Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Anh Phất hơi nghiêng người, xoay mặt đi né tránh Nhu Phúc, lặng lẽ đưa khăn tay lên thấm nước mắt, sau đó buồn bã nói: "Công chúa, tôi không biết người đã gặp phải những gì ở Kim quốc, chắc hẳn mấy năm nay cũng trải qua không dễ dàng. Thế nhưng, người cũng nên hiểu cho chỗ khó của quan gia. Cuộc sống đủ đầy xa hoa như Đạo quân hoàng đế năm đó quan gia chưa từng được nếm trải một ngày. Mấy năm nay thù trong giặc ngoài, chiến tranh loạn lạc, khiến sức khỏe và tâm lý quan gia đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Xin người hãy nhớ kĩ, hiện giờ quan gia là quân chủ Nam triều đã đi qua sống chết khổ nạn, chứ không còn là Khang vương vừa đi sứ trại Kim quay về trong ấn tượng của người khi xưa nữa."
Năm Kiến Viêm thứ nhất, sau khi đăng cơ, Triệu Cấu thăng Tư chính điện đại học sỹ Lý Cương làm Thượng thư cổ bộc xạ kiêm Trung thư thị lang. Lại bổ nhiệm Hoàng Tiềm Thiện làm Trung thư thị lang, Uông Bá Ngạn làm Đồng tri xu mật viện xứ. Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn đã phò tá Triệu Cấu từ khi y nhậm chức Thiên hạ binh mã đại nguyên soái. Theo lý mà nói Triệu Cấu nên phong bọn họ làm tể tướng mới phải, chẳng ngờ y lại kiên quyết cho Lý Cương được chúng nhân ngưỡng mộ làm tướng, còn bọn họ ở chức vị thấp hơn. Bởi thế, hai người sinh tâm oán ghét đố kỵ, vừa công khai vừa âm thầm đối đầu với Lý Cương.
Ban đầu, Triệu Cấu hết sức tín nhiệm Lý Cương, quốc sự nào cũng cùng ông thương lượng mới đưa ra quyết định, khiến tình hình nước nhà dần dần có khởi sắc. Thế nhưng hai người Hoàng Tiền Thiện, Uông Bá Ngạn lại cật lực khuyên Triệu Cấu nghị hòa với nước Kim. Triệu Cấu vốn dĩ không có ý hòa, không ngờ lúc ấy tướng Kim là Lâu Thất bất ngờ dẫn đại quân công phá Hà Trung, quân Tống dồn toàn lực kháng địch song cuối cùng vẫn thất thủ. Sau khi đánh vào Hà Trung phủ thành, Lâu Thất lại liên tiếp chiếm được các châu Giới, Giáng, Từ, Thấp. Nhất thời Nam Kinh loạn như cào cào, dân chúng đều sợ hãi thảm cảnh quân Kim đánh vào Biện Kinh sẽ lặp lại lần nữa. Hai người Uông, Hoàng liền lập tức mời Triệu Cấu chạy về Đông Nam lánh nạn, Triệu Cấu cũng dần dần dè dặt, tháng Bảy mùa Thu năm ấy bèn hạ chỉ chuyển về Đông Nam, mùa Xuân năm sau sẽ quay về kinh thành.
Lý Cương cố sức thuyết phục y suy nghĩ lại, dâng sớ nói: "Tự cổ đế vương thời kì trung hưng đều đặt đô ở Tây Bắc, làm vậy vẫn ở Trung Nguyên mà còn có thể giữ vững Đông Nam. Nếu như chỉ giữ Đông Nam, thì không thể nắm được toàn bộ Trung Nguyên. Vì quân tinh nhuệ trong thiên hạ đều đóng ở Tây Bắc, nếu để mất rồi, quân Kim ắt sẽ nhân cơ hội tràn vào, giặc cướp cũng sẽ nổi lên, ngày sau cho dù bệ hạ có ý muốn về kinh đô cũng khó lòng thực hiện được, càng không nói tới việc dẫn binh đánh định đón hai vua về! Nay kế sách vẹn toàn nhất là nên cố thủ kinh đô, xoa dịu lòng dân, đợi đến khi đuổi được quân Kim thiên hạ thái bình lại chuyển về Biện Kinh!"
Bởi thế, Triệu Cấu thu hồi chỉ dụ, tiếp nhận ý kiến của Lý Cương, quyết định không di dời về Đông Nam nữa về chuyển về Nam Dương. Sau đó vào tháng Tám lại cải phong Lý Cương làm Thượng thư tả bộc xạ kiêm Môn hạ thị lang, để Hoàng Tiềm Thiện giữ chức Thượng thư hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang.
Lúc này, phái chủ hòa trong triều đang nhắm mũi nhọn vào Lý Cương chủ chiến. Phạm Tông Doãn cũng là một đại thần thuộc phái chủ hòa, tâu với Triệu Cấu Lý Cương đang lấn quyền quân chủ, không thể chắp cánh cho hổ. Mà trước đó Lý Cương từng dâng tấu xin triều đình phái mệnh quan tới an ủi bá tánh ở những nơi đã bị mất đất và một số thế lực tự phát nổi lên chống quân Kim, đồng thời cũng tiến cử Trương Sở làm Hà Bắc chiêu phủ sứ, Vương Dịch làm Hà Đông kinh chế sứ. Đây lại biến thành lý do cho Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện luận tội Lý Cương. Hà Bắc chuyển vận phó sứ, Quần Bắc kinh lưu thủ Trương Ích Khiêm nhận được ám thị của Hoàng Tiềm Thiện bèn dâng tấu nói Trương Sở cai quản Bắc Kinh không đúng cách, khiến giặc cướp ở Hà Bắc nổi lên khắp nơi, ngày càng khó kiểm soát. Sau đó Uông, Hoàng lại vu cáo Phó Lượng không kịp thời vượt sông mà cố tình nán lại, khiến quân đội chịu tổn thất. Lý Cương tự biết hai kẻ đó có mục đích phía sau, thực chất đang nhắm vào mình, liền buồn bực nói với Triệu Cấu: "Chức chiêu phủ sứ, kinh chế sứ là thần xin bệ hạ được thiết kế ra. Trương Sở, Phó Lượng cũng là do thần đề cử. Mà Uông Bá Ngạn, Hoàng Tiềm Thiện vu khống Trương Sở, Phó Lượng không căn cứ, rõ ràng là đang chỉ trích thần làm việc không ổn thỏa. Thần vẫn thường cho rằng việc nước nhà bại vong trong những năm Tĩnh Khang là do các đại thần bất hòa, triều cương rối loạn, nên gặp việc gì cũng cùng Uông Bá Ngạn, Hoàng Tiềm Thiện lần lượt bàn bạc. Hai người ngược lại lại mưu hại thần, dồn thần vào chỗ chết, xin bệ hạ hãy cho thần được cáo lão hồi hương."
Triệu Cấu ban đầu ra sức níu kéo, mà Lý Cương vẫn kiên quyết từ chức, không hề bị lay chuyển. Triệu Cấu lại bàn bạc với Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện. Hai người nghe việc Lý Cương xin từ chức dĩ nhiên âm thầm vui sướng trong lòng, chỉ lo Triệu Cấu không đồng ý, bèn liên tiếp công kích Lý Cương, nói ông tự ý chiêu mộ quân sĩ, mua ngựa, có ý đồ mưu phản, nên đuổi đi sớm thì hơn. Triệu Cấu không phải lời nào cũng tin, thế nhưng nghĩ tới lời Lý Cương "việc nước nhà bại vong trong những năm Tĩnh Khang là do các đại thần bất hòa, triều cương rối loạn" vô cùng có lý, mà trước mắt đang hai đấu một, đành thuận thế miễn chức Lý Cương.
Hai người Uông, Hoàng vẫn luôn khuyên Triệu Cấu chuyển về Đông Nam. Tông Trạch trấn giữ Đông Kinh nghe xong liền liên tục dâng biểu, xin Triệu Cấu xa giá về Biện Kinh. Khi ấy Tông Trạch đang ở biện kinh xây dựng quân đội, củng cố chiến hào, chiêu mộ lính tráng, đồng thời cũng ưu ái người tài, đề bạt tướng trẻ Nhạc Phi làm Thống chế, chiến công vang dội, quân dân Biện Kinh không ngừng ngợi khen. Tông Trạch đang định viết thư cho Lý Cương, nhờ ông khuyên Triệu Cấu quay về Biện Kinh, chẳng ngờ thư còn chưa kịp gửi đi thì đã nghe tin Lý Cương bị biếm làm Quan văn điện đại học sĩ. Tông Trạch phẫn nộ xé tan lá thư trên tay, lắc đầu thở dài liên tục.
Triệu Cấu nghe theo lời đề nghị của hai người, lệnh cho những binh lính tinh nhuệ hộ tống Long Hựu Thái hậu và các phi tần, cung nữ trong hậu cung khởi hành trước, sau đó chính mình mới dẫn binh xuống phía Nam.
Anh Phất từ khi được Triệu Cấu đưa vào cung liền ở lại bên cạnh y làm một thị nữ bưng trà rót nước. Triệu Cấu không đặc biệt trọng dụng nàng, ngoại trừ những lúc rảnh rỗi hỏi nàng một số chuyện cũ liên quan tới Nhu Phúc thì chẳng bao giờ liếc nhìn nàng lâu hơn một chút. Sau khi quyết định chuyển đến Dương Châu, y cũng cho Anh Phất vào danh sách cung nữ theo Thái hậu khởi hành trước. Anh Phất hay tin liền rưng rưng quỳ xuống khẩn cầu, xin Triệu Cấu cho phép nàng được cùng y lên đường sau.
Triệu Cấu lắc đầu đáp: "Chuyến này về phương Nam trẫm còn phải tuần tra các Châu dọc đường. Phải cưỡi ngựa, ngồi thuyền, vượt gió đội mưa, gian khổ trên quãng đường ấy nữ tử không thể chịu đựng được, bởi thế mới không dẫn theo bất kỳ cung nữ nào. Ngươi yếu ớt như vậy, không biết cưỡi ngựa cũng không thể đi bộ đường dài, đi theo trẫm sẽ rất bất tiện. Ngươi vẫn nên theo Thái hậu thì hơn, trên đường được ngồi xe kéo, lại có quân binh hộ tống, sẽ thoải mái an toàn hơn rất nhiều."
Anh Phất kiên trì cầu xin: "Nô tỳ chưa từng bó chân, có thể đi bộ đường dài, ngày ấy từ Biện Kinh chạy tới Nam Kinh cũng là cuốc bộ. Cưỡi ngựa hiện giờ nô tỳ quả thực không biết, thế nhưng nô tỳ có thể học, nhất định sẽ học rất nhanh."
Triệu Cấu vẫn không đồng ý, Anh Phất lại tiếp tục nài nỉ. Nét mặt y thoáng âm trầm, xoay người rời đi không để ý tới nàng nữa. Anh Phất biết có nói nữa cũng vô ích, chỉ đành ảo não cáo lui.
Đêm hôm ấy Triệu Cấu đang ngồi trong tẩm cung phê duyệt tấu chương thì đột nhiên nghe thấy bên ngoài có tiếng ngựa hí truyền tới, hơn nữa còn kèm tiếng vó ngựa gấp gáp, từng đợt từng đợt truyền tới. Y kinh ngạc vô cùng, liền đứng dậy bước ra ngoài lần theo âm thanh tìm kiếm.
Đi tới hậu uyển, chỉ trông thấy một nữ tử mặc áo ngắn tay hẹp màu trắng, chân xỏ ủng da tím, ngồi trên một con ngựa non, gắng sức muốn điều khiển nó. Thế nhưng con ngựa con hoàn toàn không chịu nghe sự chỉ huy của nàng, mất khống chế chạy loạn. Cô gái trên lưng ngựa nghiêng ngả qua lại, cơ thể đã sắp sửa rơi xuống, cúi đầu áp sát lưng ngựa, không còn biết mình đang túm vào dây cương hay bờm ngựa nữa, khuôn mặt đã trắng bệch vì sợ hãi, đôi mắt đau khổ nhắm chặt.
Triệu Cấu vừa nhìn đã biết là Anh Phất, cũng không gấp rút mệnh người đi tới giữ con ngựa của nàng lại, chỉ lạnh lùng quay đầu hỏi một tốp thái giám đang vội vã đuổi tới: "Ai đã thả ngựa ra cho nàng ta cưỡi?"
Một thái giám quản lý chuồng ngựa sợ hãi quỳ xuống tâu: "Ngựa là do nô tài quản lý. Đêm nay Anh Phất cô nương tới tìm nô tài, nói giúp nô tài cho ngựa ăn, bảo nô tài đi nghỉ ngơi một lát, nên nô tài tạm thời rời đi. Không ngờ Anh Phất cô nương lại lén lút dắt ngựa ra ngoài cưỡi..."
Triệu Cấu không buồn liếc y, chỉ đơn giản ra lệnh: "Dắt thêm một con ngựa nữa ra đây."
Đợi tiểu thái giám vâng mệnh dắt ngựa tới, y lập tức tung người lên thân ngựa, giục ngựa chạy về hướng Anh Phất, một khắc sau đã đi tới bên cạnh nàng, thế nhưng không vội vã vươn tay ra đỡ, chỉ đi theo con ngựa mà nàng đang cưỡi, quan sát từng động tác của nàng.
Anh Phất đã dần dần không cầm cự nổi nữa, cảm thấy có người tới gần cũng thoáng nhẹ nhõm hơn, lại càng buông lỏng sức lực. Nào ngờ con ngựa kia vùng lên bỏ chạy, Anh Phất không chút chuẩn bị liền bị hất văng xuống đất. Mắt thấy nàng đã sắp rơi xuống vó ngựa, những người quan sát xung quanh đều kinh hãi kêu lên. Mà lúc này Triệu Cấu đã giục ngựa tới, sau đó cúi người vươn tay ra, thoáng cái đã ôm lấy vòng eo bé nhỏ của Anh Phất, động tác vừa nhanh nhẹn vừa chuẩn xác, tức khắc chặn đứng thế rơi của nàng. Sau đó Triệu Cấu bế xốc nàng lên lưng ngựa mà y đang cưỡi, để nàng ngồi nghiêng phía trước mình, lại giảm tốc độ cho ngựa đi chậm lại.
Cú ngã hụt ban nãy đã khiến Anh Phất hồn xiêu phách lạc, ý thức hỗn độn, lúc này mới dần tỉnh táo lại trong lồng ngực Triệu Cấu, nhất thời không rõ mình đang ở chốn nào. Trải nghiệm cưỡi ngựa kinh hoàng đã trôi qua, con ngựa dưới thân nàng hiện giờ đang thong thả bước đi, nhiệt độ cơ thể từ phía sau truyền tới, hòa cùng mùi hương trên y phục nàng và một khí tức sạch sẽ xa lạ... Cho tới khi nhìn rõ hoa văn trên y phục chủ nhân của đôi tay đang nắm lấy cương ngựa nàng mới giật mình kinh hãi, quay đầu lại gọi: "Quan gia!"
Triệu Cấu nhìn về phía trước, lạnh nhạt nói: "Lá gan ngươi không nhỏ. Lẽ nào ngươi không biết mấy thớt ngựa trong cung này tính tình đều rất hung dữ, thường xuyên hất ngã người sao?"
Anh Phất đỏ bừng mặt cúi đầu nói khẽ: "Nô tỳ đã chọn con ngựa nhìn có vẻ hiền lành nhất rồi. Trước khi cưỡi vốn dĩ hết thảy đều ổn, nào ngờ vừa trèo lên nó đã đột nhiên nổi nóng, tung hai vó trước lên, sau đó điên cuồng chạy về phía trước..."
"Ngươi lên ngựa thế nào?" Triệu Cấu nói: "Trước khi lên ngựa phải quay mặt về sườn mặt bên trái của ngựa, đi chéo lại gần ngựa, đứng cạnh nó, đợi ngựa đã sẵn sàng rồi mới trèo lên, phải cẩn thận đừng để bị vó trước của ngựa đạp trúng. Nếu ngươi trèo lên từ bên phải sẽ khiến ngựa bị kinh sợ, bất an."
"Vâng." Anh Phất thưa: "Nô tỳ ghi nhớ rồi."
Triệu Cất kéo tay nàng đặt lên dây cương, nói: "Nào, nên giục ngựa thế này."
Cùng cưỡi trên một thớt ngựa, Triệu Cấu đích thân dạy Anh Phất cách điều khiển ngựa. Sau khi nàng đã nắm được những kĩ thuật cơ bản mới cùng nàng xuống ngựa, trước khi lệnh cho thái giám dắt ngựa về chuồng lại đưa tay nhẹ nhàng xoa đầu ngựa, nói với Anh Phất: "Hãy chọn một con ngựa mình thích để cưỡi. Trước khi cưỡi phải tiếp cận nó, vuốt ve nó, cố gắng thân thiện với nó, để nó tiếp nhận ngươi, coi ngươi như bạn. Thế nhưng nếu cảm thấy nó không vui hoặc có vẻ tức giận thì phải lập tức tránh đi, đừng để nó có cơ hội làm ngươi bị thương." Lại thoáng ngừng một lát, sau đó mới bổ sung một câu: "Có điều, lần đầu tiên không tiếp nhận không có nghĩa ngày sau sẽ mãi mãi không bao giờ tiếp nhận ngươi."
Anh Phất quỳ xuống khấu đầu đáp: "Nộ tỳ tạ ơn quan gia hôm nay đã cứu mạng và dạy bảo. Lời quan gia nô tỳ sẽ ghi nhớ mỗi câu, mãi mãi không bao giờ quên."
"Đứng lên đi." Ngữ khí Triệu Cấu lạnh nhạt như thường: "Thế nhưng, trẫm hi vọng ngươi hiểu, trẫm cứu ngươi không đồng nghĩa với việc tán thưởng hành vi tự mình làm chủ của ngươi. Nếu ngươi không phải thị nữ của Nhu Phúc đế cơ, trẫm sẽ nhìn ngươi chết dưới vó ngựa. Trẫm không muốn nhìn thấy những việc giống thế này xảy ra nữa."
Anh Phất quỳ trên nền đất, niềm vui choáng ngợp vừa cảm nhận được ban nãy tức thì bốc hơi sạch sẽ. Nàng cắn chặt môi, đè nén đau đớn trong lòng, không dễ dàng gì mới thốt ra được một chữ đáp lời: "Vâng!"
Trước khi quay người hồi cung, Triệu cấu cuối cùng cũng để lại một câu nói mà nàng vẫn mong chờ bấy lâu: "Ngươi không cần theo Thái hậu khởi hành nữa, chuẩn bị lên đường cùng trẫm."