Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Đất Vỡ Hoang - Поднятая Целина
  3. Chương 12 : Chương 12
Trước /69 Sau

[Dịch] Đất Vỡ Hoang - Поднятая Целина

Chương 12 : Chương 12

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Cuộc sống ở Grêmiatsi Lốc đang lồng lên như một con ngựa bất kham trước một chướng ngại khó vượt. Ban ngày anh em kô- dắc túm năm tụm ba trong nhà ngoài ngõ, tranh cãi, bàn luận chuyện nông trang, đề xuất sáng kiến. Họp hành bốn đêm liên và đêm nào cũng kéo dài tới lúc gà gáy sáng.

Những ngày này Nagunốp gầy tọp hẳn đi như vừa qua một cơn bệnh nặng liệt giường dai dẳng. Còn Đavưđốp vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, duy chỉ có hai nếp hằn bướng bỉnh ở hai bên mép anh là càng hằn sâu xuống hơn. Anh cũng đã khéo truyền được niềm tin cho cả Radơmiốtnốp thường dễ bốc và cũng dễ mất tinh thần. Anđrây chạy ngược xuôi khắp làng, đi xem xét các chuồng tập thể với một ánh cười hóm hỉnh đầy tin tưởng trong đôi mắt khó đăm đăm. Anh cứ luôn mồm nói với Akaska Mênốc, người được chỉ định phụ trách nông trang trong khi chờ đợi bầu ban quản trị:

- Ta sẽ cho họ biết tay! Rồi thì ai ai cũng sẽ vào nông trang cả cho mà xem.

Đavưđốp cho liên lạc hoả tốc phi ngựa mang lên huyện bản báo cáo trình bày mới có ba mươi hai phần trăm nông hộ gia nhập nông trang, nhưng công tác vận động đang được tiếp tục khẩn trương.

Bọn kulắc bị trục xuất khỏi nhà kéo đi ở nhờ nhà bà con bạn bè. Phrôn Mũi toác sau khi cử thằng con giai Chimôphây chạy thẳng lên khu kêu với công tố uỷ viên, đã đến ở nhà một người thân cận là Bôrsép, chính cái anh chàng trong hội nghị bần nông hôm trước từ chối không biểu quyết. Ngôi nhà nhỏ hai gian của Bôrsép đã thành nơi tụ tập những tên kulắc sừng sỏ nhất.

Để tránh con mắt theo dõi kiểm soát, bọn chúng tới nhà Bôrsép tụ tập ban ngày thường đi từng đứa hoặc hai đứa một, lẻn qua lối hậu và qua nhà đập lúa, khỏi đập vào mắt thiên hạ, và khỏi bị Xôviết để ý. Lui tới đây có Đavứt Gaiép và tên đại bợm Lápsinốp từ sau ngày bị tịch thu gia sản đã biến thành kẻ giả vờ mất trí; thỉnh thoảng Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp cũng mò đến để thăm dò. Bám vào cái "bộ tham mưu" ấy có một số trung nông dứt khoát chống lại nông trang: Nhikôlai Liusnhia và vài người nữa. Ngoài Bôrsép ra lại còn có hai bần nông khác: Vaxili Atamatsukốp, một anh chàng kô- dắc cao lênh khênh, đầu tóc mày râu cạo nhẵn nhụi, trọc lông lóc như quả trứng vịt, và Nhikita Khốprốp, cựu pháo thủ cận vệ thuộc đội quân Pốtchenkốp, trong thời kỳ nội chiến trốn nghĩa vụ suốt và đến năm 1919 rốt cuộc lại rơi vào làm lính đội quân tiễu phạt của tên đại tá bạch vệ Astưmốp. Chính chyện ấy đã quyết định cuộc đời Khốprốp sau này dưới chính quyền Xôviết. Số là trong làng có ba người - bố con Ôxtơrốpnốp và lão già Lápsinốp - hồi 1920 trong cuộc rút lui về Kútsépka đã trông thấy anh ta ở trong đội quân tiễu phạt Astưmốp với cái lon trắng hạ sỹ quan; và cũng trông thấy anh ta cùng với ba tên kô- dắc bạch vệ khác là người dân tộc Canmức giải đám công nhân hoả xa về cho Astưmốp hỏi cung… Họ đã trông thấy… Và anh đã mất bao nhiêu hồn vía khi rời Nôvôrôxixkơ về Grêmiatsi Lốc được biết hai bố con Ôxtơrốpnốp và Lápsinốp vẫn còn sống nguyên! Anh lính pháo binh cận vệ có bộ ngực nở nang ấy đã trải qua biết bao phen hãi hùng trong những năm trấn áp phản cách mạng quyết liệt! Và anh, lúc đóng móng cho ngựa chỉ cần nắm lấy hai chân sau của nó là có thể kìm chặt được bất cứ con ngựa nào cứ run bắn lên như chiếc lá sồi héo khô vì băng giá mỗi khi bắt gặp nụ cười láu tôm láu cá của Lápsinốp. Anh hãi hắn nhất. Gặp hắn, anh lắp bắp không ra hơi:

- Lạy cụ cứu vớt cho một linh hồn kô- dắc, đừng tố giác!

Lápsinốp làm ra bộ không hài lòng, nói:

- Anh dớ dẩn lắm, anh Nhikita ạ! Nhưng tôi cũng chẳng chấp anh làm gì! Tôi chẳng đeo thánh giá trước ngực đây hay sao? Và Đấng Cứu thế đã dạy rằng: "Hãy thương yêu người ta như mình vậy". Anh đừng có nghĩ lôi thôi, tôi sẽ không nói gì đâu! Vặn răng cũng chẳng nói. Tính tôi nó thế đấy… Nhưng anh nữa, anh cũng phải giúp tôi, nếu như… họp hành, có thể có đứa muốn hại tôi, hoặc chính quyền có đả kích tôi… Trường hợp ấy, anh hãy bênh vực tôi… Lá lành đùm lá rách. Và kẻ nào vung gươm thì sẽ chết vì gươm. Có phải thế không? À mà tôi muốn nhờ anh cày giúp cho đám ruộng. Chúa đã cho tôi thằng con dở người, chẳng nhờ vả được gì cả. Còn thuê người thì công xá đắt lắm…

Năm này qua năm khác Nhikita Khốprốp đã "giúp" Lápsinốp như vậy. Anh làm không công, cày, kéo, đứng đút những bó lúa của nhà Lápsinốp vào máy đập nhà Lápsinốp. Rồi về đến nhà mình, anh ngồi vào bàn, vùi cái mặt to bành bạnh có bộ ria hung hung vào hai lòng bàn tay như sắt nguội, ngẫm nghĩ: "Cứ thế này đến đời kiếp nào? Tao sẽ giết mày".

Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp thì không đòi hỏi gì cả, chẳng doạ dẫm, và thừa biết rằng nếu mình có yêu cầu một chai vốtka hoặc cái gì khác thì Khốprốp cũng chẳng dám từ chối. Mà vốtka thì Iakốp Lukits tới uống ở nhà anh ta luôn, và lần nào uống xong cũng không quên cảm ơn: "Đa tạ anh".

"Rượu vật chết cha mày đi!" - Khốprốp nghĩ bụng, hai nắm tay như hai quả tạ căm hờn bóp chặt lại dưới gầm bàn.

Pôlốptxép vẫn ở tại nhà Iakốp Lukits, trong gian phòng xép, trước đây là phòng của mẹ Ôxtơrốpnốp. Mụ già chuyển ra trốc lò sưởi. Và Pôlốptxép suốt ngày ở tịt trong gian phòng con, nằm dài trên tấm phản ngắn, hai bàn chân không và gân guốc gác lên viên gạch nóng, hút thuốc lá liên chi hồ điệp. Đêm đêm y thường đi vơ vẩn trong ngôi nhà thiêm thiếp ngủ (không có một tiếng kẹt cửa, vì các bản lề đã được trát mỡ ngỗng cẩn thận). Đôi lúc khoác áo varơi vào, y dập tắt thuốc lá, bước ra thăm con ngựa giấu trong kho rơm vụn. Con ngựa, đứng ỳ mãi đó đã ê ẩm, đón chào chủ khẽ hí lên một tiếng run run, dường như nó cũng biết rằng chưa phải lúc bộc lộ tình cảm một cách thoải mái. Chủ vỗ về nó, đưa những ngón tay cứng đơ rắn như sắt nguội nắn nắn khớp chân nó. Có lần, vào một đêm đặc biệt tối trời, y lôi con ngựa ra phi cồm cộp lao vào thảo nguyên. Y trở về trước lúc trời sáng. Con ngựa ướt đẫm, cứ như được tắm bằng mồ hôi, rùng rùng hai bên hông, chốc chốc lại run bắn lên một cái. Đến sáng, y nói với Iakốp Lukits:

- Đêm qua tôi về làng. Chúng nó đang tìm tôi…Anh em kô- dắc đã sẵn sàng, chỉ còn đợi lệnh.

Chính là theo lời chỉ bảo của Pôlốptxép mà trong đại hội nông dân lần thứ hai của ấp Grêmiatsi Lốc bàn về chuyện nông trang, Iakốp Lukits đã xin gia nhập và kêu gọi anh em khác cũng nên theo mình. Và lão đã làm cho Đavưđốp mừng rơn vì lời phát biểu có tình có lý của lão, và vì lão là người có uy tín trong làng nên sau khi lão tuyên bố xin vào nông trang thì lập tức có ba mươi mốt người nữa xin vào.

Iakốp Lukits nói về nông trang tập thể cứ ngọt xớt, nhưng hôm sau, đi một vòng quanh các nhà, thết rượu bằng tiền của Pôlốptxép những trung nông hắn tin cậy và phản đối nông trang, sau khi làm vài hớp rượu lão thở ra một giọng khác hẳn:

- Này chú ơi, chú lạ thật! Tôi ở cái thế buộc phải vào nông trang hơn chú chứ, và không thể nói chống được. Tôi làm ăn khá giả, họ có thể quy tôi thành phần kulắc, còn chú thì đâm đầu vào đấy làm gì? Cái ách sờ sờ ra đấy, chú không thấy sao? Chú ạ, vào nông trang người ta sẽ thúc vào lưng lùa chú đi, không mở được mắt mà trông ánh sáng mặt trời nữa đâu. Và lão hạ giọng, bắt đầu tuôn ra một tràng những chuyện đã học thuộc lòng về cuộc nổi dậy sắp tới, về cộng vợ cộng chồng, và nếu người nghe tỏ ra ăn giọng và cay cú thì lão rủ rê, gạ gẫm, đe doạ một sự trừng phạt khi "quân ta" ở ngoại quốc kéo về, và cuối cùng lão đạt tới ý định: lão ra về với sự đồng ý của người kia xin gia nhập "hội".

Mọi chuyện trơn tru trót lọt. Iakốp Lukits đã kết nạp được gần ba mươi người, nghiêm cấm họ không được hở với ai về việc mình vào "hội" và về những chuyện đã nghe lão nói. Nhưng đến khi lão tới bộ tham mưu kulắc để hoàn thành công cuộc của mình (lão và Pôlốptxép có lòng tin tuyệt đối vào bọn kulắc đã bị tịch thu tài sản và vào những kẻ tập hợp quanh chúng, cho nên việc kết nạp bọn này được coi là chuyện dễ và gác lại để sau cùng), thì lần đầu tiên lão đã bị vấp… Iakốp Lukits khoác áo dipun vào, tới nhà Bôrsép vào lúc xẩm tối. Trong gian buồng trước đây vẫn bỏ không, cái bếp lò cháy hồng. Tất cả đông đủ. Chủ nhà là Chimôphây Bôrsép đang quỳ lom khom đút cành củi khô vào lò. Phrôn Mũi toác, Lápsinốp, Gaiép, Nhikôlai Liusnhia, Vaxili Atamantsukốp và anh lính pháo thủ Khốprốp thì ngồi trên mấy tấm ghế dài và trên đống bí ngô vỏ vằn đen vàng, kiểu vằn của dải huân chương thánh Ghêorghi. Chimôphây, thằng con lão Phrôn Mũi toác, vừa mới ở trên khu về ngày hôm ấy, đang đứng tựa lưng vào cửa sổ. Nó kể lại chuyện ông công tố uỷ viên đã tiếp nó với thái độ rất găng, không những không xét đơn khiếu nại mà lại còn định bắt nó, trả về huyện. Iakốp Lukits bước vào, Chimôphây đang nói, im bặt. Bố nó giải thích:

- Bà con ta cả, con ạ, cứ nói đi, đừng ngại.

Chimôphây kể nốt; nó nói, đôi mắt long lên sòng sọc:

- Sống khổ sở thế này thì chỉ ước gì có loạn, cháu sẽ nhảy phốc lên lưng ngựa đi cắt tiết bọn cộng sản ngay tắp lự!

Iakốp Lukits gật gù:

- Khó sống, khó sống thật đấy… Nhưng nếu chỉ như thế này thôi thì hãy còn là phúc…

Phrôn Mũi toác điên tiết lên:

- Lại còn thế nào nữa? Ông không bị đụng chạm gì, ổn quá rồi, còn tôi đây thì chết cháy. Hồi Sa hoàng ông với tôi gần như tương tự một cảnh sống, nhưng bây giờ ông béo trương béo nứt, còn tôi thì mất sạch trơn, đôi giầy chẳng còn.

- Tôi đâu sợ chuyện ấy, mà lo chuyện khác…

- Chuyện gì?

- E rồi lại nội chiến…

- Lạy Chúa ban cho nội chiến đi thì tốt quá! Cầu thánh Ghêorghi Bách chiến bách thắng phù hộ chúng ta! Sao cho nổ ra ngay đi! Kinh Phúc âm cũng dạy rằng…

- Gậy gộc choảng đi thôi, như dân Vôsenxkaia hồi năm mười chín ấy!

- Chà, tôi sẽ tuốt xác chúng nó, hưưừm!...

Atamantsukốp, bị thương vào họng trong trận gần làng Philônốpxkaia, phát biểu bằng một giọng léo nhéo khó nghe như tiếng sáo chăn cừu:

- Dân đã điên lên rồi, sẽ cắn xé moi gan chúng nó!...

Iakốp Lukits úp úp mở mở kể chuyện ở mấy làng bên xem có vẻ nhộn nhạo, thậm chí ở đôi nơi bà con đã dạy cho bọn cộng sản một bài học, theo lối kô- dắc, như xưa kia người ta đã dạy cho bọn ataman ở lại bám đít Mátxcơva, nghĩa là rất đơn giản: bao tải trùm đầu, rồi tùm luôn xuống sông. Lão nói chậm rãi, suy tính từng lời. Nhân tiện lão kể chơi rằng khắp miền Bắc Cápcadơ này tình hình bất an, rằng ở mấy thôn ấp dưới đã chung vợ chung chồng, rằng cộng sản là những kẻ đầu tiên ngang nhiên ngủ với vợ người khác, và sang xuân có thể có đổ bộ. Tin này là do một ông sĩ quan cũ cùng trung đoàn đã nói cho lão biết khi ông ta qua Grêmiatsi Lốc một tuần trước đây. Iakốp Lukits chỉ giấu một điều là viên sĩ quan ấy từ bấy đến nay vẫn sống lẩn lút ở nhà lão.

Đến đấy thì Nhikita Khốprốp từ nãy vẫn ngồi lặng thinh, hỏi:

- Ông Iakốp Lukits ạ, có điều này tôi còn chưa rõ: được rồi, ta sẽ nổi dậy, sẽ giết sạch bọn cộng sản ở ta, thế rồi sao nữa? Bọn dân vệ, ta sẽ thanh toán xong, nhưng bộ đội họ kéo về ụp ta thì lúc ấy thế nào? Ai sẽ chỉ huy chúng ta chống cự lại họ? Sĩ quan chẳng có, chúng mình thì ù ù cạc cạc, mò đường chỉ biết nhìn sao trên trời… Mà chiến đấu thì bộ đội đâu có đi mò! Bộ đội tìm đường trên giấy, các bộ tham mưu của nó vẽ nên bản đồ. Tay thì ta có đấy, nhưng đầu thì không.

Iakốp Lukits quả quyết khẳng định:

- Đầu cũng sẽ có! Sĩ quan sẽ về. Các ông ấy thì tài giỏi hơn bọn chỉ huy đỏ. Các ông sĩ quan Iunke ngày xưa sẽ đứng ra chỉ huy, họ tinh thông võ nghệ. Còn bọn chỉ huy đỏ thì ra cái thá gì? Ta cứ lấy thằng Maka Nagunốp của ta đây mà xem. Chặt đầu người ta thì nó làm được đấy, nhưng nó mà lại chỉ huy được một đại đội ư? Có mạt kiếp! Nó mà nhìn vào bản đồ thì biết đằng nào mà lần?

- Nhưng các ông sĩ quan ấy ở đâu ra?

- Trong bụng mẹ chui ra! - Iakốp Lukits điên tiết lên. - Kiểu đâu đấy, hả anh Nhikita? Sao anh cứ bám lấy tôi như con bọ chó bám vào đuôi con chó thế? "Ở đâu ra, ở đâu ra"!.. Tôi biết được họ ở đâu ra?

- Các ông ấy ở ngoại quốc về. Thế nào cũng về! - Phrôn Mũi toác tràn trề hy vọng.

Và, thưởng thức trước cảnh đổi đời, cái vị ngọt ngào nồng hơi máu của cuộc rửa hận nay mai, hắn khoan khoái phồng cái lỗ mũi độc nhất còn lại, phì phò hít lấy hít để làn không khí xanh khói thuốc.

Khốprốp đứng dậy; đưa chân đá một quả bí rồi vuốt bộ râu rậm đỏ hung hung, dõng dạc nói:

- Ra là thế đấy… Chỉ có điều là dân kô- dắc đã khôn ra rồi. Họ đã bị một trận nhừ tử vì cái tội nổi loạn. Họ sẽ chẳng nổi nữa đâu. Vùng Kuban sẽ không hưởng ứng…

Iakốp Lukits cười ruồi trong bộ ria đốm bạc, khẳng định:

- Dân kô- dắc sẽ nổi dậy, muôn người như một! Và tất cả vùng Kuban sẽ bùng lửa… Cái trò đánh nhau vẫn thế: bây giờ thì tôi nằm dưới, vai bẹp dí xuống đất đấy, nhưng rồi xem, chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ cưỡi lên đối thủ và cho nó ao.

Khốprốp nói, trong lòng trỗi dậy một quyết tâm làm anh gai gai lạnh:

- Không, các ông anh ạ, tuỳ các ông anh thôi, nhưng tôi không đồng ý chuyện ấy đâu! Tôi không nổi loạn chống chính quyền và không khuyên người khác làm việc ấy. Và ông, ông Iakốp Lukits ạ, ông xúi giục người ta làm những trò ấy là sai rồi… Cái ông sĩ quan nào ăn ngủ ở nhà ông là một người lạ mặt khả nghi lắm. Ông ta sẽ khoắng nước đục lầm lên rồi lỉnh, và lại chúng ta giơ đầu chịu báng cho mà xem. Trong cuộc nội chiến vừa rồi, họ đã đẩy chúng ta ra chống lại chính quyền Xôviết, họ gắn lon cho anh em kô- dắc, nặn anh em thành những sĩ quan đẻ non, còn bản thân họ thì rúc ở hậu phương, trong các bộ tham mưu, đi nhởn với các cô tiểu thư thắt đáy lưng ong… Ông nhớ lại mà xem, đến cái lúc thanh toán nợ nần, ai đã phải è cổ ra trả giá những tội mọi người cùng làm? Ở Nôvôrôxixkơ, quân đỏ đã lôi người Canmức ra bến tàu chặt đầu, trong khi đó thì bọn sĩ quan và các ngài quý tộc khác ngồi bảnh choẹ trên tàu bể, chuồn ra nước ngoài đi tìm những nơi khí hậu ấm áp. Toàn bộ đạo quân sông Đông vón lại ở Nôvôrôxixkơ như một đàn cừu, nhưng các ngài tướng tá thì đi đâu?... Chà! Mà tiện đây tôi cũng muốn hỏi ông: cái ngài "quan lớn" hôm nọ ngủ lại nhà ông, ngài ấy vẫn còn đang chui rúc đấy phải không? Tôi có đôi lần trông thấy ông xách nước xuống nhà đập lúa. Tôi cứ thắc mắc: quái, Lukits mang nước xuống đấy làm gì thế nhỉ? Cho ma nào uống? Rồi một hôm tôi nghe thấy tiếng ngựa hí.

Khốprốp lấy làm khoái trá nhận thấy mặt Iakốp Lukits chuyển sang đồng màu với bộ ria muối tiêu của lão. Cả bọn lúng túng sợ hãi. Một niềm vui hung ác làm căng phồng lồng ngực Khốprốp. Anh ném ra từng câu, anh có cảm giác như mình đứng ngoài, anh nghe thấy tiếng mình, như nghe một người khác nói.

Iakốp Lukits ấp úng:

- Nhà tôi làm gì có ông sĩ quan nào? Con ngựa cái nhà tôi nó hí đấy chứ, tôi xách nước bao giờ? Có xách nước vo thì có.. tôi nuôi con lợn ở đấy…

- Tiếng hí con ngựa cái nhà ông, tôi còn lạ gì, ông đừng bịp tôi! Nhưng chuyện ấy tôi mặc xác ông. Còn như việc các ông vừa mới bàn thì tôi không tham gia, lý do làm sao các ông tự đoán lấy…

Khốprốp đội mũ vào, nhìn quanh một vòng, rồi bước ra cửa. Lápsinốp chạy ra cản anh lại. Chòm râu đốm bạc của hắn rung rung, hắn lom khom đến ngộ, hai tay dang ra, hỏi:

- Thằng Giuđa, mày đi tố giác đấy hả? Mày bán tao hả? Thế ngộ như tao nói toẹt ra mày đã bắt tay bọn Canmức, đi lính tiễu phạt thì mày nghĩ sao?

Khốprốp điên lên một cơn điên lạnh như tiền, dứ nắm đấm như quả tạ vào râu Lápsinốp, nói:

- Ông nội ơi, ông không cần phải bép xép! Tôi sẽ tố giác tôi trước, sẽ nói toạc ra thế này: tôi đã đi lính tiễu phạt, đóng lon hạ sĩ quan, các ông xử tôi đi.. Nhưưưng, chúng mày cũng giờ hồn! Mày, thằng cáo già… Và mày… Khốprốp thở hổn hển, lồng ngực rộng của anh phì phò như bễ lò rèn. - Mày đã hút cạn máu tao! Ít ra tao cũng được một lần cười vào mũi mày!

Chẳng cần vung tay lấy đà, anh thoi cho Lápsinốp một quả vào giữa mặt, đóng sầm cửa bước ra, chẳng thèm nhìn lão già ngã quay lơ bên bậu cửa. Chimôphây Bôrsép chạy đi lấy cái thùng không. Lápsinốp lổm ngổm quỳ dậy, úp mặt vào miệng thùng. Máu đen từ trong mũi hắn ộc ra như từ một mạch máu đứt. Trong không khí hoang mang lặng ngắt ấy chỉ còn nghe thấy tiếng Lápsinốp thở khò khè, nghiến răng ken két, và tiếng máu xuôi theo râu Lápsinốp rỏ tong tong xuống đáy thùng.

Gaiép, tên kulắc mới bị tịch thu gia sản và có đàn con nhung nhúc, nói:

- Giờ thì chết cả nút!

Và thế là Nhikôlai Liusnhia đứng bật dậy, chẳng chào ai, chẳng đội mũ, chuồn thẳng. Atamantsukốp từ tốn bước ra theo, nói với lại bằng cái giọng khản the thé:

- Giải tán đi, không thì lôi thôi to đấy!

Iakốp Lukits ngồi lặng đi vài phút. Tim lão dường như giãn bung ra, lộn lên tận cổ. Lão khó thở. Máu trong đầu đập rình rình, trán toát mồ hôi lạnh. Lão đứng dậy khi mọi người ra về đã gần hết; lão kinh tởm bước tránh Lápsinốp đang cúi gục xuống cái thùng, khẽ bảo thằng Chimôphây, con lão Mũi toác:

- Chimôphây, đi theo tôi.

Chimôphây lẳng lặng khoác áo véttông, đội mũ vào. Hai người đi ra. Trong làng, những anh đèn cuối cùng đã tắt ngấm. Chimôphây hỏi:

- Ta đi đâu?

- Đến nhà tôi.

- Làm gì?

- Tí nữa sẽ biết, rảo rảo lên!

Iakốp Lukits chủ tâm tạt qua trụ sở Xôviết: không có ánh lửa, các cửa sổ đen ngòm. Họ về đến nhà Iakốp Lukits. Tới bên thềm, Iakốp Lukits dừng lại, nắm tay áo Chimôphây, bảo:

- Đợi đây một lát. Tôi sẽ gọi anh vào sau.

- Vâng.

Iakốp Lukits gõ cửa. Cô con dâu ra mở then:

- Thày đấy phải không?

- Thày đây.

Lão cài chặt then cửa lại, lão không vào thẳng mà tới gõ cửa gian buồng xép. Một giọng trầm khê nặc hỏi:

- Ai đấy?

- Tôi đây. Vào được chứ, ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits?

- Vào đi.

Pôlốptxép đang ngồi viết gì đó bên chiếc bàn con đối diện với cửa sổ che một tấm khăn vuông đen. Bàn tay rộng và gân guốc đặt úp lên che tờ giấy đang viết dở, y quay cái đầu trán dô lại, hỏi:

- Thế nào? Công việc ra sao?

- Hỏng rồi… Lôi thôi to…

- Sao? Nói mau lên!...

Pôlốptxép đứng bật dậy, đút tờ giấy viết dở vào túi, hấp tấp cài khuy cổ áo lại, rồi máu bốc lên mặt đỏ rừ, y khom mình lại trong tư thế con thú dữ chuẩn bị vồ.

Iakốp Lukits ấp úng kể lại chuyện vừa xảy ra. Pôlốptxép nghe, không hé răng một lời. Từ hai hốc mắt sâu, đôi đồng tử xanh lơ của y nhìn chòng chọc vào Iakốp Lukits. Y từ từ ưỡn thẳng người lên, hai bàn tay hết nắm lại mở, cuối cùng bĩu đôi môi cạo nhẵn thín lại nom đáng sợ, y bước sấn tới Iakốp Lukits.

- Đồ chó- o- o chết! Làm ăn thế à, thằng già đê tiện, định hại tao hả? Định phá hoại hả? Cái cơ sở ngu ngốc của mày đã phá hoại một nửa công cuộc rồi đấy. Tao đã ra lệnh cho mày thế nào? Tao đã ra lệnh cho- mày- thế- nà- o? Phải thăm dò ý tứ từng đứa một trước đã! Nhưng mày thì cứ như con bò đực lao đầu xuống khe!.. - Cái giọng thì thầm trầm trầm sôi sùng sục và cố nén lại của y làm Iakốp Lukits tái mét mặt và càng hãi, càng cuống. - Làm thế nào bây giờ? Thằng Khốprốp ấy đã đi báo cáo chưa? Thế nào? Chưa chứ? Nói đi, đồ mặt mẹt! Chưa chứ? Sau đó nó đi đâu, mày có theo dõi không?

- Không.. Thưa ông Alếchxanđrơ Anhiximôvits ân nhân của tôi, chúng ta nguy to rồi!

Iakốp Lukits ôm đầu. Một giọt nước mắt từ từ lăn trên cái má nâu xạm xuống bộ ria muối tiêu làm lão buồn buồn.

Nhưng Pôlốptxép chỉ nghiến răng ken két:

- Mày! Cái đồ đàn bà.. Phải hành động, chứ không phải là… Thằng con mày có nhà không?

- Tôi không rõ… Tôi có đưa một thằng đến đây.

- Thằng nào?

- Con lão Phrôn mũi toác.

- À… Đưa nó đến làm gì?

Bốn mắt gặp nhau, hiểu nhau chẳng cần nói một lời. Iakốp Lukits quay mặt đi trước, và nghe Pôlốptxép hỏi: "Thằng ấy có tin được không?" - chỉ im lặng gật đầu. Pôlốptxép giận dữ giật cái áo varơi treo trên đinh xuống, rút dưới gối ra khẩu súng lục mới lau chùi sạch sẽ, xoay cái ổ, và trong các lỗ của ổ đạn, các đầu đạn mạ kền ánh lên thành một vòng tròn sáng loáng. Vừa cài khuy áo varơi, Pôlốptxép vừa ra lệnh dõng dạc như ra lệnh chiến đấu:

- Đi lấy cái rìu. Xem xem đường nào gần nhất dẫn tao đi.. Từ đây đến đấy mất mấy phút?

- Gần thôi ạ, cách độ tám nhà…

- Nó có vợ con không?

- Có độc vợ.

- Hàng xóm gần không?

- Một bên là nhà đập lúa, bên kia là vườn.

- Thế trụ sở Xôviết?

- Cách xe…

- Đi!

Trong khi Iakốp Lukits đi ra đống củi lấy cái rìu thì Pôlốptxép giơ tay trái nắm lấy khuỷu tay Chimôphây, nói nhỏ:

- Tuyệt đối nghe theo lệnh tôi! Ta đến nhà nó, rồi chú đổi giọng cho khác đi, bảo nó chú là người thường trực của Xôviết ấp, có giấy cần đưa nó. Làm thế nào cho đích thân nó ra mở cửa.

- Cẩn thận đấy, đồng chí ạ, không biết gọi ông thế nào… tôi chưa được biết ông… thằng Khốprốp ấy, nó như con bò mộng, khoẻ lắm, nếu không đánh gục ngay thì với hai bàn tay không nó có thể chơi cho…- Chimôphây nói đến đây đã liến thoắng.

- Thôi! - Pôlốptxép ngắt lời nó và chìa tay ra với Iakốp Lukits: - Đưa đây tôi. Đi trước dẫn đường.

Pôlốptxép cầm lấy cái rìu cán gỗ hoè và còn âm ấm hơi tay của Iakốp Lukits, luồn vào trong áo, giắt vào thắt lưng quần sarôva, rồi kéo lật cổ áo lên.

Chúng lẳng lặng đi theo lối ngõ ngang. Bên cái bóng dáng cao lớn, chắc nịch của Pôlốptxép, Chimôphây nom như một thiếu niên. Nó đi bên viên đại đội trưởng kỵ binh đang bước những bước thấp bước cao, nhìn đăm đăm vào mặt y. Nhưng trời tối và cái cổ áo lật đứng của y làm nó không nhìn rõ mặt…

Chúng lách hàng rào qua nhà đập lúa. Pôlốptxép thì thào ra lệnh:

- Đi giẫm đúng vào lốt chân người trước, để cho có vết chân một người thôi.

Chúng đi trên tuyết còn trắng nguyên không một vết chân, bước theo một hàng dọc, người nọ dẫm vào lốt chân người kia. Tới gần cổng hàng rào, Iakốp Lukits áp lòng bàn tay ôm lấy mạng sườn trái, thều thào buồn bã:

- Lạy Chúa!...

Pôlốptxép trỏ vào cửa:

- Gõ đi!...

Chimôphây nhìn đôi môi y mấp máy mà đoán ra như vậy hơn là nghe thấy. Nó khẽ lắc cái núm cửa kêu lạch cạch và liền đó nghe thấy tiếng mấy ngón tay người lạ mặt đội mũ lông trắng đứng ở bên phải cửa, giận dữ cào cào, giằng khuy áo varơi ra. Chimôphây gõ lần nữa. Iakốp Lukits kinh hoàng thấy một con chó chui ra từ trong cái cũi sắt đặt ngoài sân. Nhưng con chó rét cóng sủa không ra tiếng. Nó rên lên và bỏ chạy về phía ngôi nhà kho lợp lá sậy.

° ° °

Khốprốp về đến nhà trong bụng rối bời, tuy dọc đường có nguội đi đôi chút. Chị vợ dọn cho anh ăn tối.

Anh ăn uể oải, buồn bã nói:

- Thèm một quả dưa muối quá, Maria ạ.

Chị tủm tỉm:

- Cho giã rượu chứ gì?

- Rượu chè gì đâu! Mình ạ, mai tôi sẽ ra thú với chính quyền trước kia có đi lính tiễu phạt. Sống như thế này mãi tôi không sống nổi.

- Ồ, mình cứ nghĩ quẩn! Mà hôm nay sao nom mình rũ rượi? Tôi thật chả hiểu.

Nhikita mỉm cười, vê vê bộ ria mép rậm hung hung đỏ.

- Mình sắp sửa cho tôi ít lương khô, hoặc nướng ít mã đề. Tôi sắp đi tù.

Sau đó anh nằm hồi lâu, bỏ ngoài tai những lời khuyên can của vợ, hai mắt mở thao láo, ngẫm nghĩ: "Mình sẽ khai hết về mình, và cả về thằng Ôxtơrốpnốp để người ta tống nốt cả bọn quỷ sứ ấy nữa vào tù! Nhưng mình thì rồi sẽ thế nào đây? Liệu có bị đem bắn không? Mình sẽ ngồi tù vài ba năm, đẵn gỗ trên ngàn, rồi sẽ trở về sạch vết. Bấy giờ thì không còn ai trách móc quá khứ của mình được. Mình sẽ chẳng phải đi làm đầy tớ không công cho ai nữa. Mình sẽ nói thật làm sao mà mình lại rơi vào làm lính cho Astưmốp. Mình cứ nói thẳng ra thế này: mình ở mặt trận đã đào ngũ trốn về. Ai lại muốn đưa đầu ra làm bia đỡ đạn? Tuỳ họ xử, chuyện qua lâu rồi, người ta cũng nhẹ tay thôi. Mình sẽ kể hết! Tay mình chưa hề bắn ai, còn như cái chuyện roi vọt… Ừ thì mình cũng có cầm roi quật cả lính kô- dắc đào ngũ lẫn mấy anh chàng nào mà họ bảo là bônsêvích.. Hồi ấy mình tối tăm mù mịt, nào có biết ngô khoai ra sao".

Anh ngủ thiếp đi. Vừa chợp được một tí thì tiếng gõ cửa làm anh tỉnh dậy. Anh nằm rốn một lát. "Ai mà giờ này mà còn đến thế nhỉ?" . Lại tiếng gõ nữa. Nhikita ề à một tiếng khó chịu, nhỏm dậy, định châm đèn thì chị Maria thức giấc, thì thào:

- Hay lại gọi họp? Đừng đốt đèn. Ngày không yên, đêm cũng lại chẳng yên. Mả mẹ họ, chứ họ hoá rồ rồi!

Nhikita đi chân không bước ra nhà ngoài.

- Ai đấy?

- Cháu đây, bác Nhikita ạ, cháu ở Xôviết xuống đây.

Giọng trẻ con lạ lạ… Nhikita bỗng cảm thấy trong bụng như bồn chồn, kiểu như chột dạ, và hỏi:

- Nhưng cháu là ai? Có việc gì?

- Cháu là Nhikôlai Kugienkốp đây. Có giấy của ông chủ tịch gửi bác, ông ấy bảo bác lên trụ sở Xôviết ngay.

- Cứ đút qua khe cửa.

… Phía bên ngoài cửa im lặng giây lát… Từ dưới cái mũ lông phóng ra một cái lừ mắt thúc giục, doạ dẫm, và sau một thoáng lúng túng, Chimôphây nghĩ bật ra một kế:

- Bác cứ mở ra, phải biên nhận cơ.

Nó nghe thấy Khốprốp hậm hực đi lại, hai bàn chân không bước loạt soạt trên nền đất nện. Then cửa lạch cạch. Bóng trắng của Khốprốp hiện ra trên nền đen của khoang cửa. Đúng lúc ấy Pôlốptxép bước xấn chân trái lên ngưỡng cửa, vung rìu bổ cho Khốprốp một nhát vào giữa đầu sống mũi.

Như một con bò trước khi mổ thịt bị một nhát búa tạ vào sọ, Khốprốp quỵ xuống, nhũn người đổ ngửa ra. Pôlốptxép ra lệnh nhỏ:

- Vào đi! Cài then lại!

Y sờ soạng tìm qủa đấm cửa buồng, cái rìu vẫn khư khư trong tay. Và khi tìm thấy rồi, y mở toang cửa ra.

Từ góc nhà, chỗ có kê cái giường, đưa ra tiếng vải sột soạt, và một tiếng đàn bà lo ngại:

- Lại đánh đổ cái gì rồi đấy hử? .. Ai đấy, anh Nhikita?

Pôlốptxép buông rìu ra, hai tay giơ ra đằng trước, lao vào cái giường.

- Ối làng nước ơi! Ai thế này? … Cứu…

Chimôphây vừa va đầu vào khung cửa một cái đau điếng, chạy bổ vào. Nó nghe thấy tiếng lục đục và tiếng thở hổn hển trong góc nhà. Pôlốptxép đè xấn lên người đàn bà, chẹn cái gối lên mặt chị ta và bẻ quặt cánh khuỷu, lấy khăn tay trói lại. Hai cùi tay y miết lên đôi vú núng nính mềm mềm của chị đàn bà, và dưới người y, lồng ngực chị ta lùng nhùng lún xuống. Y cảm thấy hơi ấm của cái thân thể cường sức đang giẫy giụa cố gỡ ra như một con chim bị người bắt, y nghe thấy tim chị đập. Trong y bỗng bùng lên, và chỉ trong giây lát thôi, một dục vọng bỏng rát như lửa đốt. Nhưng y gầm lên một tiếng, điên dại luồn bàn tay xuống dưới gối, móc hàm chị như móc hàm một con ngựa. Dưới mấy ngón tay quắp lại của y, hàm dưới của chị rãn ra, rồi mềm nhũn, rách hẳn. Ngón tay y nhầy nhụa máu nong nóng. Và bây giờ thì người đàn bà đã hết ú ớ rền rĩ: y đã lấy cái váy vo tròn lại, tọng vào mồm chị đến tận họng.

Pôlốptxép đặt Chimôphây đứng canh chị chủ nhà bị trói chặt, còn mình thì đi ra phòng ngoài. Y thở khò khè như con ngựa sổ mũi.

- Đánh diêm lên!

Iakốp Lukits xoè que diêm. Dưới ánh sáng lù mù, Pôlốptxép cúi xuống nhìn Khốprốp bị quật ngã bổ ngửa. Anh lính pháo thủ nằm, hai cẳng bẻ gập lại một cách oái oăm, má áp xuống sàn đất. Anh vẫn còn thở. Bộ ngực nở nổi gồ lên của anh cứ phập phồng từng cơn, và mỗi lần anh thở hắt ra thì bộ ria hung hung đỏ lại nhúng vào vũng máu. Que diêm lụi tắt, Pôlốptxép mò mẫm sờ trán Khốprốp, nắn nắn chỗ rìu bổ. Ngón tay hắn chạm vào xương vỡ, thấy xào xạo.

Iakốp Lukits thều thào:

- Ông cho tôi về… Cứ thấy máu là tôi tối tăm mặt mũi…

Lão phát sốt phát rét, chân tay bủn rủn. Nhưng Pôlốptxép không đáp, mà ra lệnh:

- Mang rìu lại đây. Trong kia kìa…cạnh giường. Lấy cả ít nước nữa.

Nước lạnh làm Khốprốp hồi tỉnh. Pôlốptxép chặn đầu gối lên ngực anh, hỏi, giọng thì thầm rin rít:

- Mày đã đi báo cáo chưa, thằng phản bội? Ê, thằng kia, đánh diêm lên!

Que diêm lại soi tỏ trong vài giây khuôn mặt và một con mắt mở he hé của Khốprốp. Tay Iakốp Lukits run run, và ngọn lửa nhỏ xíu cũng run run. Ở phòng ngoài, những ánh lửa vàng khè nhảy nhót trên bó lá sậy trên mái rủ xuống. Que diêm tàn, bén cả vào đầu ngón tay Iakốp Lukits, nhưng hắn cũng chẳng thấy rát. Pôlốptxép nhắc lại câu hỏi hai lần nữa, rồi bắt đầu bẻ ngón tay Khốprốp gãy răng rắc. Anh rên lên một tiếng rồi bỗng lật sấp xuống, và từ từ khó nhọc nhổm lên, đứng dậy. Pôlốptxép hì hục cố vật ngửa anh trở lại như cũ, nhưng sức khoẻ như sức gấu đã giúp anh đứng thẳng dậy được. Anh vung tay trái nắm lấy thắt lưng Iakốp Lukits còn tay phải thì tóm lấy cổ Pôlốptxép. Pôlốptxép rụt cổ lại để những ngón tay lạnh ngắt của Khốprốp khỏi xiết lấy họng mình, và kêu lên:

- Đánh diêm lên!... Đồ ăn hại! Bảo đánh diêm lên kìa!

Tối quá, hắn không sờ thấy cái rìu đâu cả.

Thằng Chimôphây ở trong bếp thò đầu ra, chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, thì thào rõ mồn một:

- Ông ơi, ông! Ông cứ tương cho nó vào mạng sườn. Cho một rìu vào mạng sườn, đằng lưỡi ấy, nó khắc nói ngay!

Pôlốptxép đã vớ được cái rìu, ráng hết sức giằng ra khỏi bàn tay Khốprốp, rồi lần này thì bằng đằng lưỡi, bổ rìu xuống một nhát, hai nhát, Khốprốp ngã xuống, và trong khi ngã va đầu vào tấm ghế dài. Chiếc xô đặt trên ghế rơi đánh xoảng một cái, như tiếng súng nổ. Pôlốptxép nghiến răng bồi cho người đã nằm sóng soài dưới đất một cú chết hẳn: y lấy chân rờ tìm cái đầu, rồi cứ chỗ ấy mà bổ rìu xuống. Y nghe thấy tiếng máu phun ra ồng ộc. Rồi y đẩy dúi Iakốp Lukits vào buồng ngủ, đóng cửa lại, miệng nói khe khẽ:

- Đồ mày! Nhát như cáy! Giữ chặt lấy đầu con mẹ này, phải tra cho ra: chồng nó đã đi báo hay chưa? Còn thằng kia, đè lên cẳng nó.

Pôlốptxép tì sấp ngực xuống người đàn bà bị trói. Người y sặc mùi mồ hôi chua loét. Y hỏi, dằn từng tiếng:

- Tối hôm nay chồng mày về có lên trụ sở Xôviết hay đi đâu không?

Trong bóng đêm mờ mờ, y nhìn thấy một đôi mắt kinh hoàng dại hẳn đi, ứ nước mắt húp híp, một bộ mặt tím ngoét vì ngạt thở. Y thấy nôn nao, muốn cút ngay ra khỏi nơi đây, ra chỗ nào thoang thoáng… Y căm hờn và ghê tởm lấy ngón tay bóp vào chỗ sau tai người đàn bà. Bị đau dữ dội, chị giãy lên, ngất xỉu đi một lát. Rồi chị tỉnh lại, bỗng lấy lưỡi đẩy mạnh cái giẻ đầm nước bọt nong nóng rơi ra; nhưng chị không kêu, chỉ nghẹn ngào thều thào van lơn:

- Trăm lạy các quan! .. Tha cho làm phúc! Con xin nói hết!

Chị nhận ra Iakốp Lukits. Chẳng vì lão là chỗ thân thích của gia đình nhà chị, và sáu bảy năm về trước, chị với lão cùng đỡ đầu thằng cháu con bà chị ruột chị. Chị khó nhọc mấp máy đôi môi bị xé rách xễ xuống, nói như người lắp:

- Bác! Ối bác ơi!.. Sao lại thế này hả bác?

Pôlốptxép sợ hãi giơ bàn tay to tướng bịt mồm chị. Trong một phút rạo rực một tia hy vọng được rủ lòng thương, chị hôn vào bàn tay ấy bằng đôi môi nhầy nhụa máu me. Chị muốn sống! Chị sợ!

- Chồng mày có đi đâu không?

Chị lắc đầu. Iakốp Lukits túm lấy tay Pôlốptxép.

- Quan…Quan lớn….Ngài Alếchxanđrơ Anhiximôvits!... Tha cho nó…Ta đe nó thì nó sẽ không nói gì đâu!.. Không dám hé răng đến già!...

Pôlốptxép đẩy lão ra. Lần đầu tiên trong suốt những giây phút ghê gớm này, y đưa mu bàn tay lên quệt mồ hôi trên mặt. Y nghĩ bụng: "Mai là nó sẽ đi tố cáo! Nhưng nó là đàn bà, một người đàn bà kô- dắc, mình là một sĩ quan, đáng xấu hổ…Mẹ kiếp!...Phải bịt mắt nó lại, cho nó khỏi trông thấy…".

Y kéo ngược tấm áo lót vải thô của chị úp lên đầu chị. Mắt y dừng lại giây lát trên thân thể nõn nà của người đàn bà ba mươi tuổi chưa con cái ấy. Chị nằm nghiêng, chân co chân duỗi, như một con chim trắng to tướng trúng đạn rơi… Trong bóng tối lờ mờ, chợt Pôlốptxép nhìn thấy cái khe vú và cái bụng ngăm ngăm nước da bánh mật của chị bóng nhẫy mồ hôi. "Nó hiểu tại sao mình lại trùm đầu nó. Mẹ kiếp!..". Pôlốptxép hực một cái rồi bổ lưỡi rìu xuống cái mặt người trùm kín tấm áo lót.

Iakốp Lukits bỗng cảm thấy cái thân thể chị người thân của mình rùng rùng giãy chết trong khoảnh khắc. Mùi máu tươi tanh tanh xộc vào mũi lão… Iakốp Lukits loạng choạng bước tới lò sưởi, ruột đau quặn, muốn lộn mửa.

Ra tới bậc thềm, Pôlốptxép say lảo đảo, gục áp môi vào lan can, ngoạm lấy một ít tuyết xôm xốp mát lạnh rơi bám vào đó. Chúng đi ra cổng. Chimôphây tụt lại sau; hắn đi vòng đường, hướng tới cái tiếng nhạc phong cầm réo rắt từ phía trường học vọng lại. Đám trai trái đang vui chơi ở đó. Chimôphây véo mấy cô, lách vào trong đám hỏi mượn anh bạn nhạc sĩ cây đàn. Một cô đề nghị:

- Anh Chimôphây! Làm một bài Digan! Láy ác vào.

Chimôphây đỡ lấy cây đàn từ tay chủ nó, và để tuột xuống đất. Nó gượng cười, nhấc cây đàn lên rồi lại tuột tay rơi, không sao quàng nổi sợi dây đeo lên vai trái. Nó không làm chủ được mấy ngón tay nó. Nó vẩy vẩy ngón tay, cười, trả lại đàn.

- Lại nốc vào ở đâu rồi!

- Nom kìa, chị em ơi, có đúng cậu cả say không?

- Nôn cả ra áo kìa! Say bí tỉ!

Các cô tránh xa Chimôphây ra. Người có đàn bực mình thổi phù phù những bông tuyết dính trên phím, rồi ngập ngừng kéo một bản nhạc Digan. Uliana Akhơvátkina, cô gái cao lớn nhất đám, mà làng nước đặt cho cái tên là "mụ hộ pháp", bước ra, nện gót giày lách cách xuống đất, hai cánh tay giang thẳng như chiếc đòn gánh. "Phải ở đây đến sáng, - Chimôphây tự nhủ thầm, như nhủ ai, - để khi điều tra chúng nó khỏi nghi". Nó đứng dậy, và lần này thì cố tình giả bộ say, bước lảo đảo, tới gục đầu vào cái đùi non nóng hổi của một cô ngồi ở ngưỡng cửa:

- Bắt hộ anh con chấy, em ơi!...

° ° °

Còn Iakốp Lukits thì mặt tái xanh như tàu lá cải, vừa về đến nhà đã lăn đùng xuống giường và không ngóc đầu lên được nữa. Lão nghe thấy tiếng Pôlốptxép xát xà phòng vào tay, vốc nước ong óc, xì xục rửa ráy rồi bước về buồng. Đang nửa đêm hắn khua mụ chủ nhà dậy:

- Có món chè lê không, bà chị? Cho xin một cốc.

Y cạn cốc (Iakốp Lukits nằm úp sấp mặt vào gối, nghé một bên mắt lên nhìn) vớ lấy quả lê luộc, nhai tóp tép, đi đi lại lại, vừa đi vừa hút thuốc khói mù, tay xoa xoa bộ ngực núng nính, nhẵn thín như ngực đàn bà.

Nằm trong căn phòng xép, Pôlốptxép duỗi hai chân đặt lên viên gạch còn nóng. Đêm ngủ, y vẫn thích hơ hai bàn chân đau bệnh khớp của y như vậy. Y mắc phải bệnh ấy năm 1916, khi bơi qua sông Búc giữa mùa đông, đem hết cái lòng trung thành phụng sự Đức Hoàng đế, bảo vệ quê cha đất tổ. Từ đó viên quan ba Pôlốptxép mê cái hơi nóng, mê một đôi giày lót nỉ ấm áp…

Quảng cáo
Trước /69 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Nhật Ký Của Người Kể Chuyện

Copyright © 2022 - MTruyện.net