Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); Chuyển ngữ: Trần
Tôi đi bộ từ bến xe buýt mới đầu đường về đến nhà. Vợ tôi ở trong bếp ló đầu ra: "Về rồi đấy à, nãy anh có điện thoại gọi đến đấy."
Tôi hỏi ai gọi thế, cô ấy cầm cái xẻng chiên thờ ơ đáp: "Chẳng nói là ai, chỉ bảo anh gọi lại."
Tôi dò lịch sử cuộc gọi, quay số gọi lại. Đầu bên kia vừa cất tiếng, tôi đã biết ngay lý do hồi nãy vợ tôi hành xử kỳ lạ như vậy. Đó là một giọng phụ nữ rất dễ nghe.
Là Lâm Trung Hoa.
Năm ngoái tôi xuất bản một áng văn trên một tờ báo chiều loại nhỏ, ngoài mặt là kể chuyện, thực chất là thông báo tìm người. Cô ấy chủ động liên hệ với tôi, nói rằng có quen biết Phan Phi Phi. Nói đúng ra không phải là quen, mà chính là con cháu của Phan Phi Phi.
Chúng tôi mới chỉ gặp mặt được một lần, bởi vì hiện giờ cô ấy đang ở Đài Loan, công ty chi nhánh ở đại lục thì lại đặt tại Thâm Quyến. Thường mỗi lần tôi nhận được tin, định tới gặp mặt thì cô ấy lại đã phải quay về xử lý công việc rồi. Mãi cho đến tận cuối năm ngoái, phải nhờ đến cơ duyên trùng hợp, rốt cuộc chúng tôi mới ngồi lại được với nhau.
Vừa lúc tôi đang ở Đại Liên, tham gia buổi họp mặt của một tác giả người Nhật. Cô ấy gọi điện đến hỏi tôi về tiến trình sách đến đâu rồi, tôi bảo tuy rằng công vụ không bù đầu như sản nghiệp lớn nhà ngài, nhưng cũng có trọng trách trên vai, chuyện xuất bản sách chỉ đành tạm gác lại.
Cách nói chuyện của cô ấy không mềm mỏng nũng nịu như những cô gái Đài Loan khác, mà lại rất hào sảng mạnh mẽ. "Đừng có mà vòng vo văn vở nói ba cái chuyện không đâu đó với tôi. Giờ tôi đang đi công tác ở Đại Liên đây. Đại lục quả là rộng lớn, tôi ngồi máy bay mất ba tiếng đồng hồ đấy!"
Chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê khu Hương Lư Tiều ở Đại Liên. Chợt - Phan Trung Hoa bước vào, tôi lập tức cảm nhận được ánh mắt của những người xung quanh lập tức đổ dồn lại đây. Tôi vẫy tay với cô ấy mà cảm giác cũng được nở mày nở mặt theo - Người đẹp này có hẹn với tôi!
Cô ấy cao khoảng mét bảy lăm, dẫu là ở nơi chiều cao trung bình dẫn đầu cả nước như Liêu Ninh cũng vẫn vô cùng bắt mắt. Lại thêm vào ngoại hình cuốn hút, khiến tôi tức thì thầm khẳng định cô ấy không nói dối, quả thực đúng là con cháu của Phan Phi Phi. Nhưng sau rồi tôi lại không khỏi cười nhạo bản thân, chủ xí nghiệp người ta đi lừa gạt một tên dạy học khố rách áo ôm như mình thì được cái gì, ăn no rửng mở hết việc để làm à?
Cô ấy bảo, tôi đứng ở bên kia đường nhìn thấy anh là lập tức nhận đúng người luôn, tự nhiên có cảm giác gần gũi thân quen.
"Lại chả thế? Cô vừa bước vào là tôi cũng nhận ra ngay, duyên phận đấy!"
Tôi bị người đẹp huých một cái là cả người nóng hừng hực, nói chuyện cũng cứ như dầu sôi đổ đĩa lạnh, ríu rít lải nhải không ngớt, cũng chẳng biết có khiến người ta ác cảm hay không. Có điều thấy cô ấy cười khá vui vẻ, xem ra là không ghét tôi rồi.
Cô ấy bảo, thực chất mình không hẳn là cháu gái của Phan Phi Phi, bởi vì thân phận của mẹ cô vẫn luôn là một nghi vấn trong nhà.
Tôi tiện tay móc điếu thuốc ra định hút, bị một cô nhân viên phục vụ người Triều Tiên xinh đẹp cản lại, nói rằng ở đây không được hút thuốc. Hai người Nhật Bản ăn kem xi-rô bên cạnh quẳng cho tôi ánh nhìn khinh khỉnh, tôi tự nhận thấy ảnh hưởng xấu đến hình tượng phẩm giá người Trung Quốc, đành ái ngại cất thuốc đi.
Lâm Trung Hoa thì thầm trao đổi, bảo hay là tụi mình ra ngoài nói chuyện đi, tôi cũng muốn hút.
Hai đứa chúng tôi cấu kết với nhau, chật vật như chuột chạy cùng sào, chẳng gọi món gì đã chuồn đi trong ánh nhìn hằm hè của nhân viên phục vụ, sau đó đứng bên thùng rác bắt đầu tán gẫu.
Cô ấy nói: "Có lẽ mẹ tôi là con gái của Dương Thanh Trạch." Tôi bảo, không phải Dương Thanh Trạch làm Hán gian cho quân Nhật sao? Phan Phi Phi sao có thể nuôi con hộ ông ta?
Cô ấy kẹp điếu thuốc một cách vô cùng điêu luyện, trong lúc phun mây nhả khói, lắc đầu với tôi: "Không phải, Dương Thanh Trạch là gián điệp mà đảng Quốc Dân cài cắm vào đội ngũ Hán gian."
Thấy tôi kinh ngạc đến rớt cả điếu thuốc khỏi miệng, cô ấy bật cười ha hả: "Thú vị ra phết phải không? Cái tên Dương Thanh Trạch này khiến tôi càng sống lâu càng cảm thấy thú vị. Sau khi nội chiến qua đi, ông ấy cưỡng chế tóm Phan Phi Phi tới Đài Loan định cư, mặc kệ ông tôi có đồng ý hay không."
"Nhưng mà ông tôi cũng đâu phải hạng vừa, quẳng vào đâu cũng như cá gặp nước ấy."
"Dương Thanh Trạch nam nữ gì cũng xơi, ấy thế mà thấy Phan Phi Phi quảng giao thì lại ghen lồng ghen lộn lên, anh có biết ông ấy đã làm gì không?"
Tôi lập tức cắn câu, hối hả châm cho cô ấy điếu thuốc khác. "Chuyện gì?"
"Ổng tha một đứa bé về, chẳng biết mẹ đứa bé là ai, cứ thế quẳng vào lòng Phan Phi Phi bắt người ta nuôi, bảo là giữ lại để con bé phụng dưỡng tụi mình lúc về già!"
"Đứa trẻ ấy chính là mẹ cô?"
"Bingo!"
Cô ấy cười gật đầu với tôi, vẻ ranh ma có thừa. Tôi phảng phất như nhìn thấy bóng Dương Thanh Trạch cưỡi trên lưng ngựa, đi giữa đoàn Hán gian, nháy mắt với Phan Phi Phi.
Câu chuyện của bọn họ vô cùng oanh liệt ly kỳ. Để mà so ra thì chuyện của ông nội tôi lại trầm lắng nặng nề hơn hẳn.
Năm 2000, ông nội Trương Trọng Thiên của tôi qua đời. Dựa theo tuổi tác mà ông kể, năm 1941 lúc chiến dịch Hồng Kông nổ ra thì ông 28 tuổi, vậy thì hôm mất là vừa qua sinh nhật thọ 87. Lúc ông mất, đầu óc vẫn còn minh mẫn, nói năng lưu loát, câu chữ mạch lạc, mỗi tội cắm ống thở không được tiện cho lắm. Ông bèn sai ba tôi rút ống thở ra, thái độ quả quyết dứt khoát vô cùng lõi đời. Nhưng bởi tôi viết sách thuật lại câu chuyện của bọn họ, vậy nên sau khi nắm vững và hiểu thấu thiết lập tính cách từ trong ra ngoài của bọn họ, tôi lại cảm thấy trong sự uy nghiêm của ông ẩn chứa nét khả ái.
Ông bảo, chừng nảo rảnh thì trùng tu lại mộ của ông hai tụi bây đi, không ông nó nằm cạnh lại ngủ không yên giấc, Bối Bối thấy bây đối tốt với tao với hơn với ổng là không có chịu đâu.
Ba tôi bảo năm ngoái vừa tu sửa lại rồi, mộ của bà với cô ở bên cạnh cũng trùng tu cả thể.
Ông nội gật đầu, nói: "Tốt, tốt, tốt, thế này chắc Bối Bối không hoạnh họe được gì nữa rồi." Đoạn, lại lắp ống thở vào một lúc, căn dặn ba tôi bớt cãi nhau với Xuân Lan: "Xuân Lan vào nhà mình đã phải chịu khổ, trên chăm già dưới chăm trẻ bao nhiêu năm nay."
Mẹ tôi nghe xong gục đầu bên giường khóc, nghẹn ngào nói: "Ba, đây đều là việc con nên làm mà."
Ba tôi cũng òa khóc nức nở, năm mươi tuổi đầu rồi lại khóc như một đứa trẻ con.
Dẫu gì cũng là phận cách thế hệ, tôi trái lại cảm thấy có thể từ trần trong lúc gia đình sum vầy thế này âu cũng là phúc lớn đời người. Nội gọi tôi qua, bảo thằng hai này, mấy năm trước con suốt ngày kêu gào đòi viết sách, giờ đã viết xong chưa?
Bàn tay ông khô quắt tựa lau sậy ngày đông, mạch máu xanh đen cắm kim truyền dịch, tôi trông mà khóe mắt ướt nhòe.
Tôi chỉ đành nói dối: "Ông ơi, viết xong rồi. Hơn nữa mấy hôm trước con còn cùng ăn cơm với con cháu của Phan Phi Phi, Nhài, Allie, chú Tám nữa kìa, mọi người đều mãn thọ lâm chung cả!"
Ông nội gật đầu, nói: "Ừ, lúc trước ông còn cứ sợ ông nó một mình cô đơn, giờ khéo ở dưới đó đánh mạt chược sục sôi ngất trời, ông có đến cũng chẳng thèm đoái hoài ấy chứ."
Thôi được, lần này tôi bốc phét hơi quá đà. Đến nay tôi còn chưa liên hệ được với con cháu của Nhài và Allie, càng không biết Nhài và chú Tám sau cùng có về bên nhau hay không, lại dám phịa ra tin bọn họ đã quy tiên, thực là bất kính lắm!
Ông hai Khâu Bối Phùng nhà tôi đã mất từ hai mươi năm trước. Sức khỏe không tốt, từ Hồng Kông trở về cứ hoài bệnh tật triền miên, thọ được hơn sáu mươi đã là kỳ tích lắm rồi. Hồi ba tôi còn nhỏ, vốn dĩ nhà ở Bắc Kinh, sau đó bởi vì ông hai không chịu được ngày đông đằng đẵng, nội tôi lại chủ động xin giáng chức, thuyên chuyển tới Nam Kinh.
Mẹ và chị gái của ông hai đó giờ bặt vô âm tín, thế là ông đành lập hai ngôi mộ trống ở ngoại ô, hễ rảnh là tới đốt vàng mã. Ông hai rất hoạt bát, thích tìm tòi học hỏi, cứ đòi bố tôi lắp ti vi, mua máy chơi game. Có mấy bộ ba tôi đi công tác mang từ Nhật về, nội tôi trông thấy chữ Nhật là bực lắm, bắt ông hai quẳng đi. Ông hai ngoài mặt thì vâng dạ, nửa đêm lại lục từ thùng rác dưới lầu ra, tha về tiếp tục chơi. Dùng ngôn ngữ hiện đại diễn tả thì chính là người già nghiện internet.
Nội tôi bực mài sắt chẳng nên kim: "Bị Nhật nó đánh cho chưa đủ à!"
Ông hai tôi cúi gằm mặt như đứa trẻ bị mắng, tôi trông mà xót, bèn mò qua xem, ấy thế mà thấy ông ngủ gục mất rồi.
Sau khi nội mất, bởi vì đặc thù thân phận, người đến đưa tiễn cũng đông. Xác đặt trong hòm lạnh ba ngày, tôi với ba thay phiên túc trực bên linh cữu. Chợp mắt được hai tiếng, tôi nghe trong linh đường chốc chốc vang tiếng ba tôi cười đến là hãi hùng, vội vàng qua xem. Tôi bảo, nửa đêm nửa hôm ba làm cái gì thế.
Ba tôi quay đầu bảo, tự dưng ba nhớ đến mấy chuyện hồi còn nhỏ.
"Hồi năm, sáu tuổi gì đó, có đợt ba móc được từ trong tủ đầu giường ra một xâu gói con con, cầm đi hỏi ba nhỏ đây là cái gì. Ba nhỏ giật mình thon thót, mặt đỏ tía tai vội giành lại giấu nhẹm đi."
"Bao cao su?"
"Thì hồi đấy có biết gì đâu! Mà nói chứ, đến giờ ba vẫn chưa từng thấy cái loại xâu thành dây xé ra như viên sủi cảm cúm vậy đâu. Sau đấy nội con về tẩn cho ba một trận, bảo trẻ con không được tự tiện vào phòng người lớn."
Ba tôi là thế đấy, có những lúc cứ nằng nặc bắt chuyện làm thân với tôi, bắt chước đám thanh niên nói mấy chuyện tục tĩu, khiến tôi vô cùng khó xử lẫn khó chịu. Tôi thật sự muốn bảo với ông ấy rằng, phận làm con thật sự không muốn thấy ba mình hành xử hạ lưu đâu. Cảm giác đó cũng ghê tởm hệt như trưởng thành rồi lại bất cẩn trông thấy mẹ mình khỏa thân ấy.
Đã thế ba tôi còn thường lôi những thứ tôi từng nói hồi còn trẻ dại vô tri, hoang tưởng tự phụ ra để chọc quê tôi, như là Lỗ Tấn đương thời, Phạm Trọng Yêm trường trung học số hai, Schopenhauer lớp 3, vân vân. Thậm chí còn viện dẫn những trích đoạn đặc sắc trong "Zarathustra đã nói như thế" vào trong thư tình nhằm thu hút trái tim mới lớn của hoa khôi lớp để đạt được mục đích gì đó.
Thoắt cái, tôi nghe mà da đầu tê rần, không cam chịu lép vế mà phản bác lại. Thấy ông ấy cũng chẳng dễ chịu gì, thế là hai cha con cứ thế đâm chọc lẫn nhau hoài chẳng biết chán. Ngẫm lại quả thực là thế, trên đời này còn chuyện gì khó xử hơn việc thằng con giả dạng ông bô, ông bô đóng vai thằng con đâu cơ chứ?
Nhưng thấy ông ấy giờ đang chìm đắm trong bi thương, hồi ức vui vẻ quả thực đáng quý, tôi cũng không đành nói những lời làm ông ấy mất vui nữa. Hôm nay tạm tha cho ông bô của tôi đi vậy. Lúc này, tôi mới phát hiện, ông ấy cũng đã gần năm mươi, hai bên tóc mai nhuốm màu hoa râm cả rồi.
Tôi hỏi ông ấy: "Có chuyện này con vẫn luôn muốn hỏi, cảm giác có hai người ba là thế nào?"
Ba tôi chà xát khuôn mặt phờ phạc vì hai đêm không ngủ, tơ máu trong mắt đỏ oạch. Ông nói: "Chẳng có cảm giác gì cả. Người ta có ba có mẹ, ba thì có ba lớn ba nhỏ, như nhau hết."
Có điều, chuyện ấy vĩnh viễn là bí mật của nhà chúng tôi. Người ngoài chẳng ai biết quan hệ giữa bọn họ, sau này biết được thì nội tôi cũng đã nghỉ hưu rồi.
Thân phận của ba tôi có thể nói chính là tấm bia đỡ đạn. Ông ấy được ông hai bế về từ trước cửa giáo đường trong một đêm tuyết rơi. Ông hai tôi thấy người Tây tốt tính, mặt mũi cũng sáng sủa, sau khi trở về Bắc Kinh vẫn thường xuyên tới giáo đường.
Sau này, ba tôi trở thành đứa con trai mồ côi từ khi lọt lòng "người vợ ở quê đã mất" của ông nội tôi. Với thân phận đó, ba tôi vất vưởng ở khu tập thể quân nhân đến tận năm mười bốn tuổi. Ông bô tôi tướng tá nhàng nhàng, còn chẳng được bằng một nửa của hai người ông tôi ghép lại. Người không biết đều đoán vợ ông phải xấu đến cỡ nào mới chà đạp được gen của nội tôi thành ra thế này. Được cái ông bô tôi có cái tài buôn bán bẩm sinh, miệng nhả ra toàn những lời dụ dỗ ngọt xớt, nịnh cho đám con gái đều mê uống nước ngọt của ổng.
Nội tôi biết chuyện thì cáu lắm, bảo ba tôi không lo chuyện đứng đắn. Ông hai ở bên cạnh cũng hiếm khi cau mặt, bảo rằng chơi thì cũng được, nhưng không được bỏ bê việc học.
Ông hai mà cáu thì mới là cáu thật. Ba tôi thấm điều này sớm hơn tôi, thế nên sau khi khôi phục kỳ thi đại học thì ông ấy đỗ vào đại học Nam Kinh.
Trình độ văn hóa của mẹ tôi không cao, chỉ tốt nghiệp tiểu học, làm nhân viên hướng dẫn mua sắm tại một trung tâm thương mại công lập. Bởi vì ngoại hình bắt mắt nên được ba tôi tia trúng. Ba tôi bảo không thể để tướng mạo đẹp của nhà họ Trương đứt gãy từ đời ông ấy được, buộc phải xoay chuyển tình thế cứu vớt lại. Cũng nhờ ông ấy biết người biết ta nên đẻ ra tôi không đến mức khó coi.
Nhưng mà mẹ tôi chẳng có tài cán gì. Tôi được di truyền tướng mạo từ bà ấy, cũng thừa hưởng luôn cả đầu óc chậm chạp của bà ấy. Tốt nghiệp phổ thông học lại ba năm, vào năm cuối cùng, ba tôi bảo mày còn thi trượt nữa tao chẳng còn mặt mũi nào gặp ông mày đâu. Ông tôi bảo mày còn thi trượt nữa ông chẳng còn mặt mũi nào gặp lại ông hai mày. Trước khi thi, ông hai báo mộng về cho tôi, bảo mày còn thi trượt nữa ông sẽ lôi mày xuống cùng.
Dưới mọi loại áp lực nặng nề, tôi xém tí nữa thì ngất xỉu giữa trường thi, được thầy cô bóp nhân trung cấp cứu mới thi đỗ được vào trường đại học Sư phạm Nam Kinh.
Tôi sợ gen thông minh của nhà họ Trương lại tạch ở đời tôi, thế là kén vợ vô cùng cẩn thận, cưới đàn chị Trần Kỳ, rồi học thẳng lên tận tiến sĩ.
Mẹ tôi cứ hậm hực. Bà ấy luôn cảm thấy không ngẩng cao đầu nổi trước mặt cô con dâu học thức ngút ngàn, không có cách nào diễu võ dương oai xả nỗi bực tức.
Tôi bảo mẹ rộng lượng tí đi, mẹ đâu có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu đâu mà phải tìm chỗ trút giận.
Mẹ tôi tối ngày giao du với thân nhân của cán bộ viên chức, nhiễm thói bà quan, phải nỗi bản chất thì vẫn chỉ là nhân viên hướng dẫn trong trung tâm thương mại với trình độ văn hóa cấp tiểu học, nửa ngày chẳng rặn ra được cái cớ gì, đành xách túi đi mua sắm. Như thể chỉ có ở trung tâm mua sắm, bà ấy mới có thể làm một người mẹ chồng khí thế hiên ngang.
Cũng may vợ tôi tính thật thà, tuy không thích ăn diện nhưng lại rất nghe lời. Thành thử cũng xuôi theo mẹ tôi, rảnh ra là lại dẫn bà ấy đi mua sắm, ăn diện lồng lộn rồi mới lại trở về.
Tôi nhìn mớ vòng cổ ngọc trai, bông tai, lắc tay liểng xiểng đủ loại của cô ấy mà hậm hực, không khỏi cằn nhằn đôi câu: "Không nhất thiết cứ phải bà ấy mua gì cũng nhận vậy đâu."
Vợ tôi bảo, em thấy cũng tốt mà. Nhà người ta toàn là con dâu mua cho mẹ chồng, đằng này mẹ chồng mua cho mà lại không nhận chẳng phải phụ lòng tốt của cụ nhà sao?
Được lắm, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận như vậy, thành thử tôi mới là kẻ có mắt không tròng.
Ông nội với ba tôi đều rất hài lòng, bảo rằng phải đến đời tôi đây mới nhận ra, tướng mạo không phải quan trọng nhất, có đầu óc mới làm nên chuyện được.
Tôi cảm thấy bọn họ nói không biết ngượng mồm. Bạn đời của mình thì đều đẹp lồng lộn ra, đến đời tôi thì bắt đầu đòi hỏi phải có đầu óc.
Cứ lấy ông nội tôi làm dẫn chứng. Ông hai mất được năm, sáu năm, mẹ tôi rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, bắt đầu làm mai ông nội với một nữ cán bộ chính phủ về hưu. Ông nội về xong bảo không được.
Sau đấy lục tục giới thiệu thêm vài ba mối nữa, ông đều lắc đầu cương quyết bảo không được không được.
Mẹ tôi bảo lão già này cũng kén chọn quá cơ, rốt cuộc không được chỗ nào?
Ông nội mặt tỉnh queo, bảo, tướng tá không được.
Hừ, đúng là đồ đàn ông. Mẹ tôi bảo với ba tôi, ông bô nhà anh mắt cú vọ ghê đấy.
Ba tôi còn rất đỗi tự hào: "Lại chả thế! Mẹ nó chưa nhìn thấy ba nhỏ tôi hồi còn trẻ đấy thôi."
Trong nhà có tấm ảnh cũ đã ố vàng, là "ảnh cưới" của ông nội tôi. Hồi ông hai mới từ Hồng Kông về, tóc vẫn còn chưa cắt, ông nội tôi bảo đi chụp tấm hình làm kỷ niệm đã.
Hai người bèn đi chụp ảnh, nghĩ thầm đã là lưu niệm chẳng bằng làm cho dứt khoát luôn đi. Ông hai bèn giả làm con gái, còn mặc luôn cả đồ cưới trong tiệm của người ta. Sợ bị phát hiện, còn cố tình choàng khăn lụa lên cổ.
Hai người cứ thế đường hoàng danh chính ngôn thuận chụp lấy tẩm "ảnh cưới".
Trong hình, ông mặc váy cưới, tay cầm hoa, một tay khoác lên tay ông nội tôi thời trẻ. Tóc dài buông xõa, chỉ đội một chiếc vòng hoa trên đầu, cười tươi roi rói.
Nhưng dẫu gì niên đại xa xôi, ngũ quan không được rõ nét lắm.
Tôi cất tấm ảnh đi cho đỡ tiếp tục bị mai một, về sau tìm được người dùng công nghệ phác họa lại bản mới. Lúc khuôn mặt phai nhòa của bọn họ trở nên rõ nét, chúng tôi mới thật sự nhận thức được Khâu Bối Phùng là báu vật đáng quý cỡ nào.
Ông ấy là ba nhỏ, là ông hai của chúng tôi. Nhưng hồi ông ấy là Khâu Bối Phùng, rõ ràng đã sở hữu sức hấp dẫn tai nghe không bằng mắt thấy.
Vào lúc một thứ vẻ đẹp vượt thời gian bỗng nhiên lọt vào tầm mắt, hơn cả là người sở hữu nó còn có mối liên hệ mật thiết với ta, ta bỗng sẽ cảm thấy xa lạ. Cảm giác thần kỳ này chẳng thua kém gì việc phát hiện bạn mình hóa ra là ngôi sao điện ảnh.
Chẳng trách ông nội tôi bảo, lúc bước tới Cali, trông thấy một chàng trai ngồi trước cửa hút thuốc, khoảnh khắc người đó ngẩng đầu lên, ông đã bị hớp hồn đi mất. Khâu Bối Phùng đang gà gật ngái ngủ, biếng nhác nhìn về phía ông nội, phong thái hệt như một chú mèo Ba Tư cao quý.
Gu thẩm mỹ của nội tôi không phải dạng tầm thường, từ thẩm mỹ chọn đồ gia dụng hay gạch lát sàn của ông là có thể thấy được, ông chấp nhất trong việc theo đuổi cái đẹp, chẳng hạn như quần áo có rách nát đến mấy cũng phải giặt sạch rồi gấp gọn vuông vắn. Vậy nhưng, tôi tin rằng kể từ lần đầu tiên gặp ông hai, ông đã đầu hàng giao nộp toàn bộ quan niệm thẩm mỹ của mình, từ đó trở đi, ông hai trở thành logic thẩm mỹ của ông.
Mắt phải cong, mũi phải thẳng, môi phải chúm chím. Da phải trắng, dáng phải dong dỏng, ngón tay phải mềm mại thuôn dài. Ấy mới chỉ là bề ngoài thôi, quan trọng hơn cả là thần thái.
Phải lim dim gà gật mọi lúc mọi nơi, hút thuốc phải hờ hững biếng nhác, tốt nhất là còn phải biết làm nũng ngọt xớt. Ba tôi bảo trong trí nhớ của ông ấy, người nhà chưa từng cãi nhau, bởi vì ba nhỏ lúc nào cũng cười híp mắt.
Ngẫm lại mới thấy bản thân tôi rất đáng thương. Trong trí nhớ của tôi, ba mẹ luôn cãi nhau ỏm tỏi, nhất là hồi tôi mới vào cấp hai, ba tôi ngoại tình, cả nhà đều lanh tanh bành hết cả lên.
Ông nội tôi đích thân ra mặt xin lỗi mẹ. Hồi đó ông hai đổ bệnh nằm viện suốt, ông nội tôi túc trực hầu hạ không rời nửa bước. Ấy thế mà chỉ có một lúc vậy thôi, bệnh tình ông hai đột nhiên chuyển biến xấu rồi nhắm mắt xuôi tay. Cô giúp việc bị ba tôi gào lên hỏi: "Rốt cuộc ông ấy đã nói gì?"
Cô giúp việc sợ đến bật khóc, bảo ông hai chẳng nói gì cả, chỉ giơ tay chỉ vào tai phải.
Ông nội tôi một đêm tóc bạc trắng. Ba tôi cũng chẳng dám tác oai tác quái nữa, rầu rĩ chạy về nhà, bắt đầu tất bật như thể chăm cháu cả họ.
Trần có đôi lời lảm nhảm: Quyển này là quyển cuối, chỉ còn một chương hậu ký nữa là hoàn thành bộ truyện này rồi! Ở đầu chương này, hậu duệ của Phan Phi Phi có lúc để tên là Lâm Trung Hoa, lúc lại đề là Phan Trung Hoa, tui không rõ là gõ sai chữ hay là dụng ý của tác giả vậy nên vẫn giữ nguyên nha~
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");