Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Tập 36.
Cá sấu nói:
- An Tư công chúa là Tiên Cô của Thủy Mẫu tứ phủ chuyển sinh, dưới quyền của Ngọc Nương sông Mã Thượng, việc của công chúa, khắp vùng sông nước trên trời nam này đều biết rồi. Chủ cũ tôi là trăn Ma Hầu La già và Ngọc Nương lại là bạn đồng liêu cùng theo hầu Thiên phu nhân, cho nên chúng tôi có biết việc của An Tư là vì vậy. Hôm nay được gặp tướng quân, trông thấy phong độ bất phàm của tướng quân, cũng lấy làm an lòng, còn có cái báo cho Thủy phủ hay.
Đoạn cá sấu trườn bò xuống mặt sông, nói:
- Tôi có điều dặn Trịnh tướng quân, nay việc chinh chiến sắp tới, trông tướng số huyền âm của tướng quân thì nếu theo đại binh ra tiền tuyến, đất đai của tiên tổ sẽ giữ được chẳng mất tấc thước nào, nhưng mạng người quân tử e là chưa chắc giữ được đâu, chi bằng nên chọn chốn đóng giữ hầu cạnh Thánh Thượng sẽ được toàn mạng, hãy cân nhắc kĩ cho kẻo công chúa thành góa. Còn việc như đã hứa, thì từ hôm nay, chúng tôi rút khỏi sông Lô, lùi về mạn bắc hai trăm dặm, các người chẳng phải lo gì.
Cá sấu nói xong, ai nấy đều kinh ngạc sững sờ cả người, nhưng không nói gì thêm nữa, đoạn từ từ bò xuống dưới lòng sông mất dạng.
Kể từ khi đó, nạn cá sấu sông Lô không còn nữa, binh sĩ đều yên tâm tập trận.
Trần Linh đem việc này báo cho Vua hay, Vua báo lên Thánh Thượng, vậy là lập lễ đăng đàn phong vương, truy phong viên thần thú Gia Lâm đã qua đời là Vu Đạt thành vương gia, hiệu là Vu Sơn Vương, cho lập đền thờ miếu ở Vu Sơn, là ngọn núi được đặt theo hiệu của người này, nhân dân trong vùng quanh năm thờ phụng nhang khói, lưu truyền mãi về sau, ở núi này phát địa mạch tướng, qua nhiều thời kì, thời nào cũng sinh ra đầy những anh hùng hảo hán, vào những năm tháng bị quân Nguyên chiếm đóng, nhiều lần tướng nhà Nguyên mơ thấy vị này về trò chuyện, trong vùng đất Tế Giang, quân Nguyên không đụng gì tới lãnh địa đất Vu, việc cư xử với dân chúng trong vùng chiếm đóng cũng có phần không hà khắc hơn so với các vùng khác, ấy là vì oai của vị thần nước nam này vậy.
Lại nói Vua Nhân Tông biết chuyện Nguyễn Thuyên nhờ có một bài văn tế mà cá sấu bỏ đi hết, cho là việc này giống việc của Hàn Dũ năm xưa, bèn ban cho họ Hàn, gọi là Hàn Thuyên thượng thư đại nhân. Hàn Thuyên là bậc kì tài trong thiên hạ, giỏi làm thơ phú, thơ phú Quốc Ngữ của nước ta bắt đầu từ thời Nhân Tông mà thịnh, ấy đều là nhờ công của Hàn Thuyên cả.
(*Hàn Dũ: tên tự là Thối Chi, người Nam Dương, Trịnh Châu đời nhà Đường Trung Hoa, truyền rằng khi đó Hàn Dũ làm quan ở Triệu Châu, thấy nơi đó có nhiều cá sấu, Hàn Dũ làm bài văn tế cá sấu ném xuống nước, cá sấu đều bỏ đi hết.)
Việc ở sông Lô được báo về triều đình, Nhân Tông mừng lắm, gặp Thượng Hoàng, nói:
- Phụ hoàng có nghe tin gì chưa? Hóa ra cá sấu ở sông Lô là thần chứ chẳng phải ma quỷ, thần đã truyền rằng cô An Tư chính là tiên nữ chuyển sinh.
Thượng Hoàng cười nói:
- Việc như thế tất có lợi cho chính trị, dân ta đều vì thế mà càng theo.
Nhân Tông lại thưa:
- Thưa Phụ Hoàng, thần cũng nói Trịnh Chiến thực là tay anh hùng, không còn phải nghi kị gì nữa, nếu được người như thế thì hay lắm.
Thánh Tông nói:
- Bệ Hạ nói phải lắm, vậy là tông thất lại có thêm chàng rể hiền, quốc gia lại có thêm một Bảo Nghĩa Vương*.
(*Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng cưới Thụy Bảo công chúa, nên Thánh Tông so sánh như thế.)
Thế là liền đó cho rút hết mật tá vụ và cấm quân đang làm các nhiệm vụ theo dõi quanh phủ Trịnh về, rồi truyền gọi bọn Trần Linh, Hàn Thuyên, Trịnh Chiến mau chóng về triều đình nhận lệnh mới.
Tin tức lan truyền nhanh đi khắp cả các cung phủ của hoàng gia nhanh như cánh chim bay, lại nói An Tư công chúa kể từ ngày Ngũ Thu Linh được tha cho về, nhưng toàn thân bầm dập đau đớn, công chúa lấy làm xót xa lắm, ngày nào cũng càu nhàu với gia nhân, nguyền rủa hai Vua, thề cả đời chẳng gặp nữa. Nhưng nay biết được thánh ý có khi muốn tác hợp cho công chúa đến với Trịnh phủ, công chúa mừng ra mặt, Thu Linh cũng lấy thế làm mừng lắm, nói:
- Nay là lúc cần phải lấy lòng, cô đến mà vấn an hai Vua đi thôi.
Thế là ngày ngày công chúa đều hai lần tới vấn an Thượng Hoàng, Thánh Tông biết thừa công chúa chỉ nịnh bợ nhưng chẳng mấy khi mà công chúa nịnh, nên cũng lấy làm vui lắm, đâu đâu trong cung cũng lan truyền tin rằng công chúa sắp lấy chồng, lòng người ai nấy đều hân hoan, đó quả là một tin vui tới trong lúc nước nhà đang rơi vào cơn biến loạn cận kề, cũng khiến lòng người được xoa dịu đi phần nào, nỗi lo lắng được vơi đi ít nhiều.
…
Lại nói tới ở địa giới sông Lô đêm hôm đó, Lê Như Tiên làm tiệc khao quân to, thết đãi quân sĩ và đoàn sứ của triều đình, bấy giờ mâm rượu no đầy, ai nấy chúc tụng nhau vui vẻ, ở mâm chủ quản, Lê Như Tiên đi chúc rượu từng người cảm ơn, thế rồi phân ngôi chủ khách ra cùng nhau tiếp rượu, phó tướng của Lê Như Tiên là Nguyễn Hữu Công tuổi đã năm mươi, cùng ngồi với thầy Huyền Thiên và Hàn Thuyên đại nhân hợp nhau về tuổi, cùng là bậc trưởng bối cùng bàn về chuyện nhân tình thế thái ở đời, càng nói càng ra điều tâm đắc lắm, thậm chí quên luôn cả hàng chủ nhân trẻ tuổi đang ngồi nghe với nhau. Người trẻ gồm có Trịnh Chiến, Lê Như Tiên và Trần Linh thì ngồi với nhau cùng chăm chú lắng nghe, hồi lâu sau, Trần Linh đứng lên nói:
- Việc của người xưa, trai tráng chẳng hiểu được hết ý, nay các ngươi cùng ta đi ra nơi này, để cho họ có dịp đàm đạo riêng tư, chẳng biết các vị trưởng bối có lấy thế làm phật lòng?
Cả ba người Hữu Công, Hàn Thuyên, Huyền Thiên cũng đều cho làm phải, nói ngay:
- Y mệnh vương gia.
Vậy là Trần Linh đứng dậy, hai tay nắm lấy tay Trịnh Chiến và Lê Như Tiên hai bên, cùng bước ra ngoài, để mặc cho họ được tự nhiên.
Đoạn ra tới cửa quân doanh đã thấy có mấy gia nhân đang đứng, tay đùm thịt nai rừng và mấy vò rượu ngon, Trần Linh nói với Như Tiên:
- Hiền đệ còn nhớ lời giao ước với ta rằng nếu ta giúp đệ được việc, chỉ xin đệ một bữa rượu nhắm thịt nai rừng chứ?
Lê Như Tiên cười nói:
- Tiểu tướng nào dám quên.
Trần Linh nói:
- Ta sợ đệ quên nên đã chuẩn bị sẵn cả đây, cứ để mấy ông già trò chuyện với nhau, còn hai đệ đi theo ta.
Lê Như Tiên cười vang nói:
- Vẫn là vương gia liệu tính chu đáo, người chuẩn bị thứ đồ này từ khi nào? Biết trước việc sẽ thành hay sao?
Trần Linh nói:
- Đồ rừng này ta mang từ kinh thành tới đây để sẵn vui đêm nay, Trần Linh này đã làm gì là phải được.
Nói đoạn không cho gia nhân đi theo, ném rượu và đồ ăn cho hai tướng tự cầm, mình thì đi giữa, khoác vai hai tướng hai bên, ba người vừa đi bộ dưới trời trăng, vừa nói cười khoái chí.
Đi đến một ngọn núi cao, Trần Linh nói:
- Hãy cùng ta đi lên đỉnh núi.
Cả hai tướng đều ngần ngại, nói:
- Vương gia sức khỏe không tốt, ta lại cùng vừa uống rượu say, liệu lên núi có tiện hay không?
Trần Linh gạt đi cười nói:
- Ta cũng là đấng nam nhi, các ngươi khinh ta sao?
Đoạn nói:
- Ta muốn ôm cả đất trời này trong lòng bàn tay.
Hai tướng nghe như thế đều bất giác cùng rùng mình, Linh chắp tay về hướng nam, cúi đầu lạy ba lạy, lại nói tiếp:
- Nếu Bệ Hạ là vầng mặt trời, Linh này nguyện làm màu đêm đen bao phủ, nếu bệ hạ lo việc quốc gia xã tắc ngoài ánh sáng, Linh này cũng muốn lo việc quốc gia xã tắc trong màn đêm, nếu Bệ Hạ làm người quân tử, Linh này xin làm người tiểu nhân để lo những việc người quân tử chẳng tiện lo, Linh này ôm mộng bá vương, chỉ muốn đứng dưới một người mà đứng trên muôn người. Thế nhưng người tài lớp trước vẫn hãy còn nhiều, cha ta lại có cái nghi án soán ngôi ngày còn niên thiếu, nên Bệ Hạ hãy còn cân nhắc tới ta mà chưa giao cho trọng trách, rồi mai này đây, dăm năm, mười năm nữa, lớp người trước đi rồi, lớp người kế cận, thử hỏi ai qua được Linh này?
Lê Như Tiên nói:
- Ý của vương gia thực muốn dưới một người mà trên muôn người sao?