Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Trong tiếng cười rộn rã muốn bay nóc lớp, thầy Tần bảo Tạ Lan ngồi xuống rồi trở lại bục giảng, vỗ bàn: “Được rồi. Đại thần Toán cần cố gắng hơn ở môn Văn nhé! Bạn vừa về nước, cả lớp phải giúp bạn nhiều vào.”
Cả lớp cùng đáp “dạ”, có bạn nam lên tiếng góp vui: “Thầy khổ quá nhờ, ước mơ cải lão hoàn đồng thất bại rồi!”
“Vẫn thành công chứ.” Thầy Tần mỉm cười: “Cảm ơn bạn Tạ Lan đã giúp thầy trẻ ra mười tuổi, thầy cười sáng đêm khỏi ngủ.”
Bên dưới lại cười ầm lên, thầy Tần ngồi xuống chấm bài, chẳng mấy chốc lớp học đã im ắng.
Tạ Lan hơi cạn lời.
Không phải cậu yếu tim, mà chỉ cạn lời với điểm thi thôi.
Văn viết 6 điểm, sáu câu trắc nghiệm cậu làm kiểu vô tri đúng được hai câu, là 6 điểm nữa, tự luận đúng lắc nhắc thêm 4 điểm, tổng cộng được hẳn 16 điểm.
Cũng không đến nỗi nào, nhỉnh hơn 1 điểm so với dự đoán, nhưng câu điền khuyết thơ cổ sai hơi oan. Trong mười câu rõ ràng có câu “Trời sinh ra ta, tất sẽ có chỗ dùng đến ta” [1], cậu biết làm nhưng cuối cùng hưởng nguyên cái gạch chéo đỏ chót.
[1] Bài thơ “Xin mời rượu” – Lý Bạch.
Tạ Lan bấm điện thoại tra được nguyên văn câu dưới là: Ngàn vàng tiêu hết rồi cũng có lại.
Đậu Thịnh hỏi: “Câu này cho điểm mà, cậu trả lời sao vậy?”
Tạ Lan úp màn hình theo phản xạ: “Dòm điện thoại tôi chi?!”
“Lỡ liếc thấy thôi.”
Tạ Lan hơi bực: “Nói chung là sát đáp án lắm, thiếu 1 điểm nữa là lên 17 rồi.”
“Tiếc thật.” Đậu Thịnh tặc lưỡi hùa theo, đang định nằm xuống ngủ tiếp thì vô tình thấy bài thi của cậu, vẻ mặt anh thoáng chốc như bị xịt keo.
Đề: Trời sinh ra ta, tất sẽ có chỗ dùng đến ta.
Đáp án của Tạ Lan: Ngàn vàng tiêu hết rồi thì hết luôn.
Đậu Thịnh mò trên bàn cả buổi tìm được chiếc lá ngô đồng, lật lại, viết năm chữ: Chỉ thiếu có ‘một’ chút[2].
[2] Chỗ này Đậu chơi chữ chọc Lan bảo chỉ sai có một chút (一点) [yīdiǎn] nhưng mà lại một trời một vực cái ‘một chút’ đó (亿点) [yìdiǎn]
Tạ Lan: “…”
Tiết tự học vô cùng yên ắng nhưng có hai người đang lo ra, một người ngồi bên trái Tạ Lan, người còn lại ở bàn đầu kia đang nằm sắp, đó là Trần Khả.
Hết hai tiết Văn, thầy Tần ôm bài thi đi ra. Trước khi đi, ông dừng trước cửa lớp.
“Thầy muốn nhắn nhủ với các em đôi điều.” Thầy nhìn mọi người: “Sắp chia lớp rồi, theo cách chia khối tự nhiên năm nay sẽ có vài bạn đổi sang lớp chuyên A, một số phải chuyển sang lớp khác theo thứ hạng. Các bạn đang ngồi đây đều là những học sinh đã làm nên thành tích vẻ vang cách đây một năm rưỡi của thành phố, thầy mong các em đừng quên lý tưởng lúc vừa lên cấp ba, dù sau này có đi đâu về đâu…”
Ông ấy dừng lại, nhìn về phía cửa sau, nhấn mạnh từng chữ một: “Cũng đừng bỏ cuộc.”
Tạ Lan vô thức quay đầu lại, Trần Khả trông có vẻ xúc động khi nghe được ba chữ đừng bỏ cuộc, nhưng cậu ta nhanh chóng cúi người cầm quả bóng rổ dưới đất lên, ra khỏi lớp bằng cửa sau.
Lão Tần cũng đi, lớp học thoáng chốc nhốn nháo ầm ĩ.
Tay trái Tạ Lan bỗng dưng bị chọt.
Đậu Thịnh rụt ngón trỏ về: “Tớ có một lời khuyên nho nhỏ siêu thân thiện, cậu muốn nghe hông?”
“Không.” Tạ Lan xụ mặt ngay, cúi đầu lật sách.
Đậu Thịnh nói tiếp: “Mỗi cuối tuần trường sẽ tổ chức học phụ đạo tự nguyện, chắc sắp mở đăng ký để lập danh sách rồi đó.”
Tạ Lan hơi khựng.
Đậu Thịnh lại bảo: “Ngữ Văn có một lớp cơ bản nhưng trùng giờ với lớp phụ đạo cho cuộc thi môn Toán, cậu suy nghĩ đi nhé.”
Tạ Lan tiếp tục lật sách: “Để sau tính.”
Thật ra cậu đã lung lay.
Muốn cải thiện môn Văn thì cần một quá trình dày công tôi luyện, đọc được, viết được chỉ là phần nhỏ, quan trọng là phải tích lũy kiến thức. Ngôn ngữ đâu phải cứ nhồi nhét vào đầu là hiểu ngay được, có giáo viên dẫn dắt sẽ thuận lợi hơn.
Hai tiết sau của buổi sáng là môn Toán.
Thầy Mã ôm bài thi vào lớp, hội cú mèo cảm động đến khóc hu hu trước sự chuyên nghiệp chấm bài siêu tốc của ông. Khi cán sự môn Toán – Xa Tử Minh – run rẩy chép dòng “Điểm trung bình: 108” lên bảng đen, cả đám lại khóc to hơn nữa.
Thầy Mã thổi trà kỷ tử trong bình giữ nhiệt, nở nụ cười hết sức hiền từ: “Bài kiểm tra đợt này khó bằng một phần ba bài thi thật, thầy cũng không bất ngờ khi điểm của các em như vậy. Ý nghĩa tồn tại của lớp Toán Lý A chính là nhắm vào các trường đại học, cao đẳng tự chủ tuyển sinh, kể từ bây giờ tình huống này sẽ như cơm bữa, các em phải bình tâm đón nhận. Hôm nay thầy sẽ sửa mười sáu câu trắc nghiệm điền khuyết trước, thắc mắc gì thì cứ hỏi thầy.”
Tốc độ sửa đề của thầy Mã không quá nhanh, logic, ngắn gọn và súc tích, mở rộng đúng chỗ, chỉ ra đúng lúc. Tạ Lan nhìn lướt qua các hàng trước, những người học giỏi đều ngồi thẳng tắp, ngay cả Vu Phi suốt ngày ôm tường cũng thẳng lưng như cây cột, còn đeo cả kính vào, Đậu Thịnh thì xé tờ giấy để ghi chú.
Tới giờ ra chơi, ai đi vệ sinh thì bước khẽ ra ngoài, số còn lại tiếp tục cắm cúi giải đề, im lặng hơn cả tiết tự học buổi sáng.
Tạ Lan đang rúng động trước bầu không khí học tập đầy áp lực này thì thấy thầy Mã vừa cầm bình giữ nhiệt, vừa cười tít mắt đi tới chỗ mình.
“Thầy giữ cho em một suất học lớp phụ đạo cuối tuần cho cuộc thi môn Toán rồi, đừng quên nộp đơn đăng ký nha.” Lão Mã thì thầm với cậu.
Tạ Lan tỏ ra đắn đo: “Thầy ơi, em muốn học môn khác ạ.”
Lão Mã sửng sốt: “Môn khác hả? Em không muốn học lớp phụ đạo thi đua à?”
Tạ Lan nơm nớp đáp vâng.
“Tại sao?” Thầy Mã khó tin thấy rõ: “Em có biết phí của trời là gì không?”
Tạ Lan hoang mang: “Dạ không ạ.”
Ghế của Đậu Thịnh bắt đầu run.
“Em đừng học thói giả ngu của Đậu Thịnh chứ.” Thầy Mã thở dài: “Thầy nói thật đó, em đăng ký đi, em nhất định phải tham gia.”
Tạ Lan cố gắng nhìn ông ấy thật tha thiết: “Thầy à, điểm Văn của em có 16 điểm thôi ạ.”
“16 thì 16, dù em thi…” Đang nói thì thắng gấp, thầy Mã hết hồn: “Bao nhiêu điểm???”
Chẳng biết việc bị từ chối lớp phụ đạo thi đua hay con số 16 của bài thi Ngữ Văn đả kích thầy Mã hơn, nhưng tóm lại bóng lưng quay đi của thầy đầy gió sương.
Xa Tử Minh quay xuống an ủi cậu: “Thôi không sao đâu, bọn tớ đi học môn Toán hết nè, bọn tớ sẽ cho cậu mượn vở ghi bài sau.”
Tạ Lan đành thở dài.
Buổi trưa, trên đường đến căn tin, giữa chừng Hồ Tú Kiệt chặn đường Đậu Thịnh vì muốn làm rõ chuyện Vương Cẩu.
Đậu Thịnh bình thản gật đầu, dặn dò Xa Tử Minh: “Đi ăn nhớ chú ý tới cậu ấy nha.”
“Cậu ấy” ở đây chỉ Tạ Lan.
Xa Tử Minh gật đầu: “Biết rồi, biết rồi, làm như mình là người giám hộ của người ta không bằng á.”
Hồ Tú Kiệt nói với Tạ Lan: “Quên nữa, thủ tục bán trú của em xong rồi, em ở chung phòng với Đậu Thịnh và Đới Hữu nhé, chìa khóa của em đây.”
Bán trú nghĩa là chỉ ở buổi trưa, đến tối thì về. Cơ sở vật chất ở ký túc xá của Anh Trung rất đầy đủ, miễn có tiền là có thể xin ngủ trưa tại ký túc xá.
Tạ Lan cầm chiếc chìa khóa dẹt viết “Ký túc xá số 3 phòng 603”, cảm ơn cô giáo.
Căn tin hôm nay đông nghịt, bên nào cũng xếp hàng dài ngoằn khiến Tạ Lan mới bước chân vào đã sang chấn.
Xa Tử Minh kéo cậu xếp hàng trước nồi sườn “cao cấp”, đóng cọc tận hai mươi phút. Vừa đến trước quầy, Tạ Lan đã bắt đầu hối hận khi thấy cái nồi sôi sùng sục cùng sườn bị bỏ chung với tiêu.
Cậu không biết ăn cay, cay chút thôi cũng chịu không nổi.
Dì múc đồ ăn dùng kẹp sắt nhấc cái nồi đã cạn nước, gân cổ hét: “Thêm mấy thìa nữa?”
Tạ Lan không nghe rõ: “Thêm gì ạ?”
Dì ta lật tay, cho nguyên một muỗng tiêu vào nồi: “Thêm tiêu!”
Tạ Lan: “… Dạ cháu cảm ơn.”
Xa Tử Minh cầm đĩa đi lòng vòng, rầu rĩ nói: “Không còn chỗ nào luôn, tuyệt vời!”
Cậu ta đang cằn nhằn thì bên cạnh có người ăn xong đứng dậy, dư một chỗ trống, thế là Xa Tử Minh dúi Tạ Lan vào nhanh như chớp: “Lẹ lẹ, cậu ngồi đó đi.”
Tạ Lan bị ép ngồi chen giữa hai thằng đực rựa lạ hoắc.
Xung quanh vô cùng ồn ào, mặc dù sườn trong nồi tỏa ra mùi hương thơm lừng nhưng hơi nóng bốc lên cay xè mũi. Tạ Lan lưỡng lự, cuối cùng gắp một miếng lên cắn thử.
Sau đó cậu hít mạnh, quay đầu ho sù sụ.
Tạ Lan tìm chỗ bán đồ ăn suốt đường về, khổ nỗi đến tận khi đã vào cổng ký túc xá số 3 mà cậu vẫn không thấy bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào.
Đới Hữu giường bên giới thiệu: “Phòng bọn tớ là phòng bốn người nhưng mới có hai người vào thôi, tớ ở đây luôn, còn Đậu Thịnh thì bán trú. Nghe nói cậu đang ở nhà cậu ấy đúng không?”
Tạ Lan đáp ừ: “Cậu ở ký túc xá thấy sao?”
“Cũng được, trên có giường, dưới có bàn, đồ dùng đều mới cả.” Đới Hữu trả lời: “Phòng 603 và nhà tắm ở hai bên khác nhau, nhưng các cậu ở bán trú thì không sao.”
Lúc về ký túc xá, họ mới phát hiện Đậu Thịnh đã về trước, anh đang ngồi trên giường chơi điện thoại, một góc túi nilon lộ ra trên mép giường.
Đới Hữu vừa thấy anh đã hỏi: “Chuyện Vương Cẩu sao rồi?”
“Chẳng sao cả, chỉ bảo tớ kể lại những gì đã thấy tại căn tin trưa qua thôi, dù gì Hồ Tú Kiệt cũng đâu ngốc.” Đậu Thịnh giải thích bâng quơ vài câu, ngước lên nhìn Tạ Lan rồi vỗ xuống bên cạnh: “Dì quản lý ký túc xá mới đem ga trải giường tới đấy.”
Có một hộp bánh quy cạnh tay anh, Đậu Thịnh vừa dứt lời đã ném cả tá vào miệng nhai.
Tạ Lan thuận miệng hỏi: “Cậu hay ghi âm tiếng ăn đồ ăn lắm hả?”
Đới Hữu quay lại, hoang mang hỏi: “Ghi âm gì cơ?”
“Không có gì đâu.” Đậu Thịnh lấp liếm ngay: “Đới Hữu, đưa tớ khăn giấy.”
Đời Hữu ờ một tiếng, tiện tay ném túi khăn giấy cho anh.
Tạ Lan không quan tâm, đi lên hai bậc thang rồi trải ga giường. Mùi bơ rất thơm, cậu kìm lòng không đặng liếc về phía túi nilon trên giường Đậu Thịnh.
Trên túi in năm chữ đỏ “Bánh kem Tiểu Diệp Tử”, ngoài bánh bích quy bơ còn có một hộp Daifuku dâu với sáu viên đáng yêu tất cả, vỏ gạo nếp trong mờ ôm trọn lấy nhân kem, được chứa trong hộp nhựa giống như bánh bẩn lúc trước.
Đậu Thịnh nhai bánh quy thật nhanh, vừa cạy hộp Daifuku dâu ra thì chạm phải ánh nhìn chăm chú của Tạ Lan, sửng sốt.
Một lát sau, anh đặt cái hộp đến trước mặt Tạ Lan: “Muốn ăn miếng không?”
Đới Hữu hoảng hốt: “Thần linh ơi, cái tên xem đồ ăn là mạng như cậu mà chủ động hỏi muốn ăn không á?”
Xem đồ ăn là mạng?
Tạ Lan nhẩm lại từ này, cái hiểu cái không, sực nhớ phần viết cuối trên vòng bạn bè của Đậu Thịnh: Không cho.
Đậu Thịnh lắc hộp bánh ngọt tròn xốp kia: “Ăn không?”
Sau một hồi lưỡng lự, cuối cùng Tạ Lan vẫn khuất phục trước cái bụng đang đói cồn cào, lấy một cái: “Cảm ơn.
Daifuku dâu được làm rất tỉ mỉ.
Vỏ nếp rất mỏng nhưng cực kỳ đàn hồi, trái dâu trong đó chua chua ngọt ngọt mà thấm cái mát rượi, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo với lớp kem mịn màng và ngọt ngào.
Chỉ có một tiếc nuối duy nhất là quá nhỏ.
Đới Hữu đứng ở dưới ngẩng đầu lên: “Ké miếng.”
Đậu Thịnh lướt điện thoại: “Sắp hết rồi.”
“Xùy.” Đới Hữu vừa cười vừa đá thang leo giường của anh: “Đúng là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời!”
Tạ Lan lấy khăn giấy lau tay rồi cúi đầu bọc ga trải giường tiếp.
Đậu Thịnh thờ ơ hỏi Đới Hữu: “Trưa này mấy cậu ăn gì?”
Đới Hữu tựa vào mép giường, trả lời: “Sườn heo hầm. Do Hồ Tú Kiệt gọi lại nên trễ mất mấy phút, bọn tớ phải ngồi mỗi người mỗi ngả.”
Đậu Thịnh ờ một tiếng.
Tạ Lan đã lót ga trải giường xong. Tình cờ tiếng chuông nghỉ trưa reo lên, Đới Hữu nhét nút tai để ngủ, cậu cũng nằm xuống, nhắm mắt lại.
Đậu Thịnh vẫn còn ngồi trên giường yên lặng chơi điện thoại. Một lát sau, điện thoại của Tạ Lan bỗng rung lên.
Cậu nhận được một tin nhắn Wechat mới.
[RJJSD: Cậu không ăn cay được à?]
Tạ Lan ngẩn người.
Cậu nhanh chóng nhớ lại các cuộc trò chuyện suốt hai ngày quá, cậu tin chắc rằng mình chưa từng đề cập chuyện không biết ăn cay với bất kỳ ai.
Hành động duy nhất làm bại lộ thói quen của cậu là vào trưa hôm qua: Cậu không động vào gà viên rắc tiêu trong hai món mặn, cộng với món chay của căn tin.
Tạ Lan lưỡng lự, rep chữ “ừm”.
[RJJSD: Phục thật, Xa Tử Minh đúng là ZZ [3] mà.]
[Văn Hóa Phục Hưng: ZZ nghĩa là gì?]
[RJJSD: … Người thông thái ấy mà.]
Tạ Lan thấy hơi khó hiểu bèn gửi dấu chấm hỏi.
Đậu Thịnh không trả lời.
[3] ZZ nghĩa là ngu như bò nhưng thằng Thịnh nó bịa ra để bảo vệ sự trong sáng của bé Lan.
Chốc lát sau, có tiếng động rất khẽ phát ra từ lan can sắt phía trên.
Sau đó là tiếng lạch cạch của hộp nhựa vang lên rất nhỏ, một bàn tay đẹp hút mắt từ từ chọt chiếc hộp Daifuku dâu từng li từng tí từ bên kia lan can.
Di động của cậu lại rung.
[RJJSD: Cho bé du học sinh kén ăn tội nghiệp nhà cậu lấp bụng đó!]
Vài giây say lại rung tiếp.
[RJJSD: Tiền bịt miệng, đừng mách mẹ tớ là tớ đánh nhau nha.]
Tạ Lan: “…”
Tên này có quên tối qua đã trả tiền bịt miệng rồi không đấy?
Mặc dù đó chỉ là một chiếc lá ngô đồng tả tơi bị gió thổi đến.