Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Lúc này Ðinh Ðang đã đuổi đến nơi.
Thạch Phá Thiên thấy trong tay nàng cầm thanh đao lá liễu sáng quắc thì sợ hết hồn.
Bỗng nghe Ðinh Ðang tức giận gầm lên:
-Ðặt ngay con tiểu tiện nhân xuống để ta cho ả một nhát đao là rồi đời. Nếu không thì cả hai đứa đều chết hết.
Thạch Phá Thiên la lên:
-Không được ! Không được!
Ðinh Ðang vung đao đánh "véo" nhằm chém xuống đầu A Tú.
Thạch Phá Thiên hoảng hốt. Hai chân nhảy vọt lên để tránh. Chàng sợ nhát đao kia đâm chết A Tú. Bất giác kình lực phát huy theo ý muốn, một luồng nội lực rất hùng hậu tự gan bàn chân đẩy mạnh lên.
Vù một tiếng! Người chàng nhảy vọt lên cao hơn ngọn cây. Ðinh Ðang và Ðinh Bất Tam thấy kình lực chàng ghê gớm như vậy thì không khỏi giật mình kinh hãi.
Thạch Phá Thiên người còn lơ lửng trên không, miệng đã gầm lên:
-Trời ơi!
Chàng nghĩ bụng: "cái này rớt xuống thì đến bong gân gãy xương mất. A Tú mà bị Ðinh Ðang giết chết thì làm thế nào?"
Mắt chàng bỗng nhìn thấy hai chân hạ xuống cành tùng. Trong lúc hoang mang, chàng vận kình níu lấy rồi tiếp tục nhảy đi chỉ mong trốn được xa hơn một chút.
Bỗng nghe một tiếng rắc rắc. Cành tùng bị gẫy rời người chàng bắn về phía trước mấy trượng. Tiếng gió vèo vèo bên tai. Người chàng bay đi rất mau.
Bỗng nghe A Tú ở trong lòng lên tiếng:
-Ðại ca! Lúc hạ xuống thì đề khí cho nhẹ bớt đi...
Nàng chưa dứt lời thì hai chân Thạch Phá Thiên đã hạ xuống cành một cây tùng khác.
Lần này chàng theo lời A Tú hơi co đầu gối lại hãm bớt kình lực.
Lạ thay! Cành tùng chỉ chĩu xuống chớ không gẫy, rồi lại bật lên đẩy người chàng đi vừa xa vừa cao hơn.
Tiếng quát mắng của Ðinh Ðang vẫn còn nghe thấy nhưng dần dần mỗi lúc một xa.
Thạch Phá Thiên thấy người chúi xuống rồi bị vọt lên thì rất lấy làm thích thú.
A Tú ở trong lòng chàng không ngớt chỉ điểm về phép vận kình.
Thạch Phá Thiên vốn dĩ nội lực có thừa bây giờ chàng hiểu được yếu quyết về khinh công nên nhảy nhót chuyền từ cành nọ sang cành kia một cách rất dễ dàng coi chẳng khác loài vượn loài khỉ. Thật là một niềm vui mà chàng chưa thấy qua bao giờ.
Chàng sung sướng nói:
-Cách này hay lắm! Cứ kiểu này tiếp diễn thì chúng ta không còn sợ gì bọn họ đuổi theo để chém giết nữa.
Thạch Phá Thiên nhìn thấy đã nhảy đến tận đầu khu rừng cây thì thốt nhiên có tiếng người quát và ánh mặt trời lấp loáng rõ ràng từ một thứ binh khí phản chiếu ra dường như đang có cuộc tranh đấu.
Thạch Phá Thiên nói:
-Nguy rồi! Bên kia có người không thể đi tới được.
Chân trái chàng điểm vào cành cây từ từ hạ xuống theo đúng cách của A Tú đã dạy. Chàng vừa đề khí vừa cho đầu ngón chân hướng xuống dưới. Tuy tay chàng ôm một người mà hạ xuống không phát ra tiếng động.
Chàng nấp vào sau một gốc cây tùng thò đầu nhìn ra ngoài. Bất giác chàng sợ quá giật nẩy mình lên. Trong một khu đất trống giữa rừng đang đánh nhau kịch liệt. Người cầm trường kiếm là Bạch Vạn Kiếm còn người tay không là Ðinh Bất Tứ.
Mười mấy tên đệ tử phái Tuyết Sơn đều cầm kiếm trong tay đứng lác đác bao vây bốn mặt để trợ oai cho Bạch Vạn Kiếm.
Ðinh Bất Tứ tuy không binh khí, nhưng hai tay lão nào chụp, nào chém, nào đánh nào điểm, nào đâm, nào móc, cũng lợi hại chẳng kém gì khí giới. Khi gặp Bạch Vạn Kiếm đâm tới lão uốn người đi để phản công.
Thạch Phá Thiên vừa coi mấy chiêu đã để hết tinh thần theo dõi. Chàng quên cả mình đang ôm một người trong lòng.
Thạch Phá Thiên đã học qua kiếm pháp phái Tuyết Sơn mà Ðinh Bất Tứ sử dụng những chiêu thức có đến phân nửa lão đã dạy chàng, còn phân nửa tuy chàng chưa học nhưng đường lối liên tiếp rất có mạch lạc để chàng theo dõi.
Hai tay đại cao thủ này tỉ võ mà lại dùng đến quá nửa phần võ công chàng đã học qua, nên chàng coi rất lấy làm hứng thú. Chiêu nào chàng cũng nhớ như in vào óc.
Chàng thấy Ðinh Bất Tứ tiếp tục tấn công. Hai tay lão như đao như kiếm lại như thương như kịch. Dường như lão bức bách Bạch Vạn Kiếm phải thủ nhiều mà công ít. Nhưng Bạch Vạn Kiếm đánh những đòn rất trầm trọng chứ không hoa mỹ.
Ngẫu nhiên ánh kiếm loé lên rồi lại thu về. Xem chừng Ðinh Bất Tứ muốn thủ thắng cũng không phải là chuyện dễ. Nếu cuộc đấu còn kéo dài thêm thì e rằng Bạch Vạn Kiếm sẽ đoạt được thượng phong.
Trong con mắt Thạch Phá Thiên thì tình trạng là như vậy, nhưng Ðinh Bất Tứ và Bạch Vạn Kiếm thì mỗi người có một quan niệm riêng.
Nguyên Ðinh Bất Tứ tự phụ mình ngang hàng với phụ thân Bạch Vạn Kiếm là Uy Ðức tiên sinh Bạch Tự Tại. Lão không muốn chịu tiếng là người lớn uy hiếp trẻ con. Chẳng những lão đưa tay không để chọi với trường kiếm mà còn định bụng trong vòng bẩy mươi hai chiêu phải đoạt cho bằng được thanh trường kiếm của đối phương. Nhưng đến lúc động thủ lão không ngớt la thầm.
Lão từng tỉ đấu với mấy tên đệ tử phái Tuyết Sơn và tưởng Bạch Vạn Kiếm đủ giỏi tới đâu cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Chẳng ngờ giữa sư huynh sư đệ với nhau mà tuyệt nghệ khác xa một trời một vực, thành ra lão cay đắng vô cùng.
Bạch Vạn Kiếm tuy cũng sử bảy mươi hai đường Tuyết Sơn kiếm pháp, nhưng hắn ra chiêu cực kỳ thần tốc mà biến hoá vô song. Nội lực thâm hậu, pháp độ nghiêm cẩn, nhất nhất theo đúng tác phong của những tay cao thủ bậc nhất. Dù mà Uy Ðức tiên sinh Bạch Tự Tại giữa hồi tiếng tăm lừng lẫy giang hồ cũng vậy mà thôi.
Ðinh Bất Tứ để hết tinh thần vào cuộc chiến đấu. Lão thi triển những công phu tiểu xảo nhảy nhót qua lại giữa luồng kiếm quang, gặp lúc nguy hiểm, lão đành mạo hiểm tính đường liều mạng cho cả hai bên cùng chết để bức bách những kiếm chiêu ác liệt của đối phương phải lùi lại.
Bạch Vạn Kiếm sẵn sàng nhượng bộ trong những trường hợp này, dường như hắn đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Kể về công lực thì Ðinh Bất Tứ cao thâm hơn Bạch Vạn Kiếm một bậc, nhưng lão có thua là thua ở chỗ lên mặt kẻ cả, lấy tay không chọi với binh khí.
Khí Hàn Tây Bắc Bạch Vạn Kiếm há phải hạng tầm thường. Hắn đã cầm trường kiếm trong tay thì đối thủ có giỏi đến đâu và dùng binh khí hẳn hoi muốn đánh bại hắn cũng không phải là chuyện dễ. Huống chi Ðinh Bất Tứ lại tay không thì còn thắng thế nào được?
Hai bên qua lại thêm mấy chục chiêu nữa, Bạch Vạn Kiếm bỗng lên tiếng:
-Ðinh tứ thúc! Tứ thúc lấy binh khí ra đi, nếu đấu tay không thì không địch nổi vãn bối đâu. Ðinh Bất Tứ tức mình quát lên:
-Thúi lắm! Làm gì mà ta chẳng đánh bại ngươi được ? Ngươi hãy thử tiếp chiêu này đi!
Tay trái lão khoa lên thành đường vòng tròn, tay mặt phóng quyền qua đường vòng tròn, đánh thẳng ra. Chiêu thức này thiệt là quái dị.
Bạch Vạn Kiếm không hiểu phép giải khai, phải lùi lại một bước.
Ðinh Bất Tứ bật lên tràng cười ha hả. Chân phải lão chí xuống đất, nhảy vọt người qua mé tả, dừng như gót chân có đặt lò so cho người bật tung lên. Hai chân lão còn lơ lửng trên không liền đá hất ra.
Bạch Vạn Kiếm lại lùi thêm một bước, vung kiếm lên cho đỡ trước mặt.
Ðinh Bất Tứ chợt hữu thoáng ở đằng trước, vụt qua sau lưng.
Thạch Phá Thiên coi hoa cả mắt. Bỗng nghe đánh "roạc" một tiếng. ống quần bên phải Ðinh Bất Tứ bị trúng kiếm. Nhát kiếm này tuy không làm cho Ðinh Bất Tứ bị thương đến da thịt, nhưng để lại ống quần một vệt dài.
Bạch Vạn Kiếm thu kiếm về nói:
-Ða tạ tứ thúc đã nhân nhượng.
Nguyên những tay cao thủ tỷ võ đều cho như vậy là phân thắng bại rồi. Nhưng Ðinh Bất Tứ thẹn quá hoá giận. Lão quát hỏi:
-Ai đã thua ngươi? Chiêu đó chẳng qua là ngươi gặp may mà thôi, chứ đáng kể vào đâu?
Lão vừa quát vừa phóng chiêu "nghịch thuỷ hành chu" tấn công Bạch Vạn Kiếm.
Bạch Vạn Kiếm đành phải vung kiếm lên đỡ. Chiêu kiếm của hắn vừa rồi rách đứt ống quần đối phương mà bảo là vận may kể cũng không sai, vì Bạch Vạn Kiếm vung kiếm lên đâm vừa gặp lúc Ðinh Bất Tứ phóng cước đá ra, tựa hồ lão tự đưa ống quần mình vào mũi kiếm của đối phương nên mới bị rách. Ðồng thời luồng chân lực mãnh liệt của Ðinh Bất Tứ không hề chùn lại. Lão ra chiêu mỗi lúc một nặng nề hơn, càng đánh càng đi tới chỗ sút kém.
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn đều rất là đắc ý, có gã lên tiếng ca ngợi:
-Ngươi hãy coi chiêu "nguyện sắc hơn huỳnh" của Bạch sư ca thiệt là tinh diệu, như có như không, lờ mờ huyền ảo. Thế mới là đến được chỗ cốt tuỷ của Tuyết Sơn kiếm pháp. Ðinh Bất Tứ tiên sinh chân tay luống cuống. Nếu Bạch sư ca mà chẳng lưu tình thì người tiên sinh đã bị đổ máu rồi.
Bỗng nghe có tiếng la:
-Thúi lắm!
Tiếng la này đồng thời ở hai nơi vang lên một là tự miệng Ðinh Bất Tứ thốt ra, cái đó là lẽ dĩ nhiên chẳng lấy chi làm lạ, nhưng còn một tiếng phát ra từ gốc Tây Bắc.
Mọi người đều hướng mục quang về phía đó. Trong đám này, có Thạch Phá Thiên là khiếp sợ hơn hết. Nguyên về phía Tây Bắc, có hai người đứng sóng vai ở ven rừng thì một là Ðinh Bất Tam và một là Ðinh Ðang.
Ðinh Bất Tứ la lên:
-Lão tam! Người ta đang động thủ tỉ thí, sao lão không đi đi? Còn đứng đó làm chi?
Tuy lão để hết tinh thần vào cuộc tỉ đấu với Bạch Vạn Kiếm, nhưng Ðinh Bất Tam là chỗ huynh đệ tình thân, nên Ðinh Bất Tam vừa la lên hai tiếng, lão đã biết ngay là huynh trưởng đã đến.
Ðinh Bất Tam cười nói:
-Ta coi ngươi võ công chẳng tiến được chút nào.
Ðinh Bất Tứ trong dạ rất bồn chồn. Lão biết rẳng theo tình thế trước mắt thì mình không tài nào thủ thắng được. Song, ông anh xuất hiện vào lúc này lão càng khó chịu, la lên :
-Lão đứng bên chỉ tổ làm cho người ta rối ruột. Người ta đã phải phân tâm mở miệng nói với lão thì còn lòng dạ nào tỉ đấu với địch thủ nữa?
Ðinh Bất Tam cười nói:
-Vậy ngươi đừng nói với ta nữa, hãy để hết tinh thần vào việc chiến đấu đi!
Ðoạn lão quay lại bảo Ðinh Ðang:
-Tứ gia ngươi tự xưng là mình võ công quán thế thiên hạ vô địch, tựa hồ lão đối với gia gia lão còn ghê gớm hơn nhiều. Bây giờ ngươi mở mắt to nhìn thật kỹ xem Tứ gia ngươi đưa hai bàn tay bằng thịt bằng xương ra mà muốn đánh cho người ta dùng kiếm phải chịu thua, quì xuống van lạy. Ha ha! Ha ha! ....
Tiếng cười của Ðinh Bất Tam làm cho mọi người phải chấn động, nghe rất khó chịu.
Ðinh Bất Tứ quát hỏi:
-Lão Tam! Lão cười khỉ gì vậy?
Ðinh Bất Tam cười đáp:
-Ta cười ngươi chứ còn cười ai?
Ðinh Bất Tứ càng tức giận hơn, gầm lên:
-Lão cười gì ta? Ta có chi đáng cười?
Ðinh Bất Tam đáp:
-Ta cười ngươi suốt đời hiếu thắng. Bây giờ gặp bước nguy nan, ngươi ỷ vào ca ca giúp ngươi chăng?
Ðinh Bất Tứ thét lên:
-Gã họ Bạch này là bọn hậu bối, nếu ta không nể mặt cha mẹ gã thì đã phóng một chưởng đánh chết gã rồi. Ta làm gì mà gặp bước nguy nan. Ai cần lão giúp đỡ, có chăng mượn lão cầm bình rượu hay bình nước tiểu còn hay hơn...
Bỗng lão rú lên:
-U¨i chao! Thằng lỏi con này! mi thừa cơ lúc người ta nguy khốn mà...
Nguyên lão tay không tỷ đấu với Bạch Vạn Kiếm đã kém thế rồi. Lúc này lão phân tâm đối lời với Ðinh Bất Tam, nên môn họ càng thêm sơ hở. Bạch Vạn Kiếm thừa cơ đâm vào dưới nách bên trái lão một nhát máu tươi chảy ra đầm đìa. Ðinh Bất Tam và Ðinh Bất Tứ tuy là hai anh em, nhưng ưa tranh hơi một đời gây gổ với nhau, chẳng ai chịu ai. Anh chẳng ra anh, em chẳng ra em. Nhưng lúc này Ðinh Bất Tam thấy em bị thương cũng không khỏi đau lòng. Lão tức giận quát lên:
-Thằng nhóc con kia! Mi giám đả thương đệ đệ của lão gia ư?
Lão lún người xuống nhẩy vọt lại rồi vung tay chụp vào sau lưng Bạch Vạn Kiếm.
Bạch Vạn Kiếm bị hai mặt giáp công, song hắn vẫn bình tĩnh. Phía trước hắn vung kiếm đâm Ðinh Bất Tứ bách lão phải lùi lại một bước. Tiếp theo hắn xoay kiếm lại đâm chênh chếch tới Ðinh Bất Tam.
Ðinh Bất Tứ rất là hiếu thắng, la lên:
-Lão Tam! Tránh ra! Ai mượn lão giúp ta?
Ðinh Bất Tam đáp:
-Ai giúp ngươi làm chi? Ðinh lão Tam này rất ghét kẻ tỷ đấu một cách bất công. Trước hết ta hãy vứt kiếm gã đi, đoạn làm cho người gã chảy máu, rồi mới để các ngươi tỷ đấu với nhau cho được công bằng...
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn thấy sư huynh bị hai người giáp công, hơn nữa Ðinh Bất Tam lại là kẻ đại thù giết hai anh em đồng môn của chúng nên vừa thấy lão nhẩy vào động thủ, chúng liền quát lên một tiếng rồi nhất tề xông ra.
Ðinh Bất Tam gầm lên:
-Những quân mặt chó kia! Bọn mi không muốn sống nữa hay sao? Biết điều thì cút đi!
Ánh kiếm lấp loáng! Mấy lưỡi kiếm tua tủa đâm tới.
Ðinh Bất Tam vừa né tránh vừa quát lên:
-Nếu bọn mi không cút đi thì lão gia phải giết người!
Bạch Vạn Kiếm biết bọn sư đệ mình nhất định không thể địch nổi Ðinh lão Tam. Lão đã nói giết người là giết người thực, chứ không phải chuyện chơi!
Hắn vội la lên:
-Các anh em hãy lui ra!
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn nhất nhất tuân theo hiệu lệnh của sư huynh không ai dám chống lại. Chúng vừa nghe Bạch Vạn Kiếm hô liền lập tức lui lại phía sau.
Ðinh Bất Tam nhìn một gã đệ tử phái Tuyết Sơn béo chùn béo chụt mà thấp lùn chủn tên gọi Lý vạn Sơn nói:
-Người đưa thanh kiếm của người cho ta mượn.
Lý vạn Sơn tức giận nói:
-Ðược lắm! Ðây ta cho lão mượn.
Rồi gã cầm kiếm, hướng mũi kiếm vào bụng Ðinh Bất Tam phóng rất mạnh đánh "véo" một tiếng.
Không ngờ Ðinh Bất Tam đưa tay trái ra theo mé bên chụp vào cổ tay mặt Lý vạn Sơn khẽ vặn một cái, đoạt ngay được thanh kiếm, coi chừng như gã đã ríu ríu vâng lời cầm kiếm đưa lại cho lão.
Cái vặn tay vừa rồi cho cổ tay mặt Lý vạn Sơn bị trật khớp.
Ðinh Bất Tam lại phóng cước đá gã một cái lăn lông lốc. Còn những tên đệ tử khác phái Tuyết Sơn lại chống kiếm muốn nhảy vào viện trợ.
Ðinh Bất Tam cầm trường kiếm trong tay. Lão để mũi kiếm đâm xuống đất rồi chạy vòng quanh hai người Bạch Vạn Kiếm và Ðinh Bất Tứ một lượt vạch thành một vòng tròn đường kính chừng hai trượng.
Ðoạn lão đứng lại nhìn bọn đệ tử phái Tuyết Sơn cất giọng lạnh lùng nói:
-Hễ tên nào bước qua cái vòng tròn này tức là bước vào quỷ môn quan rồi đó!
Bạch Vạn Kiếm tuy là người bình tĩnh nhưng lúc này cũng không khỏi hoang mang nóng nảy. Hắn biết hai anh em Ðinh Bất Tam và Ðinh Bất Tứ giết người chỉ trong nháy mắt. Hiện giờ hai người lại liên thủ với nhau thì mình khó mà đi đến chỗ ổn thỏa được. Cuộc đấu kiếm bữa nay so với lần đấu cùng vợ chồng Thạch Thanh trong miếu thổ địa thì tình thế lần này còn nguy biến hơn nhiều.
Hắn sợ cả mười bẩy tên đệ tử phái Tuyết Sơn sẽ bị mất mạng hết trên đảo Tử Yên này. Hắn liền đánh rất rát chỉ mong đâm chết được ngày Ðinh Bất Tứ. Mười bẩy mạng đệ tử phái Tuyết Sơn yên hay nguy, sống hay chết là do sự có giết được Ðinh Bất Tứ hay không quyết định. Nhưng Ðinh Bất Tứ, há phải hạng tầm thường? Tuy lão đã bị trúng kiếm ở dưới nách, song vết thương không có gì nguy hiểm. Trái lại so với trước lão đánh càng hăng hơn. Hai tay lão phát chưởng như vũ bão.
Bạch Vạn Kiếm nóng nảy muốn hạ đối phương ngay, nhưng kiếm chiêu tuy dữ dội hiểm độc mà không được chuẩn đích bằng lúc trước.
Ðinh Bất Tứ song chưởng máu tít xuyên qua xuyên lại giữa luồng ánh kiếm một cách mau lẹ và ghê gớm, phi thường, mặc dấu vết thương vẫn tiếp tục nhảy múa không ngớt.