Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Tập 10.
Lại nói Trịnh Chiến sáng hôm sau thức giấc, tay vẫn còn đang ôm khư khư cái thúng đã được yểm phép, thế rồi chạy ngay tìm thầy Binh, thầy nghe kể xong liền cùng Chiến về phòng ngay.
Bấy giờ thầy Binh quan sát tỉ mỉ lại trong căn phòng, lại nghe Trịnh Chiến tả lại tỉ mỉ rõ ràng tới từng chi tiết, từng câu từ nên hình dung được câu chuyện. Đoạn thầy đăm chiêu suy nghĩ hồi lâu, rồi chợt thở dài nói:
- Xem ra ta đã lầm rồi, nó chẳng phải hồ ly, cũng chẳng phải hồn ma, chỉ là người có Huyền Thuật Cao Minh biết các phép của hồ ly và đang dùng phép Xuất Hồn đó thôi.
Trịnh Chiến nghe chẳng hiểu gì, mời thầy giảng lại cặn kẽ, thầy Binh nói:
- Cứ như thiếu chủ kể lại và hiện trường còn đây, thì đó là thần thức của người thoát ra, bởi hồ ly thì không có phép đó, nên nó chẳng thể hóa thân vào con bướm được. Nếu là hồn ma thì đủ các thức, chẳng phải chỉ vì người trần chạm vào mà phải tan biến đi, ấy là do đó chỉ có một hoặc nhiều hơn một thức mà thôi, thế thì có thể biết đó chẳng phải là hồn ma, mà là thần thức của người còn sống thoát ra, xác vẫn còn ở nơi nào đó. Cô gái đó nói thiếu chủ đừng có chạm vào kẻo cô ta chết mất, vậy thì có thể nói rằng xác đang ở nơi khác, nếu đụng vào thần thức ở đây thì xác ở nơi khác sẽ bị ảnh hưởng, đó là điều quyết yếu của thuật Xuất Hồn trong huyền môn.
Trịnh Chiến nghe thì nghe thế, chứ vẫn chẳng hiểu gì, thầy lại cứ giảng mãi, Chiến sốt ruột ngắt lời hỏi:
- Vậy ý thầy ra sao? Giờ con nên làm gì với con bướm này? Cô ấy có quay trở lại được hay không?
Thầy Binh nói:
- Chắc gì đã còn con bướm…
Đoạn thầy mở cái thúng ra, quả nhiên bên trong chẳng còn có gì.
Trịnh Chiến giật mình sợ hãi, nói:
- Trời ơi, nàng đi đâu mất rồi?
Thầy Binh nói:
- Do nó bị trúng các hạt gạo trấn yểm của Vu Sơn, thần thức nó lại yếu đuối nên tan đi mất rồi.
Trịnh Chiến hỏi:
- Vậy nàng sẽ chết mất hay sao?
Thầy Binh đáp:
- Chẳng phải như thế đâu, thông thường thần thức xuất ra đi làm việc thường là Mặc Na Thức*, nếu xác mà thiếu đi thức này thì chỉ bất động ngơ ngẩn chứ chưa chết được. Mà hễ xác chưa chết, bảy thần thức còn lại vẫn còn thì thần thức tan đi sẽ vẫn có tán tụ lại loanh quanh nơi bị tan đi, nếu giờ có vật gì hoặc có phép gì mang tính trấn yểm đặt vào đây, thần thức sẽ theo đó mà nương nhờ vào thì vẫn giữ được, rồi cho tiếp xúc với xác, nó sẽ về được xác. Nay công tử hãy đóng ngay cửa nẻo lại, tránh làm gió thổi bay, rồi tôi sẽ từ từ nghĩ cách tìm vật như thế.
Trịnh Chiến nghe xong vội vội vàng vàng đóng hết cả cửa sổ cửa chính, căn phòng liền kín gió như bưng, Chiến nói:
- Hồn nàng vẫn còn trong phòng này phải không? Xin thầy vì con nghĩ ra cách gì mà cứu cho nàng được sống…
Thầy Binh vò đầu nói:
- Thì để tôi nghĩ đã chứ… Mà thiếu chủ đừng có lo quá, kinh động tới lão gia thì cả tôi cả cậu đều bị quở phạt, tạm thời cậu hãy chuyển sang căn phòng khác, căn phòng này cho niêm cất lại ở đây,, không được mở cửa nẻo, không được cho ai vào, cứ giữ nguyên trạng thế này cái đã, rồi tôi sẽ tìm mẹo.
Trịnh Chiến nghe theo lời thầy răm rắp, vậy là dời tới một căn phòng khác làm phòng nghỉ, hễ có ai hỏi thì nói thầy Binh phán rắng căn phòng cũ không có lợi cho phong thủy nên tạm thời dời đi, nhắc tới chỉ là lời của thầy Binh, thì từ vợ chồng Trịnh Minh trở xuống, trong phủ đều nghe răm rắp, chẳng có ai nghi ngờ hay căn hỏi vặn vẹo thêm gì, căn phòng liền được niêm cất cẩn thận không ai bén mảng tới.
Lại nói kể tử hôm đó Trịnh Chiến cứ cả ngày buồn rầu, thấp thỏm chẳng yên, vừa thương nhớ vừa hối hận, tiếc nuối, cứ lúc lúc lại đi đi lại lại nơi trước cửa căn phòng, vẫn biết hồn người con gái mình thương còn ở bên trong đó, ấy vậy mà chẳng có cách gì mà vào.
Hai ngày liền Chiến chẳng ra thao trường luyện quân, người cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như thể người trên mây, Chiến chọn một căn phòng khác ngay cạnh căn phòng cũ để nghỉ, đêm nào ngủ, chàng cũng mở cửa sổ ra, chàng mong chờ điều gì đó, mà chính chàng cũng chẳng thể biết nữa…
Có đêm chàng nằm trằn trọc mãi không ngủ được, lại trở dậy, đi tới trước cửa căn phòng cũ mà đứng lặng hồi lâu, rồi lại buồn bã thất thểu trở về.
Đặc biệt là sau ngày hôm ấy, suốt mấy ngày liền, chàng chẳng hề đụng tới một giọt rượu nào, người trong phủ đều lấy làm lạ bởi lẽ xưa nay ai cũng biết chàng là sâu rượu…
Bọn Trần Linh, Trần Bình Trọng tới rủ gọi chàng đi tới phủ vương gia uống rượu, chàng nói:
- Các huynh về đi cho, Chiến này chẳng uống rượu nữa.
Bọn chúng lấy làm lạ, đều ra sức mà nài ép nhưng Chiến nhất quyết không đi, tiễn khách rồi vào trong.
Trần Bình Trọng nói:
- Hắn có bệnh trong người chăng?
Trần Linh cười nói:
- Chắc hắn đang mắc bệnh tương tư đó thôi, cứ mặc kệ hắn, chỉ ít ngày là lại bình thường ngay, có tướng quân nào mà không uống rượu cơ chứ?
Thế rồi lại kéo cả bọn đi uống rượu, mặc kệ Trịnh Chiến….
…Ấy thế nhưng dù Chiến có làm gì, dù có rơi bao nhiêu nước mắt, cánh cửa kia vẫn im lìm, vã mỗi đêm, dù cửa sổ phòng Chiến đều mở to, nhưng chẳng còn con bướm nào bay vào nữa…
…
Lại nói tới Thu Linh, đêm đó liền dìu đưa công chúa vào giường nằm nghỉ, thay y phục cho công chúa, rồi buông rèm che phủ ra ngoài, đoạn truyền với các gia nhân hầu trong phủ công chúa rằng công chúa bị bệnh truyền nhiễm không ra được.
Thế rồi trong lòng thấp thỏm lo âu, quả nhiên tin đến tai Vua ngay, chẳng cần đợi tới buổi chiều, chỉ thoáng chốc sau trong ngay buổi sáng, sau khi cho bãi triều sáng, Vua liền tới cung công chúa ngay.
Bấy giờ Thu Linh ra đón, Nhân Tông hỏi:
- Bệnh tình cô ta thế nào? Vì sao mà chẳng ra ngoài được? Chẳng cho ai gặp?
Thu Linh nói:
- Công chúa mắc chứng cảm hàn nặng, cơ thể nổi mẩn, là bệnh lây nhiễm nên chẳng tiện tiếp xúc.
Vua nói:
- Vậy thì phải báo lại sớm để cho truyền thái y.
Thu Linh vội tâu:
- Dạ bẩm bệ hạ, bệnh của công chúa tiện nữ biết rõ, chẳng cần cho truyền đâu ạ, chỉ trong năm ngày nữa công chúa sẽ khỏi và ra yết kiến được bệ hạ.
Nhân Tông nheo mắt nhìn Thu Linh, Linh liền cụp mặt xuống, Nhân Tông thấy thế trong lòng thầm ngờ vực, nói:
- Đưa ta vào trong thăm công chúa.
Thu Linh lại nói:
- Mày chỉ là con hồ ly trên Núi Bảo*, được Chiêu Vương tin dùng, tiến cử mới có cơ hội mà vào trong cung công chúa, nếu mày chẳng bỏ thói dối trá thì không có cách gì sống được trong cung Vua đâu. Biết điều thì tránh ra!
(*Núi Bảo: núi này nổi tiếng bởi lẽ là núi của nòi hồ ly, trên núi có ba vị quận chúa rất tài giỏi đều họ Ngũ Thu, là ba chị em. Sau này núi bị quân Lĩnh Sơn chiếm mất, hồ ly bị giết hại rất nhiều, số ít còn sống thì bỏ chạy tứ tán khắp nơi. Trong số ba quận chúa, vị công chúa thứ ba là Ngũ Thu Nguyệt trốn khỏi núi đi theo quân Tế Giang, sau này thành phu nhân của chủ soái Tế Giang là Trần Cao Vân, mất ở Tế Giang, nhị quận chúa là Ngũ Thu Hương bị quân Lĩnh Sơn bắt được, ở lại Lĩnh Sơn, đi theo quân Lĩnh Sơn, sau này quân Lĩnh Sơn bị quân triều đình dẹp, Thu Hương cũng bị xử tử vị tội phản quốc. Còn vị đại quận chúa là Ngũ Thu Linh bỏ trốn tới kinh thành, được Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật nhìn thấy tài năng, bỏ qua lời dem pha của chư tướng mà dùng làm thủ hạ, Thu Linh đi theo Chiêu Văn Vương, lập được nhiều công lao, trong đó có công lớn thu phục được các tù trưởng người dân tộc thiểu số. Sau này công chúa An Tư tình cờ gặp được, đem lòng yêu thích nên xin về dùng, Chiêu Văn Vương đem Thu Linh cho công chúa An Tư, từ đó Thu Linh ở lại hầu hạ công chúa, được An Tư yêu mến tin dùng, lại được Chiêu Văn Vương bảo đảm, nên các Vua để dùng trong cung, tuy nhiên các Vua đều ghét hồ ly nên tuy dùng nhưng không có thiện cảm, Nhân Tông luôn tìm cách bắt tội đuổi đi.)
Thu Linh không dám cãi Vua, liền đứng tránh ra cho Vua vào.