Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Khai Phong phủ vẫn không ngừng phái người tới hỏi thăm ngày về của thánh giá, hai nguyên soái lệnh cho Tiêu Khánh ra mặt lấp liếm: "Nguyên soái giữ Hoàng đế lại cùng tham gia trận mã cầu trong quân đội, đợi trời nắng tiệc tàn sẽ quay về." Thái thượng hoàng và quần thần trong thành hết cách, chỉ đành để Ngự sử đài, Đại lý tự, Khai Phong phủ đi lùng bắt những thứ dân không chịu giao nộp vàng bạc, nghiêm hình trừng trị. Nhất thời, tiếng la khóc của những người chịu phạt vang vọng khắp thành.
Tông Hàn thấy Khai Phong phủ lần lữa đã lâu, vẫn không chịu giao ra số vàng bạc vải vóc, dần dần mất kiên nhẫn, bàn bạc với đám người Tông Vọng: "Hoàng đế của bọn chúng ở chỗ chúng ta, bá quan dân chúng trong kinh thành ngày đêm khóc than mong ngóng Hoàng đế quay về, thế nhưng vẫn không chịu giao tiền chuộc ra, xem chừng Khai Phong phủ đã bớt xén được không ít lợi lộc. Chúng ta phế luôn tên Hoàng đế vô dụng này đi, đánh vào thành, cướp bóc một phen cho hả hê rồi nghỉ tay về triều."
Tông Vọng trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu phản đối: "Không thể, tạm thời chưa thể phế Triệu Hoàn được. Hiện giờ Khang vương Triệu Cấu đang dẫn quân ở ngoài, lấy danh nghĩa Thiên hạ binh mã đại nguyên soái đối kháng lại chúng ta. Có Triệu Hoàn trong tay, chúng ta có thể uy hiếp Tống, hiệu lệnh thiên hạ. Triệu Cấu ắt sẽ cố kỵ, bị chúng ta áp chế. Nếu phế Triệu Hoàn đồng nghĩa với việc tặng cho Triệu Cấu cơ hội tốt để tự đăng cơ xưng đế, lại khiến cho tiểu tử kia ngư ông đắc lợi!"
Tiêu Khánh lập tức đồng tình. Tông Hàn rất không vui, cố ý mỉa mai Tông Vọng: "Nghe nói Triệu Cấu giỏi bắn tên, sức lực kinh người, cũng không ngốc nghếch, Nhị thái tử còn từng chịu thiệt với hắn. Ta trước nay vẫn không tin, nay nghe cậu ngày ngày day dứt như vậy, lẽ nào lời đồn là có thật?"
Lần trước sau khi thả nhầm Triệu Cấu đi, Tông Vọng vẫn luôn hối hận không thôi. Kí ức Triệu Cấu để lại cho y ở doanh trại giống một con dao sắc cắm trong tim, khiến y cảm thấy không cách nào nhịn nổi đau đớn. Nay lại nghe Tông Hàn chế nhạo, càng cảm thấy vừa bực vừa thẹn, quay mặt đi lạnh lùng nói: "Chỉ là một tên nhóc ranh mãnh mà thôi. Không nhọc quốc tướng lao tâm, ta sớm muộn gì cũng sẽ bắt hắn về băm thành ngàn mảnh."
Tiêu Khánh thấy hai người đều nổi nóng bèn vội vã lựa lời khuyên: "Lời đồn có chút khoa trương, Khang vương chưa chắc đã anh dũng như vậy, song quả thực cũng có chút tâm cơ thủ đoạn. Nếu cho hắn ta cơ hội xưng đế, tổn thất chắc chắn sẽ thuộc về Đại Kim chúng ta, Nhị thái tử suy nghĩ rất đúng. Huống hồ việc lớn như chuyện phế lập này, thân làm thần tử không tiện tự đưa ra quyết định, theo lý nên viết tấu chương dâng lên Hoàng đế Đại Kim, xin Lang chủ định đoạt."
Cao Khánh Duệ đã tới kinh thành nhiều lần, đích thân nhìn thấy cảnh tượng quan lại dân chúng đổ xô ra đường đón Triệu Hoàn quay về, lúc này cũng lên tiếng khuyên Tông Hàn: "Lần trước Triệu Hoàn hồi kinh, thần dân trong thành đều đổ ra Nam Huân môn tiếp giá, tiếng hô vạn tuế vang trời, vui sướng không tả xiết. Chuyến này thấy Triệu Hoàn đi mãi chưa về cũng thường ra Nam Huân môn mòn mỏi chờ đợi, một tờ giấy có tin tức về Triệu Hoàn dán ở bảng thông báo đã đủ cho bọn họ xôn xao truyền tai nhau. Tiết Thượng Nguyên hôm trước, cô gái chơi đàn tỳ bà kia hát tặng Triệu Hoàn, không tiếc lấy tính mạng tạ ơn. Có thể thấy dân Tống vẫn còn lòng hướng về họ Triệu, trước mắt chưa phải thời cơ phế đế."
Tông Hàn thấy tâm phúc của mình cũng nói vậy thì nhất thời không phản pháo nữa, liếc nhìn Tông Tuyển vẫn một mực im lặng đứng bên, hỏi ý kiến y: "Ý Bát thái tử thế nào?"
Tông Tuyển cúi người với y, không nói thẳng ý kiến của mình, lại cười nhạt hỏi lại: "Quốc tướng có thích săn bắn không?"
Tông Hàn có chút kinh ngạc: "Đương nhiên rồi. Làm gì có nam nhi Đại Kim nào không thích săn bắn?"
Tông Tuyển lại hỏi: "Nếu muốn ăn thịt, chúng ta đem giết cừu dê gia súc nuôi trong nhà là được rồi, tội cho phải đích thân trèo đèo lội suối đuổi theo thú hoang?"
Tông Hàn đáp: "Sao có thể giống nhau! Lạc thú lớn nhất của việc săn bắn không phải cuối cùng được ăn thịt, mà nằm ở quá trình săn đuổi trước đó."
Ý cười của Tông Tuyển lại sâu hơn, chậm rãi gật đầu nói: "Không sai, lạc thú lớn nhất của việc săn bắn kỳ thực chính là nhìn con mồi tháo chạy trốn tránh trước mặt mình, khi chuẩn bị lấy tên ra bắn nó vẫy đuôi van nài mình thế nào."
Tông Hàn thoáng ngây ra, sau đó lập tức phản ứng lại, không nén nổi nở nụ cười, liên tiếp gật đầu đáp: "Bát thái tử so sánh rất hay! Nếu giờ ta phế Triệu Hoàn, dẫn quân công thành, thì chẳng khác nào phàm phu một đao giết chết gia súc."
Những người trong sảnh nghe vậy đều cười lớn thành tiếng, bầu không khí lúc này mới hòa hoãn trở lại. Tông Hàn lại nghiêm túc trưng cầu ý kiến Tông Tuyển: "Theo cao kiến của Bát thái tử, giờ chúng ta nên chơi đùa con mồi Triệu Hoàn này như thế nào?"
"Chẳng phải hắn ta rất sĩ diện sao?" Tông Tuyển không chút nghĩ ngợi nói: "Vậy hãy hạ nhục hắn."
Tông Vọng cũng cảm thấy hứng thú, lập tức truy hỏi: "Là ý gì?"
"Nỗi nhục nhã lớn nhất đối với một nam nhi Nữ Chân chính là nữ nhân của mình bị cướp đi." Tông Tuyển chậm rãi nở nụ cười dưới cái nhìn chăm chú của quần chúng, "Nếu chúng ta để một gã đàn ông sĩ diện Tống triều phải tự tay đem thê thiếp, tỷ muội dâng cho chúng ta, các huynh nói xem, hiệu quả sẽ thế nào?"
Vài ngày sau, Tông Hàn đưa một bản hiệp nghị do Tông Tuyển, Tiêu Khánh và các đại thần Tống triều Ngô Kiên, Mạc Trù cũng thương thảo tới trước mặt Triệu Hoàn:
Đồng ý ngừng chiến quay về phương Bắc, lấy Thái tử, Khang vương, Tể tướng sáu người làm con tin. Đồng thời thu báu vật trong cung đình Tống xung công.
Đồng ý miễn cắt đất Hà Nam, phải cống nạp cho Đại Kim hai đế cơ, bốn tông cơ, bốn tộc cơ, một ngàn năm trăm cung nữ, một ngàn năm trăm ca kỹ, thợ khéo mỗi nghề ba ngàn người, thuế mỗi năm tăng thêm năm trăm vạn lượng bạc, năm trăm vạn thước lụa.
Thân vương, tể tướng, thủ thần Hà Ngoại đã định sẵn phải mau chóng đưa tới, sao khi thành giao sẽ trả lại.
Một trăm vạn đĩnh vàng, năm trăm vạn đĩnh bạc đã định sẵn để xung quân quỹ phải chuẩn bị xong trong vòng 10 ngày. Nếu số lượng không đủ, lấy đế cơ, vương phi mỗi người tương đương một ngàn đĩnh vàng, tông cơ tương đương năm trăm đĩnh vàng, tộc cơ tương đương hai trăm đĩnh vàng. Tông phụ mỗi người năm trăm đĩnh bạc, tộc phụ mỗi người hai trăm đĩnh bạc, nữ tử quý tộc một trăm đĩnh bạc. Toàn bộ nghe phủ nguyên soái chọn lựa,
Tông Tuyển và Tiêu Khánh đứng trước điện Đoan Thành, nhìn theo Tông Hàn mang theo hiệp nghị đi tới nơi ở của Triệu Hoàn. Một lát sau không thấy Tông Hàn quay ra, Tiêu Khánh liền hỏi Tông Tuyển: "Bát thái tử cho rằng, Triệu Hoàn sẽ ký tên vào hiệp nghị này ư?"
"Chắc chắn." Tông Tuyển ngẩng đầu nhìn thần thú trên mái nhà đã bị bọc kín, đáp: "Nam nhân đó sớm đã học được cách tự thuyết phục bản thân 'nhẫn nhục vì nghiệp lớn'."
Lời này vừa dứt liền trông thấy cửa phòng mở ra, Tông Hàn sải bước tiến ra phía ngoài, trông thấy Tông Tuyển và Tiêu Khánh, mỉm cười giơ văn thư trong tay lên: "Tiểu tử đó đã ký tên thật!"
Từ ngày 15 tháng Giêng, theo số lượng vàng bạc được định trên hiệp nghị, Khai Phong phủ bắt đầu áp giải con gái Tống triều và tài vật đưa vào trại Kim. Nữ tử trong đó cao có phi tần, quý nữ danh môn, thấp có nghệ nhân, nhạc kỹ đều ăn mặc đẹp đẽ bị áp giải lên xe ngựa, không ai nén nổi đau đớn rơi lệ, từ trong xe ngựa vươn tay giã từ người thân bạn bè tới tiễn, hồi lâu không nỡ buông tay, cho tới tận khi binh lính áp giải cưỡng chế tách bọn họ ra. Tiếng than khóc thê lương dọc quãng đường, từ kinh thành đi qua Nam Huân môn, cho tới Thanh Thành, Lưu Gia Tự, chấn động đất trời.
Tướng Kim nhanh chóng sợ lọc năm ngàn nữ tử này, giữ lại ba ngàn xử nữ trẻ trung khỏe mạnh. Tông Hàn và Tông Vọng tự chọn lấy mấy chục người, chư tướng từ Mưu khắc trở lên mỗi người được ban vài người, từ Mưu khắc trở xuống hoặc binh sĩ lập công được ban một hai người. Hai ngàn người còn lại được trả về kinh thành, vẫn mệnh Triệu Hoàn truyền lệnh tiếp tục lựa chọn đưa tới bổ sung.
Ngày 28, Mậu Đức đế cơ Triệu Phúc Kim được đưa tới trại của Tông Vọng trong Lưu Gia Tự.
Nàng vốn dĩ không hề hay biết về việc "hòa thân". Triệu Hoàn sai người bẩm báo với Thái thượng hoàng Triệu Cát, chỉ đích danh muốn Mậu Đức hòa thân. Triệu Cát đại nộ, quả quyết từ chối. Sau khi phò mã Sái Diêu ra khỏi kinh thành, Mậu Đức cả ngày lấy nước mắt rửa mặt. Mấy người còn lại trong phủ đế cơ cũng nghe phong thanh về việc hòa thân, thế nhưng đều cho rằng có Thái thượng hoàng ở đó che chở, Mậu Đức sẽ không đến nỗi bị đẩy vào cảnh nhục nhã đó, vì không muốn nàng càng thêm thương tâm nên luôn giấu kín nàng việc này. Tới ngày Khai Phong phủ nhận được ý chỉ của Triệu Hoàn hạ lệnh đưa Mậu Đức rời thành, Mậu Đức đang ở nhà rưng rưng nước mắt ôm đứa con trai nhỏ dại khóc lóc đòi cha thì đột nhiên có người tiến vào nói Thái thượng hoàng mời đế cơ vào Long Đức cung gặp ngài. Mậu Đức không nghi ngờ gì, sau khi rửa mặt trang điểm lại liền lên kiệu, nào ngờ chiếc kiệu này lại đưa nàng tới trại quân Kim.
Rèm kiệu vừa kéo ra, thứ đầu tiên mà nàng trông thấy là khuôn mặt tươi cười của thị nữ Lý Tiên Nhi mới bị chọn đưa vào trại Kim cách đây không lâu. Được Lý Tiên Nhi dìu xuống kiệu, khoảnh khắc mũi chân chạm mặt đất, nàng bỗng cảm thấy choáng váng như say thuyền. Định thần lại, nàng mới nhìn thấy rõ quốc kì của nước Kim bốn phía xung quanh, còn có cả ngựa chiến mang giáp. Một nam tử dị tộc cao gầy đứng trước mặt đang quan sát nàng bằng ánh mắt nóng rực, vươn tay ra vuốt ve khuôn mặt đã trắng bệch của nàng, mỉm cười nói: "Một đường vất vả."
Vết chai sạn do cầm đao kiếm lâu ngày trong lòng bàn tay y khiến da mặt nàng bị đau, muốn lùi về sau trốn tránh, thế nhưng chân tay cứ như bị trói chặt không sao động đậy nổi. Nàng cảm nhận được cơ thể mình đang không nén được run rẩy.
Hình như y còn nói rất nhiều lời nữa với nàng, thế nhưng nàng không nghe được một câu nào nữa, mờ mịt ngoảnh đầu, chỉ thấy quân Kim đông như cỏ, không còn tìm thấy con đường đi tới lúc đầu.
Tông Vọng lệnh cho Lý Tiên Nhi dìu nàng vào bên trong, thiết yến khoản đãi nàng. Nàng cũng không phản kháng, chỉ lặng yên ngồi đó không nói không rằng, cũng không rơi nước mắt.
Tông Vọng ngồi phía đối diện tự rót tự uống rượu, ngoài ra không ăn gì nữa, cũng không lên tiếng, chỉ đăm đắm nhìn nàng, giống như sắc đẹp thay cơm.
Kẻ lải nhải không dứt như chim hót là Lý Tiên Nhi.
Nàng ta nói, Nhị thái tử dẫn quân kỷ luật nghiêm minh, binh lính dưới trướng không ai không phục tùng, là đại công thần số một của Đại Kim.
Nàng ta nói, người trong quân gọi Nhị thái tử là con Phật, ý nói Nhị thái tử nhân từ, trước nay không giết người bừa bãi. Quốc tướng Đại Kim có mấy người muốn dẫn quân chiếm thành, may mắn có Nhị thái tử ra sức ngăn cản, Biện Kinh mới được bình an tới ngày hôm nay.
Nàng ta nói, Nhị thái tử ái mộ đế cơ đã lâu, giữ quan gia lại thêm mấy ngày chính là bởi muốn xin thánh chỉ của ngài, cho phép đế cơ hòa thân, từ nay về sau hai nước hòa hảo, không còn loạn lạc chiến tranh nữa.
Nàng ta nói, nếu đế cơ đồng ý hòa thân, quan gia lập tức có thể quay về kinh thành, phò mã và tiểu công tử cũng sẽ được an toàn. Nếu không, tính mạng phò mã đang bị giam tại Thanh Thành sẽ gặp nguy hiểm, mà Khai Phong phủ chỉ e sẽ đưa công tử ra khỏi thành tới cùng phụ thân "đoàn tụ".
Nàng ta nói, Nhị thái tử sẽ không ép buộc đế cơ, nếu đế cơ không đồng ý hòa thân cũng không sao. Ngài sẽ vào thành mời Thái thượng hoàng tới đây, thương lượng chuyện chọn một vị đế cơ khác để hòa thân.
Cuối cùng, đôi mắt vô hồn của Mậu Đức ánh lên một tầng nước, nàng nhẹ nhàng kéo tay áo lau đi trong khoảnh khắc giọt lệ rơi xuống, sau đó quay sang nhìn Lý Tiên Nhi, nở nụ cười thê lương, dùng chất giọng dịu dàng dễ nghe trước nay thốt lên câu đầu tiên kể từ khi bước chân vào Lưu Gia Tự: "Cho ta một ly rượu."
Tửu lượng nàng vốn kém, uống cạn từng ly từng ly rượu mạnh, chẳng bao lâu sau đã say bí tỉ. Khi Tông Vọng đi tới ôm nàng lên, nàng mở mắt ngây dại nhìn y một cái, sau đó mệt mỏi thiếp đi. Tông Vọng cúi đầu hôn xuống khuôn mặt diễm lệ tựa hoa đào bừng nở của nàng, sau đó đắc ý bế nàng bước vào phòng ngủ.