Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Tống Triều, năm Kiến Viêm thứ tư, tháng Tám, ngày Mậu Dần. Cao Tông Triệu Cấu hạ chỉ, dùng nghi trượng của trưởng công chúa đón Nhu Phúc đế cơ, người đã theo Huy Tông Triệu Cát, Khâm Tông Triệu Hoàn và hàng ngàn nữ tử tông thất, phi tần hậu cung bị bắt tới phương Bắc trong biến cố Tĩnh Khang ba năm trước trở về hoàng cung tại tân đô Lâm An*.
(* Lâm An: Nay là Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang.)
Triều Tán Lang, tri phủ Kỳ Châu Chân Thái đích thân hộ tống vị Đế cơ chạy thoát từ Kim về nước này nhập cung. Khi tin kiệu của Nhu Phúc Đế cơ đã đi tới cửa chính của hoàng thành Lệ Chính môn được lớp lớp thị vệ truyền tới tai Triệu Cấu đang ngồi chờ trong chính điện, y cơ hồ đứng bật dậy, sải bước ra bên ngoài, dõi mắt về hướng Nhu Phúc chuẩn bị xuất hiện.
Bên ngoài Lệ Chính môn, hai cung nữ đi tới trước kiệu của nàng, trước tiên là hành lễ, sau đó vén rèm mỏng hai bên lên. Lại có thêm hai cung nữ tiến tới thỉnh an, rồi mời vị đế cơ ngồi trên ghế ngọc sau màn gấm xuống kiệu nhập điện.
Nữ tử trong kiệu chầm chậm đứng dậy, dời bước dưới với sự trợ giúp của hai cung nữ. Lúc khom eo cúi đầu, những hạt trân châu rủ xuống từ mũ Cửu Châu đội bên ngoài búi tóc cầu kì va vào châu ngọc đính trên y phục của nàng, phát ra những âm thanh tinh tang. Nàng cẩn thận vén nhẹ tà váy, khẽ lộ đôi hài thêu hoa văn chim phượng, lấy bàn chân chạm đất làm điểm tựa mà bước xuống.
Mấy cung nữ dìu nàng liếc nhau một cái, trong lòng đều thầm cảm thấy kinh ngạc: đôi chân của vị đế cơ này hóa ra lại không phải ba tấc sen vàng, kích cỡ hình như lớn hơn rất nhiều, có vẻ rất không ăn nhập với trang phục lộng lẫy và khí chất cao quý của nàng.
Nhu Phúc xuống kiệu liền có hai vị mỹ nhân tới đón, mỉm cười cúi người thỉnh an.
Bọn họ là phi tần của Triệu Cấu, Tiệp dư Trương thị và Tài nhân Ngô thị, tuân theo ý chỉ của Triệu Cấu, chờ tại Lệ Chính môn nghênh đón đế cơ.
Nhu Phúc đáp lễ, thong thả đánh giá hai người, từ phục sức có thể đoán ra được thân phận của bọn họ. Khi ánh mắt ngừng lại trên khuôn mặt Ngô Tài nhân, nàng bất ngờ mỉm cười.
"Anh Phất," nàng nói với Ngô tài nhân: "Cô đã thành hoàng tẩu của ta rồi."
Khuôn mặt Tài nhân Ngô Anh Phất thoáng đỏ lên: "Tôi chỉ là một Tài nhân hầu hạ Quan gia* mà thôi. Quan gia vẫn luôn bỏ trống hậu vị, chờ đợi Hình nương nương."
(* Quan gia: Thời Tống, vua còn được gọi là Quan gia.)
Nhu Phúc gật gật đầu, không lên tiếng nữa, sau đó dời bước về hướng Văn Đức điện, nơi có Hoàng đế Triệu Cấu, dưới sự dẫn dắt của nữ quan Thượng Cung và hai vị phi tần.
Triệu Cấu đứng bên ngoài Văn Đức điện, nhìn muội muội của y dần dần tiến lại. Hôm nay trời âm u, không thấy ánh nắng mặt trời, những cơn gió thổi tới táp vào mặt đã mang theo hơi thở lành lạnh của mùa Thu. Nàng khoan thai bước trên con đường chính trước điện, váy áo thướt tha, thân ảnh nhỏ nhắn trong lớp gấm vóc lụa là đột nhiên toát lên vẻ thê lương mà diễm lệ, giống như một đóa sen máu từ từ vươn lên rồi bừng nở trên mặt nước.
Cuối cùng nàng cũng đi tới trước mặt y. Nhìn rõ dung mạo của nàng, y âm thầm thở hắt ra một hơi – mắt mày kia khớp với kí ức y. Nàng là em gái của y, Nhu Phúc Đế cơ.
Nhu Phúc trịnh trọng quỳ xuống, hành đại lễ với Hoàng đế ca ca. Triệu Cấu lập tức đỡ nàng đứng dậy: "Muội muội miễn lễ."
Nàng cũng không hề hoang mang bối rối, chỉ nhàn nhạt nói: "Tạ ơn quan gia."
Giọng điệu và biểu cảm của nàng hoàn toàn khác với những gì Triệu Cấu dự liệu. Triệu Cấu thoáng cau mày, dịu giọng gọi tên lúc nhỏ của nàng: "Viện Viện, muội có thể xưng hô với Trẫm như trước kia."
Nhu Phúc ngẩng đầu nhìn y, một lát sau nhẹ nhàng thốt ra hai tiếng: "Cửu ca."
Trong ngữ khí của nàng không có sự ấm áp mà y mong chờ. Y có chút thất vọng. Lại cẩn thận quan sát, phát hiện nơi đầu mày cuối mắt nàng ẩn hiện một vẻ lãnh đạm u buồn vốn dĩ chẳng liên quan gì tới độ tuổi 18 đẹp đẽ này. Vóc người nàng thanh mảnh, nước da trắng nhợt, thế nhưng vẫn từ chối điểm phấn tô son, khiến lụa là gấm vóc phút chốc như biến thành lớp bụi phủ bên ngoài món đồ sứ trắng thuần tinh xảo.
Thế nhưng, bên dưới lớp vỏ bọc u nhã kia, vẻ đẹp và sự tiều tụy của nàng vẫn khiến kẻ khác không còn lối thoát.