Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Trúc nhìn cậu nhóc cầm muỗng múc ăn lia lịa, chỉ thoáng chốc đã ăn xong một chén chè không chừa một giọt, dường như vẫn còn chưa đã thèm mà mím môi nhìn chằm chằm đáy chén. Cô bèn đưa tay xoa mái tóc rối bù xù còn hơi rinh rích, hỏi: "Nhóc tên gì? Bao nhiêu tuổi?"
Cậu nhóc vò góc áo của mình, nhỏ giọng đáp: "Tên Bình, mười bốn tuổi."
Mười bốn tuổi?
Ban đầu cô chỉ nghĩ cậu nhóc nhiều lắm cũng bằng tuổi con Đẹt mà thôi. Bởi con trai mười bốn tuổi không chỉ cao có chừng này, dáng người cậu nhóc gầy trơ xương, khuôn mặt nhỏ nhắn hốc hác, bàn tay hiện rõ từng khớp xương thon dài yếu ớt... Nếu đó là số tuổi thật, thì cậu nhóc nhất định bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
"Nhà ở đâu? Tại sao lại trộm bánh của người ta?"
Cậu nhóc cúi đầu, im lặng không đáp.
Con Đẹt chờ mãi không thấy nó trả lời, sốt ruột mắng: "Mợ tao hỏi mày đó, trả lời mau đi."
"Đẹt." Trúc vỗ nhẹ con nhóc nóng nảy bên cạnh, nói: "Mày tao cái chi đó, người ta lớn tuổi hơn em đó đa."
Con Đẹt bĩu môi, quay ngoắt mặt đi, lẩm bẩm: "Lớn tuổi mà hư quá chừng."
Đây chính là ví dụ điển hình của kiểu được chiều mà hư. Mới đối tốt với nó một chút, nó liền trèo hẳn lên đầu cô lấy đà bay thẳng lên trời luôn rồi.
Nào ngờ cậu nhóc tên Bình lại lên tiếng đáp: "Nhà... ở gần đây. Trong nhà còn hai đứa em nhỏ, mấy ngày rồi vẫn chưa ăn gì, cho nên... con mới làm liều trộm bánh. Bị đánh một chút cũng chẳng sao... chịu qua được là có cái để ăn rồi."
Trúc nghe vậy nhăn mày, không vui hỏi: "Trong nhà không còn người lớn sao?"
Bình lắc đầu.
Trúc thở dài, dù trong lòng đồng cảm với hoàn cảnh của nhóc nhưng tuyệt đối không thể cảm thông với hành vi sai trái như trộm cắp này.
Nghèo không có tội, nhưng dùng cái nghèo cái biện minh cho việc làm sai trái chính là tội.
Nhưng trước khi đưa ra lời buộc tội, cô vẫn phải hỏi rõ ràng trước mọi chuyện: "Sao em không đi làm thuê cho người ta kiếm tiền?"
Bình khẽ cúi đầu, đáp: "Con quá gầy, không làm nổi mấy việc nặng, cho nên người ta không chịu thuê. Xin làm tôi tớ cho nhà giàu thì phải bán mình cả đời, mà làm vậy thì không còn ai chăm lo cho hai em nhỏ nữa."
Đúng vậy, tôi tớ trong mấy gia đình giàu có đều phải bán mình làm nô cả đời, mất hết tự do. Dù có bị đánh chết cũng không thể kiện lên quan trên được.
Trúc im lặng suy nghĩ một chút, rồi hỏi: "Có từng đi học, hay biết đọc biết viết chữ không?"
Cậu nhóc gãi đầu, ngượng ngùng đáp: "Dạ... chữ biết chữ không ạ. Lúc rảnh rỗi con hay đến trường làng lén xem người ta dạy học... Nhưng lần nào cũng bị bắt được rồi đuổi đi hết đa."
Trúc nghe thế gật đầu, cũng không tuỳ tiện hứa hẹn điều gì. Có một số việc cô cần phải tìm hiểu và hỏi rõ mới có thể đưa ra quyết định được.
Cô bảo con Đẹt chạy đi mua một ít bánh bao mới, rồi hỏi cậu nhóc: "Em biết nhà phú ông Lê Dư chứ?"
Bình gật đầu cái rụp.
Trúc nói tiếp: "Chị sẽ cho em một ít tiền trước, ba ngày sau em đến nhà phú ông tìm chị. Chị sẽ cố gắng... tìm một công việc cho em. Có lẽ tiền công sẽ không nhiều, nhưng vẫn đủ ăn no bụng qua ngày."
Hai mắt cậu nhóc long lanh phát sáng, lắp bắp hỏi lại: "Thật... thật ạ?"
"Thật. Em cứ nói mình đến tìm mợ ba Trúc, sẽ có người dẫn em đến gặp chị."
Dù sao cũng đã lỡ lo chuyện bao đồng rồi, nếu như không tìm được việc tử tế cho cậu nhóc này, cô chỉ đành bỏ tiền túi thuê nó làm mấy chuyện lặt vặt, cho nó cơm no ba bữa... cứ coi như tích chút phước đức cho mình.
Có điều, cô vẫn không quên nghiêm giọng dặn dò: "Nhưng em tuyệt đối không được trộm cắp nữa! Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Nếu em chỉ đói xỉu bên đường người ta còn cảm thương cho em chút cháo, nhưng nếu em trộm cắp thì dù hoàn cảnh em ra sao, trong mắt họ em chỉ là một đứa trẻ hư hỏng, em có bị đánh chết cũng là đáng đời. Em nhìn đi, em bị đánh lâu như thế, đâu ai xét tới hoàn cảnh em thế nào, người ta chỉ tin vào những điều mình nhìn thấy, chỉ biết là em ăn trộm."
Thằng Bình nghe thế cúi đầu, lén lau nước mắt.
So với cái câu "còn nhỏ đã không ra hình ra ngợm, lớn lên chắc chắn sẽ cướp của giết người" mà người chủ mắng chửi ban nãy thì mấy lời này của cô chẳng đáng là gì. Một câu mắng chửi như chặt đứt tương lai tốt đẹp của một đứa trẻ.
Lúc nhỏ còn ở viện mồ côi, cô cũng từng lén trộm một chiếc kẹo mút của một đứa trẻ khác. Nói là trộm cũng không đúng lắm, bởi vì đứa trẻ đó nhân lúc cô vắng mặt tự ý đứng ra nhận giùm phần kẹo của cô rồi bỏ túi riêng không chịu đưa ra. Lúc ấy cô giận lắm, thừa dịp đứa trẻ đó ngủ trưa liền lén mở túi nhỏ lấy lại kẹo của mình, nào ngờ lại bị đứa trẻ đó khóc nháo ầm ĩ mách ngược lại cô trộm đồ của nó, khiến mọi người xa lánh không chơi chung với cô nữa. Không lâu sau chuyện này truyền tới tai viện trưởng, bà không vội la mắng chỉ hỏi rõ ràng đầu đuôi câu chuyện ra sao. Sau khi nghe cô kể xong, bà chỉ nói: "Bạn nhận kẹo của con không trả, là bạn sai. Nhưng hành động lén lút, tự ý mở cặp bạn lấy kẹo của con cũng không đúng. Bởi vì không ai biết đó là kẹo của con hết, người ta chỉ nhìn thấy con lấy trộm kẹo trong cặp của bạn mà thôi. Trộm một cái kẹo, là trộm; trộm tiền trộm bạc, cũng là trộm. Sẽ chẳng ai quan tâm cái con lấy là gì, người ta chỉ biết con là trộm. Đó sẽ vết nhơ theo con cả đời, chỉ có thể che giấu mà không bao giờ xoá bỏ được."
Khi đó cô nghe cái hiểu cái không, chỉ biết "trộm" là rất xấu, nhận ra việc làm của mình là sai bèn nức nở đứng khóc thật lâu. Viện trưởng hiền từ dỗ dành cô, nói: "Vì thế sau này làm bất cứ việc gì, con phải suy nghĩ thật kĩ, phải luôn hướng tới mặt tích cực nhất, luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất, luôn nhớ rằng con là một đứa trẻ ngoan."
Trẻ ngoan sẽ được yêu thương, sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn gấp mấy lần thứ đã mất. Sau đó, viện trưởng bắt hai đứa trẻ nắm tay nhau, ôm nhau lấy, xin lỗi lẫn nhau, hứa sẽ luôn yêu thương nhau. Bà cũng không lấy lại kẹo mút tròn của đứa trẻ kia, mà chỉ bù lại cho cô một cây kẹo tròn màu sắc sặc sỡ to ơi là to.
Hồi tưởng lại những chuyện đã qua, Trúc không khỏi chua xót trong lòng.
"Mợ!" Giọng con Đẹt hoảng hốt vang lên, nó ôm bánh bao lạch bạch chạy tới, sốt sắng hỏi: "Sao mợ khóc vậy, nó làm gì chọc mợ không vui, mợ nói con, con đánh nó cho mợ!"
Trúc hoàn hồn, chợt nhận ra khoé mắt mình ươn ướt, cô vội cười nói: "Đâu có, tại gió lớn quá, bụi bay vào mắt mợ thôi."
Con Đẹt không nghĩ nhiều, liền tin lời mợ. Dù sao với tính tình của mợ cũng không dễ bị người bắt nạt, hơn nữa trên bàn có chén để sẵn, mợ không chọi bể đầu người ta là may mắn lắm rồi đa.
Trúc đem bánh nó mới mua về cùng với một ít tiền lẻ dúi cho thằng Bình, nói: "Đem về ăn cùng hai em nhóc đi. Ba ngày sau có đến tìm chị hay không là do nhóc quyết định, chị không ép."
Nói xong liền dẫn theo con Đẹt ra xe về nhà.
Mà ở gần đó, có hai người quan sát mọi chuyện từ đầu tới cuối.
Cậu trai trẻ chậc lưỡi mấy tiếng, nói với người bên cạnh: "Anh ba, trở về anh nhắc nhở chị ba một tiếng kẻo bị thằng nhãi ranh nó lừa đấy đa."
Người vừa nói chuyện kia không ai khác chính là cậu tư Quý, tên gọi quen thuộc là tư Rìa, con trai nhỏ nhất nhà phú ông. Mà người được gọi là anh ba kia chính là cậu ba Hưởng, chồng mợ ba Trúc.
Cậu ba nghe thế nhíu mày, hỏi: "Chú biết thằng nhóc đó?"
Cậu tư cười hì hì mấy tiếng, vỗ ngực đắc ý nói: "Cả cái làng này có ai mà em không quen đâu. Mấy trò mèo làm vạ kiếm ăn của tụi bụi đời đó mà, người xung quanh biết tỏng hết mới không thèm xen vào ấy chứ, chỉ là không ngờ người mắc câu lại là vợ anh đó đa."
Vết thương trên trán đã lành, nhưng tổn thất tinh thần vẫn còn đó chưa phai. Cậu ba thật không muốn quan tâm đến cô vợ hung hãn này chút nào, nhưng lại sợ cô bị lừa rồi ảnh hưởng đến thanh danh nhà mình.
Tư Rìa cũng ôm tâm tư gần giống với anh trai mình, cậu cũng sợ chị dâu bị lừa rồi sinh cáu gắt, không khéo lại trút giận lên đầu anh trai thì gay go lắm đa. Lỡ anh trai bị chọi bể đầu lần nữa thành tên ngốc thì làm sao đây? Cậu không muốn thay anh gánh vác chuyện làm ăn buôn bán trong nhà đâu, cậu chỉ muốn làm một cậu chủ ăn sung mặc sướng chơi bời lêu lỏng mà thôi!
Mà ở xa xa, con Đẹt vừa đỡ mợ lên xe liền lầm bầm: "Mợ mới gặp nó đã cho tiền cho bánh, nhỡ nó lừa tiền, lừa ăn, lừa lòng thương hại của mợ thì sao đây?"
Trúc ngồi ổn định trên xe, tuỳ ý chỉnh lại vạt áo, nghe con Đẹt nói thế chỉ cười: "Chỉ là vài đồng bạc lẻ, em xót làm gì. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Nên cho người khác có cơ hội sửa sai chứ đa."
Mà tiền của mợ, cũng đâu có dễ nuốt như thế!
Cậu nhóc cứ nghĩ cúi đầu, không nhìn vào mắt người khác thì sẽ không ai nhìn thấu tâm tư nhỏ của nó. Đáng tiếc cô từ nhỏ đã chứng kiến những đứa trẻ khác vì muốn được nhận nuôi mà thay đổi sắc mặt khôn lường, toan tính lẫn nhau. Chút trò vặt trẻ con này, cô nhìn đến ngấy rồi.
Cho nó một cơ hội, chịu sửa sai thì cô sẽ làm đúng theo những gì mình đã nói. Còn nếu dám khôn lỏi qua mặt cô... cô phải dạy cho nó nên người, tránh làm mất mặt và tổn hại danh tiếng những đứa trẻ mồ côi khác.
Ai là cáo, ai là chùm nho còn chưa biết được.
Con Đẹt nghe mợ nói thế đành thôi, ôm đồ chạy lên xe của mình.