Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Linh Phi Kinh - Ttv
  3. Quyển 3 - ẤN THẦN VÔ SONG-Chương 13 : Kiếm Dịch Tinh Đẩu - Hồi 3
Trước /67 Sau

[Dịch] Linh Phi Kinh - Ttv

Quyển 3 - ẤN THẦN VÔ SONG-Chương 13 : Kiếm Dịch Tinh Đẩu - Hồi 3

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

LINH PHI KINH

Tác giả: Phượng Ca

Dịch giả: Magic Q

QUYỂN 3: ẤN THẦN VÔ SONG

Chương 13: Kiếm Dịch Tinh Đẩu

Nhạc Chi Dương mừng rỡ khôn xiết, vội vàng giục cô truyền thụ, Diệp Linh Tô mang hết tất cả kiến thức về thuật “Ngự ưng” dạy lại cho gã. Đông Đảo suốt mấy trăm nay thuần phục chim ưng, đối với tính khí của giống chim này hiểu rõ hơn ai hết, cho nên đã nghiên cứu sáng tạo ra rất nhiều phương pháp kỳ quái, hiếm lạ. Hai người biết chú đại bàng trắng này chỉ thích nghe “Chu Thiên Linh Phi Khúc”, vì vậy đã cải tiến thêm bớt, chuyển tiếng huýt gió sang tiếng sáo, khăn tay đỏ thì thay bằng thanh sáo ngọc màu xanh biếc, dùng cách huơ sáo để thể hiện “Ưng ngữ”.

Đại bàng từng nếm trải nỗi thống khổ của Dạ Vũ Thần Châm, vốn để bụng hận Diệp Linh Tô, thế nên nó chỉ nghe lời triệu gọi của Nhạc Chi Dương còn thiếu nữ thì chả thèm ngó ngàng đến. Diệp Linh Tô nhìn ra sự hằn học của nó, cũng giận nó đã giết Ma Vân, cho nên chỉ truyền thụ thuật Ngự Ưng cho Nhạc Chi Dương, không nhúng tay vào thuần phục đại bàng.

Hai người ban ngày thì cùng nhau thu phục thần ưng, đêm đến Tịch Ứng Chân lại tìm Nhạc Chi Dương truyền dạy “Dịch Tinh Kiếm”. Nhạc Chi Dương ngày đêm không ngủ, khổ sở vô cùng, hiềm nỗi kiếm đạo tinh vi, tiến bộ không thể nhanh được, Nhạc Chi Dương học qua hai ngày chỉ mới sơ sơ luyện được “Thiên Trùng Thức”, còn “Thiên Môn Thức” căn bản là còn chưa ở mức nhập môn.

Đêm tối ngày thứ ba, Nhạc Chi Dương sử một chiêu “Tử Phủ Triều Viên”, múa qua ba lượt vẫn chưa nắm được chỗ tinh diệu bên trong chiêu thức, đang chuẩn bị làm tiếp lần thứ tư chợt nghe Tịch Ứng Chân thờ dài bảo:

– Nhóc con, bỏ đi, thu kiếm lại!

Nhạc Chi Dương rút sáo về, ngó lão đạo vẻ mù mờ khó hiểu. Tịch Ứng Chân chán nản thất vọng, lắc đầu nói:

– Cứ luyện thế này, cho dù học được qua quýt nhưng đến lúc đối địch cũng chẳng có mấy tác dụng.

Nhạc Chi Dương thầm cảm thấy xấu hổ, cúi đầu lí nhí:

– Đều do ta vô dụng, đã phụ tâm sức của đạo trưởng.

Tịch Ứng Chân lắc đầu:

– Không liên quan đến ngươi, đều do ta chỉ vì cái được trước mắt mà ảo tưởng xa vời, đạo học võ cần phải tuần tự tiến bộ, làm gì có ai đi tắt đón đầu được? Bắt ngươi trong bốn ngày học xong “Dịch Tinh Kiếm” chẳng khác nào đang bàn chuyện viễn vông.

Nói đến đây, ông nhíu mày vuốt râu, vẻ như đang suy nghĩ một vấn đề phức tạp. Nhạc Chi Dương đứng bên cạnh nín thở tập trung, một câu cũng chẳng dám thốt ra.

Hồi lâu sau, Tịch Ứng Chân mới buông tiếng thở dài, mở miệng bảo:

– Việc đến nước này, không thể gãy gánh giữa đường được, như vầy đi, ta đem kiếm quyết truyền thụ cho ngươi, ngày sau có thể lĩnh ngộ được bao nhiêu còn phải xem tạo hóa của ngươi vậy.

Nhạc Chi Dương nghe thấy lời này, trong lòng bức rức khó chịu, vội nói:

– Tịch đạo trường, ông mà còn nói mấy lời này nữa, ta thà không học cho rồi.

Tịch Ứng Chân liếc nhìn gã, mỉm cười:

– Thằng nhóc này, cái gì cũng được, trừ mỗi việc hay lừa mình dối người. Thảy vạn vật trong trời đất, sống chết đều có số cả, so với tham sống sợ chết, chẳng thà thản nhiên đối mặt. Ta còn không lo, ngươi lo làm cái gì?

Nhạc Chi Dương bỗng thấy sống mũi cay cay, nhìn xuống thanh sáo trúc đến ngây dại. Tịch Ứng Chân vỗ vỗ bờ vai gã, cười rằng:

– Nhóc con, ta hiểu tấm lòng của ngươi. Chuyện đời hợp ý thì ít, trái ý thì nhiều, thay vì cố chấp chi bằng buông tay, ngươi hãy cố lắng nghe ta đọc kiếm quyết, nhớ kỹ trong lòng không được quên, bằng không ta chết đi sẽ nuối tiếc lắm.

Nghe xong mấy lời này, Nhạc Chi Dương đành phải cố vực dậy tinh thần, tập trung nghe Tịch Ứng Chân tụng niệm khẩu quyết. Lão đạo sĩ vừa ngâm nga vừa biểu thị, xem xong hơn hai mươi chiêu, Nhạc Chi Dương chợt phát hiện ra những chiêu kiếm của Tịch Ứng Chân có phần quen mắt, cẩn thận nhớ lại, hóa ra chúng cũng từa tựa như chiêu thức bên trong quyển phổ “Phi Ảnh Thần Kiếm”. Tuy nhiên nếu so tường tận thì lại có chút khác biệt, ví dụ như vai trái tay phải, dẫu có sai khác ở mỗi bên nhưng đều cùng chung một cách thức. Cứ thế Nhạc Chi Dương mang hai bộ kiếm pháp này ra so đối, chẳng ngờ lại cảm thấy tiếp thu nhanh hơn, gã vui như mở cờ trong bụng, hận không thể nhảy chồm lên khoa chân múa tay một phen.

Chín đại định thức “Dịch Tinh Kiếm” trong vòng ba ngày, Nhạc Chi Dương chỉ mới học được hai đại thức, trong đó “Thiên Trùng Thức” là chủ công, “Thiên Môn Thức” là chủ thủ, bảy thức còn lại lần lượt là: “Vũ khúc”, “Văn Khúc”, “Thiên Cơ”, “Thiên Tướng”, “Thiên Nguyên”, “Phá Quân”, “Bắc Đẩu”.

Tịch Ứng Chân cứ giảng xong một đoạn kiếm quyết nào liền bắt Nhạc Chi Dương đọc thuộc lòng lại đoạn ấy, kiếm quyết được áp theo thể thơ ngũ ngôn, đọc nghe như ca ngâm, có vần có luật. Nhạc Chi Dương vốn sở hữu trí nhớ tuyệt hảo, nghe qua một lần đều không quên được, gã nhẩm xong chín đoạn kiếm quyết gần như không cần phải đọc lại.

Tịch Ứng Chân nghe gã đọc thuộc xong, gật gù liên tục, tấm tắc:

– Giỏi lắm, cuộc đời ta gặp người ưng ý cũng không ít, nhưng luận về trí nhớ thì chẳng ai bì được với ngươi. Ngươi có được khả năng như vầy, không dùi mài kinh sử đi thi Trạng Nguyên quả là đáng tiếc…

Nói đến đây, ông chợt ngừng lời, trong lòng nhủ thầm: “Nhắc đến khoa cử, cơ chế tuyển chọn của bổn triều cứng nhắc, cố chấp không chịu tiếp thu cải cách, rặt một đám lường gạt bịp bợm, dẫu có kim bảng đề danh thì cũng chẳng thú vị gì. Thằng nhóc này thông minh nhạy bén, là loại người ưa thích tự do phóng khoáng, cần phải được tiêu diêu khắp trời đất, tư tại chốn giang hồ, bắt nó thi đổ làm quan trong chốn quan trường trên đầy tục khí, dưới lắm bùn nhơ kia chẳng phải sẽ làm hỏng người nó hay sao?”

Rồi ông lại đưa mắt quan sát Nhạc Chi Dương, nghĩ tiếp: “Thằng nhóc này và ta tính tình tương hợp, nếu gia nhập Huyền môn của ta biết đâu là một nhân tài sáng giá, tiếc rằng mạng sống của ta chẳng còn kéo dài bao lâu nữa, bây giờ nhận nó làm đồ đệ bất quá ngoài mặt giả xem như con cháu. ” Lại nhớ đến lời răn của sư tổ không thể làm trái, ông đành thở dài ngậm ngùi, từ bỏ ý định nhận học trò, tiếp tục nói:

– Chín đại định thức nếu lần lượt thi triển ra thì chỉ phát huy được uy lực rất nhỏ mà thôi, chỉ có luân phiên xen kẽ các định thức thì mới thể phát huy được thần thông cao nhất.

Nhạc Chi Dương thắc mắc:

– Phải làm sao mới có thể luân phiên xen kẽ đây?

Tịch Ứng Chân mỉm cười, đáp theo một hướng khác:

– Ta vẫn còn một chương tổng cương, ngươi đoán xem là từ đâu ra?

– Tổng cương ư? – Nhạc Chi Dương ngẫm nghĩ một lúc rồi buột miệng: – Là kỳ đạo sao?

– Khá lắm, ngươi đúng là tinh ranh. – Tịch Ứng Chân vỗ tay cười lớn: – Ba chữ “Dịch Tinh Kiếm”, mỗi chữ đều mang ám chỉ riêng. “Kiếm” là “Quy Tàng Kiếm”, “Tinh” là “Tử Vi Đấu Bộ”, hai thứ này ghép lại trở thành chín đại định thức, nhưng nếu muốn dung hợp cả chín định thức thì không thể không dùng đến chữ “Dịch” này!

Nói đến đây, ông trầm tư một lúc rồi nói:

– Nhóc con, ta truyền tổng cương lại cho ngươi, ngươi phải ghi nhớ cho kỹ.

Nhạc Chi Dương gật gật đầu, Tịch Ứng Chân thoáng ngập ngừng rồi khẽ giọng tụng:

– Kì tinh như tử, kì đạo như dịch, hữu tiên nhi hậu, hữu hậu nhi tiên, ý tại bộ tiên, bộ tại kiếm tiên, trữ nhượng nhất bộ, bất thất nhất tiên, kích tả nhi thị hữu, công tiền nhi cố hậu, khoát bất khả sơ, mật bất khả xúc, bất luyến khí tử, cố nhi tự bổ, bỉ chúng ngã quả, tiên mưu kì sanh, ngã chúng bỉ quả, vụ trương kì thế. Thiện thắng giả bất tranh, thiện trận giả bất chiến, thiện chiến giả bất bại, thiện bại giả bất loạn, vô sự tự bổ, cô hư xâm tuyệt, xá tiểu đồ đại, cao hạ tại tâm…

Nhạc Chi Dương vừa nghe vừa ghi nhớ, chỉ thấy lù mù rối rắm, những lời của Tịch Ứng Chân truyền thụ đa phần đều là đạo chơi cờ, rất ít hàm chứa tinh hoa võ học, chẳng nhẽ khi đánh nhau với người khác phải một tay vác bảo kiếm, một tay xách quân cờ, cứ đâm một kiếm là hạ một nước cờ ư? Kể ra thì quân cờ tròn đầy, cũng có thể đem làm ám khí, nhưng đối thủ không vuông vức như bàn cờ, quân cờ làm thế nào để chạm đến vẫn là một nan đề khó giải.

Dẫu đang thắc mắc, Nhạc Chi Dương vẫn lặng lẽ ghi nhớ. Tịch Ứng Chân tụng xong một lượt, chưa kịp giải thích tỉ mỉ thì sắc trời đã sáng bạch. Hai người đành phải trở về hang động, Nhạc Chi Dương ôm lấy một bụng kiếm quyết, đầu óc phân vân suy nghĩ, đâm ra trằn trọc khó ngủ, chỉ sợ hôm sau quên bén đi mất, gã bèn mang kiếm quyết ra tụng lại một lần nữa rồi mới vật vờ thiếp đi.

Gã ngủ một giấc đến tận trưa trờ trưa trật, vừa tỉnh lại đã ngửi thấy mùi thịt nướng thơm phức liền chui ra khỏi động xem thử, chỉ thấy trước cửa hang có một con lợn rừng nhỏ bị móng chim xé toác phần bụng, nội tạng nhầy nhụa, thật không nỡ nhìn tiếp. Diệp Linh Tô ở một bên đã nhen sẵn đống lửa, đang ngồi nướng một con thỏ hoang. Nhạc Chi Dương phấn khởi tinh thần, mang lợn rừng đi lột da rút xương, chế biến thành một nồi canh thịt, hương vị thơm ngon đến nỗi Tịch Ứng Chân ăn xong khen không ngớt miệng. Lão đạo sĩ ăn uống no say xong liền tự đi tìm chỗ ngồi thiềng. Nhạc Chi Dương trông theo bóng hình của ông, chợt nhận ra thời gian đã gấp lắm rồi, lòng dạ không khỏi buồn bã.

Diệp Linh Tô nhìn ra tâm tư của gã, khuyên nhủ:

– Tịch đạo trường không phải hạng người chịu khoanh tay chờ chết đâu, ông ấy ngồi thiềng như vậy là đang tự tìm phương cách đảo ngược âm dương, chúng ta cứ ở lại đây làm phiền mạch tư tưởng của ông ấy chẳng thà đi thuần phục tiếp con Hải Đông Thanh kia còn hơn.

Việc thuần ưng cũng can hệ đến việc rời khỏi hòn đảo này, Nhạc Chi Dương đành trấn định lại cảm xúc, đi theo thiếu nữ ra bờ biển, nổi sáo lên triệu gọi chú đại bàng trắng bay đến. Dạy bảo chừng một giờ, chú chim đã học xong “Ưng ngữ”, Nhạc Chi Dương vẫy sáo nó cũng lượn vòng theo, tùy theo tốc độ vung sáo nhanh hay chậm, chậm thì bay vòng nhỏ, nhanh thì bay vòng lớn, thử qua mấy lần liên tục đều ứng nghiệm không sai.

Diệp Linh Tô mừng rỡ ra mặt, vỗ tay khen:

– Con chim này thông minh thật, ta gặp qua không ít đại bàng nhưng chưa từng có con chim nào học nhanh như vậy.

Cô xưa nay thận trọng, hiếm khi tươi vui, lúc này lộ ra thần sắc thiếu nữ, đầu mày khóe mắt chứa đựng ý xuân, nét cười dào dạt, hệt như đóa sen thu hé nhụy, trăng ló rặng mây, Nhạc Chi Dương đứng bên trông thấy, chỉ cảm giác cõi lòng lâng lâng, mây sầu tiêu tán, không nhịn được buông sáo xuống bật cười ha hả.

Hai người nhìn nhau mà cười, chú đại bàng trên trời chẳng hiểu vì sao cũng thu cánh đáp xuống, ngồi trên một mô đá, tròn mắt quan sát cả hai. Diệp Linh Tô thấy chú chim dáng vẻ thần tuấn, rất muốn giơ tay vuốt ve, nhưng nghĩ đến sự lợi hại của nó liền kềm hãm ý muốn thân thiện lại, suy tư nói:

– Nhạc Chi Dương, ngươi dạy nó cả nửa ngày rồi còn chưa đặt một cái tên ra hồn cho nó nữa đấy!

Nhạc Chi Dương nhìn ngắm đại bàng trắng, rồi cười bảo:

– Nó trời sinh linh thông, lông lại trắng như tuyết, hay gọi nó là “Linh Tuyết” nhé!

Diệp Linh Tô thoáng dỗi, trách:

– Ngươi lại thích chơi khâm người khác rồi, ta tên Linh Tô, nó là Linh Tuyết, người khác nghe được còn tưởng nó là gì của ta thì sao!

– Trời đất làm chứng… – Nhạc Chi Dương phát thề: – Ta chỉ tiện miệng nói ra, không có ý dính dấp tới cô đâu.

– Tin ngươi mới lạ. – Diệp Linh Tô nguýt khẽ: – Nhưng mà chữ “Linh” này không được đâu, để xem, ưng là vật bay lượn, hay gọi nó là “Phi Tuyết” được không?

Nhạc Chi Dương tuy cảm thấy tên “Linh Tuyết” nghe hay hơn nhưng cũng không tiện trái ý thiếu nữ, đành gật đầu bảo:

– Được, được, vậy thì gọi là Phi Tuyết.

Nói rồi gã hướng mặt về phía chú đại bàng, tuyên bố:

– Ưng huynh, huynh bây giờ đã có tên rồi nhé, quý danh là Phi Tuyết, “Phi” trong “Phi tường”, tuyết trong “Phiêu tuyết”, huynh phải nhớ cho kỹ, không được quên đấy.

Gã tuyên bố hùng hồn như thật, đại bàng như cũng đùa bỡn theo, hai mắt láo lia, gục gặt đầu liên tục như đang đáp lại lời căn dặn của Nhạc Chi Dương. Diệp Linh Tô ở bên trông thấy, chịu không nổi bật cười khúc khích.

Cười một lúc, Diệp Linh Tô lại hỏi:

– Nhạc Chi Dương, kiếm pháp ngươi luyện ra sao rồi?

Nhạc Chi Dương vừa nghe tới đây, niềm vui trong lòng bỗng nhiên mất sạch, mặt ủ mày chau bảo:

– Đừng nhắc nữa, luyện mấy đêm rồi mà chỉ mới học được vài chiêu. Tịch đạo trưởng chán ngán quá bèn bắt ta học thuộc lòng kiếm quyết để tự mình nghiên cứu.

Diệp Linh Tô ngẫm nghĩ rồi nói:

– Đại hiệp Vân Thù từng bảo: “Khổ luyện chục năm nơi núi sâu chẳng bằng chiến đấu ba ngày chốn sa trường”, bất kể là võ công tuyệt kỹ gì nếu không có đối thủ để thực tập thì đều chỉ là lý thuyết suông cả. Kiếm pháp vốn là bộ môn đánh giáp lá cà, ngươi tự đọc tự nghiền ngẫm sẽ không tài nào hiểu hết được sự ảo diệu bên trong, nếu như có người trợ giúp tập luyện nhất định sẽ tiến bộ rất nhanh.

Kiếm pháp của Đông Đảo và Thái Hạo Cốc tuy có cùng chung một nguồn gốc nhưng con đường tu luyện lại không hề giống nhau. “Phi Ảnh Thần Kiếm” theo đuổi thực chiến, chuyên tìm cách ứng biến khi đối diện kẻ địch, trong chém giết ngộ ra đạo lý. Còn các đời Thái Hạo Cốc đa số là tu sĩ Huyền môn, bản thân ưa đạm bạc, không quen tranh đấu, đặt sự ngộ đạo lên hàng đầu, luyện kiếm là thứ yếu, một khi lĩnh ngộ được kiếm đạo thì kiếm pháp tự nhiên sẽ “thùy đáo cừ thành” (*)

(ND chú: nghĩa là khi điều kiện chín muồi, thành công sẽ tự nhiên đến)

Nhạc Chi Dương một là không có nhiều thời gian, hai là không phải người trong Huyền môn, đối với các vấn đề trong Huyền môn hiểu biết sơ sài, một khi đạo lý không thông thì việc luyện kiếm cũng gặp trở ngại trùng trùng.

Diệp Linh Tô nói xong, liền bẻ một nhánh cây, tước bỏ cành lá, cô cười khúc khích bảo:

– Ngươi dùng “Dịch Tinh Kiếm” tấn công ta thử xem!

– Không dám! – Nhạc Chi Dương lè lưỡi: – Ta làm sao đánh lại cô chứ?

– Đồ chết nhát! – Diệp Linh Tô tỏ vẻ khinh thường: – Ngươi sợ cái gì chứ, đây chỉ là một nhánh cây, có giết người được đâu mà lo.

– Ừ vậy! – Nhạc Chi Dương vươn tay ra, cười bảo: – Vậy ta đến đấy!

Diệp Linh Tô một tay chống hông, ngước mặt lạnh lùng:

– Đến thì cứ đến, nói nhiều làm gì?

Nhạc Chi Dương huơ huơ thanh sáo, đang định xông đến, bất chợt nhớ ra gì đó, gã quay lại dặn:

– Phi Tuyết, vị Diệp cô nương này là bạn tốt của ta, bọn ta chỉ bày trò chơi mà thôi, ngươi không được làm cô ấy bị thương biết chưa!

Đại bàng trắng như nghe hiểu, gục gặt đầu liên tục.

Diệp Linh Tô nghe thấy, trong lòng chợt xao xuyến, nhưng ngoài miệng lại nguýt:

– Ngươi bớt lấy lòng đi, cho dù hai ngươi có cùng xông lên, bổn cô nương cũng không sợ đâu.

Nhạc Chi Dương bật cười:

– À, được…

Nói đến đây, gã vung sáo đâm ra vun vút, muốn định tấn công bất ngờ khiến cho Diệp Linh Tô trở tay không kịp.

Diệp Linh Tô khẽ dịch về sau nửa bước, vặn người xuất chiêu, nhành cậy móc lấy thanh sáo ngọc, theo thế hất nhẹ một cái. Nhạc Chi Dương chợt thấy hổ khẩu nóng rần, sáo ngọc chút nữa thì tuột tay, gã vội vã dùng sức níu lại. Gã đang dồn sự chú ý vào thanh sáo, không để ý gió mạnh thổi thốc đến trước mặt, là Diệp Linh Tô vung kiếm đâm đến. Nhạc Chi Dương lật đật tránh né, nhưng phải biết Phi Ảnh Thần Kiếm nhanh đến mức nào, gã chỉ thấy ngực trái đau nhói lên, hóa ra đã bị nhánh cây chọc trúng.

Nhạc Chi Dương toát mồ hôi lạnh, may mà đấy chỉ là một cành cây, đổi lại một thanh kiếm thật thì lần này chẳng phải đã bị đâm xuyên ngực từ trực diện hay sao. Gã liếc mắt nhìn ra, thiếu nữ đứng ở bên kia, dùng ba ngón tay giữ lấy nhánh cây mà mân mê mỉm cười, cứ như một cô bé đang chơi trò đấu cỏ trước sân đình vậy.

Nhạc Chi Dương xua hết tạp niệm, xốc lại tinh thần, chân bước theo bộ pháp, lúc trái lúc phải, vòng sang bên hông Diệp Linh Tô, sử một chiêu “Thiên Trùng Thức” đâm về phía đầu vai của thiếu nữ. Nhánh cây của Diệp Linh Tô gạt chếch xuống đẩy thanh sáo lệch đi rồi trở kiếm đâm ngược lại. Bước chân Nhạc Chi Dương di chuyển, lùi lại nhanh như gió, chừng nửa đường thì vắt sáo chắn trước ngực, sử một chiêu “Thiên Môn Thức” để gạt cành cây đi.

Diệp Linh Tô bật lên một tiếng “Giỏi!”, thân hình khẽ rụt xuống rồi biến mất. Nhạc Chi Dương lật đật xoay người tìm kiếm, chỉ thấy bóng người ẩn hiện, nhoáng cái đã đến sau lưng. Gã không kịp xoay người, nhánh cây ấy hóa thành ảo ảnh mơ hồ, thấp thoáng như đang có mười người cùng lúc đâm tới. Dẫu cho thân pháp Nhạc Chi Dương mau lẹ, nhưng vai trái và đằng sau lưng vẫn bị chích trúng hai cú, đau rát vô cùng.

Nhạc Chi Dương quát lớn một tiếng, dịch bước chuyển thân, nhác thấy bóng dáng Diệp Linh Tô , gã lập tức huơ sáo ngọc dồn sức đâm ra. Thân hình của thiếu nữ nhấp nháy, lúc thì như hoa xinh vờn ảnh, lúc lại như trúc xanh đón gió, mắt mũi Nhạc Chi Dương rối cả lên, sáo ngọc tức thì đánh vào không khí. Cánh tay nõn nà của Diệp Linh Tô vươn ra quét trùng vào mạch môn của gã, nửa người Nhạc Chi Dương tê dại, bước chân loạng choạng, trong lúc rối ren gã liền giở ra “Linh Vũ”, tay múa chân đá như một chiếc chong chóng bay vọt về phía sau hơn trượng. Còn chưa kịp đứng vững, Diệp Linh Tô đã đuổi đến nơi, cành cây mảnh khảnh dài ngoằn ấy mang theo kiếm khí ngợp trời, đổ dồn đến như gió táp mưa giăng. Nhạc Chi Dương sử chiêu “Thiên Môn Thức” vẫn không chống đỡ nổi thế công ào ạt ấy, nhất thời bị trúng liên tiếp hai kiếm.

Nhạc Chi Dương bị trúng chiêu liên tục, ngược lại bỗng trở nên bình tĩnh, tinh thần càng lúc càng tập trung, những lời dạy dỗ của Tịch Ứng Chân hệt như suối chảy róc rách qua đầu, chẳng những hai thức là Thiên Trùng và Thiên Môn lĩnh ngộ sâu hơn mà những thức khác cũng nắm bắt được tương đối, trong lúc tiến lùi công thủ thi thoảng lại múa ra động tác ứng địch trong “Vũ khúc thức” và “Văn khúc thức”. “Vũ khúc thức” dũng mãnh vô cùng, trong cương có nhu; chiêu pháp của “văn khúc thức” thì uyển chuyển, trong nhu có cương, hai thức này pha trộn mà sử ra tựa như văn võ tương sinh, cương nhu hòa hợp, miễn cưỡng có thể chống đỡ được những đường kiếm nhanh như chớp lóe của thiếu nữ.

Hai bên kẻ đến người đi, đấu đến lúc mặt trời xế bóng, ánh tịch dương rọi lên mặt biển xanh, phết lên đó một lớp ráng hồng đỏ lựng, khung cảnh ngoạn mục vô cùng. Chú đại bàng trắng bay lướt qua mặt nước, phát ra tiếng kêu dài lanh lảnh.

Trao đổi thêm vài chiêu, eo lưng của Nhạc Chi Dương trúng kiếm đau rát, bước chân có chút khập khiễng, Diệp Linh Tô thừa thắng truy kích, tung ra một màn kiếm ép cho gã không thể ngoi đầu lên. Nhạc Chi Dương bị bức lui từng bước, lùi đến trước một tảng đá, Diệp Linh Tô bất ngờ phi thân lên cao, phất nhánh cây đâm về phía gã. Nhạc Chi Dương tựa lưng vào phiến đá, không còn đường lui, đành phải giơ sáo lên, dùng một chiêu “Nhật Chiếu Lôi Môn” trong “Vũ khúc thức”, lấy công đôi công, toàn lực chống trả.

Thế kiếm hai bên vừa chạm nhau, nhánh cây bỗng hóa cương thành nhu, vút một tiếng cuộn lại phía sau, Diệp Linh Tô quát lên: “Buông!” Liền theo đó hổ khẩu của Nhạc Chi Dương nhói đau, sáo ngọc lập tức tuột tay, Diệp Linh Tô trở tay bắt gọn, nhánh cây tiếp tục chĩa về phía trước, nhẹ nhàng kề sát yết hầu của gã.

Nhạc Chi Dương nhìn cô gái, sắc mặt trắng bệch, Diệp Linh Tô trả sáo ngọc lại cho gã, điềm nhiên bảo:

– Kiếm pháp của ngươi cũng tàm tạm nhỉ.

– Tàm tạm á? – Nhạc Chi Dương xoa xoa chỗ đau trên người, bực bội nói: – Đổi lại là một cây kiếm thật thì ta đã bị cô đâm chết bảy tám lần rồi.

– Ta thì kể làm gì. – Diệp Linh Tô hờ hững đáp: – “Phi Ảnh Thần Kiếm” luyện đến mức tuyệt đỉnh, có thể hóa ra muôn hình vạn trạng, nửa thực nửa ảo. Năm xưa người sáng tạo ra bộ kiếm pháp này là tổ sư Vân Thường còn có một biệt danh gọi là “Nhất Kiếm Câu Cửu Mệnh”, truyền rằng trên chiến trường đối đầu với quân Nguyên, một đường kiếm của ông ấy có thể kéo theo chín tên Thát tử.

– Đùa chắc? – Nhạc Chi Dương liên tục lè lưỡi: – Đừng nói là chín người, cho dù là chín con cóc thì một kiếm cũng không thể nào xuyên qua hết được.

Diệp Linh Tô ném cho gã một cái nhìn tức tối, hầm hừ bảo:

– Ai nói là xuyên kiếm qua người hồi nào? Biệt danh “Nhất Kiếm Câu Cửu Mệnh” chỉ là để hình dung tốc độ dùng kiếm siêu nhanh, chín đường kiếm dưới mắt người thường trông thấy chẳng khác nào chỉ có một kiếm xuất ra.

Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, bật cười:

– Nói đi nói lại, vẫn là chín kiếm giết chín tên Thát tử.

Thiếu nữ mặt hoa đỏ lựng, nhất thời ức chế, nghiến răng nói:

– Nhạc Chi Dương, tên bại não nhà ngươi, đúng là không biết gì cả.

Nhạc Chi Dương trước nay tự phụ mình nhạy bén tinh anh, đây là lần đầu tiên bị người khác mắng là “bại não”, nghe xong câu này trong lòng ấm ức, lại hiềm kiếm pháp của Diệp Linh Tô quá nhanh, lúc nãy biến gã thành tấm bia luyện kiếm, gã lập tức cười gằn:

– Bại não so ra còn tốt hơn loại khoe khoang, “Nhất Kiếm Câu Cửu Mệnh” thì kể làm gì, ta đây có thể một hơi thổi chết chín con trâu, thế nên cũng có biệt hiệu gọi là “Nhất Khí Xuy Cửu Ngưu” đấy!

Sắc mặt Diệp Linh Tô lúc đỏ lúc trắng, bỗng cô giẫm chân, xoay người bỏ đi. Nhạc Chi Dương lỡ miệng nói hớ, trong lòng cảm thấy hối hận, vội gọi với theo:

– Diệp cô nương à, ta chỉ đùa chơi thôi, cô đừng có để ý.

Diệp Linh Tô chẳng thèm ngoái đầu lại, tự mình đi một mạch trở về trước cửa hang động, trông thấy Tịch Ứng Chân vẫn đang nhập định, thế là cô bèn hậm hực ngồi xuống, nhắm mắt điều tức. Nhạc Chi Dương cũng vừa về đến, gã chạy đến bên cạnh cô ỉ ôi năn nỉ nhưng thiếu nữ đang trong cơn giận, căn bản là không thèm đếm xỉa đến gã.

Nhạc Chi Dương bất đắc dĩ đành đứng dậy đi ăn tối. Tịch Ứng Chân đang lúc tâm sự chất chồng, khí sắc không tốt, dùng bữa được một tí lại bỏ đi ngồi thiềng tiếp. Diệp Linh Tô thì giận dỗi không ăn, mãi cho đến lúc thịt nguội canh lạnh cũng không thấy cô đứng dậy.

Quảng cáo
Trước /67 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Tan Chảy

Copyright © 2022 - MTruyện.net