Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Ngày hôm sau, binh lính của Trạch Lợi tìm được một bộ xương nhỏ trong căn nhà đã bị thiêu rụi, sau khi sắp xếp lại qua loa Trạch Lợi liền thông báo cho người Tống Hiền Phúc đế cơ đã chết. Vài ngày sau, Bảo Phúc đế cơ Triệu Tiên Lang ốm bệnh qua đời, chúng như ở phủ nguyên soái sau khi bàn bạc bèn quyết định giao hết Nhân Phúc, Hiền Phúc, Bảo Phúc đế cơ cho người Tống phát tang, chọn ra mười một vị quan tống bạc nhược vô năng đưa linh cữu về thành.
Sau đêm lửa cháy ấy, Nhu Phúc đổ bệnh. Ban đầu Tông Tuyển cho rằng nàng sẽ chết, bí mật lệnh bộ tướng tìm thuốc đến giao cho cung nhân bên cạnh nàng, đôi khi đi ngang qua lều của nàng sẽ để ý nhìn vào bên trong. Nếu vào những lúc chưa ngủ, bên cạnh cũng không có ai, nàng thường sẽ nằm ngửa nhìn lên mái lều, lặng lẽ lẩm nhẩm đọc hai chữ. Khi đọc chữ thứ nhất, đôi môi nàng mím nhẹ vào trong, sau đó lại mở ra, khép lại, thốt ra chữ thứ hai. Khi ấy khóe môi sẽ khẽ cong lên thành một nụ cười, mà đôi mắt cũng cũng ăm ắp niềm vui, giống như xuyên qua trần nhàn trông thấy một thứ gì đó, hoặc, một ai đó, mà nàng vẫn hằng ngóng trông.
Nàng ngày ngày đọc thầm hai chữ này giống như niệm chú, mà cơn bệnh của nàng cũng khá dần lên nhờ câu "thần chú" này.
Tháng Ba năm Thiên Hội thứ năm triều Kim (năm Tĩnh Khang thứ hai triều Tống), người Kim phong sách lập Trương Bang Xương làm "Hoàng đế Đại Sở", cuối tháng đó liền tuyên bố thắng lợi rút quân, áp giả tông thất Tống, gia quyến phò mã hơn ba ngàn người và vàng bạc châu báu lên xe quay về phương Bắc.
Ngày 28 tháng Ba, đám người Triệu Cát bị áp giải tới doanh trại Lưu Gia Tự. Tông Hàn cưỡi ngựa đuổi tới, nói với Triệu Cát: "Ngươi và Thái Tổ Hoàng đế bản triều đã lập minh ước, nếu nay đã biết ân hận, ta sẽ kiến nghị lên Lang chủ phong ngươi làm Thiên Thủy quận vương, Triệu Hoàn có thể phong làm Thiên Thủy quận công. Vợ và con trai ngươi đều có thể theo cùng, trong khoảng thời gian này không được thay đổi trang phục, để tỏ ý tạ ơn trên Lang chủ."
Triệu Cát thê lương cười, miễn cưỡng "tạ ơn". Giữa trưa, Tông Vọng mở tiệc mời Triệu Cát tới dự. Triệu Cát thấy y vì nguyên do Mậu Đức mà đối xử với mình cũng có vài phần tôn trọng, bèn lựa lời thỉnh cầu: "Biến cố lần này, tội đều do tôi, tôi xin tự nguyện về phương Bắc thỉnh tội với Hoàng đế Đại Kim. Thế nhưng con trai tôi Triệu Hoàn mới chấp chính được ít ngày, chưa phạm phải lỗi lầm gì lớn, xin nguyên soái hãy khai ơn, cho nó được ở lại Nam triều. Chúng vương, vương phi, đế cơ, phò mã cũng không can dự vào việc triều chính, cũng xin cho họ được miễn về Bắc."
Tông Vọng lắc đầu đáp: "Triều mệnh không thể trái, tôi cũng không còn cách nào. Thế nhưng đi chuyến này xin hãy yên tâm, Lang chủ đã phong ngài làm Quận vương thì ắt sẽ đối xử tốt với ngài, ngài ở Bắc triều cũng có thể vui vẻ sống qua ngày."
Triệu Cát lại khuyên can, Tông Vọng phớt lờ không để ý. Triệu Cát bất đắc dĩ đành thôi, cùng quan lại đi theo nhìn nhau thở dài.
Buổi chiều ngày hôm đó, Tông Vọng mệnh các đế cơ trong trại ra gặp cha mẹ, đợi bọn họ gặp nhau được nửa ngày liền cho quân tới tách họ ra, lệnh cho ai quay về chỗ người ấy thu thập hành lý. Ngày kế tiếp khởi hành, tông thất, cung quyến, tòng quan tổng cộng được chia thành bảy quân. Tông Tuyển, Tiêu Khánh giữ chức Đô Áp Sứ, phụ trách áp giải hơn tám trăm sáu mươi chiếc xe, toàn bộ chở người Tống, nối đuôi nhau quay về phương Bắc.
Một ngày tháng Tư, Tông Hàn cũng thôi chức nguyên soái, áp giải Triệu Hoàn, Chu Hoàng hậu và ba ngàn cống nữ, ba ngàn thợ khéo, xuất phát từ đường Hà Đông.
Đi được nửa tháng, đột nhiên có sứ thần từ kinh thành tới, đem cho Tông Tuyển một mật chỉ, nói tướng Mạnh An của bộ tộc Hoàn Nhan dấy binh làm phản tại Hạt Tô Quán gần Liêu Dương phủ, mệnh Tông Tuyển thay đổi lộ trình, tới đó dẹp loạn. Đó là vùng đất mà trước khi xuống phía Nam chinh chiến Tông Tuyển đã từng quản lý. Tông Tuyển không dám chậm trễ, lập tức bẩm báo cho Tông Vọng, xin y điều tướng lĩnh khác tiếp nhận chức Đô Áp Sứ áp giải cung quyến, còn mình khởi hành về phía Bắc trước.
Người mà Tông Vọng điều tới là Cái Thiên đại vương Hoàn Nhan Tông Hiền, trước đó đã áp giải Triệu Cát, chúng vương gia, phò mã về Yến sơn ở ba quân.
Tông Hiền nhận được lệnh thôi chức nguyên soái bèn lập tức tiến về ba quân, trước đó chưa từng gặp mặt Tông Tuyển lĩnh năm quân hồi triều. Sau khi hai người gặp nhau, Tông Tuyển nhớ lại việc biểu đệ của Tông Hiền là Dã Lợi bị giết, lo lắng y sẽ lấn cấn trong lòng, bèn thoáng nhắc lại, nói với Tông Hiền chỗ khó xử của Tông Vọng. Tông Hiền nghe xong chán nản, song nhanh chóng khoát tay, nói: "Bát thái tử không cần nhắc lại chuyện này nữa. Đệ đệ đó của tôi hồ đồ lỗ mãng, trước nay hành sự luôn thiếu cân nhắc, vì sắc đẹp mà bỏ mạng, cũng coi như tự chuốc lấy. Tôi biết Nhị thái tử đã làm hết sức rồi, tôi rất cảm kích, sẽ không oán trách ngài ấy."
Lúc này Tông Tuyển mới yên tâm cùng y trò chuyện, bàn giao lại những công việc quan trọng. Trước khi khởi hành, Tông Hiền vô tình nhắc tới Triệu Cát, Tông Tuyển bèn thuận miệng hỏi y: "Những ngày này cùng quân ta về phương Bắc, không biết tình hình Triệu Cát thế nào?"
Tông Hiền cười đáp: "Cũng không có gì kì lạ, chẳng qua chỉ là cả ngày thở ngắn than dài, khóc than gạt lệ thôi... Phải rồi, ngày hôm kia hắn đã đề một bài thơ lên vách tường dịch quán, tôi xem cũng không hiểu, bèn lệnh người chép lại." Vừa nói vừa rút ra một tờ giấy đưa cho Tông Tuyển: "Học thức của cậu tốt, giúp tôi nhìn xem có phải là thơ ca phản động gì không."
Tông Tuyển đón lấy mở ra, chỉ trông thấy bên trên có viết một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt: "Suốt đêm gió rít luồn song cửa, tiêu điều dịch quán ngọn đèn lay. Ngoảnh đầu quê hương ba ngàn dặm, mắt vượt núi Nam không nhạn bay."