Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Đất Vỡ Hoang - Поднятая Целина
  3. Quyển 2 - Tập 2-Chương 10 : Chương 10
Trước /69 Sau

[Dịch] Đất Vỡ Hoang - Поднятая Целина

Quyển 2 - Tập 2-Chương 10 : Chương 10

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Ngôi lò rèn cũ kỹ đặt tận cuối làng đã tiếp đón anh bằng những mùi và tiếng động quen thuộc của nó: vẫn như thường lệ, chiếc búa vẫn chắc trong tay bác Ipôlít Xiđôrôvits nện chan chát, tuân theo răm rắp từng động tác của chủ nó; ngay từ xa đã nghe thấy vọng lại tiếng thở hổn ha hổn hển của cái bễ đã hết tuổi phục vụ; và vẫn như thường lệ, từ khoang cửa mở toang bay toả ra mùi than nồng cay gắt và cái mùi diệu kỳ, khó quên của sắt nung đỏ rực.

Gian lò rèn đứng riêng một chỗ, quanh nó vắng tanh và trống trải. Con đường mòn qua sát đó bốc lên mùi bụi nóng hầm hập và mùi cây rau lê. Cây gai mèo và cỏ dại mọc lên trên mái nhà đan bằng cành cây và võng xuống dưới một lớp đất cỏ phủ dày. Mái nhà nhung nhúc những chim sẻ. Vốn xưa nay chúng vẫn ngụ cư trong lớp rui mè của gian lò rèn này, kể cả trong mùa đông, và tiếng ríu rít không lúc nào ngừng của chúng dường như là tiếng nhạc nền cho cuộc đối thoại chan chát của đe và búa.

Bác Salưi đón tiếp Đavưđốp như một ông bạn nối khố. Suốt ngày này sang ngày khác làm việc với độc một thằng phó nhỏ, bác buồn tênh cho nên thấy Đavưđốp tới, bác hớn hở ra mặt. Bác chìa ra bàn tay rắn như sắt nguội, vui vẻ cất lên cái giọng ồm ồm:

- Lâu, lâu lắm rồi không thấy anh đấy, anh chủ tịch nhỉ! Anh quên giai cấp vô sản rồi sao mà chả thấy lại chơi. Anh làm thế cho cao giá chứ gì. Thế nào, hôm nay anh lại thăm bà con phải không? Mà đâu có chuyện thế nhỉ? Anh bạn ạ, lão đi guốc vào bụng anh rồi, anh đến xem mấy cái máy cắt cỏ thì có! Nào thì đi xem. Lão đã cho xếp hàng như quân kô- dắc đứng duyệt binh vậy. Ta đi thôi, nhưng anh chớ có bới lông tìm vết đấy. Chính anh đã đến đây cùng làm với lão, thế thì bây giờ tội tình đừng đổ lên đầu người khác.

Đavưđốp dừng lại hồi lâu trước mỗi cỗ máy cắt cỏ, xem xét kỹ lưỡng. Nhưng dù đã kiểm tra bằng con mắt rất xoi mói, anh cũng chẳng phát hiện được gì ngoài vài ba chỗ sơ xuất nhỏ. Thế nhưng anh đã làm bác phó rèn già thực sự bị chạm tự ái. Ông lão cứ lẽo đẽo theo anh từ cỗ máy này sang cỗ máy khác, tay cầm vạt tạp dề bằng da thuộc lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ như gà chọi, miệng thì cằn nhằn:

- Anh đúng là một ông chủ chẻ tóc làm tư! Xoi mói thế cũng chả đi đến đâu đâu… Ờ, anh đánh hơi cái gì vậy? Chứ lão hỏi anh, anh định tìm cái gì? Anh coi lão là một thằng digan sao? Gõ chan chát mấy cái, làm quấy quá cho xong, rồi nhảy lên xe, nhong nhong tếch mất hút thế hẳn? Không phải đâu, anh ơi, mọi cái ở đây đều làm đến nơi đến chốn cả đấy, như việc nhà mình vậy, chả việc gì anh phải hít hít đánh hơi, bới lông tìm vết.

- Bác cứ nghĩ thế thôi, chứ bới lông tìm vết gì đâu, hả bác Ipôlít Xiđôrôvits.

- Nếu không là bới lông tìm vết thì anh dã xem xong từ đời tám hoánh nào rồi chứ đâu còn loanh quanh mãi bên từng cỗ máy hít hít ngửi ngửi, sờ sờ nắn nắn…

- Nghề của tôi nó thế, bác ạ: mắt nhìn, tay nắn, - Đavưđốp đùa cho qua chuyện.

Nhưng khi anh đặc biệt chăm chú xem xét một cỗ máy ọp ẹp, lưỡi sứt mẻ cả, là cỗ máy của Anchíp Gráts trước khi đưa vào tập thể, thì bác Salưi nở nang mặt mày hẳn lên, vẻ bực bõ tự nhiên tiêu tan đâu hết. Bác túm lấy chòm râu, nhấm nháy mấy cái chả rõ với ai, rồi mỉm một nụ cười láu lỉnh, bác hóm hỉnh nói:

- Bò xuống, bò hẳn xuống gầm mà xem, anh Đavưđốp ạ! Sao lại cứ lượn quanh như con gà sống vậy? Nằm sắp rạp xuống, lấy răng mà thử cái lưỡi hái. Sao lại cứ sờ soạng như sờ con gái thế? Ghé răng vào cắn thử, ghé răng vào! Chà, thợ như anh thì thật chán kinh! Cái mình làm mà không nhận ra ư? Cỗ máy này do chính tay anh sửa đấy mà! Tôi nói dứt khoát thế đấy, tay anh làm tất, vậy mà xem nó anh cũng chẳng nhận ra là thế nào? Anh ạ, cái tính anh thế thì khéo lấy vợ tối hôm trước, sáng hôm sau mở mắt ra chả biết vợ là ai nữa…

Đắc chí với câu pha trò của mình, bác Salưi cười ha hả, tiếng cười như lệnh vỡ, rồi bác ho, khoa tay lên. Nhưng Đavưđốp chẳng hề tự ái, đáp:

- Có quái gì mà cười, hả bác Ipôlít Xiđôrôvits? Cái máy trung nông còm này tôi đã nhận ra ngay mà, và cũng nhớ là tay mình sửa. Cho nên tôi càng phải kiểm tra nó kỹ lưỡng để vào vụ cắt cỏ khỏi bị trơ mặt. Vì nếu như chẳng may cái đồ thải này có trục trặc gì, chắc bác sẽ là người đầu tiên rêu rao với đám thợ: "Lão giao búa, giao kìm cho anh Đavưđốp đấy, nhưng anh ấy làm ăn như mèo mửa". Thế chứ gì?

- Tất nhiên là thế. Mà sao lại không thế nhỉ? Ai làm người ấy chịu.

- Bác lại bảo: "Không nhận ra"! Cái của quý này tôi nhận ra quá chứ, nhưng với bản thân thì phải khắt khe hơn.

- Thế nghĩa là anh không tin ở anh à?

- Đôi khi thế…

Bác phó rèn bỗng nghiêm nét mặt lại, đồng tình. - Anh ạ, thế thì tốt lắm. Cái nghề làm sắt của chúng ta như người ta nói là cái nghề phải có tinh thần trách nhiệm, chẳng phải chốc lát mà thành thạo được, ồi, chẳng phải chốc lát đâu… Không phải vô cớ mà cánh phó rèn chúng tôi có câu này: "Tin bàn tay mình, tin cái búa cái đe. Nhưng cái đầu óc mình còn non thì chớ nghe nó mà dại". Ở nhà máy lớn là thế, thì ở cái lò rèn nhỏ cũng vậy, đâu cũng phải có tinh thần trách nhiệm cả, lão nói dứt khoát với anh như vậy. Năm ngoái người ta gửi về trọ ở nhà lão anh cán bộ huyện phụ trách thu mua da lột; anh ta được cử về làng ta với đầy đủ quyền hành. Lão và bà nó nhà lão săn sóc anh ta như con đẻ, nhưng anh ta chẳng hé răng chuyện trò một câu với cả lão lẫn bà nó nhà lão, sợ như thế là hạ mình. Ngồi vào ăn, câm như hến, đứng dậy, cũng câm như hến, ở trụ sở xôviết về, câm như hến, và ra đi, cũng câm như hến. Hỏi anh ta cái gì về chính trị hay chủ trương chính sách, anh ta đều chỉ càu nhàu đáp lại "Có phải việc của ông đâu mà cứ hỏi lôi thôi". Chuyện trò với anh ta đến đấy là thôi đấy. Ông khách trọ ấy sống ở nhà lão ba ngày đêm miệng câm tịt, nhưng đến ngày thứ tư thì mở miệng… Sáng hôm ấy, anh ta vênh mặt lên, bảo lão: "Này, bảo bà lão mang khoai tây lên cho tôi đừng có bê cả soong lên, mà phải xẻ ra đĩa, và đừng để giẻ lau tay lên bàn, mà phải có khăn ăn tử tế. Tôi là người có văn hoá, lại là một cán bộ phụ trách trên huyện, tôi không thích bị đối xử suồng sã như vậy".

Lão mới điên lên, và bảo: "Anh là cái con bọ hôi mù chứ đâu phải là người có văn hoá! Nếu anh có văn hoá thì thức ăn người ta dọn cho anh đựng bằng gì anh cũng chén được, và người ta đưa cho anh khăn gì cũng chùi mép được, bởi vì khăn ăn thì từ thuở lọt lòng lão nào có thấy nhà có bao giờ, còn đĩa thì có bao nhiêu bà nó đánh vỡ sạch. Tôi không lấy của anh đồng xu nào; bà nó nhà tôi cứ bấn tinh xúc xích lên, không biết làm thế nào để phục dịch anh cho được vừa ý, để anh có cái ghế tử tế mà ngồi, cái giường êm êm ngủ, thế mà bây giờ anh lại hếch ngược mũi lên cao hơn mái nhà: "Tôi đây là cán bộ phụ trách!". Vậy chứ tôi hỏi anh, anh phụ trách cái gì? Phụ trách mấy cái bộ lông thỏ, lông chuột đồng! Đấy, chả phụ trách cái khỉ gió gì cả, tôi đây cơ, tôi mới là phụ trách! Sau ông chủ tịch và ông bí thư chi bộ, tôi là người quan trọng nhất làng, bởi vì rằng không có tôi thì đừng hòng cày bừa gặt hái. Tôi nói anh nghe, tôi làm công việc sắt thép, còn anh thì việc da lông, vậy thì giữa hai ta ai quan trọng hơn ai nào? Anh tự coi là cán bộ phụ trách, tôi cũng thế. Hai anh phụ trách thì làm sao sống chung được một mái? Chả sống nổi đâu! Vậy thì anh bạn quý hoá ơi, xin anh cắp cặp bán xới đi đâu thì bán xới, người dương dương tự đắc như anh thì tôi dứt khoát không thiết".

Đavưđốp híp tít mắt lại đến nỗi chỉ trông thấy ánh mắt anh qua hai cái khe nhỏ tí. Anh hỏi nhỏ, giọng rung rung vì cười:

- Bác đuổi hả?

- Đuổi luôn! Hắn xéo thẳng và cũng chẳng thèm có một lời cám ơn, cái quân chó đẻ phụ trách ấy!

- Giỏi lắm, bác Ipôlít Xiđôrôvits ạ!

- Giỏi giang gì đâu, chẳng qua là không chịu nổi cái loại khách trọ ấy thôi.

Hút xong điếu thuốc, Đavưđốp tiếp tục xem xét cái máy và mãi đến nửa ngày mới xong. Trước khi chào bác Salưi ra về, anh nhiệt liệt cám ơn bác đã làm việc tận tình, và hỏi:

- Sửa chữa thế này họ tính cho bác bao nhiêu công?

Bác phó rèn già sa sầm mặt xuống, quay đi:

- Iakốp Lukits tính cho thì tiền không dính túi…

- Iakốp Lukits dính dáng gì vào đây?

- Dính ở chỗ lão ấy ban phát luật lệ cho tay kế toán. Lão nói sao, kế toán ghi vậy.

- Thì bác cứ cho biết bao nhiêu?

- Chả nghĩa lý gì, anh ạ, rẻ như bèo.

- Ô hay, tại sao thế được nhỉ?

Ông lão phó rèn thường ngày hiền lành thế, lúc này nom dữ hẳn, cứ như đứng trước mặt lão không phải là Đavưđốp mà là c hính Iakốp Lukits vậy.

- Tại là vì họ không thèm đếm xỉa gì đến công sức của lão. Lão đứng lò một ngày, họ chấm một công. Còn như đứng đấy lão làm hay vểnh râu hút thuốc lá thì đối với họ cũng thế thôi! Có thể là một ngày lão sửa chữa đáng bằng năm công, mặc, họ cứ chấm một. Dù anh có quằn lưng bên cái đe thì anh cũng chẳng kiếm được thêm công nào. Công xá các anh định như thế thật chả lo người ta phì nộn ra đâu! Tất nhiên là không chết, nhưng chả thiết lấy vợ nữa!

- Đâu phải tôi định! - Đavưđốp gay gắt cắt lời bác. - Và cũng không phải nông trang định! Chuyện tầm bậy thế mà sao bác chả nói gì với tôi trước?

Bác Salưi ngập ngừng một tí rồi đáp, vẻ miễn cưỡng ra mặt:

- Biết nói với anh thế nào, cũng có thể là lão ngượng mồm, cũng có thể là lão dè dặt. Có lúc lão đã dứt khoát định đến kêu ca với anh, nhưng rồi lão nghĩ là anh sẽ bảo: "Người chả biết điều tí nào, bao nhiêu cũng không vừa…". Cho nên lão ngậm tăm. Nhưng bây giờ đã nói thì nói cho hết: theo kiểu ban ơn của họ, họ chỉ tính công cho mình những việc nom rõ rành rành, chẳng hạn như sửa chữa các loại cày, hái, tóm lại là những việc nó sờ sờ ra đấy. Còn những việc lặt vặt, chẳng hạn như rèn móng, đóng móng ngựa, đánh móc sắt, đinh khuy, bản lề cửa, và những việc linh tinh khác, thì họ lờ tịt và không muốn nghe mình nhắc đến nữa. Điều đó lão cho là không đúng vì những việc lắt nhắt ấy tốn mất khối thời gian.

- Bác cứ nói mãi "họ", nhưng "họ" là ai? Một mình kế toán tính toán công và một mình anh ta phải chịu trách nhiệm trước ban quản trị, - Đavưđốp cau có nói.

- Kế toán tính công, nhưng Iakốp Lukits định công. Anh nói với lão cái chuyện đáng lẽ phải thế, còn lão thì nói với anh cái chuyện thực tế nó thế.

- Nếu thực tế nó thế thì rất bậy.

- Ồ, nhưng đâu phải lỗi ở lão, mà lỗi ở anh.

- Chẳng cần bác nói, tôi cũng thừa biết là lỗi ở tôi rồi. Phải sửa, càng sớm càng tốt. Mai tôi sẽ cho họp ban quản trị, và sẽ chất vấn Iakốp Lukits về việc này… Chúng tôi sẽ có ý kiến thẳng thừng với lão ấy! - Đavưđốp nói dứt khoát.

Nhưng bác Salưi chỉ cười khẩy trong hàng râu:

- Đâu phải chuyện có ý kiến với lão ấy…

- Vậy theo bác thì với ai? Với kế toán hả?

- Với anh.

- Với tôi? Hừmm… Được, thì ý kiến đi.

Bác Salưi nhìn kỹ anh một cái từ đầu đến chân, như muốn đo sức chịu đựng của anh, rồi thủng thẳng nói:

- Đứng cho vững, anh cả ạ! Những điều lão sẽ nói với anh đây không được bùi tai cho lắm đâu… Lão cũng chả muốn nói, nhưng cần thì phải nói. Lão e rằng người khác chả ai dám nói với anh những điều ấy.

- Cứ nói, cứ nói đi, - Đavưđốp động viên bác nói, trong bụng thầm cảm thấy rằng câu chuyện sẽ chẳng phải là thú vị gì cho mình, nhất là anh sợ bác Salưi sẽ lôi chuyện anh đi lại với Luska ra nói.

Nhưng ngược lại với e ngại của anh, bác mở đầu bằng chuyện hoàn toàn khác:

- Nhìn bề ngoài thì thấy anh đường đường làmột ông chủ tịch, nhưng đào sâu vào một tí thì anh chẳng phải chủ tịch chủ tiếc gì cả, mà là một vai chạy cờ, như người ta thường nói.

- Hay thật! - Đavưđốp thốt lên bằng giọng có phần nào cố làm ra vui vẻ.

- Hay gì đâu, - bác Salưi nghiêm nghị nói tiếp. - Chẳng có gì là hay ở đây cả, lão nói dứt khoát với anh như vậy. Anh chui xuống gầm máy cắt cỏ, anh xem xét kiểm tra, đúng như một chủ nhân ông thực thụ, rồi anh ra đồng sống với anh em, rồi tự tay anh cày, nhưng ở ban quản trị người ta làm những gì thì anh chẳng thấy, chẳng biết cái chết tiệt gì. Giá anh bớt lang thang ngoài đồng đi, có mặt trong làng đây nhiều hơn một tí, công việc chắc sẽ chạy hơn. Chứ cái thời gian anh ở lúc thì ngoài đồng, lúc thì lò rèn, bao biện làm thay người khác, thì Ôxtơrốpnốp ở đây thay anh làm mưa làm gió. Quyền hành trong tay anh, anh buông rơi, và Ôxtơrốpnốp đã nhặt lấy…

- Bác cứ dốc bầu nói hết đi, - Đavưđốp lạnh lùng nói. - Cứ nói hết, đừng ngại!

- Nói hết thì được thôi, - bác Salưi sẵn sàng đồng ý ngay. Bác ngồi thoải mái xuống bệ một cỗ máy, chỉ tay mời Đavưđốp ngồi xuống cạnh mình, và chợt thấy thằng phó nhỏ đang thập thò ở cửa nghe trộm chuyện họ, bác giậm chân, quát lên ồm ồm: - Cút ngay, đồ quỷ sứ nhà giời! Không có việc gì làm hả? Con mẹ mày, lúc nào cũng độc thấy mày nghe trộm là thế nào? Ông thì cởi thắt lưng ông quật cho một trận bây giờ cho mày biết tay! Thế sẽ khắc đút nút lỗ tai mày lại được ngay. Cái thằng ôn vật ấy sao mà nó nghịch ngợm thế không biết!

Thằng bé mặt mũi lọ lem, đôi mắt ánh lên ranh mãnh, lủi đi như một con chuột vào trong bóng tối của lò rèn, và liền sau đó lại nghe thấy cất lên tiếng thở phì phèo của chiếc bễ và ngọn lửa phun ra từ cửa lò lại sáng lên đỏ rực. Và bác Salưi nói tiếp, miệng mỉm một nụ cười lúc này đã trở lại hiền lành:

- Thằng mồ côi ấy lão đang dạy nghề cho nó đấy. Bọn lớn thì chẳng thằng ma nào chịu đi làm lò rèn đâu. Chính quyền xôviết đã dứt khoát làm chúng nó hư hỏng hết! Đứa thì mơ bác sĩ, đứa thì đại học nông nghiệp, đứa thì kỹ sư kỹ siếc, nhưng cánh già chúng tôi chết đi rồi lấy ai mà khâu giày cho nhân dân, ai may quần, ai đóng móng ngựa! Và ở chỗ lão đây cũng thế: chẳng kéo được đứa nào vào làm lò rèn cả, đứa nào cũng sợ khói lò rèn như ma quỷ sợ khói hương trầm vậy. Cho nên lão phải lấy thằng Vanhia này vào làm. Thằng quỷ sứ ấy, nó có khả năng, nhưng những trò ma quái của nó lão phải chịu đựng thì không sao kể xiết! Lần thì mùa hè nó lẻn vào vườn nhà người ta để rồi lão phải nghe chửi, lần thì nó bỏ lò rèn tếch đi câu cá bống, lần thì nó bày ra những trò gì chả biết, dứt khoát nó là một thằng vô tích sự. Cái bà cô ruột nuôi nó không trị nổi nó, thành thử ra là lão phải è cổ ra chịu đựng những trò tai quái của nó. Nhưng lão chi có thể mắng chửi nó được thôi, còn như đánh đập một trẻ mồ côi thì lão không đành. Sự thể là như vậy đấy, anh ạ. Sự thể là dạy dỗ con cái người ta, nhất lại trẻ mồ côi, là việc gay go lắm. Nhưng trong đời lão, lão đã đào tạo được mươi tay phó rèn dứt khoát lành nghề rồi, và hiện giờ đây các học trò của lão đang hành nghề tại các lò rèn bên Tubianxki, Vôxkôvôi và nhiều làng khác, thậm chí có một đứa còn làm việc ở nhà máy ở Rôxtốp nữa. Đó chả phải chuyện bỡn đâu, anh ạ, chính anh đã làm việc nhà máy đấy, anh thừa biết: chả phải bạ ai người ta cũng nhận cho vào làm đâu. Cho nên lão cũng rất lấy làm tự hào là lão có chết đi thì cũng để lại cho đời hàng chục kẻ được lão truyền tài cho. Lão lý luận thế có phải không anh?

- Ta hãy bàn luận vào việc của ta thì hơn. Bác thấy công tác của tôi có điều gì thiếu sót nữa?

- Thiếu sót thì chỉ có một cái: anh chỉ làm chủ tịch trong các cuộc họp thôi, còn trong công việc thường ngày thì chủ tịch là Ôxtơrốpnốp. Mọi cái dở đều từ đó mà ra cả. Lão thì lão thấy thế này: mùa xuân anh cũng cần phải ra đồng ba cùng vài bữa với anh thợ cày, nêu gương cho họ thấy làm ăn tập thể thì phải làm như thế nào, hơn nữa chính bản thân anh cũng học biết được cày. Đối với một ông chủ tịch nông trang điều đó chẳng có hại gì cả. Nhưng tại sao đến bây giờ anh vẫn còn ở lì ngoài đồng thì lão dứt khoát không sao hiểu nổi. Chẳng lẽ ở nhà máy, nơi anh làm ấy, ông giám đốc cũng ra đứng máy tiện suốt ngày hay sao? Nếu thế thì cũng lạ đấy.

Bác Salưi nói hồi lâu về những chuyện lủng củng của nông trang, những chuyện mà Đavưđốp chẳng hề hay biết, những chuyện mà Iakốp Lukits cùng với tay kế toán và tay thủ kho vẫn ra sức dấu kín anh. Nhưng mọi chuyện bác nói đều dẫn đến một điểm là kẻ chủ mưu tất cả những sự việc đen tối xảy ra từ ngày đầu thành lập nông trang đến nay chính là cái lão Iakốp Lukits tâm ngẩm tầm ngầm kia.

- Tại sao bác không lần nào phát biểu ra trong hội nghị? Bác không gắn bó với lợi ích của nông trang hay sao? Thế mà cứ nói: "Tôi là giai cấp vô sản!". Vô sản cái phải gió gì mà chỉ xì xà xì xào vụng trộm, còn ra hội nghị thì không thấy tăm hơi đâu cả?

Bác Salưi cúi gằm xuống, im lặng hồi lâu, tay mân mê một cọng cỏ, và ngọn cỏ mỏng manh ấy kẹp trong những ngón tay chuối mắn, đen đủi và gần như dại cứng của bác Salưi nom nó nghịch mắt quá đến nỗi Đavưđốp bất giác mỉm cười. Còn bác Salưi thì vẫn đăm đăm nhìn vào một cái gì đó ở dưới chân, dường như bác muốn tìm ở đấy câu trả lời cho Đavưđốp. Im lặng hồi lâu rồi bác hỏi:

- Mùa xuân vừa rồi trong một cuộc họp anh đưa ra ý kiến đuổi Atamantsukốp ra khỏi nông trang có phải không?

- Tôi có đặt vấn đề ấy. Thì sao?

- Thế đã đuổi chưa?

- Không đuổi. Và đáng tiếc; lẽ ra phải đuổi.

- Tiếc thì đúng là tiếc, nhưng vấn đề không phải ở chỗ tiếc…

- Vậy thì ở chỗ nào?

- Thế anh có nhớ ai đã phản đối việc đó không? Không nhớ à? Lão nhắc cho anh nhớ lại: Ôxtơrốpnốp này, thủ kho Aphônia này, Liusnhia này, và trên dưới hai chục người nữa. Chính họ đã đả vào ý kiến đúng đắn của anh, kéo mọi người chống lại anh. Như thế nghĩa là Ôxtơrốpnốp hành động không phải một mình. Anh nghe đã hiểu chưa?

- Còn gì nói nốt đi.

- Nói nốt thì được thôi. Anh vừa hỏi lão tại sao ra hội nghị lão không phát biểu. Lão có thể phát biểu một lần, hai lần, những đến lần thứ ba thì hết đường phát biểu: người ta sẽ choảng vào đầu lão ở ngay cái lò rèn này, bằng chính thanh sắt vừa lúc nào lão đưa vào lò và cầm đỏ rực trong tay, thế lão lão hết bép xép. Không, anh ơi, lão già rồi, hơi sức đâu mà phát biểu, anh có giỏi thì anh phát biểu thôi, lão vẫn còn muốn được ngửi cái mùi sắt đỏ trong lò.

- Bố già ơi, bố phóng đại mối nguy hiểm hơi quá đấy, thực tế thế! - Đavưđốp nói bằng một giọng thiếu tự tin, đầu óc vẫn đang bị ám ảnh vì câu chuyện bác thợ rèn vừa kể.

Nhưng ông lão vẫn giương đôi mắt ốc nhồi đen nhánh nhìn Đavưđốp chòng chọc, rồi nheo mắt lại cười kháy:

- Già rồi thì mắt mũi thong manh, anh ạ, cho nên có thể là lão phóng đại, như anh nói. Thế nhưng anh, anh là thanh niên mà những tác oai tác quái của bọn chúng anh chả thấy gì cả. Những trò bận rộn của tuổi thanh niên đã làm anh tối mắt thực sự rồi. Lão dứt khoát nói với anh như vậy.

Đavưđốp lặng im một lát. Bây giờ đến lượt anh ngồi đăm chiêu suy nghĩ, và anh đăm chiêu hồi lâu. Lúc này không phải bác Salưi nữa mà là Đavưđốp mân mê tay như vậy, chỉ khác là đó không phải ngọn cỏ, mà là chiếc ốc rỉ anh vừa nhặt dưới đất… Nhiều người có cái tật không thể giải thích được là hễ suy nghĩ lung là quay quay hoặc mân mê trong tay bất cứ vật gì mình vớ được.

Mặt trời đã xế từ lâu. Bóng đã ngả, và những tia nắng nóng hầm hập đổ xuống hun đốt cái mái lò rèn võng trĩu phủ đầy đất và cỏ dại, hun đốt những cỗ máy hái xếp hàng bên đó và lớp cỏ cháy xém bên đường. Cái im ắng lặng tờ của trưa hè trùm lên Grêmiatsi Lốc. Cửa nhà nào nhà nấy đóng kín mít; đường cái vắng tanh; ngay cả những chú bê từ sáng vẫn tha thẩn trên các ngõ cũng tản ra ngoài bờ ngòi ẩn mình dưới bóng rợp của những đám cây dương liễu. Thế mà Đavưđốp và bác Salưi vẫn cứ ngồi phơi dưới nắng chang chang.

- Ta vào trong nhà rèn, ngồi cho mát, chứ nắng này lão không quen, - bác Salưi không chịu nổi nắng rát vừa lau mồ hôi trên mặt, trên trán hói, và nói tiếp: - Một lão phó rèn già thì cũng chẳng khác gì một bà phu nhân già: không ưa tắm nắng, chẳng là vì suốt cái kiếp của mình cứ cấm cung trong nhà, - tất nhiên là mỗi người một kiểu.

Họ chuyển vào chỗ có bóng râm, ngồi xuống thềm đất nóng hâm hẩm đằng hướng bắc của gian lò rèn. Bác Salưi ngồi sát vào Đavưđốp, rì rầm nói, vo ve như một con ong bị mắc vào chạn:

- Vợ chồng Khốprốp có phải đã bị chúng giết không? Chúng giết đấy. Vì sao giết? Vì say rượu ư? Đâu phải cái sự ấy, anh ơi… Đây có chuyện gì đen tối đấy. Ai người ta lại giết người vì những chuyện không đâu. Lão già lão nghĩ lẩn thẩn thế này: nếu chính quyền xôviết không mê anh ta thì sẽ bắt và xử tử anh ta đàng hoàng theo toà án, chứ đâu lại làm dấm dúi, vậy nếu anh ta đã bị giết một cách dấm dúi, giết trộm, giữa đêm hôm, thậm chí lại bị giết cả vợ nữa thì có nghĩa là kẻ thù của chính quyền xôviết không mê anh ta, không thể khác được! Chứ lão hỏi anh, tại sao chúng lại giết vợ anh ta? Tại vì bọn giết người sợ chị ta tố cáo chúng trước chính quyền, do chị biết mặt chúng mà! Người chết thì hết nói, chôn xuống mồ là yên chuyện, anh ạ… Thế đấy thôi, không thể khác được, lão nói dứt khoát với anh như vậy.

- Cho là thế, và những điều ấy chả cần bác nói chúng tôi cũng thừa biết, thừa đoán ra được, nhưng cụ thể là ai giết? Điều đó thực tế chả ai biết cả, - Đavưđốp im lặng một lát, rồi lập mẹo, nói tiếp: - Và sẽ chẳng bao giờ biết được!

Bác Salưi dường như không nghe thấy câu cuối cùng của anh. Tay nắm chòm râu gần như bạc hết, bác toét miệng cười:

- Ngồi trong chỗ râm mát này dễ chịu thật. Ngày xửa ngày xưa, anh ạ, lão có lần gặp một chuyện như thế này. Một hôm, hồi ấy là trước mùa gặt, lão đang lắp vành cho chiếc xe bốn bánh của một lão nhà giàu ở Tavria. Lão nhớ, hắn đến lấy xe vào một ngày thường, ngày ăn chay, thứ tư hay thứ sáu gì đó. Hắn trả tiền, khen lão làm tốt, thết lão một chầu rượu, gọi những người làm của hắn đã dắt ngựa đến cho hắn lại cùng ngồi. Mọi người cùng uống. Rồi đến lượt lão mời rượu. Lại uống. Cái lão Ucrain ấy giàu lắm, trong bọn nhà giàu thật hiếm đứa như hắn: tâm địa hắn tốt. Anh ạ, thế rồi hắn nẩy ra sáng kiến làm một bữa nhậu nhẹt đàng hoàng. Mà lão thì công việc đang bề bộn, giữa ngày mùa mà, hàng họ ngập tận mũi. Lão đành bảo hắn; "Ông Tơrôphim Đênixôvits ạ, mời ông cứ tiếp tục, cứ uống với anh em, còn tôi ông cho kiếu, tôi không ngồi được đâu, lắm việc lắm". Hắn đồng ý. Họ tiếp tục ngồi chén chú chén anh, còn lão, lão quay về lò. Đầu lão ù lên, nhưng chân vẫn đứng chắc, và tay cũng chắc, nhưng say, dứt khoát say lúy tuý. Đúng cái lúc khỉ gió ấy thì một chiếc xe ba ngựa leng keng đến trước cửa lò rèn. Lão bước ra. Đó là một chiếc xe thổ mộ thùng mây, và ngồi trên xe, dưới chiếc dù là tên Xêlivanốp, một tên địa chủ khắp vùng biết tiếng, kiêu căng khiếp lắm, và chó má thì trên đời này không ai bằng… Anh xà ích, mặt trắng bệch như tường vôi, tay run lẩy bẩy, đang cởi đai cho con ngựa bên trái. Anh ta đã sơ xuất để một chiếc cá móng ngựa rơi mất dọc đường. Thế là tên quý tộc ấy xỉa xói:

"Đồ mặt mẹt, tao sẽ đuổi cổ mày đi, sẽ tống mày vào tù, thế này thì mày làm tao nhỡ xe hoả mất", - và cứ thế lải nhải mãi. Anh ạ, ở vùng sông Đông chúng tôi, dưới thời Sa hoàng, dân kô- dắc cũng không chịu khom lưng trước địa chủ lắm đâu. Đối với cái tên Xêlivanốp này thì cũng thế thôi: lão coi nó không ra cái đếch gì, mặc dầu nó là thằng địa chủ to nhất. Thế là lão bước ra, chuếnh choáng hơi men, lão đứng bên cửa, nghe nó mắng anh xà ích như tát nước vào mặt. Lão sôi tiết lên, anh ạ, dứt khoát là sôi lên sùng sục. Thằng Xêlivanốp trông thấy lão, quát gọi: "Ê, thằng thợ rèn kia, lại đây!". Lão đã định trả lời: "Mày cần thì mày lại đây". Nhưng lão chợt nảy ra một ý khác: lão bước tới phía hắn, tươi cười như với một người thân thích, đi đên bên xe, giơ tay bắt tay và nói: "Chào anh bạn! Thế nào, có khá không?". Hắn sửng sốt đến nỗi chiếc kính gọng vàng trên mũi rơi xuống; nếu cái kính không có sợi dây đeo buộc giữ, nhất định nó đã vỡ tan tành rồi! Hán kéo lại kính lên mũi, còn lão thì vẫn cứ chìa tay ra, mà tay lão thì đen, như bồ hóng, bẩn như hủi. Hắn làm như không trông thấy bàn tay lão, nhăn mặt lại như nuốt phải mật đắng, và rít răng lại nói: "Thằng này say rượu phỏng? Mày có biết mày giơ tay ra với ai không, thằng mặt mo?". Lão đáp: "Ô hay, sao lại không biết nhỉ, biết quá đi chứ! Tớ với đằng ấy thì có khác nào anh em ruột thịt: đằng ấy tránh nắng rúc xuống dưới cái ô, còn tớ thì chui vào dưới mái lò rèn; tớ thì những ngày thường tớ cũng say khướt, đằng ấy vừa nhận xét rất đúng, còn đằng ấy thì chắc hẳn không chỉ uống rượu có ngày chủ nhật như dân phu dân thợ, trông cái mũi đằng ấy đỏ như quả cà chua thì biết… Thành thử, hai ta là dòng dõi quý tộc, chứ không phải như những kẻ khác. Vậy nếu đằng ấy ngại không muốn bắt tay tớ, vì tay đằng ấy trắng, tay tớ đen, thì cái đó tớ để đằng ấy tự vấn lương tâm. Chui vào sáu tấm thì cả hai chúng mình cũng đều mục xương ra như nhau thôi mà".

Thằng Xêlivanốp lặng ngắt, chỉ có đôi môi cứ nhai trệu trạo và mặt méo đi. Lão hỏi hắn: "Đằng ấy cần gì? Cần đóng móng con nghẽo hả? Cái ấy thì xong ngay thôi. Nhưng đằng ấy đừng chửi mắng cậu xà ích nữa. Trông thì biết, cậu ta không biết đường nào mà nói. Đằng ấy muốn chửi thì chửi tớ đây này. Hai anh em ta vào trong lò rèn, khoá trái cửa lại, rồi đằng ấy thử chửi tớ xem. Tớ rất thích những thằng to gan".

Thằng Xêlivanốp lặng ngắt, mặt càng méo xệch, lúc méo sang bên này, lúc méo sang bên kia, lúc tái nhợt lúc đỏ dừ, nhưng vẫn cứ lặng ngắt. Lão đóng móng cho con ngựa của nó, rồi bước tới bên xe. Nó làm ra vẻ không trông thấy lão, chìa ra cho cậu xà ích một đồng rúp bạc, bảo: "Đưa cho cái thằng khốn nạn ấy". Lão nhận đồng rúp cậu xà ích đưa cho, ném trả lại vào trong xe xuống dưới chân thằng Xêlivanốp, và lão ra vẻ ngạc nhiên, cười bảo hắn: "Ô hay, anh em với nhau giúp nhau có tí thế thôi ai lại lấy tiền? Thôi, tớ ủng hộ anh em đấy, cầm lấy ra quán làm cút rượu chúc cho tớ khoẻ!". Đến đó thì mặt lão địa chủ nhà ta không phải tái nhợt, và cũng không phải đỏ dừ nữa, mà là xám ngoét; nó rít lên the thé: "chúc sức khoẻ mày hả… Chúc cho mày và cả nhà mày chết trương chết rũ thì có, đồ chó đểu, đồ khốn nạn, đồ xã hội chủ nghĩa! Ông sẽ lên phố trình quan ataman! Cho mày tù rục xương!".

Đavưđốp cười ha hả, to đến nỗi đàn chim sẻ sợ hãi bay vù từ dưới mái lò rèn ra. Bác Salưi cười nụ sau hàng râu, giở thuốc ra cuốn.

- Tóm lại là "hai anh em" không ăn ý với nhau chứ gì? - Đavưđốp hỏi, nói gần như không ra lời.

- Không ăn ý.

- Thế còn tiền? Nó lại ném trong xe ra chứ gì?

- Thế thì lão sẽ ném cho nó biết… Không, nó cầm đồng rúp chuồn thẳng… Nhưng anh ạ, vấn đề không phải là tiền…

- Thì là cái gì?

Cái cười của Đavưđốp dòn và dễ lây quá đến nỗi bác Salưi cũng phởn lên cười ha hả, khoát tay một cái:

- Kể ra lão cũng hơi ngớ ngẩn…

- Thì kể nốt đi bác! Kể luôn đi nào! - Đavưđốp cười chảy nước mắt hau háu nhìn bác Salưi.

Nhưng bác Salưi cứ khoát tay, toét rộng hoác cái miệng râu xồm xoàm mà cười ồm ồm như lệnh vỡ.

- Kìa thì kể đi chứ! Còn chờ gì nữa? - Đavưđốp lúc này đã quên đi vấn đề nghiêm túc đang bàn dở, cười không còn biết cái gì trên đời nữa, giục bác Salưi.

- Không còn biết kể cái gì nữa… Nó đã bảo lão là đồ chó đểu, đồ khốn nạn, và những cái đồ gì gì nữa, và cuối cùng là hết tiếng để chửi, nó giậm chân thình thình xuống sàn xe, rít lên: "Mẹ cha đồ xã hội chủ nghĩa! Ông sẽ cho mày vào tù!". Hồi ấy lão chả hiểu xã hội chủ nghĩa là cái gì… Cách mạng thì lão biết, còn "xã hội chủ nghĩa" là gì thì lão chẳng biết, và lúc ấy lão tưởng đó là câu chửi tục nhất trong các câu chửi… Lão trả miếng ngay: "Mày là đồ xã hội chủ nghĩa ấy, quân chó đẻ, có cút ngay đi không, không ông đánh cho tuốt xác!".

Đavưđốp ôm bụng cười một trận nữa. Bác Salưi đợi cho anh cười cho đã, rồi nói tiếp:

- Hôm sau có người đến dẫn lão lên gặp quan ataman. Hắn hỏi lão đầu đuôi xuôi ngược, rồi cũng cười như anh vậy, và thả lão về, không bắt giam. Hắn cũng xuất thân từ một gia đình sĩ quan nghèo, vậy cho nên hắn cũng khoái khi thấy có một anh phó rèn xoàng lại dám xỉ vả một ông chúa đất giàu có. Chỉ có là trước khi cho lão về, hắn bảo: "Này, anh kô- dắc kia, vừa vừa thôi nhớ, liệu giữ mồm giữ miệng, thời buổi này phức tạp đấy, hôm nay anh đóng móng ngựa, ngày mai rất có thể người ta sẽ đóng móng cho anh cả bốn cẳng để đường trường đến tận Xibia anh đi khỏi trượt ngã. Rõ chưa?". Lão trả lời: "Bẩm quan lớn, rõ rồi ạ". Hắn bảo: "Thôi, cút, và từ nay đừng để ta trông thấy mặt nữa. Còn ông Xêlivanốp thì ta sẽ báo ông ấy là ta đã lột da anh". Đó, anh ạ, đầu đuôi là như thế…

Đavưđốp đứng dậy định chào bác phó rèn hay chuyện ra về, nhưng bác túm lấy cánh tay áo anh, lôi anh ngồi lại xuống bên bác, đột ngột hỏi:

- Anh sẽ chẳng bao giờ biết được ai đã giết vợ chồng Khốprốp phải không? Anh ạ, cái sai của anh là ở đấy đấy. Sẽ biết. Dứt khoát là sẽ biết, có điều là phải có thời gian.

Xem vẻ ông lão có biết manh mối gì đó, Đavưđốp quyết định lật con bài ra:

- Bác Ipôlít Xiđôrôvits ạ, bác nghi cho ai? - Anh hỏi thẳng, nhìn xoi mói vào đôi mắt đen có lòng trắng đầy những tia máu của bác Salưi.

Bác liếc vội anh một cái, trả lời lảng:

- Chuyện này, anh ạ, dễ lầm lắm đấy…

- Thì bác cứ nói đi!

Bác Salưi đặt tay lên đầu gối Đavưđốp nói bằng một giọng đã hết do dự:

- Này, anh ạ, giữ lấy lời còn hơn giữ tiền, giữ của, anh hãy hứa với lão: không nói với ai rằng đây là ý kiến của lão. Đồng ý không?

- Đồng ý.

- Nó là thế này; chuyện này cũng không thể không có bàn tay Iakốp Lukits dính vào. Lão dứt khoát với anh như thế.

- Ồ, ông bạ- ạ- ạn ơi… - Đavưđốp thất vọng dài giọng đáp…

- Lão là "bạn" thằng Xêlivanốp, còn anh thì lão đáng làm bố anh. - Bác Salưi tự ái nói: - Lão không bảo anh là chính tay Iakốp Lukits giết Khốprốp, lão chỉ bảo vụ này có tay hắn dính vào thôi. Cái đó anh cần phải hiểu ra, nếu như Chúa cũng cho anh chút trí thông minh.

- Vậy chứng cớ đâu?

- Anh được bổ làm thẩm phán rồi chắc? - bác Salưi hỏi đùa.

- Bác Ipôlít Xiđôrôvits ạ, chuyện nghiêm chỉnh thì bác đừng nói đùa, có ý kiến thì nêu hết ra đi. Chúng ta không việc gì phải chơi ú tim với nhau.

- Anh ạ, thẩm phán như anh thì tồi lắm, - bác Salưi khẳng định. - Đi đâu mà vội, quỷ tha ma bắt anh đi, lão sẽ trình bày hết anh nghe, trình bày dứt khoát, có điều là anh hãy cố lau sạch nhử mắt mà nhìn cho rõ… Anh tằng tịu với con Luska làm cái khỉ gió gì? Thật chẳng vừa đôi phải lứa tí nào! Anh không tìm được đứa đàn bà nào hơn cái con đĩ rạc ấy ư?

- Cái ấy không việc gì đến bác, - Đavưđốp ngắt lời bác Salưi.

- Không đâu, anh ơi, việc đến cả lão, việc đến cả toàn nông trang nữa kia.

- Tại sao lại thế được?

- Tại là vì anh tằng tịu với con mèo mả gà đồng ấy, công tác của anh bê trễ đi hẳn. Anh sinh ra bị quáng gà… Thế mà anh bảo không việc gì đến lão. Anh ạ, đây không phải là chuyện không hay cho riêng anh, mà cho chung toàn nông trang ta. Chắc anh tưởng chuyện anh lăng nhăng với con Luska anh giữ được kín hẳn, thực ra thì cả làng biết tỏng tòng tong. Đấy như đám phụ lão chúng tôi, đôi lần ngồi với nhau, chúng tôi cứ băn khoăn thắc mắc: làm thế nào để tách được anh ra khỏi cái con Luska chết giẫm nửa đời nửa đoạn ấy nhỉ? Vì sao chúng tôi lại nghĩ như thế? Vì rằng cái giống đàn bà như con Luska thì không làm cho anh đàn ông chịu thương chịu khó ra đâu, mà chỉ làm cho người ta sao lãng công việc đi thôi, chúng tôi lo cho anh là vì thế… Anh là người tốt, chững chạc, chẳng rượu chè bê tha, tóm lại là hiền, và cái con quỷ cái ấy đã lợi dụng những cái tốt của anh: nó cưỡi lên lưng anh quất cho anh chạy nhong nhong. Nó làm cách nào để cưỡi được lên lưng anh thì anh biết hơn lão; cưỡi lên lưng anh thì chớ, nó lại còn khoe vung khắp làng: "Đấy, thấy chưa, đã thấy tôi xỏ mũi được những anh chàng như thế nào chưa?". Ôi anh Đavưđốp ơi, kiếm ai chả kiếm, sao lại kiếm con ấy… Một lần, vào hôm chủ nhật, đám già chúng tôi đang ngồi chơi trước cửa nhà Bexkhlépnốp thì anh đi qua. Ông cụ Bexkhlépnốp đã nhìn theo anh và nói: "Đáng lẽ phải bắc anh chàng Đavưđốp nhà ta lên cân mới phải: xem trước khi dính vào con Luska được bao nhiêu cân và bây giờ còn bao nhiêu. Nom kìa, nó đã rút hết ruột anh ta rồi. Chuyện này dở òm, các cụ ạ: ruột thì nó rút, phần bà con ta còn lại cái xác ve…". Anh ạ, lão nói anh hãy tin lão, lão nghe thế mà lão xấu hổ hộ cho anh! Nếu như anh là anh phó nhỏ ở lò rèn lão thì làng xóm chả ai hơi đâu mà nói làm gì, nhưng đằng này anh lại là người đứng đầu toàn nông trang ta… Mà đứng đầu là quan trọng lắm đấy, anh ạ… Ngày xưa, khi có người kô- dắc nào bị đòn quan ngoài chợ vì phạm phải tội gì đó người ta thường nói; "Vãi máu đít ra cũng chẳng sao, miễn là cái đầu còn tỉnh". Vậy nhưng cái đầu của nông trang ta không còn tỉnh nữa, hơi mụ đi rồi. Cái đầu ấy đã bị con Luska cho bùa mê thuốc lú. Nếu như anh chọn một con bé nào đứng đắn, hoặc một mụ goá đi cũng được, thì nào có ai bảo sao, đằng này anh lại… Ôi anh Đavưđốp ơi, anh tối mắt đi mất rồi! Lão thì lão chẳng cho rằng vì quá yêu con Luska mà anh rộc người đi như thế đâu mà là vì lương tâm anh cắn rứt, lão nói dứt khoát với anh như vậy.

Đavưđốp nhìn con đường chạy qua bên lò rèn, nhìn đàn chim sẻ đang quần bụi. Mặt anh tái đi trông rõ và trên đôi gò má nứt nẻ của anh xuất hiện những vết bầm xanh xanh.

- Thôi được rồi đấy! - anh lẩm bẩm nói, rồi quay sang bác Salưi. - Ông ạ, chả cần ông nói tôi cũng đã muốn lộn mửa.

- Say mà mửa được ra thì cũng nhẹ người, - bác Salưi nói như tiệm mồm nói chơi.

Nén đi cái ngượng ngùng bối rồi, Đavưđốp nói giọng lạnh lùng:

- Ừ, bác hãy đưa bằng chứng là Ôxtơrốpnốp có tham gia. Không có bằng chứng, không có sự việc cụ thể thì coi như vu khống. Bác giận Ôxtơrốpnốp đã gây chuyện với bác. Và bác chơi lại hắn chứ gì! Nào bác có chứng cớ gì thì đưa ra đi!

- Anh ạ, anh nói dở lắm, - bác Salưi nghiêm nghị đáp lại. - Lão giận gì Ôxtơrốpnốp? Giận chuyện tính công chăng? Thì lão cứ việc không chịu, tự khắc hắn phải tính đủ cho lão. Còn như bằng chứng thì lão không có, lão đâu có nằm dưới gầm giường Khốprốp khi chúng hành hung giết cô vợ anh ta và cũng là người thân tình với lão.

Ông lão lắng tai nghe có tiếng sột soạt sau tường, và thân hình nặng nề trùng trục thế mà lão đứng phắt dậy một cái nhanh nhẹn lạ thường. Lão đứng đó một phút dỏng tai nghe, rồi thủng thỉnh cởi tấm tạp dề da cáu bẩn luồn qua đầu, và nói:

- Thôi, anh ạ, anh về chơi nhà lão, làm một bát sữa mát, rồi ngồi mát mẻ nói nốt câu chuyện. Lão nói riêng với anh… - Bác ghé tai Đavưđốp và cái câu chuyện kín bác nói thì thào bằng cái giọng ồm ồm ấy có lẽ hàng xóm lắng giềng đều nghe rõ mồn một: - Lại cái thằng ranh con ấy đang nghe trộm đấy, cấm sai đâu.!... Lúc nào nó cũng rình nghe, nó không để mình nói chuyện yên được với ai, cái tai nó lúc nào cũng vểnh lên. Lạy Chúa, lão thật khốn khổ khốn sở với nó, không sao kể xiết! Ương bướng, và lười, và ranh ma quỷ quái không để đâu cho hết, nhưng công việc lò rèn thì nó có khả năng, nghĩa là lão nói dứt khoát thế! Thằng quỷ sứ nhà giời ấy, nó mó đến việc gì là làm được việc ấy. Lại là đứa mồ côi cha mẹ nữa. Có thế lão mới cố cắn răng chịu đựng những cái tai ác của nó, lão muốn dạy nó nên người, để nó nối được nghiệp lão.

Bác Salưi bước vào trong gian lò rèn, vứt cái tạp dề lên trên mặt bàn đen nhẻm bồ hóng, bảo gọn Đavưđốp: "Đi!". - và ra đường về nhà.

Đavưđốp chỉ muốn sớm được ngồi một mình ngẫm nghĩ về những lời anh vừa nghe bác Salưi nói, nhưng câu chuyện liên quan đến vụ sát hại Khốprốp còn đang dở, đành theo gót bác thợ rèn đang bước đi khệnh khạng như một con gấu.

Lẳng lặng mà đi thì Đavưđốp thấy bất tiện, cho nên anh gợi chuyện hỏi:

- Gia đình nhà ta thế nào, hả bác Ipôlít Xiđôrôvits?

- Gia đình lão ấy hả? Có độc lão và bà lão điếc lòi tĩ.

- Thế không con cái gì à?

- Hồi còn trẻ cũng có hai đứa đấy, nhưng trời không cho sống. Còn đứa thứ ba đẻ ra đã chết rồi, và từ đó bà lão không chửa đẻ gì nữa. Hồi đó bà ấy trẻ, khoẻ mạnh, nhưng có cái gì mắc míu, trục trặc sao đó, và thế là tịt hẳn! Vợ chồng lão làm đủ cách, cố đủ vành, nhưng chẳng đi đến đâu. Bà nhà nó năm ấy đã cuốc bộ đi Kiép, lễ nhà thờ xin cầu tự một mụn con, nhưng cũng chẳng được cái gì. Trước khi bà ấy ra đi, lão bảo: "Đi thì cũng cố đùm vạt áo mang về cho tôi một thằng nhãi Khôkhôn nhá!" - Bác Salưi cười khúc khích, nói tiếp: - Bà ấy nhiếc lão là đồ phải gió, ra cầu nguyện mấy câu trước tượng thánh, rồi đi. Bà ấy đi từ mùa xuân đến mùa thu mới về, nhưng chẳng được cái tích sự gì cả. Từ đấy trở đi, lão bắt đầu nuôi đủ thứ trẻ mồ côi, truyền cho chúng nghề rèn. Lão rất chi là yêu trẻ, nhưng Chúa lại không muốn lão có con cho vui nhà vui cửa. Anh ạ, đời vẫn có những chuyện như thế đấy…

Ngôi nhà nom sạch sẽ, bên trong tối lờ mờ, yên tĩnh và mát rượi. Một thứ ánh sáng vàng vàng lọt vào nhà qua khe cửa chớp đóng kín che nắng. Sàn nhà mới cọ rửa ít lâu thoang thoảng mùi xạ và mùi cỏ ngái. Bác Salưi đích thân xuống hầm mang lên một bình sữa đổ mồ hôi lạnh, đặt lên bàn hai chiếc cốc vại, thở dài nói:

- Bà nhà lão đang công tác ngoài vườn rau. Cái bà thổ tả ấy cấm có sợ nắng… Vậy là anh hỏi lão có bằng chứng gì không hả? Lão nói dứt khoát với anh là sáng hôm vợ chồng Khốprốp bị giết, lão có đến thăm viếng, vì cái nhà chị Khốprốp ấy chẳng gì cũng là chỗ thân tình với lão. Nhưng nhà có công an gác ngoài cửa, dự thẩm viên đến, và cấm không cho ai vào. Lão đứng vẩn vơ bên thềm một lát.. Chợt lão nhìn thấy trên thềm nhà một vết chân quen quen… Trên thềm vết chân người dẫm nát, nhưng có một vết phía bên, gần lan can.

- Nó có cái gì mà bác thấy quen? - Đavưđốp hỏi vội, vẻ chăm chú.

- Có cái gót cá sắt. Vết chân còn mới, đêm qua thôi, in rõ, và cái cá sắt nom quen quen… Loại cá sắt ấy theo lão thì cả làng chẳng ai dùng đóng ủng, trừ một người. Và lão không thể lầm được, vì đôi cá ấy ở lò rèn lão ra.

Đavưđốp sốt ruột đặt cốc sữa uống dở sang bên:

- Tôi không hiểu. Xin bác nói rõ hơn.

- Anh ạ, có gì đâu mà không hiểu. Hai năm trước đây, từ cái hồi còn cá thể cơ, lúc sắp vào mùa xuân, Iakốp Lukits có đến lò rèn nhờ lão lắp vành cho chiếc xe ngựa. Lão bảo; "Đem lại đây, hiện tôi đang rỗi.". Hắn đem xe lại, ngồi lò rèn lão khoảng nửa tiếng, chuyện gẫu con cà con kê. Rồi hắn đứng dậy định về, và đứng bên lò hắn chú ý đến đống sắt vụn, cúi xuống lục bới. Cái đống sắt vụn của lão thì đủ thứ linh tinh, đủ các vật tầm tầm. Hắn tìm thấy một đôi cá ủng kiểu vòng kín gót gầy của Anh mà lão vứt lăn lóc đấy từ hồi nội chiến. Hắn nói: "Bác Ipôlít Xiđôrôvits ơi, cho tôi xin đôi cá này tôi đóng vào ủng, dạo này già rồi, cứ lê gót sền sệt, gót giày dép nào cũng chẳng được mấy nả, phải chữa luôn". Lão bảo hắn: "Cứ lấy đi thôi, bà con với nhau có đáng cái gì. Cá thép bền lắm đấy, đi đến đời con đời cháu không hỏng". Hắn đút túi ra về. Chuyện ấy tất nhiên là hắn quên rồi, nhưng lão thì lão nhớ. Lão đã trông thấy chính cái hình cá sắt ấy ở vết chân in trên tuyết…Lão thấy nghi quá. Lão nghĩ bụng: sao lại có cái vết cá ấy ở đây nhỉ?

- Rồi sao nữa? - Đavưđốp giục ông lão cứ kể lể con cà con kê.

- Rồi lão nghĩ bụng: "Ta đến chơi nhà Iakốp Lukits tí, xem vết giày hắn thế nào". Lão đến tìm hắn, giả vờ hỏi han sắt đánh lưỡi cày, rồi nhìn chân hắn. Nhưng hắn lại đi giày nỉ? Chẳng là đang rét đại hàn mà. Lão làm như tiện mồm hỏi chơi: "Bác Iakốp Lukits à, bác có trông thấy xác hai người bị giết không?". Hắn trả lời: "Không, tôi không dám nhìn người chết, nhất lại là bị giết. Tim tôi yếu mà. Nói thế chứ trước sau rồi ai cũng phải qua cái đận ấy thôi". Lão lân la trò chuyện rồi như vô tình hỏi tiếp: "Bác gặp Khốprốp lần cuối cùng đã lâu chưa?". Hắn nói: "Chả mấy lâu, mới tuần trước". Hắn nói tiếp: "Trong ta sao lại có những kẻ ác ôn thế! Sát mạng một con người lực lưỡng như vậy. Và vì lý do gì chả biết? Anh ta hiền như đất, xưa nay có gây thù chuốc oán với ai bao giờ đâu. Mẹ cha bọn khốn nạn, cho chúng nó chết khô chết héo, chết trương chết rũ ra".

Lão nghe mà lòng như lửa đốt! Trong khi hắn giở cái giọng lưỡi Giuđa ấy ra, đầu gói lão cứ rung lên, và bụng lão nghĩ: "Đồ chó, chính mày đêm qua đã lần mò đến nhà Khốprốp, và nếu không phải mày đã giết anh ta thì là mày đã dẫn thằng sát nhân đến đấy". Những lão vẫn làm ra vẻ như không, rồi cáo về. Nhưng cái ý định kiểm tra lại vết giày ấy đã chốt sâu vào đầu óc lão, như cái đinh cắm vào móng ngựa vậy. Đôi cá giày lão cho hắn, còn hay đã rơi mất? Lão đợi hai tuần thì hắn mới bỏ giày nỉ, đi ủng vào. Trời vừa bắt đầu ấm, tuyết bắt đầu tan là lão quẳng công việc lò rèn đó, mò ngay lên trụ sở. Iakốp Lukits có đó, và đi ủng! Một lát sau hắn bước ra ngoài. Lão theo hút. Hắn bỏ đường cái, rẽ vào lối ra kho. Lão nhìn lốt chân hắn: đôi cá sắt lão cho hắn hai năm trước vẫn còn, vết in rành rành đó!

- Ông lão ngớ ngẩn này, sao hồi ấy lại ngậm miệng, không nói không năng gì? Sao không báo cáo với nơi cần báo cáo? - Máu Đavưđốp bốc hết lên mặt. Anh bực tức đấm mạnh một cái xuống bàn.

Nhưng bác Salưi chằm chằm nhìn anh bằng con mắt không lấy gì làm dịu dàng cho lắm, hỏi vặn lại:

- Này anh ơi, anh tưởng trứng khôn hơn vịt hẳn? Chuyện ấy lão đã nghĩ đến trước anh cơ… Nhưng giả thử là ba tuần sau khi xảy ra vụ giết người, lão đi báo cáo với nhân viên điều tra, xin hỏi cái lốt chân kia đâu? Thế chẳng ra là lão ngu lắm sao?

- Lão phải nói ngay hôm xảy ra ấy c hứ! Lão là đồ hèn, chẳng qua là lão hốt thằng Ôxtơrốpnốp, thực tế thế!

- Của đáng tội, có thế, - bác Salưi xin chịu ngay. - Anh ơi, lủng củng với Ôxtơrốpnốp là chuyện nguy hiểm đấy… Mươi năm trước đây, khi hắn còn trẻ hơn, mùa cắt cỏ, hắn với Anchíp Gráts bực nhau, chửi lộn nhau, rồi hắn bị Anchíp nện cho một trận nên thân. Một tháng sau cái bếp ngoài trời nhà Anchíp cháy. Bếp làm ngay gần nhà và đêm ấy gió thổi tạt theo hướng nhà, và thế là nhà cháy nốt. Cả cái dẫy nhà xép bốc cháy rừng rực, rồi kho thóc cũng đi đời luôn. Anchíp trước kia nhà cửa bề thế, bây giờ chui rúc trong cái lều gianh vách đất. Đụng đến Iakốp Lukits thì thế đấy. Những chuyện xích mích thù oán từ đời thuở nào hắn cũng chẳng bỏ qua đâu, nói gì đến chuyện bây giờ. Nhưng anh ạ, vấn đề không phải ở chỗ ấy. Vấn đề là lão đã do dự, không quả quyết đến trình bày với công an: phần thì lão e dè, phần thì lão không tin dứt khoát là chỉ mình Iakốp Lukits có đôi cá giày ấy. Phải kiểm tra đã, bởi vì rằng thời nội chiến có đến nửa số người vùng ta đi giày săng đá Anh. Thêm nữa, qua một tiếng đồng hồ thì thềm nhà Khốprốp đã nát những vết giày, đến nỗi ngay cả vết lạc đà hay chân ngựa cũng khó mà phân biệt được. Đấy, đầu đuôi như thế đấy, nếu suy trước tính sau cho kín mọi bề thì đâu phải chuyện đơn giản. Cho nên hôm nay lão mời anh đến đây không phải để xem máy cắt cỏ đâu, mà để bàn bạc riêng với anh một lúc.

- Ông quyết định hơi muộn, ông lẩm cẩm lắm… - Đavưđốp nói bằng giọng trách móc.

- Chưa muộn đâu, nhưng nếu anh không sớm mở to mắt ra thì nhìn muộn mất đấy, lão nói dứt khoát cho anh biết thế.

Đavưđốp im lặng một lát, rồi đáp, cân nhắc từng tiếng:

- Về chuyện tôi, bác Ipôlít Xiđôrôvits ạ, về chuyện công tác của tôi bác có nhiều ý kiến đúng, tôi xin cám ơn bác. Công tác của tôi phải chấn chỉnh lại, thực tế thế! Nhưng công việc mới toanh thế thì ma quỷ cũng lần mò đâu được ra ngay!

- Cái ấy thì đúng, - bác Salưi tán thành.

- Còn về việc tính công cho bác, chúng tôi sẽ xem xét và sửa lại. Về Ôxtơrốpnốp bây giờ cứ từ từ vậy thôi, vì ta không bắt được quả tang hắn. Cần phải có thời gian. Nhưng về chuyện ta nói với nhau đây, bác chớ hé răng ra với ai. Bác rõ không?

- Lão sẽ im như thóc.

- Bác còn điều gì muốn nói nữa không? Nếu không thì tôi ra trường học đây, tôi có tí việc cần gặp ông hiệu trưởng.

- Còn điều này nữa. Anh hãy dứt khoát quẳng cha nó con Luska đi! Anh ạ, con ranh con ấy sẽ cho anh đi đứt ấy…

- Ồ, quỷ tha ma bắt ông đi! - Đavưđốp kêu lên ngán ngẩm. - Chuyện ấy ta bàn rồi, và thế là đủ. Tưởng trước khi chia tay bác nói chuyện gì đáng chuyện, chứ lại cái chuyện cũ rích ấy…

- Anh đừng vội khùng lên, chuyện người già cả nói cho anh, anh hãy vểnh tai lên mà nghe. Lão không nói chuyện vớ vẩn đâu, anh nên biết là thời gian gần đây con ấy không chỉ móc với riêng mình anh… Và nếu anh không muốn ăn một viên đạn vào giữa sọ thì cái con chó cái ấy, anh hãy đá nó đi, dứt khoát!

- Nhưng tôi có thể bị ăn đạn của ai cơ chứ?

Đôi môi cương nghị của Đavưđốp chỉ thoáng một nụ cười hoài nghi, nhưng bác Salưi đã để ý thấy và điên tiết lên:

- Anh nhăn nhở cái gì? Anh hãy cảm ơn Chúa đã để cho anh sống đến ngày hôm nay, anh thật có mắt cũng như mù! Lão cứ thắc mắc mãi: sao nó lại bắn anh Maka, mà không bắn anh?

- "Nó" là ai?

- Thằng ranh con Chimôphây Mũi toác chứ còn ai nữa! Nó thù oán với anh Maka cái gì lão chẳng hiểu. Lão mời anh đến báo cho anh biết chuyện này, anh lại nhăn nhăn nhở nhở chẳng khác gì thằng Vanhia nhà lão vậy.

Đavưđốp bất giác thò tay vào túi áo, tỳ ngực vào bàn.

- Thằng Chimôphây hả? Nó ở đâu mò ra?

- Ở chỗ đi đày trốn về, chứ còn ở đâu?

- Bác thấy nó à? - Đavưđốp hỏi nhỏ, gần như thì thào.

- Hôm nay có phải thứ tư không nhỉ?

- Thứ tư.

- Vậy thế là đêm hôm thứ bảy lão thấy nó đi với con Luska nhà anh. Tối hôm ấy con bò cái nhà lão không về chuồng, lão phải đi tìm cái con ôn vật ấy. Quãng nửa đêm, lão túm được cái con thối thây ấy dắt về thì bắt gặp hai đứa ở gần rìa làng.

- Nhưng bác có trông gà hoá cuốc không đấy?

- Anh tưởng lão trông anh hoá ra thằng Chimôphây sao? - bác Salưi mỉm cười chế giễu. - Không, anh ơi, lão già thì già nhưng mắt còn tinh chán. Chắc chúng nó tưởng con vật đi lang thang một mình trong đêm tối, mà thực ra thì có lão theo sau, tóm lại là thoạt đầu chúng nó chưa thấy lão. Con Luska nói: "Úi, đồ chết giẫm, con bò đấy, anh Chimôphây ạ, thế mà em cứ tưởng có người". Vừa lúc ấy thì lão lù lù đến. Con ấy đứng phắt dậy trước, thằng Chimôphây đứng dậy theo ngay. Lão nghe nó lên đạn, nhưng miệng nó vẫn lặng ngắt. Thế là lão rất chi là ôn tồn, bảo chúng nó: "Ngồi xuống đi, bà con cứ ngồi xuống đi! Lão không làm phiền gì bà con đâu, lão đi lùa con bò về thôi mà, nó bị lạc đàn…".

- Chà, bây giờ thì rõ cả rồi, - Đavưđốp nói, có lẽ là nói với mình thì đúng hơn là nói với bác Salưi.

Anh nặng nề cất mình đứng dậy, tay trái ôm lấy bác thợ rèn, tay phải nắm chặt khuỷu tay bác;

- Bác Ipôlít Xiđôrôvits, xin cám ơn về tất cả những điều bác nói hôm nay.

Tối hôm ấy anh kể lại cho Nagunốp và Radơmiốtnốp về câu chuyện giữa anh với bác Salưi. Anh đề nghị lập tức báo cáo lên GPU huyện việc thằng Chimôphây Mũi toác đã trốn về làng. Nagunốp, lúc nghe tin cứ tỉnh bơ như không, phản đối đề nghị của Đavưđốp:

- Không nên báo cáo đi đâu cả. Họ sẽ làm hỏng toét hết. Thằng Chimôphây không ngu đâu, nó không dại gì ở trong làng, và chỉ cần một cha GPU ló mặt về đây thôi, nó lập tức biết ngay và chuồn thằng.

- GPU về bí mật, ban đêm, thì nó biết làm sao được? - Radơmiốtnốp vặn lại.

Nagunốp khinh khỉnh nhìn anh một cái nhìn thương hại:

- Anđrây ạ, cậu nói cứ như trẻ con. Con chó sói bao giờ cũng phát hiện ra người đi săn trước, rồi người đi săn mới phát hiện ra nó.

- Vậy ý kiến cậu thế nào? - Đavưđốp hỏi.

- Cho mình cái hạn năm sáu hôm, mình sẽ mang về cho các cậu thằng Chimôphây hoặc sống hoặc chết. Còn cậu với Anđrây thì dẫu sao ban đêm cũng liệu dờ hồn: khuya đừng có mò ra đường, và đừng thắp đèn. Tôi chỉ yêu cầu các cậu có thế, còn mọi việc cứ để mặc tôi.

Nagunốp dứt khoát từ chối không chịu nói gì thêm về kế hoạch hành động của mình.

- Được, để cậu làm, - Đavưđốp đồng ý. - Nhưng cậu coi chừng: để hụt thằng Chimôphây, nó sổng mất thì có đến mạt kiếp ta cũng không tìm ra nó.

- Cứ yên tâm, nó chạy đằng trời, - Nagunốp khẽ nhếch mép cười, nói quả quyết như thế, và đôi mi thâm quầng của anh khép xuống, dập tắt những tia lửa vừa loé lên một khoảnh khắc trong đôi mắt anh.

Quảng cáo
Trước /69 Sau
Theo Dõi Bình Luận
[Thập Niên 70] Tiểu Tức Phụ Yêu Kiều

Copyright © 2022 - MTruyện.net