vẫn còn trống, con cứ tiếp tục ở cho hết chuyến công tác này đi, không cần phải ra ngoài ở đâu. Càng đông càng vui mà." Ông Thái nhẹ nhàng nói.
"Hay muốn ngủ dưới sàn phòng tớ không? Chỗ đó cũng còn trống dành cho cậu" Anh hai nói đùa khi nhớ ngày trước, hai người chơi game đến khuya rồi ngủ tại chỗ đến sáng.
"Anh hai đúng là vô duyên có thừa." Lâm liếc anh mình rồi quay sang Trần Vỹ nói tiếp: "Đúng rồi anh Trần Vỹ ở đây luôn đi, vừa đỡ tốn tiền mướn nhà mà em vừa đỡ tốn tiền mướn gia sư về học trong chín tháng."
"Mỗi lần có thằng Vỹ là con không biết con phải anh hai của nó không nữa."
"Đâu có anh hai vẫn là nhất mà, chỉ hơi không duyên thôi." Tuệ Lâm ôm tay anh hai nói giọng nịnh bợ, khiến cả nhà cùng cười.
"Thôi cũng khuya rồi, mấy đứa về phòng ngủ đi, cho thằng Vỹ còn nghỉ ngơi, mai rồi nói chuyện tiếp. Thằng Vỹ chắc không quên đường lên phòng ha con." Bà Vân vừa đứng lên vừa nói.
Chàng thanh niên tên Trần Vỹ là bạn thời trung học cùng anh trai của Lâm. Trần Vỹ là con trai một trong gia đình khó khăn, sống tại vùng quê nghèo. Ba anh mất từ năm anh lên tám, mẹ anh một mình vất vả nuôi đứa con trai duy nhất. Năm anh mười lăm tuổi, mẹ anh quyết định dọn lên Sài Gòn sống, cho anh có môi trường học tốt hơn, vì anh học rất giỏi, nếu không muốn nói là xuất chúng, một năm anh có thể học đúp hai lớp. Tại đây, Trần Vỹ và Hà Văn Long quen biết nhau, trở thành một cặp bài trùng.
Hai năm sau, mẹ Trần Vỹ không may bị bệnh nặng qua đời. Đó là cú sốc cực lớn đối với anh, cuộc sống anh chao đảo hoàn toàn, anh gần như muốn buông xuôi tất cả. Bởi vì từ nhỏ, thế giới của anh vỏn vẹn chỉ có hai mẹ con, hoặc có thể nói mẹ là cả thế giới của anh. Thấy hoàn cảnh bi thương của bạn mình, Hà Văn Long không thể ngoảnh mặt làm ngơ, nhất là đối với thiên tài toán học như Trần Vỹ. Long đã về nhà trình bày cho ba mẹ biết hoàn cảnh của Trần Vỹ, xin ba mẹ tìm cách hỗ trợ bạn. Ông bà Thái là người rất thương và trân trọng những người tài không điều kiện, ông bà quyết định nhận Trần Vỹ là con nuôi.
Từ năm mười bảy tuổi Trần Vỹ được sống chung trong gia đình họ Hà, được đối xử chẳng khác gì con ruột là Long. Đến năm hai mươi tuổi Vỹ xin phép được ra riêng khi đã tốt nghiệp Đại Học, và có thể vừa đi làm vừa đi học lấy bằng Thạc Sĩ. Trong khi học chương trình Thạc Sĩ, Trần Vỹ xin làm thêm ở một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Vì sự thông minh, nhanh nhẹn nổi trội của anh, sếp lớn chú ý và hứa rằng khi anh hoàn thành chương trình học Thạc Sĩ, ông ta sẽ đề xuất anh ra nước ngoài làm việc. Quả thật, lời hứa của những doanh nhân lớn luôn có giá trị, hai mươi ba tuổi là lần đầu tiên Trần Vỹ được bước chân ra nước ngoài. Anh sinh sống và làm việc tại New York được một năm thì về Việt Nam thăm gia đình họ Hà. Anh còn đem tiền mình kiếm được về biếu ông bà Thái, như muốn đền đáp lại công ơn dưỡng dục và tình yêu thương của gia đình dành cho anh, nhưng ông bà không nhận và làm ra vẻ giận anh:
"Con làm như vậy là xem như tình yêu thương của gia đình ta dành cho con chẳng ý nghĩa gì nữa cả. Con không cần phải đền đáp gì hết, vì con cũng giống như Văn Long nhà ta thôi."
Sau lần đó, anh chẳng dám nghĩ đến việc đền đáp theo cách như vậy nữa, nhưng trong thâm tâm anh luôn thầm mang ơn gia đình họ Hà, đối với anh đây là gia đình thứ hai của mình, là nơi chống lưng cho anh vươn ra thế giới bên ngoài. Đã hai năm anh không thể về thăm gia đình vì công việc, nhưng năm nay cũng chính vì công việc mà anh được dịp đoàn tụ cùng gia đình thứ hai của mình. Về lại ngôi biệt thự cũ, căn phòng cũ, mọi ký ức thời ấy như đua nhau ùa về, khiến người đàn ông cứng rắn như Trần Vỹ cũng không kìm được nước mắt. Một mình đứng trong căn phòng rộng, hướng ra cửa sổ, đối mặt với một màn đêm đầy sao, anh nghĩ về mẹ mình.
"Mẹ ơi! Mẹ có thấy được Trần Vỹ của mẹ ngày hôm nay không? Lời hứa ấy của con khi còn bé, con đã thực hiện được rồi, con đã có thể làm mẹ tự hào về con trai duy nhất của mẹ, đúng không mẹ? Vậy thì mẹ đừng nghĩ rằng việc đem con lên Sài Gòn là làm khổ con nữa được không? Bởi vì sự lựa chọn của mẹ cho cuộc đời con luôn luôn đúng mẹ à, thế giới nhỏ của con."
(còn tiếp...)
Ps: Cám ơn bạn vì đã ghé qua. Nếu bạn có hứng thú với câu chuyện và quá trình trưởng thành của Tuệ Lâm xin để lại một like để tác giả có động lực ra chương tiếp theo nhé.