Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Dịch: Đặng Nam
Tay thợ săn Đại Hổ sau khi chạy vào trong phối điện, liền ngồi im thin thít không cử động, hệt như một pho tượng sống vậy. Tôi đánh bạo tiến lên kéo vào vai hắn một cái, cả người hắn lập tức đổ ập ra sau, mặt ngửa lên trời, lúc này mới phát hiện ra trên mặt hắn nhung nhúc toàn dòi với dòi, da thịt đã sớm bị nát rữa từ bao giờ, một mùi hôi thối tởm lợm cũng ngay tức khắc xộc ra. Ba người chúng tôi sợ hết hồn, vội lui về phía sau hai bước, quáng quàng đưa tay lên bịt kín mũi miệng, sau đó mới cẩn thận cúi xuống quan sát kĩ hơn cỗ thi thể thối rữa kia, chỉ thấy dòi bọ bò đầy trên mặt, ngũ quan không thể nào phân biệt nổi. Nhưng rõ ràng là chúng tôi vừa mới cùng tay thợ săn này một trước một sau bám đuổi gắt gao chạy vào phối điện này, hắn tuyệt đối không thể nào nhanh như vậy đã có thể tìm ra được một cái xác rồi lại thay trang phục, giả làm hắn để lừa chúng tôi được! Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng cỗ thi thể đầy dòi kia tuyệt không phải của ai khác mà đích thực là của Đại Hổ, bởi vì tôi nhớ là Đại Hổ hắn có hai cái răng nanh sắc nhọn như nanh hổ, mặc dù da thịt đã bị thối rữa nát bét nhưng hai cái răng hổ kia vẫn còn có thể nhìn ra được.
Tuy phút trước còn sống rành rành, phút sau đã chết ngay tắp lự thì cũng chẳng có gì kỳ quái cả, mà điều đáng để băn khoăn là tại sao thi thể hắn lại bị thối rữa thành ra bộ dạng như bây giờ? Bình thường sau khi chết, cơ thể phải mất hai đến ba giờ sau mới bắt đầu cứng dần, lại phải đợi thêm vài ngày nữa mới có thể xuất hiện dòi bọ ăn xác thối. Phải chăng lúc chúng tôi gặp Đại Hổ ở thượng nguồn Hắc Thủy Giang, hắn đã là một người chết sẵn rồi? Một cỗ cương thi giả trang thành thợ săn thú, ban ngày ban mặt vào tận trong thôn tìm chúng tôi, còn nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất một hồi lâu, mới nghĩ tới đây thôi đã đủ khiến người ta nổi hết cả da gà vì ớn, không biết nó là từ trong tòa cổ mộ nào bò ra? Hoặc cũng có khả năng bên trong tòa Liêu mộ này có một loại thi trùng nào đó, Đại Hổ chính là bị loại thi trùng đó cắn phải nên mới lập tức biến thành ra như vậy? Bất quá cả ba người chúng tôi cũng bước vào phối điện này, đây cũng là một tòa trường điện đặt trên trục Bắc Nam, cũng chạy qua thông đạo được lát gạch đã bị lưu sa lấp kín, trừ tên thợ săn đang phơi thây trên đất này ra cũng không phát hiện thấy có bất kỳ dị trạng gì cả, không biết sau khi hắn chui vào trong này đã xảy ra biến cố gì?
Chúng tôi lúc ấy toàn là nói mò, suy đoán lung tung một trận. Cái tư tưởng mê tín thâm căn cố đế đã sớm ăn sâu vào trong đầu óc của Trăn Tử, nàng cho là tay thợ săn Đại Hổ kia kỳ thực là một cỗ hành thi. Tôi cùng Tuyền béo tặc lưỡi xem thường, người miền núi quả là đầu óc mê muội, mê tín một cách thái quá, nhưng mà kể ra cái suy nghĩ mê tín của họ cũng khá là có logic đấy chứ, truyền thuyết kể về cương thi tôi đã sớm nghe qua không ít, có câu là nhập thổ vi an, tức là người chết sau khi chôn xuống đất là coi như hết nợ với đời, tuy nhiên có một số người bị oan mà chết thành ra nhập thổ bất an, trở thành cương thi. Trong ngũ hành thì cương thi thuộc hành thổ, vì thổ có thể khắc được thủy, cho nên trong truyền thuyết dân gian thì cương thi sẽ mang đến hạn hán, vì vậy gọi là Hạn Bạt (Trans: Hôm trước có một bài nói về Tứ Đại Cương Thi thì Hạn Bạt là công chúa trên trời, chắc là có nhiều cách lí giải, các bạn nếu muốn có thể tìm đọc thử). Trên thân lông cứng mọc ra tua tủa, vô cùng hung ác, ban ngày núp kín ban đêm mới bò ra, bắt người sống hút hết óc, trăm năm làm Hung, nghìn năm thành Sát, sau khi hình thành đạo hạnh thậm chí có thể bay lên trời, chui xuống đất một cách dễ dàng, hút hết thủy mạch long khí. Lại bởi vì mộc có thể khắc thổ, để đối phó với cương thi phá quan tài bò ra, phía trên mộ phần phải lấy gỗ đào làm cọc đóng chặt xuống đất. Cho dù theo như truyền thuyết mê tín mà mọi người truyền miệng nhau bấy lâu nay thì cương thì ban ngày vẫn phải núp ở trong quan tài, nếu như nói tay Đại Hổ kia là một cỗ cương thi, hắn làm sao có thể đi tới đi lui giữa ban ngày ban mặt như vậy, mà hơn nữa cũng không ai phát giác ra trên người hắn có mùi hôi thối của thịt rữa, chẳng lẽ nguyên một cái xác chết trên người bám dầy dòi bọ đứng trước mặt mà chúng tôi lại không nhìn ra được sao? Tôi xem chừng bên trong địa cung tòa cổ mộ này nhất định là có thứ gì đó đã tác oai tác quái, làm sao có thể khiến một người đang sống rành rành chỉ trong chớp mắt đã hoàn toàn biến thành một đống thịt thối rữa bầy nhầy như này? Càng không giải thích được thì lòng càng không yên, nếu như không có cách nào sớm tìm ra chân tướng, chỉ sợ người kế tiếp chịu trận chính là một trong số chúng tôi! Tuyền béo mở miệng nói: “Tuy rằng chưa biết thứ gì đã khiến hắn trở nên như vậy, nhưng ở cái nơi quỷ quái âm u như này, chúng ta vẫn nên cẩn thận hơn!”
Nói xong hắn đem đèn bão treo trên súng săn đi một vòng xung quanh kiểm tra thử, ben trong trường điện hoàn toàn vắng vẻ lạnh lẽo, ngay đến một con chuột cũng không có, hắn tự nhủ: “Ở trong lòng núi đục khoét ra được một tòa đại điện như này nhưng thứ gì cũng không có, là cố tình xếp đặt như thế hay là con mẹ nó ăn no rửng mỡ đào ra cho vui?”
Lời này của Tuyền béo đã nói trúng đến điểm mấu chốt, táng chế thời cổ đại rất chú trọng đến chuyện cuộc sống sau khi chết, địa cung trong mộ lúc đầu được gọi là huyền cung, đến đời Thanh vì tránh phạm phải tục danh của thánh tổ Khang Hy nên mới đổi cách gọi thành địa cung, càng về sau thì càng có nhiều cách gọi, thích kêu là gì cũng được, tóm lại chủ yếu là muốn làm thành cung điện y như của chủ mộ lúc còn sống vậy. Nếu như không thể hoàn toàn làm giống y đúc thì ít nhất trên phương diện cách cục cũng phải tương tự phần nào, trong mộ phải chia thành tiền trung hậu - tam đại điện, hai bên có phối điện, không quan trọng là có cần thiết hay không nhưng vẫn phải có. Tôi vừa ngẩng đầu lên nhìn một cái, đèn pin cũng lia theo chiếu lên trên cao, liền phát hiện trên vách có chừng mười người, là đồng nam đồng nữ đã chết héo từ lâu, đóng thẳng vào vách đá, mỗi tay bưng một ngọn trường minh đăng, quần áo trên người đều đã mục nát, mắt mũi vặn vẹo khó coi, sắc mặt đen nhánh, ở trong mộ bất thình lình nhìn thấy mười cái xác chết như vậy, thật có thể dọa người ta chết khiếp, són đái ra quần!
Táng chế thời nhà Liêu đại khái cũng gần tương tự với các vương triều Trung Nguyên, tuy nhiên cũng có chút bất đồng, không hẳn là giống nhau hoàn toàn, bình thường thì sẽ đem những đồng nam đồng nữ tuẫn táng lột sạch da, rồi lấy những bộ da đấy đính lên cọc gỗ, giả thành hình người, gọi là nhân cọc, không nghĩ tới bên trong ngôi cổ mộ này lại có nhiều hài tử tuẫn táng theo như vậy. Đại Hổ chỉ trong nháy mắt đã trở thành một đống thịt rữa nhung nhúc dòi bọ như vậy, liệu có phải hay không là do những đồng nam đồng nữ này tác quái gây ra? Trăn Tử không dám nhìn lâu, núp kín ở sau lưng hai thằng tôi, tôi cùng Tuyền béo thì bạo dạn hơn, dùng đèn pin chiếu qua một lượt. Những đồng nam đồng nữ bị tuẫn táng theo chủ mộ này, tất cả đều là bị lột da ngay từ khi còn sống, sau đó bộ da được đính lên hình nộm bằng gỗ, rồi tô thêm mắt mũi. Hình nộm được đẽo ra từ từ gỗ cây nhãn, trăm năm không mục, sâu kiến cũng không làm gì được. Những người này đều là bị vạch một đường ở giữa sống lưng, rồi dùng dao nhỏ lóc dần da ra khỏi bắp thịt, bộ da sau khi đã lột hoàn chỉnh được gọi là “Cánh bướm”. Cho dù âm hồn không tiêu tan trở thành ác quỷ có thể hù chết được tên thợ săn này, vậy cũng không thể khiến cho thi thể hắn biến đổi nhanh như thế này được.
Cảm giác sợ hãi trong lòng chúng tôi càng mãnh liệt hơn, đồng thời cũng trở nên căm ghét đối với hành động tàn nhẫn này của tên chủ mộ, tại sao lại có thể nhẫn tâm bắt nhiều tiểu hài tử tuẫn táng theo mình thế chứ? Chúng tôi thật sự không nên nhất thời hấp tấp như vậy, khinh thường hai tên thợ săn kia, tùy tiện theo chúng chạy vào gian phối điện này để rồi bị tên Nhị Hổ kia giở trò hãm hại, lối vào duy nhất đã bị lưu sa lấp kín, lúc vào thì dễ chứ giờ muốn chạy ra thì mới thực sự là nan giải! Vừa nghĩ tới tên Nhị Hổ đã chạy mất, lại nhìn Đại Hổ đang phơi thây ở đây, có lẽ nào là do Nhị Hổ đã bày trò kim thiền thoát xác, đồng thời cũng là để chôn sống chúng tôi ở đây nhằm giết người diệt khẩu. Vậy có thể nói thi thể của Đại Hổ bị như thế kia không phải là do thứ gì đó trong mộ gây ra? Phải chăng người huynh đệ Nhị Hổ của hắn cũng là một hoạt thi có thể đi đứng nói cười như người sống sao?
Hết thảy mọi thứ phát sinh quá mức đột ngột, khiến tôi cùng Tuyền béo không thể nào tìm ra được nửa điểm đầu mối để có thể giải thích được những chuyện này, tuy nhiên có một câu nói của Trăn Tử lại khiến tôi phải để tâm suy nghĩ, nàng nói rằng tay Nhị Hổ không phải là hành thi. Tôi nghe những lời nàng nói cũng có chút ý tứ gì đó, tựa hồ rất có nguyên do, liền hỏi nàng tại sao nói tay Đại Hổ mà chúng tôi gặp lúc ở trong thôn là hành thi, còn tay Nhị Hổ này lại không phải? Trăn Tử nói những chuyện này nàng cũng chỉ là nghe từ một số người cao tuổi trong thôn đề cập đến một hai lần, trước kia từng có một phân mạch tà đạo như vậy, chuyên có những thủ đoạn đào mộ trộm cổ vật vô cùng khó lường, đồn rằng thứ bọn chúng sử dụng chính là yêu pháp, nhưng nghe nói sau này đều bị trấn áp rồi xử tử, tuy nhiên rất có thể vẫn còn một hai truyền nhân còn sót lại. Tôi cùng Tuyền béo nghe xong đều trợn mắt há mồm, hai tên chuột đất này có thể sử dụng yêu pháp gì chứ?
Theo như đám thợ săn trong thôn nói, từ rất sớm trước kia, trên thảo nguyên cũng có khá nhiều chuột đất xuất hiện, trong số bọn chúng có kẻ biết sử dụng tà thuật yêu pháp, có người nói đó là truyền nhân của Bạch Liên giáo, cũng có người nói là không phải. Trong đó có một chiêu thức khá kỳ quái được dùng lúc khai quan đoạt bảo, những tên chuột đất khác nếu như muốn móc lấy minh khí chôn theo trong mộ thì phải cạy bỏ lớp ván đóng quan tài rồi mới chui vào lấy đồ. Nhưng tên này thì lại niệm Phi Chử Chú, khiến cho người chết trong quan tài tự mình bò ra ngoài, mặc người khoắng sạch lấy minh khí bên trong, sau đó sẽ niệm chú lại một lần nữa để cho người chết bò trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Mặc dù truyền thuyết này nghe có vẻ rất là tà môn, nhưng cơ hồ chưa có lấy một người nào từng thấy qua cả, không loại trừ trong câu chuyện này đa phần là người xưa nói quá lên để hù doạ nhau mà thôi.
Ngoài ra còn nói, hễ là những tay chuột đất mà biết sử dụng tà thuật yêu pháp, trước giờ mỗi khi ra ngoài hành sự đều không bao giờ đi một mình mà sẽ dẫn theo một người, người ngoài không biết nhìn vào còn tưởng đấy là hai huynh đệ một nhà, nào có biết đâu trong hai người này có một người sống và một người chết. Bọn chúng trước khi đổ một cái đấu nào đó, đều sẽ đi tìm một người có thân hình vóc dáng từa tựa với mình, đầu tiên là nghĩ cách đoạt mạng người ta, rồi lập tức lấy một chiếc kim đâm vào chính giữa đầu lưỡi xác chết nhằm phong bế hồn phách lại, dán tiếp bùa chú lên, vậy là liền có một bù nhìn bằng thịt hay còn gọi là hành thi. Hành thi này nhất cử nhất động đều nghe theo lời chủ nhân, ăn cơm nói chuyện sinh hoạt hệt như người sống. Tuy nhiên nếu như khoảng cách giữa hai người quá mười bước chân thì bùa chú sẽ mất tác dụng, hành thi lập tức lộ bị hủ mục thối rữa. Tại sao lại phải mất công làm một cỗ hành thi như vậy? Tất nhiên không phải là do quá rảnh rồi, mục đích thực sự là để cho hành thi giả làm mình cùng đồng bọn tiến vào đạo động, sau đó ở một bên ra tay giết người diệt khẩu, một mình tiến lấy minh khí trong mộ. Chuyện Trăn Tử nghe được cũng chỉ có đến đây là hết, bây giờ nghĩ lại, hai tay thợ săn kia tuyệt chẳng phải anh em gì cả, Nhị Hổ mới thực sự là chủ mưu còn Đại Hộ chỉ là hành thi hắn mang theo bên người mà thôi.
Tôi tất nhiên tin rằng bọn chuột đất vì muốn giết người diệt khẩu một mình nuốt trọn báu vật sẽ sẵn sàng giở mọi thủ đoạn, còn chuyện một người sống đem theo một người chết chạy nhảy tung tăng khắp nơi, trong giang hồ cũng không phải là không có sự tình như này, chưa chắc mọi chuyện đã hoàn toàn đều là mê tín, có lẽ thực sự có chút thủ đoạn nào nó, chẳng qua là chúng ta không biết rõ nội tình bên trong mà thôi. Tôi đem tất cả tình tiết sắp xếp lại một lần cẩn thận, bởi vì trước đó chúng tôi có làm lộ ra một số thông tin, khiến cho tay chuột đất kia mới mò tìm tới tận cửa, bày mưu để chúng tôi phải chạy tới đây đào lấy hoàng kim linh chi, ngay từ đầu hắn đã biết bên trong mộ cổ làm gì có thứ nào như thế, chẳng qua là lừa chúng tôi làm con tốt thí dẫn đường, giúp hắn tìm được lối vào bên trong toà Liêu mộ này. Sau đó chúng tôi từ chui qua phía dưới Kim Cương Tháp vào được trong mộ đạo, việc này khiến cho hắn lo sợ rằng chúng tôi sẽ đoạt được bảo vật trước hắn, nên mới dẫn dụ chúng tôi chạy vào gian phối điện này, rồi khởi động cơ quan trong mộ định dùng lưu sa chôn sống chúng tôi. Ba người chúng tôi không khỏi tức giận rủa thầm tên chuột đất này quá là độc ác, đáng tiếc lúc trước đã để hắn chạy mất, giờ có lôi cả mười tám đời tổ tông hắn ra chửi thì cũng chẳng được tích sự gì, đã dám làm những chuyện như này thì hắn sớm đã đếch cần thèm quan tâm đến tổ tông làm gì rồi. Chúng tôi vẫn nên đứng dậy tìm cách thoát thân ra khỏi đây thì hơn, bị bao vây trong không gian kín mít như này chẳng thì chầy cũng sẽ chết vì ngạt thở.
Tuyền béo lục soát trên người cái xác kia một lần, thứ gì cũng không có, ngay cả khẩu súng chim kia cũng là đồ hỏng, cậu ta không cam lòng ngồi chờ chết, bực bội xách xẻng công binh cố đào bỏ đống lưu sa chặn kín thông đạo. Tôi vừa nghĩ tới số đồng nam đồng nữ chôn theo đang treo lủng lẳng bên trong Trường Sinh Điện này, liền cũng muốn nhanh chóng thoát được ra ngoài, bất quá lưu sa càng đào càng nhiều, con đường lát gạch kia giờ đã trở thành tử lộ, đành gọi Tuyền béo cùng đến phía cuối gian phối điện dò xét tìm cửa ra thử xem. Lúc này đèn pinđã sớm hết điện, chỉ còn đèn bão là có thể sử dụng được, không biết đến bao giờ mới có thể chui ra được khỏi nơi đây nên cũng không nỡ dùng đuốc. Ba người chúng tôi lục lọi tới lui một hồi, những đồng nam đồng nữa kia hoàn toàn được đóng chặt vào phía trên vách điện, bên trong phối điện trống trơn chẳng có gì nữa cả. Tôi cảm thấy dường như mình đã rơi vào đường cùng rồi, không thể làm gì khác hơn đành ngửa mặt lên trời than thở: “Ít ra cũng có mấy tiểu quỷ này làm bạn cùng!”
Trăn Tử mặt trắng bệch, sợ hãi quay sang nhìn tôi: “Anh vừa nói gì thế?”
Tôi đáp: “Ba chúng ta bị bao vây trong này không tài nào thoát ra được, không phải vừa vặn làm bạn với mấy đứa trẻ này sao?”
Trăn Tử thấp giọng nói: “Phỉ phui cái miệng nhà anh, đừng có nói như thế, cẩn thận chúng nghe được thì lại tha hồ mà rắc rối!”
Tôi nói: “Cô không cần phải sợ, bọn họ ở trên trời nếu có linh thì nên phù hộ cho chúng ta thoát ra được khỏi đây, diệt trừ ác nhân nằm bên trong cỗ quan tài kia trả thù cho họ! Huống chi trên đời này căn bản làm gì có quỷ, tôi nói mấy lời này sợ quái gì chứ!”
Trăn Tử bỗng nhiễn trợn to mắt, nhìn thẳng vào thứ gì đó phía sau lưng tôi, lắp bắp nói: “Trên đời có quỷ?... Vậy phía sau lưng anh… là cái gì thế kia?”
Vừa nghe Trăn Tử nói vậy, cộng thêm gương mặt hãi hùng không có nửa điểm gì là giả dối của nàng, một cơn lạnh buốt liền chạy dọc sống lưng tôi, rốt cuộc sau lưng tôi có thứ gì chứ? Lúc trước tôi đã nhìn khắp một lượt xung quanh đây rồi, ngoài chúng tôi ra chẳng còn thứ gì nữa cả, tại sao Trăn Tử lại đột nhiên nói như vậy? Tuyền béo đang dùng sức cố thử bậy tung bức tường đá phía cuối Trường Sinh Điện, chỉ có ngọn đèn bão trên tay tôi là nguồn sáng duy nhất, cũng chẳng chiếu được bao xa, nếu như Trăn Tử nói sau lưng tôi có quỷ thì nhất định thứ đó phải ở khoảng cách rất gần, nghe nàng nói như vậy lông mao trên người căng thẳng dựng đứng hết cả lên, thật cảm thấy đằng sau có thứ gì đó! Bất qua tôi không muốn bị mất thể diện trước mặt Trăn Tử, cả ngày nay lỡ miệng nổ to gì mà một đao chém chết lũ đầu trâu mặt ngựa, anh hùng cái thế diệt yêu ma, bây giờ thật thấy quỷ mà lại bị doạ cho té đái thì sau này còn biết ngẩng mặt nhìn ai? Thà để quỷ bóp chết chứ nhất định không thể để quỷ hù chết, trong lòng vừa động, tôi liền lập tức quay phắt người về phía sau nhìn thử, trong ánh đèn bão lờ mờ hiện lên một khuôn mặt đồng nữ tuẫn táng, da dẻ đen quắt lại, còn có thể loáng thoáng thấy qua lấm tấm những vết ban do thuỷ ngân gây ra, quần áo trên người mục nát, đứng thẳng đờ ngay phía sau lưng tôi.
Trong gian phối điện phía Tây này có tới tận mười mấy đồng nam đồng nữ tuẫn táng chôn theo chủ mộ, khi còn sống bị lột da một cách man rợ, lại bị đóng vào trên vách đá, tay bưng trường minh đăng, đứng cúi đầu, làm thành đội nghi trượng đi theo chủ mộ đến thế giới bên kia. Bởi vì vong hồn của mộ chủ sẽ được thăng thiên, cho nên đồng nam đồng nữ tuẫn táng theo đều phải đóng lên vách cao, cách mặt đất hơn một trượng có dư. Bất quá vị đồng nữ sau lưng tôi này, là bị rơi từ trên vách đá xuống, dường như đang cùng tôi mặt đối mặt! Trăn Tử vừa rồi đứng đối diện với tôi, đèn bão lại là do tôi cầm thành ra nàng chỉ loáng thoáng thấy quá hình bóng mờ mờ của cái xác này chứ chưa có nhìn rõ. Lúc này tôi quay cả người lại, đèn bão trong tay cũng quay theo, khuôn mặt của cái xác giờ hiện lên rõ như ban ngày, tôi mặc dù không sợ trời cũng chẳng sợ đất, thế nhưng cũng bị một phen bất ngờ, hít đầy một hơi khí lạnh, suýt nữa ngã ngồi ra đất, đứa bé gái này thế quái nào lại rơi xuống được vậy?
Trăn Tử bị doạ cho sợ mặt cắt không còn giọt máu, một câu cũng không thốt ra nổi nữa rồi. Tuyền béo xoay người lại, thấy trước mặt tôi có một xác chết đồng nữ, cũng lập tức kinh hãi, nghệt ra hỏi tôi: “Ôi giồi ôi bố Nhất ơi bố làm sao lôi cái xác này xuống được thế?”
Tôi cứng lưỡi: “Tôi nào có động gì đến nó, chính nó tự rơi xuống…”
Tuyền béo không đợi tôi nói hết: “Ai bảo nhà ngươi ăn nói lung tung bậy bạ, gì mà làm bạn với chả làm bè, nó không nhảy xuống tìm ngươi mới là lạ!”
Tôi giơ cao đèn bão chiếu vào khuôn mặt của cái xác, da thịt đã khô quắt lại, ngũ quan vặn vẹo, trên đỉnh đầu phía dưới búi tóc có một lỗ nhỏ, chính là vết tích cũ của đường rạch đầu tiên khi lột da, tựa hồ có thể nghe được tiếng kêu gào rách gan rách ruột của nó khi còn sống vậy. Nhưng xem chừng nó mới chỉ là đứa trẻ lên bảy hay lên tám mà thôi, tại sao lại có thể cao ngang bằng tôi cơ chứ? Tôi cúi đầu xuống nhìn một chút, liền bị doạ cho hết cả hồn lần nữa, hai chân của nó đang đung đưa hờ hững trên không, tuyệt không phải là đứng trên mặt đất.
Tôi trong lòng dứt khoát: “Ngươi cho rằng có thể hù chết được ông đây sao? Thách cả nhà ngươi dám làm gì luôn đó!” Vừa nghĩ, hai tay tôi vừa vươn ra phía trước, định bụng bẻ gãy cái đầu kia xuống cho bõ tức, nào ngờ vừa mới tiến lại gần, chợt nghe trong cổ họng nó phát ra một thứ tiếng kêu quái dị, đồng thời toàn thân nhào thẳng về phía người tôi, tôi vội vội vàng vàng lùi lại đằng sau thật nhanh, cái xác liền mất đà ngã ập xuống đất, đầu nó lăn một lèo tới góc gian phòng, từ chỗ cần cổ không đầu phun phì phì ra một dòng nước đen.
Tôi bị nó doạ thêm một phen suýt nữa thì đái ra quần, trống ngực vẫn đang đánh uỳnh uỳnh không thôi, trên trán ướt đẫm mồ hôi lạnh, đèn bão trong tay rơi đánh “choang" một tiếng rồi tắt ngóm. Tuyền béo vội vàng lục trong túi lấy ra một cây đuốc tẩm sẵn dầu, Trăn Tử cố nén nỗi sợ chạy tới đỡ tôi dậy. Ba người chúng tôi vô cùng lo lắng cẩn thận giơ ngọn đuốc chiếu qua, lúc này nhìn ra mới biết, thì ra xác của đứa bé gái này đã bị treo trên vách đá quá lâu nên cũng đã sớm hủ mục, lúc nãy không hiểu sao vừa khéo lại tuột xuống, nhưng quần áo vẫn còn mắc lại trên tường, thành ra mới treo lủng lẳng trước mặt khiến tôi tưởng nhầm, tiếng kêu quái dị vừa rồi chính là do tiếng vải bị xé rách do không chịu nổi sức nặng của cái xác mà gây ra. Tuyền béo ngạc nhiên: “Úi dồi, mặt cậu sao trắng bệch thế kia hí hí?”
Tôi tức giận nói: “Mặt tôi đây gọi là rạng rỡ như vầng Thái Dương, trắng bệch cái đầu nhà cậu!”
Tuyền béo cười khẩy: “Thôi đi ông tướng, sợ thì cứ nói thẳng ra! Tôi đã nói rồi mà, trên đời này làm quái gì có quỷ cơ chứ, chỉ có lòng người có quỷ thôi hahaha!”
Tôi cũng không có phản bác lại lời châm chọc của Tuyền béo, đúng như cậu ta nói, tôi đã tự mình doạ mình rồi. Nhưng không hiểu sao cái xác ấy vốn đã bị đóng chặt vào vách đá mấy trăm nghìn năm rồi, sớm không rơi xuống, muộn không rơi xuống, chẳng nhẽ lại là đợi chúng tôi đến rồi mới rơi xuống sao, tình cơ đến thế cơ à? Tuyền béo lại quay qua hỏi tôi: “Sao lại nghệt cái mặt ra nữa thế?”
Tôi đáp: “Tạm không nói đến việc có quỷ hay là không, đứa bé này lúc còn sống mạng khổ số khổ, bé thế đã bị đem đi lột da tróc thịt tuẫn táng theo chủ mộ thật là đáng thương, bất quá người chết thì như đèn tắt, ba chúng ta cũng chẳng có thể giúp nó được cái gì, thôi thì đừng để nó chết không toàn thây ở nơi này, tôi đi nhặt cái đầu của nó lại, cho nó yên tâm mà siêu thoát đầu thai!”
Tuyền béo và Trăn Tử cũng đồng tình với ý kiến của tôi, thấy vậy tôi liền cầm lấy ngọn đuốc đi tới góc phòng, sau đó cúi xuống nhặt lấy chiếc đầu lâu khô quắt, dưới ánh sáng của ngọn đuốc đang cháy phừng phừng, tôi chợt phát hiện ra hoa văn bảo tương hoa trang trí phía trên mấy viên gạch có gì đó sai sai. Tôi thầm giật mình, trước đem cái đầu xếp gọn gàng trở lại vào khúc thân, rồi nhanh chóng bước trở lại chỗ cũ, sau một hồi quan sát cẩn thận tôi liền lôi chiếc xẻng công binh cậy thử mấy phát, quả nhiên mấy viên gạch này có vấn đề thật, phía dưới chúng che dấu một cửa hang! Chúng tôi bị bao vây trong chỗ này cũng khá lâu rồi, đã sớm lục tung hết mọi ngóc ngách xó xỉnh nhưng chẳng tài nào tìm thấy được lối ra, nào ngờ nó lại nằm ngay phía dưới tầng mộ gạch này. Cửa động này nằm ở phía cuối góc gian Trường Sinh Điện, mấy viên mộ gạch phía trên bị lộn ngược lại, khiến cho hoa văn trang trí khác hẳn với gạch mộ xung quanh, nếu như cái đầu lâu kia không lăn tới tận chỗ này thì tôi cũng chịu chẳng thể nào nhận ra được, liệu đây cũng lại là một sự tình cờ nữa ư? Hay là do lúc trước tôi có nói “Nếu như bọn họ ở trên trời có linh thiêng thì đáng ra phải phù hộ chúng tôi đập tan được quan quách của tên chủ mộ, trả thù cho họ”? Động khẩu hướng thẳng xuống phía dưới, chỉ sâu chừng 3, 4 trượng nhưng cũng đủ khiến ánh lửa từ ngọn đuốc không thể nào chiếu được tới đáy, chúng tôi đành phải đánh liều bám dây thừng mà tụt xuống, không gian dưới đáy động khá là chật hẹp. Ba người cố ổn định lại thân người, dùng đuốc đi xung quanh kiểm tra một lượt, chỉ thấy khắp nơi toàn là xương khô, trên mỗi khúc xương đều có dấu vết của thuỷ ngân, tựa hồ như toàn bộ người ở đây là do uống thuỷ ngân mà chết.
Tôi thấy đáy động chất đầy xương khô, cảm thấy rất có khả năng nơi đây chính là một động chôn người câm. Tuyền béo không hiểu, mới hỏi: “Đào ra hẳn một cái động chỉ để chôn mấy lão câm thôi sao?” Tôi cũng chỉ là dựa trên phán đoán của bản thân mà thôi, những người thợ làm quan tài lẫn đám nô lệ khiêng quan vào địa cung vì để giữ bí mật đều sẽ bị cắt hết lưỡi, trở thành người câm, thậm chí để đảm bảo hơn nữa, trực tiếp tuẫn táng cùng chủ mộ. Nhưng không thể để những kẻ thấp hèn như này tuẫn táng trong địa cung được, vì vậy mới có động chôn riêng.
Nghe nói vào thời nhà Liêu lẫn nhà Kim, vì để đề phòng bí mật trong mộ bị truyền ra ngoài, đại đa số sẽ cho đào ra một cái động người câm phía dưới mộ đạo, bình thường rất sâu, có thể trực tiếp đem người ném xuống chết tươi luôn. Nơi nay có mấy chục bộ hài cốt khi còn sống từng uống thuỷ ngân tự vẫn, là cam tâm tình nguyện chết theo chủ mộ, hay là bị ép buộc không thể không nghe theo? Chúng tôi nhất thời không nghĩ ra, lại không tìm ra được con đường nào khác, đành dựa vào mấy lá gan lớn nhắm mắt nhắm mũi bước tiếp về phía trước. Mò mẫm mãi một hồi rốt cuộc cũng phát hiện, động người câm nằm phía dưới Tây phối điện này một mực thông tới Đông phối điện, hai bên bố trí cân đối, bên trong cũng có đồng nam đồng nữ tuẫn táng treo trên vách đá. Tôi liền leo lên trước, rồi thả dây xuống kéo hai người kia lên. Mấy người chúng tôi đi vào từ Tây phối điện nhưng lại từ Đông phối điện đi ra, cũng may lưu sa chỉ chặn kín lối vào Tây phối điện, còn lại các lối đi khác vẫn hoàn toàn bình thường.
Ba người lại lần nữa trở về cánh cửa có khắc cặp sư tử cõng bảo vật phía trước địa cung, thấy cửa đá đã bị đẩy ra một nửa. Tuyền béo đi vào bên trong nhìn quanh nửa ngày, chẳng thấy cái quái gì cả, có lẽ nào tay chuột đất kia đã khoắng sạch bảo vật rồi cao chạy xa bay từ lúc nào? Tôi thầm mắng hắn hạ thủ quá nhanh, thời gian chúng tôi bị vây khốn trong Tây phối điện mới chỉ ước chừng qua một canh giờ, mà hắn đã vét sạch chẳng để lại gì. Phía trên cánh cửa đá kia, chỗ hai con sư tử có thứ đồ gì đó tựa hồ một con ngươi, chỉ sợ cũng bị hắn cậy luôn mất rồi! Mấy món bảo vật chôn theo trong mộ bị hắn lấy đi thì cũng thôi, đằng này lại còn khiến chúng tôi ăn không ít khổ cực, nếu không phải phía dưới mộ đạo có động người câm, chỉ sợ chúng tôi đã sớm bị hắn chôn sống ở Tây phối điện, có thể thấy là hắn thực sự muốn lấy mạng của cả ba người, một khi để hắn chạy được ra khỏi ngôi mộ này, trốn vào trong rừng sâu thì đừng hòng tóm được hắn để hỏi tội.
Tôi cùng Tuyền béo vẫn chưa từ bỏ ý định trả thù, có lẽ tay Nhị Hổ này vẫn còn trốn ở trong địa cung. Nhìn tổng quát khắp một lượt bố trí bên trong toà Liêu mộ này, giống hệt như một chữ “Tệ" (币), ở gian tiền điện không hề có phối điện, chỉ trung điện mới có Đông, Tây phối điện mà thôi. Nếu như tiền, trung, hậu điện đều có phối điện thì được gọi là Cửu thất huyền cung, theo như táng chế là kiểu bố trí cho lăng mộ Hoàng Đế. Theo như những gì chúng tôi thấy bên trong toà cổ mộ này, tuyệt đối không phải là để chôn một vị Hoàng Đế nào cả. Chư Hầu cùng Vương Tước khi xây mộ thì chỉ được dùng Ngũ hoặc Lục thất huyền cung, tuy nhiên Thái Hậu lại được phép xây Cửu thất huyền cung, chỉ khác ở điểm là bốn gian phối điện được bố trí rải rác ở hai bên hậu điện để tránh phạm huý với lăng mộ của Hoàng Đế. Rốt cuộc toà Liêu mộ này có phải là dùng để chôn cất một vị Thái Hậu nào đó hay không, thì chỉ có một cách là tiến vào trong mộ chính mới có thể thấy rõ!
Ba người nóng lòng muốn báo thù, đồng thời cũng rất tò mò với thân phận thật sự của vị chủ mộ, liền nối đuôi nhau lách qua khe cửa đá hẹp đã được mở sẵn, phía sau cánh cửa là chín bậc thang đá, đều là được tạc từ loại đá thanh bạch vô cùng giá trị mà thành, trên mái đỉnh hình vòm cung có chạm trổ Ngũ phương Phật tổ hết sức tinh xảo, ở giữa là Thích Ca Mầu Ni Phật, phía Đông là Dược Sư Phật, phía Tây thì là A Di Đà Phật, phía Nam là Bảo Sinh Phật, còn cuối cùng ở phía Bắc là Bất Không Thành Tựu Phật, năm vị này còn được gọi là Ngũ Trí Phật, có thể chuyển hoá và tinh hoá năm loại phiền não của nhân gian là: vô minh, sân giận, tham muốn, ghen tị và kiêu mạn, xem ra chính điện có lẽ nằm ở ngay phía bên dưới. Súng săn trong tay Tuyền béo đã được lên nòng sẵn, tôi và Trăn Tử thì chia nhau mỗi người cầm một ngọn đuốc, từng bước một đi xuống bậc thang. Mọi người vừa đi vừa ngó nghiêng quan sát phía dưới, chỉ thấy tình hình bên trong mộ thất khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng. Trong điện có đặt tổng cộng ba cỗ quan tài, một lớn hai nhỏ, đặt trên ba bệ đỡ riêng gọi là bệ quan (Trans: Bệ đá để đỡ quan tài). Cỗ cự quách lớn nhất được tô một lớp chu sa đỏ thẫm, kết cấu đồng mộc, thật vô cùng hiếm thấy. Trên dưới tất cả có bốn thanh ngang, hai thanh dọc bằng đồng, lại được mạ một lớp vàng bên ngoài, tạo thành một bộ khung xa xỉ, gắn vào quách bản vừa to vừa dày, hoạ tiết trang trí trên mỗi tấm quách bản đều là dùng hoa văn phượng hoàng, ở giữa lại có các khớp mộng bằng đồng gia cố. Nhìn tổng thể, toàn bộ cỗ cự quách này ước chừng cao hơn hai mét, rộng gần ba mét, dài hơn bốn mét, phía dưới được đỡ lấy bằng mười hai cái chân thú bằng đồng mạ vàng, đặt trên bệ quan gọi là Tu Di Sơn (Trans: Theo vũ trụ quan của Ấn Ðộ cổ thì Tu-di là trung tâm của vũ trụ và là trú xứ của chư Thiên. Về núi Tu-di thì hai quan niệm vũ trụ của Bà-la-môn và Phật giáo giống nhau). Lại nhìn cái bệ quan này đi, cũng quá chừng là phô trương, bốn phía được vẽ bốn vị thần nữ, trong tay mỗi người chấp chưởng một loại pháp khí, xiêm y lộng lẫy rực rỡ, tư thái cao sang quý phái.
Hai người kia không nhìn ra ý nghĩa của những hình vẽ này, nhưng tôi thì lại vô cùng sáng tỏ, đây chính là “Tứ Mẫu Tượng”, Tứ Mẫu bao gồm những gì? Thứ nhất là Khí Mẫu, tay cầm một túi vải lớn, bên trong cất giữ tiên thiên chân nhất khí, hình thành còn sớm hơn cả trời đất, chính là bản nguyên sinh ra vạn vật, hàng ngàn hàng vạn thế giới cùng với vũ trụ hồng hoang tất cả đều luân hồi bên trong nó; kế đến thứ hai là Phong Mẫu, tay nắm phong nang, bên trong cuồn cuộn tám loại thần phong lần lượt là: thao phong Đông phương, huân phong Nam phương, tiêu phong Tây phương, hàn phong Bắc phương, trường phong Đông Nam, dung phong Đông Bắc, cự phong Tây Nam và lệ phong Tây Bắc; thứ ba là Vân Mẫu, trên vai có ngũ sắc tường vân (Trans: Mây ngũ sắc), chính là do khí trời khí đất kết tinh lại tại thời điểm ban sơ khi mới hình thành nên núi non sông nước, ngũ sắc tường vân cùng với ngũ hành đối ứng với nhau, kim vân chủ phong, thanh vân chủ binh, bạch vân chủ tang, hắc vân chủ thuỷ, xích vân chủ hạn; cuối cùng là Vụ Mẫu, tay cầm vụ trướng, vụ trướng một khi được thi triển hết mức sẽ khiến cho trăm dặm ngập trong biển nước, trời đất rung chuyển, có thể nghịch chuyển càn khôn. Từ chi tiết Tứ Mẫu Tượng được vẽ bên trên bệ quan này cộng thêm với hoa văn trang trí hình chim phượng trên quách bản đã đủ để khẳng định một điều rằng: chủ nhân của ngôi cổ mộ chắc chắn là một người phụ nữ! Phía trước bệ quan có bày mấy hàng trường minh đăng, mỡ cá bên trong bát đèn dường như vẫn còn nhưng lửa thì đã tắt ngỏm từ lâu, nền gạch dưới chân đều là loại có khắc hoa văn bảo tương hoa.
Ba người chúng tôi trầm trồ thán phục mãi không thôi, trước kia mấy đứa nào đã từng được gặp qua cái quan tài nào vừa lớn lại vừa tinh xảo như thế này đâu cơ chứ, bèn nhanh chân cầm đuốc bước lại gần hơn để nhìn cho nó rõ, lúc ấy mới phát hiện ra một tấm quách bản ở dưới đáy quan đã bị kẻ nào đó cạy bỏ mất rồi. Tôi cùng Tuyền béo mới cùng nhau thò đầu nhòm thử vào phía trong, ngọn đuốc cũng giơ theo vào, nhờ có ánh lửa le lói hai thằng liền thấy hai chiếc đế giày dính chặt xuống đáy quan, nào phải ai xa lạ chính là của tên chuột đất kia! Tuyền béo dùng súng săn chọc chọc mấy cái, cặp chân kia không có một chút phản ứng nào, tựa hồ như hắn đã chết, thấy vậy cậu ta thử túm lấy định kéo ra nhưng cũng không được. Cả ba đều vô cùng ngạc nhiên vì ai cũng tưởng rằng tên chuột đất này đã sớm ôm bảo vật chạy trốn mất tiêu rồi, nào có ngờ hắn lại nằm chết ở bên trong quan tài như này? Không biết là để cho quỷ bóp cổ chết, hay là bị hù mà chết?
Ba người chúng tôi vẫn cảm thấy chưa hết hận, nhưng lại cũng chẳng làm gì được, lẽ nào mộ chủ thực sự đã vùng dậy bóp chết tên chuột đất kia? Lúc ấy mọi người đều không dám hành động thiếu suy nghĩ, trước tiên cứ lấy đuốc thắp lại mấy ngọn trường minh đăng để lấy chút ánh sáng đã, lập tức không gian bên trong gian mộ thất trở nên sáng sủa hơn khá nhiều, có thể nhìn ra chính điện của toà Liêu mộ này trải dài theo hướng Đông Tây nhưng lại hẹp về phía Nam Bắc, bốn vách tường xung quanh vẫn là được xây bằng loại gạch có hoa văn bảo tương hoa, đỉnh mộ phía trên có hình vòm như cái bát loa úp ngược, được trang trí bằng hình vẽ hàng ngàn hàng vạn tinh vân tinh cầu lấp lánh trên bầu trời đêm. Trên bức tường phía sau quan tài chính là một bức bích hoạ khổng lồ, gọi là “Thánh tung đồ". Bốn góc đại điện đều có một khoán môn nối liền với mộ thất, hoàn toàn phù hợp với bố cục cửu thất huyền cung được ghi chép lại trong cuốn “Lượng Kim Xích", chủ nhân của ngôi mộ này quả nhiên chính là một vị Thái Hậu của nước Đại Liêu xưa kia. Hai cỗ quan tài bên cạnh thì tương đối là nhỏ, đồ hình trang trí bên trên cũng không được hoa lệ như của chủ mộ, rất có khả năng là dành cho hai vị nữ quan tuỳ táng. Đồ đạc của tay Nhị Hổ kia vẫn vứt lông lốc dưới nền đất, gồm có một khẩu súng chim, một chiếc xẻng, ngoài ra còn có cả một cái túi da hươu khá to cùng một ngọn đèn bão đã hết dầu. Tuyền béo nhặt lấy khẩu súng chim đưa qua cho Trăn Tử, rồi quay sang mở thử cái túi da hươu ra xem, đồ đạc cất ở bên trong thật đúng là không ít, nào là búa đục, nào là nến thắp, nào là đèn pha công suất mạnh,... Cậu ta một bên vừa chọn lấy những thứ đồ hữu dụng để vào balo của mình, một bên vừa nói với Trăn Tử: “Cô em không cần phải nghe thằng cha Nhất khoác lác làm quái gì cho nhọc tai cả, hắn biết rõ thủ đoạn của tên chuột đất kia là do trước kia ông nội hắn cũng đã từng làm cái nghề này, còn trên những phương diện khác thì hắn cũng chẳng biết cái mẹ gì đâu, không tin cô cứ hỏi hắn xem thứ đồ chơi này là cái gì, dám cá là câm như hến ngay…” Nói xong cậu ta vênh mặt lôi từ trong cái túi da hươu ra một tấm giấy màu vàng đã cũ nát, đưa cho tôi cùng Trăn Tử nhìn, trên giấy có vẽ đồ án trông hệt như một cái nhãn cầu: “Hai người các cô các cậu đã thấy rõ chưa, trong toà cổ mộ này thật sự có một cái nhãn cầu như này đó, tên chuột đất kia chính là nhắm đến thứ đồ vật này!”
Tôi thầm nghĩ nếu quả thật như thế thì chuyện này quá sức kỳ quái rồi, tại sao lại có một cái nhãn cầu chôn theo bên người chủ mộ cơ chứ? Tay chuột đất kia chỉ vì muốn đoạt được thứ này thành ra bỏ luôn cái mạng lại, thật đúng là ứng với câu “người chết vì tiền, chim chết vì miếng ăn"! Nhưng mà nhãn cầu của người chết thì có tác dụng gì đây? Quan tài giờ đã được mở ra, vị Thái Hậu bí ẩn cùng đống bảo vật có giá trị liên thành đang nằm tất ở bên trong, ai có gan chui vào đoạt bảo?
Ba người ngồi xuống phía trước bệ quan gọi là Tu Di Sơn, chỉ cần ngẩng đầu lên liền có thể quan sát được bức bích hoạ vẽ trên tường, trong tiếng lòng của những kẻ ăn chén cơm chui hầm mộ khoét quan tài này, thường hay gọi những bức bích hoạ cuối mỗi ngôi cổ mộ là thánh tung đồ, bởi vì những bức bích hoạ được vẽ ở vị trí này nhất định là để miêu tả lại cuộc sống của chủ mộ khi còn sống. Bức thánh tung đồ này cùng với bức bích hoạ cửu vỹ hồ ly mà chúng tôi đã thấy trước kia khá giống nhau, chỉ khác cái là tinh xảo và nguyên vẹn hơn mà thôi, chính giữa vẫn là hình vẽ về một con hồ ly có chín cái đuôi. Tôi lúc ấy nào có biết, đế quốc Đại Liêu hùng mạnh ở vùng thảo nguyên do người Khiết Đan đứng lên làm chủ, lấy chim ưng cùng chó sói làm đồ đằng, tôn hồ ly thành linh thần. Tuy không biết những điều đó nhưng nhìn hình vẽ kia cũng có thể tưởng tượng ra được, nó chính là một loại biểu tượng tượng trưng cho địa vị của chủ nhân ngôi mộ này. Phía bên dưới hình vẽ về cửu vỹ hồ ly còn có một bức bích hoạ khác, nội dung hết sức ly kỳ. Chúng tôi càng xem càng cảm thấy giật mình, thứ trên bức bích hoạ này miêu tả hết sức chân thật, đó là một người phụ nữ dáng vẻ hệt như một loài ác quỷ, trên trán mọc ra một con mắt, đã bị người ta khoét ra, nhãn cầu bay lơ lửng giữa không trung. Ba người bất luận thế nào cũng không thể nghĩ ra nổi, tại sao trên trán người đó lại mọc ra một con mắt như vậy? Cứ cho đó là thiên lý nhãn đi chăng nữa, khoét ra rồi thì còn có tác dụng gì?
Trăn Tử hỏi: “Thật là doạ nguời quá đi, trên bức bích hoạ đó rốt cuộc là vẽ thứ gì thế?”
Tuyền béo đáp: “Cái này dễ mà có gì khó hiểu đâu, xã hội phong kiến xuyên suốt từ trước tới giờ chỉ gói gọn trong mấy chữ duy nhất - ăn thịt người, uống máu đồng loại. Hoàng Thái Hậu bản chất cũng là một tay địa chủ, thậm chí còn có thể coi là đại thủ lĩnh của đám địa chủ ý chứ, mụ ta không chỉ vơ vét, ngoạm sạch của cải xương máu nhân dân vất vả làm ra, mà còn dùng thủ đoạn tàn độc khoét mắt này để hãm hại một vị cung nữ xinh đẹp đáng thương.”
Trăn Tử nghe thế liền biết Tuyền béo đang nói linh tinh: “Cung nữ gì mà mọc cả mắt trên trán thế?”
Tuyền béo thật đúng là có thể nói méo thành tròn, nói tròn thành vuông: “Cung nữ mắt không mọc ở trên trán thì thấy thế quái nào được Thái Hậu cao cao tại thượng?”
Tôi bảo cậu ta chớ có đoán bậy linh tinh nữa, nội dung trên bức thánh tung đồ kia nhất định có liên quan tới những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của chủ mộ khi còn sống, còn về phần cái nhãn cầu kia có ý nghĩa như thế nào thì tôi hãy còn chưa rõ, nhưng tên chuột đất Nhị Hổ chính vì nó mà bỏ mạng cho nên cần phải coi chừng trong này thật sự có quỷ! Tuyền béo bĩu môi: “Thôi ông lại mê tín quá rồi đấy Nhất ạ, tôi thấy tên Nhị Hổ này là ác giả ác báo, thần hồn nát thần tính tự mình đem mình hù chết! Chúng ta đừng nói suông nữa, cỗ quan tài kia đã được mở sẵn ra rồi, còn chờ gì mà không xem thử xem có cái mẹ gì dám nhảy ra hù chết ông đây nào?”
Trăn Tử gấp đến độ dậm chân bình bịch: “Hai anh chớ manh động, ngộ nhỡ chủ mộ bật dậy, còn không phải một tay bóp chết hai người các anh à?”
Tuyền béo cười khẩy: “Cô em lại coi thường hai thằng anh quá hehe! Bọn này nào có phải mấy tay gà mờ đâu? Muốn bóp là để yên cho nó bóp à?”
Tôi nói với cậu ta: “Cậu cũng đừng có mà to mồm, trong cỗ cự quách kia không chỉ có mỗi lão Thái Hậu già khọm đâu mà còn có cả tay chuột đất kia kìa, với cái bụng toàn mỡ của cậu thì chui thế quái nào vừa? Tốt nhất là cậu cùng Trăn Tử ở phía sau tiếp ứng, tôi đi vào trước nhìn một chút!”
Tuyền béo cho là tôi đang khoe tài, vẫn cố mà chui theo vào, nhưng múa may chán chê cả nửa ngày, làm mọi cách mà vẫn chẳng thể chui vừa, đành cụt hứng mà đồng ý thủ ở bên ngoài. Tôi chuẩn bị đồ đạc lại một chút, gỡ xuống thanh quân đao cùng với chiếc balo quân dụng, xiết chặt lại chiếc mũ da phòng tránh va đập trên đầu, một tay xách lấy ngọn đèn bão, một tay thì cầm chắc thanh đoản đao, nghĩ thầm trong bụng: tay chuột đất kia bò vào trong quan tài xong chết, có thể là bị thứ gì đó hù cho đứt mạch máu não hoặc có thể là bị chính chủ mộ bóp chết, không chui vào xem thử thì làm sao mà biết được, đành liều thôi! Ngay lập tức tôi đứng bật dậy, hít một hơi thật sâu, cúi đầu hạ eo cẩn thận bò vào bên trong.
Cỗ cự quách này lớn đến doạ người, nhưng bên trong lại còn có một chiếc quan tài khác, gọi là bộ quan. Trong khe hở giữa cự quan và bộ quan có bốn đồng nữ tuẫn táng theo, phía trên đỉnh quan tài có một người, hai bên mỗi bên một người, ở dưới cũng có một người nữa, tất cả đều ăn mặc theo lối cung nữ phục vụ trong cung. Hai cung nữ hai bên một người nâng thanh đồng kính, một người nâng thanh đồng, người trên đỉnh quan tài thì nâng thuỵ bài. Bên trong bộ quan lại có mấy tầng vải gấm, phía trên đặt đầy những đồng tiền vàng, bên dưới mới là thi thể của chủ mộ, tay chuột đất đã chết kia đang nằm sấp trên người bà ta. Tôi đành chống cùi chỏ xuống đỡ lấy cơ thể, từ mặt bên bò lổm ngổm về phía trước, còn trực tiếp bò qua thân người chết, cũng không phải là do tôi không sợ gì cả, mà là lời đã lỡ nói ra rồi, tên đã rời khỏi cung nào có quay lại được nữa, đã đến nước này rồi còn bò ngược ra thì chẳng hoá trở thành con rùa rụt đầu để cho Tuyền béo chê cười? Đèn bão tuy giơ ngay trước mặt nhưng tôi chỉ có thể quan sát được những thứ ở khoảng cách ngắn dưới tầm mắt, phía trước thế nào tôi cũng không rõ vì có ngóc được đầu lên đâu. Hơn nữa càng tiến về phía trước, ánh sáng từ đèn bão càng mờ mịt, không khí hủ lậu tích tụ lâu ngày cũng càng đặc sệt lại, tôi đành cố gắng nhịn thở, vất vả lắm mới thấy được tay Nhị Hổ mặt úp xuống dưới, nằm ngay bên cạnh chủ mộ, trong tay vẫn còn nắm chặt chiếc đèn pha, đây là loại đèn xách tay kiểu cũ dùng pin, từng được sản xuất với số lượng lớn trong nước những năm 50 - 60, loại đèn này đầu tiên được sử dụng trong công tác phá núi nổ hầm cho nên yêu cầu rất cao về khả năng chịu nhiệt và va đập, còn có thể điều chỉnh chùm ánh sáng mạnh yếu tuỳ theo nhu cầu thực tế, so với đèn bão dùng tốt hơn nhiều.
Tôi đưa tay nâng đầu Nhị Hổ lên nhìn, bóc bỏ mấy tấm cao da chó dính chặt trên mặt hắn, chỉ thấy một khuôn mặt trắng bệch như giấy, lông mày rũ xuống tận khoé miệng, ước chừng mới hơn ba bốn chục tuổi, hai mắt trợn tròn mồm miệng há hốc, toàn thân lạnh ngắt. Tướng mạo của hắn hoá ra hoàn toàn khác so với Đại Hổ, căn bản không phải là anh em ruột thịt như bọn chúng từng nói, xem ra cái danh xưng “Nhị Hổ” cũng là do hắn thuận miệng nói ra mà thôi, không biết lai lịch thật sự của hắn là kẻ nào? Tôi xem xét một lượt, trên người hắn không có bất kỳ vết máu nào, cũng không phải bị chủ mộ bóp cổ mà chết, mà là bị mắc vào đống vải liệm, cho nên mới không thể thoát được ra ngoài, nhìn như vậy hắn thật đúng là bị hù cho đến chết. Nhắc tới lai lịch chưa rõ của tên chuột đất này, hành tung quỷ bí, thủ đoạn âm hiểm, nếu không phải là dân lão luyện trong nghề, tuyệt sẽ không có hai bản lĩnh như thế. Phàm là người ăn cái chén cơm này từ người chết, hoặc là không tin vào quỷ thần ma mãnh, hoặc là có thủ đoạn còn quỷ dị hơn để đối phó, không biết gương mặt của lão Thái Hậu kia như thế nào mà lại có thể doạ chết được hắn? Tôi nổi lòng hiếu kỳ, đẩy nắp quan tài qua một bên, chỉ thấy bên trong mộ chủ đầu đội kim quan, gối đầu lên một chiếc gối ngọc mặt người thân cá, cổ đeo ba chiếc vòng ngọc kim ti, trên mặt đeo một chiếc mặt nạ hồ ly làm từ vàng nguyên chất, lại lấy mấy ngàn tấm vàng lớn nhỏ cùng những viên ngọc trai lấp lánh khảm thành văn sức trang trí, chính giữa có một viên lục bảo thạch sáng chói đến loá cả hai mắt.
Mặt nạ bằng vàng đã từng bị tên chuột đất gỡ ra, kim câu ngọc đái cũng rơi rụng hết cả. Tôi đặt đèn bão trong tay xuống, nhặt lấy chiếc đèn pha kia, vặn công tắc chiếu luồng ánh sáng thẳng vào tấm mặt nạ hồ ly trên mặt chủ mộ, rồi lại chiếu sang cái xác của hắn, phỏng đoán nguyên nhân khiến hắn phải bỏ mạng trong này. Dựa trên tình hình bên trong cỗ cự quách này không khó để nhìn ra, Nhị Hổ đầu tiên bò vào trong này, muốn đoạt lấy tấm mặt nạ bằng vàng đeo trên mặt chủ mộ, có thể là do hắn nghĩ tấm mặt nạ này đáng tiền hoặc hắn muốn gỡ ra để tiện moi lấy ngọc châu trong miệng, lúc đang hành động, không biết hắn đã thấy thứ gì đó đáng sợ nên mới co rụt tay lại, tấm mặt nạ lại rơi xuống trên mặt chủ mộ. Hắn vội vàng chui ngược ra ngoài, lại vướng phải đống vải liệm dày cộm, nhất thời mắc kẹt không thể thoát được, trong lúc kinh hoàng vì tưởng bị quỷ quấn chân, thành ra bị doạ sợ chết tươi? Nhưng nói như vậy có lẽ vẫn chưa ổn lắm, trong nháy mắt lúc hắn gỡ tấm mặt nạ xuống, thứ gì có thể khiến hắn sợ hãi đến như vậy? Mộ chủ dù cho thân phận có hiển hách vĩ đại như thế nào đi nữa, khi chết rồi ai cũng giống nhau, cùng lắm thi thể là được bảo quản tốt hơn, cùng với lúc còn sống trông không khác biệt là bao. Tên chuột đất này suốt ngày bò ra bò vào cả đống mộ cổ, người chết kiểu gì mà chẳng thừng thấy qua, đừng nói người chết mà dáng dấp vẫn giống người sống, kể cả là gặp cương thi lông dài cũng chưa chắc đã sợ đến như vậy, gương mặt phía dưới tấm mặt nạ của Đại Liêu Thái Hậu, liệu có thể kỳ quái đến nhường nào?
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo “Quỷ Môn Thiên Sư” đăng tại page Hội những người nghiện truyện của Thiên Hạ Bá Xướng & https:// mTruyen.net