Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Chuyện Mai đến trường pha trà nước, bà nội và nương nhíu mày không hài lòng. Nhưng mà Mai nói cô muốn đi, còn học lén mấy chữ. Thấy cô rất thích thì cả nhà cũng lơ đi, coi như đồng ý.
Xung quanh đây là nông dân, đánh cá, tay làm hàm nhai. Họ không quen chuyện có người hầu hạ hoăc đi hầu hạ người khác. Cho nên bà nội và nương không thích Mai đi dâng trà, pha nước, dù đó là thầy đồ cũng vậy. Mai còn nhỏ như vậy, làm sao để cô làm.
Những nhà phú hộ có gia đinh, tỳ nữ thì đa số là mồ côi, được nhận nuôi từ nhỏ. Lúc họ lớn lên cũng được nhà chủ dựng vợ gả chồng, rồi giúp việc trông coi, quản lý trong ngoài. Người nào muốn ra làm riêng đều được cho một ít ruộng đất, ráng chịu cực khổ vài năm lập nghiệp. Vùng này đất rộng người thưa, ai siêng năng giỏi giắn thì từ từ sẽ sống được.
A An thì cứ nhíu mày, học buổi sáng thì hắn đâu bán ở tiệm được, ngũ cô, lục cô đã bận rộn lắm rồi. Làng Đông Hồ ngày càng đông, mỗi ngày hắn cũng kiếm được mười mấy văn, nỡ bỏ sao?
Không nghĩ tới chuyện đi học lại gặp nhiều “trắc trở” như vậy. Ở đây người ta vẫn chưa coi trọng chuyện học chữ, thi cử. Cũng phải thôi, có ăn có mặc rồi mới tính tới chuyện học hành, danh lợi chứ.
Ngày mười chín tháng chín đúng là ngày tốt, trời trong xanh không một gợn mây. Mặt vũng Đông Hồ mênh mông, chỉ lăn tăn vài gợn sóng nhỏ. Cha chống ghe đưa bốn đứa nhỏ vào trong làng. A Vĩnh là đến xem, rồi đi về nhà Đỗ lang y.
Giữa sân làng xôn xao, đã có mấy chiếc ghe đến trước. Có hai nhà ở làng Tô Châu đưa con trai qua học, còn có một nhà ở làng phú hộ Từ cũng đưa con đến. Vậy nhà họ phải dậy sớm từ canh năm. Các vị lão làng đều đã đến. Phía trước lớp học, có bày hương án. Giống như cúng tổ nghề, “nghề văn” có Đức Không tử, Mạnh tử và Lão tử.
Trần tú tài nhìn canh giờ xem chừng đã đến. Ông khoát tay để mọi người im lặng. Bản thân ông vuốt tay áo, vạt áo tề chỉnh rồi gật đầu để Đồng Sanh đốt nhang. Ông nhận ba cây nhang lớn, hướng về phía hương án lâm râm khấn vái, rồi lạy sáu lạy. Sau đó ông thế chỗ Đồng Sanh, đốt nhang trao cho Nguyễn lão ông bước lên khấn vái. Thì ra người nào đã từng chính thức đi học mới được khấn lạy tổ.
Đồng Sanh đi xuống phía dưới dắt mấy đứa học trò bước lên khoảng sân trước hương án. A Phúc hơi run run đi lên, chưa gì đã bị dọa. Mai đương nhiên là không được phép rồi. Một đám con trai cỡ mười đứa lớn nhỏ không đồng, khoanh tay nghiêm trang nghe Trần tú tài dặn dò. Ông nói rất văn hoa, có vài từ rất lạ, Mai chỉ loáng thoáng nghe ra đại khái là theo tam cang ngũ thường, tôn sư trọng đạo.
Đợi làm xong lễ thì học trò tiến vào lớp. Mai đã lén đi trước ngồi ở góc phía cuối. Nhóm người lớn chào hỏi xong thì ai cũng về lo việc nhà. Hôm nay buổi đầu tiên, Trần tú tài nói:
– Các trò đã đi học thì tuân theo qui định của học tràng. Đồng Sanh là huynh trưởng, cũng là trưởng tràng năm nay. Các năm sau sẽ tranh tài, người nào giỏi nhất sẽ làm trưởng tràng trong năm đó. Bây giờ các trò nghe trưởng tràng căn dặn.
Tiếp theo, Đồng Sanh đứng dậy đọc ra các qui định, đại khái có:
– Giờ học là đầu giờ thìn đến giờ mẹo, không được đi trễ. Ai đến trễ sẽ không được vào lớp, quỳ ở bên ngoài chái để học. Ai trễ nhiều lần sẽ bị phạt, quá hơn thì bị đuổi học.
– Mỗi ngày có hai trò đến sớm hai khắc để dọn dẹp lớp học và bàn ghế. Lúc về cũng ở lại một khắc quét sân, vệ sinh.
– Học chín ngày thì ngày thứ mười được nghỉ, những tháng nguyệt khuyết sẽ nghỉ sớm một ngày
– Những lúc đến mùa làm ruộng thì thầy sẽ thông báo cho nghỉ.
Còn một số cái khác như trong tràng thì kính thầy, hòa hảo đồng học, không gây sự đánh nhau cả trong và ngoài lớp. Ra ngoài thì mực thước, kính trên nhường dưới.
Trưởng tràng Đồng Sanh này đúng là rất nhập tâm. Nhiều qui định như vậy mà không nhầm không lắp chữ nào.
Lúc nãy vào lớp a Phúc định xuống ngồi bàn kế chót gần Mai, nhưng cô trừng mắt làm hắn chạy lên ngồi bàn thứ hai. Hắn là lùn nhất lớp rồi, còn ngồi phía dưới sao được. An ca đương nhiên là ngồi chỗ đó. Năm nay hắn mười bốn, hắn tự nghĩ mình học mọt năm thôi, biết vài chữ để sau này buôn bán là được. Cho nên hắn ngồi học mà cứ nghĩ chuyện ở quán, ngũ cô có bán được gì không đây?
Lúc đến đăng ký xin học, Trần tú tài đã dặn các nhà làm bảng gỗ bốn tấc, sáu tấc cho tụi nhỏ mang theo, còn mua thêm cây bút lông làm từ lông bò, thỏi mực khô.
Mai không thấy Tùng huynh đến học, chẳng lẽ huynh ấy hơn mười lăm tuổi rồi? Có người em kế cỡ tuổi Vĩnh ca đến, nhìn bộ “đồ nghề” mang theo rất bài bản, đúng là nhà có chữ nên khác. Lần trước Mai đã mua còn chưa dám xài, bây giờ buột lòng phải đem ra dùng. Ba anh em cô xài chung nghiên mực, thỏi mực, tính ra cũng không phí lắm. Hay là mình lấy lá thốt nốt thay giấy đi, năm đầu chắc chỉ học từng chữ theo kiểu chữ lớn thôi.
Đầu tháng mười năm nay, chuyện được các vùng xung quanh nói đến đương nhiên là việc làng Đông Hồ có trường dạy chữ đầu tiên. Các làng xung quanh nghe tin đều muốn đến xem. Mấy nhà khá giả hoặc muốn cho con học hành đỗ đạt đều chống ghe đến. Dương ông vừa vui vẻ vừa hãnh diện đón tiếp.
Có điều rất hay là Trần tú tài rất nghiêm túc. Trong giờ lên lớp ông không tiếp khách, cũng nhờ Dương ông tiếp ở nhà mình. Khi hết giờ dạy ông mới đến chào hỏi. Chuyện này càng làm “tiếng lành” đồn xa.
Qua mười ngày thì lớp có thêm hai trò nữa, nâng lên mười hai trò và trưởng tràng Đông Sanh là mười ba, thêm Mai nữa là mười bốn.
Từ hôm đi học, buổi sáng Mai đến sớm một chút. Cô pha bình trà cho Thầy, để mâm gỗ trên bàn nhỏ cạnh chỗ thầy ngồi là xong. Học một canh giờ thì Thầy cho nghỉ nửa khắc.
Đúng như Mai nghĩ, mấy đứa nhỏ đang tập viết chữ lớn, đơn giản như gia, điền. Thầy còn dạy phần học “luân lý” là học theo quyển Tam tự kinh. Tam tự kinh là một quyển sách nhỏ, có các bài đọc mỗi câu ba chữ, có vần như thơ. Thường hai câu ghép lại có ý nghĩa, Thầy sẽ giải thích. Như hai câu đầu:
Nhân chi sơ,
Tánh bổn thiện.
Thầy giải nghĩa mất gần một khắc mới xong. Mấy đứa nhỏ không biết có hiểu hay không mà hễ Thầy gõ thước lên bàn là tụi nó gật đầu.
An ca thì cứ thắc mắc sao không thấy Thầy dạy làm toán. Mai phì cười trêu:
– Làm như ai đi học cũng để làm tiểu nhị như ca sao? Người ta đi học làm trạng nguyên, bảng nhãn đó, biết tính tiền làm gì?
An ca bĩu môi, lại cúi đầu xuống ghi ghi trên sổ nhỏ. Từ ngày cha thuê thêm thợ đến làm, An ca đều “điểm danh” thợ. Cứ mười ngày cha sẽ trả tiền công một lần. Mọi người đều vui vẻ, còn khen An ca tính toán giỏi, y như họ tính, không thừa không thiếu.
Từ hôm đi học đến nay, Mai cũng phấn khích làm quen với cách học mới. Cô càng bận rộn hơn, nên chuyện làm hồng lạp đành gác lại. Thật ra cô thử làm một lần nhưng khi trộn chất nước đỏ vào sáp ong đang nấu thì nó ra màu đỏ nhưng lúc đốt không cháy được.
Dì dượng năm ghé lấy bạch lạp hồi đầu tháng rồi cũng đi nhanh. Ngày mùa là lúc nhà nông mua đồ dùng, thức ăn nhiều nhất. Hơn nữa gần Tết rồi, Dì dượng đều đang chuẩn bị cho dịp mua bán sắp tới.
Trường học khai giảng được gần mười ngày thì Vãi Pran về Nam Vang. Mai xin nương cái bình đất nhỏ đựng tương hột, dặn theo:
– Tương hột này cháu làm nhanh, nên không để được lâu. Ở nhà cháu có làm nước chấm thay muối, cũng từ đận nành nhưng mà đến gần Tết mới ăn được.
– Cuối tháng mười một này ta có việc đi lên đó, kịp không?
Đến lúc đó thì bình nước tương mới được hơn ba tháng, không biết có ăn được chưa. Mai nhăn mày tính toán thì nghe Vãi Pran nói:
– Đường đi xa xôi, nếu sư huynh thấy được, học cách làm. (e hèm) Đệ thấy tương hột này rất thơm, chắc các huynh đệ sẽ thích.
Ha, vậy là Vãi Pran rất thích món tương hột rồi! Người ăn chay không thể ăn nước mắm làm từ cá, họ thay bằng nước muối. Bây giờ có món tương hột vừa đủ mặn, vừa bùi lại thơm. Tương hột ăn với rau luộc, cơm nóng thì ngon khỏi chê rồi.