Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Hiện lên qua tấm màn mưa nhợt nhạt, ướt dính, thời gian tựa như dòng sông màu xám tro đang chầm chậm, nhẹ nhàng chảy ngược trở lại.
Có vẻ như nó đã bị đóng lại, khoảng thời gian trước kia đang cuồn cuộn, dâng trào trở về, những ký ức mỏng manh và yếu ớt giống hệt cánh đồng lúa mạch màu vàng rạng rỡ đã bị che lấp đi khi Dịch Bách Đồng đang ở tình trạng mê man, tiếng gió thổi lướt qua tai cô, phát ra âm thanh sắc sảo và tinh tế như cây đàn đang đánh bỗng đứt dây.
Tằng... Tằng... Tằng...
Trước ngày mưa xám xịt đó, quá khứ của Dịch Bách Đồng là một màu hồng. Ở đó có những câu chuyện cổ tích, có kem bong bóng nhiều màu, có những chiếc váy trắng tinh, có cả món cá sốt chua ngọt thơm ngon của bố. Mặc dù từ khi chào đời tới nay cô chưa từng nhìn thấy mẹ, ngay cả một tấm hình của mẹ cũng không có, nhưng cô vẫn cảm nhận trái tim mình ngập tràn hạnh phúc. Sáu năm ‐ một khoảng thời gian nói ngắn thì không ngắn, mà dài cũng chẳng dài, điều còn lưu lại đậm nét nhất trong ký ức và nó đã ngấm vào máu thịt cô chính là câu nói của bố: “... Bố không cho phép con được hỏi nhiều như thế! Hãy nhớ lấy, con không có mẹ, chỉ có bố”.
... Con không có mẹ.
... Con chỉ có bố.
Dù câu này được cô hỏi bao nhiêu lần đi chăng nữa, đáp án nhận được chắc chắn đều giống nhau.
Nó tuyệt đối và kiên định giống như sự luân chuyển giữa bình minh và hoàng hôn. Vì thế, “Mẹ” ‐ vốn là một từ tràn đầy ấm áp và tươi sáng, nhưng trong thế giới nhỏ bé của Dịch Bách Đồng từ đó giống như một sự kìm nén và bất lực không sao diễn tả được. Tựa như một tảng băng cứng chắc và lạnh lẽo giữa mùa đông nhợt nhạt và cô đơn.
Bố không phải là người ôn hòa, mà ngược lại ông vốn nóng tính. Đồng thời ông còn mắc chứng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế[1] rất nặng. Thỉnh thoảng, hồi còn nhỏ Dịch Bách Đồng từng nhìn thấy bố cứ dùng xà phòng rửa đi rửa lại đôi tay vừa mới làm xong món cá sốt chua ngọt. Trong
[1] Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng Anh: Obsessive Complulsive Disorder, viết tắt là OCD): Là một rối loạn tâm lí có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lí do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, đây là một dạng trong nhóm bệnh có liên quan trực tiếp đến Stress. (BTV) nhà vệ sinh, ông không ngừng chà xát đôi tay mình như đang tự giày vò bản thân, cho đến khi mỗi khe ngón tay đều bị chà đến trắng bệch. Nhưng, sống trong một gia đình không trọn vẹn như thế cùng một tình thương có khiếm khuyết của cha cũng chẳng ảnh hưởng tới cách nhìn nhận thế giới của Dịch Bách Đồng. Có thể do tuổi cô còn nhỏ, hoặc cũng có thể là vì cô cam phận.
Trong mắt cô lúc này là một thế giới tươi đẹp, được bao trùm bởi ánh mặt trời chan hòa chói lọi bên ngoài khung cửa sổ kia.
Mãi đến ngày bố gặp chuyện, khi ấy mọi âm thanh bỗng trở nên im lìm.
Nó giống như tiếng “rắc rắc” của cành cây do đột nhiên bị uốn cong quá mức. Dịch Bách Đồng giống cây long não bị vặn vẹo sinh trưởng trong trận mưa bão, đột nhiên rẽ sang một hướng khác.
Công ty nơi bố cô làm việc bị khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Vì thế bố cô bị đuổi việc.
Tâm trạng hoang mang và cáu gắt của người lớn rất dễ ảnh hưởng tới tâm lí của trẻ nhỏ. Trước đây, ngôi nhà rộng rãi này vốn đã trống trải như mảnh đất hoang, nhưng giờ đây nó lại trở nên hỗn độn tựa bãi chiến trường. Dịch Bách Đồng bé bỏng chỉ biết ôm chú gấu nhồi bông nấp sau cánh cửa, ánh mắt run run sợ hãi nhìn về phía ông bố đang ném những chiếc cốc và quát mắng trong phòng khách. Lúc ấy, cô đã thấm thía cái gọi là sự hoang mang, không nơi nương tựa. Tiếc rằng, điều duy nhất cô bé có thể làm lúc đó chỉ là sợ hãi nắm thật chắc con gấu nhồi bông trong tay.
Khoảng thời gian đó, bố bận rộn với việc gặp mặt cơ quan hành chính địa phương, cho nên nhiều ngày liền không có thời gian chăm sóc cô. Cô bỗng trở thành cọng cỏ dại bị vứt bỏ bên đường, bị lãng quên một cách vô tình, sống cằn cỗi, hoang vu không ai đoái hoài.
... Cô không có mẹ.
... Cô chỉ có bố.
Vì vậy, cô chỉ nhận được một nửa yêu thương. Một nửa yêu thương chắc chắn là không bao giờ đầy đủ và dù làm cách nào cũng khó có thể với tới được danh hiệu tình cha “hoàn chỉnh”. Thế rồi, trong những đêm dài cô đơn ngồi trong phòng, cô trộm nghĩ, nếu câu nói đó bị chỉnh sửa một chút xíu thì nó sẽ như thế nào nhỉ?
Nếu đổi lại thành câu: “... Cô chỉ có mẹ, cô không có bố.”
Nghĩ như thế có thể sẽ nguôi ngoai được một phần nào tâm trạng đang rối bời trong cô chăng? Ngước nhìn màn đêm bên ngoài khung cửa sổ hòa trộn với suy nghĩ ấy thì ngoại trừ nỗi sợ hãi đang thường trực trong trái tim cô, vẫn còn đâu đó một cảm giác giải thoát, nhẹ nhàng.