Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Nhu Phúc Đế Cơ
  3. Quyển 3 - Chương 8: Chọn trữ
Trước /170 Sau

Nhu Phúc Đế Cơ

Quyển 3 - Chương 8: Chọn trữ

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

(* "Trữ" ở nhan đề chương là trong từ "trữ quân" - người đã được lựa chọn để sau này nối ngôi Hoàng đế.)

Tháng Tư năm Thiệu Hưng thứ nhất, Long Hựu Thái hậu Mạnh thị hoăng thệ tại Tây điện hành cung.

Triệu Cấu đau đớn khôn nguôi, hạ chỉ: "Long Hựu Thái hậu nên đưa vào điển sách, có thể so sánh với câu chuyện của Khâm Thánh Hiến Túc Hoàng hậu, để chúng nhân cùng ngợi khen luận bàn. Trẫm tổ chức tang lễ long trọng theo thể chế, phục tang trước chúng nhân." Lại mệnh cho các đại thần tổ chức tang lễ cho Long Hựu Thái hậu theo quy chế khi xưa cho Hướng Thái hậu, bản thân cũng mặc trang phục tang, đồng thời cũng dừng thiết triều trong một tháng, không ngự chính điện.

Tháng Năm, thị tòng, đài gián trong triều đồng loạt kiến nghị, dâng thụy hiệu Chiêu Từ Hiến Liệt hậu cho Long Hựu Thái hậu.

Thái hậu thường ngày đối xử với chúng phi tần, cung nữ đều khoan hậu hòa ái, mọi người trong cung cũng vô cùng thương kính bà, vốn dĩ đã rất đau lòng, nay lại thấy Hoàng đế buồn bã tới mức nghỉ thiết triều một tháng, lại càng không dám lơi lỏng, nhao nhao tranh nhau than khóc túc trực nơi linh đường, gắng sức tỏ vẻ mình thương tâm vô ngần. Phan Hiền phi và Trương Tiệp dư lại càng vì chuyện cắt thịt lần trước mà cảm thấy bất an, chỉ sợ Triệu Cấu lại lần nữa truy cứu, bèn tự giác mặc tang phục ngày đêm quỳ tại linh đường. Mỗi lần Triệu Cấu xuất hiện đều cẩn thận quan sát biểu cảm trên gương mặt y, sau đó che mặt rơi lệ, hoặc lớn tiếng kêu khóc hoặc cố nén bi thương, chỉ sợ y hoài nghi mình không đủ đau lòng, không đủ hiếu thuận.

Ngày tiếp theo sau khi cắt thịt Anh Phất toàn thân nóng rực, sốt cao không hạ, ốm tới mức thần trí mơ mơ màng màng. Sau khi Triệu Cấu mệnh người tận tâm chăm sóc mới dần dần có chuyển biến tốt. Vừa tỉnh lại đã nghe tin Thái hậu hoăng thệ, Anh Phất nhất thời kinh hãi thất sắc, không màng sự khuyên ngăn của cung nữ vùng vẫy ngồi dậy, sai người dìu mình, gắng nén cơn choáng váng và sự đau đớn nơi bắp đùi, tập tễnh bước tới tẩm cung của Thái hậu quỳ bái.

Triệu Cấu thấy nàng như vậy liền thở dài, ôn hòa nói với nàng: "Sức khỏe nàng chưa bình phục hẳn, vẫn nên về cung nằm nghỉ đi, có tâm ý này là được rồi."

Anh Phất lại lắc đầu nói: "Chưa nói tới việc Thái hậu là mẫu hậu của quan gia, dù chỉ là một phu nhân nhà thường dân, lúc về trời lẽ nào kẻ làm con dâu lại có lý không canh giữ linh đường tiễn đưa đoạn đường cuối cùng?"

Nàng kiên trì ở lại canh linh đường, Triệu Cấu cũng đành y theo ý nàng, thế nhưng tới giữa đêm vẫn mệnh người cưỡng chế dìu nàng về tẩm cung nghỉ ngơi.

Ngày Thái hậu hoăng thệ, Nhu Phúc cũng không nén được rơi mấy hàng lệ, thế nhưng rất nhanh đã ngừng lại, sau đó liền không khóc nữa, việc canh linh đường cũng làm theo quy định, không miễn cưỡng ép mình phải đau đớn khóc than. Cung nhân trông thấy vậy có chút e dè, song nàng vẫn một mình một lối, không thèm để ý.

Sau khi Nguyên Ý Thái tử chết yểu, vì Triệu Cấu không còn có thêm hoàng tử có thể kế vị nữa nên vị trí trữ quân vẫn luôn bỏ trống. Tháng Sáu năm Nguyên Thiệu thứ nhất, Thượng thư hữu bộc xạ Phạm Tông Doãn dâng tấu xin Triệu Cấu chọn lấy những người đủ tiêu chuẩn từ tông thất để đưa vào cung nuôi dưỡng, nói rằng trữ quân là nền tảng của nước nhà, một ngày chưa lập là một ngày triều dã bất an. Bệ hạ nên sớm định Thái tử, an lòng bá tính trong thiên hạ.

Triệu Cấu thoạt tiên trầm mặc không nói, sau khi Phạm Tông Doãn năm lần bảy lượt bức hỏi mới đành thở dài đáp: "Thái tổ Hoàng đế bình định thiên hạ bằng thánh võ, nhưng con cháu lại không được hưởng phước đó, nay phiêu tán khắp nơi, quả thực xót xa. Nhân Tông Hoàng đế không con, liền lập cháu trai làm Thái tử, chính là Anh Tông. Trẫm nếu không nghĩ cho thiên hạ bá tánh, học theo Nhân Tông, thì sao có thể an ủi vong linh Thái Tổ trên trời cao!"

Thiên hạ đại Tống này là do Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn dựng nên, thế nhưng người kế vị ông không phải con trai Đức Chiêu hay Đức Phương, mà lại là em trai Tấn vương Triệu Quang Nghĩa. Theo lời đồn truyền lại, đêm trước lâm chung, Triệu Khuông Dẫn triệu Tấn vương vào cung, cho tất cả cung nhân lui xuống, hai người thảo luận bí mật, nội dung cuộc nói chuyện không ai nghe thấy được, chỉ thấy bóng Tấn vương không ngừng lay động dưới ánh nến, tựa như đang tránh né điều gì. Cuối cùng, không rõ hai người nói đến gì mà Triệu Khuông Dẫn đại nộ, cầm chiếc rìu ngọc bên bàn làm việc của mình lên chém mạnh xuống đất, cao giọng nói với Tấn vương: "Được! Đệ làm đi!" sau đó liền khí tuyệt thân vong. Triệu Quang Nghĩa bước ra với vẻ mặt buồn bã tuyên bố tin tức Hoàng đế đã băng hà, và nói Thái tổ trước lúc lâm chung đã chỉ định ông kế thừa hoàng vị. Mọi người mặc dù cảm thấy chuyện này vô cùng kì quái, thế nhưng cũng không dám nói gì, đành theo lời lập tức xưng hô với Triệu Quang Nghĩa là quan gia.

Còn một cách nói khác là trước lúc Thái Tổ lâm chung, Tống Hoàng hậu đã từng sai hoạn quan triệu Vương Kế Long đón con trai mình là Đức Phương vào cung, thế nhưng Vương Kế Long đi được nửa đường lại tới tìm Triệu Quang Nghĩa khi ấy đang nhậm chức Khai Phong phủ doãn, mời ông tiến cung, nếu không ngôi vị hoàng đế sẽ thuộc về người khác. Sau khi Triệu Quang Nghĩa nhập cung, Tống Hoàng hậu vừa trông thấy ông liền lập tức hiểu đã bị Vương Kế Long bán đứng, bởi thế đành buồn bã nói: "Tính mạng mẹ con ta, đều phó mặc cho quan gia."

Chân tướng của tích "ánh nến tiếng rìu" này rốt cuộc ra sao vẫn là một bí ẩn không có lời giải. Các Hoàng đế từ đó trở về sau đều là con cháu của Thái tông Triệu Quang Nghĩa, dĩ nhiên đều ra sức che đậy việc này, không cho sử quan ghi lại vào chính sử. Thế nhưng văn nhân sĩ phu đời sau vẫn cảm thấy tràn đầy nghi hoặc, đại đa số đều nghi ngờ đây thực chất là một màn chính biến cung đình nhằm cướp quyền đoạt vị, mặc dù ngoài mặt không nói, thế nhưng trong bụng vẫn đồng cảm với con cháu của Triệu Khuông Nghĩa. Hậu nhân của Triệu Khuông Nghĩa lúc này đã không còn tin tức, ẩn mình kín đáo. Nay các đại thần nghe thấy Triệu Cấu lại chủ động nhắc tới Thái tổ liền lập tức cảm thấy hưng phấn, ào ào dâng tấu xin lập hậu duệ của Thái tổ làm trữ quân.

Đồng tri xu mật viện sứ Lý Hồi dâng sớ nói: "Tự cổ thân làm quân vương chỉ có Nghiêu, Thuấn biết nhường thiên hạ cho kẻ hiền, mà Nghệ Tổ (Triệu Khuông Dẫn) lại chẳng truyền vị cho con trai mình, thánh minh quyết đoán, trí tuệ hơn người. Bệ hạ nhìn xa trông rộng, nay học theo Nghệ Tổ, quả thực cảm động đất trời." Lại một vị đại thần khác Trương Thủ Tắc khen ngợi Triệu Khuông Dẫn, cổ vũ Triệu Cấu học theo ông: "Trữ tử của Nghệ Tổ không thất đức, vậy mà vẫn sẵn lòng truyền vị cho Thái Tông, khí khái cao khiết, còn hơn cả Nghiêu, Thuấn ngày xưa." Thượng ngu huyện thừa Dần Lượng dâng tấu trực tiếp hơn: "Hậu nhân của Nghệ Tổ nay không còn tin tức, cuộc sống chẳng khác gì bách tính bình dân, về tình về lý đều không thỏa. Xin bệ hạ tiến hành tuyển chọn người hiền đức trong số con cháu của Thái Tổ, chuẩn bị cho nay mai. Nếu hậu cung ngày sau còn có thể sinh được hoàng tử lại mệnh y xuất cung lĩnh tước vương. Làm vậy, trên có thể an ủi vong linh Nghệ Tổ trên trời, dưới có thể xoa dịu tấm lòng nhân dân."

Triệu Cấu nghe xong cảm khái vạn phần, nhanh chóng cùng Tần Cối thương nghị. Tần Cối nói: "Việc này có thể tiến hành, thế nhưng nhất định phải chọn con trai của người tông thất hiểu lễ nghĩa tôn trọng luật pháp." Triệu Cấu gật đầu nói: "Đó là dĩ nhiên." Thiêm thư xu mật viện sứ Phú Trực Nhu lại hỏi Triệu Cấu: "Nếu chọn hoàng tử đón vào cung, sẽ giao cho ai nuôi dưỡng?" Triệu Cấu đáp: "Trẫm đã chọn xong người." Bởi thế bèn truyền lệnh, phái Triệu Lệnh Trù phụ trách quản lý việc tông thất trong cung đình tiến hành lựa chọn con cháu hoàng thất chào đời trong năm Kiến Viêm thứ nhất thuộc hàng chữ "Bá"*.

(* Thuộc hàng chữ "Bá": Ở Trung Quốc, trong các gia tộc lớn, đặc biệt là hoàng tộc, thường có truyền thống chọn cho con trẻ thuộc cùng một thế hệ chung một chữ đệm, bởi thế chỉ cần nhìn tên một người là có thể lập tức biết được vị trí tương đối của người đó trong gia phả. Một ví dụ điển hình là hoàng tộc nhà Minh từ sau đời Minh Thành Tổ Chu Đệ đổ xuống, tên của con cháu hoàng thất được đặt một cách rất có hệ thống.)

Tin tức này chẳng bao lâu đã truyền tới hậu cung. Một ngày kia, Trương Tiệp dư cùng Anh Phất, Nhu Phúc ngẫu hứng tản bộ trong hoa viên, liền nhắc tới việc này. Trương Tiệp dư nói với Anh Phất: "Quan gia nói đã chọn xong người, ắt hẳn muốn chỉ hai tỷ muội chúng ta. Phan tỷ tỷ đau đớn vì mất con, có lẽ khó lòng chấp nhận nổi việc nuôi dưỡng con cái của người khác."

Anh Phất mỉm cười đáp: "Nếu thật như vậy thì muội cũng có việc để làm rồi. Từ sau khi Thái hậu hoăng thệ, trong cung tĩnh lặng hơn rất nhiều, có thêm một hai đứa trẻ không khí cũng sẽ tươi vui hơn."

Nhu Phúc đứng một bên nghe, đột nhiên chen vào: "Nếu muốn nhận nuôi hoàng tử, theo lí mà nói cũng nên chọn người có quan hệ gần gũi nhất với quan gia mới đúng. Con cháu của Phụ hoàng đại đa số đều đang ở Kim quốc, ngẫu nhiên có vài người lưu lạc trong dân gian thì cũng không có tin tức. Nhưng ta nghe nói Thần Tông Hoàng đế có hai người đệ đệ Ngô Vinh vương Hạo và Ích Đoan Hiến vương Quần có vài người con cháu đã thoát được nạn Tĩnh Khang, nay cũng đang ngụ tại Giang Nam. Quan gia hoàn toàn có thể chọn con trai của bọn họ đưa vào cung nuôi dưỡng, vì sao nhất quyết phải chọn hậu nhân của Thái Tổ Hoàng đế vậy?"

Trương Tiệp dư và Anh Phất đều chưa đáp lời, lại nghe thấy có người lạnh lùng lên tiếng: "Con cháu của Ngô Vinh vương, Ích Đoan Hiến vương và con cháu của Thái Tổ Hoàng đế có gì khác biệt? Đều chẳng phải con cái ruột thịt của quan gia, nuôi dưỡng có tác dụng gì?"

Nhu Phúc quay lại nhìn, thấy người lên tiếng là Phan Hiền phi đang thong thả tiến lại gần, bèn cười lạnh nói: "Cũng phải, con cháu của Ngô Vinh vương, Ích Đoan Hiến vương và con cháu của Thái Tổ Hoàng đế không có gì khác biệt. Quan gia nếu muốn chọn hoàng tử thì không nên xét theo quan hệ huyết thống, mà nên lựa người đủ tài đủ đức. Chứ nếu chọn một đứa bé huyết thống gần gũi, mà lại nhát hơn cầy sấy, một chút tiếng động cũng đủ khiến cho..."

"Công chúa, ban nãy tôi mệnh nha hoàn chuẩn bị nước mai chua ngâm băng lạnh cho người, hiện giờ có lẽ đã xong rồi, công chúa theo tôi về cung thưởng thức đi." Anh Phất nhanh nhẹn ngắt lời Nhu Phúc, không để nàng nói ra những lời chói tai phía sau, vừa kéo nàng đi vừa cười với Phan Hiền phi và Trương Tiệp dư: "Hai vị tỷ tỷ thong thả nói chuyện, muội và công chúa đi trước."

Phan Hiền phi đương nhiên biết Nhu Phúc định nói cái gì, sắc mặt tức thì tái xanh, suýt nữa hộc máu. Nhu Phúc liếc nhìn nàng ta, lại nhoẻn miệng cười, sau đó theo Anh Phất rời đi.

Về tới cung, Anh Phất mời nàng ngồi xuống, sau đó ra lệnh cho cung nữ quạt mát, rửa tay cho Nhu Phúc, rồi mới bưng nước mai chua vào. Nhu Phúc yên lặng nhìn nàng bận rộn, ánh mắt rơi xuống vùng bụng bằng phẳng của nàng. Anh Phất nhanh chóng phát hiện ra điều này, khó hiểu nói: "Công chúa đang nhìn gì thế?"

"Anh Phất," Nhu Phúc chậm rãi hỏi: "Cô vào hầu cửu ca ta đã mấy năm, vì sao vẫn mãi chưa có tin mừng?"

Anh Phất thoáng ngây ra, bối rối cúi đầu, hồi lâu mới nhẹ nhàng nói: "Việc này phải nghe theo ý trời, là Anh Phất vô phúc..."

Nhu Phúc lắc đầu, nói: "Không phải. Không chỉ riêng cô, mà từ sau khi Thái tử qua đời, Phan Hiền phi và Trương Tiệp dư cũng chưa từng mang thai. Cửu ca vẫn còn rất trẻ, việc này không bình thường cho lắm."

"Công chúa..." Anh Phất đảo mắt nhìn các cung nữ xung quanh, gần như van xin gọi, ra hiệu cho nàng đừng nói tiếp nữa.

Nhu Phúc phất phất tay, nói với các cung nữ: "Các ngươi đều lui xuống đi, không cần ở đây hầu hạ nữa."

Các cung nữ vâng lời lui ra. Nhu Phúc lại chăm chú nhìn Anh Phất, hỏi: "Anh Phất, vì sao cửu ca không thể sinh thêm hoàng tử được nữa, mà nhất định phải chọn con cái trong tông thất để lập trữ?"

Quảng cáo
Trước /170 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Tổng Tài, Anh Thật Lưu Manh

Copyright © 2022 - MTruyện.net