Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Bàn tiệc ở tửu lâu do Bùi quản gia mời, ngoài cậu hai và thất thúc thì chỉ có Trần chưởng quầy là khách. Còn lại hai người là đội trưởng cận vệ a Sáng và một quản sự khác.
Nguyễn Cần vừa nâng ly rượu đáp lễ Bùi quản gia vừa nghĩ “lần này a Mai, a Vĩnh thật sự giúp Bùi gia việc lớn nên họ mới khách khí, có lễ như vậy. Nghe nói Bùi gia là gia tộc lớn có quan hệ rộng. Bùi gia ở Trấn Giang này là dòng thứ mà đã có quyền lực, tài lực lớn vậy. Nhìn số lính canh, người hầu tề chỉnh vậy quả thật hiếm thấy. Bùi gia rất coi trọng vị sản phụ và đứa bé vừa sanh ra nên mới khách khí với mình. Xem ra nhà chồng sản phụ cũng là không phải thường dân.”
Bùi Thân là họ hàng xa của Bùi lão gia. Ông bắt đầu vào Bùi phủ ở Chánh Dinh từ năm mười bốn tuổi, đến nay đã gần ba mươi năm rồi. Hai mươi năm trước dòng thứ Bùi gia là Bùi lão gia bây giờ chuyển vào Nam, định cư ở Trấn Biên xa xôi, hoang sơ. Bùi Thân lúc đó còn trẻ, cùng lão gia, phu nhân chịu nhiều gian khổ, gầy dựng Bùi phủ. Ông từ một thanh niên cường tráng làm hộ vệ, học cách quản sự rồi trở thành tổng quản lo chuyện trong ngoài của phủ, là cánh tay đắc lực nhất của Bùi gia.
Mấy năm nay Bùi gia mở rộng thế lực xuống vùng Trấn Giang này. Ông vẫn còn khoẻ nên luôn theo bên người Bùi tam thiếu gia Bùi Nghĩa bôn ba xuôi ngược. Ông vừa là bảo vệ vừa dẫn dắt thế hệ sau của Bùi gia.
Lần này Bùi nhị tiểu thơ, giờ là Mạc phu nhân về thăm nhà ngoại trước kỳ lâm bồn lại xảy ra tai nạn. Nếu thật sự có chuyện không hay với Mạc phu nhân và đứa bé sơ sanh thì Bùi gia khó ăn nói với Mạc gia. Đó là chưa kể đến các quan hệ quyền thế gia tộc bên trong.
Bây giờ Mạc phu nhân đã qua cơn nguy hiểm nhưng vị tiểu thơ mới sanh vẫn còn nguy hiểm. Nghe ý tứ Bùi phu nhân và tam thiếu gia thì hai đứa bé a Vĩnh và Mai là mấu chốt. Hai người đã dặn dò ông phải đối đãi tốt với người nhà của chúng.
Sau mấy lượt nâng ly cạn chén, trò chuyện ông biết thêm về gia cảnh Lê gia, Nguyễn gia. Đa số người nông dân ở đây đều quanh năm tay lấm chân bùn, quanh quẩn ruộng vườn. Người trầm tĩnh, có hiểu biết như Nguyễn Cần trước mặt là hiếm thấy. Thấy người sang không luống cuống, không bợ đỡ, giữ được ánh mắt thẳng thắn như Nguyễn Cần làm ông không khỏi khách khí thêm hai phần.
Trong lòng nhớ đến hai đứa nhỏ được xem là tiểu lang y đang chăm sóc Mạc tiểu thơ cũng càng thấy lạ. Nghe Trần lang y và chưởng quầy nói cách chăm sóc trẻ sơ sanh thiếu tháng là do hai đứa nhỏ đề ra, đúng là lạ lùng nhưng lại hiệu quả. Trước mắt là ổn định tâm mạch đứa trẻ, nếu qua được mấy tháng đầu thì tốt biết mấy.
Còn chuyện kể trưa nay đứa bé gái thản nhiên lên tiếng ‘đuổi’ vị Mạc quản sự kia ra ngoài theo kiểu ‘không phận sự, miễn vào’ làm ông vừa ngạc nhiên vừa khoái trá. Bà già Mạc đó cầu kỳ kiểu cách, còn có ý trách cứ Bùi gia thất trách để xảy ra tai nạn làm ông rất khó chịu. Bùi gia lo lắng cho nhị tiểu thơ gấp mấy lần ở Mạc gia chứ.
– Nhà Nguyễn đệ có cửa tiệm bán ghe xuồng à?
Tiếng chưởng quầy cắt đứt suy nghĩ miên man của Bùi quản gia. Nguyễn Cần gật đầu nói:
– Phải, cũng mới mở tháng trước.
– Bán ghe gì?
Tiếp đó Nguyễn Cần nói các loại ghe nhà mình bán, a Tấn bên cạnh nghe, gật đầu phụ hoạ. Trong bàn tiệc này hắn nhỏ nhất, về vai vế thì ngang hàng với Nguyễn Cần nhưng tuổi tác và kinh nghiệm thì thua xa. “Phải nghe nhiều học nhiều mới được” hắn tự nhủ. Mới hai ngày nay chuyện hắn nghe, thấy đã vượt qua rất nhiều những hiểu biết và tưởng tượng của hắn.
Từ nhỏ đến năm trước, hắn chỉ biết mình sẽ theo cha huynh đi biển đánh cá, quanh quẩn ở làng chài. Sau đó tứ ca muốn hắn giúp cưa gỗ đóng ghe. Thấy mình giúp được tứ ca, lại kiếm không ít tiền cho cha nương, hắn rất vui mừng, càng không ngừng cố gắng.
Hai ngày nay nhìn thấy người Bùi gia, nghe những chuyện họ đã từng trải qua, những nơi họ từng đi đến. Đặc biệt phong thái uy nghi của vị Bùi đại nhân – tam thiếu gia đó càng khiến hắn nể trọng.
Thì ra thế giới bên ngoài thật rộng lớn, có nhiều con người thú vị như vậy. Hắn ước gì mình có sáu lỗ tai tám con mắt để nhìn nghe hết mọi chuyện. Nếu mình cũng được đi ra bên ngoài như họ, có thể không? Trong lòng hắn có một thôi thúc không tên, trong trí như có ánh sáng dẫn lối, sẽ có cơ hội! Sẽ tìm cơ hội!
Hắn nghĩ mình sẽ theo tứ ca, cả đời đóng ghe xuồng, rồi làm ruộng. Trước là phụng dưỡng cha nương khi tuổi già. Sau là cưới vợ sanh con nối dõi, chăm lo gia đình. Nhưng mà nếu hắn có thể dọc ngang khắp nơi như họ thì sao? Có thể tận mắt thấy cảnh ngựa xe tấp nập, ghe ba tầng nhà năm gian. Hoặc hắn lênh đênh trên biển rộng bao la, không phải vào buổi đêm đánh cá mà chỉ vì muốn nhìn mặt biển mênh mông. Càng nghĩ hắn càng chìm đắm trong tưởng tượng huy hoàng được dựng lên từ những chuyện vừa nghe được mấy hôm nay. Bữa cơm kết thúc mà hắn như còn muốn nghe thêm, biết thêm.
Ngày hôm sau, giữa giờ dậu Mai và a Vĩnh đi đến phòng ngoài sảnh chính thì thấy một thị nữ mười mấy tuổi đứng chờ.
– Phu nhân mời hai huynh muội vào gặp mặt một lát.
– Được. Phòng sản phụ cũng có hai gian, vị Mạc phu nhân nửa nằm nửa ngồi trên giường ở gian trong. Mạc phu nhân cũng cỡ ba mươi,gương mặt tròn, nước da trắng vẫn còn xanh xao nhưng ánh mắt sáng có thần. Xem ra sức khoẻ của bà đã hồi phục rồi.
Mạc quản sự đứng bên giường, còn có Bùi phu nhân ngồi trên cái ghế ở bàn tròn giữa phòng. Hai đứa nhỏ chắp tay chào hỏi xong thì nghe Bùi phu nhân ân cần hỏi:
– Ăn cơm chưa? Thức ăn vừa miệng không?
– Dạ đã ăn rồi. Thức ăn rất ngon.
Mai hơi cười từ tốn trả lời. Bà nói tiếp:
– Lúc nãy Trần lang y nói tiểu thơ đã biết bú sữa, chắc là đói nên cứ ư ư đòi bú.
Nghe bà nói không khí trong phòng thoáng vui vẻ, nhẹ nhàng. Mai cũng thở dài nhẹ nhõm. Vị Mạc phu nhân nhìn Mai như thế ánh mắt thêm hiền hoà nói:
– Còn nhờ huynh muội hai ngươi để ý thêm, mấy ngày ở lại đây cần gì cứ nói, đừng ngại.
– Dạ biết, đa tạ phu nhân.
‘A cũng ít lời quá’ Mạc phu nhân nghĩ, ‘dù sao cũng chỉ là trẻ con, không biết tận dụng cơ hội yêu cầu gì thêm sao! Nên gặp người lớn trong nhà mới được’. Nghĩ vậy nên bà không nói tiếp chuyện với hai đứa nhỏ mà hỏi Bùi phu nhân sắp xếp người chăm sóc đứa bé thế nào. Mai và a Vĩnh chỉ đứng nghe một lát rồi đi ra ngoài thay quần áo vào phòng trong của em bé.
Lúc đến phòng thì bà vú đang cho đứa bé bú sữa. Phòng ngoài có hai đứa trẻ cỡ tuổi Mai, mặt mũi sáng láng, da trắng, dáng người tròn tròn. Mạc gia tam tiểu thơ hôm qua đã gặp. Bé trai có nét giống vị Bùi đại nhân ở sóng mũi thẳng, mày đen rậm, chắc là con trai Bùi đại nhân, Mai đoán vậy. Đứa bé trai liếc nhanh quan sát a Vĩnh và Mai xong cũng không nói gì.
Bốn đứa trẻ trong tuổi hiếu động mà lại ngồi im lặng trong phòng này nhìn cũng thật buồn cười! Mai thì ‘già’ rồi không tính, ba đứa nhỏ còn lại thật sự hết ý kiến!
Lúc bà vú và thị nữ đi ra có mang theo chậu than còn đỏ lửa. Hai người cúi đầu chào hai vị công tử, tiểu thơ rồi lui ra. Mai đứng dậy nói:
– Hai chúng ta vào trong đây.
Đứa bé gái gật đầu miệng mấp máy như muốn nói gì đó, sau lại vẫn không lên tiếng.
Đêm nay trăng rất sáng, bầu trời không gợn chút mây. Mai nằm ôm đứa bé trong ngực, cảm giác hơi thở rất nhẹ của nó. ‘Cố gắng lên nào bé con, bên ngoài có nhiều cảnh đẹp, có muốn nhìn xem không?’ Mai nhủ thầm như trò chuyện với đứa bé, như tự nói với mình.
Ban ngày đã nghỉ ngơi đủ nên giờ cô chưa thấy buồn ngủ. Đầu óc cô nghĩ ngợi mông lung, thoắt nhớ nhà, thoắt nhớ bạn bè, thoắt nhớ đến anh ấy. Lúc nghe tin Mai bệnh mất, anh ấy có buồn không? Chắc có, nhưng giống như mất đi một người bạn thôi!
Ừ, anh ấy chỉ xem mình là bạn, hay em gái học cùng trường! Hai dòng nước mắt lại tự nhiên lăn dài trên má. Đã biết sự thật này mấy năm rồi, vậy mà mình vẫn còn lưu luyến. Thật ra anh ấy chưa hề nói gì. Nhưng lúc anh ấy lên đường du học đã không cho mình biết giờ bay, chuyến bay. Anh không muốn mình đi tiễn, như vậy là quá rõ rồi. Anh cũng không thường gửi email, mỗi lần chat đều trả lời rất ngắn.
A, mình còn mấy tin chat vào máy tính. Không biết có ai nhìn thấy rồi đoán ra không nữa. Mong là không, mong rằng nó mãi là bí mật của riêng mình.