Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
17
Hôm đó ta ngồi trong lòng Ngụy Trường Thư, ngón tay của y vuốt ve môi ta, chiếc nhẫn bạch ngọc chạm vào làn da có cảm giác hơi lạnh, y hỏi ta: "Nàng và Tri Hàm cùng gả vào Hầu phủ, thế nào?"
Nói vậy là muốn cho ta danh phận?
Khóe môi ta khẽ cong lên một nụ cười: "Tiểu hầu gia muốn để A Âm làm thiếp sao?"
Ánh mắt của y rơi vào người ta, bàn tay siết chặt eo của ta hơn chút, sau đó mới trả lời: "Làm thiếp trước, ngày sau có cơ hội sẽ nâng làm bình thê."
Giọng nói của y bình tĩnh như thể đây đã là kết cục được định sẵn.
Cũng đúng, trưởng nữ xuất thân không tốt của phủ Lễ bộ thị lang sao có thể so sánh với cháu gái ruột của Khương thái phó được cơ chứ.
Với thân phận như của ta, nếu sau này có thể nâng lên làm bình thê thì đã là thể diện lớn nhất mà Ngụy Trường Thư nguyện ý cho ta.
Hình như y thật sự rất có thành ý.
Nhưng ta lại cười: "Tiểu hầu gia, mặc dù ta ái mộ người nhưng nếu làm thiếp hoặc bình thê thì ta không gả đâu."
Ngụy Trường Thư sửng sốt.
"Tiểu hầu gia từng nói, thảo dược trên thế gian này nếu như có thể trị thương thì đều giống nhau cả, nào phải phân biệt đắt rẻ làm chi. Vậy tại sao nữ tử trên thế gian lại cứ phải phân ra ba kiểu bảy loại cơ chứ?"
"Nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ nữ tử còn chẳng bằng một cây cỏ, phụ nhân có tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo (*), đó chính là chiếc gông xiềng mà thế gian này đeo lên người bọn họ, giãy dụa thế nào cũng không thể thoát ra, càng chẳng thể tránh khỏi. Chẳng qua là do các người muốn bọn họ phải chấp nhận số phận và cúi thấp đầu xuống thôi."
(*) Tam tòng (三從) còn được đề cập trong sách Nghi lễ, Tang phục, Tử Hạ truyện: "Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử": Phụ nữ có đạo tam tòng, không được phép tự chuyên, chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con.
"Không có bất kỳ nữ tử nào cam tâm và nguyện ý làm thiếp cho người khác. A Âm thà rằng chỉ có được một khoảnh khắc hạnh phúc bên cạnh người để có thể thỏa lòng mong ước. Bởi vì ở trong lòng ta, tiểu hầu gia không giống với nam tử trong thiên hạ. Thế gian này chẳng ai sánh bằng người, cho nên ta thành kính ngước nhìn, dù cho ngày sau cả đời không gả chồng hay xuất gia làm ni cô cũng thế. Chỉ cần nhớ tới người, ta đều sẽ cảm thấy đời này đáng giá."
"Nhưng nếu như ngay cả người cũng muốn A Âm chấp nhận số phận, cúi thấp đầu xuống...."
Bên môi ta chứa đựng một nụ cười khổ sở, khẽ than nhẹ một tiếng: "Quân như bàn thạch, thiếp như bồ thảo (*), cứ coi như chúng ta chưa từng quen biết nhau đi."
(*) Lòng chàng cứng rắn như sắt đá, phận thiếp chỉ như cây cỏ hương bồ.
Lúc ta rời khỏi đình nghỉ chân, ánh mắt sâu thẳm của Ngụy Trường Thư lại lần nữa đặt lên người ta, y cau mày chẳng biết đang suy nghĩ cái gì.
Ra tới ngoài đình, ta chợt dừng bước lại, lúc này mới cười nhạo một tiếng.
Nếu ta nguyện ý chơi với y thì chắc chắn sẽ làm cho Khương Tri Hàm hiểu được rằng, những gì nàng có đều sẽ bị người mà nàng khinh thường và chán ghét cướp hết đi.
Đã làm người thì chung quy phải lương thiện một chút, có thế mới không dẫn lửa vào thân.
Lúc Tô thị tìm thấy ta, sắc mặt của bà ta đã mơ hồ hiện lên mấy phần không vui.
Nhưng dù gì bà ta cũng chỉ khẩu phật tâm xà thôi, rất nhanh đã lại bước tới nắm tay ta rồi nhỏ nhẹ thì thầm: "Con đi đâu thế? Vườn nhà họ Thẩm rộng như vậy, lại không có nha hoàn theo bên cạnh, con chớ có chạy đi lung tung."
Bà ta dẫn ta đi gặp vị Triệu thế tử của phủ Quận công kia.
Quả đúng như lời Thôi Cẩm Trạch nói, người nọ cũng có thể coi như là một công tử tuấn tú lịch sự. Gã nhìn ta không rời mắt, ánh mắt ấy đầy suồng sã, càn rỡ đánh giá ta từ đầu đến chân.
Sau đó gã ta khẽ mỉm cười thi lễ với Tô thị. Xem ra tên này khá là hài lòng với món hàng trước mắt.
Cọc hôn sự này coi như đã thành, Tô thị sung sướng vô cùng.
Sau đó bà ta chẳng thèm để ý đến ta nữa, sai một đứa nha hoàn theo bên cạnh ta, bảo ta nói vài câu trò chuyện với Triệu thế tử.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì Triệu thế tử này ngoại trừ hơi ngạo mạn chút thì hoàn toàn không thể nhìn ra khuyết điểm nào khác.
Nhưng sự thật rõ ràng là thực chất ở trong lòng gã, ta chẳng hề đáng để gã coi trọng.
Ai bảo xuất thân của cô trưởng nữ nhà họ Thôi như ta còn không trong sạch bằng một thứ nữ cơ chứ.
Chẳng qua lễ tiết mặt ngoài vẫn phải có, dù sao cũng còn đang ở nhà họ Thẩm, gã ta rất tùy ý đứng nói chuyện với ta mấy câu.
Biến cố xuất hiện bởi vì ta nhìn thấy Lam Quan.
Ấy vậy mà hắn lại xuất hiện trong khu vườn nhà họ Thẩm. Trên người hắn mặc trang phục dệt kim tối màu của cẩm y vệ, đầu quấn một dải mạt ngạch màu nâu, tay cầm bội kiếm, dáng người cao lớn, vòng eo thon chắc.
Hắn còn nhỏ tuổi hơn cả ta, trước giờ trong lòng ta luôn coi hắn là em trai của mình.
Hai năm qua đi, gương mặt xinh đẹp lộng lẫy và đôi mắt lấp lánh kia vẫn sạch sẽ và đơn thuần như ngày cũ, đẹp đẽ đến không từ nào tả nổi.
Chỉ là giờ phút này khi nhìn trông lại đây, trên mặt hắn tràn ngập sự bi thương và cơn thịnh nộ đang rực cháy, cùng với đó là vô tận ai oán buồn bã.
Ngay cả vành mắt cũng bắt đầu ửng đỏ.
Ta cứ tưởng rằng giây tiếp theo hắn sẽ chạy tới trước mặt ta, vừa tức giận vừa tủi thân nói với ta rằng: "Âm Âm, nhớ em."
Vậy mà chẳng ngờ hắn đã tiến bộ hơn trước, không lập tức tiến lên ôn lại chuyện cũ với ta mà là nhanh chân bước đến, giơ tay về phía ta ----
"Cho em."
Giọng nói trong trẻo, chỉ có hai chữ thôi mà từ miệng hắn nói ra lại đầy ắp xót xa, ngập tràn cảm xúc.
Lúc này ta mới chú ý tới bông hoa lan đang nở rộ mà hắn cầm trong tay.
Khoảnh khắc ấy ta đột nhiên có chút bùi ngùi.
Những năm đó chúng ta ở cạnh nhau, lúc cả hai cùng lên núi bắt rắn, hắn luôn thích hái một ít hoa cỏ rồi ngốc nghếch chìa tay ra đưa cho ta.
Ta nói ta không thích hoa. Những lúc như thế hắn sẽ mím môi rồi tự mình nói tiếp: "Đẹp."
Hôm sau hắn sẽ lại quên mất lời ta nói, vẫn cứ tiếp tục hái hoa đưa cho ta như trước.
Chẳng qua hoa lan trong vườn của nhà Thẩm công gia đều là giống quý hiếm, vậy mà cứ thế đã bị hắn ngắt luôn.
Lam Quan là một tên ngốc, nhưng mà hắn lại là tên ngốc bên người hoàng đế. Thế cho nên đến cả Triệu thế tử cũng phải cho hắn thể diện, gã chủ động thi lễ chào hỏi với hắn: "Diêu hộ vệ."
Tiếc là Lam Quan nào có nể mặt gã, hắn lạnh lùng liếc nhìn gã một cái rồi nói đúng một chữ: "Cút!"
Có lẽ vì đang đứng trước mặt ta nên vẻ mặt của Triệu thể tử lập tức đen xì, giọng nói cũng trở nên âm u, bắt đầu so đo với cả một tên ngốc.
"Diêu Kim An, cái thứ đấy tớ như ngươi cũng dám vênh váo, bản thế tử cho ngươi mặt mũi sao?!"
À đúng rồi, từ khi Lam Quan được nhà họ Diêu nhận làm nghĩa tử thì đã sửa lại tên. Bây giờ hắn họ Diêu, tên là Kim An.
Lúc ta ngỡ rằng hắn chẳng hề tiến bộ thì hắn lại có chút tiến bộ hơn trước.
Rồi lại ngay khi ta cho là hắn đã tiến bộ rồi thì hắn lại trở nên chẳng hề tiến bộ chút nào.
Quả nhiên là suy nghĩ của đồ ngốc, người thường không thể nào hiểu được.
Hắn nhìn thoáng qua Triệu thế tử, sau đó giật đóa hoa vừa tặng cho ta lại, quay ra đưa nó cho gã thế tử kia.
"Cho ngươi!"
Thấy Triệu thế tử vẫn chưa hiểu gì, hắn lặp lại lần nữa: "Cầm!"
Ấy mà khi Triệu Dần toan nhận lấy, ngón tay gã chỉ vừa chạm đến cánh hoa lan thì đã thấy Lam Quan chợt thay đổi sắc mặt, bàn tay cầm chuôi đao lập tức c h é m xuống, trực tiếp đánh cho gã ngã lăn ra đất. Ngay sau đó đôi mắt xinh đẹp của hắn hiện lên chút hung ác, đôi giày đen giẫm lên người gã, thậm chí còn hung hăng đá mạnh về phía lồng ngực.
Triệu thế tử bị đánh đến nỗi nôn cả ra máu, liên tục kêu la thảm thiết.
Động tĩnh quá lớn, có rất nhiều người đều tụ tập quanh nơi đây.
Công tử nhà họ Thẩm vừa nghe tin liền vội vàng chạy tới, nhìn thấy cảnh tượng trước mắt thì sắc mặt đột nhiên thay đổi: "Diêu hộ vệ! Dừng tay! Không thể đánh nữa!"
Nếu lại đánh tiếp, không chừng mạng cũng chẳng còn.
Vẻ mặt của Lam Quan vẫn lạnh lẽo như trước, công tử Thẩm hỏi hắn cớ gì lại làm thế, hắn vừa trịnh trọng vừa ngang nhiên nói: "Hắn cướp hoa của ta."
Đóa hoa lan kia vẫn đang lặng lẽ nằm trên mặt đất.
Còn ta đứng ở một bên, yên tĩnh không nói một lời.
Chỉ trong chốc lát, vô số ánh mắt lập tức đổ dồn vào người ta.
Bao gồm cả Ngụy tiểu hầu gia vừa đi tới cùng công tử Thẩm.
18
Mấy lời đồn đãi vớ vẩn nhanh chóng truyền khắp kinh thành.
Lời đồn nói rằng trưởng nữ mà Lễ bộ thị lang mới đón về kia, nhìn thì thành thật nhưng kỳ thực rất có thủ đoạn. Chẳng ngờ vị cô nương này còn có thể khiến cho ngự tiền đái đao thị vệ suýt chút nữa đã đánh chết thế tử của phủ Quận công.
Hôm đó khi vừa về tới nhà họ Thôi, cha ta Thôi Khiêm đã lập tức xông tới và chào hỏi ta bằng một bạt tai, chắc hẳn ông ta muốn cho ta một bài học nhớ đời.
Tiếc là đôi mắt của ta còn chẳng thèm chớp lấy một lần, trực tiếp rút thanh kiếm trong tay Hòe Hoa ra, c h é m rớt ba ngón tay của ông ta.
Giây phút đó tiếng kêu la thảm thiết vang vọng khắp nhà họ Thôi.
Tất cả người nhà họ Thôi đều có mặt ở tiền sảnh. Bà nội ngồi trên ghế chủ tọa, Tô thị, Dương di nương và một đám người khác đứng ở bên cạnh. Đám con cháu như Thôi Cẩm Trạch và Thôi Viện cũng đều ở hiện trường.
Vốn dĩ tất cả đều đang đợi để nhìn ta bị đánh cơ.
Thời khắc ba ngón tay của cha ta rơi xuống đất, bà nội run rẩy đứng lên, hung tợn chỉ vào mặt ta: "Bắt nó lại! Bắt nó lại! Cái thứ giết cha, giết chết nó ngay!"
Ta mỉm cười nhìn bà cụ, cũng chẳng mở lời phản bác.
Lúc đám gia đinh toan tiến lên truy bắt, Hòe Hoa đứng bên cạnh giơ phắt chiếc lệnh bài trên tay lên thật cao ---
"Lệnh bài ngự tứ của thánh thượng ở đây, ta xem ai dám lỗ mãng!"
Cục diện dần ổn định, người nhà họ Thôi trợn tròn mắt, Thôi Khiêm che bàn tay máu me đầm đìa lại, mồ hôi lạnh nhỏ thành giọt trên mặt đất.
Chỉ có Tô thị phản ứng cực nhanh, bà ta mất đi sự trấn định thường ngày, nổi điên lên la hét với cái giọng the thé: "Sao nó có thể có lệnh bài vua ban, nhất định là giả! Mau bắt nó lại ngay!"
Ta buồn cười nhìn bà ta: "Phụ thân đường đường là Lễ bộ thị lang, lệnh bài là thật hay là giả chỉ cần nhìn một cái là biết. Không bằng các ngươi đoán xem, tại sao ta lại có lệnh bài ngự tứ của thánh thượng?"
Chỉ một câu này cũng đã khiến sắc mặt vốn đã trắng bệch của Thôi Khiêm giờ lại càng nhợt nhạt hơn nữa.
Ngay cả huynh trưởng Thôi Cẩm Trạch kia của ta cũng sợ hãi nhìn về phía ta, không nói ra lời.
Ta chậm rãi nói: "Hôm nay ta hơi mệt, cha đi băng bó vết thương trước đi, mấy ngày nữa chúng ta lại chơi tiếp."
Ta dẫn Hòe Hoa trở về Đinh Lan Uyển, bỏ lại cảnh tượng la hét hỗn loạn kia ở đằng sau lưng.
Bây giờ cách ngày giỗ của mẹ ta còn không đến năm hôm.
Giờ phút này cho dù nhà họ Thôi có lập tức phái người tới Ung Châu điều tra lai lịch của ta thì e rằng cũng không kịp.
Huống hồ ông già Lý tri phủ kia cũng là một người vô cùng khôn ngoan.
Ta chẳng cần làm gì cả, cứ để bọn họ tự mình suy đoán đến kinh hồn bạt vía, rồi sau đó sự hoảng loạn và sợ hãi sẽ khiến những ý niệm xấu xa lớn dần theo thời gian.
Hòe Hoa nói: "Mấy hôm nay bọn họ có đưa thứ gì đến thì cô nương cũng đừng ăn."
Đó là điều đương nhiên! Bởi đã nhìn thấy quá nhiều chuyện thâm hiểm ác độc, chúng ta đều hiểu rằng sau khi nhà họ Thôi ngơi dần sợ hãi, việc đầu tiên bọn họ làm sẽ là tìm cách trừ khử ta.
Diệt trừ ta một cách thần không biết quỷ chẳng hay, sau đó thông báo với bên ngoài rằng trưởng nữ của nhà họ Thôi đã ốm nặng bỏ mình.
Tại sao khi đó lại phải đón ta trở về?
Tại sao lại phải gây sự với ta?
Tại sao lại phải hại mẹ ta cơ chứ?
Bà ấy yếu đuối như vậy, đến chết đều không thể trông thấy cao xanh của mình.
Thôi Khiêm xin phép ở nhà dưỡng bệnh, cổng phủ đóng kín, bọn họ một lòng muốn đưa ta vào chỗ chết.
Nhưng đã quá muộn rồi, bọn họ không giết được ta.
Ngoài Hòe Hoa ra thì bên cạnh ta còn có hai cô hầu nữ do Diêu phi phái tới. Các nàng là ám vệ, chuyện am hiểu nhất chính là giết n g ư ờ i trong vô hình.
Không cần ta ra tay, chỉ cần là người dám tiếp cận Đinh Lan Uyển đều sẽ không thể sống sót rời đi.
Năm ngày sau, câu chuyện chính thức mở màn.
Ngự tiền đái đao thị vệ Diêu Kim An dẫn người tới bao vây phủ thị lang. Một ý chỉ của Diêu phi hạ xuống, nhà họ Thôi đã hoàn toàn bị phong tỏa.
Đương kim thánh thượng long thể có bệnh nhẹ, bệnh tình triền miên kéo dài đã lâu. Công bộ thượng thư nói rằng bọn họ hoài nghi có người đã chôn con rối ở phía sông Hán Dương của kinh thành.
Thuật yểm thắng (*) luôn là kiêng kỵ của hoàng gia. Nghe nói Diêu quý phi xưa kia cũng đã chết một cách kỳ lạ vì bị đạo thuật này làm hại.
(*) Thuật yểm thắng: là việc nguyền rủa hoặc một câu thần chú để đạt được mục tiêu tốt hơn một người, đồ vật hay ác quỷ mà người thực hiện chán ghét. Đối tượng nguyền rủa hoặc kinh tởm là một vật phẩm trong và thường mang màu sắc.
Đêm hôm đó gió thu xào xạc, cũng là ngày mà mẹ ta từ giã cõi đời này.
Trong Đinh Lan Uyển, đêm vắng yên tĩnh, trăng tròn trên cao, hoa quế nở rộ.
Trên chiếc bàn trong nội viện bày biện bài vị của mẹ ta cùng với một thanh trường đao.
Trước bàn có một chiếc ghế thái sư, ta ngồi trên ghế, ngửa mặt nhắm mắt.
Trong sân có rất nhiều người, chỉ cần là con cháu của nhà họ Thôi thì đều bị Lam Quan dẫn người áp giải đến đây.
Gia đinh và hầu gái quỳ rạp đầy đất. Trên thanh xà ngang trong phòng có treo ba dải lụa trắng, chúng nó khẽ đung đưa, lặng lẽ chờ chủ nhân của mình đến.
Dương di nương, Tô thị và người bà dù biết rõ cô cháu gái được mình nuôi nấng bên người đã bày kế hãm hại mẹ ta nhưng lại vẫn cứ giả vờ câm điếc. Tất cả đừng hòng có ai mong thoát được khỏi nơi đây.
Bà nội đã lớn tuổi, ta hiếu thuận nên còn sai cả người tới cõng cụ bà đến.
Ta không phải người tốt nhưng làm việc vẫn chú ý ân oán rõ ràng.
Mẹ ta đã chết, ta còn sống.
Vậy thì chỉ cần mấy người này chết, ta cũng sẽ bỏ qua cho Thôi Viện và Thôi Thù.
Lúc ta ép các nàng treo cổ trên xà nhà, trong sân vang vọng bao tiếng kêu gào khóc than.
Chỉ mới năm ngày mà Thôi Khiêm đã già đi rất nhiều, ông ta trợn mắt, nghiến răng nghiến lợi hỏi đi hỏi lại ta: "Đồ khốn nạn! Nhà họ Thôi chưa từng bạc đãi ngươi, thế mà ngươi lại muốn dồn người trong nhà vào chỗ chết!"
Bài vị của mẹ ta vẫn còn đang bày trong sân, vậy mà ông ta còn dám hỏi ta mấy câu thế này.
Buồn cười thật đấy!
Đã giả bộ mù lòa nửa đời rồi, vậy thì hãy cứ mù lòa suốt cuộc đời này luôn đi!
Ta khẽ bật cười lạnh lẽo, ngay sau đó ta bước tới trước mặt ông ta, tay nắm chuôi kiếm, vung lưỡi kiếm ra chém mù đôi mắt của ông ta.
Một tiếng kêu gào đau đớn đến thảm thiết lại vang lên.
Thôi Cẩm Trạch đứng ở một bên gào thét tên ta trong nỗi uất hận, gào đến độ khóe mắt muốn rách cả ra, cả người nửa điên nửa tỉnh, hận không thể ăn sống nuốt tươi ta ngay lập tức ----
"Thôi Âm! Thôi Âm! Ta giết ngươi!!"
Ta lại bật cười lần nữa, đứng trên cao nhìn xuống hắn, khẽ hừ một tiếng: "Đồ chó chết, ngươi cũng xứng sao?"
Thôi Viện và Thôi Thù đã sợ vỡ mật, chỉ biết run rẩy khóc lóc.
Nha hoàn, người hầu quỳ đầy sân, ta hỏi: "Có ai biết hát Bái Nguyệt Đình không?"
Vậy mà thật sự có một tiểu nha hoàn run rẩy giơ cánh tay lên. Tuổi tác của cô bé này không lớn, chỉ tầm mười hai tuổi, hệt như ta vào năm mà mẹ ta treo cổ tự vẫn.
Ở trong phòng, có người đang giúp bọn họ treo cổ.
Ở ngoài sân, tiếng kêu khóc mắng chửi chẳng dứt bên tai, có một tiểu nha hoàn lí nhí hát Bái Nguyệt Đình.
Ánh trăng tỏ sáng ngời, ta ngơ ngác nhìn lên bầu trời, nước mắt bỗng rơi đầy mặt.
Mẹ ơi, mẹ có nhìn thấy không?
Hôm nay, nhi là cao xanh của mẹ.
(*) Nhi: Đứa con — Con. Tiếng con cái xưng với cha mẹ
(**) Nguyên văn từ cao xanh là 青天 (thanh thiên), xuyên suốt cả truyện tác giả có ý ẩn dụ từ thanh thiên này với ông Bao Thanh Thiên, ý chỉ nỗi oan khuất mong mỏi sẽ có người làm chủ để được rửa sạch tiếng ác.