Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm
  3. Chương 7: Miến khoai tây
Trước /39 Sau

Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 7: Miến khoai tây

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Khi trận tuyết đầu tiên của năm nay rơi xuống, Hà Điền đang đánh cá trên sông.

Chiếc lưới đánh cá này không quá nặng, nhưng nâng lên thì lại rất tốn sức.

Mấy ngày nay nhiệt độ xuống thấp, trên sông từ sáng đến tối đều mù mịt sương mù, trời ẩm và lạnh, dù mang găng tay da thì các ngón tay cô cũng đã trở nên cứng đơ ra, rất khó co giãn, khi kéo lưới, dây lưới thô ráp cọ xát vào tay, vô cùng đau đớn.

Cuối cùng thì Hà Điền cũng kéo được lưới đánh cá lên thuyền, cô mệt đến mức ngồi trên ván thuyền thở hổn hển.

Lúc này trên má cô chợt lạnh, như có giọt nước rơi xuống mặt.

Cô ngẩng đầu lên, nhìn thấy một hạt tuyết mỏng đang từ từ rơi xuống.

Những bông tuyết xuyên qua làn sương trắng trôi trên sông và hơi thở trắng xóa từ miệng và mũi của Hà Điền, đáp xuống trán, lông mi và mũi của cô.

Hà Điền ngồi ở bên bờ sông xử lý từng con cá bắt được hôm nay, mổ bụng và rửa sạch chúng.

Dòng sông lạnh như băng, một lớp băng mỏng đã dần dần hình thành gần bờ.

Khi đang rửa cá, Hà Điền thỉnh thoảng đưa tay lên miệng, hà hơi sưởi ấm những ngón tay cứng ngắc của mình.

Băng bây giờ vẫn còn trong suốt, không dày hơn mảng đá, nhưng sau đêm nay, nó sẽ đông lại thành một lớp băng mờ dày khoảng ba hoặc bốn centimet.

Sau khi tuyết rơi, nhiệt độ sẽ nhanh chóng giảm xuống, dòng sông này sẽ đóng băng.

Sau khi rửa hết cá, tay của Hà Điền trở nên sưng đỏ, từng ngón tay giống như củ cà rốt nhỏ, đau như bị dao đâm vào.

Nhưng cô phải chịu đựng đau đớn mà mang thuyền về nhà cất vào kho.

Khi Hà Điền quay lại để nhặt cá, tuyết trên đá đã bắt đầu đóng băng, đường xuống dốc cũng trở nên trơn trượt.

Cô cõng về một sọt gồm những cành cây gãy và lá khô, rắc chúng dọc theo đường đi.

Lại đợi thêm một thời gian nữa, đợi cho tuyết rơi thật dày rồi thì cô sẽ rải vỏ hạt dẻ xuống đường.

Cá đã đánh vảy và làm sạch cũng đông cứng lại thành một chùm, trên mình cá có một lớp băng gần như không nhìn thấy được, sau khi lắc vài cái, thân cá va vào nhau, vụn băng ào ào rơi xuống.

Bắt đầu từ hôm nay, bếp lửa ở nhà sẽ không ngừng cháy.

Luồng không khí lạnh ập đến mà không hề báo trước. Nó sẽ đóng băng toàn bộ dòng sông chỉ trong một đêm, và nhiệt độ trong rừng có thể giảm từ âm mười độ xuống âm bốn mươi độ. Cái lạnh âm độ sẽ đóng băng mọi thứ trong nhà, bể nước cũng sẽ đóng băng nứt toác, và khiến người đang trong cơn ngủ mê mãi mãi ở lại trong mộng.

Hà Điền ngồi bên bếp lửa hơ tay một lúc, đợi những ngón tay cứng ngắc và đau nhức lấy lại được sự linh hoạt, sau đó xách xô đi ra suối lấy nước.

Mấy ngày nay khe suối cũng đã bị đóng băng, hiện tại băng đã dày hơn một tấc, nhưng nước dưới băng vẫn không ngừng chảy.

Hàng ngày Hà Điền dùng một thanh gỗ to để phá băng ở cùng một chỗ, sau đó thả xô xuống để lấy nước. Chỗ băng thường xuyên bị đập nát này luôn mỏng hơn những nơi khác.

Cô thở ra một hơi và nghĩ, chắc là sau đêm nay, con suối này cũng sẽ bị đóng băng hoàn toàn.

Dòng nước này từ trên đỉnh núi chảy xuống, mà càng lên cao thì lại càng lạnh.

Bể cá cũng được chuyển sang bức tường bên cạnh bếp lò. Hà Điền lại chuyển thêm một vại nước vào trong nhà, đổ đầy nước đến tám mươi phần trăm rồi thả một con cá nhỏ vào. Bây giờ, trong nhà có tổng cộng bốn vại nước.

Đặt thêm vại nước trong nhà không chỉ để thuận tiện cho việc sử dụng nước mà còn có tác dụng giữ ấm.

Tuyết càng lúc càng lớn, những hạt tuyết nhỏ lúc đầu giờ đã thành lông vũ trắng bay khắp trời, trên ngọn cây đã có một lớp tuyết dày.

Hà Điền lại bước vào gió tuyết.

Cô mở tấm ván gỗ của hầm rau ra, treo ngọn đèn dầu trên tay lên vách nóc hầm rồi leo xuống thang.

Hầm rau sâu gần hai mét thực ra không quá lớn, chỉ ba bốn mét vuông, chứa đầy thức ăn.

Dọc bốn bức tường có những giá gỗ dày, trên đó là những chiếc hũ sành và thùng gỗ được xếp ngay ngắn.

Hà Điền kiểm kê lại một chút, cô có hai hũ kê nhỏ, một hũ gạo nhỏ và yến mạch, những thứ này được thu hoạch trên ruộng ở bờ sông khi cô đi bắt chim vào mùa hè thu; bốn thùng khoai tây, ba thùng củ cải, và mười cây cải thảo. Một vài hũ nhỏ đựng đậu giác ngâm, ớt, cà tím nhỏ, cà rốt, còn có một hũ lớn đựng đậu nành và hai rổ hành tây. Ngoài ra, cô còn có hai thùng táo, nhiều loại trái cây và rau củ sấy khô cùng một vài loại hạt.

Cô hài lòng trèo lên, đậy nắp hầm rau rồi phủ thêm vài lớp cỏ khô lên.

Cô còn có một cái hầm nhỏ khác, bên trong chứa đầy khoai lang.

Hà Điền đi đến gian nhà nhỏ đặt cá và thịt hun khói, cô tháo cá và thịt ra, dùng dây rơm buộc hai thứ lại, bỏ vào hầm khoai lang.

Khi mùa đông đến, những con vật vì đói sẽ có nguy cơ tìm đến kiếm ăn. Hà Điền không muốn vào một ngày nào đó, khi cô vào nhà kho lấy cá hun khói thì nhìn thấy một bầy chuột đang ẩn nấp bên trong, gặm thịt cá của cô thành một đống hỗn độn.

Khoai lang khác với các loại thực phẩm khác, nó thải ra khí cacbonic khi ở trạng thái ngủ đông.

Điều này làm cho hầm khoai lang trở thành một nơi tốt để bảo quản thịt cho mùa đông.

Khi muốn sử dụng, chỉ cần dùng một chiếc que dài có móc sắt ở một đầu, thọc vào lòng hầm, móc dây rơm là có thể dễ dàng lấy thức ăn ra. Khoai lang cũng được bọc lại đơn giản trong túi rơm, ba bốn củ một túi, đủ ăn một thời gian.

Ngoài những thực phẩm này, Hà Điền còn cất một số miến làm từ tinh bột khoai tây trong kho.

Khoai tây mới thu hoạch rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ, cho vào khối xay thủ công thêm nước rồi nghiền mịn, nước trắng chảy ra, đổ phần nước trắng vào một cái thùng, một lúc sau sẽ thấy một màu hơi đỏ nâu nổi lên bề mặt. Để yên trong khoảng hai giờ, đem phần nước trong phía trên đổ vào một cái thùng khác, phần bột nhão màu trắng chìm ở phía dưới chính là tinh bột khoai tây.

Phần bã khoai tây còn lại được bọc trong gạc và vắt mạnh để lấy thêm một ít tinh bột.

Tinh bột sau khi phơi khô thuận tiện hơn trong việc bảo quản, và nó cũng có thể được chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Hòa tinh bột với nước rồi khuấy đều, sau đó nhào thành bột, đặt khung thép ép miến lên trên nồi nước sôi, cho một miếng bột vào máng lưới, ấn mạnh tay xuống, bột nhão sẽ chảy ra từ các lỗ của máng lưới. Nó trượt xuống, biến thành một đường dày màu trắng tuyệt đẹp, rơi trong nước sôi và thành hình.

Vớt miến ra, xả nước lạnh cho nguội rồi treo lên dây cho khô, thành miến khô.

Miến khoai tây nếu được bảo quản tốt, ở trong rừng, có thể bảo quản từ hai đến ba năm.

Số cá mà Hà Điền bắt được hôm nay không dùng để ướp hay hun khói, cô đã treo chúng ở ngoài nhà, một lúc sau cá đã đông cứng như đá.

Cô để lại một con cho bữa trưa hôm nay.

Cô nấu một nồi nước, thả nấm hương đã ngâm nở, nấm núi, ớt khô và một quả cà chua thái nhỏ vào, khi canh có màu vàng cam thì cho cả cá vào đun khoảng năm phút. Khi hương thơm ngon lành lan tỏa ra khắp nhà, cô cho vào một ít miến khoai tây.

Múc miến cá vào tô, rắc hành lá xắt nhỏ và một chút muối vào.

Nước canh chua chua cay cay, cá mềm ngon, còn miến khoai tây thì trơn bóng. Ăn xong một tô, toàn thân cũng ấm áp lên.

Ăn trưa xong, gió tuyết càng lớn, trời đất xám xịt, không nhìn rõ cảnh vật ngoài cửa sổ, chỉ có thể nhìn thấy bông tuyết tung bay.

Hà Điền ngồi trước đống lửa, vá lưới đánh cá.

Sông đóng băng không có nghĩa là không còn đánh bắt được nữa. Nhưng lưới đánh cá của cô, e rằng phải đợi đến tận mùa xuân năm sau mới có thể dùng đến nữa.

Nếu bà còn ở đây, họ có thể đào hai cái lỗ trên sông, buộc lưới đánh cá vào gậy tre mỏng, một người đặt lưới và gậy tre từ lỗ này xuống, mượn dòng nước đưa lưới sang lỗ bên kia, người kia giữ chặc gậy tre, lôi một đầu lưới đánh cá ra khỏi lỗ, lấy gậy tre ra, cố định phao gỗ trên lưới đánh cá trên mép của hai lỗ băng, để trong ba hoặc bốn ngày. Nếu lưới đánh cá trôi theo chiều sâu của dòng sông vẫn đang âm thầm chảy, sẽ có cá lao mình vào lưới.

Vài ngày sau, hai người lại dùng phương pháp tương tự như vậy để kéo lưới từ lỗ băng lên, có thể bắt được cá.

Nhưng hiện tại cô chỉ có thể dựa vào chính mình.

Chạng vạng tối tuyết vẫn còn đang rơi, lớp tuyết đã dày gần mười ba mười bốn centimet.

Mùa đông đã đến.

Tuyết rơi suốt cả một đêm mới ngừng lại.

Khi Hà Điền tỉnh dậy, cả thế giới đã được khoác lên mình một lớp áo dày.

Mặt trời cũng ló dạng, ánh nắng vàng ươm rọi xuống nền tuyết trong vắt, phản chiếu những đốm sáng li ti.

Hà Điền pha một bình trà táo đỏ và gừng khô, uống vào, rồi vội vã ra ngoài xúc tuyết.

Tuyết lúc này còn mềm nên dễ xúc, khi mặt trời lên cao, tuyết tan, đông lại tạo thành lớp vỏ cứng, lúc đó sẽ rất khó xúc.

Dụng cụ cô dùng để xúc tuyết là một chiếc cào bằng gỗ. Đóng đinh một tấm gỗ mỏng vào thanh gỗ, dùng chiếc cào để đẩy tuyết giống như một cái xẻng, dồn lại ở hai bên đường.

Con đường vừa mở ra vẫn còn một ít tuyết mỏng, không sao cả, rắc một lớp cành khô và lá mục nát lên đó, chỉ cần có thể chống trơn trượt là được. Trên cành chết và lá rụng có các vi khuẩn nhỏ đang thực hiện các hoạt động vô hình, lá mục nát luôn tỏa ra nhiệt, cành và lá màu nâu sẫm cũng sẽ hấp thụ nhiệt của ánh nắng mặt trời, sẽ sớm làm tan lớp tuyết đó thành nước.

Sau khi dọn một lối nhỏ quanh nhà, Hà Điền còn quét dọn tuyết quanh hầm.

Lớp cỏ trên nắp hầm được đẩy ra, sau đó mở nắp gỗ ra chừa một khe hở nhỏ để thông gió cho hầm.

Tuyết là chất cách nhiệt rất tốt, có thể cản không khí, nhưng rau bảo quản trong hầm cần có không khí để tránh bị hư thối.

Tất nhiên, càng không thể để cho nắp hầm bị đóng băng lại.

Sau khi làm xong những việc này, Hà Điền đi đến chuồng của Gạo, thả nó ra và cho nó ăn.

Sau khi dọn dẹp chuồng xong, Hà Điền mồ hôi nhễ nhại.

Cô quay vào nhà, nghỉ ngơi một lát, hâm lại phần canh cá còn dư tối qua ăn xong rồi xách công cụ đi ra ngoài.

Hà Điền buộc một sợi dây thừng vào người Gạo, phần dưới của sợi dây thừng buộc một chiếc cào bằng gỗ để quét tuyết, kéo nó đi về hướng bờ sông.

Cô đi phía sau Gạo, dùng xẻng gỗ gạt số tuyết chưa quét sạch sang hai bên rồi bóc một nắm lá thối trong chiếc sọt sau lưng rắc xuống đất.

Đã đến được con đường nhỏ dẫn ra sông, đoạn đường này Gạo không thể giúp được gì, Hà Điền chỉ có thể tự mình làm.

Nhưng Hà Điền cũng không có ý định dọn con đường này một cách cẩn thận. Mặc dù lần này tuyết rơi nhiều, nhưng nó sẽ sớm tan đi, đợi lần sau tuyết rơi nhiều hơn, chính là lúc cô rải những vỏ hạt dẻ xuống. Vì vậy, cô chỉ dùng một cái cào gỗ cào qua cào lại một cách tùy tiện rồi rắc những chiếc lá mục lên.

Hà Điền đi đến bờ sông, đục một cái lỗ trên sông.

Không còn nghi ngờ gì nữa, suối trên núi sẽ sớm bị đóng băng, khi đến thời điểm muốn lấy nước và bắt cá, đều phải dựa vào lỗ băng trên sông này.

Khi sông đóng băng lần đầu tiên, dùng một thanh gỗ nhọn đục một lỗ băng, khi sông đóng băng lần nữa, trong lỗ sẽ hình thành một lớp băng mới, rồi lại làm tương tự như vậy một lần nữa, giữa hai lớp băng sẽ hình thành một cái hố nhỏ, để vào trong hố băng đó một cái cọc gỗ, về sau cứ cách hai ngày thì lại dùng sức lắc mạnh, nước trong hố băng này sẽ tiếp tục chảy suốt mùa đông.

Tại sao không dùng tuyết tan làm nước uống? Vì nó tiêu tốn nhiều củi. Mà củi thì rất quý. Gỗ bị tuyết phủ vào mùa đông tất nhiên có thể được chặt nhỏ và dùng làm chất đốt, nhưng chúng rất ẩm và khó cháy, khói sẽ bốc lên nghi ngút và gây nghẹt thở.

Tại sao không chỉ ăn thức ăn dự trữ? Tại sao lại muốn đục một hố băng để câu cá? Bởi vì những người sống trong rừng, thực ra không chỉ là người ở trong rừng, mọi người ở khắp mọi nơi đều giống nhau, nếu không chuẩn bị tốt, sẽ khó có thể sống sót khi xảy ra tai nạn.

Đây là tất cả những câu hỏi mà khi còn nhỏ Hà Điền đã hỏi bà của mình.

Hà Điền đã đục xong hố băng, nhìn vào dòng sông mênh mông mù sương.

Chỉ mới một đêm, toàn bộ con sông này dường như đều bị đóng băng, chỉ có nước ở lòng sông là vẫn còn đang chảy.

Nhưng cô biết rằng đó cũng chỉ là ảo ảnh. Để đóng băng cứng toàn bộ dòng sông và có thể cưỡi xe trượt tuần lộc băng qua nó, phải mất khoảng một hoặc hai tuần.

Khi đó, cô có thể đi đến khu rừng bên kia sông đặt bẫy bắt chồn.

Khu rừng bên bờ sông đối diện cũng là phạm vi săn bắn của Hà Điền.

Vào mùa xuân, khi mực nước sông chảy chậm, cô chèo thuyền qua, làm bẫy vòm thông trong rừng, tìm những hốc cây thích hợp để đặt bẫy, đánh dấu, sửa chữa chòi săn bắn trong rừng và chuẩn bị củi khô. Về sau, mực nước sông dâng cao hơn, tốc độ dòng chảy cũng nhanh hơn, muốn vượt qua thì không thể mạo hiểm chèo thuyền được nữa, phải đi đường vòng dài gần hai ngày.

Trở lại nhà nhỏ, Hà Điền uống thêm một ly trà gừng táo tàu đỏ để xua tan cảm giác lạnh.

Cô ngây ngốc nhìn vào khu rừng ngoài cửa sổ một lúc, quyết định dắt Gạo đi một vòng trong rừng.

Hôm kia, cô tìm thấy dấu vết của thỏ rừng ở trong rừng sồi, và đã đặt một cái bẫy sắt ở đó. Biết đâu sau một đêm tuyết rơi dày đặc, một con thỏ đói và lạnh đã rơi vào bẫy?

Hà Điền nhét đầy đạn chì vào hai khẩu súng ngắn, lấy một bình trà gừng và một củ khoai tây nướng rồi lên đường.

Trước khi ra khỏi nhà, cô bắc một cái nồi đất lên nắp sắt đã đậy trên bếp. Trong nồi có hai chén nước, một củ hành tây nhỏ, ba bốn hạt dẻ khô, và xương vịt trời.

Vịt trời được đánh bắt vào mùa thu, mổ moi nội tạng, xẻ thịt ức và hai chân vịt ra, còn lại là xương vịt. Xương vịt có thể dùng để nấu canh, ức vịt và đùi vịt thì đem hấp với gạo, nấm, củ cải.

Xương vịt được tẩm ướp có vị mặn rất đậm đà, thêm nước cùng với hạt dẻ và củ hành, cho vào nồi đất, bắc lên bếp rồi đậy nắp lại. Không nên để lửa quá lớn, mà nên để ở nhiệt độ bảy mươi hoặc tám mươi độ, thịt trên xương vịt vốn không dày, đun từ từ, sau năm sáu tiếng, thịt khô sẽ mềm, vị ngọt trong hạt dẻ và củ hành cũng được tiết ra.

Lúc này, lấy nắp sắt đậy trên bếp ra, trực tiếp đặt nồi lên bếp, đun trên lửa lớn, đun khoảng hai mươi phút hoặc nửa tiếng là canh vịt đã được rồi, củ cải sẽ trung hòa với chất mỡ trong canh vịt, giúp món canh thêm đậm đà hơn, ăn cùng với khoai tây nướng hoặc cho miến khoai tây vào trong canh cũng đều ngon.

Quảng cáo
Trước /39 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Bạch Nguyệt Quang Nàng Không Phụng Bồi

Copyright © 2022 - MTruyện.net