Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Part 1
[Truyền Thuyết Đô Thị]
Có thể xem đó là một loại [nguyện vọng] được lưu truyền trên đời, số lượng của chúng cũng nhiều như những ngôi sao trên trời.
Chẳng hạn như, Truyền Thuyết Đô Thị về việc “con người chưa từng thực sự bước chân lên mặt trăng”.
Chẳng hạn như, âm mưu của Hội Tam Điểm (1) ẩn giấu trong những đồng đô la của Mỹ.
Chẳng hạn như, thí nghiệm vượt qua thời không đã diễn ra ở Philadelphia.
Nơi trú ẩn hạt nhân dọc tuyến tàu Chiyoda, khu vực 51, sự kiện UFO ở Roswell, vân vân...
Nếu cẩn thận xem xét những Truyền Thuyết Đô Thị nhiều không kể xiết này, sẽ có thể phát hiện ra rằng bên trong ẩn chứa quy luật rõ ràng. Đó là… tất cả đều bắt nguồn từ [nguyện vọng], theo kiểu “nếu đó là sự thật thì sẽ rất thú vị”.
Cũng giống như câu “không có lửa làm sao có khói”. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một chút về tính chất của những [tin đồn] được thêm mắm thêm muối quá mức, sau đó lưu truyền rộng rãi kia, sẽ có thể nhận ra đây chính là quá trình hình thành của những Truyền Thuyết Đô Thị.
Suy cho cùng, cũng chỉ là có cây mà không có lá. Nói thẳng ra, những thứ xằng bậy chiếm đến hơn phân nửa. Nhưng lạ lùng là không ai có ý định truy cứu trách nhiệm của những chuyện này, bởi vì từ xưa tới nay, loài người là một sinh vật thích [tất nhiên] hơn là [ngẫu nhiên]. So với sự thật là sự ra đời của con người vốn là một sản phẩm ngẫu nhiên của các xác xuất thiên văn học, có rất nhiều người, dựa vào kinh nghiệm hoặc theo bản năng, muốn tin rằng loài người là do một thứ gì đó tạo ra theo một kế hoạch hẳn hoi hơn.
Theo cách suy nghĩ ấy, thế giới cũng không phải hỗn độn, mà là ngăn nắp có trật tự. Bằng cách tưởng tượng ra sự tồn tại của một thứ gì đó đứng phía sau điều khiển mọi vật, con người cố tìm tòi giá trị của cái thế giới biến hoá thất thường và lạnh lùng tàn nhẫn này.
… Chí ít là, trong lòng đang ấp ủ ước vọng như vậy. Cho nên có thể nói, Truyền Thuyết Đô Thị vốn là thứ được sinh ra từ những [nguyện vọng] tha thiết đó.
Vậy thì…
Trong những [Truyền Thuyết Đô Thị] nhiều đến mức có thể chiếu sáng cả chân trời, có những ví dụ về chuyện [rõ ràng là sự thật, lại bị xem là Truyền Thuyết Đô Thị], nhưng gần như không ai biết đến.
Đừng hiểu lầm, điều này cũng không có nghĩa là những Truyền Thuyết Đô Thị kể trên đều là sự thật.
Chỉ là, thật sự có có tồn tại những Truyền Thuyết Đô Thị mà nguyên lý hình thành hơi khác với những lời đồn đại kia.
Chẳng hạn như, tình huống một [tin đồn] quá mức không thực tế diễn hóa thành [Truyền Thuyết Đô Thị]. Ở đây có một [tin đồn] như thế.
Trên internet, có một tin đồn lạ lùng về một game thủ tên là 『 』(2). Theo lời đồn, game thủ này đã tạo nên một kỷ lục bất bại trên bảng xếp hạng của 280 trò chơi online, luôn luôn đứng đầu bảng xếp hạng thế giới với cái tên 『 』 của mình. Khi nghe tới chuyện này, nhất định bạn sẽnghĩ: “không thể nào”. Đó cũng là những gì mọi người cảm thấy, cho nên giả thuyết rút ra được vô cùng đơn giản.
Vì muốn trò chơi trở nên phổ biến, các nhân viên phát triển trò chơi đã thêm cái tên 『 』vào bảng xếp hạng. Bọn họ cũng không công bố danh tính của game thủ này, do đó đã vô tình gây nên một cơn sốt, giống như một hình thức của cái đẹp vậy. Trên thực tế thì người chơi này không hề tồn tại.
Nhưng lạ lùng là có rất nhiều game thủ lại tuyên bố đã từng chiến đấu với người này.
Có người nói… người này là vô địch.
Có người nói… người này hoàn toàn có thể đánh bại cấp độ Grandmaster của phần mềm cờ vua quốc tế.
Có người nói… phong cách chơi của người này rất khác thường, không thể nắm bắt được thủ pháp.
Có người nói… cho dù sử dụng mod hỗ trợ hay cheat code cũng không thắng được.
Có người nói… có người nói… còn có người nói…
Những người có đôi chút hứng thú với [tin đồn] này càng quyết định nghiên cứu sâu hơn.
Chuyện này cũng không khó. Nếu đã đứng đầu trên bảng xếp hạng của Consumer Game, PC Game hay Social Game thì dĩ nhiên tài khoản của người chơi này sẽ tồn tại. Nếu tài khoản đã tồn tại, đương nhiên sẽ có thể xem được thành tích thực tế của người này.
Nhưng người như thế không thể tồn tại…
….Nếu chỉ cười khẩy rồi tiến hành điều tra…. Tức là đã trúng phải một cái bẫy. Nếu hỏi tại sao, đáp án là cái tên 『 』thật sự tồn tại trên mỗi game console và SNS, hơn nữa còn bất kỳ ai cũng có thể tra duyệt thành tích.
Các thành tích trải ra la liệt đúng như nghĩa đen của từ [vô số] vậy, hoàn toàn không có một thất bại nào.
Vì thế câu chuyện lại càng bí ẩn hơn. Bất kể đó có phải là sự thật hay không, [tin đồn] càng lúc càng trở nên xa rời thực tế.
“Có hacker đã xóa hết thành tích bại trận rồi”
“Có một tổ chức tập hợp những game thủ cao cấp nhất”
Vân vân và vân vân …
Cứ như vậy, một [Truyền Thuyết Đô Thị] mới đã được sinh ra.
Tuy nhiên trong trường hợp này, người đã tạo ra truyền thuyết về 『 』 hẳn cũng phải có trách nhiệm.
Bởi vì người này sở hữu số tài khoản, cũng được trao quyền phát ngôn, nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến quyền lợi ấy.
Không nói một lời, thậm chí không có bất kỳ giao tiếp nào.
Bởi vì hoàn toàn không được cung cấp thông tin, cho nên ngoài việc đã phải rất khó khăn mới xác định được đây là người Nhật Bản ra, những tư liệu khác đều là bí ẩn.
Không ai biết diện mạo thật sự của người đó… Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho chuyện này nhanh chóng trở thành Truyền Thuyết Đô Thị.
Cho nên….
Hãy giới thiệu một chút…..
Đây hoàn toàn là sự thật.
Người dùng vòng nguyệt quế trên bảng xếp hạng thế giới của 280 trò chơi để tô điểm cho chiến tích của mình.
Game thủ trong truyền thuyết, vẫn đang duy trì kỷ lục do chính mình lập nên mà chưa từng có ai phá được.
Thân phận thật sự của 『 』.
Chú thích:
(1) Hội Tam Điểm, tiếng Anh: Freemasonry, tiếng Pháp: Franc-maçonnerie, nghĩa là “nền tảng tự do”, tên đầy đủ là “Free and Accepted Masons”.
Xem thêm thông tin ở đây:
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB...%90i%E1%BB%83m
(2) 『 』 trong tiếng Nhật được phát âm là “kuuhaku” (空白), có nghĩa là “trống” hay “khoảng trống”. Tác giả để như vậy nên sẽ giữ nguyên.