Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); *Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Hằng năm Lâm Vãn Sương đều thường xuyên lui tới Lạc Dương và Tô Hàng, ngay cả những châu phía nam như Tuyền Châu, Giang Thành hay Nhạc Dương cũng từng được nàng đặt chân ghé tới. Nàng ngẩng đầu nhìn dãy núi mùa đông đìu hiu đôi bờ rồi chuyển tầm mắt, dừng trên mạng che mặt của Thi Yến Vi, dịu dàng nói: “Hôm nay đã là mồng mười chín tháng chạp, theo ta đoán thì trưa ngày hai mươi ba, thể nào cũng phải đến nơi rồi.”
Thi Yến Vi nghe vậy, hai tay đang hơ trên chậu than liền khựng lại, mỉm cười trêu đùa: “Nhị nương khẳng định chắc nịch thế này hẳn đã tính trước rồi, dọc đường đi phải nắm rõ phong cảnh ven đường trong lòng thì mới biết thuyền hiện đang ở đâu, khi nào sẽ đến Lạc Dương.”
Nàng vừa dứt lời, Lâm Vãn Sương đã cong nhẹ khóe môi, nhìn sóng bạc lăn tăn cùng bóng trăng chìm nổi trên mặt nước, nhẹ nhàng ngâm một câu thơ: “Trương Nhược Hư từng viết thế này: Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân, đãn kiến trường giang tống lưu thủy. [1] Tam nương nghĩ xem, ánh trăng trên cao đến cùng đang đợi người phương nào?”
[1][1] Hai câu tiếp theo trích trong bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” (Đêm trăng hoa trên sông xuân) của Trương Nhược Hư.
Bản dịch của Nhất Lang (thivien.net): Trăng sông soi sáng cho ai/ Trên sông một dải nước trôi theo dòng.
Gió đêm mơn trớn mặt sông nhấp nhô như kết vảy, đốm lửa trong lò than chập chờn như nhảy múa, Thi Yến Vi nhìn Lâm Vãn Sương qua tấm màn mỏng, trầm ngâm một lúc rồi khẽ nói: “Giờ khắc này, ánh trăng trong sáng đang hòa vào lòng ta và nương tử, người mà ánh trăng chờ đợi đương nhiên cũng là hai người đang ngắm trăng như ta và cô.”
Ánh trăng vô biên đều được cất gọn vào đáy mắt hai người, Lâm Vãn Sương bất giác nhoẻn cười, nghiêng đầu nhìn Thi Yến Vi, trêu chọc: “Câu trả lời của nương tử, ta chưa từng nghe qua, không biết nương tử học từ vị danh gia nào mà lại có cách suy nghĩ độc đáo như thế?”
Nói xong, Lâm Vãn Sương rót đầy trà vào chén cho mình và Thi Yến Vi, nâng lên nhấp từng ngụm.
Thi Yến Vi thấy vậy, cũng nâng chén trà lên làm theo.
Đêm đó, hai người trò chuyện vui vẻ đến tận canh hai mới về phòng.
*
Thành Thái Nguyên.
Tống Hành về Thái Nguyên sớm hơn dự kiến tận ba bốn ngày.
Ở Thúy Trúc cư, Tiết phu nhân đang định sai người mang nước nóng vào rửa mặt thay y phục, thì chợt nghe trước viện truyền tới tiếng huyên náo. Một lão mụ nhanh nhẹn cùng hai gã sai vặt chạy tới dưới hành lang, hối hả bẩm báo: “Gia chủ đã về! Gia chủ đã về! Giờ đã đi qua cổng phủ, sắp sửa đi vào sảnh Thùy Hoa.”
Mọi người nghe tin đều mừng rỡ ra mặt, chỉ có Tiết phu nhân thoáng trầm ngâm, thầm nghĩ: Về lý thì phải đến cuối tháng chạp mới về đến Thái Nguyên, sao lúc này đã về đến nơi rồi?
Dù nghĩ thế nhưng vì sợ bị người khác thấy rồi sinh lời ra tiếng vào, bà liền thu lại tầm mắt, cố gắng không biểu hiện ra mà gượng cười, phủ thêm áo choàng lông ấm áp từ tay Sơ Vũ, để người đỡ ra ngoài cửa.
Đường đêm khó đi, ai nấy đều sợ Tiết phu nhân vấp ngã, Đống Tuyết vừa vội vàng sai người chuẩn bị bộ liễn (kiệu nhỏ) để đưa bà đến sảnh Thùy Hoa, vừa sai người thắp sáng chao đèn bằng vải lụa để soi đường.
Phía Tống Thanh Hòa không được ai báo tin, chỉ có mỗi Tiết phu nhân và Tống Duật nhận được tin báo.
Tổ Giang Lan sắp đến ngày lâm bồn, Tống Dật sợ kinh động đến nàng nên đợi dỗ nàng ngủ yên mới sang sương phòng nghỉ ngơi. Lúc hắn vừa bước ra cửa thì đập vào mắt là ánh lửa bập bùng nơi cổng viện, một tiểu tư đang sải bước rất nhanh tiến vào.
Tống Duật vừa mới dỗ Tổ Giang Lan ngủ, sợ tiểu tư không biết nặng nhẹ làm ồn liền bước nhanh đón trước, ra hiệu để hắn im lặng, sau đó dẫn người ra ngoài hỏi xem đã xảy ra chuyện gì.
Tiểu tư khom lưng, thở hổn hển, đợi đến khi nhịp tim bình ổn lại mới cung kinh trả lời: “Bẩm lang quân, gia chủ đã về, Phùng Nhị lang truyền lệnh gia chủ, đặc biệt sai nô đến mời lang quân đi một chuyến đến sảnh Thùy Hoa. Nô đã xách đèn đây rồi, xin phép lang quân để nô chiếu đường cho ngài?”
Tống Duật nghe xong, ánh mắt không khỏi ngưng lại, chậm rãi đáp một chữ “Được” rồi cất bước nặng nề đi về phía sảnh Thùy Hoa, lông mi dài cụp xuống, mắt phượng nheo lại, dáng vẻ trầm tư.
Thì ra là vào một buổi sáng, sau khi Tống Hành rời khỏi Thái Nguyên để đi Trường An, Chu Đại nương phụ trách thu mua rau củ, đồ tươi sống cho quý phủ đến phòng bếp giao cá mè thì tình cờ nghe được Hỉ Nhi và Thiện Nhi nhắc đến mùa đông năm ngoái, Dương nương tử đã làm món sủi cảo Địa Tam Tiên [2] và bánh trôi nếp nấu rượu quế hoa cho các nàng. [3] Lúc này Chu Đại nương mới sực nhớ bóng dáng quen thuộc mà bà trông thấy ngày nọ giống với ai, rồi thốt ngay rằng bà đã nhìn thấy một nữ lang dáng vẻ hao hao với Dương nương tử bên ngoài phường cứu trợ.
[2][2] sủi cảo Địa Tam Tiên: 地三鲜 – tên tiếng Việt đc gọi là Địa Tam Tiên một món ăn được kết hợp hài hoà từ khoai tây, cà tím và ớt chuông xanh đỏ xào. Nguồn chú thích: Fanpage Sủi cảo Chị Đại. Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
[3][3] bánh trôi nếp nấu rượu quế hoa: Món này gồm những viên bánh trôi nhỏ làm từ bột gạo nếp, được nấu trong nước đường có rượu nếp và hoa quế tạo mùi thơm đặc trưng. Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
Người ở phòng bếp nghe xong chỉ nghĩ bà nhìn nhầm, lại nói khi Dương nương tử rời đi đã mang theo không ít ngân lượng, hơn nữa nàng có tài làm điểm tâm đồ ngọt, đang yên đang lành cũng không đến mức phải nương nhờ vào một phường cứu trợ.
Chỉ có tiểu lang quân tên Đồng Quý là tinh ý, nghe xong liền nảy sinh nghi ngờ. Cậu từng nghe nhóm tiểu tư trong viện Tống Tam lang nói rằng thời gian gần đây, ngài đang phái người truy tìm tung tích của Dương nương tử. Nghĩ vậy liền viện của ngài chầu chực mất ba ngày, lúc này mới đem chuyện Chu thị nhìn thấy Dương nương tử kể cho Tống Duật hay.
Tống Dật vốn đã nghi ngờ việc Thi Yến Vi vô duyên vô cớ lại đến Trường An không thân thích, nay nghe Đồng Quý nói vậy thì càng thấy sinh nghi, sai người rời phủ tìm Vương Ngân Chúc đến hỏi chuyện.
Lúc Vương Ngân Chúc đến thì chỉ nói Dương nương tử chưa từng nhắc đến việc đi Trường An, sau khi rời khỏi Tống phủ, Dương nương tử từng tới tìm nàng hai lần, kể rằng mình ở Thanh Phong Phố sống rất an ổn đầy đủ, hòa hợp với bốn vị nương tử là chủ nhân, hơn nữa còn quay lại với sở thích trước đây là gảy đàn tỳ bà.
Đang sống êm đẹp ở Thanh Phong phố thì sao đột nhiên lại muốn đến Trường An? Tống Duật càng nghe càng cảm thấy bất an, lần theo manh mối này đích thân đến Thanh Phong phố tìm ba vị đông gia hỏi chuyện.
Lưu Tam nương nói: “Khoảng thời gian nương tử định làm giấy thông hành quả thật có xảy ra vài chuyện kỳ lạ… Thiếp còn nhớ mang máng, vào một đêm mưa đầu thu, từng có một lang quân vóc người như núi dừng chân bên đường, ánh mắt rõ ràng là đang nhìn thẳng vào phòng ngủ của Dương nương tử. Đến khi Dương nương tử lấy giấy thông hành, lúc quay về cả người thất hồn lạc phách, tự giam mình trong phòng suốt buổi chiều.”
Lời của Thôi Tam nương cũng tương tự với Liễu Tam nương, chỉ khác ở chỗ Dương nương tử có nói với nàng rằng sẽ chuyển đến một nơi ở mới, nhưng nơi đó thuộc địa phận Thái Nguyên hay điểm đến trên giấy thông hành thì nàng lại không rõ.
Tống Duật đem những thông tin này xâu chuỗi lại, cẩn thận suy nghĩ gần nửa ngày, nhớ đến vẻ mặt ngập ngừng muốn nói lại thôi của Vương Ngân Chúc hôm trước thì không thể không triệu nàng đến lần nữa, kể lại những gì hắn biết được từ chỗ Thôi Tam nương và Liễu Tam nương.
Vóc người như núi. Ngân Chúc vừa nghe đến bốn chữ này, trong đầu bất chợt hiện ra ánh mắt mà gia chủ nhìn Dương nương tử lúc còn ở Đại Tụ cư. Hôm đó trong vườn, gia chủ nói mấy lời quan tâm bất thường với Dương nương tử lẫn ánh mắt dịu dàng khi nghe nàng nhắc tới Dương nương tử trước khi rời phủ…
“Là gia chủ, người kia nhất định là gia chủ… Lang quân, gia chủ đối với Dương nương tử không vô tình như vẻ bề ngoài… Ngài ấy…” Ngân Chúc không dám nói tiếp, cũng không thể nói ra.
Tống Duật không phải hạng ngu xuẩn, nghe đến đây liền sáng tỏ trong lòng. Người có thể ra lệnh để đám người ở đô đốc phủ khẳng định Dương nương tử đã được phê duyệt rời phủ, ngoại trừ Nhị huynh của hắn là Tống Hành ra thì còn ai có thể dễ dàng làm được.
Mấy tháng trước, Nhị huynh hắn từng điều một số tỳ nữ lão mụ đến biệt viện hành sơn, hắn chỉ nghĩ Nhị huynh muốn đến đó nghỉ ngơi vài ngày nên cũng không nghi ngờ gì.
Chỉ không biết hắn đã làm cách nào qua mặt a bà và Nhị nương.
Tống Duật không dám tưởng tượng lúc Dương nương tử bị Nhị huynh bức bách làm ngoại thất, bị chiếm đoạt thân thể, trong lòng nàng sẽ bất lực và tuyệt vọng đến nhường nào…
“Ti hạ có một bào muội, tên là Sở Âm…” Lời nói trước khi Dương Duyên qua đời không ngừng quanh quẩn bên tai hắn, cảm giác tội lỗi khiến hắn dường như không thở nổi, mãi vẫn không thể bình tâm được.
Ngay trong đêm đó, Tống Duật một thân một mình liều mạng xông vào biệt viện hành sơn, dù không gặp được Dương nương tử, nhưng cách bày trí ở chính phòng nghiễm nhiên là kiểu khuê phòng của nữ lang. Trên bàn trang điểm còn có cả gương đồng, trâm sai, son môi hộp phấn… tất cả đều chứng minh nơi đây từng có một nữ lang ngụ lại.
Tống Duật mặt mày đen kịt gọi Luyện Nhi, Lưu mụ lẫn những người khác đến trước mặt, hỏi nữ lang sống ở đây danh họ gì.
Luyện Nhi và Hương Hạnh bị khí thế đáng sợ của hắn làm sợ đến mức nói không nên lời, độc mỗi Lưu mụ là người từng trải vẫn còn giữ được bình tĩnh, bà điềm đạm đáp: “Hồi bẩm lang quân, lão nô cũng không hiểu biết nương tử tên gì, chỉ biết nàng họ Dương, ai nấy vẫn thường gọi nàng là nương tử.”
Khoảnh khắc đó, Tống Duật như bị ngũ lôi đánh trúng, lồng ngực căng tức khó chịu, mãi một lúc sau mới hỏi tiếp Dương nương tử đã đi đâu.
Hương Hạnh không biết những vòng vo uẩn khúc bên trong, thật thà đáp rằng nương tử đã cùng gia chủ đến Trường An.
…
Tống Duật vẫn còn chìm đắm trong những suy nghĩ hỗn loạn kể từ khi biết được chân tướng, nhưng cổng hình vòm bên ngoài sảnh Thùy Hoa đã hiện ra trước mặt hắn.
Cảnh tượng Dương Duyên nhắm mắt lìa đời lại hiện lên trong đầu, nỗi day dứt vẫn đè nặng trong lòng mà hắn luôn không dám nhớ tới lại một lần nữa bủa vây hết thảy.
Dưới ánh trăng, cách cánh cửa gỗ chạm hoa sơn đỏ, Tống Duật bỗng không biết phải dùng tâm trạng gì để đối diện với Nhị huynh, người mà hắn kính ngưỡng nhất chỉ sau phụ thân hắn.
Gió đêm se lạnh lướt qua giàn hoa kim ngân dưới bức tường phía Tây, bóng cây mượn ánh trăng hắt lên tấm mành cửa sổ chập chờn, tựa như một bức tranh thủy mặc sống động.
Phùng Quý bước ra khỏi phòng, thấy Tống Dật trầm tư đứng dưới thềm, ngẩn người nhìn giàn hoa kim ngân thì cũng không kịp quan tâm tâm trạng hắn giờ thế nào, vội vàng bước xuống bậc thềm, đến trước mặt Tống Dật, chắp tay trước ngực hành lễ, cất tiếng gọi: “Lang quân, Thái phu nhân và gia chủ hiện đang chờ ngài ở đằng trong.”
Ngàn vạn suy nghĩ liền bị thanh âm này làm gián đoạn, Tống Duật phục hồi tinh thần, lơ đễnh đáp lại, trầm ngâm thêm một lúc rồi mới nhấc chân bước lên thềm đá, đi qua ngưỡng cửa để vào phòng, thi lễ với Tiết phu nhân và Tống Hành: “A bà, Nhị huynh vạn phúc.”
Tiết phu nhân thấy sắc mặt hắn khác thường, trong khi Tống Hành thần sắc nghiêm nghị liền lờ mờ đoán ra được Trường An có biến, Tam lang có chuyện đang giấu trong lòng, chỉ không rõ chuyện này có liên quan gì đến Dương nương tử hay không.
Dưới ánh nến vàng cam, tổ tôn ba người đều ôm nỗi niềm riêng, mãi đến khi tỳ nữ dâng trà Mông Đỉnh mới pha thì Tiết phu nhân mới thản nhiên quét mắt nhìn từng chén trà, bình tĩnh lệnh mọi người lui xuống, nghe Tống Hành thuật lại những gì hắn đã trải qua ở Trường An.
Tiết phu nhân nghe xong, không khỏi nhíu chặt hàng lông mày điểm bạc, ánh mắt đông cứng nhìn Tống Hành, quan tâm hỏi: “Bọn chúng ra tay tàn độc, Nhị lang có bị thương không?”
Tống Hành hờ hững rũ mi, ngón cái trên bàn tay trái ấn vào miệng vết thương sắp thành sẹo trên lòng bàn tay phải, giọng điệu nặng nề đáp lại: “Chỉ là vết thương ngoài da, giờ đã ổn hơn nhiều rồi, a bà không cần vì thế mà lo lắng.”
Tiết phu nhân hiểu rõ tính cách hắn, đã nói như vậy tức là không muốn ai nhắc đến chuyện vết thương, bà liền chuyển lời, vừa nhấc chén trà đang đặt trên bàn lên vừa nói thẳng: “Kẻ đó dám cả gan động thủ với Nhị lang ngay dưới chân Thánh nhân, xem ra không muốn luồn cúi nữa mà ắt đã có sự chuẩn bị chu toàn. Thành Trường An e là chẳng còn an lành được lâu nữa, chung quy vẫn là cảnh đại hạ tương khuynh. [4] Nhị lang đã có tính toán gì chưa?”
[4][4] đại hạ tương khuynh: cụm từ này ám chỉ một tình thế sụp đổ, tan vỡ không thể tránh khỏi của một thế lực hay triều đại lớn mạnh.
Tống Hành nhấc chén trà lên, nhấp một ngụm làm dịu cổ họng, rồi điềm nhiên mở môi mỏng, nói tiếp: “Tất nhiên là án binh bất động, để mặc lão thất phu kia muốn làm gì thì làm, khi nào ông ta gánh hết tiếng xấu muôn đời thì đó mới là lúc quân Hà Đông khởi sự.”
Tiết phu nhân nghe cảm thấy có lý, cũng yên tâm vì có hắn cơ trí cáng đáng hết mọi việc, bà nhẹ gật đầu, giọng đầy ẩn ý: “Cha cháu vì ngu trung nên mới bỏ mạng ở Tấn Châu. Nhị lang từ nhỏ đã văn thao võ lược, xưa nay sát phạt quyết đoán, quyết không có nửa phần mềm lòng, a bà luôn yên tâm về cháu.”
Tống Hành không trả lời, Tiết phu nhân lại nhớ đến Tống Duật, bèn liếc nhìn hắn.
Lúc này ánh nến hắt trên khuôn mặt Tống Duật, soi sáng sự ảm đạm trong đáy mắt hắn, làm Tiết phu nhân thi thoảng lại nghiêng đầu nhìn.
Tống Hành đang ngồi trên ghế tựa cũng nhận ra sự khác thường của Tống Dật đêm nay, hắn đột nhiên đặt chén trà xuống, ánh mắt thâm thúy u ám rơi chính xác trên đôi mắt đen nhánh của người kia, đều giọng hỏi: “Những ngày này Tam đệ quản lý việc lớn nhỏ trong thành Thái Nguyên, có gặp chuyện gì khó giải quyết không?”
Lúc này Tống Duật vẫn chưa sẵn sàng để đối diện với hắn nên bị câu hỏi này làm giật mình, hắn định thần, lắc đầu một cách lấy lệ: “Mọi thứ đều ổn, cũng không gặp phải chuyện khó khăn gì, Nhị huynh chớ lo.”
Tống Hành càng nghe càng thấy có gì đó không đúng, lại hỏi: “Vừa nãy mỗ nói chuyện với a bà, Tam lang có nghe lọt không?”
Tống Duật lảng tránh khỏi ánh mắt dò xét từ Tống Hành, ngẩng đầu nhìn thoáng qua Tiết phu nhân, chậm rãi mở miệng: “Nhị huynh và a bà nhìn xa trông rộng, mỗ thẹn không bằng, đương nhiên thuận theo.”
Tiết phu nhân rũ mắt, thoáng nhìn qua hắn, lập tức đọc được hàm ý biểu đạt từ vẻ mặt hắn, mặt không biến sắc gẩy chuỗi phật châu bằng gỗ đàn trong tay, bà hơi nhíu mày rồi ôn tồn nói: “Hôm nay lão thân cũng mệt rồi, không nên ở đây làm phiền lang quân trẻ tuổi các cháu trò chuyện, ta về nghỉ ngơi trước đây.”
Dứt lời liền cao gọi cả Sơ Vũ và Đống Tuyết. Hai người đỡ bà ra cửa, ngồi lên bộ liễn rời viện, thẳng đến Thúy Trúc cư.
Tiết phu nhân vừa đi, trong viện chỉ còn lại hai anh em ruột cùng cha cùng mẹ.
Bên trong lò đang đốt loại đàn hương trứ danh phiên bang vừa tiến cống, mùi thơm thanh nhã ngập tràn khắp gian phòng, khó để lờ đi.
Ánh trăng sáng tỏ xuyên vào qua cửa sổ, lặng lặng phủ lên áo bào, mặt ngọc cùng mái tóc đen của Tống Hành, càng tôn lên vẻ trầm tĩnh như nước, phong tư tú dật.
Tống Hành khẽ ngửi mùi hương thoang thoảng trong không khí, con ngươi đen láy lóe lên vẻ sắc bén rét lạnh, hắn sửa lại xưng hô, ý vị thâm trường lên tiếng trước: “Từ lúc Tam lang bước vào đã luôn giữ bộ mặt khó chịu với mỗ, chẳng hay trong lòng có điều gì bất mãn, muốn tránh mặt a bà để nói riêng?”
Tống Duật chính tai nghe hắn nói vậy thì cũng lười quanh co, đi vào vấn đề hỏi thẳng: “Ta chỉ hỏi Nhị huynh một câu, vạn mong Nhị huynh có thể nói thật.”
Lời vừa thốt ra đã thấy Tống Hành bật cười thành tiếng, mắt phượng chuyên chú nhìn thẳng hắn, đáp ngay: “Đệ là em trai ruột cùng một mẹ với ta, không cần phải vòng vo. Tam lang nếu có gì trong lòng thì cứ nói ra đi.”
Có câu: “Thanh thủy hạ tạp diện, nhĩ cật ngã dã kiến.” [5]
[5][5] Câu thành ngữ này xuất hiện trong tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, được Vưu Tam thư dùng để châm biếm và chỉ trích Giả Liễn và Giả Trân.
Dịch nôm na là: Mì tạp (“tạp diện” – 杂面) được nấu bằng nước trong (“thanh thủy” – 清水), người ăn, ta đứng nhìn.
Mình hiểu câu này có nghĩa là: người nói nhìn thấu mọi việc, nhưng không muốn dính líu, không để mình bị lôi kéo vào những hành vi sai trái hoặc không trong sạch mà chọn cách đứng ngoài để giữ mình sạch sẽ.
Tống Duật thấy hắn sai rõ rành rành nhưng vẫn làm bộ đường hoàng không biết hối cải, đương nhiên càng thấy khó chịu hơn, dứt khoát nhếch cao lông mày, cao giọng chất vấn: “Có phải Dương nương tử bị Nhị huynh dùng đến thủ đoạn ngầm, giam cầm tại biệt viện hành sơn làm ngoại thất cho huynh?”
Tống Hành nghe xong thờ ơ cười lạnh, nheo mắt thản nhiên thừa nhận, đã thế còn không thèm liếc mắt nhìn Tống Duật lấy một lần mà chỉ nhìn chằm chặp vào vảy máu trong lòng bàn tay, hỏi ngược lại: “Thế thì đã sao, chẳng nhẽ Tam lang định vì nàng mà làm phản, chỉ trích huynh trưởng ngươi?”
Giọng điệu lạnh lẽo cùng vẻ tàn nhẫn của người trước mặt khiến Tống Duật cảm thấy vô cùng xa lạ.
Đồng tử vì chấn động mà mở to, Tống Duật đứng phắt dậy, tay nắm chặt mép bàn vẻ mặt không dám tin, cau mày run giọng nói: “Nhị huynh, huynh biết rõ nàng là… nàng là…”
Tống Hành thấy hắn vì một người ngoài mà đến tận đây tra khảo mình thì sầm mặt, đáy mắt như kết thành băng, vẻ mặt lạnh tanh chẳng những không ăn năn mà còn nhếch môi, cười xùy thành tiếng, “Là gì? Là ân nhân cứu mạng đệ? Đừng nói huynh trưởng của nàng cứu mạng đệ, dù là chính nàng cứu đệ nhưng phàm là thứ ta muốn thì đều có vô vàn cách thức lẫn thủ đoạn để nắm chặt trong tay? Chỉ là món đồ chơi giải sầu mà đáng để ta bận tâm xem nàng có nguyện ý hay không?”
Tống Duật không ngờ rằng huynh trường mà hắn luôn kính trọng lại có lúc giống với những kẻ côn đồ, miệng nói toàn những lời coi rẻ người khác, hắn không khỏi trợn tròn mắt trừng Tống Hành, vặn hỏi: “Nhị huynh! Nàng là con người bằng xương bằng thịt, không phải vật chết để huynh tùy ý nắm bóp. Huynh làm chuyện táng tận lương tâm, cưỡng đoạt dân nữ mà không thấy mình đã sai rồi sao?”
“Sai? Chẳng lẽ thời gian này Tam lang ở Thái Nguyên đã bận đến mụ đầu?” Tống Hành đột nhiên đứng bật dậy, thoáng chốc đã cao hơn Tống Duật nửa cái đầu. Hắn từ trên cao nhìn xuống, trầm giọng hỏi: “Từ khi ta chưởng quản Hà Đông tới nay, đã từng đi sai nửa bước?”
Cảm giác áp bách mãnh liệt ùn ùn kéo tới, Tống Duật bất giác nhớ lại thời nhỏ, mỗi khi cha hắn kiểm tra kỵ xạ, công phu quyền cước của hai anh em, Tống Hành luôn là người có thể dễ dàng bất phân thắng bại với cha hắn, thậm chí sau khi Nhị huynh trưởng thành, ngay cả cha hắn cũng phải rơi vào thế hạ phong.
Hồi cha hắn còn sống, mỗi khi gọi hai anh em hắn đến đấu tập với nhau, Tống Hành luôn hành lễ trước rồi mới đến động quyền, mỉm cười nói với hắn: “Mong Tam đệ thủ hạ lưu tình.”
Nhưng trên thực tế, lần nào người chật vật bại trận cũng là hắn, đã thế còn thua cực kỳ thảm hại.
Những ký ức thời thiếu niên này đã để lại bóng ma không thể xóa nhòa trong lòng hắn, bảo sao hắn không sợ huynh trưởng.
“Chuyện này không giống! Sao Nhị huynh lại làm chuyện hồ đồ đến mức này?” Tống Duật cố đè xuống nỗi thấp thỏm đã quen thuộc trong lòng, hít sâu vài ngụm để lấy thêm can đảm, gân cổ phản bác Tống Hành.
Tống Hành chưa từng nghĩ hắn đám dùng thái độ này để nói chuyện với mình, ánh mắt càng tối sầm lại, hời hợt đáp: “Có gì khác? Nếu ta nhất quyết làm thế, Tam lang ngươi định làm gì? Hay ngươi muốn cắt đứt quan hệ huynh đệ với ta, mặc kệ a bà và mặt mũi Tống thị, cũng phải cứu nàng thoát khổ?”
Hai chữ “a bà” lọt vào tai, chân mày Tống Duật khẽ động, hai nắm tay siết chặt thành quyền lặng người một lúc rồi rũ mi, ngỡ ngàng lẩm bẩm: “Nhị huynh đây là có ý gì?”
Tống Hành thầm chê hắn thẳng tính đơn thuần, đã thế còn quá mức ngay thẳng, khó lòng gánh vác trọng trách nhưng vẫn nhẫn nại khuyên bảo: “Tam lang thực sự nghĩ a bà không biết chuyện này ư? Dương Sở Âm cứng đầu ương ngạnh, ngang bướng làm càn, không chịu làm thiếp, nhưng lại cùng ta phát sinh quan hệ. A bà có ý đợi nàng nghĩ thông rồi nâng nàng nhập phủ cũng không muộn. Nếu Tam lang khăng khăng muốn làm lớn chuyện vì một người đã chết, không bàn đến tình huynh đệ nhưng khiến a bà ở giữa khó xử chẳng phải vô hình chung sẽ khiến a bà lo lắng đó sao? Mỗ không ngại búa rìu người ngoài, chỉ không biết hiện Tam lang hiện đã thành gia lập thất, liệu có thể hoàn toàn không quan tâm đến danh tiếng bên ngoài chăng?”
Nói đến đây, Tống Duật tự biết mình không thể trứng chọi đá đặt cược hết thảy, bất hiếu a bà, chống đối huynh trưởng, vứt bỏ thanh danh Tống gia…
Nhưng vẫn không chịu cam lòng buông xuôi mà dịu giọng, đã biết rõ còn cố hỏi: “Ý Nhị huynh là dù ta làm ầm lên, Nhị huynh vẫn không chịu thả nàng?”
Giọng điệu lạnh lẽo Tống Hành vang lên, hóa thành nhát dao đâm nát ảo mộng, hủy đi chút hy vọng cuối cùng trong lòng hắn. Tống Hành cất lời, thanh âm giá rét như sương lạnh: “Phàm là chuyện ta quyết tâm thì không có chỗ để xoay chuyển. Tam lang đừng ôm mộng hão huyền, nàng đã bị ta chiếm được, dù có chết cũng cũng chỉ có thể làm quỷ của ta.”
Gió lạnh thổi vào người, trái tim Tống Duật dường như cũng bị những lời của Tống Hành kéo lọt vào hầm băng, trong bóng tối bất tận hoang vu đó, cơn giá buốt không ngừng đục khoét xương tủy khiến cõi lòng hắn rét lạnh, không dám nhìn thẳng vào mắt Tống Hành.
Tống Duật siết chặt nắm tay, như muốn dùng chút khí lực cuối cùng cưỡng ép bản thân xua đi hình bóng đôi huynh muội Dương thị. Hắn nhắm chặt mắt, không còn cách nào khác ngoài thỏa hiệp: “Nếu Nhị huynh đã không không chịu buông ta thì ít nhất cũng cho nàng một danh phận, đối đãi tử tế với nàng.”
Tống Hành cười lạnh, giọng điệu đầy vẻ khinh miệt: “Nàng vốn không biết điều, nhiều lần làm trái ý ta. Lần này đi Trường An, dù ở thời điểm nguy cấp nhất thì ta vẫn tìm cách để bảo vệ nàng, còn nàng lại nhân lúc ta chém giết, nhẫn tâm bỏ lại ta mà đi. Chẳng lẽ Tam lang cho rằng, sau khi tìm được nàng về, nàng vẫn xứng làm thiếp của ta? Ta đuổi theo giữ lại mạng cho nàng, đã là sự nhân nhượng lớn nhất rồi.”
Nói đến đây, Tống Hành nghiến răng nghiến lợi, tròng mắt ánh lên lửa giận, ngũ quan vốn tuấn lãng cũng vì thế mà trở nên vặn vẹo.
Trong đầu Tống Hành không kiềm được mà hiện lên cảnh tượng đêm ấy, vết thương trong lòng bàn tay phút chốc cũng âm ỉ trở lại, khớp ngón tay giấu dưới ống tay áo phát ra tiếng co giật, mu bàn tay lẫn thái dương nổi đầy gân xanh, lửa giận ngùn ngụt xông tới đỉnh đầu, khiến hắn suýt thì không kiểm soát được, suýt vung tay muốn hất tung mọi thứ trên bàn.
Không ngờ Dương nương tử lại cương quyết và can đảm đến mức dám trèo ra khỏi lòng bàn tay Nhị huynh. Tống Duật nghe xong vừa kinh vừa sợ, trong lòng càng thêm nể phục nàng, từ đáy lòng chỉ mong sao nàng lánh được trận phong ba này, nhất định đừng để người của Nhị huynh tìm được, chờ đến ngày Nhị huynh hắn cưới vợ sinh con, tự khắc sẽ dần quên nàng đi.
Nghĩ đến đây, Tống Duật điều chỉnh lại sắc mặt, từ tốn nói: “Trời đã tối rồi, mấy ngày nay Nhị huynh đi đường vất vả, cũng nên về phòng nghỉ ngơi sớm đi. Sự vụ ở quan thự lẫn trong quân, đợi ngày mai rồi đệ bẩm báo kỹ càng hơn cũng không muộn.”
Đây mới là thái độ đúng mực hắn nên có để nói chuyện với mình. Tống Hành dịu xuống, ừ một tiếng, thấy vẻ mặt Tống Duật đã bình tĩnh trở lại thì dặn dò thêm mấy câu trước khi chắp tay bước qua ngạch cửa.
Phùng Quý đã đứng chờ dưới mái hiên từ lâu, thấy hắn bước ra liền vội vàng tiến lên nghênh đón, theo chân hắn đi về phía Thối Hàn cư.
Tống Hành vừa vào đến sân thì đã thuộc hạ thân tín mà hắn hay dùng đang chờ sẵn, lần này tới chính vì chuyện tìm người.
Phùng Quý đưa hai người vào thư phòng, lặng lẽ lui ra, đứng canh ngoài cửa.
Tống Hành nói rõ tình hình với thuộc hạ, dặn đi dặn lại nếu có manh mối thì ngay lập tức thúc ngựa, truyền tin về ngay. Còn nếu tìm được người trong thành thì tuyệt không được làm tổn thương dù chỉ một sợi tóc mà phải đưa nàng về bình an vô sự.
Thuộc hạ lĩnh mệnh, nhanh chóng rút lui, triệu tập nhân mã tìm kiếm ở Trường An trước.
Phùng Quý biết những ngày qua tâm trạng Tống Hành không tốt, giấc ngủ không yên, thời gian trước vì phải đi đường, không có điều kiện chuẩn bị, nhưng nay đã trở về Thái Nguyên, muốn gì đều đã có sẵn, bèn sai nhà bếp nấu một bát canh an thần.
Sắc mặt Tống Hành hiện thời hết sức khó coi, hắn không muốn để hạ nhân thấy vẻ phiền não của mình liền tự mình thêm nước vào nghiên, bắt đầu mài mực.
Mực đen được mài chảy ra, Tống Hành dùng bút lông sói chấm mực viết chữ. Từng hàng thơ hiện ra trên trang giấy đều là những câu hắn từng dạy Thi Yến Vi viết qua.
Đang êm đẹp sao lại vô cớ nhớ tới nàng, thực là phiền.
Hắn vẫn còn nhớ đến một nữ lang đã lừa dối hắn, khiến hắn mất sạch thể diện.
Nỗi nhớ nàng như thủy triều đánh vào bờ cát. Tống Hành luôn nhận mình chí hướng cao xa, xưa nay đã khi nào phải hổ thẹn vì trầm mê nữ sắc, vậy nên hắn cực kỳ căm tức lẫn phỉ nhổ bản thân vào lúc này, tâm phiền ý loạn lại chấm bút vào mực, muốn gạch đi những câu thơ chướng mắt kia nhưng đầu bút cứ lơ lửng nằm trên mặt giấy, dù thế nào cũng không hạ xuống nổi.
Rất nhiều ngày hắn ở thư phòng của biệt viện hành sơn, ôm nàng, nắm tay nàng, dốc lòng dạy nàng tới từng nét một thể chữ Nhan Ứng Phương.
Hắn và nàng rõ ràng cũng có những điểm tương hợp, hắn nguyện ý cho nàng một danh phận, bảo hộ nàng chu toàn, khiến nàng một đời an ổn vô lo.
Nhưng vì sao nàng vẫn vứt bỏ hắn mà đi, đã vậy còn ngay trước mắt hắn.
Rốt cuộc hắn có điểm nào không xứng với nàng, khiến nàng luôn xem thường hắn, thậm chí không tiếc thân mình, lẻ loi đối diện với hung hiểm ngoài kia.
Tống Hành nghĩ tới nghĩ lui vẫn không thể tìm ra lời giải, đầu óc bắt đầu co rút mơ hồ.
Một giọt mực đen nhánh rơi xuống từ ngòi bút, thấm vào giấy loang rộng thành mảnh, che đi vài chữ.
Cơn đau trên trán cứ lặp đi lặp lại, tần suất càng ngày dày lên, Tống Hành đặt bút lông sói xuống, muốn vo tròn tờ giấy ném đi nhưng trước mắt hắn lại hiện lên dáng vẻ mảnh mai của nàng lúc đặt ở dưới thân, nước mắt giàn giụa, khóc lóc cầu xin.
Bụng dưới bỗng bùng lên ngọn lửa, không sao kiểm soát được. Tống Hành dùng nghiên mực chặn lên tờ giấy, vội vã bước ra ngoài.
Hai khắc đồng hồ (khoảng 30 phút) sau, Tống Hành rửa tay, để những giọt nước lạnh lẽo đọng trên da thịt, như thể chỉ có cách này mới có thể xua đi nỗi ưu phiền trong lòng.
Bát canh an thần đặt trên bàn đã nguội lạnh, Tống Hành không để ý nhiều, bưng lên uống một hơi cạn sạch, hy vọng đêm nay có thể được ngủ yên.
Hắn một mình nằm trên giường trống, trằn trọc khó ngủ.
Bên người như thiếu đi gì đó, chung quy vẫn là thiếu đi thứ gì đó, lo sợ nàng ở bên ngoài bị đám cường hào ác bá dâm loạn, thuốc dù có hiệu quả đến đâu cũng chẳng giúp ích được gì nhiều, lăn qua lộn lại mãi đến nửa đêm mới mơ màng chợp mắt.
Nhiều ngày liên tục cứ thế trôi qua, canh an thần thu dần tác dụng, hiệu quả mang lại còn rất ít.
Hai mươi ba tháng chạp.
Bến tàu phía nam thành Lạc Dương, bình minh rạng rỡ khảm vào mây trắng, trút xuống vạn trượng kim quang, như mộng như ảo, khiến người ta phải chú tâm nhìn kỹ.
Thuyền cập bến, Thi Yến Vi theo thương đội xuống thuyền, từ biệt Lâm Vãn Sương, rồi thuê một chiếc xe lừa đến thẳng phường Tùng Thiện.
Chiếc xe lăn bánh, cách xa bến tàu rồi rẽ vào ngã tư đường. Trong thành ngựa xe như nước, người đến người đi nối liền không dứt, hai bên đường phố rộng rãi là những tòa lầu mọc san sát nhau, kiểu dáng có phần tương tự, được bao vây bởi những bức tường trắng.
Tiếng tiểu thương rao hàng vang vọng khắp phố lớn ngõ nhỏ, các tiểu nữ lang tóc đen búi cao dừng chân trước cửa tiệm, phần lớn đều để lộ mặt, trên trán vẽ các kiểu hoa điền khác nhau, mỗi cái giơ tay nhấc chân đều biểu hiện tư thái hào hoa khoáng đạt, không kiêng dè trò chuyện cùng lang quân, dân phong so với thời Minh thời Thanh thì cởi mở hơn khá nhiều.
Lạc Dương là Đông Đô của vương triều, kinh tế phồn vinh, dân cư đông đúc, hiển nhiên tấc đất tấc vàng, mặc dù ở vị trí xa nhưng giá qua đêm ở khách điếm cũng không hề rẻ. Thi Yến Vi cò kè mặc cả với chưởng quỹ một hồi, cuối cùng lấy được giá tám mươi văn tiền cho một đêm nghỉ trọ.
Thi Yến Vi gọi phòng bếp mang lên một chén hoành thánh với giá bốn văn tiền, thanh toán, ăn xong thì uống thêm ngụm canh nóng làm ấm cơ thể. Nàng nghỉ ngơi sửa soạn sơ qua rồi rời khỏi khách điếm, tìm một nơi thuê trọ.
Nếu nhờ nha hành làm trung gian thì việc tìm một viện tử hợp ý sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nhưng giờ trong tay nàng nàng chỉ còn hai mươi lăm lượng bạc và một đôi vòng vàng. Đôi vòng này nếu không phải vạn bất đắc dĩ, nàng cũng không muốn đem cầm. Mỗi một văn tiền đều phải tiêu vào chỗ cần thiết nên càng không nỡ bỏ ra một phần tiền thuê nhà để “tặng không” nha hành.
Nghĩ đi nghĩ lại, rốt cuộc vẫn quyết ý tự mình bỏ sức ra tìm, làm vậy cũng sẽ hợp lý hơn.
Hai ngày sau, Thi Yến Vi đã chạy qua không biết bao nhiêu con ngõ, cuối cùng cũng tìm được một viện nhỏ khá cũ ở ngõ Điềm Thủy phố Tây. Trừ bếp và nhà tắm ra thì có tổng hai gian phòng ở không lớn không nhỏ. Phòng chính lớn hơn một chút có thể chia làm gian trong gian ngoài, nếu có khách đến thì hoặc ngủ ở phòng còn lại, hoặc nằm trên sạp ở gian ngoài chính phòng.
Một viện nhỏ như thế nhưng Thi Yến Vi phải thương lượng đến gãy lưỡi, giá mới giảm xuống còn một năm mười một quan tiền*.
*Đơn vị tiền tệ cổ đại: 1 lượng vàng = 10 lượng bạc; 1 lượng bạc = 1 quan tiền = 1.000 văn tiền.
Hôm sau, đôi bên thống nhất ký tên vào khế thư được soạn sẵn, Thi Yến Vi thanh toán luôn tiền đặt cọc và trả đủ mười hai quan cho chủ nhà, túi tiền của nàng nháy mắt liền vơi đi trông thấy.
Nàng đi chợ mua một ít vật dụng cần thiết hàng ngày cùng ngũ cốc rau củ, cuối cùng chỉ còn mỗi hai lượng bạc, không khỏi lo nghĩ cho sinh kế sau này.
Đến giờ lên đèn, Thi Yến Vi thắp nến lên, dự định ngày mai cứ gặp Lâm Nhị nương trước rồi hẵng đi tìm việc.
Nàng biết viết chữ, biết tính sổ lại và cả biết nấu ăn, trong thành Lạc Dương lại không thiếu thư trai tửu lâu, lo gì không tìm được việc.
Hạ quyết tâm xong, Thi Yến Vi đun nước nóng tắm rửa rồi nằm xuống gối nghỉ ngơi. Bên người không còn kẻ khiến nàng ghê tởm, cõi lòng thập phần thanh tĩnh, chưa tới một khắc đồng hồ nàng đã chìm sâu vào giấc ngủ, ngủ một mạch đến giờ Mão nhị khắc sáng hôm sau mới thức dậy.
Lúc này mặt trời mới chỉ ló dạng trên đường chân trời, từng tia nắng sớm mai vẫn còn giấu mình trong đụn mây, để lọt ánh kim lấp lóe.
Thi Yến Vi thuần thục khoác lên mình bộ váy đông dày nặng, dùng cuốc đào một góc ở chân tường phía Tây hòng gieo vào ít hạt giống rau củ.
Ở một nơi không có sự hiện diện của Tống Hành, ngay cả việc đào đất cũng khiến nàng vui sướng.
Đợi cho buổi trưa, Thi Yến Vi bắc nồi lên bếp, xào một món mặn một món chay, dùng cơm xong lại đội mũ có mạng che, đến phường Tuân Thiện hỏi dò nơi ở của Lâm Nhị nương.
Lâm Nhị nương là nữ hộ nổi danh ở phường Tuân Thiện, trong tay có hai tòa tửu lâu cùng quán trà, chưa kể một tiệm đồ sứ, một cửa hàng son phấn, thế nên Thi Yến Vi chỉ cần hỏi thăm đôi chút là đã tìm được Lâm phủ.
Gia đinh thủ vệ đã được Lâm Vãn Sương dặn dò từ trước, nếu có nương tử tự xưng là Trịnh Tam nương đến hỏi thăm thì không cần thông truyền mà cứ mời ngay vào phủ, nếu gia chủ không có ở nhà thì để nàng đợi ở sương phòng.
Thi Yến Vi được bà mụ ở quý phủ dẫn vào cổng trong, liền thấy trước mắt là mái hiên xanh biếc nhô ra, lan can chạm khắc uốn lượn, tường đá dọc theo tường viện, hành lang gấp khúc kết nối đình đài lầu các, tử đằng màu lá mạ bao phủ hòn giả sơn. Trừ hành lang ra thì đâu đâu cũng là cảnh cỏ cây hoa lá, có thể nói mười bước một cảnh.
Xuyên qua đình đi thẳng vào hành lang, bà mụ kia dừng lại tòa viện đẹp mắt nhưng tĩnh mịch, Thi Yến Vi vén mành trông ra, vừa ngẩng đầu đã thấy đập vào mắt là tấm biển nằm chính giữa cửa viện, trên đó đề bốn chữ “Lan trạch tiểu trúc”. Nàng thầm nghĩ vị Lâm Nhị nương này quả là người trang nhã, bèn thả mành bước vào phía trong.
Bà mụ nhẹ nhàng gõ cửa, truyền lời qua cửa: “Thưa gia chủ, Trịnh Tam nương đến rồi.”
Chỉ chớp mắt sau, trong phòng truyền tới thanh âm trong trẻo hào sảng của Lâm Vãn Sương: “Mau mau mời người vào đi.”
“Trịnh Tam nương tử, mời vào.” Bà mụ bước lên một bước nhẹ nhàng đẩy cửa ra, hơi khom lưng làm động tác mời.
Thi Yến Vi liền lập tức chắp tay trước ngực, hành lễ cám ơn rồi vén nhẹ la quần bước qua cửa, đi vào trong phòng.
Lâm Nhị nương đặt ngay cuốn sổ trong tay xuống, quay đầu sang nhìn, ánh dương ấm áp bên ngoài lẫn bóng hình Thi Yến Vi cùng đồng thời chiếu vào mắt nàng.
“Vào đến phòng của ta rồi còn đội thứ vướng víu đó làm gì, không mau cởi ra nhanh đi.” Lâm Nhị Nương vừa nói, vừa bước lên nắm lấy cánh tay nàng, dẫn nàng ngồi xuống giường La Hán.
Tỳ nữ tên là Kiêm Hà đứng cạnh nàng đỡ nhẹ mũ che mặt từ tay Thi Yến Vi, treo lên giá đằng sau tấm bình phong gỗ lim vẽ mặc trúc gấp làm ba, nghe Lâm Nhị nương phân phó: “Sai người đốt lò than đất đỏ mang đến đây, chuẩn bị một bộ đồ uống rượu, ta muốn cùng Tam nương uống rượu trắng Lan quan làm ấm người.”
Kiêm Hà cúi đầu vâng lệnh, đang định lui xuống thì chợt nghe Thi Yến Vi rụt rè lên tiếng: “Nhị nương, ta không biết uống rượu, rượu trắng Lan quan này không so được với rượu trái cây, chỉ sợ uống vào hai ly đã mê man không tỉnh.”
Lâm Vãn Sương nghe vậy đương nhiên cũng chiều theo ý nàng, lập tức sửa lời nói với Kiêm Hà: “Nhị nương không uống được rượu nên đổi thành trà đi, em gọi người mang khí cụ dùng để pha trà đến đây, nhớ mang theo hai bánh trà Tử Duẩn mới nhé.” [6]
[6][6] trà Tử Duẩn: là một loại trà nổi tiếng của Trung Quốc, có nguồn gốc từ vùng Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Tên gọi “Tử Duẩn” có nghĩa là “măng tím,” do các búp trà non có màu tím nhạt, thon dài như búp măng. Trà được biết đến từ thời Đường và từng là loại trà cống phẩm quý giá cho hoàng tộc.
Thi Yến Vi quay đầu nhìn nàng, “Cảm ơn Nhị nương.”
“Tam nương không uống được rượu, đổi sang uống trà là lẽ thường thôi mà, cần gì phải nói cảm ơn.” Lâm Vãn Sương nói xong, lại hỏi Thi Yến Vi đã có chỗ đặt chân chưa.
“Ta đã thuê được một viện tử ở ngõ Điềm Thủy, nếu Nhị nương rảnh rỗi thì nhớ ghé qua, ta sẽ nấu vài món ngon mời cô thử.”
Lâm Vãn Sương cười rạng rỡ, thẳng thắn đáp lại: “Được, nếu mai trốn được nhất định sẽ tới nhà cô làm khách.”
Hai người đang nói chuyện thì bỗng nghe thấy tiếng đùa giỡn truyền lại từ bên ngoài, kế đó là tiếng cửa mở ra, xen lẫn giọng nói non nớt của trẻ con: “A nương ơi, hôm nay a cữu dẫn con đi dạo phố Nam, lúc ở phường Tu Thiện con nhìn thấy rất nhiều người Hồ râu dài quai nón và Hồ cơ mắt xanh, còn mua được rất nhiều tượng gốm bản gỗ, đây này, để con cho a nương xem.”
Bé gái đang nói là con gái duy nhất của Lâm Vãn Sương, tên là Lâm Doanh, năm nay mới sáu tuổi, đang trong độ tuổi ngây thơ hồn nhiên nhất.
Thi Yến Vi chăm chú nhìn đứa trẻ, thấy Lâm Doanh đầu cột song hoàn kế, giữa tóc cài một cây trâm hoa bạc đính ngọc, thân mặc áo choàng lông cáo màu tử lăng (màu tím), chân đi giày da hươu nho nhỏ, mặt tròn như trăng, phấn điêu ngọc trác, đôi mắt to tròn như quả bồ đào, trong trẻo linh động, khiến người không khỏi yêu thích.
Ánh mắt chuyển về phía sau thì chợt thấy lang quân vóc người cao ráo đi sau cô bé, tuổi tác nhiều nhất chỉ khoảng hơn hai mươi, mày kiếm mắt phượng dài sáng ngời, mũi cao, môi mỏng hơi mím lại, cả người toát lên vẻ trầm ổn lỗi lạc.
Hắn mặc một bộ trường bào phiên lĩnh tu trúc màu bạch nguyệt cùng thắt lưng da đính ngọc, võng lưng cũng vì thế mà được tôn lên một cách triệt để.
Lâm Doanh chạy tới, nhào vào lòng Lâm Vãn Sương, cô bé ngoái lại nhìn Lâm Việt đứng đằng kia, anh đào nhỏ nhắn chu lên, luôn miệng thúc giục: “A cữu, người nhanh lên một chút đi.”
Vị lang quân được cô bé gọi là “a cữu” ba bước nhập thành hai bước tiến vào cửa, đặt túi đồ căng phòng lên bàn nhỏ trước mặt Lâm Vãn Sương, sau khi hành lễ với nàng, mới quay sang nhìn vị khách đang ngồi đằng trước.
Thi Yến Vi nghe Lâm Doanh gọi lang quân kia là “a cữu”, liền biết vị này là em trai ruột mà Lâm Vãn Sương từng nhắc đến, thường hay kinh thương ở Tây Vực.
Thấy hắn xoay người nhìn nàng nên đứng dậy khỏi giường La Hán, hạ thấp cằm, chắp tay trước ngực hành lễ, giọng điệu dịu dàng: “Lang quân vạn phúc.”
Lâm Vãn Sương ôm Lâm Doanh vào lòng, cười tủm tỉm nhìn đang đứng ngây ngốc trước mặt, cao giọng nhắc nhở hắn: “Đại lang à, vị này là Trịnh Tam nương tử, đệ hãy theo ta, gọi nàng là Tam nương.”
Khoảnh khắc đó, Lâm Việt khó khăn lắm mới phục hồi tinh thần, nghiêng người lùi lại đáp lễ, gọi nàng là Tam nương.
Thi Yến Vi gật đầu hồi đáp, ngồi xuống đệm mềm, ngẩng đầu nhìn Lâm Doanh có đôi nét giống với Lâm Vãn Sương.
Chớp mắt đó, Lâm Việt cuối cùng cũng được thấy rõ dung mạo của Thi Yến Vi.
Lọt vào tầm mắt là nữ lang lục tấn chu nhan, tươi đẹp tuyệt tục, đôi mắt đào hoa tự như cất giấu sóng nước mùa thu, môi anh đào không tô mà đỏ, da dẻ mịn màng như cánh hoa lê dính mưa, trắng ngần hơn tuyết, đích xác là Cô Xạ thần nhân [7] hạ phàm, vừa gặp đã khiến người quên đi trần tục rồi sinh lòng hảo cảm.
[7][7] Cô Xạ thần nhân là một nhân vật thần thoại trong văn hóa Trung Hoa, thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn học cổ. Trong “Trang Tử”, Cô Xạ thần nhân được miêu tả là hiện thân của sự thanh tao, tinh khiết và vẻ đẹp siêu phàm, đại diện cho hình ảnh thoát tục, sống trong một thế giới thần tiên, tách biệt khỏi trần gian. Cụm từ này cũng để khen ngợi vẻ đẹp thanh cao, thoát tục và đầy bí ẩn của một người, đặc biệt là phụ nữ.
Lâm Việt tuy vô tâm với khoa cử, không có ý nhập sĩ làm quan nhưng cũng từng học tập mười năm ở thư viện, hiểu rõ vô cớ nhìn chằm chằm nữ lang là cử chỉ vô lễ, sợ rằng đã mạo phạm giai nhân, bèn cố gắng thu hồi ánh mắt, nghiêng đầu nhìn Lâm Doanh đang làm nũng trong ngực Lâm Vãn Sương.
Dù cách lớp y phục mùa đông dày nặng, Lâm Việt vẫn có thể nghe rõ tiếng tim mình đập loạn, không biết có phải lửa than trong phòng được đốt quá mạnh không mà lòng bàn tay đã rịn ra một lớp mồ hôi mỏng.
Lâm Vãn Sương nắm nhẹ tượng gốm bằng đất nung nhỏ xinh, lại đưa cho Lâm Doanh một con thỏ ngọc làm bằng gỗ, ôn hòa gọi nhũ danh của con gái yêu: “Minh Nguyệt Nô đã cho a nương xem nhiều thứ tốt thế này, hay là cũng cho a di xem một cái có được không?”
Lâm Doanh chớp chớp mắt, bắt chước dáng vẻ của người lớn làm bộ suy nghĩ, im lặng một lúc mới nghiêm túc gật gật đầu, cái miệng nhỏ nhắn thốt lên chữ “vâng” với Lâm Vãn Sương rồi bước những bước chân ngắn tũn về phía Thi Yến Vi, vẻ mặt chờ mong dò hỏi: “A di, người xem con thỏ này có đẹp không?”
Thi Yến Vi nhận lấy bằng cả hai, lông mi cong vút rũ xuống, hé môi cười một tiếng, cầm thỏ ngọc xinh xắn trong tay ngắm nghía cẩn thận. Nàng vừa ngẩng đầu lên liền chạm phải ánh mắt sáng ngời đen láy của Lâm Việt, chẳng rõ là đang nhìn nàng hay là nhìn Lâm Doanh.
Lâm Việt tựa như thiếu niên mất tập trung trong lớp bị giáo viên bắt được, đôi tai bất giác đỏ ửng, bối rối cúi đầu.
Thi Yến Vi hơi dừng tay, kín đáo thu lại nụ cười, dời ánh mắt nhìn về phía Lâm Doanh: “Đương nhiên là đẹp rồi. Minh Nguyệt Nô tuy còn nhỏ nhưng lại rất có mắt nhìn, sau này ắt sẽ trò giỏi hơn thầy.”
Vừa nói vừa để mắt nhìn Lâm Vãn Sương, ý đùa cực kỳ chân thực.
Lâm Vãn Sương hạ mi mắt, nhìn Lâm Việt rồi lại nhìn Thi Yến Vi, thuận theo lời nàng nói giỡn: “Ta giờ chỉ có chút danh tiếng ở phường, nếu Minh Nguyệt Nô quả thật có thể trò giỏi hơn thầy, làm ăn khắp đất Lạc Dương thì ta và Đại lang đây cũng được hưởng phúc lây.”
Nàng đang nói thì đã thấy Kiêm Hà dẫn theo ba bốn tỳ nữ mang theo trà cụ đến. Lâm Vãn Sương giao Lâm Doanh đang vùi trong ngực để Lâm Việt trông nom, cười hỏi Thi Yến Vi có biết trà đạo không.
Thi Yến Vi lắc đầu bảo không. Lâm Vãn Sương càng thêm phần hứng thú, kiên nhẫn cầm tay Thi Yến Vi, dạy nàng cách pha trà.
Vì luôn quan niệm “Học không bao giờ là thừa” nên dưới sự hướng dẫn tận tình của Lâm Vãn Sương, Thi Yến Vi học rất nhập tâm, hoàn toàn không nhận ra ánh mắt làm như lơ đãng của Lâm Việt đang hướng về phía nàng.
Bất tri bất giác, non nửa buổi chiều cứ thế lặng lẽ qua. Thi Yến Vi sợ trễ thì giờ nên đứng dậy, chào từ biệt Lâm Vãn Sương, sau đó nàng được người dẫn đường, rời khỏi Lâm phủ, tiếp tục tìm việc ở chợ phường.
Vì mới rời khỏi Tống Hành chưa đầy mười ngày nên Thi Yến Vi không dám tùy tiện ra ngoài làm công. Huống chi nếu cứ phải dùng khăn che mặt hoặc đội mũ có mành sa, lại còn làm những việc trong bếp thì ắt có ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Suy đi tính lại, nàng vẫn thấy công việc chép sách là thỏa đáng hơn cả.
Triều đại này đã có có kỹ thuật khắc bản in, nhưng vì chi phí điêu khắc cao, nên chỉ in những bộ sách được truyền lưu rộng rãi, còn các loại sách quý hiếm, ít phổ biến thì vẫn phải dựa vào người chép sách, sao từng chữ từng câu, sau đó biên soạn thành quyển rồi giao cho chủ thuê.
Việc chép sách không bị gò bó bởi địa điểm nhất định, dù ở nhà nhưng chỉ cần hoàn thành xong là được, tiền công thì được tính theo số chữ nên có thể mặc cả một hai, đúng là lựa chọn phù hợp nhất vào lúc này.
Thi Yến Vi quyết định như thế, bèn đi thẳng tới thư trai lớn nhất vùng…
*
Chú thích hình ảnh
[2] sủi cảo Địa Tam Tiên:
[3] bánh trôi nếp nấu rượu quế hoa:
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");