Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
tháng Mười, hồi II
Bảy giờ sáng.
Dịch A Lam và Châu Yến An lên máy bay phản lực cỡ nhỏ đến thẳng Trung tâm R&D; tổ trưởng và vài phó tổ trưởng đều có mặt, một đêm thức trắng đã khiến ai nấy thoạt nhìn cũng ủ dột.
La Thái Vân đã đánh tiếng với Trung tâm trước; có vẻ như đây chỉ là một buổi sáng bình thường, nhưng trên thực tế là trong tình trạng báo động cao độ: không ai được phép rời đi hoặc truyền tin tức ra ngoài.
Bộ phận phòng, chống gián điệp trực thuộc Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng thành lập tổ công tác ngay nửa đêm, dự định tiến hành điều tra toàn diện nơi này.
Tin tức về cái chết đột ngột của Trình Tư Nguyên đã được ém xuống, những nhân viên liên lạc mà Nghiêm Phi liệt vào diện tình nghi tạm thời chịu kiểm soát, các nhân viên khác cũng được yêu cầu ở lại trung tâm và không di chuyển trừ phi thực sự cần thiết.
Trên máy bay, Nghiêm Phi nói: "Trung tâm R&D có tổng cộng sáu nhân viên liên lạc, làm việc theo cặp.
Họ thay phiên trực ban trong phòng viễn thông, có thể giám sát lẫn nhau.
Ngoài ra, nhiều thiết bị được đặt theo mật khẩu cá nhân.
Với cơ chế này, nếu thực sự có một điệp viên thư tín thì thông tin hữu ích có thể truyền ra ngoài cũng khá hạn chế.
Có lẽ đây là nguyên do tại sao Trung tâm R&D vốn luôn chú trọng bảo mật thông tin, lại không phát hiện có nội gián."
Hắn cầm trên tay một xấp tài liệu, là sơ yếu lý lịch của sáu thông tín viên.
Phòng phản gián đang điều tra tình hình tài chính của sáu người và họ hàng thân thích của họ trong những năm gần đây, thông tin cụ thể sẽ được truyền đến máy tính xách tay của Nghiêm Phi sau.
Tuy nhiên, xét trên dữ liệu hiện tại thì sáu người này đều là những cá nhân được sàng lọc kỹ lưỡng, lý lịch chính trị sạch sẽ, dẫu ai phản quốc cũng rất đáng trách.
La Thái Vân hạ ghế, nhắm mắt nghỉ ngơi.
Bà tuồng như không nghe thấy Nghiêm Phi nói, nhưng từ đầu đến giờ hàng mày vẫn cau chặt lại.
Dịch A Lam một lần nữa đến Trung tâm R&D bên rìa dãy Thanh Vân.
Tòa nhà chính nửa nằm trên mặt đất, nửa khuất dưới lòng đất; kéo dài đến tận vào trong núi rỗng.
Ngay cả sân bay cũng được "cắm xiên" xuống dưới.
Những con chiến đấu cơ tốt nhất sẽ trượt ra khỏi nhà chứa của sân bay ngầm, và phi thẳng lên trời trong giai đoạn bay thử.
Nếu vệ tinh do thám của quốc gia khác đi lướt qua, cũng chỉ nghĩ rằng đây là một căn cứ Không quân bình thường.
Chào đón họ là Tống Duệ – kỹ sư trưởng của Trung tâm R&D, đã ngoài sáu mươi.
Dẫu tóc điểm bạc nhưng trông ngài vẫn quắc thước, đôi mắt sáng tràn đầy sức sống.
Sau khi bắt tay chào hỏi mọi người, ngài đưa họ ra sảnh, đi thang máy xuống tầng dưới cùng của không gian ngầm, rồi băng qua dãy hành lang phức tạp đến một căn phòng khuất.
Nơi đó đặt thi thể của Trình Tư Nguyên.
"Là cậu ấy ư?" Tống Duệ hỏi.
Dịch A Lam là người duy nhất thực sự nhìn thấy Trình Tư Nguyên.
Y bước lên nhìn xuống: gương mặt này thật đỗi sạch sẽ, kinh nghiệm quân ngũ nhiều năm khắc lên dáng vẻ non nớt của anh ta nét kiên cường hiên ngang; nhưng thực tế tàn khốc vào năm giờ đồng hồ trước đã phủ một lớp tàn tro lên khuôn mặt của viên phi công này.
"Là anh ta." Dịch A Lam cúi đầu lui về sau.
"Cậu ấy là một phi công xuất sắc." Tống Duệ thở dài thườn thượt, không tiếc bày tỏ lòng yêu mến với nhân tài đất nước.
Ngài dẫn mọi người đi qua hành lang có hệ thống an ninh được bố trí chặt chẽ, đồng thời ra hiệu Châu Yến An kể lại trận chiến giữa anh và Trình Tư Nguyên trong ngày 32.
Khi Châu Yến An đã thuật lại hết từ đầu chí cuối, cũng là lúc họ đặt chân đến nhà chứa máy bay dưới lòng đất của Trung tâm R&D.
Tống Duệ quẹt thẻ bước vào, vài chiếc máy bay chiến đấu mới với hình dáng tinh xảo đập thẳng vào mắt mọi người dưới ánh đèn vàng nhạt.
Dịch A Lam và Châu Yến An đã quá quen với con chiến đấu cơ màu xám đặt ngay trung tâm.
Nó đứng lặng lẽ, song lại dễ dàng gợi lên tư thế oai hùng trên không trong tâm trí hai người.
Tống Duệ đứng trước máy bay chiến đấu này, nhìn lên các đường nét được thiết kế tỉ mỉ của nó.
Nếu săm soi cẩn thận, có thể thấy bề mặt của máy bay không bằng phẳng như cát.
Điều này nhằm giảm diện tích phản chiếu sau lớp sơn tàng hình hấp thụ sóng radar, mục đích cuối cùng vẫn là làm chức năng tàng hình mạnh hơn.
Mặc dầu Châu Yến An đã nhiều lần mô tả chi tiết về dòng máy bay chiến đấu vừa xuất hiện trong ngày 32, nhưng Tống Duệ vẫn hỏi: "Đây có phải là chiếc mà Trình Tư Nguyên đã lái vào lúc đó không cháu?"
Châu Yến An khẳng định: "Vâng, đúng rồi ạ."
Tống Duệ gật đầu, đôi mắt vẫn nhìn chăm chú vào nó: "Con này được gọi là Hậu Nghệ.
Nó là thế hệ đầu tiên của loạt máy bay chiến đấu mới được kỳ vọng cao.
Việc cô lập thông tin trong Trung tâm R&D của chúng tôi luôn được thực hiện tốt, các nhóm dự án rất khó biết được nội dung và tiến độ nghiên cứu phát triển của nhau.
Nhưng cái gì cũng có trường hợp ngoại lệ.
Hậu Nghệ là một trong số đó.
Đa phần người ở Trung tâm đều biết con máy bay chiến đấu sắp được đưa vào sản xuất hàng loạt này.
Nó là dòng chiến đấu cơ tiên tiến nhất, cũng như hoàn thiện nhất tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển của chúng tôi."
Tống Duệ quay đầu nhìn Châu Yến An: "Nhưng ngoài các nhân viên R&D và phi công thử nghiệm của nó, rất ít cá nhân biết Hậu Nghệ kỳ thực là một máy bay chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR)."
Dịch A Lam đứng bên trái Châu Yến An, thành thử không trông thấy nét mặt anh; nhưng y cảm nhận được sự rung động của Châu Yến An khi Tống Duệ vừa dứt lời, đồng thời cũng nhìn thấy biểu cảm khác lạ của La Thái Vân và Nghiêm Phi.
Tống Duệ dường như nhìn thấu vẻ bối rối của y, bèn giải thích: "Máy bay chiến đấu BVR, như tên gọi của nó, thực hiện các cuộc tấn công ngoài tầm nhìn trên không.
Hậu Nghệ tương tự như các chiến đấu cơ BVR khác, mặc dù được trang bị khả năng cận chiến nhất định nhưng chắc chắn kém xa so với các dòng máy bay chiến đấu thông thường, chẳng hạn như Swift 10.
Về không chiến tầm xa, do tên lửa có tỷ lệ trúng đích thấp và dễ gây nhiễu, nên nó cũng đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của máy bay trinh sát, đài radar mặt đất và vệ tinh, mới có thể phát huy tối đa hiệu quả chiến đấu đáng kinh ngạc của mình."
Việc thiếu lượng lớn nhân viên khai thác mặt đất trong ngày 32 khiến máy bay trinh sát, radar, vệ tinh,...!không cách nào hỗ trợ cho chiến đấu cơ BVR, điều này tương đương với việc bẻ gãy cánh của Hậu Nghệ.
Có thể nói, Hậu Nghệ trong ngày 32 có chút vô vị so với những không hạm khác tại Trung tâm R&D.
Trình Tư Nguyên với tư cách là một phi công thử nghiệm, phải rất rõ điều này.
Nhưng tên cộng sự bí ẩn kia, thì lại chưa chắc.
Theo đánh giá của người nọ, Trình Tư Nguyên điều khiển chiếc máy-bay-chiến-đấu-tốt-nhất do Trung tâm R&D tung ra, không bị động hay cần nhượng bộ, nên nếu máy bay của anh bị bắn hạ thì chỉ có thể do trình độ "gà" hơn người khác.
Tống Duệ chỉ vào một chiến đấu cơ cỡ trung khác cách đó không xa, "Đó là một trong những con tốt nhất về cận chiến.
Nếu Trình Tư Nguyên lái nó, cho dù chưa hoàn thiện thì con Swift 10 hai chỗ do một phi công không chuyên vận hành, chẳng là cái thá gì trong mắt cậu ấy."
Trình Tư Nguyên, hóa ra anh ta đã chuẩn bị tâm lý hy sinh từ lâu.
Dịch A Lam rốt cuộc hiểu được vì sao giọng điệu của Tống Duệ vừa rồi lại man mác buồn, Trình Tư Nguyên quả thật là một phi công xuất sắc.
Anh ta có trong mình một tình yêu cao thượng không gì sánh bằng, từ đầu chí cuối đều quyết bảo vệ phẩm giá của bản thân và đất nước dẫu phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Dịch A Lam thoáng nhìn Châu Yến An, ánh mắt của anh vẫn dán vào đôi cánh rộng của chiếc máy bay kia.
Dường như anh cố tình để cho bóng đen của nó bao phủ mình.
Anh đứng yên như một pho tượng điêu khắc; mà cũng trông như một lá cờ đơn bạc, có thể cuốn theo chiều gió bất cứ lúc nào.
Dịch A Lam nghe tiếng tim mình thắt lại.
Cùng với bầu không khí trầm mặc, khả năng Trình Tư Nguyên cấu kết với thế lực bên ngoài đã được loại trừ hoàn toàn.
Trung tâm R&D vốn được coi là nơi có tính bảo mật cao, đang tồn tại một tên nội gián.
Sự chuyên nghiệp của Nghiêm Phi khiến hắn nhanh chóng thoát khỏi cơn bất lực u ám.
Hắn đi vòng quanh và quan sát từng linh kiện của Hậu Nghệ.
Máy bay chiến đấu BVR nói chung là loại không hạm hạng nặng với tải trọng lớn.
Hậu Nghệ thoạt trông có kích thước trung bình, vì radar hiệu suất cao mà nó mang theo chiếm hầu hết tải trọng, và vũ khí cất chứa còn hạn chế, đâm ra không thích hợp cho chiến đấu trường kỳ.
Ưu điểm chính của Hậu Nghệ nằm ở sự linh hoạt trong giai đoạn cất cánh.
Đúng như tên gọi, "Hậu Nghệ xạ nhật" – khi kẻ địch chưa kịp phản ứng thì nó đã nhanh chóng kết liễu đối phương chỉ bằng một đòn tấn công.
Hình dáng nhỏ bé của nó là một "cú lừa thị giác", hơn nữa Châu Yến An chỉ là "phi công tay ngang", làm sao phân biệt được bản chất của Hậu Nghệ khi đó.
Và hiển nhiên, tên cộng sự bí ẩn kia cũng chẳng nhìn ra sự khác biệt.
Nghiêm Phi đăm chiêu, "Tuy rằng nhiều người không biết Hậu Nghệ là chiến đấu cơ BVR, nhưng nếu những người từng nghiên cứu về máy bay tiêm kích thì chỉ cần quan sát kỹ một chút, vẫn có thể phát hiện manh mối từ đuôi, cánh và động cơ.
Phải chăng điều này nói lên, rằng tên nội gián thực ra không có kiến thức đầy đủ về máy bay chiến đấu?"
Tống Duệ gật đầu: "Có thể nói như vậy."
Nghiêm Phi: "Thế câu hỏi đặt ra, nếu hắn là gián điệp do quốc gia khác cài vào hoặc do cá nhân xúi giục, và đối tượng còn là Trung tâm nghiên cứu phát triển vũ khí Không quân, muốn người ta lấy thông tin thì tại sao không trau dồi khả năng hiểu biết của hắn trong lĩnh vực này? Gọi một người có kỹ thuật đào tạo hắn lấy tình báo, đâu phải việc gì khó."
Lư Lương Tuấn nói theo: "Vậy không phải gián điệp được huấn luyện đặc biệt rồi.
Có lẽ hắn chỉ vừa nổi điên sau khi ngày 32 xuất hiện thôi."
"Còn một khả năng khác." Nghiêm Phi nhìn Tống Duệ và La Thái Vân.
"Gián điệp tới đây chẳng phải vì vũ khí Không quân, mà vì Kế hoạch S.
Tính chuyên môn của hắn không nằm ở mặt này, mà nằm trong nội dung của bản kế hoạch đó."
"Kế hoạch S gì cơ?" Lư Lương Tuấn đực mặt ra.
Trái lại, Tống Duệ và La Thái Vân cùng tỏ vẻ tán thành ý kiến này.
"Thú thật, tôi cũng chẳng biết Kế hoạch S là gì." Nghiêm Phi nhún vai.
"Đây là một kế hoạch độc lập và có tính bảo mật cao.
Với tư cách là phó cục trưởng Cục Tình báo, tôi chỉ có quyền biết sự tồn tại của kế hoạch này thôi."
La Thái Vân nói: "Nếu người nọ thực sự đến vì Kế hoạch S, vậy cũng có thể giải thích tại sao hắn chọn Trình Tư Nguyên ngăn cản Châu Yến An, thay vì bỏ chạy ngay khi phát hiện máy bay chiến đấu của Châu Yến An đến gần.
Hắn vẫn chưa thu được thông tin về Kế hoạch S.
Hắn cần ở lại Trung tâm R&D, và không cho phép nơi này bị phá hủy trong ngày 32."
Lư Lương Tuấn hỏi: "Nghĩa là, bây giờ chúng ta cần hiểu rõ Kế hoạch S mới có thể bắt được nội gián?"
La Thái Vân không trả lời câu hỏi của hắn, chỉ bảo: "Nếu quả thật liên quan tới Kế hoạch S, càng ít người biết càng tốt."
Tống Duệ gật đầu: "Đã vậy, mời các vị phó tổ trưởng nghỉ ngơi trước.
Tôi sẽ dẫn tổ trưởng La Thái Vân và hai đứa nhỏ này đi xem Kế hoạch S." Ngài chỉ vào Dịch A Lam cùng Châu Yến An.
Nghiêm Phi và Trần Nhữ Minh không có ý kiến gì, họ đã quen với các hình thức bảo mật như thế.
Trước khi rời đi, Lư Lương Tuấn thình lình nhắc: "Nếu ngày 32 là một cú lừa thế kỷ, và mục đích của họ quả thật là Kế hoạch S, thì không bao lâu nữa thôi, họ sẽ thành công."
Tống Duệ nở nụ cười bí hiểm: "Tôi có cách của mình."
Dịch A Lam duy trì trạng thái im lặng từ đầu đến cuối.
Y hiểu một điều, rằng sau khi gia nhập Tổ công tác khẩn cấp Ngày 32, những gì nên biết y sẽ được biết, những gì không nên biết thì tốt nhất đừng tò mò.
Thực ra ngay lúc này, y quan tâm đến Châu Yến An hơn là Kế hoạch S ra vẻ bí ẩn mà mình chưa từng nghe thấy khi đến Trung tâm R&D học bẻ khóa lần trước.
Và khi y hướng ánh nhìn vào Châu Yến An lần nữa, tuồng như anh đã trở lại trạng thái vốn là: bình tĩnh, ôn hòa và sẵn sàng đối mặt với những thử thách khó khăn hơn.
Hết chương 44.