Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Trong chuyến bay từ Trung Quốc sang Mỹ, Ngải Mễ thực sự không biết viết gì, một là không có bộ phim nào khiến cô tức cảnh sinh tình, hai là trên đường đi, cô buồn ngủ díp mắt, gần như không còn đủ tỉnh táo để ôn lại chuyện cũ, ít nhất là không tỉnh táo đến mức có thể nhớ lại và viết ra được mấy chục, mấy trăm nghìn chữ. Có lẽ do mấy ngày trước, cô phấn chấn quá nên ngủ không ngon, do đó lên máy bay là bắt đầu ngủ gật.
Kể cả những lúc không ngủ thì đầu óc cô cũng chẳng nảy ra được ý tưởng gì, thế nên đối với cô, chuyến bay quốc tế đường dài này tựa như con rồng Trung Quốc, “ngủ yên hàng trăm năm”, đến thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan mới “bừng tỉnh”.
Người ra đón cô đương nhiên không phải là Jason, nếu là Jason thì câu chuyện đã không được viết thế này. Hơn nữa, đối với một người năm, sáu năm trước mới chân ướt chân ráo từ Trung Quốc sang Mỹ như Ngải Mễ, cái tên Jason không có ý nghĩa đặc biệt gì, vì chàng trai mà cô quen, tên tiếng Anh không phải là Jason mà là Allan, dĩ nhiên tên tiếng Trung không phải là Giang Thành, mà là Thành Cương. Jason và Giang Thành đều là tên anh dùng sau này, có thể là do muốn né tránh người quen, hoặc là muốn thể hiện quyết tâm đã cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, thay đổi hoàn toàn, làm lại từ đầu.
Bất luận là nguyên nhân nào, Ngải Mễ đều cho rằng đáng phải tét mông.
Hồi mới sang Mỹ, Ngải Mễ còn chưa biết Allan đang học ở trường Đại học C mà cô chuẩn bị đến. Lâu lắm rồi cô không có tin tức gì của anh và cũng lâu lắm rồi cô không bỏ công tìm hiểu thông tin về anh. Tục ngữ nói: “Không có điều gì bi ai hơn trái tim đã chết”, Ngải Mễ không muốn để trái tim mình chết đi nên đã tự an ủi mình rằng: “Coi như anh ấy đã chết.”
Nhưng cô cũng chỉ “coi như” được một lúc, cô biết chắc chắn là anh chưa chết mà đang sống ở một vùng đất nào đó tại Trung Quốc. Anh có khả năng đặt chân đến mọi tỉnh thành, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, chỉ duy có ra nước ngoài là không thể, vì anh học văn học so sánh, và ở Trung Quốc, rất nhiều người làm nghiên cứu văn học so sánh đều rơi vào khoa Văn, mà người ở khoa Văn thì làm sao ra nước ngoài được? Dĩ nhiên là cũng có, nhưng thường phải đổi ngành, nếu không, vượt ngàn dặm xa xôi sang Mỹ học tiếng Trung hoặc văn học Trung Quốc thì quả là chuyện rất khôi hài.
Khi làm nghiên cứu sinh với thầy hướng dẫn là bố Ngải Mễ, đề tài mà Allan làm là nghiên cứu thi học, nhưng bạn đừng nghĩ anh ấy là một nhà thơ, như lời anh ấy nói thì anh ấy không những không phải “nhà thơ”, mà ngay cả người viết tản văn cũng không phải, cùng lắm thì cũng chỉ được coi là “nhà tạp văn”.
Thi học (Poetics) thực ra có nghĩa là lý luận văn học, hay nói cách khác, Allan làm nghiên cứu so sánh về lý luận văn học của Trung Quốc và phương Tây. Anh ấy nói, khoảng cách giữa anh với nhà văn và tác phẩm có thể dùng cụm từ “bắn đại bác bảy ngày chưa tới” để so sánh, vì những người làm phê bình văn học đều thích chỉ trích, phê bình những tác phẩm văn học mà người khác phải mất bao tâm huyết mới viết ra được, còn người làm nghiên cứu so sánh lý luận văn học lại chỉ tay năm ngón đối với những bài phê bình văn học mà các nhà phê bình hao công tốn sức viết ra. Vậy ai sẽ là người vạch lá tìm sâu với những người làm nghiên cứu so sánh lý luận văn học đây?
Ngải Mễ nói: “Dĩ nhiên là người yêu hoặc vợ họ thôi, thế nên mới nói các cô này chính là thẩm phán cuối cùng của các tác phẩm văn học.”
Không thích chỉ tay năm ngón với người khác là nguyên nhân khiến Allan phải từ bỏ con đường nghiên cứu văn chương để theo ngạch kinh doanh. Câu nói mà anh tâm đắc là: Bản thân mình không viết ra được những tác phẩm văn học hay thì thôi, lại còn già mồm chỉ trích, phê phán tâm huyết, công lao của người khác ư? Như thế cũng hơi quá đáng thật! Còn những người đi theo ngành nghiên cứu so sánh lý luận văn học thì chỉ tay năm ngón trước những bài viết chỉ tay năm ngón của người khác, như thế lại càng quá đáng hơn.
Những lúc bên nhau, Allan thường hỏi Ngải Mễ rằng, nếu thế gian này không có phê bình văn học thì văn hóa Trung Quốc sẽ không tồn tại ư? Nếu không có ai đánh giá, bình luận về bộ Hồng lâu mộng thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Ngải Mễ không trả lời được những câu hỏi kiểu này, nhưng hồi ấy Ngải Mễ trẻ trung, hiếu thắng, không bao giờ chịu thừa nhận thế gian này lại có câu hỏi mình không trả lời được, thế nên lúc nào cũng đáp rất hùng hổ: “Nếu không có ai bình luận, đánh giá về Hồng lâu mộng thì các nhà “Hồng học” mưu sinh kiểu gì? Nếu không có phê bình văn học thì bố em dựa vào nguồn nào để kiếm tiền nuôi gia đình?”
Allan liền cười, nói: “Ghi lại câu này nhé, sau này khi biên soạn cuốn Danh ngôn Ngải Mễ nhớ đưa vào đấy.”
Thế nên Ngải Mễ cho rằng Allan là công dân yêu nước hạng nhất, dù có đánh chết cũng không ra nước ngoài. Sau khi bố mẹ Allan di cư sang Canada, họ đã nhiều lần khuyên anh sang đó, làm visa thăm thân hay visa công tác đều được, tóm lại là chỉ cần ở gần bố mẹ là được. Nhưng Allan không đồng ý, anh nói: “Một người học tiếng Anh, học Văn như con, sang đó thì làm được gì? Sang dạy người Canada nói tiếng mẹ đẻ của họ hả? Hay là dạy họ văn học Trung Quốc?”
Tinh thần yêu nước này là đáng biểu dương, thời điểm ấy, Ngải Mễ cũng rất ủng hộ, vì cô không muốn anh sang Canada, sợ anh mà đi thì cô không bao giờ gặp lại anh nữa, thế nên lần nào cô cũng nhiệt tình tán thành suy nghĩ này của anh, đọc được câu chuyện nào viết về người Trung Quốc di cư sang Canada nhưng cuộc sống chẳng ra gì là lại mang ra, thêm mắm dặm muối kể cho anh nghe. Đầu tiên anh còn chăm chú nghe, nhiều lần như vậy, anh liền trêu cô: “Ngải Mễ, em không cần phải làm công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước với anh đâu, anh sẽ không bao giờ đặt chân sang đó. Chỉ sợ một ngày nào đó em lại thay đổi ý định và chạy ra nước ngoài thôi.”
Lời nói đùa lại biến thành lời sấm truyền, bây giờ đúng là cô xuất ngoại thật.
Ngải Mễ nghĩ, hoàn cảnh của cô khác Allan, cô học văn học Anh Mỹ, cô không ra nước ngoài thì còn ai ra? Lấy bằng tiến sĩ văn học Anh Mỹ trong nước, có ai coi ra cái gì đâu?
Nếu đã học văn học, ngôn ngữ của người ta thì phải sang đại bản doanh của người ta học. Từ lâu Ngải Mễ đã hạ quyết tâm sang Mỹ học tiến sĩ nhưng cũng như mọi quyết tâm khác của cô, lúc nghĩ thì rất hào hứng, quyết tâm cao độ, đợi đến khi phải bắt tay vào công việc thì lại sợ khổ, sợ chết, sợ mệt, sợ thua, sợ thế này, sợ thế kia, vậy là hồi lâu vẫn án binh bất động. Sau đó, một cơ hội tình cờ đã khiến cô thực hiện được quyết tâm sang Mỹ này.