Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Linh Phi Kinh
  3. Chương 4 : Linh Đạo Thạch Ngư 2
Trước /173 Sau

[Dịch] Linh Phi Kinh

Chương 4 : Linh Đạo Thạch Ngư 2

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Dịch giả: livan

Nguồn: https://linhphikinh.wordpress.com

Lạc Chi Dương đáp: "Vào buổi tối trước lúc ta nhập cung, nơi đây, Trương Thiên Ý đã giết không ít người!" Chu Vi "úi" một tiếng, cô giật mình, lại hỏi: "Đây là chỗ cái rạp hát mà chàng đã kể?" Lạc Chi Dương gật đầu: "Đúng thế!" Hắn xác định phương hướng, rồi đi dăm bước về mé đông nam, đến một góc tường, hắn ra hiệu Chu Vi tháo bảo kiếm, dùng nó đào đất, đào sâu đến ước chừng ba thước mà vẫn chưa thấy gì, Lạc Chi Dương phát sinh nghi hoặc: "Hay là Triệu Thế Hùng nói dóc, y lúc đó chết đến nơi rồi mà còn muốn đùa giỡn ta?"

Đang lúc nghĩ ngợi, nghe "choang" một tiếng, mũi kiếm chạm vào một thứ bằng sắt. Lạc Chi Dương rúng động trong lòng, hắn cấp tốc moi đất cát, thấy hiện ra một cái thùng, bên ngoài dùng vải dầu gói ghém chặt chẽ. Chu Vi đứng xem kế bên, cô cũng thấy tim đập nhanh hơn. Lạc Chi Dương nhắc cái thùng lên, mở hết vải dầu ra, thấy trong thùng chứa một cái hộp sắt vuông vắn dài cỡ hai thước, bên trên có khóa, Chu Vi đang định tìm chìa khóa, Lạc Chi Dương đã vung thanh kiếm đưa xuống một nhát, chặt đứt ổ khóa.

Hắn mở nắp, trong hộp chèn đầy chặt là những lụa mềm vàng chóa, moi hết lụa ra thì một con thạch ngư xám trắng đập mạnh vào ánh mắt hai người.

Khi xem kỹ, thạch ngư có hình dạng một con cá chép, dài ước một thước năm tấc, bề ngang ước tám tấc có thừa, mang cá, vẩy cá hoàn chỉnh, một đôi ngư nhãn ngơ ngáo không chút sinh khí. Cái kỳ lạ là bên trên hai mắt con cá, những vẩy đều chép những chữ nho nhỏ, tuồng chữ chân phương sắc nét. Lạc Chi Dương thuận miệng đọc thì thầm: "Sa kê, lực sa thức, sa hầu gia tịch lạm..." (ND: không thể phiên dịch những Hán tự này, xem xuống dưới sẽ rõ!). Chu Vi không nhẫn nại được, cô hỏi:" Chàng đang đọc cái gì thế?"

Lạc Chi Dương đưa thạch ngư cho cô, giải thích: "Bên trên mắt con cá có khắc chữ!" Chu Vi đón lấy, cô cầm xem, nghĩ ngợi một chút, đột nhiên cô cười, nói: "Lạc Chi Dương, chàng đọc vậy không đúng!"

Lạc Chi Dương đáp: "Sao lại không đúng, mấy chữ đó ta đều nhận biết tất cả mà!" Chu Vi lắc đầu: "Không phải đọc sai chữ, chỉ là cách đọc đó không đúng! Phải đọc như thế này này!". Cô dừng một chút, đọc nhỏ giọng, "Sa lực, sa thức, kê thức, sa tịch, sa hầu gia lạm, sĩ lực kiến, bàn thiệm, kê thức..."

Thanh âm véo von làm êm tai người nghe, Lạc Chi Dương không nhịn được, cắt ngang: "Sao ta nghe thấy là lạ, có chút đỉnh giống như ... giống như là..." Chu Vi mỉm cười: "Có phải giống như là một khúc hát không?" Lạc Chi Dương vỗ não môn, nói:" Không sai, thật sự giống như khúc hát!"

Chu Vi gật gật đầu, cô giảng giải: "Không có gì kỳ lạ đâu, đây quả là một nhạc phổ (ND: bản nhạc chép tay)!" Lạc Chi Dương ngơ ngác, hắn bật cười: "Nàng gạt ta, nhạc phổ, ta từng thấy qua cả ngàn, cả vạn, chả lẽ còn không nhận biết cái nhạc phổ này sao? Mười hai luật của Y Hoàng đế, rồi thì là Hoàng Chung, Lâm Chung, Thái Thốc, Nam Lữ, Cô Tẩy, Ứng Chung, Nhuy Tân, Đại Lữ, Di Tắc, Giáp Chung, Vô Xạ, Trọng Lữ (Chú thích của TG: tất cả là bình quân mười hai âm luật). Nếu đối chiếu theo thanh âm của ngũ hành, chính là Cung, Chủy, Thương, Vũ, Giốc, Biến Cung, và Biến Chủy (Chú thích cuả TG: giống như cách viết đơn giản hiện nay của nhạc phổ, dùng các con số 1,2,3,4,5,6,7)! Mấy cái Sát Kê, Sát Áp đó là cách viết âm luật ở đâu vậy?"

"Chẳng trách chàng không nhận ra được nó!" Chu Vi nhẹ thở ra, mắt cô chăm chú nhìn thạch ngư, hơi có dáng xuất thần, "Trên đời này, số người có thể nhận biết nhạc phổ này ít oi đến độ thiệt đáng thương, thiếp hiểu được cái lý bên trong, cũng nhờ nơi thập thất ca mà học hỏi được. Cái đó là nhạc phổ thì không phải sai, chẳng qua, đó không phải là nhạc của Trung Thổ thôi!"

Lạc Chi Dương lấy làm lạ: "Không phải của Trung Thổ, thì là của quốc gia nào?"

Chu Vi đáp: "Nhạc phổ này tên gọi Quy Tư* Hán phổ, nguồn gốc là nhạc cổ của xứ Quy Tư, từ khi nước Quy Tư diệt vong, chính nhạc phổ nước ấy cũng bị thất truyền, có điều, cái chưa thất truyền là nhờ các đại gia âm nhạc ngày trước đã chuyển chúng sang chính âm của Trung Hoa. Còn chưa nói, là Quy Tư Hán phổ này cùng nhạc phổ cổ xưa của Quy Tư lại có chỗ khác nhau, bản nhạc phổ cổ Quy Tư dùng ngay chữ viết của Quy Tư, bản này đem Quy Tư ngữ phiên âm ra giọng đọc Hán, rồi dùng Hán tự mà ghi vào đây, cho nên nhìn vào thì thấy toàn là chữ Hán không hà. Mà chữ viết trên con thạch ngư này lại không theo quy luật, chữ cao, chữ thấp, lên lên xuống xuống, xiên xiên thẳng thẳng, nếu không hiểu cổ Quy Tư phổ, căn bản sẽ không biết ngắt đoạn tại đâu, như thể lúc chàng vừa nhìn qua, mới đọc lên thì nghe rối rắm, có tận lực mở trơ trơ con mắt ra xem, cũng không thể nào nhận biết đây là nhạc phổ!"

Lạc Chi Dương vừa ngạc nhiên, vừa thán phục, hắn hỏi cô: "Nàng do đâu mà am hiểu những cái đó?"

"Cũng nhờ may mắn đúng lúc!" Chu Vi tủm tỉm cười, "Thập thất ca và thiếp đều say mê âm nhạc, huynh ấy là nam thân, xuất nhập cung đình so với thiếp thì dễ dàng hơn, huynh lại là phiên vương đại quốc, tiền tài dư dả. Huynh ấy chẳng những mê mệt sưu tầm nhạc khí thời cổ, mà còn say mê tom góp nhạc phổ của thời đại xa xưa, cứ mỗi khi phát hiện cổ phổ, huynh đều thẳng tay chi tiền mua về, chẳng lâu chi cho lắm, đã tích tụ, chứa đầy ắp hai cái giá sách khổng lồ là những cổ phổ. Huynh biết thiếp cũng là đồng đạo, cho nên mỗi khi tìm được một quyển cổ phổ, thể nào cũng sao tặng thiếp một bản. Những cổ phổ đó, trong có chữ Khiết Đan, chữ Nữ Chân, chữ Tây Hạ, chữ Mông Cổ, lại còn có chữ của xứ Bát Tư Ba, mấy nhạc phổ đó đều không làm khó được bọn thiếp. Duy chỉ có một bản phổ thư, xưa đến nỗi giấy vàng ố, chỉ còn có mỗi một nửa, hai người bọn thiếp làm cách gì cũng không đọc ra cho được. Thập thất ca đem hỏi không biết bao nhiêu là nhạc sư giỏi, không một ai nhận biết cách tấu. Nhưng trang đầu của bản phổ đó có vẽ hình dạng một cây đàn tỳ bà, cho thấy quyển sách đó đích thực là một nhạc phổ xưa của xứ Quy Tư, do đó, thập thất ca nghi rằng giữa nó cùng người xứ Quy Tư ắt có liên quan. Thời nhà Đường toàn thịnh, âm nhạc Quy Tư tràn ngập Trung Thổ, nhưng khi nước đó diệt vong, Quy Tư ngữ cũng sớm thất truyền, bản nhạc phổ này khi phổ biến khắp nơi lại là bản Hán tự, thập thất ca nghiên cứu bao năm ròng mà chẳng thu hoạch được gì, mãi đến năm rồi, mới có một chuyển biến."

Lạc Chi Dương vội hỏi: "Tìm được người am hiểu khúc phổ đó à?" Chu Vi lắc đầu: "Không có đâu, nhưng 'hoàng thiên bất phụ khổ tâm nhân' (Trời xanh không phụ người có quyết tâm), thập thất ca tìm ra được một quyển sách. Quyển sách đó nguyên được giữ trong cung cấm nhà Mông Nguyên, khi Mông Cổ bị đánh lui, nó đã chuyển sang triều đình nhà Nguyên ở bên ngoài quan tái. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi mốt, đại tướng quân Lam Ngọc đại phá quân Nguyên tại Bộ Ngư Nhân hải, thu hoạch khả quan, ngoài vàng bạc châu báu, còn có một đống thư liệu. Khi tướng quân ban sư, phần lớn thư liệu đều giao cho triều đình quản lý, chẳng hiểu nguyên do vì đâu, ông ta lén giữ lại một số, trong đó có một quyển quái thư, từ bìa bọc sách đến những trang bên trong, toàn là một kiểu Quy Tư Hán phổ này, vì ông ta không thể đọc hiểu, Lam Ngọc cho rằng nó tàng chứa một bí mật gì đó. Ông ta vốn là tay võ biền, nên đã không dụng tâm nghiên cứu, chỉ giấu giấu giếm giếm nó ở chỗ bí mật trong phủ đệ. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi sáu, Lam Ngọc mưu phản thất bại, toàn gia bị tru diệt, nhà cửa bị tịch biên. Khéo cái là thập thất ca có tham dự vào việc xử án, do đó tìm ra được bản phổ thư nọ. Huynh ấy như tìm được của quý, đem về nhà nghiên cứu, bất ngờ, bên trong bìa bọc sách, huynh phát hiện một tờ giấy, trong đó chỉ dẫn rõ ràng cách thức phiên dịch Quy Tư Hán phổ. Việc này vốn là một mối thắc mắc to lớn trong lòng hai chúng thiếp, huynh ấy lập tức ngay trong đêm, đem đưa thiếp xem. Thành ra, thiếp vừa trông qua chữ trên con cá đó, lập tức nhận biết ngay!"

Lạc Chi Dương vội hỏi: "Nhưng phiên dịch như thế nào?"

*: Quy Tư là một trong những cường quốc phương Tây, thời Trung Quốc xa xưa.

Tay chân Chu Vi buốt giá, nghe rẻng một cái, cô rút trường kiếm, sắc giọng quát: "Lạc Chi Dương, chàng chạy trốn trước đi!" Lạc Chi Dương trợn mắt, lớn tiếng trả lời: "Trốn làm gì?" Hắn thò tay, nắm thật chặt tay Chu Vi. Cô gái trông sang, thấy hắn cười cười, sắc mặt không chút hãi sợ, cô tức thì trong lòng lại vừa cảm giác ngọt ngào, vừa lo âu, hận không có phép thần đem đưa hắn tức tốc tránh đi thật xa khỏi nơi này.

Vốn Trương Thiên Ý không đành lòng nhìn Lãnh Huyền đoạt Linh Đạo thạch ngư, y biết Lạc Chi Dương nói dối, thạch ngư tất không có trong Tử Cấm thành, sớm, muộn, Lãnh Huyền cũng phải xuất cung đi lấy thạch ngư, nên y một mặt gọi Đông Đảo tam tôn đến chực sẵn tại kinh thành, một mặt y rình rập tại những vùng quanh Tử Cấm thành. Vừa thấy Lãnh Huyền rời cung, y lập tức dùng bồ câu đưa tin, thông báo ba tôn, dẫn dụ cho hai bên đại chiến một hồi, tự y nấp nánh một bên, tính trò 'ngao cò tương tranh, ngư ông đắc lợi'. Khi y thấy bọn Lạc Chi Dương hai người nhảy ra khỏi trà lâu, ban sơ, y định quơ tay một phát tóm cổ cả hai, nhưng y chợt đổi ý, chi bằng tương kế tựu kế, trước hết để bọn họ lấy đến thạch ngư, rồi chính mình sẽ ra tay cướp đoạt.

Nghĩ vậy, y nấp nánh bám đuôi hai người đến tận khi Lạc Chi Dương đào được thạch ngư. Những văn tự trên thạch ngư, mấy năm về trước, Trương Thiên Ý đã từng thấy qua, nhưng y không biết văn tự đó nói gì, bây giờ, nghe hai người bàn thảo, y tò mò, trốn vào một bên lắng nghe. Hiểu được nguồn gốc văn tự từ miệng Chu Vi, lúc đầu, y phát sốt phát rét, nhưng cuối cùng, đó lại chỉ là một nhạc phổ, y thất vọng, y tiu nghỉu, rốt lại, không nhẫn nại được nữa, y bèn nhảy ra, đến đoạt ngư giết người.

Giờ đây, nom bộ tịch hai người, Trương Thiên Ý cười rộ, y nói: "Thì ra lại là một đôi uyên ương thề nguyền đồng sinh cộng tử, tuổi tuy nho nhỏ, nhưng rất nặng tình nặng nghĩa với nhau. Thôi được rồi, dựa vào cái điểm tình nghĩa này, ta tặng các ngươi một chuyến cùng nhau vui thú tuyệt vời!" Chu Vi muốn mở miệng phản bác, nhưng mồm miệng đắng nghét, đột nhiên cô buông Lạc Chi Dương, tay nắm kiếm quyết, mặt ngu ngơ, chân đứng vào thế .

"Dịch Tinh Kiếm?", mặt Trương Thiên Ý đằng đằng sát khí, "Ngươi cũng là đệ tử của Tịch Ứng Chân? Hay lắm, một chuyến so gươm cùng Yến Vương vẫn coi như chưa trọn, tiện đây, mình cũng nên tiếp tục cho xong!" Dứt lời, y rút kiếm xông lên. Thanh nhuyễn kiếm y đã bỏ lại Tử Cấm thành, kiếm này y vưà tậu, tuy không tốt bằng nhuyễn kiếm, nhưng dùng đối phó đôi thiếu niên nam nữ này, tà tà cũng đủ xài.

Chu Vi từ khi học xong kiếm thuật, cô chưa từng đụng độ cao thủ chân chính, nay vừa thấy Trương Thiên Ý rút gươm, bất giác cô phát run, cô cập rập, miệng nói không ra tiếng, lòng thầm nhẩm kiếm quyết "Dịch Tinh Kiếm", môi mím chặt, mắt nhìn chằm chằm vào đối thủ, mường tượng trông cô có chút ngây ngây.

Trương Thiên Ý từng trải trăm trận chiến, nhìn bộ dạng Chu Vi, y biết ngay cô này là tay mơ, bụng cười thầm, y đang định ra tay, chợt nghe Lạc Chi Dương la lớn: "Khoan đã!"

Đảo mắt nhìn qua, tiểu tử nọ không biết đã kiếm ở đâu được một tảng đá to, hắn ôm nó, nhắm đúng vào Linh Đạo thạch ngư, miệng hỏi lớn: "Trương Thiên Ý, ngươi muốn lấy cá sống hay lấy cá chết?"

Trương Thiên Ý trong lòng trầm xuống, y cười gằn, hỏi: "Cá sống là sao? Cá chết là sao?" Lạc Chi Dương cười cười: "Cá sống chính là một con còn nguyên vẹn, cá chết là một đống đá vụn, nếu ngươi động thủ, ta đập tan con thạch ngư này liền, rồi hai bên quần thảo, tử chiến đến cùng!"

Nghe hắn nói vậy, thù mới hận cũ cùng lúc sục sôi, Trương Thiên Ý trợn mắt nhướng mày, y thét to: "Tiểu súc sinh, mi định bịp ta chăng? Chuyện gạt ta nhập cung, ta còn chưa tính sổ với mi, bữa nay ta mà không băm vằm mi ra, ta hổng phải mang họ Trương!" Lạc Chi Dương chộp ngay câu đó liền: "Không mang họ Trương thì mang họ Lạc càng hay, ta đang cần một thằng cháu chán đời đi bưng bô hầu hạ ta đi giải mỗi đêm!"

Trương Thiên Ý giận điên, Lạc Chi Dương lại bất kể chết sống, hắn tiếp tục, "Ngươi làm thằng cháu chán đời cho ta thì cái tên cũng phải thay đổi đi cho hợp, hai chữ Thiên Ý hổng hay, nghe qua tưởng chừng có ý tạo phản, ờ .., gọi bằng tên Vượng Tài đi, nghe vừa thân thiết, lại vừa tốt lành, Trương Thiên Ý, à không, Lạc Vượng Tài, ngươi thấy như vậy được không?"

Hắn chết đến nơi mà còn dám chọc ghẹo đối thủ, Trương Thiên Ý giận dữ tới độ muốn cười, y nghiến răng, nói: "Tiểu súc sinh, mi đoán thử xem, nhát kiếm thứ nhất, ta sẽ cắt cái gì trước trên người mi?" Lạc Chi Dương cười cười: "Đương nhiên là cắt cái đầu lưỡi của ông nội ngươi." Trương Thiên Ý bị hắn nói trúng tủ, y nhất thời không thể phản bác, đành cắn răng, cười nhạt, lại còn nghe Lạc Chi Dương nói tiếp: "Thế nào? Lạc Vượng Tài, ngươi còn muốn thạch ngư nữa hay thôi? Nếu muốn thạch ngư, hãy rút kiếm về, rồi ngoan ngoãn để cho ông nội, bà nội ngươi ra đi!"

Chu Vi đang quýnh quáng, nghe hắn nói thế, cô thấy khó hiểu: "Ai là ông nội, bà nội?" Lạc Chi Dương cười, đáp: "Ta ông nội hắn, nàng dĩ nhiên là bà nội hắn." Chu Vi vừa thẹn vừa bực: "Nói tầm xàm, ai ... ai mà làm bà nội hắn!" Lạc Chi Dương vẫn cứ cười, hắn dòm vào Trương Thiên Ý, hỏi: "Sao, đem hai mạng đổi lấy một cái thạch ngư, coi bộ ngươi cũng không thua thiệt gì lắm!"

Sắc mặt Trương Thiên Ý tái xanh, y nghĩ bụng, con gái của Chu Nguyên Chương còm tạm được đi, cái mạng hèn mọn của thằng tiểu súc sinh nhà mi thiệt không đáng một cái vẩy cá, trong lòng y nổi hung, ngoài miệng lại nói: "Được rồi, mi đem thạch ngư lại đây đưa cho ta, ta thả hai đứa liền."

"Tính lừa gạt ai vậy?", Lạc Chi Dương cử cao hòn đá, "Tụi mình ra khỏi rạp hát, đến đường cái, ta sẽ đưa cho ngươi!". Hắn vừa nói, vưà thầm tính: "Ra đến đường cái, chẳng lẽ không đụng đầu Lãnh Huyền, Trương Thiên Ý trông thấy lão thái giám, nhất định y co giò, nín rắm mà chạy."

Trương Thiên Ý trầm trầm suy nghĩ, đột nhiên gật đầu nói: "Cũng được, cứ vậy mà làm!" Lạc Chi Dương nghĩ, đâu có mà dễ dàng như vậy, hắn một tay ôm thạch ngư, một tay giữ chặt tảng đá, cười nói: "Tốt lắm, bọn ta đi ra cửa chính trước, ngươi ra sau!" Trương Thiên Ý cười cười, bỗng y giơ tay, thét lớn: "Xem châm!"

Chu Vi hốt hoảng, theo bản năng, cô cử kiếm phòng thủ, chẳng ngờ Trương Thiên Ý dương đông kích tây, một luồng gió ào ào tới, kiếm quang loe lóe, nhắm thẳng cổ họng Lạc Chi Dương. Chu Vi quên phòng thủ riêng mình, cô quài ngược tay đánh ra một kiếm, không ngờ đòn đó của Trương Thiên Ý lại là hư chiêu, hắn xoay gươm, nhắm cổ tay Lạc Chi Dương, ý định đánh rớt thạch ngư khỏi tay hắn.

Chu Vi đặt hết tinh thần vào mũi kiếm, cô không kịp suy nghĩ, kiếm phong theo đà tay mà xuống, chỉ nghe "Đinh đinh đinh" một tràng, hai người nhanh như vũ bão, đã trao đổi sáu chiêu kiếm.

Trương Thiên Ý chợt hẫng, y đánh bừa bãi liên tiếp hai chiêu, cũng chỉ vì tình thế bắt buộc, y không ngờ Chu Vi ra tay sau mà kiếm cô lại đến trước, hoàn toàn có thể chiếm tiên cơ mà đánh bạt trường kiếm trong tay y. Thay đổi cách đánh, Trương Thiên Ý phóng tay tấn công, y dự tính chỉ cần dăm ba chiêu là đủ để công phá làn kiếm của Chu Vi, nhưng ngày nọ, y bị trúng Lãnh Huyền một đòn, nội thương vẫn chưa khỏi hẳn, sau một vòng sử kiếm quá nhanh, lòng ngực râm ran phát đau, y sợ làm nặng thêm nội thương, đành phải nhẹ lách ra, mắt nhìn chằm chằm vào Chu Vi, đầy vẻ kinh ngạc.

Chu Vi đứng đó, cánh tay rần rần tê lặng, đầu óc rỗng không, cô chẳng hiểu do đâu sáu chiêu kiếm vừa qua của mình đã được sử xuất liên tục như thế.

Lạc Chi Dương cũng toát mồ hôi lạnh, hắn cả giận: "Trương Thiên Ý, bộ ngươi không cần thạch ngư nưã sao?"

Trương Thiên Ý "hừ" một tiếng, y lãnh đạm nói: "Chẳng phải vừa nói đấy thôi, văn tự trên thạch ngư bất quá là nhạc phổ, hừm, nhạc phổ, ta lấy nó dùng vào việc gì?"

Lạc Chi Dương vốn do tình hình khẩn cấp mà ứng biến, hắn định đem thạch ngư làm vật thế mạng, hoàn toàn không nghĩ tới sự thể còn xoay chuyển kiểu đó, trong giây phút, hắn bất giác ngây người. Trương Thiên Ý điều hòa xong hơi thở, y vung gươm xông vào. Sau một thoáng ổn định tâm thần, Chu Vi cho rằng, vừa rồi cô đã liên tiếp phá giải những chiêu kiếm tàn độc của đối phương, rõ ràng kiếm pháp học được từ sư phụ thực sự hết sức cao minh, nghĩ như vậy, cô thêm tự tin, qua lại thêm dăm chiêu nữa, cái tinh diệu bên trong của Dịch Tinh Kiếm dần dần hiển lộ ra.

Hai người di chuyển nhanh như chớp giật, kiếm quang loa lóa xoay quanh, hệt như hai con rắn phi xà phun nọc thành tia chớp, mũi kiếm họ vừa chạm nhau đã tách rời ra. Trương Thiên Ý càng đấu càng hãi, y nghĩ bụng, tiểu cô nương này tuổi tác chẳng bao nhiêu, học được dăm chiêu kiếm của Thái Hạo cốc, lại có thể đương đầu với mình, có công, có thủ, xem chừng công trình mình bấy nhiêu năm đeo đuổi kiếm đạo coi như sổ toẹt.

Trong lòng quýnh quáng, y bất chấp nội thương, dồn nội kình vào thanh gươm, uốn lưỡi kiếm cong vòng lại như cánh cung, đem xoắn vào lưỡi gươm của Chu Vi, miệng y trầm giọng quát: "Buông tay!", lập tức hổ khẩu Chu Vi đau rát, thanh gươm vuột khỏi tay cô.

Trương Thiên Ý cậy nội lực thâm hậu, y giật được trường kiếm của đối thủ xong, không chút dung tình, y đâm mạnh, kiếm quang lóe lên, nhắm ngay vào vùng tim Chu Vi.

Lạc Chi Dương thấy thế, y gấp gáp nâng hòn đá, lấy hết sức ném mạnh nó vào Trương Thiên Ý. Gã này tuy không chút e ngại, nhưng chẳng muốn bị ném trúng, nên y huy chưởng quét tới, đánh văng hòn đá ra xa, cùng lúc, Chu Vi đã lăn mình một vòng tránh lưỡi gươm, cô toan đứng dậy, Trương Thiên Ý đã xông vào, hươi kiêm đâm đúng mặt cô.

"Trúng!", quẫn bách quá sức, Lạc Chi Dương đem luôn con thạch ngư trong tay ném ra, Trương Thiên Ý đang định xuất chưởng gạt đi, y nhìn ra thạch ngư, bèn đổi chưởng thành trảo, thò tay chộp con cá, đồng lúc, y thấy Chu Vi xoay người đứng lên, tính chạy ra thật xa, y lập tức cười gằn một tiếng, dùng trường kiếm trong tay như một phi tiễn, nhắm đúng vào hậu tâm của cô, định phóng tới.

Mắt thấy thanh kiếm nọ sắp bay ra găm thân mình Chu Vi xuống đất, y cảm giác có tiếng xé gió bên cạnh, giống như ám khí đang đánh vào, Trương Thiên Ý không khỏi mắng thầm: "Tiểu tử muốn chết!" Y còn đang tưởng đó là đá do Lạc Chi Dương ném, tay phải giữ nhuyễn kiếm, y thò tay trái ra chụp lấy cục đá, chẳng dè, lúc nắm được vào tay, y thấy nó mềm mềm, nhao nhão, từ bên trong vật đó một luồng nội kình xuyên qua lòng bàn tay y mà đột kích nội thể. Trương Thiên Ý cậy khỏe khinh địch, lập tức toàn thân y phát lãnh, luồng kình khí di chuyển xeo xéo về mé trái, làm cho cái tay đang cầm trường kiếm là tay phải cũng như bị một cú đánh thật mạnh, thanh kiếm vuột khỏi tay y, bay vút lên cao, rồi rơi xuống cắm phập vào đất, sát bên mình Chu Vi.

Chu Vi cảm giác kiếm phong táp vào, toàn thân cô phát rét, không chút nghĩ ngợi, cô sử ngay thân pháp sư môn, dùng cả tay lẫn chân đẩy mạnh thân mình bốc lên, lúc cô đứng thẳng được người, thanh gươm từng bị đối thủ giật mất cũng đã về được trở lại vào tay.

Cô đảo mắt trông lại, thấy đàng xa, Trương Thiên Ý đang chú mắt ngó vào một khối đất sét trong lòng bàn tay, dáng xuất thần. Còn đang chưa hiểu, cô chợt nghe có tiếng cười ha hả, lúc cô giương mắt lên nhìn, thấy nơi đầu tường có một người đang đứng ở đấy, quần áo xúng xính, đầu tóc bạc trắng, trong hai tay là một khối đất sứ trắng bị nhào lên nặn xuống, mắt lúng liếng cười cùng cô.

"Bà má!", Chu Vi buột miệng kêu lên, kinh ngạc. Thì ra, người đó đúng là bà lão nắn tượng sứ, thời khắc này, bà như đã thay da đổi thịt, đĩnh đạc thẳng lưng, thần thái sáng rỡ, bà đứng nơi đỉnh cao của gờ tường, dáng vẻ một con phượng hoàng lẻ bầy, đơn độc.

Bà lão cười cười với Chu Vi xong, bà lại hướng ánh mắt sang Trương Thiên Ý: "Túc hạ thủ đoạn quá sức độc ác, đến ngay một tiểu hài tử mà cũng không buông tha sao?" Trương Thiên Ý nhướng mày, lạnh lùng nói: "Ngươi là ai, Trương mỗ làm cái gì kệ mỗ, việc gì đến ngươi mà xen vô thiên hạ sự?"

Tay bà lão không ngừng vo nặn đất sứ, miệng mỉm cười, bà nói :"Nói đúng quá, lão đây hổng thích làm gì khác, chỉ ưa xen vô chuyện thiên hạ!". Bà bỗng vung tay, phóng một luồng ánh sáng trắng nhắm thẳng vô ngực Trương Thiên Ý.

Trương Thiên Ý đã nếm qua một lần nên hiểu, cục đất sứ tàng chứa nội kình cổ quái, cho nên y không dám đón đỡ, y vung kiếm quét ra, đánh vô cục đất sứ đang bay tới. Chỉ nghe 'bịch' một tiếng, hổ khẩu y nóng rực, trường kiếm suýt rời khỏi tay, y giương mắt lên nhìn, bà lão đã rời đầu tường mà nhảy xuống đất, thong thả bước tới, khối đất sứ trong tay bà chợt dẹt, chợt tròn, hệt như một khối bột người ta nặn làm bánh.

Trương Thiên Ý quát lớn một tiếng, vung gươm chém ra. Bà lão chớp chớp mi mắt một nét cười, hai tay bà chập lại, đưa vô trong, khối đất sét đột nhiên thay đổi hình dạng, biến thành một cây nhuyễn côn dài chừng một trượng, bà quay nó một vòng, tạo một trận cuồng phong, nghe 'bộp' một tiếng, đã đập bằng bặn vào thân kiém của Trương Thiên Ý.

Bà vẫy ra một chiêu thức ngoài dự đoán của mọi người, đã thấy thanh kiếm của Trương Thiên Ý tạt hẳn ra, y kinh hãi, cuống quýt tựa người trượt theo đà đi của kiếm, chẳng dè, chỗ đất sét dính vô kiếm cũng chứa một cỗ nội lực liên miên không dứt, trong lúc vội vàng, y tất nhiên không sao tránh thoát khỏi, y còn đang hãi hùng, đầu kia của nhuyễn côn đã giáng vô như sấm sét, trường kiếm của Trương Thiên Ý đang bị chế ngự, nó chịu không thấu lực đánh vô, đã chúc đầu xuống dưới, y còn đang ngần ngừ, cây nhuyễn côn đã vung lên đập đánh 'chát' một cái vào phía trên gò má bên trái.

Nhát nhuyễn côn đó khí thế mạnh mẽ, Trương Thiên Ý thiếu chút nữa là ngất xỉu, Y gặp nguy không loạn, vận nội kình lên tay đánh bạt luồng kình khí miên man kia ra, chờ cho kình khí đó dứt, y thu nhanh kình khí về, ra sức giựt lại trường kiếm, rồi tận lực vọt về mé sau, y chỉ thấy nửa đầu tê cứng, mất cảm giác, trong mồm lợn cợn như có vật lạ, y hả miệng khạc, thấy hai cái răng nanh theo máu mà phun ra.

Trương Thiên Ý trong lòng thật kinh hãi, y thầm nghĩ: Nếu mình không có thần công hộ thể, nhát côn đó đã đập vỡ toang nửa đầu. Y lại trông sang bà lão, nét cười vẫn mê mê, cây nhuyễn côn trong tay đã biến về lại thành một khối đất sứ trắng, đang được bà ta nhào nặn. Trương Thiên Ý hồi tưởng tình cảnh vừa qua, y lại nhìn kỹ dung mạo bà lão, y máy động trong đầu, buột miệng kêu lên: "Ngươi, ngươi là người đến từ phía tây?"

"Phía tây?", bà lão cười dài, quan sát hắn, "Là từ nơi nào phía tây?"

Trương Thiên Ý cả giận: "Ngoài núi Côn Luân, còn có chỗ nào khác?" Bà lão liếc hắn một cái, gật đầu: "Coi như ngươi có chút hiểu biết, món Phi Ảnh Thần Kiếm của ngươi được chân truyền từ nhà họ Vân. Phi Ảnh tứ kiếm, Kính Hoa (hoa trong gương), Thủy Nguyệt (Trăng dưới nước), Mộng Điệp (Bướm trong mộng), Không Huyễn (Hư ảo của đạo Không), tuổi tác ngươi lớn trộng như vậy, sao mà vẫn cứ còn lẩn quẩn trong cảnh giới thứ nhất hoài vậy?"

Mặt Trương Thiên Ý xịu xuống, nóng hực. Y là đệ tử chân truyền của đảo vương Vân Hư, tiếc thay, vì tính tình gian ác, đầu óc hẹp hòi, trên con đường Kiếm Đạo, tu vi y chỉ đạt đến "Kính Hoa kiếm", ba môn kia, y đã không thể tiến lên thêm được bước nào. Vì lý do đó, y mới cố tâm tìm kiếm Linh Đạo thạch ngư, muốn dựa vào kiến thức mới ở trong đó mà đột phá qua cửa ải kia.

Bà lão chỉ ra đúng cái chỗ đau khổ của y, Trương Thiên Ý nổi đóa, y la lớn: "Người đến từ phía tây thì đã là cái quái gì? Mau xưng tên họ ra đi, kiếm của Trương mỗ là không giết hạng vô danh!"

Bà lão cười cười: "Ta họ Thu!"

Rồi bà im luôn. Trương Thiên Ý hai mắt trợn ngược, y thất thanh, kêu lên: "Ngươi, ngươi là Địa Mẫu Thu Đào!"

Bà lão gật đầu: "Ta không nghĩ còn có người nhớ đến họ tên của ta!"

Trương Thiên Ý trong lòng lo âu. Người kia đứng đầu một bộ, chính mình nếu chưa bị thương, có lẽ còn đương đầu được phần nào, hiện giờ, nội thương chưa lành, giao đấu cùng bà ta thật sự là hiểm nghèo. Nhưng tên đã đặt lên dây cung rồi, không thể không phát, y đành cắn răng, đem thạch ngư nhét vào trong bọc, tay khẽ rung trường kiếm, y cười gằn tiếng, nói: "Đông đảo Trương Thiên Ý thỉnh giáo Địa Mẫu cao chiêu!"

Thu Đào nêu tên họ với ý muốn cho y biết khó mà lui, ai ngờ tên này tính tình khờ dại, quyết gắng gượng đâm đầu chống đối đến cùng, bà chẳng ngăn được tiếng thở dài: "Nói thật hay, thật hay!"

Trương Thiên Ý vào thế xong, y đứng yên, không xuất thủ; Thu Đào chỉ nhào nặn đất sét, mắt cũng không để vào y. Lạc Chi Dương cùng Chu Vi đứng quan chiến, cả hai trong lòng đều hồi hộp, Lạc Chi Dương giật giật ống tay áo Chu Vi, ý bảo cô thừa dịp mà chạy trốn, Chu Vi lại nhè nhẹ lắc đầu, cô cầm vững trường kiếm, đứng thẳng người, bất động. Lạc Chi Dương xoay chuyển ý niệm, hắn hiểu ngay, là Thu Đào vì hai người mà can thiệp, nếu bỏ chạy như vậy, chưa hẳn vì quá sức vô nghĩa khí, mà do kiếm thuật Chu Vi không tồi, khi cần tiếp tay, cô vẫn có thể trợ lực bà, còn chính hắn mà cứ ngơ ngáo ở đây, rõ là một cái hình nhân trời sinh ra cho người ta luyện kiếm.

Chính mắt hắn chứng kiến những vụ Trương Thiên Ý giết người, nên rất hãi sợ y, chưa kể hiện tại, trở về chốn cũ là rạp hát, nơi y đã giết quá nhiều người, thể nào cũng sẽ có không ít oan hồn lệ quỷ. Ý này vừa đến trong đầu, hắn nghe lạnh sống lưng, khi đảo mắt một vòng chung quanh, thấy tĩnh lặng, không người, thì mới thoáng yên lòng, hắn nghĩ bụng, những người chết ở đây đều là nạn nhân của quỷ đòi nợ, giả dụ có trở thành hồn ma về quấy phá, cũng chỉ nên tìm Trương Thiên Ý mà quấy, mà làm cho thanh kiếm của tên này bắn vụt lên trời giữa lúc y giao tranh, khiến y không còn kiếm mà chống đỡ, cho y ăn đòn tơi bời hoa lá.

Còn đang rủa xả y, hắn nghe Trương Thiên Ý thét nhỏ một tiếng, trường kiếm của y phá không, xoẹt xoẹt xoẹt một hơi sáu nhát kiếm. Thu Đào vẫn chẳng ngẩng đầu, thân mình bà uốn lượn dẻo như nhành liễu, bà nhẹ nhàng tránh né, nhìn eo lưng bà uyển chuyển mềm mại, nhìn cước bộ bà thoắt ẩn, thoắt hiện, trông bà chả có nét gì giống một bà lão ngoài năm mươi hết. Khối đất sứ trong tay bà cứ im ỉm mà biến hóa, khi thì là một nhuyễn côn có dạng một linh xà, đánh đầu thì đuôi ứng, đánh đuôi thì đầu ứng, uốn uốn lượn lượn, vụt tới, quật lui những đường côn chất chứa đầy bất ngờ khác thường. Có lúc thì đầu côn bất động trong tư thế sẵn sàng, đuôi côn lại vụt ra như sấm bủa chớp giật, nhanh tới mức không sao thấy rõ hình dạng, có khi đuôi côn bất động như đuôi rắn đang cuộn tròn, để đầu côn mổ ngang mổ dọc nhanh tựa sấm chớp.

Trương Thiên Ý hết sức kiêng dè nội kình tàng ẩn trong đất sứ, trường kiếm một nhát vừa đánh ra đã phải vội vàng chuyển hướng, không dám để thân gươm va chạm vào nhuyễn côn kia.

Bà lão từng bước từng bước ép vào, bà rót chân khí vào đất sứ, khiến biến hóa của khối đất sứ đó càng đa dạng, chợt là một cây hoa thương trắng, một thoáng sau, đã trờ thành một thanh nhuyễn kiếm trắng toát. Trương Thiên Ý thấy bà sử kiếm, y thầm cười nhạt, tự hỏi, bà già này múa búa trước cửa Lỗ Ban, dám đấu kiếm với mình, há chẳng phải tự bà muốn chuốc nhục. Y còn đang vội ngưng thần sách chiêu, chẳrng dè nhuyễn kiếm bà lão chợt căng dài ra, nó hóa thành một quả lưu tinh phi chuỳ, là một quả đất sứ trắng giống một quả dưa xé gió bay ra, kéo theo sau nó một sợi xích rõ dài. Cái lạ ở chỗ xích nọ mềm dẻo, không đứt khúc, kiểu như có giấu một sợi dây thừng bên trong.

Biến hóa đó hết sức bất ngờ, Trương Thiên Ý không kịp xoay xở, khối đất sứ đã vòng vèo quay ngược trở về, nện một đập vô ngực y. Trương Thiên Ý lập tức nhức nhối nơi ngực, một búng máu trào ngược lên cuống họng, y ra sức nén mạnh nó xuống, tay vung gươm cắt đứt sợi xích, ai ngờ đất sứ co rút quá sức nhanh, kiếm phong lướt qua, thấy hiện ra ba cục to nhỏ cỡ nắm tay, y trố mắt nhìn lại, toàn bộ đất sứ đã trở về tay bà lão, chúng bỗng hóa thành cây báo vĩ nhuyễn côn (côn đuôi beo), đang múa chậm chạp bỗng tăng tốc, nhắm vụt vô đỉnh đầu y.

Trương Thiên Ý ra sức nhảy nhót, y né tránh được cái đầu, bả vai chưa kịp đổi chỗ, đã lãnh nguyên một côn, lần này y đau thấu xương tủy, Trương Thiên Ý rốt cuộc không nén nổi nữa, y há miệng khạc ra một búng máu tươi. Thấy y hộc máu, Thu Đào hơi sựng, bà buột miệng kêu lên: "Úi ... ngươi bị thương từ trước à?"

Trương Thiên Ý thầm hiểu, còn nấn ná nơi đây, ắt sẽ chết chẳng sai, trong nguy cấp, tay y máy động, châm Dạ Vũ đã vào đến đầu ngón tay. Sau trận chiến nơi Tử Cấm thành, số lượng châm còn sót lại không nhiều, cho nên, không phải gặp nguy nan cùng cực, y quyết không khinh xuất phát ra. Bằng không, Chu Vi, Lạc Chi Dương đã sớm lãnh ngón độc thủ nọ, e rằng hồn phách cả hai giờ đang chu du địa phủ.

Trường kiếm bên tay phải y chém hờ một nhát, Thu Đào huy côn ngăn chặn, tay trái Trương Thiên Ý bỗng vung cao, đem một chùm mưa kim châm bắn nhanh vô đối thủ. Chu Vi đang quan chiến, cô thấy thế, ruột gan bỗng thót lại. nhưng nói thì chậm, diễn biến lại nhanh, đất sứ trong tay Thu Đào máy động, vụt nở to ra, giống như một tấm khiên, kim châm xoẹt xoẹt bắn vào đất sứ, đều đã ghim chặt vào đấy.

Trương Thiên Ý cũng không cần nhìn kết quả, châm vừa phát ra, thân mình y gấp rút thụt lùi ra sau, một chớp mắt, y đã tiếp cận Chu Vi. Chu Vi đang mải lo yên nguy của Thu Đào, cô lảng quên chuyện phòng vệ bản thân, khi Trương Thiên Ý vào gần, cô mới kinh hoàng, mắt thấy kiếm quang táp vào mặt, theo bản năng, cô nhảy nhanh về phía sau, hai chân còn chưa tiếp đất, tai vụt nghe Lạc Chi Dương hét thảm một tiếng.

Chu Vi nghe được, cô rùng mình, mặt không còn chút máu, khi nhìn kỹ lại, cô thấy Lạc Chi Dương lè lưỡi, lòi mắt, hắn đang bị Trương Thiên Ý kẹp cổ, lôi hắn ra xa.

Thì ra Trương Thiên Ý tấn công Chu Vi là giả, y trước sau sử hai hư chiêu, toàn nhắm vào chế trụ Lạc Chi Dương. Chỉ vì trong phe đối phương, Lạc Chi Dương là dễ đối phó nhất, cho nên y trước buộc Thu Đào đưa tấm khiên ra phòng vệ kim châm, rồi sau đó, y tung một kiếm vào Chu Vi, đẩy cô lui ra, tách rời cô khỏi Lạc Chi Dương xong, Trương Thiên Ý nhẹ nhàng một trảo, đã tóm ngay lấy hắn.

Thu Đào thu hồi tấm khiên, như trước đó, bà biến hóa đất sứ thành nhuyễn côn, lần này, nội kình đã vun vút đẩy mạnh kim châm ra đầu côn, kết quả, bà đích xác có được một cây lang nha bổng (gậy răng sói). Dù có món binh khí sắc nhọn trong tay, Thu Đào cũng vẫn ngần ngừ, bà dõi ánh mắt linh động vào Trương Thiên Ý, trong khi Chu Vi mặt xám như tro tàn, thân mình run cầm cập, chừng như một cú hích nhẹ cũng đủ làm cô té nhào.

"Trương mỗ bội phục thần công của Địa Mẫu!", y ho khan hai tiếng, một gợn máu nhỏ ứa ra từ bên mép, "Nhưng theo ta chỗ ta biết, quý bộ lấy từ bi làm đầu, quyết không lạm sát người vô tội, Địa Mẫu nương nương thân là bộ chủ, ta nghĩ cũng sẽ không ngoại lệ!"

Thu Đào nhíu mày không nói, Trương Thiên Ý vừa nói vừa lui dần đến góc tường. Chu Vi rốt cuộc không kìm được nữa, cô tung mình phóng tới, hươi kiếm đâm Trương Thiên Ý, tên này cười cười, y nắm chặt lưng áo Lạc Chi Dương, đun qua đẩy lại, bất kể đường gươm Chu Vi sử xuất ra sao, mũi kiếm thủy chung cứ chõ vào thiếu niên. Chu Vi một chiêu thất bại, cô không khỏi lo lắng, đôi mắt dần dần ửng đỏ, nhưng cô lại không muốn bỏ cuộc, cô nghiến răng, liều mạng vung kiếm, toàn nhắm tìm sơ hở ở mặt sau Trương Thiên Ý.

Tên này tay thì lanh lẹn đưa đẩy con tin, mi mắt không chớp, thủy chung cứ chăm chú vào Thu Đào. Nhưng y thấy bà lão có chút đăm chiêu, một ít đất sứ trong tay bà rơi xuống đất, rồi nó từ từ lăn dần đến y. Trương Thiên Ý trong đầu chợt máy động, y bỗng bước xéo về phía sau, nhẹ nhàng nhảy lên, trường kiếm đâm thụt vào vách tường, mượn nó làm điểm tựa đưa thân mình y vọt nhanh lên. Cùng lúc, tại chỗ y vừa đứng, một làn đất cát bỗng phụt mạnh lên, như một thân rắn uốn lượn, nó bò đến góc tường, bất chợt, từ đâu ra chẳng rõ, một khe nứt dài hiện ra, theo măt tường, cái khe nhanh chóng lan thật nhanh và mạnh lên đầu bức vách. Tại thời điểm đó, Trương Thiên Ý đã bốc mình lên thật cao, nhoáng một cái, y lướt qua khỏi đầu tường, đáp mình xuống con hẻm bên kia.

"Chu Lưu Thổ Kình" của Thu Đào có thể dựa theo đất cát mà chuyền, bà vốn muốn bất ngờ đưa nó ngầm từ lòng đất đến vây khốn đối phương, không ngờ Trương Thiên Ý thập phần lanh lẹn, lẩn trốn như chạch, y không đợi kình lực kịp vọt tới, đã tức khắc vọt qua khỏi tường chạy trốn. Thu Đào dùng thuật "Khôn nguyên" (ND: Khôn=quẻ khôn, chỉ về đất như quẻ Càn chỉ về trời, Nguyên=cơ bản - đại ý dùng đất làm căn cơ) định tấn công nơi xa, bà không cách chi tiến ngay vào gần bức tường, trong lòng rất là bực và nản.

Chu Vi giậm mạnh chân một cái, cô nhảy vọt lên đứng trên đầu tường, chỉ thấy con hẻm sâu thẳm, chẳng còn thấy bóng dáng Trương Thiên Ý đâu nữa Cô cuống quít lao nhanh ra khỏi hẻm, chạy đến trước miếu Phu Tử, căng mắt nhìn tứ phía, chỉ thấy người đi kẻ lại, áo quần xênh xang, xanh xanh đỏ đỏ, tuyệt không thấy Lạc Chi Dương đâu cả.

Mắt mũi cay xè, Chu Vi gần rớt nước mắt, cô tả xông hữu đột, chen lấn mà chạy giữa đám đông, như người điên, cô kêu thét ầm ĩ tên "Lạc Chi Dương". Cô đanng mặc quần áo giả trai, thanh âm nghe hết sức khả ái, người đi đường nghe thấy, đều ngoảnh trông vào cô.

Lúc Chu Vi chạy đến bờ sông Tần Hoài, mặt cô đã đầm đìa nước mắt, sóng nước bềnh bồng lan ra xa, in bóng rất nhiều đình đài lầu các, thuyền bè đi lại càng lúc càng nhiều, thỉnh thoảng vang lên từ đâu đó tiếng sáo, tiếng đàn. Nghe tiếng sáo, Chu Vi khắp mình phát run, cô căng mắt ra nhìn vào chỗ thuyền bè đó, tuy trong đầu biết rất rõ người thổi sáo không phải Lạc Chi Dương, tự đáy lòng, cô mong mỏi sắp phát sinh một kỳ tích. Nhìn về mấy thuyền bè đó, cô kêu gào, khóc lóc thảm thiết,kỹ nữ cùng du khách trên tầu đều thò đầu ra nhìn, ngó.

Chu Vi cực kỳ tuyệt vọng, đôi chân mềm nhũn lại, cô té thụp xuống, ngồi mọp bên bờ sông Tần Hoài. Nghĩ đến cơ sự Lạc Chi Dương dữ nhiều lành ít, cô bỗng tự thẹn tự hận, chỉ muốn chết phứt cho rồi. Hai tay bưng mặt, không nén nhịn nổi nữa, cô gào thét, khóc lóc. Đang thổn thức, đầu vai cô chợt có ai vỗ vào, cô nhảy dựng lên, la lớn: "Lạc Chi Dương..." Ngoái trông lại, cô thấy Lãnh Huyền bán thân máu me, đang đứng đờ đẫn ở phía sau.

"Lãnh công công!", Chu Vi trong lòng trào dâng một tia hy vọng, cô bíu vào tay lão, kêu to, "Lão mau mau đi cứu Lạc Chi Dương, hắn ... hắn bị Trương Thiên Ý bắt đi mất rồi.." Còn chưa dứt lời, cổ tay cô bị thít chặt, Lãnh Huyền nắm lấy mạch môn của cô, trầm giọng nói: "Mau hồi cung, kẻo không kịp...!"

Chu Vi vừa kinh hãi vừa bực tức, cô quát lớn: "Lãnh công công, ta không về đâu, Lạc Chi Dương hắn..." Một cỗ hàn khí từ lòng bàn tay Lãnh Huyền xộc vào, nửa người Chu Vi bỗng èo oặt xuống, không tự chủ được, cô bước theo lão. Cô gái ngoái trông lại, con sông Tần Hoài bỗng mờ mịt, trời đất khoác một màu thê thê thảm thảm. Phút chốc, cô ngất xỉu.

Trương Thiên Ý chạy trốn được một quãng, cảm giác có người bám đuôi, y nhìn ra sau, thấy Thu Đào như ẩn như hiện đang đuổi tới, y lập tức phóng lên cao, đáp xuống thấp, vượt tường, nhảy rào ... mà chạy. Thuật "Long độn " (độn=trốn thoát) của y dùng mọi thủ thuật đào tẩu, lại nhờ có móc sắt, dây dài... nên Thu Đào dù võ công cao hơn y một bậc, dẫu khinh công vào hạng tùy địa hình mà sử xuất, nhưng vì không có dụng cụ như y, sau một khắc, bà đã bị bỏ rơi.

Huyệt đạo Lạc Chi Dương bị phong tỏa, miệng câm, tay xụi, mắt thấy hai bên nhà cửa vun vút lướt qua, rồi thì là núi xanh rừng thẳm, đường mòn hoang vắng, không một bóng người. Dựa theo địa hình, Lạc Chi Dương chợt phát hiện, Trương Thiên Ý đã ra khỏi kinh thành, y đang chạy vào vùng núi Tương Sơn (TG: giờ là Kim Tử Kim Sơn) kế cận.

Đến Tương Sơn, sau một quãng sơn đạo, hắn thấy một ngôi miếu nhỏ. Trương Thiên Ý ngoái trông lại, khi chắc chắn không bị bám đuôi, y mới vào miếu, quẳng mạnh Lạc Chi Dương xuống, khiến ót hắn đập vào sàn nhà, đau thấu tim gan, buột miệng rên la thảm thiết. Kêu được một tiếng, hắn mới phát giác huyệt đạo đã giải tỏa, bèn đứng dậy, nhận thấy tòa miếu dột nát, tượng thờ đổ vỡ, chả biết là khi xưa miếu thờ cúng thần thánh phương nào. Dưới mái hiên có một ang lớn, miệng ang vỡ nát, bên trong còn chứa đầy nước mưa.

Trương Thiên Ý cũng không nhìn nhõi gì đến hắn, y khoanh chân ngồi xuống, nhắm mắt điều tức. Lạc Chi Dương nín thở, rón rén lẻn ra cửa, bỗng nơi mắt cá hắn đau điếng, chân trái tê rần. Hắn ngã quỵ xuống đất, xem kỹ lại, thấy chính là đã bị một cục đất khô đánh trúng chỗ yếu huyệt nơi gót chân.

Trương Thiên Ý vẫn ngồi ở chỗ cũ, mặt tái xanh, áo quần tơi tả, hai mắt khép hờ, thoáng nét cười cợt, tự dưng Lạc Chi Dương cảm giác khuôn mặt đó dầy đặc một nét tử khí kinh người, giống hệt mặt pho tượng quỷ vô thường trong miếu Thành Hoàng. Lạc Chi Dương không dám vọng động, nửa ngồi, nửa quỳ, mồ hôi đổ dầm dề, kiểu như tử tội đang quỳ xuống đất chờ hành hình, hắn thấy xem chừng còn khó chịu gấp mấy lần bị hình phạt đòn roi.

Cứ trong tình trạng đó qua hơn thời gian tàn một một nén nhang, Lạc Chi Dương thấy y bất động, hắn thử bạo gan, hai tay đặt sát mặt đất, tính bò ra, chợt nghe từ phía sau: "Tiểu súc sinh, mi mà đi được ra khỏi cái cửa đó, ta tha mạng cho mi liền, mi nghĩ sao?"

Lạc Chi Dương quay đầu lại nhìn lại, Trương Thiên Ý đã mở mắt ngó hắn, nhe răng cười lạnh. Lạc Chi Dương chả làm gì khác được, đành phải ngồi trở lại trên mặt đất.

Trương Thiên Ý nhìn nhìn lên nóc nhà, y đột nhiên nói: "Tiểu súc sinh, ta thương tích đầy mình như vầy, toàn là do mi là ban cho, mi đã biết tội chưa?"

Lạc Chi Dương góp hết tinh thần, gượng một nụ cười, nói: "Trương tiên sinh phúc to mạng lớn, bị thương chút đỉnh thì ăn thua gì?" Trương Thiên Ý lườm hắn, y cười lạnh, nói: "Sao, mi sợ rồi hả?" Lạc Chi Dương cười cười: "Chưa hẳn là sợ, Trương tiên sinh đại cao thủ Đông Đảo, tui chỉ là một thằng nhóc lưu manh ven sông Tần Hoài, ngài giết tui, cũng chả có gì hay ho, chỉ tội làm bẩn tay ngài, còn làm giảm giá trị của ngài. Nếu ngài tha không giết tui, tui nhất định sẽ đi khắp nơi, khắp chốn, xưng tụng ngài là người hết sức rộng lượng, lòng dạ từ bi!"

Trương Thiên Ý thấy hắn sắp chết đến nơi, còn dám khua môi múa mép tán tỉnh lung tung, y không nhịn cười nổi, nói: "Tiểu súc sinh, đừng tưởng bở mà tán tỉnh ta, bốn chữ lòng dạ từ bi, với Trương mỗ, nghe thiệt là vô duyên!" Lạc Chi Dương bực tức, la lớn: "Nếu như vậy, muốn giết thì cứ giết, nói chi nhiều cho rườm?"

Trương Thiên Ý hừ lạnh một tiếng, y nghĩ bụng, tiểu tử này đà năm lần bảy lượt lừa gạt mình, không đem nó ra tùng xẻo, thiệt khó tiêu tan được mối hận trong lòng. Chẳng qua, mình hãy cứ được việc mình trước đã, tạm dụ khị nó làm cho xong cái việc kia, rồi trút giận sau. Nghĩ đến đấy, y cười cười, nói: "Tiểu súc sinh, ta có chuyện này, nếu mi làm xong cho tốt, ta sẽ tha chết cho mi, còn rút lấy cây châm ra khỏi người mi nữa. Bằng làm không xong, hừ, mi cứ tự mình mà hiểu!"

Lạc Chi Dương tưởng sắp chết đến nơi, bỗng thấy có một con đường sống, hắn cười mơn: "Chuyện gì? Nói tui nghe thử xem nào."

Trương Thiên Ý trầm ngâm một chút, lấy Linh Đạo thạch ngư ra. Sau nhiều năm lạc mất thạch ngư, giờ cầm lại nó trong tay, lòng y không khỏi xao xuyến bồi hồi, y húng hắng ho khan, đầu óc nóng bừng bừng. Không muốn để lộ xúc cảm, y gắng đè nén sóng lòng, khàn giọng hỏi: "Những chữ trên vẩy con cá này có đúng là nhạc phổ không?" Lạc Chi Dương đáp: "Có vẻ là vậy!" Trương Thiên Ý cả giận: "Gì mà có vẻ với không có vẻ?"

"Tui cũng chưa từng thấy qua Quy Tư Hán Phổ", Lạc Chi Dương vừa nghĩ vừa nói, "Thể nào cũng phải đem chữ trên thạch ngư phiên dịch sang ngữ âm Trung Hoa, rồi thổi lên một lần, mới có thể xác định."

Trương Thiên Ý dòm dòm Lạc Chi Dương, không khỏi nghi ngờ: "Tiểu tử này mưu mô quỷ quyệt, miệng nói là phiên dịch nhạc phổ, biết đâu không tìm cách trì hoãn câu giờ? Thu Đào bị ta trốn thoát, nhất định không cam tâm bỏ cuộc, đương nhiên sẽ truy lùng ta khắp nơi. So với cuộc chạy đua, ta đã gắng hết mình trong trận chiến đấu nơi rạp hát, bây giờ thân mang trọng thương, sức cùng lực kiệt, nếu gặp bà ta lần nữa, chẳng những không giữ nổi tánh mạng, thạch ngư cũng sẽ mất vô tay bà ta...". Y nghĩ tới nghĩ lui, trong lòng đầy mâu thuẫn. Lạc Chi Dương trông y thay đổi sắc mặt, cũng lên ruột, chỉ lo y đổi ý.

Trương Thiên Ý ngẫm nghĩ giây lát, y bỗng nói: "Được rồi, tiểu súc sinh, mi phiên dịch nhạc phổ cho ta, hạn cho mi một khắc phải dịch xong, quá thời hạn, ta chặt mi một ngón tay, thêm một khắc nữa, sẽ cắt đứt hai tay, nếu vẫn chưa xong, ta sẽ chặt hai chân, còn trễ nãi nữa, là đứt trọn cái đầu!"

Lạc Chi Dương tái mặt, hắn gượng cười, hỏi: "Ông đo thời gian bằng cách nào?"

Trương Thiên Ý "hừ" một tiếng, y lấy ra một cái đồng hồ cát nho nhỏ, nói :"Cạn một bầu cát là hết một nưả khắc!" Lạc Chi Dương không khỏi la lớn, "Rủi cát chảy xuống mau quá thì làm sao?" Trương Thiên Ý lạnh lùng nói: "Thì coi như mi kém may mắn!" Lạc Chi Dương càu nhàu: "Thiệt là không công bằng..."

Trương Thiên Ý tức giận, y hừ một tiếng, một tay đưa thạch ngư, một tay giốc ngược đồng hồ, cát vàng óng rơi ào ào xuống bên dưới.

Lạc Chi Dương hoảng hốt, hắn vội cầm lấy thạch ngư, cật lực dò từng chữ trên vẩy cá. Hắn có trí nhớ kinh người, một khúc nhạc nghe qua một lần là hắn có thể thổi sáo trở lại, nhạc phổ đã qua mắt là nhớ mãi không quên, Quy Tư Hán Phổ dẫu lủng củng, nghe Chu Vi giải thích một lần, hắn đã ghi sâu trong óc. Dùng bảy cái tương ứng giữa Quy Tư với bảy âm điệu cung thương của Trung Hoa để phiên dịch cũng không phải là khó, cái khó là ở chỗ, chữ khắc trên thạch ngư chẳng giống với chữ viết trên giấy, cao, thấp, trái, phải ... nhìn vào là đọc xuôi liền, còn văn tự chi chít trên thạch ngư, phải bắt đầu đọc từ đâu, thật sự là một bài toán sẽ cực kỳ nhức óc để tìm lời giải.

Xem tới xem lui, ánh mắt Lạc Chi Dương chuyển vào bên trên hai ngư nhãn, hắn suy luận, thạch ngư có đầu có đuôi, Linh Đạo nhân khắc nhạc phổ, tất nhiên thoạt tiên khắc từ đầu cá, rồi làm dần cho đến đuôi cá, ngay trên toàn thể đầu thạch ngư, trừ đôi mắt, không chỗ nào khác có chữ cả, xem thế, chữ thứ nhất của nhạc phổ ắt sẽ khắc trong mắt con cá. Có điều, ngư nhãn có hai cái, vậy khởi đầu từ bên trái, rồi đến bên phải, bên tả khắc một chữ "Sa", ứng là SA của "Sa thức", bên hữu có khắc chữ "Kê" , ứng vào "Kê thức". Hai nhóm chữ đó, là xong chặng đường thứ nhất.

Lạc Chi Dương trán mướt mồ hôi, hắn trông sang, thấy mới đó mà cát đã trôi xuống hết một phần tư, một chữ cuả nhạc phổ vẫn chưa dịch ra. Cát trôi nhanh như tên bắn, có không biết bao nhiêu mũi tên khác cũng đang tua tủa bắn, găm vào trong lòng hắn. Lạc Chi Dương trấn định tinh thần, bỗng có chủ ý: Tạm thời khoan để ý mắt phải mắt trái, hãy cứ dịch nhóm chữ khắc bên phải đã, xong rồi mới làm đến nhóm bên kia, dịch xong, đem thổi, xem xem phần dịch bên nào nghe êm tai.

Hắn lập tức cởi cây sáo Không Bích, vạch trên mặt đất phần phiên dịch ngữ âm Trung Hoa. Vẩy cá thật nhiều, dầy đặc những chữ là chữ, có điều, thông suốt được một, thì trăm cái khác cũng thông suốt theo, khi Lạc Chi Dương dịch xong phần nhạc phổ mé bên trái, cát trôi mới hết độ quá nửa, dịch xong phần bên kia, cát vẫn còn chưa xuống hết bên dưới. Lạc Chi Dương thở một hơi dài nhẹ nhõm, nhẩm thầm trong lòng hai khúc nhạc, nhưng hắn nhận thấy, lấy "Sa thức" làm đầu, rồi đến "Kê thức", khúc điều không có ngược ngạo, nếu lấy "Sa thức" mào đầu, nghe thấy tiết tấu cổ quái, nhưng lấy "Kê thức" vô trước, chỗ tiếp nối căn bản không thông. Nếu lấy tiêu chuẩn của nhạc mà nói, lần thử trước có vẻ thô sơ kỳ quái, lần sau căn bản là loạn âm điệu, hoàn toàn không hợp nhạc lý.

Còn đang đắn đo, Trương Thiên Ý bỗng nói: "Đã hết giờ!", khiến Lạc Chi Dương nhảy nhổm, la lên: "Tui dịch xong rồi!" Trương Thiên Ý nheo mắt dòm hắn, lạnh lùng nói: "Oắt con, thổi thử ta nghe xem nào!"

Nhịp tim Lạc Chi Dương bỗng loạn, hắn nhìn thoáng qua chữ ghi trên mặt đất, hít vô một hơi dài, lấy" Sa thức" làm đầu, thổi thẳng liền một khúc.

Khúc nhạc thật khó tấu vô cùng, có nhiều chỗ nhịp điệu vừa dính sát nốt, vừa gấp gáp, lặp đi lặp lại rất rườm và khó, có khi Lạc Chi Dương một làn hơi không sao đi hết, hít thêm hơi, thay đổi vài lần, hắn mới thổi được chỗ bị đứt quãng vừa qua. Cũng có chỗ thập phần khác lạ, chẳng xuôi, Cung thổi thành Biến Cung, Chủy trở thành Biến Chủy, Lạc Chi Dương qua khúc đó xong, lòng hắn bực bội lẫn thẹn thùng, giận không đào được một lỗ nẻ dưới đất mà chui vô.

Hắn vừa thổi, vừa lén theo dõi sắc mặt Trương Thiên Ý. Tên này vẫn lẳng lặng ngồi yên, vẻ mặt âm trầm thật khó coi. Chờ Lạc Chi Dương thổi dứt, Trương Thiên Ý nín thinh một lúc lâu, đột nhiên hỏi :"Thổi xong rồi hả?".

Lạc Chi Dương đáp: "Xong rồi!"

"Thúi lắm!" Trương Thiên Ý nhe răng, cười gằn, "Nhạc gì nghe tầm bậy quá vậy? Đã khó nghe, lại vô dụng, hoặc là mi dịch sai, hoặc là mi lại giở trò lường gạt. Hừ, biết điều thì đưa bàn tay ra đây, tao hãy chặt trước cho gọn ghẽ một ngón!"

Lạc Chi Dương vẻ mặt đau khổ: "Chặt đứt ngón tay rồi, hổng thổi sáo được nữa." Thấy hắn còn dám cò kè mặc cả, Trương Thiên Ý cơn giận càng tăng lên: "Còn lầu bầu gì nữa! Tao gọi ba tiếng, mi mà không đến, tao sẽ đích thân tới!"

Lạc Chi Dương nảy sinh tuyệt vọng, hắn rủa thầm đến tận đời ông, đời cha Linh Đạo nhân, miệng nói: "Trương tiên sinh đừng nóng, khúc nhạc này có hai chi khúc, mới vừa rồi là chi thứ nhất, còn cái thứ hai khác nữa..."

Trương Thiên Ý cả giận: "Bớt thả rắm đi, mau lại đây thụ hình..." Lạc Chi Dương thở dài: "Trương tiên sinh, dịch rồi thổi một chi khúc tốn hổng biết bao nhiêu công sức, thôi, để tui thổi nốt cái chi kế đó, nếu ông vẫn thấy không xong, ông cứ nhè đầu tui mà cắt nó xuống!"

Trương Thiên Ý thấy hắn nói với đầy tự tin, y thầm sinh nghi: Tiểu tử này chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, hay là vừa rồi nó cố ý giấu giếm gì đây chăng? Như hắn nói, chặt ngón tay rồi thì hết thổi sáo được, chi bằng hãy tạm nghe thêm cái chi khúc kia, thử coi nó còn bầy thêm trò trống gì khác. Nghĩ vậy, y lạnh lùng nói: "Thôi được rồi, thổi lần này nữa mà không xong, tao dứt cái mạng của mi liền!"

Lạc Chi Dương đổ mồ hôi ướt rượt bàn tay, trong lòng không chút tự tin, cái chi khúc kế so với cái kia còn rườm hơn nhiều, thôi thì cứ thổi nó lên, kéo dài thêm chút thời gian, chỉ cầu mong trời thương, xui khiến tiểu công chúa và bà lão tìm đến đúng lúc.

Hắn bặm môi, nâng ngang cây sáo, vốn định thổi lung tung đại dăm ba tiểu khúc vớ vẩn nào đó, nhưng nghĩ lại, hãy cứ thổi y như trong nhạc phổ, rủi Trương Thiên Ý bắt thổi lại để kiểm tra, còn có lối thoát, bằng thổi loạn lạc lung tung, so sánh hai lần không giống nhau, có trăm cái miệng cũng không sao cãi lý cho được.

Cùng bất đắc dĩ, hắn đành phải thổi theo bản dịch. Đại cương, hai chi khúc khá giống nhau, chính là đi được một nửa, so với chi trước, chữ nhạc thay đổi, liên khúc cũng biến hóa, chỗ cao biến thành thấp, chỗ thấp chuyển lên cao, tuồng như có một lực nào đó buộc thắt âm thanh vào nhau, khiến người thổi không thể tùy tiện mà diễn. Nghề thổi sáo của Lạc Chi Dương vào hạng bất phàm, vậy mà thổi cho trúng, hắn bị đỏ mặt, nóng tai, phải gom hết khí lực mà tấu ra.

Trương Thiên Ý ngồi nghe, y liên tục nhíu mày, nỗi tức giận khiến lồng ngực kích động, y âm thầm nắm chặt chuôi kiếm, chỉ chờ Lạc Chi Dương thổi dứt, là phóng kiếm đâm một nhát ngay tim hắn.

Nghe từ quãng giữa khúc nhạc trở đi, Trương Thiên Ý chợt cảm giác ruột gan nhộn nhạo, khí huyết trong toàn thân bị tiếng sáo nhiễu lộng, chuyển vận xuôi ngược loạn đả, y không sao chế ngự nổi. Y kinh hãi đến mất hồn mất vía, cuống cuồng vận công điều tiết chân khí, y đang muốn quát bảo ngừng thổi, trong miếu đột nhiên rộ lên tiếng động sè sè. Trương Thiên Ý rảo mắt nhìn tứ phía, không thấy có ai khác, y chăm chú lắng nghe, lại phát hiện thanh âm sè sè kia đến từ thạch ngư.

Trương Thiên Ý vui mừng như điên: Không ngoài dự kiến, rõ ràng bên trong thạch ngư quả nhiên ẩn chứa huyền cơ, chìa khóa chủ yếu nằm trong nhạc phổ trên mình thạch ngư. Nghĩ đến đấy, y bỏ hẳn ý đinh giết Lạc Chi Dương. Có điều, tiếng sáo khi nghe vào tai, đã kích động khí huyết, làm những đau đớn do nội thương đồng loạt tăng lên, lục phủ ngũ tạng nóng rực nhức nhối, dày vò y tựa như chúng đang bị rang, bị hầm trên chảo lửa.

Cảm giác này hết sức kỳ quái, Trương Thiên Ý đâm ra khó xử, một đằng sợ tiếng sáo đứt đọan sẽ không giải được bài toán về những bí mật trong thạch ngư, nhưng cứ tiếp tục để tiểu tử nọ thổi mãi, sẽ khiến khí huyết trong y chạy loạn, càng làm nặng thêm nội thương. Chỉ là, võ công của Linh Đạo nhân quá sức hấp dẫn, Trương Thiên Ý sau nhiều năm khổ luyện võ công Đông Đảo, tu vi chỉ đạt được một phần nhỏ nhoi, muốn tiến thêm một bước mới, còn khó hơn lên trời, nếu y luyện được Linh Đạo võ học, ắt có đột phá, giúp y tiến sang một cảnh giới hoàn toàn mới .

Tiếng sè sè càng lúc càng sôi động, thạch ngư theo tiếng sáo, phút chốc chuyển mình tại chỗ, rồi nó lại lắc đầu, quẫy đuôi. Trương Thiên Ý còn chưa kịp vui mừng, y nhận thấy âm vực tiếng sáo mỗi lúc một cao, làm y có cảm tưởng nội tạng đang bị một con dao nhọn cứa, khoét, mạch "Thủ Thiếu Âm tâm kinh" chạy ngược, loạn động. Mắt Trương Thiên Ý thấy ba mươi sáu ông sao, cổ họng tắc nghẽn, nếu cứ để tiếp tục như vậy, thể nào cũng không xong, y định ra lệnh ngưng thổi, bỗng thấy hả miệng mà không thốt nên lời, tay chân muốn cử động, cũng là không thể, ngay cả máy động một ngón tay cũng không được.

Khúc sáo gần kết thúc, những biến hóa của thạch ngư, Lạc Chi Dương đều thấy rõ, trong lòng kinh ngạc vô cùng, đồng thời hắn lại hết sức lo âu. Hắn miệng vừa thổi, ánh mắt thỉnh thoảng lại quét ra cửa, ngoài miếu, cây cối đang đứng bóng, mặt trời đã lên đến thiên đỉnh, vẫn là không một bóng người.

Lạc Chi Dương tự hiểu, một khi bí mật thạch ngư phơi bày ra, hắn cũng sẽ thành vô dụng. Nghĩ đến đấy, hắn lén nhìn sang, chỉ thấy Trương Thiên Ý hai mắt nhắm chặt, một vầng hắc khí phủ đầy mặt, nước dãi ứa ra từ một bên mép, theo cằm, chảy xuôi xuống vạt áo.

Đến nước này, Lạc Chi Dương cũng không thể làm gì khác hơn, hắn thổi xong hai câu hoa mỹ, đã nhanh chóng chấm dứt khúc nhạc. Tiếng sáo vừa tắt, con thạch ngư cũng ngừng máy động, bên trong miếu lại vắng lặng như tờ, im ắng đến mức khiến hắn nảy sinh hồi hộp.

Một lúc lâu sau, Trương Thiên Ý vẫn không hó hé, làm Lạc Chi Dương thấy kỳ lạ, hắn không khỏi cất tiếng gọi: "Trương tiên sinh!" Tiếng kêu âm vang trong khắp ngôi miếu, vẫn chẳng ai đáp lời, Trương Thiên Ý ngồi ngay ngắn bất động, vầng đen trên mặt y đang chuyển sang tái xám, sắc diện màu tro tàn nom thật dễ sợ.

Con tim Lạc Chi Dương đập thình thịch, hắn hít vô một hơi thở dài, từng bước từng bước lui dần về hướng cửa miếu, vừa lùi, vừa dồn ánh mắt vào tên đại địch ngồi đằng trước mặt. Cho đến tận khi hắn bước ra khỏi cửa miếu, Trương Thiên Ý vẫn cứ lặng yên, không nhúc nhích gì cả.

Trong lòng mừ

Quảng cáo
Trước /173 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Nước Đổ Đầy Ly

Copyright © 2022 - MTruyện.net