Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Phần 6
Mười giờ sáng
Lâm Gia Thái Bảo
----
Chiếc xe cà tàng thấy vậy mà chạy vẫn còn tốt lắm, tiếng máy nổ rền vang, mấy người dân trong xã Trạm Phèn nghe tiếng xe máy thì chạy ra coi, biết rằng người trong xã toàn đi bộ chứ chẳng ai có đủ tiền mà sắm xe, điệu bộ này chỉ có thể là khách du lịch hoặc người trên huyện xuống. Chẳng mấy chốc, dân tình đã đứng bu đầy, loi nhoi lóc nhóc như ếch nhái đầu mùa mưa, mỗi người kêu một tiếng mà ồn ào cả một đoạn đường, trung tâm của đám đông này chính là đôi nam nữ nọ.
Người nam khuôn mặt dữ tợn, trời mát mà đeo kính râm, ánh mắt anh ta nhìn chết trân vào con đường đất đỏ; người nữ thì bớt kiệm lời hơn, cô ta đang lấy mấy món đồ ra mời chào, nào là kính mát, zippo, móc khóa, đủ thứ lỉnh kỉnh trên đời.
Dân tình ở Trạm Phèn tiền mua quần áo Tết còn cần kiệm, thiếu điều mót từng đồng, tiền đâu mà mua mấy món đồ kia. Với người trên huyện, mấy món đồ đôi nam nữ bán có thể toàn là đồ xoàng xĩnh, nhưng với người dân xã Trạm Phèn thì lại là xa xỉ, ai đâu mà mua. Người nữ thấy chào hàng khản cả cổ mà không ai thèm mua bèn quay sang người nam thì thầm gì đó, người nam liền cởi cặp kính đen để lộ ánh mắt như loài hùm beo, muốn ăn tươi nuốt sống cả đám người đang bu quanh mình, anh ta hết liếc ngang thì liếc dọc như kẻ bán hàng cấm đang xem coi có công an không. Dân trong xã thấy vậy thì rỉ tai nhau đủ điều, người nam chẳng thèm bỏ vào tai, bước hai bước đã đứng chình ình phía trước, đoạn đằng hắng rất to.
Người dân nghe tiếng ho nặng nề, chát chúa chẳng hiểu sao im lặng hết, cả thảy đều nhìn người nam nọ xem anh ta định làm trò hay ho gì. Người nam nhìn quanh một lượt, đoạn phất mình rất nhẹ, cái cặp da vì thế mà bị quăng ngược ra phía trước, người nam cho tay vào cặp, dân làng đứng lại gần hơn, mặc dù không có tiền nhưng họ lại có thừa sự tò mò. Người nam khoát tay, giật mạnh, kéo ra ba cái mặt nạ màu cam nhạt, nhìn kỹ lại cứ tưởng làm từ da người chứ nhựa nào mà lại mềm nhũn như vậy.
Dân tình chưa kịp kinh hoàng, người nam liền lấy một cái mặt nạ rồi đeo lên mặt mình, vừa căng lớp da ra thì nghe tiếng la ú ớ phía sau của ông Ba xóm giữa, vì đó là khuôn mặt của ông ta! Người nam chưa dừng lại, tiện tay khoát luôn hai cái mặt nạ còn lại lên, lần lượt là khuôn mặt của mấy người trong xóm, ai nấy đứng quanh đều thất kinh, tạm thời chưa biết làm gì!
Lúc này, trong đám dân có tiếng người la lớn, là đám đàn bà đứng nhiều chuyện trước nhà Quỳnh Hương: “Ma quỷ! Ma quỷ Miếu Bà về kiếm, bà con chạy đi! Chạy!”
“Mặt người là do mấy người này ếm bùa, bà con đừng có đứng đây, chết cả lũ bây giờ!”
“Bớ ông trời, bớ ông đất, cứu người, cứu người!”
Chẳng biết mấy lời đó là thật hay giả, nhưng nhìn cảnh tượng trước mặt ai đâu mà đứng lại kiểm chứng làm gì nữa, lại thêm kẻ đánh trống người thổi kèn, người dân chỉ biết kéo nhau chạy về nhà khóa cửa, bụi đất đỏ bay lên mù mịt. Thoáng cái, khoảng đất đông người chỉ còn lại đôi nam nữ, cái sạp treo đồ và con xe cà tàng của họ. Người nữ bước đến, người nam kéo mặt nạ xuống, nói bằng giọng hơi khàn nhưng từng chữ chắc nịch như đinh đóng: “Hình như là tới đúng chỗ rồi.”
“Trời ơi!”
Là tiếng hét của ai đó, người nữ chưa kịp trả lời đã bị tiếng hét này chặng họng, quay lại thì thấy một thanh niên ăn mặc rách rưới, khuôn mặt hốc hác đang đứng chỉ trỏ, ngón tay run cầm cập như mới ăn chân gà luộc, khi thấy người nam và người nữ quay lại nhìn thì tốc lên bỏ chạy, là thằng Xí.
Người nữ lúc này mới nhìn sang người nam, cặp mắt nheo lại, giọng có chút bối rối: “Đó chẳng phải là…”
Người nam đeo cặp kính đen lên rồi nói: “Chắc vậy rồi, nhìn quen lắm, nếu tới đúng chỗ thì càng khẳng định danh tính của anh ta. Thôi, em chuẩn bị đồ đi, lần này không được để chúng thoát như lần trước.”
Người nữ gật đầu dứt khoát, đoạn quay đầu nhìn sang hướng thằng Xí vừa chạy, ánh mắt cô ta như nổi lên ngọn lửa, trong phút chốc sẵn sàng thiêu đốt cả khu rừng phía trước.
-0-
Thằng Xí chạy thục mạng, chạy như chưa bao giờ được chạy, chẳng hiểu sao khi thấy hai khuôn mặt lúc nãy của cặp nam nữ, nó thấy bất an đến lạ. Thằng Xí cứ lắc đầu quầy quậy, thiếu điều muốn văng cả bộ não trong hộp sọ ra ngoài, tóc tai rối bù cả lên, chạy được một lúc nó mới đứng dựa vô gốc cây thở hơi lên, mồ hôi đổ ướt cả quần áo. Thằng Xí nhớ lại lúc nó bị bà Ngân lôi đi, rồi ánh mắt của lũ cá trê nhìn nó tròng trọc trong ao nước, cả những cái bồn bằng kim loại sắp thành hai hàng song song nhau, và hơn hết là những con vật khuôn mặt người nhìn chằm chằm vào nó và bà Ngân.
Lúc ấy, bà Ngân ngã bịch ra đất, khóe mắt xệ xuống, thâm quầng như cả chục đêm chưa ngủ, chẳng thể nào di chuyển được nữa. Thằng Xí thấy bà Ngân như vậy nhưng nó vẫn quý cái mạng mình hơn, cảnh tượng trước mắt quá kinh hãi, nó chỉ biết ba chân bốn cẳng bỏ chạy, vừa ra tới giữa xóm thì lại gặp hai người không biết từ đâu đến nhìn mình chòng chọc, nó lại chạy tiếp.
Thằng Xí ôm mặt, mắt trợn ngược, cả thân thể run lên từng cơn như đang ngồi trong xưởng làm thủy sản và bị từng cơn lạnh xộc vào gáy ốc. Vốn dĩ nó đã muốn nằm ở nhà, cả cái làng này ngày xưa chắc phạm tội tày trời, giờ đây Diêm Vương mới sai đủ giống loài quỷ sứ lên trừng phạt bọn chúng, thằng Xí chẳng muốn dính dáng gì đến mà hết người này rồi người kia cứ tới lôi nó đi. Biết bao nhiêu thứ kìm nén trong khoảng thời gian ngắn như vậy khiến thằng Xí muốn nôn mửa, bất giác nó trượt mười ngón tay lên rồi kéo phăng một cái, đứt cả một lọn tóc.
Thằng Xí ngửa mặt lên trời rồi la thất thanh, nó la không phải là do cơn đau vì bứt mấy sợi tóc mà là do nhất thời chẳng hiểu chuyện quái quỷ gì đang diễn ra với cuộc đời nó, đầu óc hạn hẹp của nó không suy nghĩ được thấu đáo, ấm ức nên tiếng la trở thành công cụ trút đi một chút gánh nặng. Nó cứ la như vậy, mắt nó chớp liên hồi, đúng lúc ấy, nó thấy khuôn mặt của đôi nam nữ lúc nãy thoắt ẩn thoắt hiện trong đáy con ngươi.
Thằng Xí giật mình, ngừng hét, cảm thấy khó hiểu, nó mới chỉ gặp họ, đứng xa nên có nhìn thấy rõ khuôn mặt của họ đâu, vì họ đồng loạt nhìn nó nên nó mới bỏ chạy thôi. Tại sao bây giờ nó lại thấy khuôn mặt họ hiện lên rõ nét như vậy? Nhìn vào mấy thứ họ treo trên sạp thì họ là dân bán hàng rong, thằng Xí ngày xưa cũng lông bông tứ xứ nên nó biết về thứ nghề nghiệp này đây mai đó này, câu hỏi là họ biết nó hay sao mà lại nhìn nó? Tại sao trong ký ức của nó lại có mặt họ?
Thằng Xí ngồi phịch xuống đất, vẻ mặt nó thất thần, vô hồn như một pho tượng, cửa miệng cứ mấp máy: “Không có gì đâu… Không có gì đâu…”
-0-
Ông Hiếu đang bước đi trên con đường đất đỏ, vừa bước ông vừa chửi, ngữ điệu hậm hực như có đứa cô hồn nào vừa phá ông lúc ông đang ngủ trưa vậy. Hai hàng cây bên đường bị gió thổi khiến đám lá cứ kêu lên xào xạc như có phiên họp chợ, ồn ào đến nhức cả đầu. Ông Hiếu mân mê túi áo sơ mi rồi móc ra hộp thuốc, chỉ còn một điếu, ông lại chửi thề vài câu rồi châm thuốc, tay bóp nát cái bao ném mạnh vào đám lá trên cao, nỗ lực trong tuyệt vọng kêu chúng câm miệng giùm. Nhưng chúng vẫn vậy.
Ông Hiếu trong bụng than khổ, hết thằng Xí rồi bây giờ tới cu Gạo, trong xã có một thằng xất bất xang bang chưa đủ hay sao mà giờ nó lại muốn lôi thêm thằng nhỏ chưa tới mười tuổi đi theo con đường đó. Đưa thằng cu Gạo về nhà, ông Hiếu cứ luôn miệng chửi nó cho nó tỉnh người ra, ngặt cái về tới nhà chẳng thấy mẹ nó đâu, ông đành phải căn dặn nó đủ điều. Ông Hiếu cảm giác như mình làm thay chuyện thiên hạ, dạy bảo con người ta, lo chuyện bao đồng, nhà không có gạo mà lại sang nhà người khác thổi cơm. Ông Hiếu kéo thêm một hơi thuốc nữa thì thấy đốt ngón tay nóng ran, thì ra nãy giờ cứ suy nghĩ vẩn vơ mà hút hết điếu thuốc lúc nào không hay. Đúng lúc ấy, ông lại nghe thấy tiếng khóc phụ nữ vang lên phía sau đám sậy.
Ông Hiếu thận trọng bước đến, giở sậy ra thì phát hiện tiếng khóc đó là của bà Ngân, mẹ thằng cu Gạo. Ông Hiếu trợn mắt, bà ta làm gì ở đây, trưa trờ trưa trật như vậy sao chưa chịu về nấu cơm mà còn ngồi khóc, hay bà ta cũng đi kiếm thằng cu Gạo mà không biết là ông Hiếu dẫn nó về từ đời kiếp nào rồi? Nghĩ vậy, ông Hiếu mới lách người qua đám sậy bước vào.
Bà Ngân đang ngồi dưới gốc cây, úp nửa khuôn mặt lên đầu gối rồi vòng tay ôm ngang, chân bà ta dính đầy đất, có chỗ rướm máu, trông giống như mới bị ma quỷ rượt theo rồi bỏ chạy mà quên mang theo dép vậy. Ông Hiếu bước đến rất gần nhưng bà Ngân như bị nhiếp hồn, chẳng hề hay biết gì cả, đến khi ông Hiếu chạm tay vào vai bà Ngân thì bà mới nhảy dựng lên, tay vội lau đi nước mắt, ông Hiếu nhìn sâu vào tròng mắt bà Ngân mà tưởng như đang nhìn vào mắt con búp bê, chẳng còn sức sống. Thấy lạ nhưng ông Hiếu cũng không bình luận mà chỉ hỏi: “Chị Ngân, sao ngồi đây khóc như bị trai bỏ vậy? Kiếm thằng Gạo đúng hông? Tui mới đưa nó về cái độp, còn dặn nó bắt nồi cơm ở nhà kia kìa.”
Không có tiếng trả lời, chỉ có ánh mắt bà Ngân ngước lên nhìn ông Hiếu như thể ông ta là một sinh vật kỳ dị nào đó chứ không phải con người. Đồng tử trong mắt bà Ngân giãn nở liên hồi, khóe mắt ứ đọng nước mắt, chúng còn trượt dài xuống, vẽ hai đường trắng phao trên đôi gò má bà ta, vốn đã lem lúa đầy bùn đất. Ông Hiếu cúi người xuống, tưởng bà Ngân không nghe mình nói nên anh tăng giọng: “Chị Ngân, chị nhìn cái gì mà nhìn dữ vậy, tui Hiếu nè. Gì mà như ngậm bồ hòn vậy nè?”
Lúc này, bà Ngân bắt đầu co giật khiến ông Hiếu hoảng hồn, lùi lại hai ba bước. Bà Ngân đổi tư thế, hai chân trượt dài trên nền đất, cặp nhãn cầu vẫn chưa rời khuôn mặt ông Hiếu, bà cất tiếng: “Chú Hiếu đó hả, chú có thấy… có thấy… thằng con tui đâu hông?”
Ông Hiếu chưng hửng vài giây rồi mới trả lời, nói như hét: “Tui đưa nó về nhà rồi, chị bị điếc hả chị Ngân!?”
Ông Hiếu đưa tay khua qua khua lại trước mặt bà Ngân như kiểm tra coi mắt bà còn sáng không vậy, đoạn ông vòng qua bên kia đứng, chủ yếu để kiểm tra thử coi bà Ngân có nhìn chằm chằm vào mình nữa không. Ai ngờ, ông Hiếu bước qua bước lại hay bước tới bước lui đều bị bà Ngân nhìn theo sát nút, lạ cái chỉ có cần cổ và cái đầu bà Ngân cử động, thân thể như đã hóa thành bức tượng từ lần trở mình vừa rồi.
Ông Hiếu lúc này mới thấy bực mình, lúc nãy đã hậm hực trong lòng, hiện giờ lại gặp thêm con mụ Ngân này cứ nhìn mình hoài thì đâm tức ra mặt. Ông than khổ trong bụng, giờ muốn về nhà ăn cơm cũng không được về, ông lại sờ tay lên túi áo sơ mi theo thói quen để tìm thuốc, nhưng thuốc đã hết rồi còn đâu. Việc này lại càng làm cơn nóng trong lòng ông Hiếu nhân lên vài phần, ông chửi vài tiếng rồi khuỵu xuống đỡ bà Ngân lên, ông không bỏ mặt bà ta ở đây được, trong lòng muốn về nhà thì đành phải dìu bà Ngân về nhà bà ta trước đã.
Thân thể bà Ngân cứ mềm nhũn ra như sáp, ông Hiếu lôi dậy rồi nói thúc dữ lắm bà Ngân mới bắt đầu bước đi, vừa đi ông Hiếu vừa than: “Mẹ con mấy người định đi theo thằng Xí hay gì, trong xã đủ thứ chuyện chưa vừa lòng mấy người hay sao mà phải đì đọt thằng phó chủ tịch này mới chịu. Có được đồng lương nào thêm không? Không. Mắc mệt với mấy người thiệt chứ.”
Ông Hiếu đi mười bước thì than hết mười câu, lát sau cũng về tới nhà bà Ngân, vừa bước vô cổng ông đã la lên: “Thằng Gạo! Thằng Gạo đâu rồi ra đây tao biểu! Gạo!”
Không có tiếng trả lời. Ông Hiếu đỡ bà Ngân ngồi xuống ngạch cửa, bỏ mặc bà ta ở đó rồi đi ra nhà sau, vừa đi ông vừa kêu thằng Gạo, tiếng kêu ngày càng lộ rõ vẻ bực mình.
“Gạo ơi Gạo! Mày đâu rồi Gạo? Mày chạy đi kiếm thằng Xí nữa là tao bẻ giò mày luôn! Gạo!”
Vẫn không có tiếng trả lời, ông Hiếu đi kiếm cùng nhà cũng không tìm được bất kỳ dấu vết nào của thằng Gạo. Mặc dù ông Hiếu có nói là nó đi chơi với thằng Xí, nhưng ông chắc mẩm rằng lúc nãy ông đã dặn nó rất kỹ, lại còn đòi méc mẹ nó, bắt nhốt nó ở nhà luôn không cho đi chơi nữa nên nó sợ lắm, có cho tiền nó cũng không dám trốn đi đâu. Còn chưa hiểu đầu cua tai nheo gì về chuyện thằng Gạo biến mất, bỗng một thứ đập vào mắt ông Hiếu: cái nồi cơm đang nằm trên sàn nước.
Ông Hiếu bước lại nhìn thì thấy gạo còn trong nồi, nước đổ ngập một lóng tay, giống như chuẩn bị bắt lên nấu vậy. Bước sang bên kia, ông Hiếu lại thấy một đường gạo rơi vương vãi trên nền đất, lúc nãy một ý nghĩ mới ập đến trong đầu ông Hiếu, hình như thằng Gạo đang vo gạo thì có ai đó chụp nó từ phía sau rồi lôi nó đi, trong tay nó vẫn còn nắm một ít gạo cho nên mới rơi xuống theo đường thẳng trên nền sàn nước như thế này.
Khó hiểu, ông Hiếu mới nhìn theo hướng gạo rơi, một đường lạnh ngắt chạy qua sống lưng ông Hiếu khi ông biết hướng đó là Tây Bắc, nơi có Miếu Bà, điểm xuất phát của mấy lời đồn đại mấy ngày qua. Đúng lúc này, chẳng hiểu sao ông Hiếu lại nhớ tới bà Ngân, chỗ cái cây bà Ngân ngồi lúc nãy chẳng phải cũng mọc ở sườn Tây Bắc hay sao? Chẳng lẽ bà Ngân vô Miếu Bà kiếm thằng cu Gạo, vô tình lại thấy thứ gì không nên thấy? Nghĩ đến đó, ông Hiếu liền phóng ra nhà trước.
Khuôn mặt bà Ngân trở nên nhợt nhạt đi nhiều, cặp môi như lấy phấn trét lên, khô khan và trắng bệch, bà đang ngồi dựa vào bản lề cửa, chẳng còn chút sức sống. Ông Hiếu liền đến lay bà Ngân: “Chị Ngân, hồi nãy chị đi đâu? Đi Miếu Bà đúng không? Tui đã dặn bao nhiêu lần rồi không được vô đó mà!”
Bà Ngân từ từ quay đầu nhìn ông Hiếu, giọng nói khô như chưa uống nước mấy ngày trời: “Không… Không… Tui không có đi vô Miếu Bà… Tui đi… Tui thấy…”
Ông Hiếu chậc lưỡi, cảm giác như đang ngồi trên đống lửa: “Đi đâu? Thấy gì? Thằng con chị bị người ta bắt mất rồi kia kìa, chị còn đợi tui ngủ một giấc dậy mới chịu nói hay gì?”
Bà Ngân nghe nhắc tên cu Gạo thì trợn mắt: “Hả? Con tui đâu? Con tui đâu? Ai bắt nó?”
Ông Hiếu gắt gỏng: “Tui biết tui hỏi chị làm gì. Giờ chị nói tui nghe, hồi nãy chị đi đâu, thấy cái gì?”
Bà Ngân mếu máo: “Tui… cũng không biết tui đi đâu nữa chú Hiếu ơi. Tui đang lôi thằng Xí lên công an xã trình báo, tự nhiên thấy mấy con cá trê, rồi mấy cái nhà hình tròn bằng sắt, tui hông biết nó là cái nhà cho ai ở nữa. Rồi… rồi…”
Thằng cu Gạo cứ bước đi như người mất hồn, như bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường, nhắm thẳng hướng Miếu Bà, không hề hay biết phía sau đang có hai người bám theo. Là đôi nam nữ bán hàng rong lúc nãy. Người nam vẫn đeo kính mát, người nữ khuôn mặt lắm tắm vài giọt mồ hôi. Đi được một hồi thì thằng cu Gạo dừng lại, cần cổ như muốn quay ngược một trăm tám mươi độ, nhìn về phía sau làm đôi nam nữ phải nhảy vào bụi cây gần đó trốn. Lòng đầy bồn chồn, người nữ hỏi: “Mấy giờ rồi anh?”
Người nam nhìn đồng hồ, cặp mắt ẩn sau mắt kính nhưng không giấu được vẻ bàng hoàng, đáp: “Mười giờ.”
Người nữ nuốt nước miếng, đặt câu hỏi nhưng tựa như đang tự vấn chính mình: “Đã mười giờ rồi sao…