Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Phong Tử Siêu thấy hai cha con nhà này bất giác cả kinh! Té ra người có vẻ như ông lão nhà quê chính là đà chủ của Hồng Anh hội Công Tôn Hoằng!
Phong Tử Siêu nghĩ bụng:
"Ả nha đầu này có lẽ là Công Tôn Yến con gái của y.
Nghe nói ả được cha nuông chiều, xuất đạo chưa đầy một năm mà còn thích lo chuyện bao đồng hơn cả người cha, nhiều nhân vật thành danh trên giang hồ đều sợ ả.
Hỏng bét, hỏng bét, ả thấy thế này chắc chắn sẽ xen vào? Vả lại Công Tôn Hoằng sẽ nhận ra lai lịch võ công của Văn Thắng Trung!".
Nghĩ chưa dứt, chợt nghe giọng Công Tôn Hoằng:
"Ồ, trận đấu cũng hay lắm, Yến nhi, con chưa thấy Thiên Sơn kiếm pháp, lần này có thể mở rộng tầm mắt, kiếm pháp của tên tiểu tử kia hơi kém hơn nhưng Tam tượng thần công hình như cũng khá lắm". Trong lúc Tát phủ bị quần hùng đại náo, Công Tôn Hoằng đã thấy Lệ Nam Tinh nhưng chưa gặp Văn Thắng Trung. Bởi vì lần đó Văn Thắng Trung không đi cùng Văn Đạo Trang. Công Tôn Hoằng thầm nhủ:
"Con trai của Văn Đạo Trang chắc cũng chẳng phải hạng tốt lành gì, nhưng mình làm sao có thể động thủ với một đứa hậu sinh, có cách nào giúp Lệ Nam Tinh đây?".
Công Tôn Yến hỏi:
"Thiên Sơn kiếm pháp quả nhiên tinh diệu, những hình như y không đánh lại đối thủ, không biết là vì cớ gì?".
Công Tôn Hoằng nói:
"Đó là vì y vừa mới trải qua một trận bệnh. Vả lại đối thủ của y dùng huyền thiết bảo kiếm, thanh kiếm này nặng hơn loại kiếm bình thường gấp mười lần, con có nhận ra không?".
Văn Thắng Trung nghe thế cả kinh, thầm nhủ:
"Không ngờ lão nhà quê này lại là bậc võ học tôn sư! Không những y đã nhận ra võ công của mình mà còn biết đây là huyền thiết bảo kiếm". Lệ Nam Tinh cũng ngạc nhiên, thầm nhủ:
"Công Tôn Hoằng quả nhiên danh bất hư truyền, chỉ vừa nhìn thì đã biết mình đã bị thương. Nghe Trục Lưu nói, lần đó y thoát ra khỏi Tát phủ cũng nhờ Công Tôn Hoằng giúp đỡ. Nhưng mình không thể ỷ lại ngươi khác".
Văn Thắng Trung xưa nay cuồng ngạo, nghe Công Tôn Hoằng đứng một bên bình luận, lời lẽ rõ ràng đề cao Lệ Nam Tinh mà hạ thấp mình, trong bụng rất tức tối, nên cố giở hết bản lĩnh ra, y múa tít thanh huyền thiết kiếm dồn tới từng bước, lòng thầm nhủ:
"Ngươi bảo ta không bằng tên tiểu tử này, ta sẽ giết y cho ngươi xem!".
Lệ Nam Tinh không muốn mất mặt trước mặt Công Tôn Hoằng, cũng dốc hết sức ra chống trả. Nhưng đáng tiếc chàng đã đuối sức, binh khí lại kém hơn, cuối cùng vẫn bị Văn Thắng Trung ép thối lui từng bước.
Trong lúc kịch chiến Văn Thắng Trung đánh ra một chiêu Lực phách hoa sơn, múa tròn thanh kiếm bổ ngang tới như đại đao. Lệ Nam Tinh lách ra sau gốc liễu, chỉ nghe ầm một tiếng, cây huyền thiết kiếm đã chém đứt cây liễu.
Công Tôn Yến nói:
"Đúng thế, quả nhiên là bảo kiếm hiếm có". Rồi nàng nhảy vọt ra, quát:
"Này, đưa thanh kiếm cho ta!".
Văn Thắng Trung hỏi lại:
"Tại sao phải đưa cho ngươi?".
Công Tôn Yến nói:
"Đối thủ của ngươi vừa mới khỏi bệnh, ngươi đã được lợi lại còn dùng huyền thiết bảo kiếm, đánh như thế đâu có công bằng?".
Văn Thắng Trung tức giận:
"Ngươi tính lo chuyện bao đồng?".
Công Tôn Yến đáp trả:
"Ta xưa nay rất thích lo chuyện bao đồng, ngươi muốn ta không xen vào cũng được. Nhưng ngươi đánh nhau phải công bằng. Ngươi ỷ có bảo kiếm mà làm dữ, ta thấy trái tai gai mắt lắm! Bây giờ ta sẽ đưa ra hai con đường cho ngươi lựa chọn, thứ nhất ngươi hãy đưa bảo kiếm cho ta rồi đổi lấy một thanh kiếm bình thường. Nếu đánh thắng ta sẽ trả lại ngươi, đánh thua thì sẽ đưa kiếm cho đối thủ của ngươi. Ta chỉ là người làm chứng chủ trì công đạo, không hề có ý muốn lấy kiếm của ngươi".
Văn Thắng Trung hỏi:
"Ai nhờ ngươi chủ trì công đạo? Ngươi tránh xa ra, nếu không đừng trách bảo kiếm của ta không có mắt!" Văn Thắng Trung miệng nói, tay vẫn không lơi lỏng, Công Tôn Yến càng bước tới càng gần, lúc này đã đứng bên cạnh Lệ Nam Tinh.
Công Tôn Yến cười lạnh:
"Được, ngươi không chịu chọn con đường thứ nhất thì chỉ còn có đường thứ hai. Ta sẽ đấu với ngươi, ngươi đã đấu trước một trận, nhưng trong tay có bảo kiếm coi như đã công bằng!" Nói xong chen liền vào ở giữa hai người, đẩy Lệ Nam Tinh ra. Lệ Nam Tinh biết nàng là con gái của Công Tôn Hoằng, nghĩ bụng nàng không đến nỗi thua Văn Thắng Trung nên yên tâm nhường cho nàng.
Văn Thắng Trung thấp thỏm lo âu, nhưng đành buông kiếm nói:
"Ngươi muốn đấu với ta cũng được, nhưng nếu ngươi thua thì đừng sinh chuyện nữa!".
Công Tôn Yến hỏi:
"Ngươi sợ cha ta giúp ta? Hừ, ngươi không xứng đấu với cha ta. Cha, cha hãy nói một câu để tên tiểu tử này yên tâm".
Công Tôn Hoằng cười ha hả:
"Lão phu xưa nay không động thủ với hạng tiểu bối. Đó là con gái của ta ham lo chuyện bao đồng, ngươi có bản lĩnh cứ giết nó, ta cũng sẽ đứng yên không xen vào!".
Công Tôn Yến cười:
"Ngươi yên tâm? Cứ mặc sức mà đâm bảo kiếm về phía ta, ta nhường ngươi xuất chiêu?".
Văn Thắng Trung nổi giận trong bụng, nghĩ rằng:
"Lão già này hình như là bậc tôn sư võ học. Hừ, chỉ cần lão chịu đứng yên, chả lẽ mình sợ ả nha đầu này?" Rồi nói liền:
"Được, quân tử nói một lời xe bốn ngựa khó đuổi! Ngươi hãy rút ra binh khí đi!".
Công Tôn Yến quát:
"Ngươi cứ mặc sức phát chiêu, đừng lắm lời!".
Văn Thắng Trung chưa bao giờ bị coi thường như thế này nên lửa giận bốc cao, nghiêng người bước tới như chim nhạn giang cánh, cây huyền thiết bảo kiếm từ trên chặt xuống. Chiêu này có tên gọi Loan cung xạ điêu, đó chính là chiêu đắc ý nhất của Văn Thắng Trung.
Văn Thắng Trung tưởng rằng nếu không chặt đứt được cánh tay của nàng ít nhất cũng khiến cho nàng bị thương. Nào ngờ Công Tôn Yến lướt người né tránh, nhát kiếm của Văn Thắng Trung đã đâm hụt. Chỉ nghe Công Tôn Yến cười khanh khách:
"Cũng chẳng lợi hại gì mấy. Được, có qua phải có lại, tiếp chiêu!" Rồi nàng xoay người tháo sợi đai cột ở eo ra, dùng lực vung mạnh, sợi đai cuộn tới Văn Thắng Trung như ngọn roi mềm.
Văn Thắng Trung nghĩ bụng:
"Bảo kiếm của ta có thể chặt gãy sắt thép, lẽ nào sợ sợi đai của ngươi?" Nào ngờ sợ đai tơ của Công Tôn Yến tựa như con linh xà, Văn Thắng Trung chém tới một kiếm nhưng không chặt đứt được, sợi đai cuộn tới vỗ bốp một tiếng vào trán của Văn Thắng Trung. Tuy chỉ là một sợi đai tơ nhưng không kém gì roi mềm, trên trán Văn Thắng Trung sưng lên một cục.
Công Tôn Yến bật cười:
"Đáng tiếc không có gương cho ngươi xem, trên đầu ngươi đã mọc một chiếc sừng".
Văn Thắng Trung vừa sợ vừa giận, vội vàng múa tít bộ Tam tài kiếm pháp nhanh như gió. Lúc này y đã biết bản lĩnh của Công Tôn Yến nào dám khinh địch, cho nên đã dốc hết toàn lực ý muốn giết Công Tôn Yến.
Khi Văn Thắng Trung dốc hết toàn lực, sợi đai tơ của Công Tôn Yến cũng không đánh vào được trong luồng kiếm quang của y. Có điều bảo kiếm của y cũng chẳng chém đứt được sợi đai tơ của nàng. Đai tơ bay lên vun vút, bảo kiếm múa tít kêu lên vù vù, kiếm phong dồn ra đẩy đai tơ bay ngược ra trở lại.
Huyền thiết bảo kiếm nặng đến cả trăm cân, Văn Thắng Trung sử dụng cũng cảm thấy rất mất sức. Không bao lâu y toát mồ hôi đầm đìa, thở phì phò như trâu.
Phong Tử Siêu đã biết Công Tôn Yến là con gái của Công Tôn Hoằng, lòng thầm nhủ:
"Dù Văn Đạo Trang và Sử Bạch Đô đến đây e chẳng làm gì được lão già này. Xem ra tên tiểu tử Văn Thắng Trung đã thua chắc. Chao ôi, thanh huyền thiết bảo kiếm không lấy cũng được, ba mươi sáu kế chạy là hay nhất". Y lập tức nhảy lên con ngựa của Văn Thắng Trung, kêu to:
"Văn thế huynh, ngươi cứ đánh đi nhé, xin thứ lão phu không thể chờ được".
Rồi y ra roi phóng ngựa đi. Y chỉ lo chạy cho nên cũng mặc kệ con gái. Phong Diệu Thường vừa tức giận vừa khó chịu, nàng thẫn thờ nhìn theo bóng cha. Lệ Nam Tinh hạ giọng nói:
"Phong cô nương, đừng buồn, cứ mặc ông ta".
Phong Tử Siêu vừa chạy làm Văn Thắng Trung vừa kinh vừa giận, tinh thần càng rối loạn hơn. Y càng lúc càng đuối sức, còn Công Tôn Yến thì vẫn nhẹ nhàng linh hoạt, chiêu số càng lúc càng thần diệu!
Công Tôn Yến cười lạnh lùng:
"Bản lĩnh của ngươi quá kém, không xứng dùng cây huyền thiết bảo kiếm. Đưa kiếm đây rồi cút cho ta!" Nói chưa dứt cuộn sợi dây tơ màu đỏ lên, tựa như một áng mây chiều bao bọc lấy luồng ánh sáng màu trắng, sợi dây tơ đã cuộn lấy chuôi kiếm, giật cây huyền thiết bảo kiếm từ trong tay Văn Thắng Trung.
Văn Thắng Trung co dò bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu lên:
"Đây là vật của bang chủ Lục Hợp bang, nha đầu nhà ngươi dám lấy có dám báo tên không?" Y đã thua liểng xiểng nhưng vẫn muốn dựa thế Sử Bạch Đô để lấy lại chút sĩ diện.
Công Tôn Hoằng cười ha hả:
"Lão phu Công Tôn Hoằng, ngươi về nói với Sử Bạch Đô ta đã lấy thanh bảo kiếm này. Nếu y không phục cứ đến tìm ta. Nếu một mình y không dám đến cứ bảo Văn Đạo Trang đi cùng!".
Lúc này Văn Thắng Trung mới biết ông già nhà quê này chính là tổng đà chủ của Hồng Anh hội nên nào dám đốp chát lại, chạy nhanh như chân bôi dầu, Công Tôn Hoằng cười ha hả, không thèm đuổi theo y.
Lệ Nam Tinh và Phong Diệu Thường bước đến bái tạ, Công Tôn Hoằng rất mừng:
"Yến nhi, Lệ công tử chính là người đã từng cùng Kim Trục Lưu đại náo thọ đường của Tát phủ".
Lệ Nam Tinh cúi đầu:
"Đa tạ ơn giúp đỡ của cô nương". Công Tôn Yến cười:
"May mà không nhục mệnh, vật xin trả lại cho chủ". Lệ Nam Tinh nói:
"Thần binh lợi khí trong thiên hạ thuộc về người có đức, cô nương đã đoạt được thanh bảo kiếm này thì xin lệnh tôn hãy giữ lấy". Công Tôn Yến cười:
"Cha tôi không bao giờ dùng binh khí, người bảo muốn lấy bảo kiếm chẳng qua là dọa Sử Bạch Đô mà thôi". Công Tôn Yến nói như thế, nếu Lệ Nam Tinh cứ từ chối nữa thì quá coi thường Công Tôn Hoằng. Lệ Nam Tinh dành nhận lấy.
Công Tôn Hoằng hỏi:
"Lệ huynh, sao huynh lại đánh nhau với Văn Thắng Trung ở đây?" Lệ Nam Tinh đáp:
"Nói ra thì dài". Rồi bèn kể lại mọi chuyện ở Dương Châu.
Công Tôn Hoằng hỏi:
"Tôi cứ tưởng ở Cái Bang có hai thiếu niên cao thủ? Té ra đó là thiếu hiệp và Kim Trục Lưu". .
Lệ Nam Tinh hỏi:
"Công Tôn tiền bối nghe được tin gì?".
Công Tôn Hoằng đáp:
"Mấy ngày trước tôi đã đến Dương Châu, nghe nói Sử Bạch Đô không muốn tiếp khách, bằng hữu ở Dương Châu đã kể lại đại khái chuyện này nhưng tôi vẫn không biết mọi chuyện thật ra như thế nào".
Lệ Nam Tinh vội vàng hỏi:
"Kim Trục Lưu có còn ở Dương Châu không? Lão tiền bối có đến phân đà của Cái Bang không?".
Công Tôn Hoằng đáp:
"Phân đà Cái Bang đã được dời đi nơi khác, tôi đến nơi chẳng thấy ai cả". Đã tìm không ra Cái Bang, tất nhiên cũng chẳng có tin tức của Kim Trục Lưu.
Lúc này Công Tôn Yến và Phong Diệu Thường cũng đứng một bên trò chuyện.
Công Tôn Yến tính tình phóng khoáng, tâm địa nhân từ, kéo tay Phong Diệu Thường nói:
"Phong tỷ tỷ, tôi đã nghe tỷ cãi nhau với cha". Phong Diệu Thường đỏ mặt, nước mắt tuôn ra.
Công Tôn Yến an ủi:
"Phong tỷ tỷ, tỷ đừng buồn. Tỷ đúng là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, tôi rất khâm phục tỷ. Phong tỷ tỷ, tỷ định đi đâu?" Phong Diệu Thường đáp:
"Tôi là người có nhà mà không thể quay về, đành tới đâu hay tới đó".
Công Tôn Yến nói:
"Nếu tỷ không chê, xin hãy làm bạn với tôi!".
Phong Diệu Thường mừng rỡ:
"Được tỷ tỷ giúp đỡ tôi đã yên lòng. Nhưng chỉ e gây thêm phiền phức cho tỷ tỷ". Công Tôn Yến:
"Sao lại nói thế, tôi đi lại trên giang hồ không quá một năm, hiểu biết còn kém, sau này chúng ta kết bạn đi cùng, mong Phong tỷ tỷ chỉ giáo cho tôi". Phong Diệu Thường rất ngạc nhiên lòng thầm nhủ:
"Cha của nàng là bang chủ Hồng Anh hội nổi tiếng giang hồ, sao nàng lại bảo thế?
Nhưng nàng nói rất chân thành, chắc là không phải lời khách sáo".
Công Tôn Hoằng chợt cười rằng:
"Yến nhi, có phải con vẫn nhớ đến cuộc hẹn với Trúc Thanh Hoa không?".
Công Tôn Yến làm ra vẻ giận dỗi:
"Cha, ai bảo cha không chịu đi theo con, con chỉ đành tự tìm bạn đi cùng".
Công Tôn Hoằng mỉm cười, quay đầu lại hỏi Lệ Nam Tinh:
"Lão đệ, đệ định đi đâu?" Lệ Nam Tinh đáp:
"Tôi muốn đến Tây Xương một chuyến".
Số là chàng đoán Sử Bạch Đô sớm muộn gì cũng đưa em gái mình đến Tây Xương để gả cho Soái Mạnh Hùng. Chàng nghĩ Kim Trục Lưu chắc chắn cũng sẽ biết điều này nên đến Tây Xương thế nào cũng sẽ gặp Kim Trục Lưu.
Công Tôn Hoằng cười:
"Được, vậy ba người hãy đi cùng nhau".
Lệ Nam Tinh ngạc nhiên:
"Ồ, lệnh ái cũng muốn đến Tây Xương ư?".
Công Tôn Hoằng cười:
"Yến nhi đến núi Đại Lương ở phía bắc Tây Xương. Núi Đại Lương là căn cứ địa của Trúc Thượng Phụ. Lão đệ có nghe danh Trúc Thượng Phụ không?".
Lệ Nam Tinh gật đầu:
"Tôi đã từng nghe Kim Trục Lưu nói, nghe nói Trúc tiền bối là bằng hữu của Giang Hải Thiên, võ công siêu quần chẳng kém gì Giang đại hiệp".
Công Tôn Hoằng đáp:
"Trúc Thượng Phụ có một người con gái tên gọi Trúc Thanh Hoa, năm ngoái tôi và tiểu nữ đã làm khách ở nhà họ Trúc, bọn chúng tính tình hợp nhau, coi như chị em, Trúc Thượng Phụ bị mất Tây Xương, lui vào trong núi Đại Lương, tiểu nữ rất nhớ Trúc Thanh Hoa. Gần đây mới nhận được tin sang năm Trúc Thanh Hoa sẽ xuất giá, gả cho đồ đệ của Giang Hải Thiên là Lý Quang Hạ".
Lệ Nam Tinh mừng rỡ:
"Đúng thế, Trục Lưu cũng đã nói với tôi, y có một sư điệt tên Lý Quang Hạ, là con của anh hùng kháng Thanh Lý Văn Thành. Sang năm sư điệt của y sẽ thành hôn với con gái của Trúc Thượng Phụ, y chắc chắn cũng đến uống rượu mừng". Chàng nghĩ có chuyện vui này, khả năng gặp Kim Trục Lưu càng lớn hơn.
Công Tôn Hoằng nói:
"Đáng tiếc tôi còn bận việc của Hồng Anh hội nên không thể uống rượu mừng của họ được. Những tiểu nữ thì đòi đi cho bằng được, tôi đang lo không có ai làm bạn với nó, giờ thì đã ổn, có hai người đi cùng, tôi đã yên tâm. Lệ lão đệ, nó là ả nha đầu ngang ngạnh, làm phiền lão đệ hãy chăm sóc cho nó".
Rồi hai cha con chia tay nhau, Công Tôn Hoàng trở về tổng đà Hồng Anh hội, Công Tôn Yến thì cùng Lệ Nam Tinh, Phong Diệu Thường đến Tây Xương.
Vết thương ngoài da của Lệ Nam Tinh đã lành lại nhưng vết thương lòng vẫn còn chưa hết, trong lòng đầy tâm sự nên trên đường chẳng hề nói gì.
Phong Diệu Thường vừa mới cãi nhau với cha mình, trong lòng cũng nặng nề.
May mà Công Tôn Yến là cô gái vô tư hồn nhiên, tính tình phóng khoáng nên trên quãng đường mọi người cũng bớt buồn tẻ.
Ba người ngày đêm lên đường không quá một tháng thì đã qua Giang Tô, An Huy, bước vào địa phận Thiểm Tây. Lúc này đã là tháng chín mùa thu. Đến Thiểm Tây đi toàn là đường núi, Lệ Nam Tinh đã chuẩn bị màn trướng, vì phải tranh thủ lên đường cho nên có lúc không tìm được nơi ở phải đành qua đêm trong rừng.
Hôm nay họ đi ngang qua dãy núi Thất Bàn, khi vượt qua đoạn dốc hiểm trở thì bất giác trời đã về chiều. Công Tôn Yến ngước mắt nhìn thấy phía trước có bãi cỏ hoa dại nở rực rỡ, làn suối trong xanh lượn quanh, cây rừng cao chọc trời. Ở phía xa xa núi cao ngất trời, sương phủ là đà lưng chừng núi. Công Tôn Yến mừng rỡ:
"Đây là nơi rất đẹp, trời tuy chưa tối nhưng tôi cũng không muốn đi nữa. Chúng ta cứ nghỉ ở đây một đêm".
Cắm trại xong, Công Tôn Yến bảo:
"Phong tỷ tỷ, tỷ thổi cơm, tôi sẽ tìm một ít thức ăn". Phong Diệu Thường nói:
"Lệ đại ca, huynh hãy đi cùng Công Tôn tỷ tỷ".
Công Tôn Yến lắc đầu:
"Không cần, tôi rất thích đi săn, không cần đông người". Lệ Nam Tinh đang rầu rĩ trong lòng, Công Tôn Yến không muốn chàng đi cùng, chàng cũng đành thôi.
Công Tôn Yến có ý muốn để cho họ có thời gian ở lâu bên nhau, tuy mau chóng bắt được hai con thỏ hoang, nhưng cố ý đến trời tối mời trở về, vừa đến bìa rừng chợt nghe tiếng sáo lúc trầm lúc bổng vọng tới.
Số là Lệ Nam Tinh rất thích âm nhạc, chàng đã tặng cây cổ cầm cho Kim Trục Lưu, mấy ngày trước chàng đã tự làm cho mình một cây tiêu. Cơm đã làm xong nhưng chưa thấy Công Tôn Yến trở về, ngồi rảnh rỗi lấy tiêu ra thổi.
Lệ Nam Tinh từ khi biết mối quan hệ giữa Sử Hồng Anh với Kim Trục Lưu, tuy lòng đã không còn mong muốn gì nữa, chàng đã quyết ý vung tuệ kiếm chém đứt tơ tình, nhưng tơ tình có thể đứt, vết thương lòng không thể lành trong khoảng thời gian ngắn. Lúc nào chàng cũng rầu rĩ cho nên mượn tiếng tiêu để thổ lộ tâm tình. Tiếng tiêu vang lên ai như oán, như khóc như than khiến nàng Công Tôn Yến xưa nay chẳng biết lo buồn nhưng nghe một hồi thì không khỏi nhói lòng.
Công Tôn Yến thầm nhủ:
"Lệ đại ca chắc chắn có tâm sự gì, nếu không suốt cả quãng đường y chẳng lặng lẽ như thế. Ôi, tiếng tiêu nghe sao mà thê lương buồn bã thế này. Lệ đại ca sao mà khổ đến thế?" Nàng nấp trong bìa rừng nghe một hồi rồi đưa ánh mắt nhìn về phía Phong Diệu Thường, chỉ thấy Phong Diệu Thường ngồi xoay lưng về phía Lệ Nam Tinh, lấy khăn tay ra lau nước mắt.
Công Tôn Yến chợt vở lẽ ra nhủ thầm:
"Đúng thế, chắc chắn họ đã có xích mích gì đây, y tưởng Phong tỷ tỷ không thích mình cho nên mới đau lòng như thế. Nhưng Phong tỷ tỷ tại sao lại khóc? Nàng không thích Lệ đại ca ư? Hay là Lệ đại ca không biết dịu dàng khiến cho nàng giận?".
Công Tôn Yến nào biết Phong Diệu Thường nghe tiếng tiêu nên nhớ đến Tần Nguyên Hạo, vì thế đau lòng rơi nước mắt. Nàng và Tần Nguyên Hạo hai lòng tuy đã mến nhau, nhưng không có cơ hội thổ lộ cho nhau biết. Tần Nguyên Hạo là đệ tử của danh môn chính phái, dù có Kim Trục Lưu làm mai nhưng cũng chưa chắc thành.
Phong Diệu Thường tự ti vì những hành vi xấu xa của cha mình. Lúc này càng suy nghĩ mới cảm thấy tiền đồ mờ mịt, vì thế mới rơi nước mắt.
Công Tôn Yến ho một tiếng, bước tới cười bảo:
"Lệ đại ca! Huynh thổi tiêu chẳng hay tý nào, huynh làm cho Phong tỷ tỷ khóc rồi kìa. Huynh hãy thổi một khúc dễ nghe được không".
Phong Diệu Thường lau nước mắt:
"Không, tôi nghe rất hay. Lúc nãy có hạt bụi rơi vào mắt, tôi đâu có khóc?".
Lệ Nam Tinh ngừng thổi, cười khổ sở:
"Tôi không thổi được bài dễ nghe".
Công Tôn Yến gật đầu:
"Thôi được. Huynh không thổi cũng được, hãy giúp tôi làm thức ăn".
Dùng xong bữa tối, Lệ Nam Tinh vào trại nghỉ ngơi trước. Công Tôn Yến nói:
"Ở đây là nơi thế ngoại đào viên, hiếm khi trời đẹp như thế này, Phong Diệu Thường hãy cùng muội đi hái hoa dại, một lát nữa rồi ngủ!".
Phong Diệu Thường đồng ý:
"Tôi vốn không muốn ngủ, được, chúng ta cứ đi một chập".
Hai người ra khỏi trướng khoảng trăm bước, Công Tôn Yến chợt hỏi:
"Phong tỷ tỷ, tỷ thấy Lệ đại ca thế nào?".
Phong Diệu Thường hiểu nhầm ý của Công Tôn Yến, thầm cười rằng:
"Té ra ả nha đầu đã động lòng xuân". Rồi nói:
"Lệ đại ca văn võ toàn tài, đương nhiên rất tốt!".
Công Tôn Yến bật cười:
"Thôi được, cuối cùng tỷ đã nói lời thực, sáng mai ta sẽ cho Lệ đại ca biết, chắc y sẽ vui mừng lắm".
Phong Diệu Thường ngạc nhiên:
"Có nghĩa là sao?".
Công Tôn Yến nói:
"Phong tỷ tỷ, tỷ đừng giả vờ nữa, hai người đang giận nhau, tỷ tưởng rằng tôi không biết sao?".
Lúc này Phong Diệu Thường mới hiểu ra, té ra là nàng đã hiểu nhầm, bất giác cười:
"Tỷ đã sai cả rồi".
Công Tôn Yến hỏi:
"Sao, chả lẽ tỷ không thích Lệ đại ca?".
Phong Diệu Thường nghĩ bụng:
"Lệ đại ca vẫn chưa có ý trung nhân, sao mình không làm mai cho y? Công Tôn Yến đã hiểu nhầm như thế, mình phải nói sự thực".
Rồi nàng cười rằng:
"Tỷ muốn làm hồng nương cho tôi phải không? Nhưng tôi cũng muốn làm hồng nương cho tỷ!".
Công Tôn Yến bất giác ngẩn người:
"Tôi đang nói thực, sao tỷ lại đùa như thế?".
Phong Diệu Thường đáp:
"Tôi đang nói chuyện rất nghiêm túc. Chẳng phải tỷ đã đồng ý Lệ đại ca rất tốt rồi sao? Cho nên tôi không cần tỷ làm hồng nương, nhưng tỷ lại cần tôi làm hồng nương!".
Công Tôn Yến lộ vẻ không vui:
"Tỷ nói như thế là có ý gì, sao tôi có thể cướp người tỷ thương mến?".
Phong Diệu Thường cười:
"Tỷ đã hiểu nhầm".
Công Tôn Yến ngạc nhiên:
"Chả lẽ tỷ không thích y?".
Phong Diệu Thường đáp:
"Tôi kính trọng Lệ đại ca, nhưng không hề có tình cảm nam nữ, tỷ đã hiểu chưa?".
Công Tôn Yến lúc này mới vỡ lẽ:
"Ồ, té ra tỷ đã có ý trung nhân?".
Phong Diệu Thường đỏ mặt, thì thầm:
"Cho nên tôi mới bảo tỷ không cần lo lắng. Đã có người làm hồng nương cho tôi từ trước".
Công Tôn Yến mừng rỡ hỏi:
"Sao tỷ không nói sớm cho tôi biết, người đó là ai?".
Phong Diệu Thường đáp nhỏ:
"Đó là Tần Nguyên Hạo của phái Võ Đang".
Công Tôn Yến:
"Tần Nguyên Hạo? Ồ cái tên này nghe rất quen!".
Tần Nguyên Hạo là thiếu hiệp anh hùng ở phái Võ Đang, Phong Diệu Thường nghĩ Công Tôn Yến nghe được tên chàng cũng chẳng có gì là lạ, vì thế cũng không hỏi. Công Tôn Yến lại cứ hỏi dấn tới, Phong Diệu Thường không dấu, kể lại mọi chuyện. Công Tôn Yến cười nói:
"Ồ, té ra tỷ không vui vì không nghe được tin của Tần Nguyên Hạo". Nói đến đây thì chợt kêu lên:
"Tôi nhớ rồi!".
Phong Diệu Thường ngạc nhiên hỏi:
"Tỷ nhớ điều gì, sao lại kêu lên như thế?".
Công Tôn Yến đáp:
"Chưởng môn của phái Võ Đang Lôi Chấn Tử có phải có một đệ tử họ Tần không?" Phong Diệu Thường gật đầu:
"Đúng thế". Công Tôn Yến nói:
"Đó chắc chắn là Tần Nguyên Hạo! Khi cha nghe chuyện này cũng đã từng nhắc đến cái tên Tần Nguyên Hạo. Chả trách nào muội thấy quen tai như thế, nhưng nhất thời không nhớ ra".
Phong Diệu Thường vừa mừng vừa lo, vội vàng hỏi:
"Tỷ biết tung tích của Tần Nguyên Hạo? Đó là chuyện gì?".
Công Tôn Yến đáp:
"Trong vòng ba ngày, tôi đảm bảo tỷ sẽ gặp được Tần Nguyên Hạo!".
Phong Diệu Thường hầu như không dám tin vào đôi tai mình, một lát sau nàng mới thốt ra hai chữ:
"Thật không?".
Công Tôn Yến đáp:
"Đương nhiên là thật, tôi gạt tỷ làm gì. Tỷ đừng nôn nóng.
Hãy nghe cho kỹ đây ở phía nam Bảo Kê, dưới chân Tần Lĩnh, có một sơn thôn, trong sơn thôn có một trang viên tên gọi Thủy Vân trang. Trang chủ Vân Long là võ lâm thế gia, trên giang hồ cũng có tên tuổi lắm tỷ biết không?".
"Tôi rất ít đi lại trên giang hồ, quả thật hiểu biết nông cạn, tôi chưa từng nghe nói tới Thủy Vân trang. Chả lẽ Tần Nguyên Hạo ở Thủy Vân trang?".
"Đúng thế".
"Tại sao y lại ở Thủy Vân trang?".
"Ở Tần Lĩnh có một đám giặc cướp, kẻ cầm đầu tên gọi La Đại Đấu, là cao thủ sử dụng thủ hổ đoạn môn đao, y có ba huynh đệ kết nghĩa võ công cũng rất siêu phàm. Vân Long có một người con gái tên gọi Vân Trung Yến".
Phong Diệu Thường không nhịn được, ấn tiếng hỏi:
"Vân Trung Yến thế nào?".
Công Tôn Yến từ tốn trả lời:
"Vân Trung Yến rất xinh đẹp, có người yêu mến nàng!" Nói đến đây thì nàng cố ý ngừng lại.
Phong Diệu Thường quả nhiên thất kinh hỏi:
"Người đó là ai?".
Công Tôn Yến cười khanh khách:
"Tỷ đừng lo, đó chẳng phải là Tần Nguyên Hạo mà là tên cường đạo La Đại Đấu. Y đến Thủy Vân trang cầu thân, Vân trang chủ đương nhiên không chịu. La Đại Đấu không chịu bỏ ý định ấy, ba ngày sau lại sai người đưa một bức thư bảo rằng đã chọn ngày tốt đón dâu. Tại sao La Đại Đấu không lập tức cướp cô dâu? Bởi vì y e ngại Thủy Vân trang. Cho nên y phải mời cao thủ giúp đỡ. Cũng thế, Thủy Vân trang vì đối phó với bọn người này cho nên đã mời bằng hữu các nơi đến tương trợ. Hồng Anh hội chúng tôi có một hương chủ tên gọi Thạch Huyền, vừa lúc đó đến Bảo Kê thăm bằng hữu, người bằng hữu của ông ta rất thân thiết với Vân Long, nhận được thư cầu viện của Vân Long thì lập tức kéo Thạch Huyền cùng đến Thủy vân trang. Nghe nói hôm ấy La Đại Đấu dắt người đến cướp cô dâu, đôi bên đã ác chiến với nhau. Đối phương thế đông người mạnh, lúc đầu phía Thủy Vân trang rất bất lợi. Khi sắp đại bại, chợt có một thiếu hiệp anh hùng tới kịp.
Người này tỉ thí với La Đại Đấu, chàng bị La Đại Đấu chém bảy nhát đao, nhưng cuối cùng đã đâm xuyên kiếm vào buồng tim của La Đại Đấu, kết liễu mạng của y!".
Phong Diệu Thường đã đoán được mấy phần, vội vàng hỏi:
"Thiếu hiệp anh hùng ấy là ...".
Công Tôn Yến cười:
"Đó chính là ý trung nhân Tần Nguyên Hạo của tỷ. Chưởng môn phái Võ Đang Lôi Chấn Tử là bằng hữu của Vân Long, tuy ông ta chưa nhận được thư cầu viện của Vân Long nhưng đã biết chuyện này cho nên sai đệ tử đắc ý nhất của ông ta đến. Thạch Huyền và Tần Nguyên Hạo không quen biết nhau, lúc đó chỉ nghe người ở Thủy Vân trang kêu là Tần thiếu hiệp khi quay về kể lại với cha tôi, cha tôi bảo đó chắc chắn là Tần Nguyên Hạo. Phong tỷ tỷ, Thủy Vân trang cách đây không quá ba ngày đường, chúng ta hãy đến đấy!".
Phong Diệu Thường vừa lo vừa mừng, nàng cắt lời Công Tôn Yến:
"Tỷ bảo Tần Nguyên Hạo đã trúng bảy nhát đao, vậy vết thương của chàng ...".
"Tỷ đừng lo, Tần Nguyên Hạo tuy bị thương không nhẹ, nhưng vẫn không nguy hiểm đến tính mạng. Thủy Vân trang có thuốc kim sang rất tốt".
"Vậy Tần Nguyên Hạo ở lại Thủy Vân trang dưỡng thương? Đó là chuyện lúc nào?".
"Đó là chuyện sáu tháng trước. Nghe Thạch Huyền nói, Tần Nguyên Hạo không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mất máu quá nhiều, e rằng phải dưỡng thương đến nửa năm. Ba ngày sau chúng ta đến Thủy Vân trang, có lẽ Tần Nguyên Hạo vẫn chưa khỏe hẳn, tỷ sẽ gặp được chàng".
Phong Diệu Thường nghe thế như cất được tảng đá trong lòng, nói nhỏ:
"Mong không có chuyện gì là tốt". Nói đến đây, nàng chợt thấy Công Tôn Yến như đang suy nghĩ điều gì, Phong Diệu Thường hỏi:
"Yến tỷ, hình như tỷ có điều gì muốn nói phải không?" Công Tôn Yến đáp:
"Tôi nghĩ chắc là không có điều gì lo ngại. La Đại Đấu bị giết, đám giặc cướp ở Tần Lĩnh cũng giải tán. Tần Nguyên Hạo dưỡng thương ở Thủy Vân trang, người của Thủy Vân trang chắc biết lo liệu?".
Thật ra Công Tôn Yến cũng nghĩ đến điều "bất trắc". Công Tôn Yến chợt nhớ lại Thạch Huyền đã cho nàng biết một chuyện, đó là trang chủ Thủy Vân trang cảm kích ơn lớn của Tần Nguyên Hạo, có ý gả con gái của mình cho Tần Nguyên Hạo.
Người của Thủy Vân trang xì xầm bàn tán cho nên Thạch Huyền đã nghe biết.
Nhưng Công Tôn Yến không muốn cho Phong Diệu Thường biết chuyện này.
Sáng sớm hôm sau, Công Tôn Yến kể lại cho Lệ Nam Tinh nghe, Lệ Nam Tinh cũng rất vui mừng:
"Được, chúng ta hãy đến Thủy Vân trang tìm Tần Nguyên Hạo rồi cùng đến Tây Xương. Phong cô nương, cô và Tần Nguyên Hạo sắp đoàn tụ với nhau, xin chúc mừng". Phong Diệu Thường đỏ ửng mặt, nhưng trong lòng mừng rỡ vô hạn.
Ba người vội vã lên đường, đến chiều hôm sau đến huyện Long. Thủy Vân trang nằm ở dưới chân Tần Lĩnh. Vừa đến huyện Long đã nhìn thấy dãy núi Tần Lĩnh ở phía xa. Lệ Nam Tinh nói:
"Đêm nay chúng ta hãy ở lại huyện thành, trưa ngày mai sẽ tới Thủy Vân trang. Nếu tiếp tục đi canh ba đêm nay sẽ tới nơi. Nhưng nửa đêm đến gõ cửa nhà người hơi bất tiện. Phong cô nương, cô nương không vội chứ?".
Phong Diệu Thường đỏ mặt:
"Lệ đại ca đùa mãi, đương nhiên ngày mai đi cũng được".
Công Tôn Yến chợt bảo:
"Lệ đại ca, đại ca có chú ý tới một chuyện không?" Lệ Nam Tinh hỏi:
"Có phải cô nương bảo những người chúng ta gặp trên đường không?".
Số là hai ngày qua họ đã gặp những người cưỡi ngựa mang theo binh khí trên đường, vừa nhìn đã biết đó là những nhân vật giang hồ.
Công Tôn Yến nói:
"Đúng thế! Ở đây là nơi núi non, theo lý ít người đi đường mới phải. Không biết tại sao có nhiều nhân vật giang hồ như thế? Chả lẽ ở núi Tần Lĩnh có bang phái nào tụ hội?".
Lệ Nam Tinh nói:
"Chúng ta cứ đến Thủy Vân trang hỏi thử, chắc Vân trang chủ sẽ biết".
Phong Diệu Thường gạt đi:
"Cần gì phải nghi ngờ như thế? Chúng ta đừng để ý".
Công Tôn Yến trả lời:
"Không phải tôi thích lo chuyện bao đồng, nhưng có chút kỳ lạ".
Ba người đang nói chuyện, chợt có hai thớt ngựa chạy tới, một người kêu lên:
"Đó chẳng phải Công Tôn cô nương đó sao? Công Tôn cô nương có nhận ra tôi không?".
Hai người này nhận ra Công Tôn Yến, lập tức xuống ngựa thi lễ. Công Tôn Yến ngẩn người ra, hỏi:
"Ngài có phải Lý trại chủ ở Ẩm Mã Xuyên đó không?".
Người ấy đáp:
"Cô nương nhớ dai thật, tôi chính là Lý Hổ Nhi, còn đây là bằng hữu của tôi, Trương Bằng Phi ở trại Khiêu Hổ. Té ra năm ngoái Lý Hổ Nhi đã từng đến Hồng Anh hội thăm Công Tôn Hoàng, Công Tôn Yến từng bưng trà mời y uống.
Công Tôn Yến hỏi:
"Sao các người lại tới đây?" Lý Hổ Nhi đáp:
"Chúng tôi đi uống rượu mừng. Ngày mai phải đến Thủy Vân trang".
Công Tôn Yến thất kinh:
"Uống rượu mừng của ai?".
Lý Hổ Nhi đáp:
"Ngày mai con gái của Vân trang chủ sẽ xuất giá. Chắc cô nương biết Vân trang chủ chứ? Nửa năm trước Thạch hương chủ của quý hội đã từng đến Thủy Vân trang".
Công Tôn Yến đáp:
"Tôi có nghe Thạch Huyền nói. Con gái của ông ta tên Vân Trung Yến đúng không?" Lý Hổ Nhi. đáp:
"Đúng rồi, ngày mai là ngày vui của nàng".
Công Tốn Yến hỏi:
"Không biết ai sắp trở thành nữ tế của Vân trang chủ?".