Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch]Đại Vận Mệnh
  3. Chương 21 : TRÓC ƯNG
Trước /30 Sau

[Dịch]Đại Vận Mệnh

Chương 21 : TRÓC ƯNG

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Đêm vàng ngát mầu trăng, thềm khuya bàng bạc sao thưa, trên Toàn Bích đỉnh ở Thanh Thành sơn bốn bề vần vũ hàn phong gào thét. Thật chẳng ngờ giữa trời đêm hoang vu, lạnh lẽo ấy thấp thoáng một bóng áo đen cô tịch. Nhìn kỹ thì thấy hóa ra người ấy là một lão nhân vận một chiếc dạ y tuyền một mầu tím đen. Ông ta đang đứng trên một phiến toàn thạch nhẵn thín, lấp loáng phản ánh trăng, nhìn cũng có vài điểm độc đáo. Điểm lạ nhất ấy là lão nhân xem chừng tuổi đã cao rồi song râu tóc vẫn đen bóng, tuyệt nhiên không hề có lẫn dấu vết phong sương của thời gian. Vào lúc này ông ta đang đứng trầm mặc, hai mắt dõi về phía xa như đang chờ đợi điều gì đó.

“Hừ, cuối cùng Phong nhi cũng tới rồi!” – Tới lúc này thấy lão nhân đó lẩm bẩm, khóe miệng khẽ giãn ra một nụ cười hài lòng.

“Chỉ mất một giờ ba khắc. Xem chừng tiểu hài đó thật có thiên phú về mặt khinh công!”

Nguyệt quang như thủy trút xuống phiến toàn thạch dưới chân ông ta, làm khẽ hắt lên ánh bạch quang lấp loáng. Lúc ấy chợt nghe tiếng gió vi vút xen lẫn âm thanh xào xạc khe khẽ, phía xa thấp thoáng một bóng khinh linh lướt đi dưới trời đêm. Tới bấy giờ nghe tiếng cười đầy vẻ thoải mái, thanh âm có vài phần non nớt.

“Sư phụ, đồ nhi không làm người thất vọng chứ!”

Lão nhân kia đưa bàn tay ra dấu hài lòng, tiếp đó vui vẻ thốt:

- Cũng tạm đấy. Được rồi tiểu tử, tiến lại gần đây xem nào.

Chỉ thấy người vừa xuất hiện là một tiểu hài chừng mười mấy tuổi đầu, cũng vận trang phục dạ hành, gương mặt đầy vẻ thanh tú khả ái. Lúc bấy giờ nghe cậu bé ấy nói, ngữ khí vẻ như đang khá sốt ruột lẫn mong chờ.

- Sư phụ, chúng ta bắt đầu được chưa!?

Lão nhân kia trừng mắt nhìn cậu bé nọ, tiếp đó hừ lạnh một cái:

- Bắt đầu cái khỉ khô. Ngươi nghĩ bằng vào bản lĩnh mèo cào này mà cũng mơ lấy được bảo châu sao?

Nói xong ông ta cho tay vào trong người lấy ra hai cái lục lạc nhỏ khá tinh xảo. Tới đây ông ta đưa tay lắc nhẹ, mấy thanh âm đinh đinh vui tai lập tức vang lên. Ra vẻ hài lòng, ông ta hướng về phía cậu bé nọ vẫy tay:

- Hải Phong, ngươi lại đây!

Cậu bé được gọi là Hải Phong nọ trông thấy vậy hiếu kỳ, tiến lại gần rồi ngó nghiêng:

- Đó là cái gì vậy sư phụ?

Lão nhân nọ thản nhiên đáp:

- Đây là hai cái lục lạc nhỏ, gọi là Tiểu Đinh Đang, ta vì ngươi mà đặc chế ra. Phong nhi, giờ chỉ cần ngươi mang thứ này vào chân, đi bắt cho ta một con thỏ trắng.

Cậu bé nọ tiếp lấy hai cái lục lạc, vừa đưa tay lắc rồi trề môi:

- Tưởng gì chứ chuyện này dễ ợt.

Lão nhân kia lắc đầu, cười mà rằng:

- Không đơn giản như ngươi nghĩ đâu. Ngươi phải làm sao không làm lục lạc phát ra âm thanh, như thế mới tính là thành công.

Cậu bé nghe thấy vậy thì xanh mặt, giật mình hỏi:

- Đây đúng là dọa người mà. Cái thứ này chỉ cần động một chút, chẳng phải nó sẽ kêu đinh đinh lên mãi sao.

Lúc đó lão nhân kia mới cười mà rằng:

- Nhón chân thật nhẹ nhàng, hòa mình với chung quanh, không để mấy con thỏ hoang đó nhận ra hơi thở và tiếng bước chân.

Nói tới đây ông ta chép miệng:

- Ài, nói thế chứ ngươi làm sao thì làm. Miễn là ta cảm thấy ưng ý, lúc đó mới tính chuyện tiếp.

Hải Phong nhíu mày, đưa mắt nhìn sư phụ mình đầy vẻ ngờ vực, vẻ như không tin rằng chuyện này sư phụ mình có thể làm nổi:

- Sư phụ, cái chuyện này người làm được chứ.

Thấy ngữ khí của đệ tử mình như vậy, lão nhân vỗ ngực đầy vẻ tự đắc:

- Tất nhiên là được chứ. Hừ, ngay cả chuyện cỏn con này mà còn không làm nổi, đâu xứng với cái danh “Thiên hạ đệ nhất thần thâu chứ”. Thôi, đêm nay thế là xong rồi. Chúng ta cùng về.

Mới nghe ra, tưởng chừng như lão nhân kia có vẻ khoác lác. Thực ra, lời vừa rồi của lão nhân ấy của chẳng có chút khoa ngôn nào. Đừng nhìn vào vẻ già cả bề ngoài mà đánh giá, lão nhân này chính hiệu là “Thiên hạ đệ nhất thần thâu Hứa Khang” hàng thực giá thực, danh lừng giang hồ suốt mấy mươi năm nay.

Nhìn cái cách ông ta di chuyển mới thấy bản lĩnh khinh công của lão cao cường và quỉ dị thế nào, thật đúng như giang hồ đồn đại. Từ khi họ Hứa thành danh, giang hồ đã có câu: "Tuyết vũ trường không, lưu ảnh vô tông. Thâu thiên hoán nhật. Tuyệt thế khinh công.”

Cậu bé kia tên gọi Lý Hải Phong, năm nay mười lăm tuổi, là nhi tử của huynh đệ kết nghĩa với Hứa Khang, người đó chính là kiếm khách một thời lừng lẫy võ lâm: Lý Phi Dương. Sau trường huyết chiến ở Lâm Uyên Nhai hơn mười năm về trước, họ Lý thác mệnh, để lại nhi tử của mình cho mấy vị huynh đệ kết nghĩa nuôi dưỡng.

Trải qua vòng đào thoát vô cùng hung hiểm, ba người huynh đệ của họ Lý là Tất Thu Phàm, Hứa Khang cùng Triệu Du Thiên thành công mang Hải Phong đột phá khỏi vòng vây của đám giáo đồ Thiên Nhẫn giáo. Kế đó ba người bọn họ dốc túi truyền nghệ, hi vọng Lý Hải Phong rèn luyện được một thân bản lĩnh, không phụ sự kì vọng của người huynh đệ kết nghĩa xấu số.

Lại nói về Hải Phong, tuy bản tính thuần lương song vô cùng nghịch ngợm. Về phần học nghệ, trái ngược hoàn toàn với phụ thân mình, có vẻ như Hải Phong không có thiên phú về kiếm thuật và cũng chẳng có mấy phần hứng thú đối với chúng. Bù lại, Hải Phong tỏ ra rất có thiên phú với khinh công và thân pháp. Năm mười lăm tuổi, cậu đã rèn luyện được mấy phần bản lĩnh của Hứa Khang.

oOo

Trên một bãi cỏ xanh mướt giữa lưng chừng dãy Thanh Thành, vắt ngang qua một khe nước nhỏ đang róc rách chảy, lẫn trong bờ đá cuội đang bị nước mài mòn thấp thoáng có một con thỏ trắng đang nhởn nhơ bên bờ suối.

Ở cách đó không xa, Hải Phong đang nhón từng bước chân, tìm mọi cách tiếp xúc lại gần hơn con thỏ trắng kia, không có nửa điểm dám lơi là. Nhìn lại thì thấy hai chân cậu mang hai chiếc lục lạc nhỏ bằng đồng, trên tay cầm theo một viên thiết tảo hạch (viên bi sắt) nhỏ, bộ dạng như đang chực tìm cơ hội bắn viên thiết tảo hạch kia vào con thỏ.

Theo từng mỗi bước chân, Hải Phong càng hồi hộp, miệng lẩm bẩm: “Sắp rồi, sắp rồi. Công sức ba tháng trời rèn luyện sắp thu được thành quả rồi!”

Thật chẳng ngờ, Hải Phong vừa nghĩ tới đây bỗng vang lên một tiếng rít bén nhọn. Hải Phong giật mình đưa mắt nhìn lên trời thì thấy một bóng vàng nhạt đang xé gió lao về phía con thỏ trắng. Con thỏ cũng nhận ra dấu hiệu nguy hiểm, nó co giò chạy thục mạng tìm nơi ẩn nấp. Thế nhưng những nỗ lực đó của nó đã muộn, chỉ thấy tiếng gió xoạt xoạt, chú thỏ tội nghiệp kia đã nằm gọn trong bộ móng vuốt sắc bén.

Thấy bao nhiêu công sức của mình đã thành công cốc, Hải Phong dậm mạnh chân la lối om sòm: “Con chim khốn nạn, dám hớt tay trên của Phong gia ta. Hừ, hừ… thật là tức muốn chết.” Bộ dáng xem chừng như rất tức giận lẫn không cam tâm.

Ở cách đó không xa, Hứa Khang cũng giật mình: “Kim sắc thương ưng. Thật chẳng ngờ ở Thanh Thành Sơn lại xuất hiên giống ưng vàng này. Nếu may mắn, không khéo lần này phát tài rồi.”

Nghĩ được vậy, Hứa Khang hướng theo bóng vàng đang dần khuất ở phía xa mà chạy tới. Bộ dạng hết sức khẩn trương, lại hướng về phía Hải Phong mà quát to:

- Tiểu tử ngươi la lối cái gì chứ. Hừ, còn không mau chạy theo nó.

Hải Phong trố mắt:

- Để giành lại con tiểu bạch thố kia ư! Có đáng không sư phụ…

Tuy nói vậy song cậu vẫn co cẳng chạy theo sư phụ, trong lòng thì hiếu kì không thôi, bụng bảo dạ thắc mắc không ngớt về biểu hiện của sư phụ mình.

Trải qua mấy khắc thời gian nữa, lần theo dấu vết Hứa Khang để lại, Hải Phong cũng tìm thấy sư phụ mình. Lúc này lão già họ Hứa đang dõi mắt về phía xa, bộ dáng hết sức trầm tư. Hướng theo tầm mắt của sư phụ, Hải Phong thấy một vách đá cheo leo dựng đứng, hình thế vô cùng hiểm trở.

“Kia chẳng phải Kim Ngọc Đỉnh đây sao. Nói vậy thì con chim khốn kiếp kia làm tổ ở nơi đó.” – Hải Phong vụt nghĩ.

Lại trải qua chừng một khắc thời gian nữa, lúc bấy giờ thấy Hứa Khang cất tiếng:

- Phong nhi, ngươi quay về lấy Nhuyễn linh tiên và cặp Trảo ngoa mang ra đây cho ta. Còn nữa, tìm cho ta một đoạn dây thừng dài và chắc chắn. Hừ, phải thử một phen. Ta không tin cái vách đá khốn kiếp kia làm khó được Hứa Khang này.

Nghe thấy vậy Hải Phong vô cùng hào hứng, nhủ thầm: “Rốt cục cũng được xem lão sư phụ hiển lộ thần oai rồi.” Nghĩ thế cậu không dám chậm trễ co giò chạy một mạch đi chuẩn bị mấy thứ theo yêu cầu của Hứa Khang.

Hơn một giờ sau, Hải Phong khệ nệ mang theo một đống lỉnh kỉnh chạy tới. Vắt qua bờ vai là một vòng dây thừng, tay trái cầm một sợi nhuyễn tiên dài lấp loáng ánh bạc, mới xem qua cũng biết đây chẳng phải thứ tầm thường. Tay kia có cầm theo một đôi ủng cao hình dáng kì lạ. Dường như đôi ủng này được làm từ một loại da động vật nào đó, ở phía đầu có năm cái vuốt nhỏ khẽ khoằm ra, dáng chừng là một đạo cụ chuyên dụng để leo núi.

Theo sự hướng dẫn của sư phụ mình, Hải Phong mang tất cả chúng lại vách núi. Kế đó thấy Hứa Khang xỏ đôi ủng kì dị kia vào, cầm nhuyễn tiên trên tay đồng thời vòng cả bó dây thừng qua vai. Xong xuôi đâu đó ông ta quay sang phía Hải Phong dặn dò: “Ngươi đứng dưới này theo dõi động tĩnh, đề phòng mọi biến cố phát sinh.”

Hải Phong nghe thế liền hỏi:

- Sư phụ, người tính giành lại con thỏ trắng với con chim kia ấy hả.

Hứa Khang cười đáp:

- Ngươi biết gì chứ. Cái giống này được gọi là Kim sắc thương ưng (chim ưng lông vàng) vô cùng hiếm có. Ở lưng chừng vách đá trên kia ta làm sao có thể là đối thủ của nó chứ. Chỉ có điều, giờ thì mười phần đến chín nó đã rời tổ đi kiếm mồi rồi.

Nghe sư phụ mình nói vậy, Hải Phong nghi hoặc:

- Chẳng phải nó vừa bắt được con thỏ trắng kia ư!

Hứa Khang trả lời:

- Hừ, một con thỏ nhỏ xíu vậy thì bõ bèn gì. Ta đoán không lầm, con thương ưng này đang nuôi con. Hừ, bớt lời đi thôi.

Nói tới đây bàn chân lão nhún mạnh, vụt một cái đã bám vào một vách đá tít trên cao. Tiếp đó họ Hứa vung nhuyễn tiên, quấn phần ngọn vào một mẩu đá nhô ra rồi mượn lực đu mình vụt lên. Cứ như thế lão thoăn thoắt không ngừng trèo lên trên. Mỗi khi tới một đoạn ghềnh đá hiểm trở, lão lại chăng dây thừng buộc các tán cây chìa ra rồi mượn đó làm điểm tựa để tiếp tục.

Hải Phong ở dưới nhìn lên chỉ thấy bóng sư phụ mình như một điểm đen nhỏ dán vào vách núi, không ngừng vươn lên cao. Công phu thế này, thật khác gì Bích hổ du tường. Ở phía dưới Hải Phong tặc lưỡi: “Ta cứ ngỡ khinh công bản thân đã được chân truyền của sư phụ, xem chừng ra còn phải nỗ lực nhiều lắm lắm.”

Hải Phong vừa hiếu kì vừa thán phục ngước mắt nhìn lên trên theo dõi. Đôi lúc có tiếng sột soạt, thì ra có những mẩu đá rơi xuống dưới. Chừng hai khắc sau đó, Hải Phong thấy một bóng đen đang đu dây từ từ hạ mình xuống dưới.

“Sư phụ, người đã quay trở lại rồi.” – Nhận ra người vừa hạ mình xuống dưới là ai, Hải Phong mừng rỡ reo lên.

Bấy giờ thấy Hứa Khang hạ mình xuống, trong ngực áo có cầm theo một túi lưới, vẻ mặt rất là vui mừng. Hải Phong nhìn vào thì thấy ở trong đó có một con chim non, thỉnh thoảng lại phát ra mấy thanh âm chiêm chiếp. Con chim non này lông lá lơ thơ, cái mỏ hơi khoằm, màu vàng nhạt. Thì ra là một con tiểu ưng.

Hải Phong trông thấy vậy hết sức vui mừng, chạy lại gần Hứa Khang mở lời:

- Sư phụ, sư phụ cho con chăm sóc tiểu ưng này đi.

Hứa Khang cười:

- Trăm ngàn gian khổ mới mang được nó xuống, thế mà để tiểu tử ngươi chiếm tiện nghi.

Ngoài miệng thì nói vậy song vẫn đưa con tiểu ưng non nớt kia cho Hải Phong, đồng thời chép miệng:

- Thật chẳng ngờ cái giống Kim sắc thương ưng này lại chọn nơi làm tổ dọa người như vậy. Nếu chẳng phải Hứa Khang ta bản lĩnh, ắt hẳn đã chôn thây ở vách đá đó rồi. Hừ, của quí vậy nên chăm sóc cho tốt.

Hải Phong hiếu kì hỏi:

- Sư phụ, cái giống này gọi là Kim sắc thương ưng ư?

Hứa Khang đáp:

- Ngươi không biết đó thôi. Đây là một giống ưng vô cùng quí hiếm, khi trưởng thành nó có bộ lông vàng rực, hết sức là bắt mắt. Ấy nhưng không mấy tay thợ săn nào đủ bản lĩnh hạ gục nó đâu. Nó chẳng phải là giống to nhất trong loài ưng thế nhưng vô cùng linh hoạt và khỏe manh, tốc độ có thể xếp vào hàng đầu trong các loại phi cầm. Đặc biệt lại rất thông linh và hiểu ý người. Hà hà, giống linh vật này chỉ có thể ngộ mà không thể cầu.

Hải Phong lại hỏi:

- Sư phụ, chẳng nhẽ trên tổ ưng kia chỉ có một con thôi sao.

Hứa Khang đáp:

- Không, thực ra giống chim này hầu hết đều có hai con chim non. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, đến rốt cục thì cũng chỉ có một con khỏe hơn là có thể sống sót. Ấy xem như là thiên qui vậy.

Nghe thấy sư phụ mình nói thế, Hải Phong lè lưỡi:

- Thế sao sư phụ mang xuống có một con.

Nghe vậy, lão họ Hứa làm mặt giận mà rằng:

- Hừ, giống chim này quí hiếm như thế, cũng phải để lại chút gì thuộc về tự nhiên chứ. Làm người thì không nên tham lam.

Lại nghĩ một hồi, cảm giác như lời vừa nói chưa được chính xác lắm, lão họ Hứa hạ giọng: “Tham một chút cũng được, tức nhiên là có phân lượng mà thôi”

Lão nói tới đây rùng mình: “ Nếu giữa chừng ta leo lên mà chim mẹ về, ắt phải bỏ cái mạng già này ở lại đây rồi.”

oOo

Ba năm sau.

Một buổi sớm mù sương ở Thanh Thành Sơn, trong một căn thảo lư, Lý Hải Phong đang lúi húi pha trà, phía sau Hứa Khang chăm chú dõi mắt quan sát. Sau khi trà được rót vào một cái tách bằng gốm nâu, chỉ thấy hắn cầm một cái kẹp trúc khẽ khuấy vào trong tách trà, bộ dáng thập phần chăm chú. Dõi mắt vào tách trà, ẩn dưới làn khói đang nghi ngút bốc lên, những lá trà nhỏ đang dần dần tán tụ lại dưới làn nước. Cuối cùng thấy Hải Phong nhẹ thổi mấy hơi, nước trà trong tách dần sóng sánh, sóng sánh và cuối cùng thôi dao động, những lá trà đã dần ổn định và đọng lại thành hình. Thật lạ thường, những lá trà xếp lại với nhau mơ hồ tạo thành một chữ “Phong” lập lờ dưới làn nước đang nhè nhẹ bốc khói. Tới bấy giờ, Hứa Khang mới khẽ gật gù:

- Tạm được rồi, tạo nghệ Thủy đan thanh của ngươi cũng đã có chút thành tựu. Xem chừng chỉ cần dăm bữa nửa tháng nữa, nhất định chữ Phong kia sẽ thành hình.

Lúc bấy giờ Hải Phong đã là một thiếu niên trưởng thành, bộ dáng khá tuấn tú, thế nhưng vẫn toát lên ánh nhìn khá tinh nghịch. Bấy giờ nghe sư phụ mình nói thế, Hải Phong hí hửng:

- Sư phụ lão nhân gia, bao giờ thì chúng ta tới Thành Đô.

Nói tới đây cậu bé cười đắc chí:

- Hà hà, xem chừng chỉ một thời gian ngắn nữa, viên bảo châu kia nhất định sẽ là vật trong túi chúng ta rồi. Ài, báo hại ta phải hơn ba năm chịu khổ mà.

Hứa Khang nghe vậy chỉ khẽ trầm ngâm:

- Được rồi. Lần này ta sẽ cho ngươi mở rộng tầm mắt. Năm hôm trước ta có nhận được bồ câu đưa thư, chắc không lâu nữa Tam thúc của ngươi sẽ đến.

Hải Phong nói:

- Lần nào gặp Triệu sư thúc cũng đều có thứ tốt. Hà, lần này thật là đáng mong chờ a.

Hắn vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng ngựa hí từ phía xa vọng tới. Nghe thấy vậy, Hải Phong vội vã lướt về phía phát ra thanh âm, bộ dáng khá vội vã nhưng đầy vui mừng. Vừa chạy vừa líu ríu:

- Ắt là Triệu sư thúc rồi. Hà hà, thật là thiêng quá mà.

Lời vừa dứt, phía xa hiện ra thấp thoáng một bóng áo trắng đang ung dung bước tới. Người này là một trung niên vận một bộ bạch y trắng muốt, phong thái đầy vẻ ung dung. Lại gần mới thấy Bạch y thư sinh này mũi cao, miệng rộng, gương mặt cân đối ưa nhìn, xem chừng thời trẻ ông ta cũng là một thanh niên tuấn tú lắm. Đây ắt hẳn là vị Triệu sư thúc mà Hải Phong vừa nhắc tới.

Lúc này chỉ thấy Triệu Du Thiên đưa chiếc chiết phiến trên tay chỉ về phía Hải Phong, khẽ nở một nụ cười: “Hài tử, thấy ta còn không chịu tham kiến, ngươi thật đúng là phi lễ mà!”

Ngoài miệng ông ta nói vậy song bộ dạng hết sức vui vẻ, cầm lấy tay của Hải Phong rồi nói:

- Lần này để họ Triệu ta xem tiểu tử ngươi học nghệ tới đâu rồi nào.

Hải Phong túm lấy tay Triệu Du Thiên, vồn vã:

- Triệu tam thúc, lần này thúc mang cho con cái gì vậy!

Triệu Du Thiên nghĩ thầm: “Thật đúng là loạn ngôn. Ài, ngươi là đệ tử của Hứa lão nhị nhưng lại là nhi tử của lão Tứ. Lý ra phải gọi ta một tiếng Tam sư bá mới đúng chứ.” Tuy vậy song họ Triệu chỉ hừ giọng khẽ quát:

- Hừ, quà cáp gì chứ. Để ta xem Hồi phong kiếm pháp ngươi luyện được mấy thành rồi, nếu vẫn chẳng ra gì thì đừng có mơ.

Lý Hải Phong nghe vậy xịu mắt:

- Ài, cái bộ kiếm pháp khô nhắc ấy có gì hay cơ chứ.

Cậu chàng vừa nói tới đây thì có tiếng của Hứa Khang:

- Phong nhi, ngươi ra ngoài kiếm một chút thịt tươi để đãi Tam thúc nào. Ta và Tam thúc của ngươi có chuyện cần bàn.

Hải Phong nghe thế liền huýt một hơi dài. Âm thanh vừa dứt, phía xa đã hiện ra một bóng vàng nhạt đang xé gió bay tới. Triệu Du Thiên đưa mắt nhìn thì thấy trên vai Hải Phong xuất hiện một con ưng mang bộ lông mầu vàng nhạt đang đậu, đôi mắt con thương ưng này sáng quắc, nhìn rất là linh hoạt. Họ Triệu thấy thế giật mình:

- Con tiểu ưng kia đã lớn như vậy rồi sao.

Hải Phong đưa tay vuốt bộ lông con chim rồi đáp đầy vẻ tự hào:

- Thúc xem bộ lông của Hoàng công tử này, đã ngả mầu vàng nhạt rồi. Hà hà, dẫu chưa trưởng thành hoàn toàn song vẫn đủ bản lĩnh làm chúa tể của bầu trời Thanh Thành sơn đấy.

Tới đây bộ dáng hắn ra vẻ nghênh ngang:

- Tiểu Hoàng, chúng ta đi.

Chờ bóng Hải Phong khuất đi, Hứa Khang hướng về phía Triệu Du Thiên hỏi:

- Lão Tam, có chút tin tức nào của Lã muội không.

Triệu Du Thiên buồn bã lắc đầu:

- Đệ lăn lộn gần mười tháng trời, từ Mộc Vụ Sơn đến Thanh Thành. Ài, thế mà vẫn tuyệt không có chút tin tức nào.

Nói tới đây ông thở dài cảm thán:

- Mười tám năm rồi, mấy người chúng ta không ngừng lăn lộn bốn phương tám hướng tìm kiếm tung tích của Lã Thăng Bình, cuối cùng cũng chỉ hoải công. Ài, nhớ năm đó thân gái dặm trường, lại bụng mang dạ chửa giữa bốn bề mưa máu, không biết liệu… Giờ cũng chỉ hi vọng mẹ con cô ấy bình an vô sự mà thôi.

Hứa Khang lắc đầu:

- Cũng thật là! Giá mà năm đó… nếu giờ tìm thấy cô ấy, lại tìm hiểu được bí mật của tấm bảo đồ năm đó, Phong nhi nó mới có cơ hội trả được mối huyết thù xưa. Giờ ta cũng chẳng đành lòng tiết lộ thân thế của nó.

Tới đây ông ta chép miệng:

- Nếu không có mấy hi vọng báo mối thù xưa, chi bằng để Phong nhi hắn sống một cuộc đời vô ưu vô lo, không màng đến chuyện thị phi tanh máu của chốn giang hồ cũng là một ý hay. Lão Tam, nó cũng đủ tuổi thành niên rồi, ta định mấy hôm nữa dẫn nó đến Thành Đô, lịch lãm một phen.

Triệu Du Thiên nghe thế nhíu mày:

- Ý huynh là…

Hứa Khang cười sảng khoái:

- Lão Tam, ngươi có biết đến cái gì là Vụ Trần Châu của Tiếu Ban ở Thành Đô không. Hà Hà, mười mấy năm im hơi lặng tiếng, giờ là lúc để Hứa Khang này tái xuất giang hồ rồi.

Ông ta nói tới đây quay sang phía Triệu Du Thiên:

- Suýt thì quên mất. Lão đệ, lần này ngươi tới đây không phải chỉ để thăm Phong nhi thôi đấy chứ.

Triệu Du Thiên lắc đầu:

- Lão nhị, cũng không chỉ có vậy. Lần này ta tới đây là muốn mang Hải Phong hắn đi một chuyến tới Hoa Sơn.

Hứa Khang ngạc nhiên:

- Tới nơi đó làm gì vậy? Đừng nói với ta rằng ngươi mang nó lên Thuần Dương Quan đấy nhé.

Triệu Du Thiên cười, trả lời rằng

- Hà hà, chính là như thế đấy.

Họ Triệu nói đoạn đưa cho Hứa Khang một phong thư:

- Đây chính là thủ bút của lão Đại. Hà hà, ta và Tất đại ca đã nghĩ kĩ rồi. Một tháng nữa chính là ngày lễ thượng thọ của Thái Hư chân nhân. Đây cũng là thời điểm Thái Hư chân nhân truyền vị trí Quan chủ lại cho đại đệ tử là Thiên Tùng Tử.

Khẽ lướt qua phong thư, Hứa Khang trầm ngâm:

- Ý của hai người ngươi chính là muốn Phong nhi hắn bái Thiên Tùng Tử làm sư phụ ư?

Triệu Du Thiên đáp:

- Cũng có thể xem là thế. Tuy nhiên còn phải chờ sự đồng ý của người ta nữa chứ. Chẳng qua là Tất đại ca muốn đánh đổi một cái nhân tình để cho Phong nhi hắn được truyền thụ Xạ nhật kiếm pháp.

Ông ta nói tới đây thở dài:

- Nếu chẳng phải vì ngoại hình tiểu tử này giống Tứ đệ đến chín phần, ta còn hoài nghi hắn có phải thực sự là hài tử của lão Tứ hắn nữa không. Nó dường như không có chút thiên phú với kiếm thuật, hoặc giả là do chẳng chịu khắc khổ chuyên tâm luyện kiếm. Thật khiến người tức chết. Hừ, cũng chỉ lần này mong hắn vào Thuần Dương quan kịp thức tỉnh, được Thái Hư chân nhân chỉ cho một chiêu hai thức, xem ra vận khí cũng không tệ rồi.

Hứa Khang nghe thấy vậy cười khẽ:

- Lão Tam ngươi cũng nói thế ư? Còn không xem lại bản thân, ngoài mấy trò trêu hoa ghẹo nguyệt, ngươi còn có bản lĩnh nào ra hồn chứ. Hừ, ngươi chuyên tâm khắc khổ lần nào chưa. Hứa Khang ta xem tính cách tên tiểu tử kia, đến bẩy phần là do ảnh hưởng từ ngươi rồi.

Quảng cáo
Trước /30 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Thiếu Niên Sơn Thần Đích Du Nhàn Sinh Hoạt

Copyright © 2022 - MTruyện.net