Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Giọng Anh Có Màu Gì?
  3. Chương 1: Ngày 16 tháng 7 năm 2013
Trước /5 Sau

Giọng Anh Có Màu Gì?

Chương 1: Ngày 16 tháng 7 năm 2013

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

"Nguyễn Văn Trường, anh có người đến thăm."

Viên quản ngục mở cửa song sắt. Lưng tựa vào góc, một gã trai thất thểu ngẩng mặt lên nhìn ông-khuôn mặt gã khinh khỉnh, mái tóc gã xù xì, đôi mắt gã bất cần đời. Những nét khắc mà từng chạm trổ nên một tay giang hồ máu mặt-mái tóc bóng mượt, gò má tàn nhang, và mặt trời nơi đáy mắt-đã lẩn khuất từ bao giờ. Chiếc còng trên tay hắn giờ chỉ còn ở đó theo quân luật chứ chẳng còn cần thiết.

Trần nhà sát đầu Trường hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ sở nào khác mà gã từng ở trước đây; Gã tự hỏi liệu có phải vì họ muốn gã cảm thấy hèn mọn và nhỏ bé nhất có thể hay không. Thậm chí không có nổi cửa sổ-chỉ có một lỗ thông gió nhỏ ở sát mép trần, vượt qua tầm với của gã. Chỉ mất năm bước để gã đi trọn khoảng cách trong căn phòng của mình-một căn phòng chật chội đến nỗi nó có thể bóp chết sức sống của bất kỳ ai. Một con trăn xiết mồi, đó là cách Trường thường gọi căn phòng này.

Gã chẳng phiền nề gì điều đó, hay ít nhất gã tự thuyết phục bản thân là vậy. Hai mươi bảy năm sống trên đời, đối với gã đã là đủ hỗn độn rồi. Sự cô lập có lẽ là món quà tốt nhất mà người ta có thể tặng gã, kể cả khi nó sẽ song hành cùng cái chết.

Một tay quản ngục trẻ tiến lại gần Trường và gằn giọng, "Này, điếc à? Đứng dậy."

Trường xoay cổ răng rắc, đôi vai cứng lại lườm tên Lâm "thỏ đế", kẻ mà chắc chỉ hai năm trước vẫn còn rùng mình run sợ chỉ khi thấy bản mặt gã. Gã thở hắt một hơi, cố chống tay xuống đất mà đứng lên. Nhưng đôi tay gã như hai sợi bún sũng nước, còn đôi chân gã như một cặp lốp thủng săm.

"Đứng!" Lâm đẩy vào lưng gã. Nhưng những gì tay quản ngục nhận lại chỉ là vài tiếng ho sù sụ.

"Đứng nhanh, thằng tù mọt gông chết dẫm này nữa!" Lâm vơ lấy chiếc dùi cui bên hông, toan phang vào gáy Trường. Thế nhưng, viên quản ngục già nắm lấy cổ tay hắn.

"Khoan đã." Viên quản ngục già xen vào giữa hai người trước khi nới cặp còng tay của Trường ra đôi chút.

Lâm cau mày. "Chú làm thế, thằng ôn này được thể tìm cách tẩu thoát thì sao? Lũ phạm nhân này đều như nhau cả, thấy kẽ hở là bu vào như bọn giòi bọ! Để cháu cho nó một gậy."

Viên quản ngục quay già qua Lâm, lắc đầu. "Thời gian của cậu ta chẳng còn bao nhiêu. Nếu mạng sống của anh chỉ còn tính bằng ngày, anh sẽ muốn những ngày đó thoải mái một chút, đúng không? Tử tù thì cũng là người cả." Ông quay lại phía Trường. "Rồi, thấy ổn không?"

Trường không đáp. Gã đã như vậy kể từ ngày đầu chuyển vào trại này-lầm lì như cục đất. Gã sẽ chỉ lên tiếng khi có điều gì muốn hỏi, rồi lặng đi ngay khi nhận được câu trả lời.

"Chú cứ nhìn thằng chó đẻ này xem!" Viên cai ngục trẻ tuổi cằn nhằn, "Nó còn chẳng mở mồm ra mà cảm ơn lấy một lời. Chú tốt với thằng này quá, nó nhờn rồi." Xong rồi hắn quay lại về phía Trường mà xỉ vả. "Hôm nay mày may đấy, thằng chó. Đầu tiên thì có người đến thăm, giờ thì ông chú này đây còn mủi lòng thương hại cái loại chẳng ai đếm xỉa như mày. Giờ thì mày thôi diễn tuồng đi và đứng lên được chưa? Tao còn có việc phải làm."

Lâm nói cũng chẳng sai. Đã không có ai tới thăm Trường kể từ khi hắn chuyển về đây. Thực tế thì, chưa từng có ai tới thăm gã cả. Trường không buồn nghĩ tới việc kẻ quái nào muốn gặp gã. Dù là ai, cũng không quan trọng. Gã không biết ai cả, không có bạn bè, cũng chẳng cần ai nghĩ tới gã.

Trước giờ, đã luôn là như vậy.

***​

Viên quản giáo dắt Trường ngồi trong một căn phòng, một khối bê tông rỗng ngăn cách với bên ngoài bằng một cửa kính dày. Chỉ một đường vào, chỉ một đường ra. Một nữ tù nhân được một quản giáo khác hộ tống ra ngoài khi Trường đến. Không ai nói. Không ai cười. Cảm xúc duy nhất trong căn phòng đến từ một vị khách thăm phía bên kia căn phòng khi cô quay đi, nước mắt chảy dài trên má, nhưng Trường không thể nghe thấy những tiếng thút thít đau khổ của cô qua tấm kính.

Quản giáo già tháo còng tay cho gã. Trường hỏi sau khi ngồi xuống, "Có phải là hôm nay không?"

"Không. Hôm nay chưa phải ngày cậu bị hành quyết." Viên quản ngục già trả lời như bao lần. Trường thở dài.

Ông đưa gã chiếc điện thoại, "Hai người có một tiếng."

Trường không phải đợi lâu để người tới thăm mình bước vào-một cô gái dong dỏng cao, mái tóc đen nhánh xõa quanh vai và rủ xuống hai bên cánh tay, tóc mái dày che mắt như một con nhím xù. Con mẹ quái quỷ nào đây, Trường nghĩ, rồi quay sang nhìn viên quản ngục với ánh mắt hoài nghi.

Người phụ nữ bình tĩnh ngồi xuống ghế, cầm điện thoại, hất tóc mái sang hai bên và để lộ đôi mắt.

"Ồ, là cô," Trường lẩm bẩm.

Ngày 7 tháng 2 năm 2011

"Mày biến đi được không?"

Những mảnh thủy tinh bắn vào mặt Phạm Tường Vy, ghim vào da cô. Chiếc ly mà cô vừa tặng cho mẹ như một món quà vỡ tan thành từng mảnh.

"Mày lại phí tiền của bà để mua cái của khỉ này sao?" Mẹ cô gào. "Đầu mày là đất hay sao mà mày nghĩ tao cần một cái cốc? Nhà có hai cái bát thì ta uống bằng bát, đồ ngu! Mày tốn bao tiền vào cái này vậy?" Bà siết lấy cổ tay Vy khi không nghe thấy lời đáp. Những nếp nhăn trên trán bà díu lại vào nhau còn cánh mũi bà nở ra khi bà phì phò. "Mai là bọn thu nợ đến rồi! Và tao KHÔNG – CÓ – TIỀN! Mày mua cái này bao tiền? Hả? Hả?"

Vy không đáp. Và mẹ cô đã cho cô những gì cô xứng đáng được nhận: Một cái tát.

"Biến. Ngay!" Bà gào, "Cút khỏi mắt tao, thứ vô dụng!"

Tường Vy chạy khỏi căn nhà nhanh nhất có thể. Chẳng bao lâu sau, cô đến một công trường gần đình làng. Da cô sượt qua qua biển báo "Cấm vào", để lại một vết xước chạy dọc cổ tay. Cô cắn lại nỗi đau mà chạy tiếp.

Đừng gây tiếng động, không thì mẹ sẽ tìm thấy mày.

Đáng lẽ ra một tòa chung cư đã phải được xây lên ở đây, nhưng việc xây dựng đã bị đình trệ hàng năm trời rồi. Giờ thì thứ duy nhất còn lại ở đây là một tòa nhà một tầng xây dở, bao quanh bởi ngổn ngang sắt vụn và bê tông, rồi bị vây kín bởi tùm lum cây dại dưới chân một cây đa lớn. Rễ khí trên không đung đưa trong gió, thì thầm với cô bằng một giọng êm dịu, nhuốm màu hạnh nhân, và tiếng rì rào của lá cho cô biết cuối cùng đôi chân cô cũng có thể thôi chạy. Cô luôn tìm đến nơi này bất cứ khi nào mẹ cô xuất hiện với một cây chổi. Mẹ chưa bao giờ tìm kiếm đằng sau những lùm cây. Người ta đồn đại rằng cái cây này đã bị nguyền rủa bởi những linh hồn ma quỷ, và không kẻ bình thường nào sẽ nghĩ tới việc đặt chân lên địa điểm này. Đối với Vy, đây là nơi an toàn nhất trên thế gian. Ma quỷ không vụt chảy máu chân cô.

Vy dựa lưng vào cây đa và cuộn tròn như một quả bóng. Cô sẽ cảm thấy giống như là tự tặng cho mình một cái ôm, và cô cần một cái ôm.

"Có lẽ hôm nay mình sẽ khóc được," những đầu ngón tay cô vùi chặt xuống thân cây. Cô đã cố, và cố, và lại cố lần nữa. Nhưng vô ích. Trong suốt mười bảy năm của cuộc đời, cô không thể nhớ rằng mình khóc hay chưa. Có lẽ cô chưa bao giờ thực sự khóc, hoặc tệ hơn, có lẽ cô chỉ đơn giản là đã chặn tất cả những ký ức đó lại.

Cuộc sống chưa bao giờ theo ý mình, Vy nghĩ. Giá như cô không phải chịu nguyền rủa từ lúc chào đời.

Từ con đường lớn phía sau những lùm cây, một chiếc xe tải bấm còi inh ỏi. Những bong bóng màu quýt len lỏi qua những khoảng trống giữa những chiếc lá, trôi nổi trước mắt cô. Cô nhắm tịt mắt lại, hai tay che mặt. "Tránh ra! Tránh xa tao ra!"

Màu quýt-màu của ánh nắng ban mai. Một trong những màu cô ghét nhất. Ánh sáng mặt trời có nghĩa là mẹ cô đã thức dậy. Ánh sáng mặt trời có nghĩa là cô phải có mặt ở trường.

Cô đã nghĩ mình có được năng khiếu trời cho. Nhưng ngày hôm đó, cô không biết nữa. Có lẽ bọn họ đã đúng. Cô phải chấp nhận thực tế: Cô không chỉ khác biệt. Cô là một con bệnh, một con bệnh vô phương cứu chữa.

Phạm Tường Vy là một con bệnh bởi cô có thể nhìn thấy màu sắc của những âm thanh. Kể từ khi cô có thể nhận thức, mọi thứ cô cảm thấy được đều luôn mang một sắc thái nào đó.

Tiếng những chú chim sẻ đậu sau vườn nhà cô màu nâu đất.

Tiếng nước chảy từ trong vòi màu cam đào.

Tiếng bút chì của cô xoàn xoạt trên giấy có màu sữa.

Tiếng the thé của mẹ khi chì chiết cô có màu xanh rêu.

Vy đã từng tin rằng mình sinh ra để trở thành một nghệ sĩ. Cô dành hàng giờ phác những đường chì lên những tập giấy, nhìn những dòng sữa trắng đục tung tẩy trên không trung, quây quanh, bọc lại những khối màu xanh rêu cục mịch phát ra từ mẹ cô khi bà đi qua.

Màu xanh rêu là màu của giọng bà. "Mày sẽ chẳng làm được cái thá gì đâu", là âm thanh của nó.

Giọng của những người khác, thường mang màu xám, và chỉ màu xám mà thôi. Ảm đạm, đơn điệu. Nói chuyện với họ, cô thường 'nghe' thấy những màu sắc rè rè như những đường muỗi nhiễu trong chiếc ti vi cũ. Đó cũng là một phần lý do cô không thích nói chuyện với mọi người bằng việc quan sát tất cả mọi thứ khác xung quanh. Cô thích màu đỏ sậm của gió thổi trên những nóc nhà vắng, thích sắc xanh lơ của chuông xe đạp leng keng trên đường đất, thích màu vàng nghệ của chổi tre xột xoạt giữa sân gạch. Những âm thanh đó đầy màu sắc với cô.

Nhưng tiếng người, thì không.

Tiếng lá thì thầm kéo Vy trở về thực tại. Cô gục xuống mặt đất, hơi thở gấp gáp. Cô nhìn đôi bàn tay run rẩy của mình, vào lòng bàn tay đầy vết sẹo cùng với vết roi vọt. "Không.. Mình không bệnh hoạn.. Mình phải tin.."

Tâm trí cô lang thang về những kỉ niệm thời cấp hai, đến những ngày cô ngồi lụi cụi vẽ vời trong lớp sau khi tan học. Ký ức của cô giờ chỉ còn là những mảnh vụn, nhưng có một điều cô không thể quên nổi: Ánh mắt của những bạn cùng lớp khi họ bắt nạt cô hết lần này đến lần khác.

"Con lập dị! Mày bị câm à? Bọn tao hỏi thì mày liệu hồn mở mồm ra đáp. Mày nghĩ chỉ vì mày mới đến mà mày được quyền khệnh khạng với bọn tao à?"

Cô đã thử lờ bọn họ đi và chỉ cặm cụi vẽ, nhưng có vẻ như điều đó không hiệu quả. Có một đứa trong hội đó, tên nó là Hiền hay Huyền, cô không còn nhớ nữa. Hiền có mái tóc vàng bẩn, chiếc răng khểnh mà nó coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp và chiếc vòng cổ bằng vàng mua từ nước ngoài mà nó đã khoe với tất cả mọi người trong lớp. Nó giật lấy bức vẽ của cô, truyền tay cho những đứa khác và cười đầy hả hê. Tờ giấy sẽ bong ra khi Hiền chạy quanh, và màu sắc mà nó tạo ra sẽ luôn chuyển từ màu hạnh nhân sang màu xanh phổ khó chịu.

"Đây là thứ mà mày cắm đầu cắm cổ cả ngày để làm sao? Cái quái gì đây chứ? Bài dự thi 'Bé ngoan bé giỏi' của học sinh mẫu giáo à?" Rồi cô truyền tờ giấy cho đứa đằng sau. "Ê Ngân, mày nhìn cái này đi này.."

Bọn nó xé vụn bức vẽ của cô rồi ném vào mặt cô. Cô không phản ứng lại, và bọn nó không thích điều đó. Việc bắt nạt kẻ khác chỉ vui khi người ta cầu xin bọn nó dừng lại. Thế là Hiền lấy một chai nước rồi đổ lên đầu cô.

"Sao? Giờ mày biết nói chưa?"

Cô không đáp lấy một lời. Tiếng nước màu tím mâm xôi xối xuống, nhuộm vạt áo cô với sự tàn nhẫn của Hiền. Cứ tập trung vào âm thanh, tập trung vào âm thanh, tập trung vào âm thanh. Và những kẻ xấu tính sẽ biến mất thôi, cô tự dặn lòng.

Cô đã nghĩ đến việc báo cáo những kẻ bắt nạt cho giáo viên. Cô thậm chí đã nghĩ đến việc cố tình đúp học một năm nếu như điều đó có nghĩa là cô sẽ không phải ở gần Hiền nữa. Nhưng Vy chưa bao giờ gom đủ can đảm. Cô làm thế, rồi sao nữa? Cô sẽ chỉ bị bắt nạt tiếp vì là một đứa bám váy giáo viên hoặc vì vừa lầm lì vừa học dốt. Một lần nọ, một giáo viên nhìn thấy Hiền đổ nước lên đầu Vy, và Vy cho rằng giáo viên cũng nhìn thấy hai người họ. Đôi mắt họ tìm đến nhau trong đôi giây, vừa đủ để giáo viên nọ quyết định rằng việc can thiệp cũng chẳng đáng bõ công. Giáo viên được trả lương quá thấp để quan tâm, và cha mẹ của Hiền thì vừa mới tài trợ bàn ghế mới cho cả trường. Cô giáo buộc phải nhắm mắt xua tay thôi. Nếu vụ bắt nạt xảy ra sau giờ học, đó không phải là việc của giáo viên. Vậy nên cô ngoảnh mặt bước đi.

Kể từ đó trở đi, Vy hiểu ra rằng bản chất của thế giới này là mệnh ai nấy lo.

Dần thì cô chẳng còn để tâm tới Hiền nữa. Không phải là vì Hiền đã ngừng bắt nạt cô; nó vẫn trêu chọc cô hàng ngày. Đó là bởi vì cô không còn quan tâm. Việc giả vờ rằng kẻ kia không tồn tại sẽ dễ hơn nếu bạn không quan tâm đến họ.

Nhưng Vy quan tâm đến mẹ mình. Và đó là vấn đề.

Mẹ cô thường xuyên bị những tay đòi nợ đánh đập, có khi đến mức không thể đứng nổi suốt ngày hôm sau. Mỗi khi điều đó xảy ra, trong lòng bà lại ngậm thêm chút thù hận, và chắc hẳn bà cảm thấy mình cần phải trút nỗi bực bội vào đâu đó. Dĩ nhiên, Vy ăn đánh.

Vy lớn rồi, đủ lớn để mẹ cô không quất vào mặt cô trút giận mỗi lần bị chúng nó đánh nữa. Dù gì thì Vy cũng xinh đẹp, và bà tha thiết mong mỏi rằng con gái bà sẽ tìm được một người chồng giàu có. Điều đó có nghĩa là phải vụt vào những chỗ người ta không thấy được.

Vào những ngày mẹ Vy đủ tức giận, bà chẳng thèm quan tâm đến ý kiến của người khác. Có lần, bà đẩy Vy ngã xuống đất trước mặt ông Minh hàng xóm, để mặc Vy dưới mặt đất với đầu gối xước xác và cánh tay chảy máu. Khi ông Minh can ngăn, bà đã nhổ nước bọt dưới chân ông. "Con khốn vô tích sự này nên tự cho mình là may mắn vì tôi đã không đẩy nó đủ mạnh để nó rỉ máu từ cái âm hộ nó ra. Nó mà mất trinh thì chả khác gì giẻ rách."

Vy chưa bao giờ phản kháng.

Mẹ cô từng kê một chiếc ti vi đen trắng ở góc căn phòng chật chội, tựa vào bức tường cũ nát. Các mảnh vụn vôi luôn đọng lại ở các góc của trần nhà, lăm lăm chực chờ ập xuống đầu họ. Mẹ cô không bao giờ bận tâm đến việc sơn lại những bức tường ẩm mốc hay ít nhất là dọn sạch những mảnh vụn đó. Bà quá sợ rằng nếu bà chạm vào bất cứ nơi nào trên tường, cả căn nhà sẽ sụp xuống. Họ chưa bao giờ chuyển ti vi vì lý do đó-ít nhất là cho đến khi họ bán xéo nó đi cùng với mọi thứ khác có giá trị trong nhà. Mẹ Vy luôn nghĩ rằng ti vi, sách báo, hay mọi hình thức tiếp cận thông tin khác là một sự lãng phí thời gian. Cứ khi nào họ bật kênh tin tức lên, họ luôn phải chứng kiến người dân ở các nước phát triển hơn phàn nàn về giá xăng dầu tăng hoặc tốc độ truy cập Internet chậm. Sau đó, mẹ cô luôn tắt ti vi, vừa đập phầm phập vào chiếc điều khiển vừa cằn nhằn, "Mấy người đó thì biết khổ đau thực sự là gì đâu." Rồi bà sẽ cáu bẳn trong suốt phần còn lại của ngày.

Những gì mẹ cô nói là sự thật. Trong khi khu dân cư của họ đã cải thiện chất lượng cuộc sống, gia đình họ vẫn thuộc diện nghèo. Nhà họ thường chẳng có gì ăn; nhiều hôm họ ăn cơm chan dưa hấu và vài cọng rau cải. Những hôm nào mẹ Vy đủ tiền mua thịt, bà sẽ mua rượu uống. Vào ngày họ bán chiếc ti vi, mẹ cô tha về nhà cả một thùng bia hơi vì nó đang được khuyến mãi. Sau đó bà uống và uống và uống cho đến khi cơn say mèm cuối cùng cũng ập đến. Bà nhảy nhót xung quanh biệt thự tưởng tượng của mình, phóng chiếc xe hơi tưởng tượng của mình, và đánh đập người giúp việc tưởng tượng của mình.

Đó là những ngày tệ nhất. Bụng Vy đói, má cô sưng và tai cô thì ù ù.

"Tại sao mày không thể kiếm tiền? Mày muốn tao chết phải không? Tao hối hận vì đã sinh ra cái thứ như mày.. Chỉ để lãng phí thức ăn và tiền bạc của tao.. Ngày nào mày cũng chỉ vẽ và vẽ.. Mày có kiếm được đồng nào từ việc vẽ vời không? Tại sao mày lại vô dụng như vậy? Mày thích nghèo suốt đời, hả, hả?" Khi mẹ cô kêu ầm lên, những bong bóng màu xanh rêu sẽ lại bao vây Vy, đẩy cô về góc phòng, ép cô úp mặt vào tường và oằn lưng chống lại những trận đòn roi của mẹ.

Cô yêu mẹ, nhưng tình yêu mà không có lý trí chỉ là một cơn điên. Cuộc chiến nội tâm của cô đã diễn ra quá lâu rồi, một cuộc đấu tranh giằng co hòng cứu vãn những mảnh hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại. Rằng mọi thứ sẽ tốt dần lên. Rằng mẹ và cô, họ sẽ cùng nhau vượt qua tất cả.

Vy đẩy mình đứng dậy từ gốc cây rồi bước khỏi căn nhà bỏ hoang. Cô ngoái lại nhìn căn nhà của mình ở cuối đường-căn nhà duy nhất không sáng đèn-một lần cuối, trước khi quay đi thẳng.

Cô đã quyết định rồi.

Tối nay, cô sẽ trở về và thu dọn đồ đạc của mình. Ngày mai, cô sẽ bỏ nhà.

Quảng cáo
Trước /5 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Đời Có Phan An

Copyright © 2022 - MTruyện.net