Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Thấy Đỗ Phụng không phản ứng với những lời mình nói, ông ta nói thêm:
- Cuộc đời là một giấc mơ. Đàn cổ cầm thức tỉnh tâm hồn và xóa bỏ các ảo giác… Nó không dành cho những con người của chiến tranh. Nếu tướng quân muốn giải trí và mua vui ình, hãy gọi những người đàn bà đến…
Nghĩ rằng mình đã thành công trong việc thuyết phục tướng quân, Thẩm Thanh Lâm cười khẩy:
- Lưỡi kiếm cắt đầu và giết chóc. Đàn cổ cầm suy tư và hít thở khí trời. Đàn cổ cầm không phải là cánh tay nối dài của quyền lực, nó là sự phá hủy quyền lực. Nếu tôi dạy cho tướng quân nghề làm đàn, ngài hãy từ bỏ chiến tranh để theo đuổi âm nhạc.
- Ta không phải là người giỏi nói năng, - Đỗ Phụng nói. - Những gì ta nghe từ ông làm ta thỏa mãn. Ta cho ông một đêm để chuẩn bị hành lý. Chúng ta sẽ lên đường. Ông sẽ là sư phụ của ta, ông sẽ có thịt và rượu và không ai làm tổn hại đến ông.
Thẩm Thanh Lâm ngỡ ngàng im lặng hồi lâu. Rồi ông ta quyết định:
- Sự thể đã thế này, tôi chỉ có một điều kiện. Nghề của gia đình cha truyền con nối, tôi phải nhận ngài làm con nuôi, ngài phải từ bỏ họ và lấy theo họ của tôi là họ Thẩm. Nếu tướng quân từ chối, tôi sẽ theo tướng quân nhưng tôi sẽ tự sát ngay khi có thể.
Người Tiên Ti không tin vào số phận nhưng tin vào sự may mắn. Biết rằng cái chết sẽ đến còn nhanh hơn lưỡi kiếm, họ sống lấy tinh thần làm chủ đạo và không hoang phí một phút giây nào. Đỗ Phụng chấp nhận ngay lập tức điều kiện của Thẩm Thanh Lâm.
Ba năm sau, trong một cuộc đụng độ với người Tiên Ti ở phía tây, Đỗ Cố bị các tướng lĩnh hạ cấp phản bội. Từ sau lưng, chúng tấn công ông bằng một trận mưa tên, cắt đầu ông rồi mang về dâng cho triều Tiên Ti phía tây. Khi Thẩm Phụng biết tin anh họ mình đã chết, ông đổi trang phục với một tên lính rồi trốn đi trong đêm với sư phụ mình. Người thợ đàn người Hán nói đúng. m nhạc đã giúp Thẩm Phụng quay lưng lại với chiến tranh, nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu vì tình nghĩa huynh đệ. Cái chết của người anh họ đã giải phóng ông khỏi ràng buộc. Ông đã được tự do và quyết định đi về phương Nam.
- Phương Bắc là vùng đất của ta, thậm chí khi nó không còn thuộc về người Hoa Hạ, - sư phụ ông than vãn. - Tại sao lại bỏ đất đai của mình? Tại sao phải đi sống giữa những kẻ thù? Thậm chí dù người ta có ca ngợi những mảnh vườn và các đền thờ kỳ diệu ở phương Nam, ta vẫn thích những cơn bão tuyết và bánh mì nhồi thịt cừu nướng!
Bất chấp những than vãn của ông ta, Thẩm Phụng đi xuống bờ sông, nơi ông gặp những người lính Tiên Ti xưa, nay đã trở thành giang tặc. Họ giải thích với ông rằng họ sẽ đi qua những vùng nước nguy hiểm đến mức không có một con thuyền bảo vệ biên giới nào của phương Nam dám đến.
Đêm đen kịt. Những con sóng xô vào thềm đá giữa một khúc sông hẹp. Những chiếc thuyền mành chất đầy những con người mơ một cuộc đời mới bị những xoáy nước bóp nát rồi Thẩm Phụng ngã xuống sông.
Khi ông tỉnh lại, mưa phùn đang rơi xuống. Những bờ đá nghiêng mình vào ông giống như thì thầm với nhau. Ông lang thang nhiều ngày bên bờ sông mà không thấy xác sư phụ đâu. Tổ tiên của Thẩm Thanh Lâm đã cấm con cháu vượt qua dòng Dương Tử. Vong hồn họ chắc đã giữ Thẩm Thanh Lâm ở bờ Bắc. Chắp hai tay đưa lên trán, Thẩm Phụng cúi lạy thật sâu, đầu hướng về phương Bắc, rồi đi vào trong núi.
Trên mảnh đất vô số lính Tiên Ti trôi dạt vào có đầy những rừng tre khổng lồ và đỉnh núi màu tía vì đỗ quyên đang mùa trổ bông. Ông đi bộ nhiều ngày liền theo những lối mòn tràn ngập bóng tối rồi bất thình lình mặt trời chiếu rọi cả một thung lũng. Sườn phía nam tầng tầng lớp lớp thềm cỏ đủ sắc độ của màu xanh. Đó là một loại cây ông không biết, được trồng thành từng thửa nhỏ. Sau đó Thẩm Phụng được biết đó là ruộng lúa.
Trong làng, ông xin được chân lính gác cho người buôn muối và đi buôn với ông ta. Thật lạ lùng, số phận lặp đi lặp lại tựa như một điệp khúc cho đàn cổ cầm. Từ cuộc gặp này đến cuộc gặp khác, Thẩm Phụng ngao du qua đất phương Nam theo đúng cách thời trẻ ông đã ngang dọc trên đất Bắc.
Ông xếp những đôi ủng da lại rồi đi một đôi dép gỗ. Ông tháo mái tóc Tiên Ti của mình ra rồi buộc thành búi theo kiểu phương Nam. Ông giấu giọng nói bằng cách im lặng và luôn nhìn xuống vì người ta nói ánh mắt ông hung dữ. Ở phương Nam, giọng nói ngọt ngào như có vần điệu. Quanh năm suốt tháng sống trong sương mù, đàn ông và đàn bà có nước da sáng hơn và mịn hơn. Họ ăn cơm thay vì bánh mì và sợi mì còn mỏng hơn cọng tóc.
Chìm trong những tán lá và muôn hoa, các kinh thành lại mang trên mình những vết sẹo chiến tranh giống như những kinh thành phương Bắc. Đền miếu, kênh đào, cầu cống, các dinh thự trôi về phía Thẩm Phụng như những kỳ quan buồn bã trong một giấc mơ, rồi thổi lên một điệu nhạc dai dẳng. Dần dà, ông gặp được những người Tiên Ti và người Hung Nô đang trốn phương Bắc. Trong khi ở xứ ông, người Hán bị xem như một giống nòi thấp kém thì ở phương Nam này, người du mục phải chấp nhận những việc làm nhục nhã và nguy hiểm mà người Hán không muốn làm.
Sau khi chiếm ngôi nhà của bác mình, lật đổ nhà Tề, Tiêu Diễn trở thành Hoàng đế nhà Lương. Khi còn trẻ, ông ta là một chiến binh hung tợn, đã gây ra các cuộc chiến tranh chống người Tiên Ti nhà Ngụy. Khi già, ông gác hết việc triều chính, chỉ đam mê nghệ thuật và Phật giáo. Dưới thời ông, hội họa là biểu trưng của thơ ca và các bài thơ là nơi phô bày hiểu biết. Đàn cổ cầm là loại nhạc cụ được Hoàng đế vốn đã trở thành nhà hiền triết yêu thích. Theo gương ông, các quan lại và tướng lĩnh phương Nam học nhạc, còn ở kinh đô Kiến Khang, những người thợ đàn giỏi nhất viết nên âm luật tinh tế.
Cái tên Thẩm Phụng trở nên nổi tiếng vì ông xử lý gỗ theo phương pháp cổ đã thất truyền ở bờ Nam. Những cây đàn cổ cầm mang những cái tên tượng thanh gợi nhớ về Bắc Trung Hoa: “Sấm sa mạc”, “Rừng thông”, “Tiếng tuyết rơi”, “Nghìn ngựa phi nước đại”, tất cả đều tạo ra những âm thanh tinh tế làm dịu đi những cơn giận dữ. Bồng bềnh rồi xoay tròn, những âm thanh trầm tĩnh băng qua sự náo nhiệt của những con phố Kiến Khang rồi đến tai Hoàng đế. Ngạc nhiên khi biết một người Tiên Ti lại có thể là thợ đàn, Tiêu Diễn gọi ông vào cung đàm luận về tính vô thường của thế giới cát bụi và cái thanh đạm của cây đàn cổ cầm. Ông ta lệnh cho Thẩm Phụng làm hai cây đàn có tên “Bạch hạc vỗ cánh” và “Mây nhàn”.
Người thợ đàn trẻ không còn nhớ nổi cha mẹ mình là ai. Sư phụ kể với chàng rằng khi ông nhặt được chàng giữa đường, chàng đang khóc trên xác một người phụ nữ bắt đầu thối rữa. Lúc đó chắc chàng lên ba tuổi. Lúc đó chàng đang run lẩy bẩy và sốt. Cơn đói quặn ruột và cơn khát đốt cổ họng chàng. Sư phụ cõng chàng trên lưng nhưng cấm chàng ăn. Sư phụ đi nấu rễ cây, vỏ cây và lá cây, rồi sư phụ bắt chàng uống nước cất có vị buồn nôn và nhuộm miệng chàng đen sì. Sư phụ nói với chàng:
- Con tên là Thẩm Phong, có nghĩa là “gió”, phát âm với giọng bềnh bồng.
Cõng chàng trên lưng, sư phụ dẫn chàng rời kinh đô Kiến Khang. Cảnh huyên náo trong thành làm một đứa trẻ hoang dại sợ hãi, khóc nức nở. Trong chỗ trọ, dù cho đứa trẻ la hét và khóc lóc, sư phụ vẫn buộc nó vào một cây cột rồi đi tìm việc. Tiếng chuông leng keng và tiếng xì xầm cười nói lúc nào cũng làm nó giật mình, Thẩm Phong nức ở, cắn dây thừng để bỏ trốn, la lên rằng mình muốn về lại miền núi và chơi với khỉ. Chàng không hiểu tại sao con người lại sống giữa bốn bức tường, tại sao kinh thành chỉ là những vách cao, nơi người ta đào vài cái lỗ để đi vào đi ra. Con người lúc nào cũng vội vã và làm cho chàng sợ. Nhất là những tên lính có đầu gắn lông chim và cơ thể bọc những mảnh đồng và da. Chúng đi ngựa, lật úp các hàng quán và dùng vũ khí đánh đập bất cứ ai trên đường vó ngựa chúng đi qua.
Khi Thẩm Phong quen với tiếng ồn ào của đô thành, sư phụ chàng lại dẫn chàng đi với ông. Chàng được đem tới chỗ một công xưởng thật lớn, nơi chàng đục đẽo các trụ cột, lan can và những cánh cửa cho cung điện của Hoàng đế Tiêu Diễn. Khi những thân gỗ nghìn năm khổng lồ được đưa vào, sư phụ chàng cảm thấy rất khó chịu. Chẻ cành, mài vỏ để biến chúng thành cột và xà, điều đó làm ông xót xa. Thẩm Phong nhớ rằng khi đêm xuống, lính gác được hứa ột phần bạc kiếm được để tiếp tay cho những người thợ cướp những mẩu gỗ quý. Trong khi những người khác biến chúng thành đồ đạc để bán ngoài chợ thì sư phụ chàng bắt đầu đục đẽo thành nhạc cụ.
Hai năm sau, cậu bé Thẩm Phong đã quen mặc áo vải mềm chạy lon ton theo sư phụ đi bán đàn cho những vị khách giàu sang. Họ không còn ở trong nhà trọ nữa mà có một ngôi nhà với một mảnh vườn. Thẩm Phong, đứa học việc, giờ đã biết bào gỗ, chạy dây lụa và quét sơn. Cạnh bên sư phụ mài và đập vỏ cây, chàng được phép làm những cây đàn cổ cầm nhỏ để làm đồ chơi. Một ngày, chàng thấy một toán lính ăn mặc rất lạ đi vào trong thành, chàng chạy đi gọi sư phụ, người vừa thấy kỵ binh đã đứng sững vì mừng vui và sợ hãi. Ông nhận ra quân phục của lính Tiên Ti.
Triều Lương cũng phù du như những triều đại trước. Là người nhiệt thành tâm Phật, Hoàng đế Tiêu Diễn cạo đầu vào chùa thành sư; ông ta chỉ ra khỏi chùa khi triều đình có việc lớn. Ông chấp nhận cho tướng quân Hầu Cảnh ở phương Bắc lánh nạn và mở cửa biên cương cho quân lính của y vào, nghĩ rằng bằng cách hợp lực lại, họ có thể chinh phạt miền Bắc. Nhưng Hầu Cảnh đã trở mặt với ông.
Kiến Khang trong cơn bão lửa. Theo từng đám di dân, Thẩm Phong và sư phụ thoát được khỏi cuộc tàn sát tàn ác của lính Tiên Ti. Họ lưu lại trên sông với giang tặc, những người dạy cho Thẩm Phong nhiều khúc hát buồn.
Hầu Cảnh bỏ đói Hoàng đế Tiêu Diễn đến khi ông chết đói. Các tổng đốc người Hán nổi dậy chống hắn. Hầu Cảnh mất mạng ngay trong một trận chiến. Một tướng quân người Hán là Trần Bá Tiên lợi dụng thời khắc hỗn độn của cuộc nội chiến để chiếm đóng kinh đô. Ông ta leo lên ngôi và lập ra triều mới là triều Trần.
Những người thợ đàn không còn nhà cửa, nghề của họ cũng không giúp họ kiếm sống nổi nữa. Thẩm Phong lớn lên trong một thế giới phủ đầy bóng đêm. Tất cả những nơi mà họ đi qua, họ đều chỉ thấy những kinh thành bị thiêu đốt, những xóm làng không một bóng người, những cánh đồng không gặt. Dọc theo bờ sông, người ta đốn cây và đào đường làm những cung điện mới.
Đêm tàn mà ngày mới lên vẫn hoàn toàn vô vọng.
Mùa đông, cái lạnh luồn vào chân Thẩm Phong, gặm nhấm chân chàng. Mùa hè, bọ chét, muỗi và đỉa hút máu người. Chàng chạy trước rồi chạy sau sư phụ, mặt nhăn nhó, tay đập muỗi, tay gãi chân. Bị ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, sư phụ chàng đã trở thành Phật tử. Một buổi sáng, ông nói với chàng:
- Thẩm Phong, Phật hiện ra trong giấc mơ của ta đêm qua. Phật nói với ta: “Chiến tranh biến đời sống thành chỗ chết chóc. Con phải phát tán lời ta về hòa bình thông qua âm nhạc. Ta sẽ tìm cho con một mái nhà, con phải bắt đầu làm đàn cổ cầm lại.”
Ba ngày sau, họ đến Kinh Châu. Một cơn bão vừa quét qua, những tia nắng vàng đâm xuyên lớp sương mờ. Từng đám mây tụ hội, quay vòng. Những cánh buồm tía xâm lấn bến thuyền tối tăm. Ở chân trời, ngọn núi Bắc sừng sững với đỉnh núi màu xanh, vây quanh là những đám mây đen mang theo hơi nước và những cơn mưa. Bên trên, mặt trời tỏa sáng như một viên ngọc trai vàng. Sư phụ dừng lại, lòng khấp khởi vui mừng:
- Con người mãi còn trong sương mù vô minh. Nhưng ta, ánh sáng của Phật đã cho ta đứng dậy. Đi thôi, đi theo ngọn núi đó, chúng ta sẽ xây một ngôi nhà.
Núi Bắc dung chứa những ngôi nhà do nông dân trốn chiến tranh và trốn thuế xây nên. Cuộc đời của họ theo nhịp điệu của mặt trời, hòa với bốn mùa, chậm rãi trôi đi, xa lánh cái dữ dội của dòng sông và sự náo nhiệt của các đô thành. Đứa học việc đã cao hơn sư phụ mình một nửa cái đầu và đã ngang sức với ông trong việc xử lý gỗ. Thời gian trôi đi như một con nai bị đuổi. Hai vương triều nhà Ngụy đã sụp đổ và họ bị thay thế bởi hai vương triều mới là nhà Chu và nhà Tề. Người thợ đàn già không còn quê hương. Thẩm Phong không hiểu vì sao ông phải quay về phương Bắc.
Mặt trời đã lặn nơi đường chân trời. Người thợ đàn trẻ chùi nước mắt. Chàng ngồi xổm dưới gốc cây đào trước nắp quan tài. Chàng nhận ra sư phụ đã lấy ngón tay khắc lên đó một chữ “diệu”. Thẩm Phong lấy một miếng giẻ chùi tấm gỗ. Hơi nhô lên ở giữa, tấm gỗ có đường nét tuyệt hảo và hình khối thanh nhã. Được phủ một lớp sơn đen loại đặc biệt, nó thậm chí còn phản chiếu được ánh mặt trời lúc chiều tà. Thẩm Phong nhớ lại một cuộc nói chuyện với sư phụ.
- Gỗ quan tài rất xấu khi quan tài dùng ột người tâm địa xấu xa, - người thợ đàn già nói với chàng.
- Tìm một quan tài của người tốt ở đâu? - Chàng hỏi vặn lại. - Lúc sống, một người có chí khí có thể làm điều thiện rời điều xấu. Lúc chết, khi đã phân rã, rời khỏi mọi đạo đức và luật lệ, không còn tài sản và hành trang, chẳng phải anh ta cũng chỉ là một bộ xương như bao kẻ khác sao?
Thẩm Phong vuốt ve tấm gỗ. Chàng ngạc nhiên khi không cảm thấy hơi lạnh của tấm gỗ đã ba vương triều nay không đón mặt trời. Chàng gõ gõ vào giữa làm phát ra một tràng âm thanh trong trẻo.
Khúc gỗ này đang sống. Có phải đó là ý nghĩa của từ “diệu” mà sư phụ chàng khắc lại? Diệu, tính từ chỉ một phụ nữ đẹp yêu kiều, có phải nó muốn nói một cây đàn cổ cầm tuyệt diệu? Thẩm Phong đã quen đặt những câu hỏi và nhận lại những câu trả lời. Chàng cũng quen đi theo và trợ giúp sư phụ. Cái im lặng quanh ngôi nhà làm chàng nhớ ra người thợ đàn già không còn ở đó để chỉ dẫn cho chàng nữa.
Chàng tiếc đã để ông ra đi. Đúng ra chàng đã phải chạy theo ông giữ ông lại bằng sức mạnh và nước mắt.
Đêm xuống, gió nổi lên, nỗi buồn lảng vảng. Tiếng ồn của lũy tre từ dưới thung lũng bay về.