Bất cứ điều gì cũng có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Không có gì là ngẫu nhiên cả. Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tất cả đều được xâu chuỗi vào nhau, ghép vào nhau hoàn hảo đến từng giây từng phút. Mọi vấn đề đều có xuất phát điểm, hay điểm khởi đầu. Để giải quyết vấn đề đó, đương nhiên chúng ta phải truy tìm và xử lý nguồn gốc, nếu không như vậy, thì vấn đề đó sẽ vẫn còn, âm ỉ, và phát triển theo những chiều hướng khác. “Lá Bài Thứ 12” là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, đó là cả một quá trình săn đuổi, lần tìm từng nhánh lớn của vụ án để đưa tới một nguồn gốc sâu xa duy nhất. Trong mọi vụ án, động cơ gây án là yếu tố cốt lõi quyết định tới việc phơi bày tội ác và buộc tội hung thủ. Nhưng vượt khỏi tất cả mọi điều mà trí tưởng tượng có thể đưa ta tới, kết cục của những vụ án trong tiểu thuyết của Jeffery Deaver luôn làm bất ngờ người đọc. Bắt đầu bằng cuộc đấu trí giữa một cô gái nhỏ bé, xấu xí nhưng đầy nghị lực mạnh mẽ và không thiếu phần thông minh láu cá với một tên tội phạm lạnh lùng và gần như hoàn hảo trong mỗi hành động. Đôi khi, ranh giới giữa sống và chết lại phụ thuộc vào chính giác quan, linh cảm và quyết định của chúng ta. Một sát thủ không khác gì Tử thần. Không nao núng. Không để lại một dấu vết. Một cô bé, bằng niềm tin và sức sống, với một ý chí vượt khỏi tất cả những gì người khác có thể nghĩ khi nhìn thấy cô lần đầu. Một Lincoln Rhyme với những bản năng và trực giác bẩm sinh của một nhà điều tra tội phạm cùng với sự trợ giúp của những đồng đội tài ba đầy nhiệt huyết. Một cuộc đua, một cuộc rượt đuổi, đấu trí nghẹt thở đầy kịch tính và bất ngờ đến từng chi tiết cho đến tận cuối cùng. Những âm mưu liên tiếp bị lật đổ, âm mưu này lại nằm trong âm mưu khác. Chỉ một sai lầm là đưa đến hậu quả. “Lá bài thứ mười hai” còn mang đến cho người đọc bức tranh về mặt tối trong xã hội ở New York. Tệ nạn xã hội, tội phạm, và sự phát triển của một phần tầng lớp thanh niên hư hỏng chơi bời. Bên cạnh đó là lịch sử và sự phát triển của thành phố tuyệt vời này trên mọi mặt trong đó có những nét đặc trưng rất riêng về nghệ thuật đường phố. Qua “Lá bài thứ mười hai”, tác giả còn gửi gắm đến người đọc một thông điệp, rằng tội ác dù ở cấp độ nào, dù có bao che đến đâu và tinh vi tới mức nào, cũng sẽ có lúc bị phơi bày. Và tất cả chúng ta đều sẽ nhận được kết quả cho hành động của mình.