Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Vì nữ tử không mách Tiêu Phong tên chiêu thức, Tiêu Phong ngần ngừ một lúc,ông vừa định nói chính mình cũng không rõ nguồn thơ, bỗng ông nghe nữ tử khẽ ngâm:
- Kim nhật tống quân tu tận túy,
Minh triêu tương ức lộ mạn mạn.
(Hôm nay tiễn nhau phải uống thật say, sớm mai nỗi nhớ nhau sẽ mãi không phôi pha),
thanh âm ngập ngừng, man mác một nỗi phiền muộn.
Tiêu Phong đột nhiên đại ngộ, ông nhìn gã thư sinh tự xưng 'Ngã vi thư cuồng" (Ta phát cuồng vì sách)', bảo:
- Chiêu đó tên 'Kim nhật tống quân tu tận túy', không hiểu các hạ đã từng có dịp say một trận tuý luý chưa?.
Gã 'Ngã vi thư cuồng' tự vỗ đầu một cái, thất thanh la lên:
- Đúng rồi! Vậy mà sao ta lại đã không nghĩ ra nhỉ?.
Gã ngượng nghịu, mặt ửng đỏ, chắp tay vái Tiêu Phong một vái, nói:
- Tại hạ Lý Phong Lam, đã quấy nhiễu các hạ quá lâu! Tại hạ thật sự không đoán được thâm ý các hạ trong chiêu đó, thật ngượng muốn chết! Tại hạ vì được bằng hữu nhờ cậy xin cho được giải dược cô nương đây hiện có trong người, lại nghe nói các hạ võ công cao thâm kinh người, nên đã có nhờ mấy bằng hữu giúp sức, không ngờ các hạ võ công mạnh tựa người trời, bọn ta không chịu bội phục, thật không phải phép!
Tiêu Phong vội đứng dậy đáp lễ, nói:
- Huynh đài võ công cũng thật giỏi, văn tài càng khiến Tiêu Phong ta bội phục, ta không hiểu cớ sao huynh đài muốn xin giải dược của xá muội? Vừa rồi, các hạ đã uống chung rượu độc của xá muội, mặt chẳng đổi sắc, trừ phi . . . trừ phi các hạ đã bị trúng độc từ trước khi đó rồi?
Lý phong Lam lắc đầu, đáp:
- Không phải đâu! Độc tố của rượu, ta đủ sức giải trừ, có điều bột phấn độc cô nương đây đã tung vào Quách cô nương thì ta chịu thua! Quách cô nương mắt không thấy đường vốn đã không hay rồi, lại bị chất độc của phấn ngấm vào người, nếu không được giải kịp thời, sợ có khi tính mạng cô ấy khó chu toàn.Gia sư cùng Cái Bang có uyên nguyên sâu xa, ta cũng có gặp gỡ Quách đại hiệp đôi ba lần, trong lòng cực kỳ cảm phục lòng hiệp nghĩa của đại hiệp. Khi ta được Hoàng bang chủ nhờ đứng ra chặn đường và tấn công các hạ, nhằm đoạt giải dược, ta đã không sao khước từ bà, đến khi các hạ xuất thủ, ta tự biết tranh đua võ công không lại các hạ, nên đã chỉ còn cách bày trò ' dĩ thi luận vũ ', chẳng dè ta cũng bị thua luôn!
Gã thò tay vào bọc, lấy ra khối bội ngọc trong suốt lấp lánh dùng làm vật đánh cược, đưa cho A Tử, nói:
- Cô nương, ta thua cược, khối ngọc này giờ thuộc về cô nương.
A Tử thấy trong khối ngọc có thấp thoáng mấy tia màu đỏ, cô biết đấy là loại mỹ ngọc quý báu hiếm có, cô đón lấy khối ngọc, cầm nó trong lòng bàn tay, ngắm nghía săm soi.
Tiêu Phong hỏi A Tử:
- A Tử, muội nếu có giải dược, hãy đưa tặng một ít cho Lý huynh.
A Tử giọng hằn học, đáp:
- Ả nha đầu họ Quách đó, đã chặt đứt tay phải Dương đại ca, muội cũng muốn ả ta nếm đau khổ!
Tiêu Phong bảo:
- Đôi mắt cô ta chưa bảo đảm chữa lành, cô ta nếm đau khổ cũng đủ rồi, chẳng may cô bị độc tố phát ra mà mệnh vong, ta sợ Dương huynh đệ cũng chẳng dám nhận chút ân tình đó của muội đâu!
A Tử trước giờ ít coi trọng sinh tử kẻ khác, cô dẩu mỏ đáp:
- Muội không có giải dược! Bao phấn độc đó là muội đã ăn trộm của sư phụ lúc trốn khỏi Tinh Tú phái, tên bột phấn muội còn không biết, nói chi giải dược!
Tiêu Phong trong lòng phát rét, ông nghĩ bụng, theo kiểu cách ăn nói của cô, thực tình A Tử cũng không có thuốc giải.
Lý Phong Lam thở dài, nói:
- Đến cô nương cũng không có thuốc giải, ta xem chừng Quách cô nương khó cứu! Thôi, đành đem sự bất hạnh những lời đó thuật cho Hoàng bang chủ hay, thú nhận với bà là ta không còn cách nào, để bà nhờ người cao minh khác.
Gã nói xong, chắp tay bảo Tiêu Phong:
- Tại hạ xin cáo từ, các hạ xông pha Trung nguyên, ta sợ sẽ gặp cực kỳ hung hiểm, cho dù các hạ một thân võ công cái thế, nhưng thế cô lực bạc, ám tiễn khó ngừa, nếu các hạ không vì chuyện khẩn yếu, ta khuyên các hạ nên trở về Mông cổ ngay, tránh những tranh đấu cùng những khó khăn, nguy hiểm vô vị đó!
Nghe lời khuyên, Tiêu Phong trong lòng cảm kích, đáp:
- Cảm ơn Lý huynh đề tỉnh, Tiêu Phong chuyến này xuống Trung nguyên bái tế vong thê, hung hiểm nhiều đến đâu, ta cũng phải đến bằng được trước mộ phần vong thê làm lễ.
Lý Phong Lam đáp:
- Thì ra phu nhân của Tiêu huynh là người Trung nguyên, tình nghĩa Tiêu huynh dành cho vong nhân khiến tại hạ rất cảm động - Gã dừng một chặp, chợt thở dài, nói tiếp - Dù Tiêu huynh không phải người Mông Cổ, nhưng thân làm Tướng quân cho Mông Cổ, hào kiệt võ lâm Trung nguyên sẽ coi Tiêu huynh là thù địch. Ta cũng không phải người Hán, từ nhỏ theo gia sư, cư ngụ nơi góc trời Tây Bắc, phân tranh giữa các chủng tộc, ta chẳng mấy để ý tới! Do đó, vừa rồi mới vui vẻ đàm luận cùng Tiêu huynh qua chén rượu, ngoài ta, chỉ sợ Trung nguyên không ai không coi Tiêu huynh là thù địch.
Gã được Tiêu Phong cho biết ông không phải gốc gác Mông Cổ, nhưng gã cũng không muốn nói cho Tiêu Phong rõ huyết mạch của gã.
Câu chuyện đánh đúng vào nỗi đau của Tiêu Phong, ông chỉ nhỏ nhẹ cười khổ, trên trần gian này, mấy ai hiểu được cái đau khổ dồn nén đó.
Tiêu Phong nâng hồ, rót đầy hai chén, đưa một chén cho Lý Phong Lam, nói:
- Lý huynh, hôm nay từ biệt, huynh đài phải uống thật say, ta và huynh đài chia tay nhau rồi, không biết khi nào mới có dịp tái ngộ, mời ông thả sức, uống thêm với ta một chén!
Mặc dù gò má Lý Phong Lam đang đỏ hồng, gã rõ ràng đã ngà ngà say, nhưng chẳng chút chần chừ, gã nâng chén hướng Tiêu Phong đáp:
- Mời Tiêu huynh!
Hai người uống một hơi cạn chén, cùng ngẩng đầu nhìn trời cao, cất tiếng cười rộ.
Lý Phong Lam chắp hai tay thành quyền, nói:
- Tiêu huynh, xin từ biệt, mong sau này có dịp gặp lại.
- Còn có ngày gặp lại! - Tiêu Phong tỉến tới vài bước, tiễn gã đến tận cửa quán.
Lý Phong Lam nói:
- Mời Tiêu huynh trở lại, đừng tiễn đưa thêm nữa.
Nói xong, y chuyển mình bước qua khung cửa, tà áo phất phới, thoáng chốc đã đi mất dạng.
Tiêu Phong hãy còn thắc mắc lai lịch nữ tử trên gác hai đã lên tiếng giúp đỡ mình, ông bèn rảo bước lên lầu, đến trước khung cửa có buông rèm, thi lễ, nói:
- Tại hạ Tiêu Phong, xin được diện kiến cô nương.
Sau một lúc, vẫn không thấy động tĩnh gì, thấp thoáng qua bức rèm, hình như có hai người ngồi trong phòng.
Tự hiểu giang hồ có nhiều nhân vật kỳ dị, Tiêu Phong không lấy thế làm bực, ông lại lên tiếng:
- Mang ơn cô nương ra tay trợ giúp, Tiêu Phong rất cảm kích, tromg lòng tại hạ có một số việc chưa rõ, ngưỡng mong cô nương chỉ điểm mấy chỗ còn mê muội.
Bức rèm đột nhiên vén lên, một nam tử hiện ra trước Tiêu Phong, hỏi:
- Chắc các hạ nhìn nhầm người? Ở đây không có cô nương nào hết.
Bên trong, thấy một người đang ngồi, nhưng đó cũng là một nam tử, Tiêu Phong khẽ giật mình, ông liếc nhanh vào phòng, mọi đồ vật trong gian nhã các nho nhỏ đó không lọt ngoài tầm nhìn, căn bản ông chẳng thấy ẩn giấu một ai. Ông lại quét ánh mắt lần nữa, chỉ thấy hai cánh cửa ra vào rộng mở, trong lòng ông chợt hiểu, ông chắp tay, nói:
- Xin lỗi, đã làm phiền nhiễu!.
Rồi ông quay mình, đi xuống bên dưới.
A Tử thấy Tiêu Phong từ lầu hai xuống, cô thắc mắc:
- Tỷ phu, huynh lên đấy làm gì thế?
Tiêu Phong kể cô nghe chuyện nữ tử giúp đỡ, ông vừa rồi lên lầu đã chẳng được gặp cô ta, hẳn cô ta không muốn lộ thân phận, đã tránh không cho ông gặp mặt.
A Tử nghe xong, cco cười vang:
- Muội đã bảo mà, tỷ phu đột nhiên trở thành đại tài tử, xuất khẩu thành thi, làm gã thư sinh đó phục lăn, thì ra bên trong đã có được cao nhân giúp sức!
Tiêu Phong hơi rúng động, ông nghĩ, dẫu thanh âm nữ tử vo ve như tiếng muỗi, nhưng loáng thoáng trong ký ức, ông mường tượng đã có dịp nghe qua, chỉ là lúc này ông không sao nhớ là của ai!
Trả xong tiền bữa ăn, Tiêu Phong cùng A Tử rời Túy Tiên các. Trời bắt đầu đổ tuyết nhẹ, dó đó lượng khách bộ hành giảm nhiều, trên đường chẳng thấy bóng dáng bọn trưởng lão Cái Bang.
Tiêu Phong và A Tử lên ngựa, theo ngả đường đó đi ra cổng thành.
Ra khỏi thành, tuyết rơi mỗi lúc một nhiều, hai người rong ruổi được ít lâu thì trời tối mịt. Tiêu Phong chong mắt nhìn tứ phiá, bảo:
- Tuyết cành lúc càng nhiều, mình phải tìm chỗ nghỉ chân qua đêm thôi.
Bốn bề tuyết phủ mênh mông, không một bóng dáng nhà cửa. Hai người tiếp tục đi về phía Nam một chặp nữa, khi gặp một cánh rừng, trời đã tối mịt, thấp thoáng có ánh đèn hắt ra từ bên trong rừng, A Tử mừng rỡ, nói:
- Trước mặt dường như có nhà người ta.
Tiêu Phong đáp:
- Hãy đến đấy xem sao.
Hai người tiến vào, đi chẳng bao xa, quả nhiên họ thấy một gian nhà nhỏ giữa rừng, ánh đèn le lói bên trong.
Tiêu Phong đến trước nhà, cất tiếng hỏi:
- Có ai trong nhà không?
Từ trong nhà, một thanh âm già nua hỏi lại:
- Ai đấy?
Tiêu Phong đáp:
- Chúng tôi lỡ độ đường, trời đã tối, xin được ghé nghỉ qua đêm.
Sau một lúc lâu, cửa nhà mở ra, thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, ông lão nhìn sơ qua Tiêu Phong và A Tử, rồi né người sang một bên, nói:
- Vào nhà đi.
Tiêu Phong cám ơn, ông đem ngựa buộc vào gốc cây trước cửa nhà, theo A Tử đi vào trong.
Giưã nhà kê một cái bàn bốn cạnh, ngồi bên là một đứa nhỏ chừng bẩy tám tuổi, nó lặng lẽ đảo đôi tròng mắt đen dòm Tiêu Phong và A Tử, hiện trên mặt vẻ sợ sệt, kiểu trẻ con khi gặp người lạ thì bỡ ngỡ!
Trên bếp lò, một cái nồi đựng một thứ gì đang sôi sục, khói toả lên khắp nơi, tạo cảm giác ấm cúng trong nhà.
Lão già đó từ khi mở cửa xong, đến ngồi trước lò, tay chầm chậm thêm củi vào lò, không nói năng gì.
Tiêu Phong biết người thôn dã thuần phác, ít thích trò chuyện, ông cũng không để tâm, Ông đến ngồi trước bàn, hỏi:
- Lão bá đang nấu gì vậy?
- Cháo khoai lang.
- Đây là cháu ông, phải không? Trong nhà không còn ai khác à?
Lão già 'hừ' nhẹ, vẫn tiếp tục ngồi đấy, tay thêm củi vào lò, miệng nói:
- Chẳng còn ai, chỉ có ta và thằng cháu, bố nó mắc bệnh chết đã lâu, mẹ nó đi lấy chồng khác rồi.
Tiêu Phong nghe lão nói, ông đưa mắt nhìn thằng bé, thấy nó má hóp, đôi tròng mắt khá to. Ông đưa tay sờ đầu nó, hỏi:
- Cháu nhỏ, cháu tên gì?
Đứa nhỏ lắc đầu, từ trong mắt nó chợt ứa một giọt lệ.
Tiêu Phong thấy hơi lạ, ông hỏi tiếp:
- Tại sao cháu khóc? Cháu nhớ cha, nhớ mẹ cháu hả?
Lão già quay đầu lại, thở dài, nói:
- Nó hồi nhỏ mắc bệnh nặng, rồi hoá câm, mẹ nó lại vừa mới tái giá, nó suốt ngày nhớ mẹ, cứ chảy nước mắt hoài! Còn nhỏ vậy mà chịu biết bao khổ não ... ôi ...
Tiêu Phong nghe nói, ông mủi lòng, móc từ trong bọc ra một tấm vàng lá, đặt lên bàn, nói:
- Lão bá, lão bá đem tấm vàng lá này ra chợ đổi bạc trắng, rồi muốn ăn thức gì thì cứ mua về.
Lão nhân quay nhìn, lắc đầu, nói:
- Không được đâu, không được đâu, lão sao dám lấy của ông?
Tiêu Phong đáp:
- Lão bá cứ cầm lấy đi, là quà ra mắt của ta tặng cháu nhỏ.
Lão già ngập ngừng, nói
- Hừm ... Cám ơn ông.
Lãp quay trở lại với bếp lò, bùi ngùi, than thở:
- Lão hủ hôm nay gặp quý nhân rồi.
A Tử thấy đứa bé cứ nhìn chằm chằm vào mình và Tiêu Phong, cô đưa tay vuốt má nó, bảo:
- Cậu nhỏ à, sao cậu cứ giương to mắt ra nhìn bọn ta hoài vậy? Hai ta chẳng phải cọp beo đâu, không ăn thịt cậu đâu.
Đứa nhỏ hoảng sợ, vụt khóc, nhưng thanh âm không thoát ra được, nó ngồi đờ ra, từ lúc Tiêu Phong vào nhà đến giờ, ông không thấy nó cử động thân mình chút nào.
A Tử rụt tay lại, cô chau mày nói:
- Thằng bé nhà ngươi sao ưa khóc lóc quá? Chẳng đáng mặt nam hài tử, động chút là khóc, thấy mắc cở quá!
Lão già đứng dậy, nói:
- Cháo khoai đã chín rồi, vị đại gia và vị tiểu thư đã đi suốt ngày, chắc đói lắm? Lão hủ chẳng có gì đãi khách, mời hai vị dùng tạm ít cháo.
Lão múc cháo làm hai bát đầy, đem đặt trước mặt Tiêu Phong và A Tử, nói:
- Ăn mau kẻo nguội, cháo giúp làm ấm người đấy.
Tiêu Phong đứng dậy, đáp:
- Mới lão bá ngồi, chúng tôi không đói, vừa rồi đã ăn tối trên đường đi đến đây, mạo muội vào quấy nhiễu, mười phần không nên không phải, lại còn làm chậm trễ bữa tối của hai ông cháu, khiến cả hai bị đói, thật lắm tội quá.
Ông vừa nói, vừa đưa tay mời lão già ngồi xuống.
A Tử thấy Tiêu Phong làm vậy, cô đẩy bát cháo của mình ra trước mặt đứa bé, nói:
- Em nhỏ hãy nín khóc! Em ăn cháo đi, tỷ tỷ cho đấy.
--- Xem tiếp hồi 50 ----