Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Ngôn Hữu Tín nói:
– Nếu như ta là các ngươi, ta sẽ không chạy nữa, bởi vì phía trước không có đường, sau lưng lại có truy binh, chạy, cũng không thể nào chạy thoát được.
Ngôn Hữu Nghĩa nói:
– Hà tất phải vất vả chạy trốn như vậy? Cứ ngoan ngoãn đưa tay chịu trói, không phải là thông minh hơn việc giãy dụa vô ích bao nhiêu lần hay sao?
Người bịt mặt bên trong xe ho lên một chập.
Ngôn Hữu Tín lại nói:
– Cứ cho là các ngươi thoát khỏi huynh đệ chúng ta liên thủ hợp kích, nhưng hãy còn Lão Hổ Tiếu Nguyệt Nhiếp Thiên Sầu đang đợi các ngươi, lẽ nào các ngươi đấu lại được Nhiếp Thiên Sầu?
Câu này của y là để nói với Đinh Thường Y đang ở trên nóc xe.
Ngôn Hữu Nghĩa nói:
– Còn có Bộ Vương Lý Huyền Y đang giữ ở thành môn, một trong Tứ Đại Danh Bộ cũng ở trong thành, vụ án này liên can quá lớn, ngay cả nhi tử của Lý đại nhân mà cũng dám giết, các ngươi làm sao mà đào thoát nổi?
Câu nói này của y là để nói với người bịt mặt bên trong cỗ xe.
Người bịt mặt chầm chậm bước ra từ trong xe, mỗi một bước đều thận trọng nhìn rồi mới đặt chân xuống, phảng phất như sợ trên mặt đất có bảy tám con hổ đang rình y vậy.
Sau khi y đứng vững rồi thì đưa tay lên ôm ngực, hít sâu một hơi nói:
– Ngôn gia nhị vị hiền côn trọng, mọi người đều là người trong giang hồ, lần này rõ ràng là có oan tình. Mong hai vị giơ cao đánh khẽ, ơn này chúng tôi sẽ mãi mãi không quên, ngày sau nhất định báo đáp!
Ngôn Hữu Nghĩa nói:
– Ngươi xem chúng ta có tự chủ được không? Cao tiêu đầu, ta thấy ngươi cũng không cần phải bịt mặt làm gì nữa, bỏ tấm che mặt đó xuống, cùng chúng ta về thôi!
Đường Khẩn nghe vậy thì kêu lên một tiếng kinh ngạc.
Gã luôn cảm thấy thân hình, chiêu thức của người này đều vô cùng quen thuộc, nhưng không ngờ lại chính là vị cục chủ đã thất tung nhiều năm của Thần Uy Tiêu Cục, Cao Phong Lượng.
Lúc này, chỉ thấy người bịt mặt chậm rãi bỏ bao che mặt ra, dưới ánh trăng, một gương mặt già nua nhưng vẫn đượm vẻ uy vũ, anh tuấn hiện ra. Cao Phong Lượng cười khổ nói:
– Thật không giấu nổi các người!
Ngôn Hữu Tín nói:
– Không phải không giấu nổi hai chúng ta, mà là không giấu được ai hết. Lý đại nhân là Lý bộ thần sớm đã đoán chắc thế nào ngươi cũng xuất hiện trong trận đánh tiêu diệt Vô Sư Môn ở Cúc Hồng Viện này. Quả nhiên là ngươi không nhịn nổi đã phải hiện hình.
Cao Phong Lượng không lên tiếng đáp lại, đột nhiên dùng tay dụng lực rút mạnh, rút ra chiếc lược sắt đang cắm ở trước ngực.
Máu huyết không ngừng chảy ra nhưng suối.
Đinh Thường Y chau mày hỏi:
– Có đau không?
Thần tình cau mày, nhăn mặt của nàng giống như một bà mẹ nhỏ lo lắng đứa con mình gây chuyện, lại giống như một nữ hài tử yêu quý chó con, mèo con vậy, vẻ ngây thơ hiện ra trên khuôn mặt thành thục mà đầy phong vận, đoan trang diễm lệ tuyệt luân, khiến người ta phải si dại.
Đường Khẩn ngây ngẩn nhìn nàng.
Cao Phong Lượng hừ nhẹ một tiếng:
– Đau!
Sau đó lại gượng cười nói:
– Có điều, đối với hảo hán trên giang hồ thì chữ đau này không dễ nói ra miệng mà thôi.
Đinh Thường Y mỉm cười, hai lúm đồng tiền hiện ra trên má làm tôn thêm vẻ diễm lệ của đôi môi anh đào:
– Đau thì đau, có gì mà không nói ra được. Anh hùng hảo hán thì cũng đau như vậy, chỉ có kẻ khùng mới nhịn đau không nói mà thôi.
Cao Phong Lượng và Đinh Thường Y đối đáp với nhau hết sức ung dung, tựa hồ không coi Ngôn thị huynh đệ vào đâu vậy.
Song mục Ngôn Hữu Tín như bốc lửa.
Cao Phong Lượng lại nói:
– Đau thì có đau, nhưng không trở ngại gì. Tên lớn giao cho cô nương, tên nhỏ để cho ta, thế nào?
Đinh Thường Y gật đầu, nàng dùng một tư thế hết sức tự nhiên, rút cây kim thoa phía sau đầu ra, ngậm vào miệng, sau đó dùng hai tay buộc tóc lại thành một búi nhỏ, rồi cắm cây kim thoa vào đó.
Cũng không biết vì sao, Ngôn Hữu Tín, Ngôn Hữu Nghĩa không muốn làm đứt đoạn động tác của nàng nên chưa lập tức xuất thủ.
Sau đó Đinh Thường Y nói:
– Được rồi!
Đoạn quay sang nói với Đường Khẩn, Viên Phi:
– Các người đi đi!
Lời vừa dứt thì kiếm đã đâm tới cổ họng Ngôn Hữu Tín.
Cao Phong Lượng hét lên một tiếng, vũ động đại đao tấn công Ngôn Hữu Nghĩa.
Ý tứ của Đinh Thường Y và Cao Phong Lượng hết sức rõ ràng.
Bọn họ muốn chỉ cầm chân Ngôn thị huynh đệ, quyết không tử chiến, nhưng kết quả thế nào thì không thể dự liệu trước được, bởi vậy nên cả hai đều hy vọng Đường Khẩn và Viên Phi chạy trước.
Viên Phi hiểu được điều này.
Lão nghiến răng tung mình bỏ đi, nhưng Đường Khẩn thì vẫn đứng yên.
Đường Khẩn không bỏ chạy, Viên Phi cũng quay lại.
– Ngươi lưu lại đây cũng không có tác dụng gì, muốn rửa sạch oan khuất thì phải giữ lại tính mạng đã!
Đường Khẩn kiên định lắc đầu.
– Ta biết, nhưng ta không đi.
Viên Phi thở dài, cuối cùng dậm mạnh chân một cái, nhảy lên lưng một con ngựa, lao vút đi trong màn đêm.
Đường Khẩn biết dựa vào một thân võ công thấp kém của mình, lưu lại đây chẳng những không giúp gì được cho Cao Phong Lượng và Đinh Thường Y mà còn tự tìm cái chết cho mình. Thế nhưng gã là loại người không thể chịu đựng được chuyện người khác phải liều mạng vì gã, còn gã thì bỏ chạy một mình.
Vì thế gã lưu lại, và đã chuẩn bị để chết.
Cao Phong Lượng là chủ nhân của gã, lần này mạo hiểm xông vào Cúc Hồng Viện cứu gã, gã không thể bỏ ông ta lại để sống một mình. Còn về Đinh Thường Y, kỳ lạ là gã cảm thấy được chết cùng với nàng là một thứ khoái lạc, một niềm vinh hạnh.
Chính gã cũng không hiểu tại sao mình lại có cách nghĩ như vậy.
Lúc Viên Phi bỏ đi cục diện đã có vô số thay đổi.
Kiếm của Đinh Thường Y tuy rằng đột ngột vô cùng, nhưng đến nửa đường kiếm thế lại thay đổi, đâm vào vai của Ngôn Hữu Tín.
Bởi vì nàng còn chưa khẳng định được Ngôn Hữu Tín là địch hay là bạn.
Ngôn Hữu Tín nhìn chăm chăm vào nàng, đưa tay lên búng lưỡi kiếm bật ra xa, đoạn xông tới sát cạnh nàng, thấp giọng nói:
– Mau chạy đi, đến Tỳ Phúc thôn trong Quan Mộc lâm đợi ta.
Đinh Thường Ycắn môi nói:
– Ngươi thả tất cả chúng ta cùng đi.
Ngôn Hữu Tín chuyển động mục quang, tức giận nói:
– Chỉ có ngươi có thể đi! Nghe đây, ta chỉ thả mình ngươi thôi!
Đinh Thường Y lạnh lùng hỏi:
– Tại sao?
Ánh mắt lạnh lùng của Ngôn Hữu Tín lướt qua trên người nàng một lượt:
– Ngươi sẽ biết rất nhanh thôi.
Bọn họ vừa giao thủ vừa nói chuyện được mấy câu thì Cao Phong Lượng và Ngôn Hữu Nghĩa đã phân thắng phụ.
Ngôn Hữu Nghĩa nhằm lúc Cao Phong Lượng xuất đao, công ra đợt khoái quyền đầu tiên.
Đợt khoái quyền này bức Cao Phong Lượng phải hồi đao tự thủ.
Đợt khoái quyền thứ nhất chưa hết thì đợt thứ hai lại tới, Cao Phong Lượng khó khăn lắm mới tiếp được bốn năm mươi quyền, thì đợt thứ ba đã công tới như mưa đá.
Ngôn Hữu Nghĩa xuất quyền ngón tay không cong, cổ tay không uốn, cánh tay không vòng, không động, chính là quyền pháp thất truyền đã lâu của tông chủ Ngôn gia, Cương Thi Quyền Pháp.
Đến khi đợt khoái quyền thứ tư đánh ra, Cao Phong Lượng tự biết nếu mình còn không phản kích, chỉ sợ về sau không còn cơ hội để phản kích nữa.
Ông hít một hơi chân khí.
Sau đó xuất đao.
Xương cốt toàn thân Ngôn Hữu Nghĩa kêu lên răng rắc, tựa như một con rối gỗ, đột nhiên bị người ta làm rối dây điều khiển vậy.
Trong một sát na, cả cánh tay y đột nhiên biến thành mềm như bún, như một con rắn quấn lấy thân đao của Cao Phong Lượng.
Lưỡi đao sắc bén như vậy mà không hề cắt được vào song thủ của Ngôn Hữu Nghĩa.
Cao Phong Lượng bất đồ buông đao, nhổ một nắm cỏ, lá cỏ thoát thủ bay đi như một tia chớp.
Ngôn Hữu Nghĩa cả kinh, vội đưa đôi tay đang quấn lấy đại đao ngăn cản, song quái sự đã xảy ra, một kích "Mao Thảo Đao" ấy không hề bị song thủ gạt văng, đã kích trúng lồng ngực của y.
Ngôn Hữu Nghĩa giật mình thổ khí, cả người như bị teo tóp lại.
Một đạo huyết tiễn vọt ra.
Cao Phong Lượng một kích đắc thủ, vươn tay nhặt lại đại đao, định chém xuống.
Ngôn Hữu Nghĩa vội lùi lại, Ngôn Hữu Tín thấy vậy lập tức bỏ Đinh Thường Y lại, tung mình đến tấn công Cao Phong Lượng.
Đột nhiên có người nói:
– Bào Đinh đao pháp quả danh bất hư truyền!
Chỉ nghe người đó lại cất giọng hờ hững nói tiếp:
– Năm xưa Bào Đinh Giải Ngưu đã đem đao hòa nhập với cơ thể, cử quyền động cước đều thành vận luật, ngươi tuy đã cử khinh vi trọng, đao tùy tâm dị, nhưng đáng tiếc ...
Nói đến đây thì không nói tiếp nữa, chỉ nghe tiếng vó ngựa chậm rãi vang lên, trong tiếng vó ngựa dường như ẩn hiện tiếng sói rú, như có mà cũng như không.
Cao Phong Lượng biến sắc.
Khi ông xông vào Cúc Hồng Viện cứu người, tuy bịt mặt, nhưng nhãn thần vẫn sáng ngời, nguyên khí sung mãn, khí thế ngất trời.
Sau đó cùng với Lỗ Vấn Trương lưỡng bại câu thương, nhãn thần đã mất đi vẻ tinh anh, mạnh mẽ.
Đến lúc đánh lùi Ngôn Hữu Nghĩa, ông lại khôi phục được thần khí như lúc đầu, nhưng khi vừa nghe thấy giọng nói kia, cả người đột nhiên trở nên khẩn trương vô cùng, thậm chí còn cả đôi chút sợ hãi.
Đinh Thường Y cũng vậy.
Chỉ là không phải nàng sợ. Nhìn khuôn mặt không còn ung dung điềm tĩnh của nàng, ai cũng có thể thấy rằng nàng đã không còn một chút hy vọng nào nữa.
Rốt cuộc người đó là kẻ nào?
Chỉ nghe tiếng hú dài như của loài dã thú kia vang vang truyền lại, tiếng vó ngựa cóc cóc cóc ... cóc cóc cóc chầm chậm lại gần ...
Càng lúc càng chậm.
Cóc cóc cóc ... cóc cóc cóc ...
Tiếng vó ngựa càng lúc càng gần ...
Một con ngựa.
Một con người.
Đường Khẩn vừa thấy con ngựa đó thì ngạc nhiên thốt lên:
– Viên Phi đâu?
Con ngựa đó chính là con ngựa mà Viên Phi đã cưỡi đi.
Bây giờ ngựa đã quay lại, nhưng người trên ngựa không phải là Viên Phi.
Đường Khẩn thốt lên một tiếng rồi mới nhìn rõ người trên ngựa.
Người này tóc đen tuyền xõa ngang vai, mặt không chút biểu tình, lại khiến cho người ta một cảm giác mệt mỏi. Khuôn mặt y toàn những nếp nhăn, nhưng lại không đem cho người ta cảm giác già cỗi, mà tựa như những nếp nhăn đó theo lý là phải ở trên mặt y vậy.
Tiếng vó ngựa cuối cùng cũng ngừng lại. Người kia đeo ở lưng ba chiếc hồ lô, y mở ra một chiếc, ngửa đầu uống rượu.
Người này rất quen mặt.
Đường Khẩn nhìn trái, nhìn phải, nhưng không thể nào nghĩ ra gã đã gặp y ở đâu, vào lúc nào ... có điều nhất định là gã đã gặp qua người này.
Y là ai?
Cao Phong Lượng vừa nhìn thấy người này, lập tức lộ ra một thần sắc bi phẫn như có vẻ "trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng", cất giọng chán nản hỏi:
– Là ngươi?
Người tóc xõa đáp:
– Là ta.
Cao Phong Lượng nói:
– Câu nói lúc nãy của ngươi, còn chưa nói hết.
Người tóc xõa nói:
– Ta nói là đáng tiếc.
Cao Phong Lượng hỏi:
– Đáng tiếc chuyện gì?
Người tóc xõa đáp:
– Đao pháp của ngươi đã đạt đến đỉnh cao, nhưng chưa vào được hóa cảnh. Trích diệp phi hoa, lưu thủy hành vân đều có thể thành đao, song ngươi vẫn không thể vô đao!
Cao Phong Lượng ngây người, thở dài nói:
– Đúng vậy, vô đao thắng hữu đao, cần phải có thời gian dài tham luyện, ta mở tiêu cục, tục sự phiền thân, không thể chuyên tâm luyện đao được.
Người tóc xõa nói:
– Vì vậy ngươi được nhỏ mà mất lớn, sự nghiệp có chút thành tích nhưng lại mất đi tính mạng.
Cao Phong Lượng cười khổ:
– Thần Uy Tiêu Cục đã mất rồi, nhưng ta vẫn còn sống.
Người tóc xõa nói:
– Tiêu cục mất rồi thì ngươi cũng nên chết đi mới phải!
Cao Phong Lượng không kềm được phẫn nộ, hai mắt toé lửa nói:
– Ngươi bây giờ làm việc cho quan phủ?
Người tóc xõa lắc đầu:
– Ta chỉ làm việc cho Lý đại nhân.
Cao Phong Lượng lại hỏi:
– Ngươi muốn giết ta?
Người tóc xõa chầm chậm lắc đầu, nhìn Cao Phong Lượng như nhìn một người không thể cứu chữa được:
– Từ lúc chuyện này bắt đầu, ngươi và đám người ở tiêu cục của ngươi nên chết hết đi mới phải. Một người đáng chết mà cứ sống mãi không chịu chết, không phải là lãng phí thời gian của mình và của người khác hay sao?
Cao Phong Lượng cười thảm thiết, giương đao quát lớn:
– Ngươi đến giết ta đi!
Ông ta vừa nhấc đao lên, Ngôn Hữu Tín đã lắc đầu, ánh mắt chẳng khác gì đang nhìn một người chết.
“Ta nghĩ ra rồi!” Đường Khẩn đột nhiên thốt lên:
“Ta biết ngươi là ai rồi!”.
Tiếng thốt này của gã khiến cả Cao Phong Lượng lẫn người tóc xõa không hiểu ra sao, Đường Khẩn chỉ tay vào người tóc xõa nói:
– Ta đã gặp ông rồi, chính là ở trong nhà lao, ông cùng với ba người khác và công tử của Lý đại nhân muốn lột da của ta ... nhưng, nhưng ... lúc đó tóc của ông ...
Người tóc xõa hờ hững tiếp lời:
– Màu trắng.
Đường Khẩn nghĩ mãi vẫn không hiểu, mơ hồ nói:
– Đúng rồi, là màu trắng bạc.
Người tóc xõa liền hỏi ngược lại Đường Khẩn:
– Đó là lúc nào?
Đường Khẩn suy nghĩ giây lát rồi đáp:
– Sáng sớm.
Những nếp nhăn trên hai má người tóc xõa coi như là cười, nói:
– Sáng sớm tức là ban ngày.
Đường Khẩn vẫn không hiểu.
Cao Phong Lượng liền giải thích:
– Đường huynh đệ, ngươi đã từng nghe qua trên giang hồ có một người màu sắc của mái tóc biến đổi theo mặt trời lặn mọc không?
Đường Khẩn lập tức nói:
– Có, nhưng vị võ lâm danh túc đó là ban ngày tóc đen, ban đêm tóc bạc, hơn nữa vị tiền bồi đó đã chết nhiều năm rồi.
Cao Phong Lượng thở dài than:
– Vị danh túc đó không những không chết, hơn nữa theo thời gian võ công đã tăng tiến không ít, đồng thời tâm tính cũng có sự biến đổi to lớn, biến thành ban ngày tóc bạc, ban đêm tóc đen, vẫn còn sống sờ sờ ra trước mắt ...
Đường Khẩn kinh dị nhìn người tóc xõa:
– Ông ta chính là ...
Cao Phong Lượng nói:
– Hai mươi năm trước, y được giang hồ gọi là Bạch Phát Cuồng Nhân. Mười năm trước, đột nhiên y thất tung, cho đến bảy năm trước, trên giang hồ xuất hiện một người thần bí hắc phát bạch đầu võ công cao thâm, chính là vị Lão Hổ Tiếu Nguyệt Nhiếp Thiên Sầu này đây.
Đường Khẩn ngơ ngẩn nói:
– Là ông ta?
Nhiếp Thiên Sầu hỏi:
– Bây giờ là ban ngày hay ban đêm?
Đường Khẩn ngẩng đầu nhìn vầng trăng và đầy trời sao:
– Đương nhiên là ban đêm.
Nhiếp Thiên Sầu nói:
– Như vậy thì tự nhiên tóc ta phải màu đen.
Đường Khẩn không nhịn được hỏi:
– Ông ... ông chính là Bạch Phát Cuồng Nhân năm xưa?
Nhiếp Thiên Sầu hỏi:
– Thì sao?
Đường Khẩn có vẻ không tin nói:
– Bạch Phát Cuồng Nhân năm xưa cuồng làm sao, ngạo làm sao, nhưng tuyệt không ức hiếp kẻ yếu, chỉ đối chọi với cường quyền, hành sự tuy quái dị nhưng lại trừ bạo an dân, năm đó ngay cả triều đình và Tuyệt Diệt Vương đều tìm cách lôi kéo nhưng ông ta vẫn không ... Vậy mà ... giờ đây ...sao lại ...?
Mặt Nhiếp Thiên Sầu cuối cùng cũng lộ ra biểu tình. Biểu tình cực kỳ phức tạp.
Lão nghe và nghe ... cuối cùng nhịn không được hét lên một tiếng:
– Câm miệng!
Tiếng hét này của lão nghe không có vẻ gì là lớn lắm, nhưng Đường Khẩn thì nghe như sấm động bên tai, đầu ngực chấn động tựa như vừa bị đánh một chùy cực mạnh, tứ chi tê rần co giật một hồi vì đau đớn.
Trong tình hình này, không ai dám lên tiếng nữa.
Nhưng Đường Khẩn tính cách cố chấp, thiên tính quật cường cực độ, gã cố nhịn đau đớn nói:
– Trước đây ta vô cùng kính trọng Bạch Phát Cuồng Nhân, ngỡ rằng ông ta kiêu ngạo đứng giữa trời đất này, không sợ cường quyền, không sợ chết, ai ngờ ...
Thân hình Nhiếp Thiên Sầu run lên bần bật. Mái tóc đen xõa ra của lão rung lên một cách nhịp nhàng như từng đợt sóng, nhìn vô cùng đẹp mắt.
Còn song mục lão thì sáng rực hàn quang, tựa như cặp mắt của loài dã thú nơi thâm sơn cùng cốc, khiến người ta cảm thấy lạnh buốt như đang trong hầm nước đá vậy.
Đường Khẩn không hề để ý, khẳng khái nói tiếp:
– Ai ngờ hôm nay gặp mặt, lại biến thành bất phân phải trái, trở nên một kẻ đáng thương làm tay say cho lũ cẩu quan, hại dân hại nước.
Cao Phong Lượng biết tình thế không ổn, vội quát lớn:
– Đường Khẩn!
Đường Khẩn ưỡn ngực lên, cao giọng nói tiếp:
– Cái gì mà Bạch Phát Cuồng Nhân chứ, chết sớm đi còn tốt hơn! Bây giờ là Lão Hổ Tiêu Nguyệt thì làm sao chứ?
Lúc này toàn thân Nhiếp Thiên Sầu đã run lên dữ dội, miệng phát ra những tiếng rít ghê người, cây lay đất chuyển, ánh mắt càng trở nên đáng sợ hơn trước.
– Võ công cao thì sao chứ?
Lúc này Nhiếp Thiên Sầu đã bước một bước đầu tiên về phía Đường Khẩn, chưa đầy một bước nữa là sẽ đến trước mặt Đường Khẩn, Đường Khẩn vẫn không coi vào đâu, tiếng tục xẵng giọng nói giữa tiếng rít liên hồi của Nhiếp Thiên Sầu:
– Cho dù một chưởng đánh chết ta, ta cũng không coi ngươi vào đâu cả!
Gã nói dứt câu này thì lồng ngực có thắt lại, một dòng máu từ từ ri rỉ ra bên khoé miệng.
Mái tóc đen của Nhiếp Thiên Sầu tua tủa dựng lên như lông nhím, xong lập tức lại hạ xuống, lão gằn giọng nói từng chữ một:
– Được lắm, ta sẽ một chưởng đánh chết ngươi!
Đường Khẩn vừa thổ huyết vừa nói:
– Được lắm, ngươi đánh, đánh chết rồi thì hai mươi năm sau lại làm một hảo hán.
Đánh không chết thì họ Nhiếp ngươi lấy cái mũi mà che mặt lại.
Đinh Thường Y không nhịn được quát lên lanh lảnh:
– Đường Khẩn ...!
Cao Phong Lượng lướt người tới, định lao vào giữa Đường Khẩn và Nhiếp Thiên Sầu, ý đồ giải cứu cho Đường Khẩn.
Thế nhưng, Nhiếp Thiên Sầu đã xuất thủ.