Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Con Thuyền Trống
  3. Chương 8: Rồi Cô Sẽ Nói Ra Thôi
Trước /27 Sau

Con Thuyền Trống

Chương 8: Rồi Cô Sẽ Nói Ra Thôi

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Cô ta không xứng đáng được biết.

Trời trở nóng, hiệu trưởng gửi thông báo cho giáo viên chúng tôi.

Sắp có đợt tốt nghiệp từ lớp mần non sang tiểu học, các bậc phụ huynh thì nô nức, còn giáo viên chủ nhiệm thì chợt nảy ra ý tưởng dạy tụi nhỏ hát bài "Ngôi sao nhỏ" bằng tiếng Anh, trên lầu hai suốt ngày phát đi phát lại bài này, mấy đứa nhỏ được trải nghiệm chút cảm giác thi đại học, cứ chăm chỉ ngân nga học thuộc lời hát.

Đã lâu tôi không phụ trách lớp, nhưng nếu thiếu nhân lực thì tôi cũng bị kêu đi hỗ trợ, hiệu trưởng bảo tôi sắp xếp chỗ ra vào cho tụi nhỏ, đánh dấu vị trí ngồi của phụ huynh, còn chị ấy thì giám sát buổi diễn tập và một số việc lặt vặt khác.

Chu Nhị Đình cũng không quản lý lứa sắp ra trường năm nay, hả hê trêu chọc tôi một phen, nhưng thoắt cái thì nhận được tin báo sang năm lớp cô nàng sẽ tốt nghiệp, rồi thì cần chuẩn bị tiết mục chia tay cho tốt này nọ.

Tất cả các việc này được viết thành lá thư, để đám trẻ mang về cho ba mẹ xem, trong đó bao gồm tin các bạn nhỏ sắp tốt nghiệp sẽ bắt đầu về trễ mỗi ngày nửa tiếng để tập dượt tiết mục.

Tôi đang in nội dung lá thư vừa rồi, nhân viên phòng tài vụ rít điếu thuốc phả khói về hướng cửa sổ, cảm thán đầy ẩn ý với tôi: "Cô Hồi Hương này (1), cô xem mấy đứa bé còn nhỏ như vậy, nếu sau này có thành công gì đó thì vẫn nhớ đến cái trường mầm non cũ này à?"

(1) Hồi Hương: như chương trước có giải thích, biệt danh này của Tiểu Khương nghĩa là "thì là"

Có cô giáo khác vừa bước vào, tham gia pha trò: "Tùy thuộc vào trình độ văn hóa của huyện Năng thôi chứ có gì đâu, ngộ nhỡ có đứa nào không học tiểu học thì mầm non trở thành trường cũ duy nhất rồi còn gì, mà còn có bằng tốt nghiệp nữa cơ!"

Tôi chợt nhớ tới Trịnh Ninh Ninh, đã báo danh ở tiểu học nhưng không thể có mặt, mà "trường học cũ" là Cây Mận cũng đã chẳng còn.

Tôi ngơ ngẩn không đáp lời được, cô ấy lấy đồ vật cần tìm rồi ra ngoài, nhân viên tài vụ thì thả hồn theo làn khói.

Tôi nhìn từng tờ giấy nhả ra từ máy in, gom lại rồi lấy thun cột chắc, phân ra sáu chồng theo số lớp, kiểm kê số lượng lần nữa rồi để vào bao, cuối cùng là tắt tài liệu trên máy tính.

Buổi diễn tập kết thúc, giáo viên chủ nhiệm phát thông báo cho học sinh.

Trường Ánh Sáng trang trọng hơn trường Cây Mận ở chỗ nơi này có một cái sân khấu, không cần phải ra ngoài vất vả kiếm chỗ hoặc dựng tạm bợ.

Sân khấu tuy nhỏ nhưng có đầy đủ những khu vực cần thiết, sau sân khấu là một con đường thật dài thông với phòng thay đồ, tách ra nam nữ riêng, đánh dấu lần lượt với tấm biển màu xanh dương và hồng, và còn gần cả phòng vệ sinh nữa, trên khu của nam thì vẽ chú voi, còn nữ là hươu cao cổ.

Một đầu khác của con đường thông với kho đạo cụ, trang phục năm nay chưa đặt mua, nhưng các giáo viên chủ nhiệm đã có kế hoạch chuẩn bị hết rồi.

Tôi nhìn sang mớ đạo cụ năm cũ: nơi đó là cả một thùng đầy ắp đồ vật linh tinh.

Hằng năm tôi đều phụ việc hậu cần, mỗi lần kết thúc buổi diễn là tôi phải dọn dẹp gọn gàng để tiện việc chuẩn bị cho năm sau.

Nhưng cứ qua đợt Tết thiếu nhi và lễ tốt nghiệp là cả thể xác lẫn tinh thần tôi đã mệt ngoài, đành dồn lại mấy thứ còn xài được vào kho rồi để đó.

Ngày đầu tiên bắt tay vào công việc, tôi dọn hết đồ đạc cũ ra bên ngoài.

Chuyện này kéo tôi ở lại tới tận tám giờ tối, cô lao công ném chìa khóa qua, bảo tôi nhớ khóa cửa khi về, tôi cũng nhờ cô ấy sạc xe đạp điện giúp mình.

Chín rưỡi tối tôi khóa cửa, xe đạp cũng đã đầy bình.

Nhưng tôi phát hiện ra một bánh xe đã xẹp lép, giống như cái bánh trứng bị thủng một lỗ rõ to.

Săm lốp xe điện mà hỏng thì phí sửa chữa khác với xe đạp thường.

Tôi rành sửa xe đạp, cạy lớp săm cao su ra, bỏ vào xô nước, định tìm ra chỗ thủng rồi vá lại.

Nhưng săm lốp xe điện rất khác so với xe đạp thường, tôi không biết làm gì tiếp theo, đứng đực ra, nhìn ánh đèn xanh từ bình điện mà thấy bực bội uất ức.

Nhưng cái cảm giác bực bội này vừa lóe lên đã biến đi mất, tôi thu dọn bộ sạc, dắt cái xe đi hệt như lôi kéo đứa nhóc đang khóc lóc om sòm ở trung tâm mua sắm.

Lực ma sát từ bánh xe cực kỳ lớn, cứ nghiêng trái ngả phải liên tục, bánh sau thì còn quay bình thường, còn bánh trước đã xẹp lép, cứ mãi thở than cót két, cọt kẹt.

Chín giờ rưỡi rồi, trời đã tối, nhưng bây giờ dù sao cũng là mùa hè, tôi đi ngang qua một công viên nhỏ, đèn đường chiếu vào người tôi, tôi dẫm lên cái bóng của mình, chậm bước lại.

Tôi điều chỉnh tâm trạng, lôi tai nghe ra cắm một đầu vào tai, đầu khác chỉ gác hờ lên lỗ tai mà nghe nhạc.

Chợt tôi thấy có gì đó không đúng, chỉnh tắt tiếng nhạc, trên đường đi chỉ nghe thấy tiếng bước chân của mình và tiếng bánh xe nghiến trèo trẹo trên mặt đường.

Hơi thở tôi phả ra dưới đèn đường, có từng đám bụi nổi lên, tựa như viên kẹo thạch màu vàng ấm để lâu ngoài không khí dần chuyển sang xám xịt.

Và cũng dưới ánh sáng ấy, tôi bỗng nhìn thấy Cam Linh.

Cam Linh đi theo tôi y như lời nói của cô ta, có điều đây không phải là "đi theo" nữa, mà là nhăm nhe chặn đầu tôi bất kỳ lúc nào.

Hai ngọn đèn đường cách nhau khoảng bốn năm bước chân, cô ta đi ra từ trong bóng đêm đến ngọn đèn trước mặt tôi.

Trên đường vắng tanh không bóng người, mọi âm thanh đều ngừng bặt, kể cả tiếng ve kêu râm ran ở bụi cỏ ven đường.

Xung quanh dần lặng đi, cái xe điện run lẩy bẩy trong tay tôi, không giữ được thăng bằng mà cứ đổ về phía tôi liên tục.

Hôm nay Cam Linh vẫn không thay đồ, vẫn tròng cái áo hoodie dày nóng nực trên người, đôi giày thể thao có thêm nhiều vết bẩn, giống như cô ta vừa trở về từ bãi rác vậy.

Có điều hôm nay cô ta xắn tay áo lên, lộ ra cơ bắp trên cánh tay, trong nháy mắt tôi ngỡ rằng cô ta muốn dần cho tôi một trận, tôi nắm chặt cái xe, đợi có biến là thẳng tay cắm chìa vào rồi thây kệ là săm bị thủng hay gì gì, tôi cứ phóng cho khuất tầm mắt cô ta cái đã.

May sao mà chuyện đó không xảy ra, mái đầu hoa râm của cô ta phất phới dưới ánh đèn, như mấy cái xúc tu do thám nhiệt độ ở bên ngoài.

Tôi im ỉm, điều chỉnh lại xe đạp tiếp tục bước đi.

Quả nhiên Cam Linh không để tôi yên, bắt chặt giỏ xe, cả xe giật phắt, tôi lập tức vặn chìa khóa, ong! Bánh sau xoay tít mù, bánh trước thì bị Cam Linh ghì xuống, nên yên sau bị chấn nảy xóc lên, làm tôi mất đà suýt ngã.

"Ai gi3t ch3t Trịnh Ninh Ninh?" Cam Linh hỏi.

Tiếng cô ta hơi khàn khàn, khác với vẻ bình tĩnh ung dung khi gặp nhau cách lớp cửa, âm thanh này giống như là giọng nói khản đặc còn dư lại của kẻ vừa gào khóc thảm thiết ở đám ma về.

Tôi tảng lờ đi, hai tay ra sức nắm tay lái, giật lại cái xe từ tay Cam Linh.

Cam Linh vịn chặt yên sau, ngồi bộp lên, hai chân chống xuống đất để giữ thăng bằng.

Tôi buông lỏng tay ra, tiếp tục giằng co với cô ta.

"Bảy năm trôi qua rồi, nếu cô muốn đòi công bằng thì sao không tới sớm đi chứ? Trước đây tôi chưa thấy cô bao giờ, cô thật sự là mẹ Trịnh Ninh Ninh à?"

Tôi muốn đả kích cô ta một chút, nhưng mặt cô ta dày quá, hệt như đeo lớp chống đạn, đao kiếm gì cũng không đâm thủng nổi, cứ vậy mà lạnh lùng nhìn tôi.

Nếu là một người mẹ đến đây truy tìm tung tích kẻ sát hại con gái mình, dù sao cũng phải cảm thấy buồn khổ, tự trách, vô cùng hối hận phải không? Nhưng những cảm xúc ấy không hề xuất hiện trên khuôn mặt Cam Linh, mà chỉ có vẻ tối tăm lạnh lẽo, đáy mắt đầy băng giá, ôm cánh tôi nhìn tôi, dáng vẻ cực kỳ cảnh giác.

Đối phương lặng thinh, tôi bảo rằng tôi không có gì để nói, oan có đầu nợ có chủ, nếu cô không phục phán quyết thì đi chống án đi, đừng có tới bắt bí cô giáo mầm non như tôi nữa.

Tôi ra sức khuyên bảo, ném xuống hai viên pháp bảo tình lý và pháp lý vào mảnh đại dương mênh mông, như là ném hai tòa bảo tháp trấn yêu xuống, định bụng ngăn cô ta lại, nhưng đối phương cực kỳ bướng bỉnh, cứng rắn hay mềm dẻo đều không xử lý được, cứ như cô ta hóa thân từ cục đá mà ra, không hiểu việc đời, không tuân theo luật pháp, cũng không theo nề nếp của xã hội.

"Tuần trước tôi mới biết được tin Ninh Ninh chết." Cam Linh ôm cánh tay, giọng nói rất bình tĩnh.

Tôi nhớ tuần trước tôi vẫn đi làm như bình thường, trường có tổ chức hoạt động học tập theo gương các nhà phát minh, loa phát thanh trên hành lang toàn là rỉ rả các câu chuyện về Edison và những ông lớn khác.

Sau đó tôi mới ý thức được điều Cam Linh muốn nói là gì.

"Cái...!Cái gì? Sao lại thế? Con bé đã chôn cất bảy năm rồi, cô - " tôi lắp bắp, tình huống Cam Linh nói nằm ngoài dự đoán của tôi, cho nên ý nghĩ này lại cồn cào trong ruột lần nữa: Đây có thật là mẹ ruột Trịnh Ninh Ninh không vậy? Làm mẹ kiểu gì mà không biết con mình chết bảy năm rồi thế!?

Cam Linh bị tôi hỏi như vậy mà vẫn không giải thích gì, cứ ngồi lì ra ở yên sau xe tôi.

Bỗng chốc tôi cảm thấy con đường này trở nên trôi nổi bồng bềnh, giống như sóng biển dâng lên từ mặt đất, nhấn chìm những ngọn đèn đường, tràn tới hất tôi và cái xe lên mặt nước, từng đợt sóng trào ập vào ngực, hô hấp dần trở nên khó khăn.

Đã bảy năm rồi, trong bảy năm có thể phát sinh rất nhiều chuyện, ví dụ như có một vị vua mơ thấy giấc mộng, được điềm báo trong xứ sẽ có bảy năm được mùa, và bảy năm sau mất mùa, biểu trưng bởi những con bò và những bông lúa (2).

Mà trong bảy năm của tôi, Trịnh Ninh Ninh đã tan biến đi, đám trẻ vẫn tiếp tục lớn lên, tôi bị gọi là "cô Tiểu Khương" tận bảy năm, và cứ mơ thấy linh hồn Trịnh Ninh Ninh buồn bã nhìn trường tiểu học Hồng Chí, rồi lại nhìn sang tôi - suốt bảy năm trời ròng rã!

Mà mẹ của Trịnh Ninh Ninh lại bỏ qua bảy năm này, sau đó ngồi vào yên xe sau của tôi.

Ký ức về những năm nay dần ùa vào đầu tôi, tựa như miếng bông dần xõa tung ra.

Phải chăng cái bảy năm này đã bị nén lại thành cây kim đâm thẳng vào ót Cam Linh, biến cô ta thành ả điên điên khùng khùng không nghe lọt được tiếng người, nên mãi bám theo tôi như đỉa đói.

Cuối cùng ả điên cũng chịu đứng lên, nhưng vẫn khăng khăng vặn hỏi: "Cô nói đi, thằng nào giết Trịnh Ninh Ninh vậy? Cô cứ nói cái gì cũng được, như tên nó là gì, khuôn mặt, sống ở đâu, lúc đó mặc quần áo gì...!Mấy cái này cô nhớ được mà đúng không?"

Đúng là cô ả này quyết tâm tìm cho kỳ được kẻ gây án mới vừa lòng hả dạ rồi.

Tôi gồng người kéo ghi đông xe lại, lấy eo đỡ thân xe, lo rằng tay tôi mà lỏng đi thì nó sẽ ngã xuống.

Cam Linh vẫn lải nhải những vấn đề của cô ta, mà tôi thì cứ im thin thít, cô ta chợt nắm lấy cổ áo tôi từ phía sau, thế là cái cổ của tôi đã bị khóa chặt.

Nhưng tôi vẫn làm thinh, tôi là nhân chứng, đây là bí mật của tôi.

Cổ áo bị túm lấy, tôi bắt đầu thở không ra hơi; còn Cam Linh tuy là hạng cứng đầu điên rồ, nhưng không phải sát nhân.

Mặt tôi tái nhợt đi, không giữ nổi cái xe nữa, ầm, nó nện xuống đất, tôi nghe thấy tiếng kính chắn gió vỡ nát.

Cam Linh buông tay ra, đứng trước mặt tôi, lại kéo áo tôi từ phía chính diện.

"Nói đi." Ánh mắt Cam Linh sắc bén như hai con dao nhỏ chọc vào đôi mắt tôi.

"Tôi không nói được." Tôi cũng nhìn cô ta chăm chú, tôi không giỏi tranh cãi hay xung đột với người khác, nên chỉ đành bấu víu thật chặt lấy thứ mà tôi muốn giữ gìn.

Một chiếc ô tô chợt lướt nhanh qua, trong khoảnh khắc ánh đèn xe chiếu đến đó, tất cả sắc màu trên người chúng tôi đều nhòa đi, chỉ còn từng nét phác thảo lờ mờ.

"Ngay cả con mình chết mà còn không biết, bảy năm lận đó, làm sao mà cô biết được kẻ giết người trông như thế nào hả? Con bé đã chết rồi! Cô còn tìm hung thủ làm gì nữa?"

Tôi gay gắt nhả ra những lời nghiệt ngã.

Cam Linh thì chẳng động đậy mảy may, thậm chí ánh mắt vẫn không có tí gợn sóng nào.

Đúng y như tôi nghĩ.

Cô ta không thèm đếm xỉa xem mình có đủ tư cách làm mẹ hay không, hiện tại cô ta là kẻ đi săn, muốn lùng bắt tên sát nhân đó cho kỳ được.

Cam Linh hoàn toàn không có điểm yếu nào cả, mấy câu nói kia của tôi chẳng xi nhê gì.

Cô ta vẫn cứ ngang bướng làm theo ý mình, tôi chỉ có thể rũ áo thật mạnh thoát khỏi gọng kiềm của cô ta, hì hục dựng cái xe lên, giống như di chuyển một khối đá thật lớn.

Nhưng cô ả còn lì lợm hơi tôi tưởng, nhẹ nhàng dẫm dẫm lề đường, chợt vặn lại: "Vậy cô lấy quyền gì mà chất vấn tôi thế? Cô còn không phải mẹ con bé nữa chứ."

Tôi như bị giáng cú đánh đau điếng từ phía sau, lòng khó chịu vô cùng.

Tôi loạng choạng đứng dậy, tạm thời quên béng mất cái xe điện.

Cam Linh rũ tay áo xuống, thêm vào một câu: "Tôi sẽ còn đi theo cô.

Rồi cô sẽ nói ra thôi."

"Tôi không có nghĩa vụ kể lại chuyện cho người mẹ vô trách nhiệm như cô!"

"Rồi cô sẽ nói." Cam Linh nhìn tôi.

Ánh mắt cô ta không còn là cái nhìn chòng chọc chăm chú nữa, mà đầy vẻ bình tĩnh lặng yên, tựa như ném đến một cái đinh xuyên vào tim, đâm vào xương, đôi môi cô ta mím chặt, mái tóc rối bù phơ phất lộn xộn.

"Tùy cô." Tôi nhếch môi, nhưng không thể thốt ra từ ngữ thô t.ục chửi rủa gì được.

"Cô sẽ nói thôi."

Tôi thất thần chạy trốn cùng chiếc xe tơi tả.

Hôm sau ra tiệm sửa xe thì được biết bánh trước rõ ràng là đã bị kẻ nào đó cố ý đâm thủng.

Tôi sẽ không hé răng chữ nào với Cam Linh, cô ta không xứng đáng được biết việc gì đã xảy ra ở hiện trường ngày ấy.

- -

Chú thích:

(2) Trích từ chương 41, Sách Sáng thế ký - là là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung.

Nội dung của sách Sáng thế nói về nguồn gốc của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel.

Chương 41 kể về giấc mơ của vị vua Pharaoh: có bảy con bò mập bị bảy con bò ốm ăn mất, và bảy bông lúa mẩy bị bảy bông lúa lép nuốt đi, mà tất cả trông vẫn ốm yếu như cũ.

Rồi vua được Joseph giải mộng rằng sắp tới là bảy năm được mùa dư dả, và bảy năm kế tiếp đói kém đến độ chẳng ai còn nhớ sự thịnh vượng lúc trước nữa.

Thế là vua phong Joseph lên đứng đầu trong xứ, có nhiệm vụ thu góp lương thực trong những năm được mùa để dự phòng cho lúc đói kém..

Quảng cáo
Trước /27 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Mạc Yến Cao Dương

Copyright © 2022 - MTruyện.net