Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Bát Tiên Đắc Đạo
  3. Chương 15 :  Chồn già ngàn năm thuyết minh nhân quá. Thiếu niên công tử cất đút tục duyên
Trước /100 Sau

[Dịch] Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 15 :  Chồn già ngàn năm thuyết minh nhân quá. Thiếu niên công tử cất đút tục duyên

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Đi được nửa đường, vợ chồng Tiên Tứ cùng táng mạng. Những người phu hộ tống nhà họ Bá chẳng biết làm sao. Bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên. Trong giây lát, trời đất tối tăm, mặt trời mất ánh sáng, khắp mặt đường cát bay đá chạy, sương khói giăng giăng, người đi đường đối mặt nhau không nhìn rõ mặt.

Những người phu hộ tống ai nấy tự tìm chỗ núp, để hai người chết ở lại trong xe. Chừng một giờ sau, gió ngừng, mây tan, trời trong sáng trở lại, mọi người chạy tới bên xe, lạ thay chỉ còn cỗ xe trống, hai thi thể biến đâu mất rồi ? Mọi người mới kinh hãi, chẳng biết làm sao, đành tìm những người dân địa phương đứng ra làm chứng, và chia nhau ra, người tới báo tin cho nhà họ Tôn, người về thưa lại với nhà họ Bá.

Bá phu nhân mất gái yêu, rể quý, bất tất phải nói. Về phần vợ chồng Tôn Kiệt, dẫu bởi Giao Nhi bày đặt ra chuyện, khiến ông bà thống hận vợ chồng Tiên Tứ, nhưng nghe tin hai người giữa đường đều chết, thi thể lại mất, sao khỏi đau lòng ? Phụ tử tình thâm là thiên tính, Tôn Kiệt đau đớn khóc lóc một hồi. La Viên phu nhân là đàn bà, khóc còn thảm thiết hơn. Riêng Giao Nhi rất là đắc ý, thấy vậy mới nói :

Cha mẹ chẳng nên quá đau lòng. Hai người này chết là đáng kiếp, cho thấy đạo trời chẳng sai bao giờ, và càng cho thấy rõ bọn chúng đã mang dạ độc ác từ lâu. Nếu không, tại sao chúng lại phải chết, mà chết tới hai đứa một lượt ? Chết đi rồi, ngay cả hài cốt cũng không thể đem về nhà ! Những kẻ bất hiếu như thế, chết là đáng kiếp ! Cha mẹ đừng nên quá bi thương.

Vợ chồng nghe vậy, ngẫm lại thấy cũng có lý, gạt nước mắt, không khóc nữa.

Lại nói về Tiên Tứ, trúng độc mà chết, một đạo u hồn mơ mơ màng màng, theo gió đưa đi, không rõ là đã tới địa phương nào. Chợt nghe có tiếng người nói to :

- Du hồn Tiên Tứ đang ở đâu ?

Tiên Tứ nghe gọi, mới hoảng hốt nhận ra mình đã chết. Đưa cặp mắt nhìn chăm chú một hồi, mới thấy trước mặt là một cô gái, ăn mặc theo lối đạo cô, tay cầm hốt ngọc, tươi cười cầm hốt đập nhẹ lên mình Tiên Tứ một cái, hỏi :

- Anh bạn già lâu nay vẫn khỏe chứ ? Còn nhận ra Hồ Tam thư này không ?

Du hồn Tiên Tứ mừng rỡ quá chừng, vội nói :

- Tam thư từ đâu tới đây ? Sao lâu nay không lại nhà tôi chơi ?

Bây giờ tôi bị thằng em trai hãm hại, đến nỗi chết oan, mới thấy lời Tam thư nói trước kia là đúng quá. Nay được gặp Tam thư ở đây mong Tam thư mở lòng từ bi, ra tay cứu vớt.

Tam thư cười, nói :

- Nếu không vì cứu anh, tôi đến đây làm gì ? Chẳng cần nói nhiều, mau đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh tới một nơi tốt lành, rồi dần dần tôi sẽ nói rõ cho anh biết nhân quả trong chuyện này.

Tiên Tứ vừa vui vừa buồn, tự động đi theo Tam thư, tấm thân như chiếc lá cuốn theo chiều gió, không thể tự chủ, nhưng cũng may là chỉ quanh quẩn hai bên Tam thư, chứ không tách xa. Đi một hồi, tới một đỉnh núi, nơi đó có ba gian thạch thất. Tam thư tiến vào, Tiên Tứ cũng vào theo, cúi lạy Tam thư, nói :

- Đệ tử trước đây ngu muội, hàng ngày ở trước mặt danh sư mà không biết kính lễ. Nay du hồn phiêu bạt, bốn biển không biết về đâu khẩn cầu Tam thư niệm tình mấy năm quấn quít, mà đoái thương thu nhận đệ tử vào môn hạ, may mắn cho đệ tử biết mấy ?

- Không dám, không dám ! Công tử bất tất phải khiêm nhường hạ thấp mình như thế. Hãy ngồi xuống đây, để tôi nói rõ nguyên ủy và nhân quả trong việc này cho mà nghe. Công tử có biết tôi là hạng người nào không ?

Tiên Tứ nghe lời ngồi xuống, suy nghĩ hồi lâu, không biết trả lời ra sao. Tam thư thở dài, nói :

- Có thể nói công tử cả đời thông minh, nhất thời mê lú. Tôi với công tử không phải bà con, cũng chẳng phải bạn cũ, rảnh rỗi đâu mà xen vào chuyện riêng của công tử ? Xin công tử hãy nhớ lại coi tôn sư Văn Mỹ chân nhân lúc ở vườn hoa đã dặn dò những điều gì là biết ngay quan hệ giữa tôi và công tử. Tôi đã vâng lệnh ông mà tới, thấy được điều gì đều phải về bẩm báo.

Tiên Tứ đột nhiên tỉnh ngộ, nói :

- Nói vậy thì ra Tam thư là người do sư tôn sai phái để trông nom đệ tử ? Phải vậy không ?

- Nay anh đã hiểu rõ rồi chứ ? Tôi vốn là con chồn già ở núi Tây sơn, trước kia lầm lạc gia nhập tà giáo, nhiều lần làm những việc bất quĩ, từng mắc phải kiếp nạn sét đánh, may nhờ lệnh sư tôn thương tình cứu cho, mới được thoát nạn. Tôi đã ở trước mặt ông thề độc, từ đó thay lòng đổi dạ, chăm lo tu theo đại đạo, khẩn cầu lệnh sư thu nhận vào môn hạ. Chân nhân sợ tôi tính ác khó bỏ, thói quen không đổi, lỡ ra lại có hành vi bất chấp, không khỏi liên lụy tới ông, nên trù trừ hồi lâu, mới chịu đáp ứng, hứa cho tôi trong thời gian một trăm năm phải thay ông làm những công việc lặt vặt chịu lệnh sai khiến, nếu quả lập chí tinh thành, không làm việc gì sai sót, mới nhận cho tôi làm đệ tử. Công việc thứ nhất ông sai khiến tôi là bảo tôi ở gần bên anh, tùy lúc chỉ điểm cho anh, đồng thời kiểm tra anh, nếu thấy có chút thay lòng đổi dạ, hoặc làm việc gì trái khuôn phép, phải về báo cáo, sư tôn sẽ dùng phi kiếm chém anh, hoặc sai thiên lôi đánh chết ?

Nghe Tam thư nói, Tiên Tứ bất giác lạnh xương sống, vội chỉnh sửa nét mặt, nói :

- Cũng may đệ tử chưa hề thay lòng đổi dạ. Năm trước Tam thư thử thách, nếu tôi không biết giữ gìn, thì chẳng những là không dám nhìn mặt sư tôn, ngay cả trước mặt Tam thư cũng thấy hổ thẹn.

Tam thư cất tiếng cười vang, nói:

- Về sau tôi khảo sát mấy lần, thử nghiệm anh mấy lần, mới tin chắc anh tinh thành chuyên nhất, không chút tà niệm. Vì thế tôi mới đem khẩu quyết truyền cho anh, mong anh ra sức phấn đấu, đừng sợ nguy nan, dẫu có gặp nhiều lần thất bại cũng đừng đổi ý ?

Tiên Tứ nghe vậy, đứng dậy, vọng lên không trung vái tám vái, thâm tạ ân sư, sau đó lại hướng về Tam thư mà bái tạ. Tam thư tránh qua một bên, không dám nhận đại lễ, nói :

- Không dám nhận, không dám nhận ! Tuy rằng tôi đã chỉ điểm cho anh cách tu luyện, nhưng cũng nhờ anh mà tôi lập được chút công quả, để có thể trình lại với sư tôn. Vì thế anh chẳng cần đa lễ, mà chính tôi phải bái tạ lại anh mới đúng.

Tam thư nói rồi, lại cùng Tiên Tứ ngồi xuống. Cô hỏi :

- Anh có biết vì sao em trai tìm cách chống đối anh không ?

- Tôi cũng tự hỏi mình trước nay chưa từng đối xử lạnh nhạt với em trai, tại sao nó lại ganh ghét tôi ?

- Đó là điều mà tôi vừa nói về lẽ nhân quả. Anh có hiểu em trai anh kiếp trước là con vật gì không ?

Tiên Tứ nghe hỏi, suy nghĩ hồi lâu, giậm chân nói :

- Ôi ! Tôi hiểu ra rồi ! Hèn chi lúc mẹ tôi lâm bồn, có mộng thấy một con thú, trông giống rồng mà không phải rồng, giống giao mà không phải giao, nhẩy vào bụng mà sinh ra em trai tôi. Bấy giờ cha tôi chiếu theo hình trạng trong mộng, cho rằng nếu không phải giao long, ắt cũng là hải giao 1 , nhân đó mới đặt tên cho em trai tôi là Giao Nhị. Đáng tiếc cho vợ chồng tôi quá ngu ngốc, rõ ràng biết được mộng triệu quái lạ như thế, lại có cha tôi theo điểm mộng mà đặt tên, rành rành có chỉ điểm về nhân quả, mà tôi không hề nghĩ tới, chẳng là chuyện lạ hay sao ?

Tiên Tứ lại lặng yên suy nghĩ hồi lâu, mới nói :

- Bàn theo hướng đó, thì em trai tôi tới, không phải để làm con cháu nhà họ Tôn, mà chỉ vì việc báo thù mà tới ! Nhưng không hiểu sau khi báo thù xong, nó có biết cái mà qui chánh, phụng dưỡng cha mẹ hay không ?

Nói tới đó, Tiên Tứ bất giác rơi nước mắt. Tam thư buông tiếng cười nhạt, nói :

~ Lâm gì có những chuyện tốt đẹp như thế ! Anh quả là người nhân hiếu, chịu hãm hại oan uổng như vậy, mà vẫn không quên nghĩ tới cha mẹ. Một lần tường niệm như thế còn hơn tu hành nhiều năm. Chỉ tiếc cho cha anh, mẹ anh quá nghe lời con cưng mà sanh ra hồ đồ. Hiện tại ông bà tin lời em trai anh mà hại mạng anh, chẳng bao lâu, cũng bị nó áp bức, quyết không có kết quả tốt nào đâu ! Hạn kỳ không xa, anh cứ chống mắt mà coi !

Tiên Tứ khóc lóc, nói :

- Nếu vậy, cha mẹ tôi nửa đời vất vả nuôi con, việc nối dõi một sớm trở thành hư không, mà kết cuộc còn bị hại dưới tay thằng đó, há chẳng đáng buồn hay sao ? Tam thư vâng lệnh sư tôn, tới cứu giúp tôi, có thể vị tình tôi, mà cứu cha mẹ tôi, được không ? Nếu được tôi cảm ơn cô, không biết để đâu cho hết !

Tam thư "Phì" một tiếng, nói :

- Anh lại nói chuyện hồ đồ mất rồi. Kiếp số đã định, sức người làm sao chuyển được ? Cha mẹ anh đã có anh là người con ngoan, sao đến nỗi việc hậu tự hư không ? Anh lấy việc bản thân xuất gia, không thể sinh con, nên cho rằng đời sau dứt hẳn ư ? Người ta sở dĩ cần có con cháu là để đề phòng lúc mình già yếu chết đi, không có người truyền lại huyết mạch. Nhưng nếu có thể trường sinh bất tử sống lâu ngang trời đất, hà tất phải có con cháu ? Người ta sở dĩ lấy việc thành tiên, liễu đạo làm quí, cũng vì một lẽ ấy mà thôi!

Tiên Tứ không thể cãi lại, chỉ nói :

- Cha tôi có tiếng là người tốt, mẹ tôi tuy xuất thân dị loại, nhưng trước nay không làm việc gì xấu, chỉ biết giúp đỡ cha tôi cùng làm việc thiện, sao đến nỗi phải chịu kiếp số như thế ?

- Việc này cũng khó nói. Theo đạo lý nhân quả báo ứng mà nói hễ việc gì hợp số mà nẩy sinh, ắt biểu hiện ra ở kết cuộc một đời. Nếu người ta chỉ dựa vào ngôn hạnh trong đời của một người, mà phê phán kết quả cuộc đời người đó, thì tự nhiên là sai một li, đi một dặm ! Cha mẹ anh kiếp này tuy đều là người tốt, nhưng làm sao hiểu được hai người đó kiếp trước đã làm những việc gì ? Khoan nói về phụ thân anh, hãy bàn về mẫu thân anh trước đã. Tôi biết đích xác rằng lúc bà làm "điền loa tinh" (ốc nhồi thành tinh) đã sát hại nhiều sinh linh, không sao kể xiết, lại còn dẫn dụ thiếu niên nam tử nhà người ta, để ngắt nguyên dương, bổ tinh khí. Cũng may tu thành một thứ pháp lực, có thể biến thành người, hoặc thành vật, hóa lớn hóa nhỏ tùy ý. Những việc tổn người, lợi mình như thế, há có thể hợp thiên đạo? Làm như vậy, sao có thể thành tiên ? Như bản thân tôi, lúc đó tuy đã tu thành hình người, nhưng có hành vi giông giống như bà ta, mà suýt nữa mắc phải lôi kiếp. Đó chính là bằng chứng về việc trời giáng hình phạt.

Tiên Tứ nghe mẹ mình làm ác, phải tội, bất giác đau lòng, khóc rống lên. Tam thư thở dài, nói :

- Công tử là hiếu tử chân chính, là người rất tốt, hèn chi sư tôn trọng thị anh cũng phải. Nhưng sư tôn đã sớm biết việc hôm nay, và ngay cả những việc tương lai nữa. Ông từng nói rằng sau này mẹ anh phải nhờ anh độ thoát cho mới được, nên anh có nhiều cơ hội đền ơn mẹ. Hiện tại, anh cần phải dụng công tu luyện, siêng năng tập luyện đạo pháp, việc của mẹ anh hãy tạm gác qua, đừng phí tâm sức làm gì. Sư tôn còn nói : hy vọng của anh rất lớn, mà ma kiếp cũng nhiều. Lần này anh tu, có khác với lần tu ở kiếp trước. Kiếp trước, anh từ đường súc sinh chuyển sang đường người, còn nay từ thân người chuyển vào tiên thể. Thân phận càng cao, việc tu trì càng vất vả, tương lai anh sẽ đạt tới mức độ vừa lớn vừa cao. Anh nên hiểu rõ lẽ đó, mạnh dạn tiến lên, đừng để trần tục làm lụy tới mình nữa, kẻo phụ lòng kỳ vọng của sư tôn.

Tiên Tứ cúi đầu nghe chỉ giáo. Bỗng lại nhớ tới tình cảnh của vợ, mới mỉm cười hỏi Tam thư :

- Đệ tử quyết không tham luyến tình vợ chồng, chỉ thương cô gái đó hiền đức, trước đây đã từng được Tam thư chỉ giáo, hứa một tương lai tốt đẹp, nay không biết cô ấy đã trở về nhà được chưa ? Trong tương lai có thể khẩn cầu Tam thư tùy thời mà chỉ dẫn cho cô ấy trong việc tu hành hay không ? Nếu cô ấy đạt được chút thành tựu nho nhỏ, cũng chẳng uổng phí ơn đức của Tam thư đã thành toàn cho cô.

Tam thư nghe vậy cười, nói :

- Mới khen anh giỏi, anh đã lãng quên việc luyện tập rồi. Rõ ràng anh không thể nào quên được cô vợ yêu quí, đã đem gánh nặng đặt lên vai ta. Nhưng việc này ta cũng không quản lý nổi đâu. Nếu anh muốn thành toàn cho cô ấy, hãy đợi tới sau khi anh chứng đạo, thành tiên, tự anh sẽ tới, độ cho cô xuất thế. Tiên Tứ biết Tam thư tính rất ngang bướng, vội tươi cười cầu xin:

- Tam thư đừng ngang ngạnh nữa. Tam thư vốn ôm ấp lòng từ bi, đã cứu người lẽ nào lại nửa chừng bỏ dở ? Thật tình là vừa rồi, nhân lúc trò chuyện tôi tỏ ý lo lắng cho cô ấy thôi, chứ chẳng dám cầu xin Tam thư làm một điều gì cho cô ấy đâu. Tôi chỉ xin Tam thư đem tình huống hiện nay của cô ấy, nói cho tôi biết thôi.

Tam thư cười ròn, đem chuyện Tuệ cô thương chồng mà chết, nói cho Tiên Tứ biết. Tiên Tứ nghe qua, lại khóc lóc thổn thức, nói:

- Tôi hại cô ấy rồi ! Tôi hại cô ấy rồi !

Tam thư đứng bên cạnh, thấy cảnh khóc lóc đó, đột nhiên cất tiếng cười vang, đưa tay chỉ Tiên Tứ, nói :

- Quả là người đa tình, quả là có nghĩa khí ! Tôi thấy anh khóc thật tội nghiệp, nhịn không nổi. Để tôi trở về, trị khỏi bệnh cho cô ấy dẫn cô lại đây, cùng anh làm vợ chồng như cũ, được không ?

Tiên Tứ biết mình bị chế giễu, bất giác mặt đỏ tới mang tai, vội lau nước mắt, chùi nước mũi không dám nói một câu, ngây người ra mà nhìn Tam thư. Tam thư thấy anh là người trung hậu không nỡ chế giễu nữa, đem tình thực nói cho anh biết :

- Bá tiểu thư về nhân phẩm và tính tình chẳng những trong đám người phàm ít thấy, mà trong đám tiên nhân cũng vượt trội. Sự thành công của cô ấy chẳng thua kém anh đâu. Hiện tại đã có một vị sư muội của anh độ cho cô ấy, thu nhận cô làm đồ đệ. Kiếp trước, cô ta là một "Tư hoa tiên nữ" (tiên nữ coi về hoa) trên điện của Ngọc Hoàng. Nhân ngày vạn thọ của Ngọc Hoàng, quần tiên tới chúc mừng, không hiểu vì lý do gì, cô ta cùng với một "Tư hương tiên lại" đấu khẩu kịch liệt, đến nỗi nói ra những lời bất nhã, nên bị biếm xuống trần thế mười kiếp, qua mười lần luân hồi, nếu vẫn giữ được bản tính, mới được trở lại thiên tào, mà còn thăng thưởng nữa. Còn mối quan hệ giữa cô và anh chỉ xảy ra trong thời gian hạ phàm thôi. Anh đang từ âm phủ trở lên dương trần, tình cờ giữa đường gặp cô tiên nữ đó. Đồng thời, kẻ đối đầu với anh là lão giao, biết được là chẳng bao lâu nữa anh sẽ lên cõi phàm trần, mới xuống âm phủ dò la tin tức của anh. Vì kiếp này, cô tiên nữ có dung mạo mỹ miều, lão giao trông thấy mới buông vài câu chọc ghẹo. Tiên nữ đang quẫn bách, chợt gặp được anh đi tới. Anh vì nghĩa nổi giận, yêu cầu quỉ tốt đang hộ tống anh, giúp một tay, đánh lui lão giao, cứu tiên nữ. Tiên nữ rất cảm kích, có lòng báo đáp ơn anh, nhân thế hai người có mối nhân duyên trên trần. Tất cả những chuyện ấy chẳng phải ngẫu nhiên. Nay cô đã trả ơn xong, anh còn bận tâm nghĩ đến cô, thì mối duyên đó kể như chưa kết thúc. Từ nay anh bất tất phải quấn quít lấy cô, mà chuốc lấy thêm nghiệp chướng. Sư tôn biết được, lại phải trách mắng. Anh phải nhớ kỹ mới được !

Tiên Tứ hiểu ra, cúi đầu lạy tạ. Tam thư dọn dẹp ba gian thạch thất bảo Tiên Tứ ở lại đây mà tu luyện, còn cô phải trở lại núi Tây Kỳ để phục mệnh Văn Mỹ chân nhân.

Tháng ngày của tiên gia qua đi rất mau, chẳng bao lâu mà đã qua bốn, năm năm. Tiên Tứ giữ đạo tâm kiên định, lại có căn cơ, nên tiến bộ rất nhanh. Văn Mỹ chân nhân mỗi năm đều sai Tam thư tới thăm, dạy anh những phép hộ thân, vời thần, khiến quĩ.

Quảng cáo
Trước /100 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Bất Kỳ Đãi Đích Ái Tình

Copyright © 2022 - MTruyện.net