Truyện là một lát cắt đời sống của những đứa trẻ lên mười giàu trí tưởng tượng. Giống như bao đứa trẻ khác chúng đều có những mơ mộng, tưởng tưởng và cố gắng biến nó thành sự thực.
Câu chuyện bắt đầu từ một đống cát, và được diễn ra theo nhân vật tôi - cu Tin. Có một hòn đảo hoang, trên đảo có Chúa đảo, phu nhân Chúa đảo, và một chàng Thứ... Bảy. Hàng ngày vợ chồng Chúa đảo và Thứ Bảy vẫn phải đi học, nhưng sau giờ học là một thế giới khác, của đảo, của biển có cá mập, và rừng có thú dữ. Hấp dẫn, đầy quyến rũ, có cãi vã, có cai trị, có yêu thương, có ẩu đả, và cả... những nụ hôn!
***
Gần 2 năm sau Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thu hút nhiều đối tượng độc giả khắp mọi miền đất nước, nhà văn viết sách thiếu nhi “best-seller” Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục trình làng tác phẩm mới: Đảo mộng mơ (do Công ty Sách Đông A và NXB Trẻ ấn hành với hai bản bìa cứng và bìa mềm, sách vừa được chính thức phát hành vào ngày 11-3-2010).
Cùng với 9 tập truyện mới trong bộ Kính vạn hoa, Đảo mộng mơ hứa hẹn là tác phẩm gây “sốt” tại Hội Sách TPHCM.
Lấy cảm hứng từ chuyện Robinson lạc vào hoang đảo, tác giả đã kể một câu chuyện thật dễ thương, ngộ nghĩnh về cậu nhóc Tin, cũng lạc vào hoang đảo nhưng đó là... đống cát trong vườn nhà. “Chúa đảo” Tin đã xây dựng một hoang đảo có phó chúa đảo, rồi thổ dân và cả... chúa đảo phu nhân.
“Hoang đảo Robinson” của Tin cũng có cây xanh, đại dương là một rãnh nước xung quanh đống cát và có đủ cá heo, cá mập, bão biển, mưa dông...
Trên hoang đảo, chị Hai trở thành... hải tặc, chó mèo trở thành sư tử biển và beo gấm. Phó chúa đảo chỉ cần mặc quần tà lỏn là thành thổ dân và có mưa gió bão bùng thế nào cũng phải hiên ngang đối mặt chứ không được bỏ chạy vào nhà trú mưa – dù từ nhà ra hoang đảo chỉ cách có vài bước chân cũng phải xem đó là đại dương mênh mông bí hiểm... Trí tưởng tượng của những đứa trẻ đã làm nên một thế giới tuổi thơ thật hồn nhiên, trong trẻo.
Đảo mộng mơ luôn khiến người đọc phải bật cười vì sự ngô nghê trong cách nhìn của trẻ con. Một câu chuyện trong veo, thuần khiết như chính tâm hồn của trẻ nhỏ. Lồng vào đó là những ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng rất cần thiết cho những bậc cha mẹ về cách giáo dục và yêu thương trẻ nhỏ, bắt đầu từ những điều tưởng chừng vô cùng giản đơn nhưng hết sức quan trọng.
Tin ghét ai gọi hòn đảo là “đống cát”. Và ba Tin đã thừa nhận với cậu bé là ông đã nhìn thấy cậu trên hòn đảo bằng cái ống nhòm, rằng ông không dám phiêu lưu trên đại dương để đi thăm chúa đảo. Cô giáo của Tin cũng nói với cậu “không dám mạo hiểm bơi qua đại dương” để vào nhà, dù cô có thể xách giày đi lên, đi xuống hòn đảo khá dễ dàng.
Bọn bạn từng chọc ghẹo hoang đảo – đống cát của Tin cũng dần dần tin đó là một hòn đảo, một điểm đến để khám phá thú vị và cả thằng Phàn –đứa hay bắt chẹt bọn Tin - cuối cùng cũng thập thò ngoài hàng rào nhìn “hòn đảo” mà... thèm.
Người lớn có thể phủ bạt niềm tin của một đứa trẻ bằng tiếng cười chọc quê, trêu ghẹo nhưng người lớn cũng có thể làm cho trí tưởng tượng, sự say mê hào hứng của đứa trẻ ấy lớn lên thêm.
Như ba của Tin, ông đã cho con trai cả một niềm tin, niềm hãnh diện về bản thân và một thế giới đầy bí ẩn, dạy cho con cách khám phá những điều lớn lao và chính ông cũng đã giữ lại cho cậu bé hòn đảo – vốn là đống cát chờ xây nhà – như giữ cho thiên thần của mình cả một thiên đường tuổi thơ trong trẻo và rộn rã tiếng cười.