Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch]Hội Hè Miên Man
  3. Chương 7 : Chương 7
Trước /16 Sau

[Dịch]Hội Hè Miên Man

Chương 7 : Chương 7

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Ngồi ở Dôme với Pascin

Đó là một chiều tối đẹp, tôi đã làm việc cật lực suốt ngày và bây giờ rời khỏi căn phòng phía trên xưởng cưa, đi ngang qua cái sân chất đầy gỗ, đóng cổng, băng sang đường và theo lối cửa sau của cái tiệm bánh mì có mặt chính hướng ra đại lộ Montparnasse, để bước ra phố trong mùi thơm lựng của bánh mì nướng lò và của cửa hàng. Bên trong, tiệm bánh đã lên đèn, còn bên ngoài, ngày đã cạn dần và tôi đi trong bóng tối nhập nhoạng phủ lên phố rồi dừng chân bên hiên quán Nègre de Toulouse, nơi trên giá để khăn, những chiếc khăn ăn kẻ ca rô hai màu trắng đỏ nẹp trong những chiếc vòng gỗ đang sẵn sàng phục vụ bữa tối. Trong thực đơn in ronéo mực tím phần plat du jour (món của ngày hôm nay) ghi món rau ragu thịt nấu với đậu. Vừa đọc đến đây bụng tôi đã cồn lên.

Ông chủ quán Lavigne hỏi thăm công việc thế nào và tôi đáp mọi thứ rất trôi chảy. Ông bảo có thấy tôi ngồi làm việc ở ngoài hiên Closerie des Lilas hồi sáng sớm nhưng không bắt chuyện vì thấy tôi quá bận.

“Trông ông như một người sống cô độc giữa rừng già.” Ông nói.

“Khi làm việc tôi cứ như một con lợn mù.”

“Nhưng ông cũng từng ở trong rừng già chứ, Monsieur?”

“Rừng bụi thì có,” tôi đáp.

Tôi đi lên dốc phố, nhìn qua những cửa sổ và thấy vui vẻ cùng buổi tối mùa xuân và người người qua lại. Trong ba quán café chính ở đấy, tôi thấy có những người tôi biết mặt và những người tôi từng nói chuyện. Nhưng luôn có những người trông hay hơn nhiều mà tôi chưa từng biết, những người khi đêm vừa lên đèn đã vội tìm một nơi nào đấy để ngồi uống với nhau, ăn cùng nhau và sau đó ngủ với nhau. Khách ngồi trong các quán lớn có thể cũng như thế hoặc cũng có thể chỉ ngồi uống và trò chuyện, và để cho người khác nhìn ngắm mình. Những người tôi thích mà chưa từng gặp tìm đến các quán này vì ở đó họ được chìm lẫn, không ai nhận ra họ, và chỉ có họ với nhau mà thôi. Những quán này có giá mềm, quán nào cũng có bia ngon và rượu khai vị với giá rất phải chăng được viết trên các đĩa lót li khi đem ra cho khách.

Tối nay tôi nghĩ lại những ý tưởng tuy không đặc sắc nhưng rất rạch ròi của mình và thấy mình thật tuyệt vời vì đã làm việc rất hiệu quả trong cái ngày mà cơn thèm khát được chuồn ra ngoài đi xem đua ngựa cứ cồn lên như điên. Thời gian này, tôi không đến trường đua nữa, cho dù nếu chịu khó thì cũng có thể làm ra tiền ở đấy.

Dạo đó người ta hãy còn chưa thử nước bọt hay dùng những phương pháp khác để phát hiện ngựa đua dùng thuốc kích thích, mà vẫn cho dùng doping thoải mái. Và với một gã đàn ông trẻ đang cáng đáng nuôi vợ con và tập tọng bước vào nghề viết chuyên nghiệp thì những trò dây dưa với bọn quỷ sứ chơi thuốc kích thích, hay đi săm soi biểu hiện của chúng trong chuồng, rồi quyết định đặt cược số tiền không được phép để mất mà chỉ dựa vào cảm giác, thậm chí nhờ cả vào khả năng ngoại cảm, quả thực không phải là cách.

Xét theo tiêu chuẩn nào thì chúng tôi cũng thuộc diện nghèo toàn diện và tôi vẫn phải tiết kiệm từng xu một bằng cách nói với vợ rằng có người mời mình ăn trưa để sau đó đi bộ suốt hai giờ liền trong vườn Luxembourg trước khi về nhà tả cho nàng nghe buổi ăn trưa ấy diễm lệ như thế nào. Khi bạn đang ở tuổi hai mươi lăm và được thiên nhiên ban cho một thân hình to lớn hạng nặng, thì việc bỏ một bữa ăn sẽ kích cho cơn đói tung hoành. Nhưng bù lại, tất cả các giác quan sẽ được mài giũa bén ngọt, và tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều nhân vật của tôi mắc chứng thèm ăn, có khẩu vị tinh tế cũng như ngập niềm đam mê thực phẩm, và hầu như tất cả đều khát uống.

Tại Nègre de Toulouse chúng tôi uống rượu Cahors loại ngon đựng trong một phần tư, hoặc một nửa, hoặc đầy bình thủy tinh, thường là pha với nước theo tỉ lệ một ba. Ở căn hộ nằm trên xưởng cưa, chúng tôi uống loại rượu Corse uy tín nhưng giá bèo, mà có pha với nước theo tỉ lệ nửa nước nửa rượu thì mùi vị vẫn không lẫn đi đâu được. Ở Paris khi ấy, người ta có thể sống khỏe với hai bàn tay trắng, và bằng cách thỉnh thoảng bỏ ăn vài bữa và không mua sắm quần áo mới, ta có thể để dành được tiền cho vài nhu cầu xa xỉ.

Từ quán Select, tôi quay lại để tránh mặt Harold Stearns ở đấy vì biết gặp ông thế nào cũng chỉ nói về chuyện ngựa, thứ mà tôi trước đó đã thề thốt một cách công bằng và nhẹ nhõm rằng là loài quỷ sứ. Mang trong mình phẩm hạnh của tối hôm ấy, tôi đã lờ qua hàng tá chiến hữu thân thích ở Rotonde và, phỉ phui quỷ sứ và bản năng cặp bè cặp bạn chết tiệt, tôi đi băng qua đại lộ để sang Dôme. Ở Dôme cũng rất đông người, nhưng ở đó có những người làm việc.

Có những người mẫu làm việc và có những họa sĩ miệt mài vẽ cho đến khi tắt nắng, có những nhà văn kết thúc một ngày làm việc khi được khi không và có những tay say rượu, những tay tính cách mạnh, trong đó có một số tôi biết và một số khác chỉ để trang trí mà thôi.

Tôi đến bên bàn Pascin đang ngồi cùng với hai chị em người mẫu. Pascin vẫy tôi khi tôi đang đứng bên hè phố Delambre đắn đo không biết có nên ghé qua làm một li hay không. Pascin là một họa sĩ tài ba và say sưa; say đều đặn có kiểm soát và dễ thương. Hai cô người mẫu trẻ và đẹp. Một cô da ngăm đen, nhỏ người, thân hình tuyệt mĩ mang vẻ trụy lạc mong manh tăm tối. Cô kia trẻ con khờ khạo nhưng rất đẹp, kiểu thơ ngây dễ lụi tàn. Thân hình cô không được như chị, nhưng trong mùa xuân ấy, không có ai khác đẹp hơn cô chị.

“Hai chị em thiện - ác đấy,” Pascin nói, “Tôi có tiền, cậu uống gì?”

“Une demi-blonde (một cốc demi loại bia nhẹ),” tôi nói với người phục vụ.

“Uống whisky đi, tôi có tiền mà.”

“Tôi thích bia.”

“Nếu thích bia cậu đã đến Lipp. Tôi đồ rằng cậu đang làm việc.”

“Vâng.”

“Được chứ?”

“Tôi nghĩ thế.”

“Tốt. Tôi rất mừng. Mọi thứ đều tốt chứ?”

“Vâng.”

“Cậu bao nhiêu tuổi nhỉ?”

“Hai mươi lăm.”

“Muốn vui vẻ với em này không?” ông hướng về cô da ngăm, mỉm cười. “Cô em đang có nhu cầu đấy.”

“Chắc hôm nay ông đã đủ vui vẻ với cô ấy rồi.”

Cô gái mỉm cười với tôi và đôi môi hé mở. “Ông này đồi trụy lắm,” cô nói. “Nhưng dễ thương.”

“Cậu có thể tha cô em về ổ.”

“Đừng có thô bỉ như lợn thế,” cô bé tóc vàng lên tiếng.

“Ai nói chuyện với cô?” Pascin hỏi.

“Không ai. Nhưng tôi cứ nói thế đấy.”

“Thoải mái đi,” Pascin nói. “Hỡi nhà văn trẻ nghiêm túc, họa sĩ già khôn ngoan thân thiện, hai em gái tuyệt trần, cuộc đời hãy còn dài phía trước mà.”

Chúng tôi ngồi đó. Hai cô gái nhấm nháp thức uống của họ còn Pascin uống thêm một fine à l’eau và tôi uống bia; nhưng không ai thấy thoải mái ngoại trừ Pascin. Cô gái da ngăm ngọ nguậy trên ghế rồi nghiêng người để ánh sáng rọi lên những góc uốn lượn trên khuôn mặt, bày ra trước mắt tôi bầu ngực ẩn dưới chiếc áo len đen. Tóc nàng cắt ngắn, bóng mượt đen nhánh như người phương Đông.

“Cô đã ngồi mẫu suốt ngày.” Pascin nói với cô. “Giờ có cần làm mẫu với áo len giữa quán như thế không?”

“Tôi thích đấy.”

“Trông như con búp bê Java.”

“Nhưng mắt thì không,” cô đáp. “Tinh tế hơn nhiều.”

“Một con poupée con hư hỏng tội nghiệp.”

“Có thể,” cô gái nói. “Nhưng sống động. Còn hơn ông.”

“Rồi xem.”

“Tốt,” cô đáp. “Tôi thích có bằng chứng.”

“Thế hôm nay chưa có à?”

“Ôi thôi,” cô kêu lên và trở mình đón ánh sáng chiều cuối cùng lên mặt. “Ông chỉ cuồng nhiệt khi vẽ thôi. Ông ấy si tình với sơn dầu,” cô nói với tôi. “Lúc nào cũng bẩn, không kiểu này thì kiểu khác.”

“Cô muốn tôi vẽ cô rồi trả tiền cho cô rồi ngủ với cô để giữ đầu óc được sáng láng, rồi phải yêu cô nữa.” Pascin nói. “Đúng là con búp bê tội nghiệp.”

“Ông thích em, đúng không, Monsieur?” cô hỏi tôi.

“Rất thích.”

“Nhưng ông to con quá,” nàng buồn bã nói.

“Trên giường, mọi người cũng cỡ như nhau cả thôi.”

“Không đúng,” cô em lên tiếng. “Nhưng tôi chán kiểu nói chuyện này lắm rồi.”

“Xem nào,” Pascin nói. “Nếu cô nghĩ tôi si tình sơn dầu, ngày mai tôi sẽ vẽ cô bằng màu nước.”

“Chừng nào chúng ta đi ăn?” cô em hỏi, “Ở đâu đây?”

“Ông sẽ đi cùng chứ?” cô gái da ngăm hỏi.

“Không. Tôi đi ăn với légitime (vợ) của tôi.” Hồi ấy, người ta gọi thế. Giờ thì họ gọi “réguliere” của tôi.

“Ông phải đi thật à?”

“Ừ, mà tôi cũng muốn đi.”

“Thế thì đi đi,” Pascin nói. “Nhưng đừng si tình mấy tờ giấy đánh máy.”

“Nếu có thì tôi cũng chỉ viết bằng bút chì thôi.”

“Ngày mai sẽ là màu nước,” ông nói. “Thôi được rồi, các em. Tôi sẽ uống một li nữa rồi chúng ta đi ăn ở đâu đó mà các em muốn.”

“Chez Viking.” Cô da ngăm nói.

“Em cũng thích chỗ ấy,” cô em hào hứng.

“Được thôi,” Pascin đồng ý. “Tạm biệt, jeune homme (chàng trai). Ngủ ngon nhé.”

“Ông cũng thế.”

“Các cô này khiến tôi thức suốt,” Pascin nói. “Tôi không bao giờ ngủ.”

“Tối nay ngủ đi.”

“Sau khi ăn ở Chez Les Viking ư?” ông nhe răng cười, mũ ấp sau đầu. Ông trông giống như nhân vật sân khấu Broadway những năm chín mươi hơn là chính ông, một họa sĩ đáng yêu, và sau này, khi ông treo cổ tự tử, tôi hay nhớ về ông vào cái đêm ấy ở Dôme. Người ta vẫn nói những gì ta làm sau này đều xuất phát từ những hạt mầm có sẵn trong người, nhưng với tôi, ở những người biết cười cợt cuộc sống, những hạt mầm ấy dường như được cấy vào đất tốt, lại được bón bằng thứ phân mỡ màng.

Ezra Pound và tổ chức Bel Esprit

Ezra Pound bao giờ cũng là một người bạn tốt và luôn giúp đỡ người khác. Căn hộ nơi ông sống cùng bà vợ Dorothy nằm trên đường Notre-Dame-des-Champs nghèo nàn tương phản hẳn với sự giàu sang của căn hộ Miss Stein. Căn phòng sáng sủa và ấm áp nhờ lò sưởi và treo tranh của các họa sĩ Nhật mà Ezra quen biết. Tất cả họ có nguồn gốc quý phái và đều để tóc dài. Mỗi lần họ cúi chào, mớ tóc đen nhánh hất về phía trước khiến tôi rất ấn tượng, nhưng tôi không thích tranh họ vẽ. Tôi không hiểu tranh của họ và tranh của họ cũng chẳng có gì là thâm sâu, còn một khi đã hiểu, thì chúng lại chẳng còn có ý nghĩa gì với tôi nữa. Thật tiếc vì phải nói thế nhưng tôi biết phải làm thế nào đây.

Tranh của Dorothy thì tôi thích, với tôi, Dorothy rất đẹp và có vóc dáng tuyệt hảo. Tôi cũng thích cái tượng đầu Ezra do Gaudier-Brzeska tạc và thích tất cả những tấm ảnh chụp tác phẩm của nhà điêu khắc này mà Ezra đã cho tôi xem cũng như những ảnh in trong quyển sách mà Ezra viết về ông. Ezra thích tranh của Picabia nhưng lúc ấy tôi cho là chẳng có giá trị gì. Tôi cũng rất ghét tranh của Wyndham Lewis trong khi Ezra thì chết mê. Ông thích tác phẩm của bạn bè, xét tình cảm thuần túy thì đẹp nhưng nếu xem xét một cách sòng phẳng thì có khi chúng xấu một cách thảm thương. Chúng tôi không bao giờ tranh cãi những chuyện này vì tôi biết cách giữ miệng im thin thít trước những gì mình không thích. Một khi người ta đã thích tranh hay văn chương của bạn bè thì điều ấy chẳng khác gì họ yêu gia đình mình, và sẽ không lịch sự nếu ta chỉ trích. Thường phải mất rất nhiều thời gian người ta mới có thể phê bình gia đình, phê phán bản thân hay những gì thuộc về hôn nhân của họ, nhưng chê một họa sĩ kém cỏi thì dễ hơn nhiều bởi họ không gây ra những chuyện kinh khủng hay phá hoại mối thâm tình như trong trường hợp gia đình. Với những họa sĩ kém ta chỉ cần không xem tranh của họ là xong. Nhưng với gia đình thì cho dù ta có biết cách lờ tịt, không nghe thấy gì hết, biết thoái thác không trả lời thư, thì nó vẫn có đủ đường nguy hiểm. Ezra tốt bụng và sùng đạo hơn tôi nhiều. Văn chương của ông, khi viết ở đỉnh cao phong độ là tuyệt hảo, ông sai một cách chân thành và vấp lỗi trong mê say, ông tốt với người khác đến nỗi tôi nghĩ ông là một dạng thánh sống. Cũng có khi ông cáu kỉnh, nhưng hẳn là nhiều vị thánh cũng có những lúc như thế.

Ezra muốn tôi dạy ông đấm bốc, và vào một buổi chiều muộn khi đang tập trong phòng làm việc của ông, tôi gặp Wyndham Lewis lần đầu tiên. Ezra tập đánh chưa lâu nên tôi hơi ngần ngại khi để ông biểu diễn trước mặt người quen, và tôi đã cố gắng để ông đánh trông coi cho được. Nhưng cũng không thật ổn vì thực ra ông chỉ biết phòng thủ và tôi phải nỗ lực giúp ông ra đòn bằng cú tay trái, chân trái lúc nào cũng di chuyển về phía trước rồi chân phải song song tiến cùng. Đấy là những bước di chuyển cơ bản. Tôi đã hoàn toàn thất bại khi hướng dẫn ông tung cú móc trái, còn dạy thu ngắn cú tay phải là chuyện của tương lai.

Wyndham Lewis đội chiếc mũ rộng màu đen, trông giống như một nhân vật trong khu phố, và ăn mặc giống như từ vở La Bohème bước ra. Khuôn mặt ông khiến ta liên tưởng đến một con ếch, không phải ễnh ương mà chỉ đơn giản là một loại ếch bình thường, và Paris này là một cái ao quá rộng đối với ông. Thời ấy chúng tôi tin rằng bất kì nhà văn hay họa sĩ nào cũng có thể mặc bất cứ thứ gì họ có và không có loại trang phục nào chung cho giới nghệ sĩ cả; nhưng Lewis ăn mặc như những họa sĩ thời trước chiến tranh. Thật bối rối khi trông thấy ông trông bộ dạng ấy, còn ông thì khinh khỉnh xem tôi né một cú ra đòn trái của Ezra hay khóa chúng bằng một cú ra găng phải.

Tôi muốn dừng đấu nhưng Lewis khăng khăng muốn chúng tôi tiếp tục, và tôi nhận ra không biết vì lí do gì nhưng rõ ràng ông đang trông chờ Ezra sẽ bị tơi tả. Không có gì xảy ra cả. Tôi không phản công mà chỉ buộc Ezra di chuyển sau khi gạt cú tay trái của ông và tung một vài cú tay phải, rồi tôi bảo kết thúc buổi tập và rửa ráy ở thùng nước, lau khô và khoác áo vào.

Chúng tôi uống linh tinh và tôi ngồi nghe Ezra và Lewis nói chuyện với nhau về người London và người Paris. Tôi nhìn Lewis, quan sát kín đáo như khi đang đấu bốc, và trong đời mình có lẽ tôi chưa từng thấy ai có ngoại hình trông kinh tởm như thế. Có những người gây cho ta cảm giác khó chịu không khác gì hình ảnh một con ngựa đua hảo hảng mang bầu đẻ con. Nhưng ít ra chúng còn có cái giá trị của cái chancre, của sự tàn tạ. Còn Lewis thì không gây cảm giác khó chịu, mà đơn giản ông trông thật kinh tởm.

Khi về nhà tôi cố nghĩ xem ở ông gợi nên hình ảnh gì và có rất nhiều thứ hiện lên. Tất cả đều liên quan đến y học trừ hình ảnh cứt đất kẹp giữa kẽ chân. Tôi thử phân tích chi tiết khuôn mặt ông và cố gắng mô tả nó nhưng chỉ có thể ghi nhận được đôi mắt. Dưới chiếc mũ đen, khi tôi lần đầu tiên trông thấy chúng, đấy chính là đôi mắt của một kẻ hiếp dâm bất thành.

“Hôm nay anh gặp một ông kinh nhất trên đời,” tôi nói với vợ.

“Tatie, đừng kể,” nàng nói. “Đừng kể chuyện ông ấy. Sắp ăn cơm rồi.”

Chừng một tuần sau, tôi gặp Miss Stein, tôi kể đã gặp Wyndham Lewis và hỏi bà đã từng gặp ông ấy chưa.

“Tôi gọi ông ấy là “Con Sâu Đo”,” bà nói. “Ông ấy từ London sang đây chơi, xem tranh, và lấy trong túi ra chiếc bút chì rồi di ngón tay lên đó để đo đạc tỉ lệ bức tranh. Ông quan sát, rồi đo, rồi nghiên cứu xem bức tranh đã được vẽ như thế nào. Rồi ông quay về London vẽ lại nhưng chẳng ra đâu vào đâu. Ông hoàn toàn không hiểu bức tranh nói gì.”

Thế là tôi nghĩ ông ấy như một Con Sâu Đo. Hình ảnh đó tử tế và phải đạo hơn những gì tôi liên tưởng về ông trong đầu. Về sau, tôi cố gắng thích ông và kết bạn với ông như tôi vẫn làm với hầu hết những người mà Ezra giới thiệu. Nhưng đấy là ấn tượng ông để lại trong tôi trong lần đầu gặp gỡ tại nhà Ezra.

Ezra là nhà văn tốt bụng nhất tôi từng biết và là người hoàn toàn vô vụ lợi. Ông giúp đỡ các nhà thơ, các họa sĩ, các nhà điêu khắc, những người viết văn, với những người ông tin, và với những người ông tin lẫn không tin thì một khi họ gặp khốn khó ông đều sẵn lòng giúp đỡ. Ông lo lắng cho mọi người, và vào thời điểm tôi gặp ông lần đầu, ông đang rất ưu tư về T. S. Eliot, người mà Ezra bảo đang làm cho một ngân hàng ở London và không đủ thời gian lẫn giờ giấc thuận tiện để hành nghề thi sĩ.

Ezra cùng với Miss Natalie Barney, một phụ nữ Mĩ giàu có và là mạnh thường quân nghệ thuật, lập ra một tổ chức có tên là Bel Esprit (Nghĩa đen là Trí tuệ đẹp). Trước thời điểm tôi xuất hiện, Miss Barney từng là bạn của Remy de Gourmont và mở salon văn nghệ tại nhà theo những ngày nhất định và dựng một ngôi đền Hi Lạp nhỏ phía sau vườn nhà. Có nhiều phụ nữ Pháp và Mĩ giàu có mở salon văn nghệ và tôi sớm nhận ra đấy là những nơi xuất chúng mà tôi cần phải tránh xa, nhưng tôi tin Miss Barney là người duy nhất có một ngôi đền Hi Lạp nhỏ đặt trong vườn.

Ezra đưa cho tôi xem cuốn giới thiệu về Bel Esprit có in hình ngôi đền Hi Lạp với sự chấp thuận của Miss Barney. Ý tưởng của tổ chức Bel Esprit là tất cả chúng tôi sẽ đóng góp một phần những gì kiếm được vào một quỹ nhằm giải thoát ngài Eliot ra khỏi ngân hàng và cho ông ấy tiền để làm thơ. Với tôi, đây có vẻ là một ý hay và sau khi chúng tôi giải thoát được ngài Eliot khỏi ngân hàng, Ezra sẽ vạch kế hoạch để chúng tôi cùng tiến lên lo liệu luôn cho tất cả những người khác.

Tôi làm mọi thứ hỗn loạn lên một chút vì cứ gọi Eliot là Major Eliot nhằm lẫn lộn ông với Major Douglas, người có những ý tưởng rất được Ezra hưởng ứng. Nhưng Ezra luôn hiểu rằng trái tim tôi luôn đặt đúng chỗ và tôi hết lòng hết dạ với Bel Esprit cho dù có lúc Ezra phát điên lên với tôi, khi tôi kêu gọi bạn bè góp quỹ để giải cứu ông Major Eliot khỏi ngân hàng và bị họ hỏi một Major thì có liên quan gì đến ngân hàng và nếu có bị quân đội xử chẳng lẽ ông không nhận được tiền hưu hay ít nhất là một khoản tiền bù đắp nào đó sao?(*)

(*) Ở đây Hemingway chơi chữ, tên riêng “Major” của nhà kinh tế học Major Douglas còn có nghĩa là “Thiếu tá”.

Trong những trường hợp như thế, tôi bảo với bạn bè rằng những chuyện ấy chẳng liên quan gì sất. Vấn đề là anh có tham gia Bel Esprit hay không. Nếu tham gia, anh phải đăng kí góp tiền để giải cứu cái ông Major ấy khỏi ngân hàng. Nếu không thì anh thật quá tệ. Họ có hiểu ý nghĩa của ngôi đền Hi Lạp nhỏ ấy không? Không ư? Tôi cho là thế. Tệ thật đấy bồ ạ. Giữ lấy tiền đi, chúng tôi cóc thèm động vào.

Là thành viên của Bel Esprit, tôi hăng hái vận động và giấc mơ mĩ mãn nhất của tôi trong tháng ngày ấy là được thấy ngài Major sải bước ra khỏi ngân hàng trong tư thế của một người tự do. Tôi không nhớ tổ chức Bel Esprit cuối cùng phá sản như thế nào nhưng tôi nghĩ có liên quan gì đấy tới việc xuất bản The Wastel Land, tập thơ đoạt giải Major the Dial, và không lâu sau đó, khi xuất hiện một quý bà vương giả bỏ tiền ra để Eliot thành lập tờ tạp chí The Criterion, Ezra và tôi không còn phải lo lắng cho ông ấy nữa. Ngôi đền Hi Lạp nhỏ có lẽ vẫn còn ở trong vườn. Tôi thì cứ mãi thất vọng trong lòng rằng chúng tôi đã không giải cứu ngài Major ra khỏi đời ngân hàng chỉ bằng tự lực của Bel Esprit, vì trong giấc mơ, tôi đã vẽ ra hình ảnh ông đến sống trong ngôi đền Hi Lạp nhỏ ấy và tôi sẽ cùng Ezra ghé qua để đội lên đầu ông vòng nguyệt quế. Tôi biết phải tìm loại nguyệt quế tốt nhất ở đâu để đạp xe đi thu gom chúng, và chúng tôi sẽ trao nó cho ông bất cứ khi nào ông thấy cô độc hay bất cứ khi nào Ezra biên tập được một bản thảo hay làm xong bản in thử của một tác phẩm kiệt xuất khác giống như The Waste Land. Cùng với bao điều xảy ra, tôi đã sụp đổ ghê gớm về tinh thần, bởi số tiền dành dụm để cứu ngài Major ra khỏi nhà băng tôi đã đem đến Enghien cược vào mấy con ngựa đua tiêm thuốc kích thích. Trong hai cuộc đua, những con ngựa tiêm chất kích thích mà tôi đặt cược đã cho bọn ngựa không tiêm chất kích thích hoặc tiêm chưa đủ đô phải ngửi bụi, ngoại trừ một trận, khi con ngựa yêu của tôi bị kích thích quá liều nên chưa vào đua đã hất tung anh nài ngựa rồi phi như tên bắn rồi hoàn thành đường đua vượt rào bằng những cú nhảy đẹp đến nỗi chính nó cũng chỉ đôi khi thực hiện được ở trong mơ. Bị tóm lại và xếp lại yên cương, chú ngựa bắt đầu cuộc đua một cách đạo mạo, như kiểu người Pháp vẫn nói, nhưng như thế thì miễn bàn đến chuyện tiền bạc.

Lẽ ra tôi sẽ vui hơn nếu số tiền đặt cược được dồn vào cái tổ chức Bel Esprit đã bị xóa sổ ấy. Nhưng với khối tiền thắng cược sinh sôi nảy nở kia tôi tự an ủi rằng đóng góp cho Bel Esprit như thế cũng đã là quá nhiều so với dự tính ban đầu.

Quảng cáo
Trước /16 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Dễ Dàng Đến Gần

Copyright © 2022 - MTruyện.net