Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Hậu Thủy Hử
  3. Chương 81 : Yến Thanh đêm trăng gặp vua Tống, Đái Tôn lập kế cứu Nhạc Hoà
Trước /49 Sau

[Dịch] Hậu Thủy Hử

Chương 81 : Yến Thanh đêm trăng gặp vua Tống, Đái Tôn lập kế cứu Nhạc Hoà

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Đang nói chuyện các hảo hán Lương Sơn Bạc ba lần thuỷ chiến đánh bại quan quân triều đình, bắt sống bọn Cao Cầu giải lên sơn trại. Tống Công Minh không nỡ giết, tha hết cho về. Cao thái uý dẫn đoàn đông người ngựa về kinh đưa cả Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà cùng về chờ chiếu chiêu an, chỉ để tham mưu Vân Hoán Chương ở lại Lương Sơn Bạc. Khi còn ở Lương Sơn Bạc, Cao Cầu hứa : “Về tới triều đình tôi sẽ hết sức tâu bầy để thiên tử hoả tốc sai người đến chiêu an.” Vì thế, ở đoạn trên có nói Nhạc Hoà được cử đi cùng với Tiêu Nhượng, việc không cần phải nói.

Kế tiếp, các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc bàn tính với nhau, Tống Giang nói :

-Cao Cầu được tha về lần này, chưa biết có thật bụng hay không.

Ngô Dụng cười nói :

- Ngô Dụng tôi xem tướng mạo thấy hắn ta mắt híp lưng khom, đúng là hạng người trở mặt vô ơn. Hắn làm mất quá nhiều người ngựa, vung phí không biết bao nhiêu, tiền gạo của triều đình, khi về kinh chắc hẳn là cáo bệnh nằm lì, chỉ tâu trình qua loa với thiên tử xin tạm cho quân sĩ nghỉ ngơi. Còn Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà chắc sẽ bị giam lõng một nơi trong phủ. Đợi chiêu an như thế thì chỉ phí công thôi !

Tống Giang nói :

- Như vậy biết tính sao đây ? Việc chiêu an chưa xong mà lại bị mắc ở đấy hai người.

Ngô Dụng đáp :

- Huynh trưởng lại chọn thêm hai người thông minh mưu trí cho mang theo nhiều vàng bạc về kinh nghe ngóng, rồi bắt mối để tâu lên cho hoàng thượng biết rõ nội tình, khiến cho Cao thái uý không thể giấu chuyện. Kế ấy là hay nhất.

Yến Thanh đứng dậy nói :

- Lần đại náo Đông kinh năm ngoái, chính tiểu đệ đã lọt được vào nhà Lý Sư Sư. Có điều là sau lần ấy, thế nào cô nàng cũng dò biết được ít nhiều. Nhưng cô nàng được thiên tử yêu chìu còn ai dám nghi ngờ gì nữa. Cô nàng ắt phải tâu : “Bọn Lương Sơn Bạc dò biết bệ hạ hay lui tới nhà thiếp nên tìm đến đe doạ”. Dù sao đến nay chuyện cũng đã êm. Nay tiểu đệ đưa nhiều vàng bạc châu báu lên đến nhà ấy lần nữa, chắc sẽ nghe ngóng được nhanh nhất. Tiểu đệ sẽ tự xoay xở, tuỳ cơ ứng biến.

Tống Giang nói :

- Hiền đệ đi chuyến này, công việc hệ trọng lắm đấy!

Đái Tôn nói :

- Tiểu đệ xin đi cùng để giúp sức.

Thần cơ quân sư Chu Vũ nói :

- Trước đây chúng ta đến đánh Hoa Châu. Túc thái uý từng được chịu ơn của huynh trưởng. Ông ta kể cũng là người tốt bụng, nếu nhận lời tâu giúp lên thiên tử thì việc chiêu an thế nào cũng thuận lợi.

Tống Giang chợt nhớ đến lời thơ sấm của Cửu Thiên Huyền Nữ có câu : “Ngộ Túc trùng trùng hỉ” (gặp Túc mừng lắm thay), hẳn là phải ứng vào người này, bèn sai người mời tham mưu Văn Hoán Chương lên nhà giữa cùng ngồi. Tống Giang nói :

- Chẳng hay tướng công có quen biết quan thái uý Túc Nguyên Cảnh không ?

Văn Hoán Chương đáp :

- Ông ta là bạn học của hạ quan, nay được theo hầu hoàng đế nửa bước không rời. Thái uý rất nhân từ rộng lượng, đối nhân xử thế bao giờ cũng nhã nhặn ôn hoà.

Tống Giang nói :

- Thật không giấu tướng công, chúng tôi ngờ Cao thái uý về kinh không dám đem việc chiêu an tâu lên thiên tử. Ngày trước Túc thái uý đi lễ ở Hoa Châu đã từng gặp Tống Giang tôi. Nay tôi muốn sai người đến tìm để nhờ Túc thái uý tâu bày lên thiên tử, sớm thu xếp công việc cho chóng xong.

Văn tham mưu đáp :

- Tướng quân đã có ý định như thế, hạ quan xin viết ngay mấy chữ để sai người đưa đi.

Tống Giang cả mừng, bèn sai lấy giấy bút đem đến. Một mặt đốt hương thơm, cầm quyển thơ sấm của Cửu Thiên Huyền Nữ ngửa mặt nhìn trời cầu khấn rồi bói quẻ “Thượng thượng đại cát” (rất tốt). Đoạn sai dọn rượu tiễn đưa Đái Tôn và Yến Thanh lên đường. Các thứ vàng bạc châu báu xếp gọn vào trong hai giỏ tre lớn còn bức thư của Văn tham mưu thì giấu kín trong người. Hai người lại đem theo một bức công văn có đóng dấu phủ Khai Phong, ăn mặc như hai người công sai, cáo từ các đầu lĩnh để xuống núi. Yến Thanh và Đái Tôn đến bãi Kim Sa xuống thuyền sang sông, rồi thẳng hướng Đông Kinh mà đi.

Đái Tôn tay chống ô, lưng khoác tay nải. Yến Thanh xỏ cây thuỷ hoả côn gánh đôi giỏ tre, vạt áo đen vén ngược, bao tượng buộc ngang lưng, quấn xà cạp lên tận gối. Dọc đường đói ăn, khát uống, đêm nghỉ ngày đi. Một ngày kia về đến Đông Kinh, tuy thẳng đường nhưng hai người không vào thành ngay mà vòng sang phía cửa Vạn Thọ. Hai người đến trước cửa thành, bị quân canh chận lại. Yến Thanh đặt gánh xuống đất, bắt chước giọng Đông Kinh hỏi:

- Có việc gì mà các vị chận giữ chúng tôi ?

Người lính canh đáp :

- Phủ điện suý đã có nghiêm lệnh, sợ các ông mãnh Lương Sơn Bạc trà trộn vào thành nên phải đón chận các cửa. Người lạ ra vào đều phải xét hỏi.

Yến Thanh cười nói :

- Tôn huynh làm việc công sao lại xét hỏi anh em người nhà ? Anh em chúng tôi hầu hạ trong phủ Khai Phong từ thuở bé, cửa thành này vào ra không biết mấy vạn lần, nay còn phải xét hỏi lôi thôi. Vậy mà quân Lương Sơn Bạc lù lù đi qua trước mắt không chừng lại cho đi thoát.

Nói đoạn Yến Thanh lấy tờ văn thư giả chìa tận mặt tên lính canh mà nói :

- Đây tôn huynh xem đi, có đúng là công văn của phủ Khai Phong không ?

Viên quản môn nghe vậy liền quát to :

- Đã có công văn của phủ Khai Phong thì không phải xét hỏi nữa! Để cho người ta đi.

Yến Thanh giật lấy tờ văn thư đút vào túi ngực rồi quảy gánh đi ngay. Đái Tôn cũng cười khẩy rồi đi theo. Hai người rảo bước đi về phía phủ Khai Phong, tìm vào một quán trọ nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau, Yến Thanh mặc áo lính, quấn khăn lưng, chít khăn hơi chếch ra sau đầu trông chẳng khác gì một viên thư lại, rồi mở giỏ lấy mấy thứ vàng ngọc cho vào một bao túi, căn dặn Đái Tôn :

- Hôm nay tiểu để đến nhà Lý Sư Sư dàn xếp cho xong công việc, nếu xẩy ra chuyện gì trắc trở thì đại ca phải trở về sơn trại ngay.

Xong xuôi, Yến Thanh đi thẳng đến nhà Lý Sư Sư. Đứng ngoài cổng trông vào vẫn thấy dãy tường hoa mái cong làn sóng, cửa lớn sơn đỏ, cửa sổ sơn xanh, nhưng nhà cửa được tu sửa có phần đẹp đẽ hơn trước. Yến Thanh vén mành trúc, tạt qua bên cạnh nhà ngoài đi thẳng vào trong, từ xa đã ngửi thấy mùi hương thơm nức. Vào phòng khách thấy bốn bên tường đều treo tranh của các danh hoạ. Trên bậc thềm bày đến ba chục chậu cảnh, đủ các kiểu đá lạ tùng xanh. Mấy chiếc sập toàn bằng loại gỗ thơm phức, có chạm trổ hoa lá. Giường con, ghế dựa đều trải đệm gấm thêu hoa. Yến Thanh khe khẻ đằng hắng, thấy một a hoàn đi ra, bèn nhờ vào báo tin cho Lý mẫu. Mụ Lý đi ra, chợt thấy Yến Thanh, giật mình lên tiếng hỏi :

- Người có việc gì còn tìm đến đây ?

Yến Thanh đáp :

- Tiểu nhân có việc muốn thưa chuyện với tiểu thư.

Mụ Lý nói :

- Lần trước ngươi đến đây làm liên luỵ khiến cho ta hư hại cả nhà cửa. Có việc gì ngươi cứ nói ngay.

Yến Thanh đáp :

- Việc này tiểu nhân được gặp tiểu thư rồi mới thưa.

Lý Sư Sư đứng sau cửa sổ lắng nghe từ lâu, lúc ấy mới bước ra. Yến Thanh chợt trông , vẫn thấy một trang phong vận như xưa : nét mặt hải đường long lanh sương sớm, thân hình dương liễu dập dờn gió đông, tươi như Thượng uyển tiên nương, đẹp hơn Hằng Nga cung quế. Lý Sư Sư xiêm áo thướt tha, lững thững dời gót sen bước ra phòng khách. Yến Thanh đứng dậy, đặt chiếc túi vải lên bàn, sụp lạy mụ Lý bốn lạy, đoạn Lý Sư Sư hai lạy. Lý Sư Sư khiêm nhường nói :

- Xin miễn lễ! Tôi còn ít tuổi không dám nhận lạy.

Yến Thanh lạy xong đứng dậy nói :

- Lần trước đến đây gây chuyện kinh sợ, anh em tiểu nhân thật không còn chốn dung thân!

Lý Sư Sư nói :

- Thôi ngươi đừng nói dối nữa. Lúc đầu ngươi tự xưng là viên thư lại họ Trương, hai người kia là thương khách Sơn Đông. Rồi các người gây chuyện làm náo động, ta phải khéo lời tâu với thiên tử mới được êm chuyện, cứ như người khác thì cả nhà này đã mắc hoạ không nhỏ! Cái ông khách Sơn Đông làm bài từ để lại có hai câu : “Sáu sáu nhạn bay liền tám chín, mong tin chỉ đợi một tiếng gà” (Bài từ của Tống Giang mượn cách nói lóng để nói ý muốn nhận chiêu an. Nhạn bay 2 tốp : 6x6=36 và 8x9=72. Cộng là 108, ám chỉ 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. Lý Sư Sư đã có ý ngờ khi nhẩm tính ra số đó) , ngay khi ấy ta đã sinh nghi, đang định hỏi thì chợt có ngự giá đến, sau đó lại xảy chuyện ấu đã nên không hỏi được. Nay ngươi đến đây thế mà lại hay. Thế nào ngươi cũng phải giải thích cho rõ điều ngờ vực của ta. Ngươi chớ giấu giếm, phải nói thật cho ta biết. Nếu không ta tất chẳng chịu để yên !

Yến Thanh nói :

- Tiểu nhân xin thưa thật sự tình uẩn khúc, mong nương tử đừng kinh sợ. Lần ấy, người ngồi ghế giữa, dáng thấp, da ngăm đen, chính là Hô bảo nghĩa Tống Giang; người ngồi ghế thứ hai, trắng trẻo đẹp trai, để râu ngạnh trê là Tiểu toàn phong Sài Tiến cháu đích tôn của Sài Thế Tông nhà Đại Chu, người ăn mặc như tên công sai đứng trước bàn là Thần hành thái bảo Đái Tôn, người đứng ngoài cổng đánh nhau với Dương thái uý là Hắc toàn phong Lý Quỳ. Còn tiểu nhân quê quán ở phủ Đại Danh thành Bắc Kinh, người ta quen gọi là Lãng tử Yến Thanh. Lần ấy huynh trưởng chúng tôi đến Đông Kinh, muốn ra mắt với nương tử, nên sai tiểu nhân giả dạng làm Trương nhân để tiện đến thu xếp trước. Huynh trưởng chúng tôi cầu mong được gặp mặt nương tử thật không phải là để mua cười làm vui. Chỉ vì từ lâu nghe tiếng nương tử được gần gũi thiên tử nên huynh trưởng chúng tôi đích thân tìm đến định kể lại tình cảnh éo le, những mong tấm lòng thành thay trời hành đạo, giữ nước yên dân sẽ được tâu bày lên thiên tử để thiên tử sớm hạ chiếu chiêu an, tránh cho sinh linh khỏi chịu đau khổ. Nếu được như thế, nương tử là ân nhân của mấy vạn người chúng tôi trên Lương Sơn Bạc ! Ngày nay thiên tử bị gian thần lấn át, bọn sàm nịnh chuyên quyền, rào đướng rấp lối người hiền, khiến cho tình cảnh bên dưới không được tâu bày lên trên. Anh em chúng tôi bất đắc dĩ mới phải tìm đến cách ấy, chẳng ngờ xẩy chuyện để nương tử phải kinh sợ. Nay huynh trưởng chúng tôi không biết lấy gì tạ lỗi, có chút lễ mọn, muốn trông nương tử vui lòng lưu nhận cho.

Yến Thanh bèn mở bao túi, đổ ra một bàn đầy vàng ngọc, châu báu. Mụ Lý là kẻ ham của, thấy vậy mừng rơn, vội gọi vú già thu cất ngay. Rồi mụ mời Yến Thanh vào căn buồng nhỏ ở nhà trong, gọi người hầu bầy trà nưóoc, hoa quả niềm nở tiếp đãi. Nguyên là nhà Lý Sư Sư thường được đạo quân hoàng đế lui tới bất chợt, nên các vương tôn công tử, con em các nhà phú hào chẳng mấy ai dám bén mảng.

Kể tiếp, lúc ấy bàn rượu đã dọn xong, Lý Sư Sư đích thân ngồi tiếp chuyện. Yến Thanh nói :

- Tiểu nhân thật đáng tội chết, đâu dám cùng ngồi với hoa khôi nương tử.

Lý Sư Sư nói :

- Tôn huynh chớ nói vậy! Từ lâu tiểu nữ đã nghe đại danh của các nghĩa sĩ, chỉ vì không có người tốt đứng làm môi giới để xin thiên tử ban quan tước cho các vị nên anh em các vị mới phải oan khuất ẩn náu nơi bờ lau bến nước.

Yến Thanh nói :

- Lần trước Trần thái uý đến chiêu an, trong chiếu thư không có một lời vỗ về thương xót, lại dám tự tiện đánh tráo rượu ngự của thiên tử ban cho anh em chúng tôi. Lần thứ hai lĩnh chiếu chiêu an thì ở các chữ quan trọng nhất trong tờ chiếu lại cố ý đọc ngắt câu cho sai ý, thành ra : “Trừ Tống Giang, bọn Lư Tuấn Nghĩa lớn nhỏ đã phạm các tội ác đều được tha thứ”, vì thế lần ấy anh em chúng tôi cũng chưa quy thuận. Quan khu mặt Đồng Quán đưa quân tướng đến, bị đánh thua hai trận, không còn manh giáp mà về. Sau đó Cao thái uý gọi lấy dân phu các nơi trong nước, sắm sửa chiến thuyền, lại đưa quân đến đánh, cũng chỉ ba trận người ngựa bị tổn thất quá nửa, chính Cao thái uý bị anh em chúng tôi bắt sống giải về sơn trại. Nhưng huynh trưởng chúng tôi chẳng những không nỡ tâm giết hại mà còn khoản đãi hết sức trọng hậu rồi mới tiễn về kinh sư. Quân sĩ bị bắt sống nhiều vô số, cũng đều tha cho về cả. Lúc ở Lương Sơn Bạc, Cao thái uý nặng lời thề thốt rằng về triều đình sẽ xin thiên tử hạ chiếu chiêu an. Vì vậy huynh trưởng chúng tôi mới cho hai người cùng về với Cao thái uý: một người là tú tài Tiêu Nhượng, một người có tài ca hát là Nhạc Hoà. Xem ra cả hai người ấy đang bị Cao thái uý giấu nhốt trong phủ không cho ra ngoài. Người này làm hao binh tổn tướng đã nhiều, ắt phải tìm cách che mắt thiên tử.

Lý Sư Sư nói :

- Cao thái uý là kẻ làm hao binh tổn tướng, uổng phí tiền gạo của triều đình, còn dám tâu trình nỗi gì? Cái đó thì tôi biết tỏng ! Mời tôn huynh hãy xơi tạm vài chén rồi sẽ cùng tính liệu xem sao.

Yến Thanh nói :

- Tiểu nhân không quen uống rượu.

Lý Sư Sư nói :

- Đường xa sương gió, đến đây cởi mở chuyện lòng, nghĩ rằng tôn huynh cũng nên uống dăm ba chén?

Yến Thanh từ chối chẳng được, đành nhấp nháp một hai chén để chìu ý chủ nhân.

Nguyên Lý Sư Sư vốn là một ả làng chơi quen thói lẳng lơ, phong trần đã dạn, thấy Yến Thanh lanh lợi đẹp trai, nói năng hoạt bát, lòng riêng đã lấy làm ưa. Bèn chiêu rượu, ả Lý mấy lần tìm lời cợt nhả chọc ghẹo, rượu cạn vài tuần bèn ởm ờ giọng say sán đến khêu gợi. Yến Thanh là người thông minh, làm gì chẳng hiểu chuyện ấy? Nhưng chàng là một hảo hán có nghị lực, sợ làm hỏng việc lớn của huynh trưởng, đâu dám đáp lại sự tỏ tình của Lý Sư Sư!

Lý Sư Sư nói :

- Bấy lâu nghe tiếng tôn huynh có tài đàn hát, nay nhân bữa rượu thảnh thơi, tôn huynh cho nghe vài bài thì hay lắm.

Yến Thanh đáp :

- Tiểu nhân cũng có học đòi được dăm ba bài bản, nhưng đâu dám khoe khoang trước mặt nương tử?

Lý Sư Sư nói :

- Vậy thiếp xin thổi trước một khúc để chàng nghe.

Nói đoạn, Lý Sư Sư gọi a hoàn lấy sáo. A hoàn mở chiếc túi gấm rút ống sáo đưa ra. Lý Sư Sư đỡ chiếc sáo nâng lên thổi khe khẽ. Đúng là tiếng trúc réo rắt rạch đá xuyên mây. Yến Thanh nghe xong khen ngợi không ngớt.

Thổi xong khúc ấy, Lý Sư Sư chuyển sáo cho Yến Thanh, nói :

- Chàng cũng thổi một khúc cho thiếp nghe xem nào!

Để ả vui lòng. Yến Thanh đành trổ chút tài nghệ, nâng tiêu dạo khúc vi vu. Lý Sư Sư nghe xong không ngớt lời khen ngợi.

- Tiếng sáo của chàng hay tuyệt!

Rồi Lý Sư Sư lấy đàn Nguyễn dạo qua một bản đàn ngắn cho Yến Thanh nghe. Tiếng đàn lanh lảnh như ngọc bội ngân vang, như oanh vàng sánh giọng, dư âm trầm bỗng du dương.

Yến Thanh vái tạ nói :

- Tiểu nhân xin hát một điệu để hầu nương tử. Rồi Yến Thanh hắng giọng cất tiếng hát. Đúng là tiếng thanh, vần đẹp, lời đúng, giọng chân. Hát xong lại vái tạ lần nữa. Lý Sư Sư tự tay rót rượu nâng cốc đáp tạ Yến Thanh, giọng khơi tình nũng nịu. Yến Thanh chỉ cúi đầu, ậm ừ cho qua chuyện. Lại cạn mấy chén nữa, Lý Sư Sư cười nói :

- Nghe nói ngườichàng có xâm chàm hoa rất đẹp, thiếp muốn xem có đẹp thật không ?

Yến Thanh cười đáp :

- Tiểu nhân có xâm chàm hoa thật đấy, nhưng lẽ nào dám phanh áo trước mặt nương tử ?

Lý Sư Sư nói :

- Đấng nam nhi xâm thân vẽ mình, nào ai bảo là cởi áo đánh trần?

Ba lần năm lượt, Lý Sư Sư cứ nhất định đòi xem. Yến Thanh đành phải cởi áo. Lý Sư Sư hết sức thích thú, bàn tay búp măng cứ xoa đi vuốt lại trên da thịt Yến Thanh. Yến Thanh núng quá vội mặc áo vào. Lý Sư Sư lại chạm cốc với Yến Thanh, cứ thế nũng nịu gợi tình. Yến Thanh sợ ả mớn tay động chân lấn tới nữa thì cái chuyện ấy khó lòng tránh được. Sực nghĩ ra một kế, Yến Thanh bèn hỏi :

- Chẳng hay nương tử niên kỷ bao nhiêu ?

Lý Sư Sư đáp :

- Sư Sư năm nay hăm bảy.

Yến Thanh đáp :

- Tiểu nhân chỉ mới hăm lăm, kém nương tử hai tuổi đấy. Nương tử đã có lòng yêu mến, vậy xin kết nghĩa làm chị em!

Nói đoạn liền đứng dậy, sụp lạy Lý Sư Sư tám lạy. Với tám cái lạy ấy, Yến Thanh đã chặn đứng lòng dạ chẳng ngay của ả Lý Sư Sư, giữ mình làm việc lớn. Nếu là một người đam mê tửu sắc thì đại sự tất hỏng rồi. Thế mới biết Yến Thanh có một trái tim sắt đá, đáng là một trang hảo hán nam nhi!

Tiếp đó Yến Thanh mời Lý mẫu đến xin lạy nhận làm mẹ nuôi rồi cáo từ ra về. Lý Sư Sư nói :

- Tiểu ca nên dọn sang đây, đừng ở bên quán trọ nữa.

Yến Thanh đáp :

- Tiểu thư đã có lòng như vậy, đệ xin về quán trọ lấy đồ đạc rồi sẽ sang ngay.

Lý Sư Sư nói :

- Đừng để ta phải chờ lâu !

Yến Thanh đáp :

- Nhà trọ cũng gần đây, chỉ trong chốc lát đệ sẽ trở lại.

Yến Thanh tạm biệt Lý Sư Sư trở về quán trọ, kể lại mọi chuyện cho Đái Tôn nghe. Đái Tôn nói :

- Thế thì hay lắm! Chỉ sợ người anh em lại mê mẩn rồi bị ràng buộc cũng chưa biết chừng.

Yến Thanh đáp :

- Đại trượng phu ở đời chỉ vì tửu sắc mà mất tất cả chí khí, thì khác gì loài cầm thú ? Nếu Yến Thanh này cũng một phường như thế thì xin phanh xác dưới muôn gươm!

Đái Tôn cười nói :

- Anh em ta là bậc hảo hán hà tất phải thề bồi ?

Yến Thanh nói :

- Không thể như vậy thì đại ca còn chưa tin !

Đái Tôn nói :

- Hiền đệ nên thu xếp đi ngay, cứ tuỳ tình thế mà xử trí cho chóng xong việc, đừng để ta phải chờ lâu. Bức thư gửi cho Túc thái uý cũng phải chờ hiền đệ về mới đưa đi được.

Yến Thanh nhặt lấy một túi đồ trang sức vàng ngọc châu báu, mỗi thứ một vài cái rồi ra đi. Đến nhà Lý Sư Sư, Yến Thanh san một nửa đưa cho mụ Lý, còn nửa chia cho mọi người trong nhà, ai nấy đều vui mừng. Mụ Lý sai dọn một buồng bên cạnh phòng khách để Yến Thanh nghỉ ngơi, rồi bảo mọi người trong nhà gọi Yến Thanh bằng chú. Cũng là phép duyên vừa khéo : chập tối hôm ấy có người đến báo đêm nay thiên tử sẽ tới. Yến Thanh nghe tin nói với Lý Sư Sư :

- Nhờ tiểu thư thu xếp cho đệ được yết kiến thiên tử để xin ngự bút xá tội cho đệ. Muôn sự đều trông nhờ ân đức của tiểu thư.

Lý Sư Sư nói :

- Đêm nay ta sẽ thu xếp cho tiểu cả được yết kiến thiên tử, tiểu ca cứ tâu bầy mọi việc để thiên tử rủ lòng thương, thì một tờ giấy xá tội chẳng khó gì !

Đêm ấy ánh trăng lờ mờ, mùi hoa sực nức, lan xạ đưa thơm. Đạo quân hoàng đế cải trang thành một nho sĩ mặc áo trắng, dẫn theo một người hầu, theo lối tắt đi đến cổng sau nhà Lý Sư Sư. Thiên tử vào ngồi trong căn phòng nhỏ, sai đóng hết cửa trước cửa sau. Trong nhà đèn nến sáng trưng. Lý Sư Sư cài tóc thắt đai, sửa sang xiêm áo bước vào tiếp đón thiên tử. Lý Sư Sư thấy thiên tử đang lúc vui vẻ, bèn bước tới tâu rằng :

- Tiện thiếp có người em con cô con cậu từ thuở bé lưu lạc phương xa, hôm nay vừa mới trở về. Em thiếp muốn xin yết kiến thánh thượng, nhưng tiện thiếp chưa dám tự ý cho vào. Cúi xin thánh thượng soi xét.

Thiên tử nói :

- Đã là anh em với ái khanh thì cứ gọi vào chầu quả nhân, có ngại gì ?

Lý Sư Sư liền sai người vú già đi gọi Yến Thanh. Yến Thanh vào phòng rập đầu lạy chào thiên tử. Thấy Yến Thanh khôi ngô tuấn tú, thiên tử tỏ ý hài lòng. Lý Sư Sư bảo Yến Thanh thổi sáo hầu rượu thiên tử, rồi đến lượt Lý Sư Sư gãy đàn Nguyễn, sau đó lại bảo Yến Thanh hát một bài. Yến Thanh lạy hai lạy tâu rằng :

- Tiểu nhân thuộc được mấy điệu thì lời ca đều thuộc loại phong tình lả lướt, thật không dám hát hầu thánh thượng.

Thiên tử nói :

- Quả nhân vi hành đến kỹ viện là muốn nghe loại ca khúc diễm tình đễ khuây khoả nỗi buồn, khanh chẳng phải e dè điều đó.

Yến Thanh mượn cặp sênh ngà, cúi đầu lạy hai lạy, nói với Lý Sư Sư :

- Âm vận có điều gì sai sót, mong tiểu thư chỉ giáo cho.

Rồi Yến Thanh lấy giọng, tay gõ sênh, cất tiếng ca một khúc theo điệu Ngư gia ngao. Hát rằng :

“ Từ biệt làng quê vắng tin nhà, trăm thương nghìn nhớ, dứt lòng bao xót xa.

Chim én chưa sang, hoa tàn héo, cành mai mòn mỏi, nét xuân tà.

Đau khổ chàng ơi ngày tái hợp, biết tự khi đầu, thôi chẳng kết duyên ta.

Mộng đẹp chưa xây đà chợt tỉnh, ngoài song nghe vẳng tiếng oanh ca”.

Yến Thanh hát xong, đúng là giọng oanh vàng mới hót, tiếng ca trầm bỗng du dương. Thiên tử cả mừng, lại bảo hát tiếp một bài nữa. Yến Thanh sụp lạy tâu rằng :

- Hạ thần còn biết một bài từ khúc theo điệu Hoa mộc lan bớt vận, xin ca hầu thánh thượng.

Thiên tử nói :

- Hay lắm, quả nhân rất thích nghe.

Yến Thanh lạy xong, cất giọng hát rằng :

- Lắng nghe đây, lắng nghe đây!

Thân tàn lưu lạc nào ai hay!

Cùng trời cuối đất tội ác bao lớp chất đầy.

Hầm lửa thiêu được người cứu thoát

Tấm lòng trung hiếu vẫn còn đây!

Mong sao đền đáp tấm ơn này!

Yến Thanh vừa dứt tiếng hát, thiên tử cả kinh hỏi :

- Sao khanh lại có khúc hát ấy ?

Yến Thanh oà khóc nức nở, sụp lạy hồi lâu. Thiên tử đã bớt nghi ngờ bèn nói :

- Cho khanh tâu hết sự tình, trẫm sẽ soi xét cho khanh.

Yến Thanh tâu :

- Thần trót phạm tội tầy trời, thật không dám tâu.

Thiên tử truyền rằng :

- Trẫm xá cho khanh được vô tội, cứ việc tâu không ngại !

Yến Thanh bèn tâu :

- Thần xiêu dạt giang hồ từ lúc còn nhỏ, lưu lạc đến đất Sơn Đông, giúp việc cho một người lái buôn. Một lần đi đường qua Lương Sơn Bạc bị giặc cướp bắt lên sơn trại, hạ thần phải ở đó mất ba năm. Năm nay thần mới trốn thoát trở về kinh sư tìm đến nương nhờ Lý tiểu thư đây là chỗ chị em với hạ thần. Tuy vậy, thần vẫn không dám ra ngoài phố vì sợ bất chợt có người nhận ra cáo giác với quan ti thì thần còn biết phân bua sao được ?

Lý Sư Sư tâu thêm :

- Em họ của thiếp trong lòng chỉ có một điều oan khổ ấy, cúi mong bệ hạ soi xét cho.

Thiên tử cười nói :

- Việc này không có gì khó. Ngươi là em của Lý hàng thủ (người kỹ nữ đứng đầu hàng viện) đây thì ai dám bắt ngươi!

Yến Thanh liếc mắt đưa tình với Lý Sư Sư. Lý Sư Sư nũng nịu tâu với thiên tử :

- Thiếp chỉ muốn bệ hạ cho ngự bút mấy chữ ân xá để em thiếp yên lòng.

Thiên Tử nói :

- Nhưng tại đây không có ấn triện, viết xong lấy gì mà đóng?

Lý Sư Sư lại tâu :

- Được bệ hạ cho ngự bút thì dầu ngọc bảo thiên phù cũng không quý bằng. Bệ hạ có lòng cứu vớt, xin ban cho em thiếp mấy chữ hộ thân cũng như bệ hạ cho phép tiện thiếp được hầu bệ hạ vậy.

Thiên tử bị nài ép mãi, đành sai lấy giấy bút. Chỉ trong chốc lát, người vú già bưng vào đủ thứ văn phòng tứ bảo (bốn thứ đồ dùng của vua – bút, nghiên, giấy, mực). Yến Thanh mài mực thật đậm, Lý Sư Sư cầm dâng bút lông đỏ quản ngà. Thiên tử trải tờ giấy hoa tiên màu vàng, gập ngang một dòng để viết chữ đại tự. Trước khi viết, thiên tử bảo Yến Thanh :

- Quả nhân quên mất họ tên của khanh rồi !

Yến Thanh đáp :

- Hạ thần là Yến Thanh.

Thiên tử bèn cầm bút viết ngự thư như sau :

“Thần tiêu vương phủ chân chủ Tuyên Hoà vũ sĩ Hư tĩnh Đạo quân hoàng đế, đặc xá cho người Yến Thanh được vô tội. Các ty không được giữ lại xét hỏi.”

Viết xong đưa bút ký ngự danh ở dưới. Yến Thanh lạy hai lạy, cúi đầu đón nhận. Lý Sư Sư nâng chén dâng rượu tạ ơn. Thiên tử bèn hỏi :

- Ngươi ở Lương Sơn Bạc ắt là biết rõ nội tình ở đó ?

Yến Thanh tâu :

- Bọn Tống Giang trên cờ thêu chữ lớn “Thế Thiên Hành Đạo” (thay trời hành đạo), nhà lớn đặt tên là “Trung Nghĩa đường”, không dám xâm chiếm châu huyện, không quấy phá dân lành, chỉ trị tội bọn tham quan ô lại gian nịnh bất lương, chờ mong triều đình sớm đến chiêu an để được ra sức giúp nước.

Thiên tử truyền rằng :

- Trước đây trẫm đã hai lần hạ chiếu chiêu an, tại sao bọn chúng dám kháng cự, không chịu quy hàng?

Yến Thanh tâu :

- Lần chiêu an thứ nhất, trong chiếu thư không có một lời vỗ về thương xót, ngự tửu của bệ hạ ban cho thì bị đánh tráo lấy rượu quê thay vào. Vì thế sự việc mới sinh phiền phức. Lần chiêu an thứ hai, khi đọc chiếu thư, sứ gỉa cố ý đọc ngắt câu cho sai ý, nói là “trừ Tống Giang”, như thế là ngầm có ý hãm hại Tống Giang, vì thế mới sinh chuyện. Đồng khu mật đưa quân đến, chỉ hai trận bị đánh tơi tả, không còn mảnh giáp mà về. Cao thái uý đốc thúc người ngựa, trưng dụng dân phụ các nơi đóng sửa chiến thuyền tiến đánh , nhưng không bắn nổi một mũi tên vào quân Lương Sơn Bạc, chỉ ba trận đã chịu bó tay, người ngựa bốn phần tổn thiệt mất ba. Cao thái uý bị bắt sống đưa lên núi, hứa khi về kinh sư sẽ thu xếp việc chiêu an, vì thế mới được tha về. Văn tham mưu phải ở lại làm con tin để Cao thái uý đưa hai người của sơn trại về kinh thu xếp công việc.

Thiên tử nghe xong thở dài nói :

- Cơ sự như thế mà quả nhân không hề biết! Đồng Quân về kinh tâu là quân sĩ không quen chịu nóng bực, tạm thời xin thu quân. Cao Cầu thì về tâu là quân lính bị đau ốm không tiến đánh được, xin cho bãi chiến.

Lý Sư Sư tâu :

- Bệ hạ tuy là đấng thánh minh, ở ngôi cửu trùng nhưng bị bọn gian thần rào đường rấp lối, ngăn cản người hiền, biết làm sao được ?

Thiên tử ngao ngán thở dài hồi lâu. Ước chừng đã khuya, Yến Thanh cầm ngự thư ân xá, lạy chào xin lui ra. Thiên tử cũng lên giường nằm với Lý Sư Sư. Đến khoảng canh năm thì thị nội hoàng môn đến đón thiên tử về cung.

Sáng sớm Yến Thanh trở dậy làm qua loa những việc thông thường rồi về quán trọ kể lại mọi chuyện cho Đái Tôn nghe. Đái Tôn nói :

- Thế là gặp may lắm! Bây giờ anh em cùng đi đưa thư cho Túc thái uý.

Yến Thanh nói :

- Ăn uống xong hãy đi.

Hai người ăn cơm sáng xong, xách giỏ vàng bạc châu báu, cầm thư đi tìm phủ đệ của Túc thái uý. Hỏi thăm người trên phố thì nghe nói thái uý vào cung chưa về. Yến Thanh hỏi :

- Gần trưa rồi sao thái uý chưa về ?

Người ấy đáp :

- Thái uý là bậc sủng thần sớm tối theo hầu thiên tử, nửa bước không rời, về sớm về muộn thường không nhất định.

Vừa lúc ấy có người nói :

- Thái uý đã về kia rồi!

Yến Thanh cả mừng nói với Đái Tôn :

- Đại ca đứng chờ ở đây, một mình đệ đến gặp thái uý.

Yến Thanh đến gần thấy một đoàn tuỳ tùng đều mặc áo gấm, đội mũ hoa đang khênh kiệu đi tới. Yến Thanh sụp quỳ giữa đường mà thưa :

- Tiểu nhân có bức thư xin trình lên thái uý.

Túc thái uý trông thấy nói :

- Cho theo vào!

Yến Thanh theo vào trước sảnh đường. Thái uý xuống kiệu vào ngồi trong phòng sách đầu nhà, rồi gọi Yến Thanh vào, hỏi :

- Ngươi là người nhà của ai sai đến?

Yến Thanh đáp :

- Tiểu nhân từ Sơn Đông tới, có thư của Văn tham mưu xin trình lên thái uý !

Túc thái uý nói :

- Văn tham mưu nào đây ?

Yến Thanh bèn rút túi ngực lấy thư trình lên. Túc thái uý cầm xem bì thư rồi nói :

- Thì ra Văn tham mưu là Văn Hoán Chương bạn học với ta từ thuở nhỏ.

Nói đoạn bóc thư ra xem. Thư viết :

“Kẻ nho sinh theo hầu việc quan là Văn Hoán Chương kính cẩn vái lạy dâng thư này trước ghế của ân tướng thái uý.

Tiểu nhân từ thuở nhỏ ra vào chốn trường ốc thấm thoát đã ba chục năm. Trước đây đội ơn Cao điện suý, được gọi đến trướng quân cho giữ chức tham mưu, dự bàn tiệc lớn. Vì can ngăn không nghe, lời trung không đắt, nên cả ba lần chinh thảo đều tiếp liền thua bại, nói ra xiết bao hổ thẹn. Cao thái uý và tiểu nhân đều bị bắt sống, làm thân tù ngục. Nghĩa sĩ Tống Công Minh nhân từ khoan dung không nỡ tâm giết hại. Nay Cao điện suý đưa theo hai người của Lương Sơn Bạc là Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà về kinh để xin việc chiêu an, lưu tiêu nhân ở lại làm con tin. Muôn trông ân tướng không tiếc lời nói, sớm muộn tâu lên để thiên tử kịp giáng chiếu chiêu an, khiến cho anh em nghĩa sĩ Tống Công Minh sớm được xá tội đội ơn, lập công dựng nghiệp, như thế thì nước nhà được may mắn lắm! Thiên hạ được may mắn lắm! Tiểu nhân được cứu thoát thật khác nào đội ơn tái sinh.

Kính cẩn vuốt nếp thư này dâng lên, cúi mong ân tướng thái uý rủ lòng soi xét cho, thật là may mắn lắm!

Niên hiệu Tuyên Hoà năm thứ thư (1122) mùa xuân, tháng giêng, ngày…..

Hoán Chương hai lạy dâng lên.”

Túc thái uý xem xong thư xiết đỗi kinh sợ, hỏi rằng :

- Ngươi là ai ?

Yến Thanh đáp :

- Tiểu nhân là Lãng tử Yến Thanh ở Lương Sơn Bạc.

Nói đoạn, Yến Thanh đi ra lấy chiếc giỏ, trở vào phòng sách, thưa :

- Hồi trước thái uý đi lễ ở Hoa Châu, anh em tiểu nhân đã nhiều lần được hầu hạ, thái uý quên rồi chăng ? Huynh trưởng Tống Giang của anh em tiểu nhân có chút lễ đem đến để bầy tỏ tấm lòng thành đối với ân tướng thái uý. Anh em tiểu nhân hàng ngày gieo thẻ bốc thăm đều cầu mong được thái uý ra tay cứu vớt. Huynh trưỏong Tống Giang cùng bọn anh em tiểu nhân mỏi mắt trông chờ thái uý đến chiêu an. Nếu được ân tướng thái uý sớm tâu lên thiên tử thì mười vạn anh em trên Lương Sơn Bạc đều được nhờ ơn lớn! Huynh trưởng chúng tôi đã định trước kỳ hạn, tiểu nhân xin ân tướng cho phép trở về.

Yến Thanh lạy chào Túc thái uý rồi đi ngay ra khỏi phủ. Túc thái uý cũng đã có chủ định từ trước bèn sai người thu cất lễ vật. Lại nói Yến Thanh và Đái Tôn trở về quán trọ, cùng bàn tình công việc. Yến Thanh nói :

- Hai việc ấy đã thu xếp xong, chỉ còn việc Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà đang bị giữ trong phủ của Cao thái uý, làm sao cứu được ?

Đái Tôn nói :

- Hai chúng ta vẫn đóng vai công sai đến trước phủ Cao thái uý nghe ngóng xem sao. Đợi có người trong phủ ra thì tìm cách đút lót cho ít vàng bạc, nhờ thu xếp cho gặp Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà. Thông được tin tức với nhau rồi sẽ bàn tính thêm.

Hai người bàn bạc xong, thay đổi quần áo, mang theo ít vàng bạc, đi về phía cầu Thái Bình, đứng chờ hồi lâu trước cửa phủ. Chợt thấy một viên can biện trẻ tuổi đang uể oải đi ra. Yến Thanh liền đến gần cúi chào. Viên can biện hỏi :

- Ngươi là ai đây ?

Yến Thanh nói :

- Xin mời can biện ghé vào quán trà nói chuyện.

Hai người vào trong quán, gặp Đaí Tôn cũng ngồi uống trà. Yến Thanh nói :

- Không giấu gì can biện, gần đây có hai người do Cao thaí uý đưa từ Lương Sơn Bạc về. Một trong hai người là Nhạc Hoà, người nhà của đại huynh tôi. Đại huynh tôi muốn được gặp người ấy một lát, xin nhờ can biện làm ơn giúp cho.

Viên can biện nói :

- Hai ông chớ nói chuyện ấy. Việc kín trong phủ thái uý ai dám tò mò biết đến!

Đái Tôn rút trong tay áo ra một nén bạc lớn đặt lên bàn, nói với viên can biện :

- Chỉ phiền túc hạ dẫn Nhạc Hoà ra cho tiểu nhân gặp mặt chốc lát, không cần phải ra khỏi cổng. Xong việc xin biếu túc hạ nén bạc này.

Viên can biện thấy bạc thì động lòng tham, bèn nói :

- Đúng là có hai người ấy trong phủ, nhưng thái uý đã có nghiêm lệnh chỉ đem cơm nước cho họ ăn nghỉ ở vườn hoa phía sau. Ta sẽ gọi người ấy ra cho ông gặp. Nói chuyện xong thì nhớ trao nén bạc cho ta, không được thất tín đấy.

Đái Tôn nói :

- Tất nhiên rồi !

Viên can biện liền đứng dậy dặn :

- Hai ông cứ ngồi trong quán trà đây đợi ta.

Nói xong viên can biện đi vội vào trong phủ. Đái Tôn và Yến Thanh ngồi trong quán uống trà, một lúc sau thấy viên can biện trở ra, đi vội vào quán nói :

- Đưa nén bạc đây, ta đã gọi Nhạc Hoà ra buồng xép bên cổng.

Đái Tôn ghé tai Yến Thanh nói nhỏ mấy câu “cứ như thế…như thế”, rồi giao nén bạc cho viên can biện. Người ấy cầm nén bạc rồi dẫn Yến Thanh đến buồng xép bên cổng gặp Nhạc Hoà. Viên can biện nói :

- Hai người có chuyện gì thì nói mau mà đi!

Yến Thanh bảo Nhạc Hoà :

- Tiểu đệ và Đái Tôn đến đây đang tìm cách cứu hai đại ca.

Nhạc Hoà nói :

- Bọn chúng giam lỏng ta và Tiêu Nhượng trong vườn hoa tường rất cao, không trèo được, có chiếc thang để trèo bẻ hoa bọn chúng đã cất đi rồi. Làm thế nào mà ra được ?

Yến Thanh hỏi :

- Gần tường có cây cối gì không ?

Nhạc Hoà đáp :

- Bên tường có một hàng dương liễu to.

Yến Thanh nói :

- Đêm nay cứ nghe tiếng ho làm hiệu. Tiểu đệ và Đái Tôn ở ngoài sẽ ném vào hai dây thừng. Hai đại ca cứ trèo lên cây liễu nào gần nhất, buộc chặt đầu dây. Hai chúng tôi ở ngoài mỗi người giữ chặt một đầu dây, hai đại ca cứ việc bám dây mà tụt xuống. Hẹn nhau vào đầu canh tư, không được để lỡ.

Viên can biện quay vào nói :

- Các ngươi nói chuyện gì mà lâu thế ? Mau ra đi thôi !

Nhạc Hoà trở vào ghé tai nói lại cho Tiêu Nhượng biết. Yến Thanh cũng trở lại quán trà nói lại với Đái Tôn. Cả bốn người chờ đợi mong cho chóng hết ngày hôm ấy.

Yến Thanh và Đái Tôn ra phố mua hai sợi dây thừng to, giấu vào trong người, rồi đi vòng ra phía sau phủ Cao thái uý xem xét trước địa thế. Phía sau phủ có một con sông, có hai chiếc thuyền không buộc neo đậu gần bờ. Hai người bèn lén ra nấp trong khoang thuyền chờ đến lúc nghe tiếng trống trên chòi canh điểm canh tư, liền nhảy lên bờ, đi men đến chân tường khẻ ho mấy tiếng. Phía trong tường cũng có tiếng ho đáp lại. Yến Thanh liền ném dây qua tường. Đợi một lúc cho bên trong kịp buộc chặt đầu dây vào cây liễu. Đái Tôn và Yến Thanh kéo căng đầu dây bên ngoài. Nhạc Hoà tụt xuống trước, rồi đến Tiêu Nhượng. Hai người cầm đầu dây ném bào bên trong tường rồi cùng Yến Thanh, Đái Tôn trở về quán trọ. Bốn người thu xếp hành lý, nhóm lửa thổi cơm ăn sáng, trả tiền trọ ra đi. Đến bên cổng thành bọn Yến Thanh dừng lại chốc lát, chờ cho lính canh mở cổng là ra ngay. nhắm đường đi gấp về Lương Sơn Bạc. Chưa nói chuyện bốn người trở về ra sao, chỉ biết rằng :

Túc thái uý giúp tâu việc lớn.

Lương Sơn Bạc chịu nhận chiêu an.

Chưa biết Túc thái uý tâu xin thánh chỉ ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

Quảng cáo
Trước /49 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Đạo Phi Thiên Hạ

Copyright © 2022 - MTruyện.net