Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Nhu Phúc Đế Cơ
  3. Quyển 4 - Chương 3: Binh biến
Trước /170 Sau

Nhu Phúc Đế Cơ

Quyển 4 - Chương 3: Binh biến

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Sau khi tin tức Lý Cương bị bãi tướng truyền đi, nhân sĩ trong kinh thành đều nhao nhao bất bình, đều ngầm mắng Triệu Cấu gần tiểu nhân, xa hiền thần. Lúc ấy Triệu Cấu đang có ý đề bạt một số văn nhân làm quan, nghe nói Thái học sinh Trần Đông có tài, liền tuyên y vào cung diện kiến. Trần Đông sau khi tới liền lập tức dâng sớ nói thẳng rằng Tể chấp Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn không thể trọng dụng, Lý Cương không thể đi, đồng thời cũng cầu xin Hoàng thượng quay về Biện Kinh, đích thân lĩnh quân ra trận chống quân Kim để sớm ngày đón được hai vua về.

Lời lẽ quyết liệt thẳng thắn, Triệu Cấu đọc xong nhất thời không hồi đáp. Sau khi Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn nghe nói liền phẫn nộ vô cùng, thầm hạ quyết tâm phải loại trừ người này. Lúc này lại có một văn nhân áo vải tên Âu Dương Triệt dâng thư xin Triệu Cấu dùng hiền trừ gian, bãi miễn hai kẻ Hoàng, Uông, phục chức cho Lý Cương. Thấy Triệu Cấu không trả lời, Trần Đông và Âu Dương Triệt liền cùng nhau tập hợp một đám nho sinh nhân sĩ quỳ bên ngoài thành cung, không ngừng khóc than cầu xin, hi vọng Triệu Cấu có thể tiếp nhận ý kiến của bọn họ.

Hoàng Tiềm Thiện thấy vậy bèn không ngồi yên được nữa, lập tức vào cung bẩm báo với Triệu Cấu: "Đám người Trần Đông, Âu Dương Triệt lôi kéo chúng nhân thị uy gây chuyện, nếu không nghiêm trị, chỉ e sẽ khiến toàn thành náo loạn, hậu hoạn không lường."

Triệu Cấu ngồi ngay trên ngự tọa, dựa vào lưng ghế, sau đó vươn tay lần nữa mở tấu chương của hai người ra, cẩn thận đọc một lượt, lại ngẩng đầu không động thanh sắc nhìn Hoàng Tiềm Thiện. Hoàng Tiềm Thiện không đoán nổi suy nghĩ của y, cũng không dám nói gì nữa, đành cúi đầu đứng đó, mồ hôi lạnh bất giác toát ra.

Như vậy một hồi, Triệu Cấu đột nhiên đưa hai quyển tấu chương trước mặt cho Hoàng Tiềm Thiện, lãnh đạm hạ lệnh: "Theo tội mà xử."

Hoàng Tiềm Thiện vui sướng, kéo tay áo lên lau mồ hôi trên trán, vội vàng lĩnh mệnh lui ra. Thượng thư hữu thừa Hứa Hàn chờ ngoài điện, thấy biểu cảm của Hoàng Tiềm Thiện liền biết Hoàng đế đã chấp nhận kiến nghị của y, muốn xử tội hai người, bèn hỏi hắn: "Tướng công chuẩn bị trị tội bọn họ thế nào?" Hoàng Tiềm Thiện cười, giơ một tay lên làm động tác dứt khoát chém xuống, đáp: "Theo luật nên trảm." Hứa Hàn lắc đầu nói: "Quốc gia trung hưng, không nên áp dụng luật lệ quá hà khắc, nên thương lượng thêm với các đại thần khác mới phải!" Hoàng Tiềm Thiện cũng không tranh luận với y, giả bộ gật đầu khen phải, sau đó lại âm thầm phân phó Khai Phong phủ doãn Mạnh Dữu xử chém Trần Đông và Âu Dương Triệt.

Vào ngày xử trảm, cả thành Nam Kinh đều ra xem xe tù binh chạy qua, bất kể có quen biết hai người hay không đều rơi lệ tiễn đưa. Trong số đó có một nho sinh phẫn nộ cao giọng nói trước quần chúng: "Thái tổ Hoàng đế bản triều từng dặn dò con cháu kẻ nói không có tội, bất kể có can gián thế nào cũng không được phép giết. Mà từ những năm Thái Tông tới Thần Tông, tất cả các Hoàng đế đều chưa từng xử chém một văn nhân bởi lời nói mà mang tội nào. Nay quốc gia đang trong đà hồi phục, cần có lương thần trung thực thẳng thắn góp tiếng nói, Hoàng thượng nay lại coi thường di huấn của tổ tông, quả thực khiến lòng người trong thiên hạ nguội lạnh!" Một người đứng bên khuyên nhủ: "Mau trật tự đi, còn nói nữa thì ngay tới cái đầu của huynh cũng khó giữ đấy." Nho sinh kia hơi giật mình, ngậm miệng không nói nữa, nhưng sắc mặt vẫn bất bình không nguôi.

Tháng Mười năm Kiến Viêm thứ nhất, sau khi tiễn Long Hựu Thái hậu và các phi tần hậu cung lên đường trước, trong tháng đó Triệu Cấu liền lên thuyền xuôi về Dương Châu, cung nữ theo hầu chỉ có một mình Anh Phất. Trên đường đi ngang qua các thủ phủ các Châu đều lên ngựa đi tuần, phát hiện ra rất nhiều quan viên địa phương tự ý chiêu mộ quân sĩ, lấy danh nghĩa phò tá Hoàng đế, hoặc tự xưng chiêu mộ đệ tử rèn võ bảo vệ đất nước, vừa khiến lòng dân nhiễu loạn lại vừa có hại cho quân đội, chính quyền. Bởi thế Triệu Cấu liền lập tức hạ lệnh bắt ngừng, ra lệnh giải tán những binh lính đã được chiêu mộ, nếu về sau còn ai tái phạm sẽ nghiêm trị không tha.

Lúc bấy giờ thiên hạ loạn lạc, giặc cướp nổi lên khắp nơi, là một mối họa ngầm đối với quốc gia, quan viên các châu phủ gặp được Triệu Cấu đều nhao nhao kể khổ, xin y chỉ điểm cách giải quyết. Sau khi nghe xong, Triệu Cấu trầm ngâm một hồi rồi phân phó Học sĩ thừa chỉ: "Thảo chiếu cho trẫm: Ai bắt được cướp, dẹp được trộm, đều phong quan."

Vài ngày sau, có một nội thị trốn thoát được khỏi hoàng cung trong nạn Tĩnh Khang tới nương nhờ, đồng thời dâng cho Triệu Cấu hai túi châu báu năm ấy mang ra khỏi nội phủ. Triệu Cấu nhận lấy, không buồn liếc mắt đã ném châu ngọc xuống sông. Ngày hôm sau Triệu Cấu đem việc này kể cho Hoàng Tiềm Thiện, Hoàng nghe xong liền xuýt xoa tiếc rẻ: "Đáng tiếc đáng tiếc! Hiện giờ quốc khố trống rỗng, đồ vật cho bệ hạ tiêu khiển cũng không có nhiều, những món châu báu kia là đồ quý trong nội phủ Biện Kinh năm ấy, cho dù bệ hạ không có ý cưỡng cầu, nhưng nếu đã dâng tới tận cửa thì vì sao còn vứt đi?"

Triệu Cấu phất tay nói với Hoàng Tiềm Thiện: "Thuở xưa vua đập ngọc hủy châu, bởi thế mà trộm cắp không nổi lên nữa, trẫm rất ngưỡng mộ, cố ý học theo để mong giải được nạn trộm cướp."

Một ngày kia thuyền của Triệu Cấu đi tới huyện Bảo Ứng Sở Châu, buổi tối ghé vào bờ nghỉ ngơi. Sau khi phê duyệt tấu chương xong đã là canh ba, Anh Phất tới hầu hạ Triệu Cấu tắm rửa, rồi được cho lui về thuyền của mình nghỉ ngơi. Anh Phất vâng một tiếng đang định bước ra ngoài thì chẳng ngờ nghe thấy ngoài thuyền đột nhiên huyên náo, hơn nữa còn có ánh lửa hắt vào, giống như có rất nhiều người đang cầm đuốc từ từ tiến lại gần.

Triệu Cấu lập tức xốc lại cảnh giác, rút bội kiếm đã tháo xuống ra sải bước ra phía ngoài. Anh Phất cũng giật mình kinh hãi, theo Triệu Cấu đi ra.

Chỉ trông thấy những kẻ đang bao vây ngự thuyền chẳng ngờ lại là quân ngự doanh bảo vệ Hoàng đế, những người lính được trang bị đầy đủ vũ khí, một tay cầm kiếm một tay cầm đuốc, trông thấy Triệu Cấu không hề quỳ xuống hành lễ, mà dùng thần thái thách thức quan sát y.

Triệu Cấu lạnh lùng đảo mắt một vòng xung quanh, hỏi: "Các ngươi đang làm gì?"

"Bệ hạ, người đã làm thiên tử nhiều tháng mà vẫn chưa chỉnh đốn lại được giang sơn Đại Tống này, có phải đã tới lúc nên nhường ngôi rồi chăng?" Một kẻ bước ra khỏi hàng, hếch mặt liếc Triệu Cấu, nở nụ cười trào phúng, thái độ vênh váo kiêu ngạo.

Triệu Cấu nhận ra y là thống lĩnh hậu quân ngự doanh Tôn Kỳ.

Chuyến này Triệu Cấu dẫn các quan văn đi đường thủy, do ngự doanh hậu quân ngồi thuyền theo sát bảo vệ, mà quân đội chủ lực do Thống chế quan định quốc quân thừa tuyên sứ Hàn Thế Trung chỉ huy lại đi đường bộ, men dọc theo bờ sông, hiện giờ đang dựng trại ở ven thành Bảo Ứng cách đây một dặm. Mà nay Triệu Cấu thấy Tôn Kỳ xuất hiện, trong lòng thầm biết ắt hẳn y đã kêu gọi thủy quân theo hầu nổi lên làm phản, Hàn Thế Trung chưa chắc đã cùng bọn họ đồng lõa, thế nhưng đúng lúc nửa đêm, nếu không có ai chạy tới báo tin thì Hàn Thế Trung sẽ không biết được việc này ngay lập tức để đem quân tới cứu giá.

Triệu Cấu nhìn ra xa, chỉ thấy các thuyền nhỏ vây quanh ngự thuyền cũng đã đầy các phản binh, quan văn trong các thuyền đang từng người từng người một bị lôi ra ngoài. Các đại thần đó hoặc sợ hãi run rẩy, hoặc trừng mắt giận dữ, song đều bất lực trước tình thế khó khăn trước mắt. Bọn họ ngày thường đều hăng hái nghị sự, đưa ra các ý kiến cho đất nước, thế nhưng lúc này đối mặt với binh lính gươm đao sáng quắc, lại có vẻ yếu đuối bất lực, không biết làm sao.

Triệu Cấu thở dài thườn thượt, không cho phép bản thân lộ ra cảm xúc hoang mang, nhìn thẳng vào Tôn Kỳ bình tĩnh nói: "Tôn Thống lĩnh, trẫm tự thấy mình ngày thường đối xử với khanh không tệ bạc, vì sao hôm nay khanh lại làm ra loại chuyện phản quốc này?"

Tôn Kỳ cao giọng đáp: "Tự cổ loạn thế sinh anh hùng, vị trí Hoàng đế nên để cho kẻ có năng lực làm. Mà Triệu Cấu ngươi không tài không đức, chẳng qua chỉ vì phụ thân huynh trưởng đều bị bắt giam, nên tên thư sinh mặt trắng nhà ngươi mới chiếm được món hời. Hai vị Hoàng đế phụ thân và huynh trưởng ngươi đều chưa từng hạ chỉ truyền ngôi cho ngươi, ngươi lại tự mình đăng cơ xưng đế, xét ra cũng danh không chính ngôn không thuận. Huống hồ họa giặc Kim vẫn chưa trừ, ngươi lại một mực hèn nhát né tránh, muốn chạy tới Dương Châu, đem nửa giang sơn chắp tay dâng cho giặc. Chức Hoàng đế bị ngươi đem ra giẫm nát, không bằng mau chóng nhường ngôi cho người hiền, để ta dẫn quân đi đòi lại một nửa giang sơn kia!"

"Loạn thần tặc tử to gan, lại dám dụng binh mưu phản, khi quân phạm thượng!" Triệu Cấu chưa kịp lên tiếng đáp lời đã nghe thấy có người ở thuyền lân cận tức giận mắng. Chúng nhân đều đổ dồn ánh mắt về phía phát ra âm thanh, phát hiện ra người nói chuyện là Tả chính ngôn Lư Thần Trung.

Lư Thần Trung dồn lực đẩy mạnh các binh sĩ đang chặn mình ra, bước qua cây cầu phụ nố liền với ngự thuyền muốn tới gần Triệu Cấu, thế nhưng vẫn bị một số binh sĩ trên thuyền bắt lại, ông vừa vùng vẫy vừa tức giận nhìn Tôn Kỳ, tiếp tục mắng nhiếc: "Hoàng thượng là con trai ruột của Đạo quân Thái thượng hoàng đế, sau loạn Tĩnh Khang kế vị theo thiên mệnh, dưới được lòng dân, lại có Long Hựu Thái hậu đích thân viết chiếu thư hạ chỉ, đăng cơ làm đế là danh chính ngôn thuận! Sau khi đăng cơ Hoàng thượng đã cố gắng cai trị, quốc gia có hi vọng khởi sắc, về Dương Châu chỉ bởi trước mặt quân Kim quá mạnh, đợi thế cục ổn định sẽ tự khắc về kinh. Mà loạn thần tặc tử nhà ngươi lại dám to gan nhân cơ hội tạo phản, thèm muốn ngai vàng, tâm địa rắn rết, thần người cùng căm phẫn, sẽ bị trời phạt!"

Tôn Kỳ ngửa mặt cười lớn: "Loạn thần tặc tử nhân cơ hội tạo phản sẽ bị trời phạt? Giang sơn của Hoàng đế Đại Tống này có được thế nào? Chẳng phải cũng nhờ binh biến Trần Kiều mà khoác được long bào lên sao? Thái tổ Hoàng đế trước đây là Điện điểm đô Bắc Chu, thống lĩnh cấm quân. Mà nay ta là thống lĩnh ngự doanh hậu quân, tình hình bây giờ chẳng phải rất giống với ở Trần Kiều dịch năm đó sao? Triệu Khuông Dẫn có thể làm Hoàng đế, vậy Tôn Kỳ ta vì sao không thể?"

Dứt lời Tôn Kỳ liền đi thẳng tới mạn thuyền nơi Lư Thần Trung đang đứng, vừa vươn tay ra đã túm được y phục trước ngực ông xách lên. Lư Thần Trung đại nộ, vừa mắng chửi Tôn Kỳ vừa giơ tay ra đẩy hắn, rơi thẳng ra ngoài "ào" một tiếng chìm xuống nước. Lư Thần Trung không biết bơi, không ngừng đau khổ vùng vẫy trong nước, khi chìm khi nổi, Tôn Kỳ và quân lính thấy vậy đều cười phá lên. Triệu Cấu và các vị đại thần khác thấy vậy đau xót song chẳng còn cách nào, cuối cùng chỉ đành giương mắt nhìn Lư Thần Trung dần dần chìm xuống rồi chết ngạt.

Tôn Kỳ lại bước về phía Triệu Cấu, Triệu Cấu lập tức cầm kiếm lên không cho phép hắn tiếp tục lại gần. Tôn Kỳ nở nụ cười, xoay người đi về phía Anh Phất đứng cạnh y, cười nói: "Hoàng thượng đúng là hoàng thượng, lúc nào cũng có người đẹp ở bên hầu hạ, diễm phúc thật không mỏng..." Nói đoạn vươn một bàn tay thô to ra muốn vuốt cằm Anh Phất. Sắc mặt Anh Phất thoắt biến, quay đầu trốn đi, Tôn Kỳ tiếp tục từng bước ép sát. Triệu Cấu tức giận vung kiếm lên chém về phía Tôn Kỳ, lại bị mấy cấm binh gần bên nhanh chóng rút kiếm ra cản lại, một loạt âm thanh đao kiếm va chạm vang lên. Anh Phất bị dồn tới đuôi thuyền, không còn đường nào để lui nữa, bất ngờ nghiêm túc ngẩng đầu nhìn về phía Triệu Cấu, hét lên: "Quan gia bảo trọng!" sau đó liền gieo mình nhảy xuống nước.

Nghe thấy tiếng rơi, trái tim Triệu Cấu lại lãnh toát, đoán chừng nàng ắt hẳn không muốn nhục nhã, nhảy sông tự tận, không nén được sinh lòng kính phục, thầm nghĩ không ngờ nàng lại là một nữ tử tiết liệt đến thế, hóa ra trước nay mình vẫn luôn xem nhẹ nàng.

Sau khi rơi xuống nước, Anh Phất không vùng vẫy như Lư Thần Trung, mà tựa như một tảng đá chìm xuống nước không còn động tĩnh gì nữa, gợn sóng tản ra từng vòng, mặt sông vẫn bình lặng như cũ, phản chiếu ánh trăng nhàn nhạt. Có binh sĩ hỏi Tôn Kỳ: "Có cần xuống cứu cô ta không ạ?" Tôn Kỳ lắc đầu đáp: "Một nữ nhân mà thôi, không cần quan tâm nữa."

Lúc này Triệu Cấu lấy một địch nhiều, đã bị cấm quân vây lại đoạt mất kiếm. Tôn Kỳ lệnh cho người áp giải Triệu Cấu về khoang thuyền, sau đó nói với y: "Xin bệ hạ viết một chiếu thư, nhường ngôi cho ta."

Triệu Cấu lạnh nhạt đáp: "Tôn Thống lĩnh nắm đại quyền trong tay, còn cần phải làm vậy sao?"

Tôn Kỳ cười đáp: "Vẫn nên làm theo câu chuyện Trần Kiều thì tốt hơn. Thái tổ Hoàng đế năm đó xưng đế chẳng phải cũng bắt Bắc Chu Cung Đế viết chiếu chỉ nhường ngôi sao, để cho chắc ăn vẫn cảm phiền bệ hạ viết chiếu thư lệnh cho thần nối ngôi, thần sẽ vô cùng hoan hỉ tuân theo mệnh lệnh cuối cùng mà bệ hạ giao cho này."

Triệu Cấu suy ngẫm một lát, nói: "Được. Ngươi bảo người chuẩn bị bút mực cho trẫm."

Tôn Kỳ vui vẻ đáp: "Dễ thôi." Rồi quay đầu lệnh cho thủ hạ đi tìm bút mực. Qua một lúc, văn phòng tứ bảo* đã chuẩn bị đầy đủ, Tôn Kỳ thúc giục Triệu Cấu mau viết, Triệu Cấu làm ngơ, liếc xéo nói: "Trẫm không có thói quen tự mài mực."

(* Văn phòng tứ bảo: Bút, mực, giấy, nghiên.)

Tôn Kỳ lập tức lệnh cho một cấm binh mài mực cho y, mài xong Triệu Cấu lười biếng nhấc bút, vừa đặt bút viết được một nét lại quăng bút đi không viết nữa, nói: "Mực này quá đậm, mài lại." Tôn Kỳ đại nộ, nói: "Làm gì rách việc đến thế! Mực nhạt đậm có gì khác nhau, viết ra chẳng phải cùng là một chữ hay sao!"

Triệu Cấu cười lạnh nói: "Chữ trẫm viết trước nay đều chú trọng màu mực, các đại thần trong triều không ai không biết điều này, nếu sắc mực trong chiếu thư không đúng sẽ không có ai tin ngươi hết, đều sẽ nói ngươi tự mình ngụy tạo. Vốn dĩ việc mài mực này là do thị nữ bên cạnh trẫm làm, giờ nàng ta đã bị ngươi ép chết rồi, chỉ đành cảm phiền ngươi tìm kẻ khác tới hoàn thành giùm."

Tôn Kỳ nghĩ ngợi, đành nuốt cục tức này xuống, lại mệnh cấm quân mài lại mực khác. Lần này mực mài xong Triệu Cấu lại nói quá nhạt, cứ như thế ba bốn lần, đổi vài cấm binh, vật lộn hồi lâu Triệu Cấu mới miễn cưỡng nói được, chậm rãi đứng lên nhấc bút xoay tròn trong nghiên như suy nghĩ điều gì, chậm chạp không chịu đặt bút. Tôn Kỳ lại thúc giục, Triệu Cấu không nhanh không chậm nói: "Nếu đã là chiếu thư quan trọng như thế, đương nhiên phải tính kỹ từng chữ."

Tôn Kỳ tức giận đập bàn, mắng Triệu Cấu: "Ngươi đừng có dùng dằng nữa, mau viết đi, nếu không ta sẽ cho đầu ngươi lập tức rơi xuống đất!"

Triệu Cấu lạnh lùng đáp: "Nếu muốn giết trẫm, ban nãy vì sao không động thủ, còn nhất định muốn trẫm phải viết chiếu thư nhường ngôi."

Tôn Kỳ tuốt kiếm ra quát: "Ngươi tưởng ta không dám giết ngươi sao?"

Đang tranh chấp, vài cấm binh sắc mặt hoảng hốt đột nhiên từ ngoài chạy vào, lo lắng nói: "Thống lĩnh đại nhân, đại sự không ổn! Hàn Thế Trung đại nhân dẫn quân kéo đến rồi!"

Tôn Kỳ kinh ngạc đáp: "Mau kéo buồn, khởi hành từ mặt sông!"

Cấm binh đáp: "E là không được, có rất nhiều thuyền vây kín ba mặt, phía trên toàn là Tống binh!"

Tôn Kỳ vội vã chạy ra ngoài quan sát. Triệu Cấu cười nhạt ném bút đi, bị hai cấm binh tiến lại gần kề gươm vào cổ, y quay sang nhìn họ, trấn định nói: "Chúng tướng sĩ nghe khẩu dụ của trẫm: Việc hôm nay tội do kẻ đầu sỏ, các ngươi nếu kịp thời bỏ tà quy chính, hộ giá cho trẫm, trẫm sẽ không truy cứu lỗi xưa. Nếu có ai giết được Tôn Kỳ, trẫm sẽ phong làm Thống lĩnh ngự doanh hậu quân. Những người còn lại có công hộ giá trẫm sẽ xét công phong thưởng, thăng quan thưởng tiền, vợ con cũng được thơm lây."

Binh sỹ trên thuyền nghe vậy đều lộ ra thần sắc do dự, Triệu Cấu lại nói: "Cục diện giờ đây đã rất rõ ràng, ngự doanh hậu quân có được bao nhiêu người? Dưới trướng Hàn đại nhân lại có bao nhiêu người? Nay các ngươi đã bị bao vây, có muốn trốn cũng không thoát được, kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, muốn chết hay muốn là một thần tử có công hộ giá các ngươi tự mình lựa chọn đi."

Lúc này Tôn Kỳ tức tối chạy vào, lớn tiếng ra lệnh: "Mau áp giải Triệu Cấu ra ngoài uy hiếp Hàn Thế Trung lui..." Lời còn chưa dứt đã bị một thanh kiếm từ phía sau đâm thấu tim. Hắn kinh ngạc chậm rãi quay đầu, phát hiện người đánh lén mình lại là một tùy tùng mà ngày thường hắn hết mực tin tưởng. Hắn khó lòng tin nổi chỉ vào tùy binh: "Ngươi..."

Kẻ đó bày ra dáng vẻ chính khí lẫm liệt, lên tiếng trách mắng: "Tiện tặc Tôn Kỳ, lại dám nuôi lòng mưu phản. Hôm nay ta phải vì Hoàng thượng trừ đi tên loạn thần tặc tử nhà ngươi!" Trông thấy Tôn Kỳ tắt thở chết, kẻ đó lập tức quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu, nói: "Bệ hạ đã chịu kinh sợ. Thần Dương Mục hôm nay mới hay Tôn Kỳ có nghịch tâm, may mắn ra tay kịp thời, không để kẻ tiện tặc làm tổn hại tới bệ hạ. Bệ hạ hồng phúc tề thiên, vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!" Các binh sĩ khác thấy tình thế bất ngờ đảo ngược, tự biết việc làm phản đã không còn hi vọng thành công, đành vứt kiếm xuống, lần lượt quỳ xuống thề nguyện trung thành.

Triệu Cấu thong thả quay về ngự tọa ngồi, ý cười chầm chậm xuất hiện, gật đầu nói với Dương Mục: "Tốt, ngươi làm rất tốt." Rồi lại quay sang nhìn Tôn Kỳ chết không nhắm mắt, cười lạnh nói: "Chút đầu óc cũng không có, lại dám đòi học theo binh biến Trần Kiều."

Không lâu sau Hàn Thế Trung vội vã chạy lên ngự thuyền yết kiến Triệu Cấu, quỳ xuống hô: "Thần cứu giá tới trễ, tội đáng muôn chết, xin bệ hạ trách phạt!"

Triệu Cấu ngẩng đầu, ôn hòa nói: "Hàn ái khanh đứng lên đi." Đột nhiên lại trông thấy có một người nữa tiến vào, đầu tóc rối bời, sắc mặt tiều tụy, đôi mắt đẫm lệ, y phục ẩm ướt trên thân thể vẫn chưa khô hết. Mắt Triệu Cấu sáng lên, gọi: "Anh Phất!"

Anh Phất nghe vậy nước mắt ào ạt rơi xuống, quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu khóc không thành tiếng, hồi lâu sau mới cố gắng nói thành câu: "Quan gia, người không sao chứ?"

Triệu Cấu mỉm cười đáp: "Trẫm không sao. Còn ngươi? Là Hàn đại nhân cứu ngươi?"

Hàn Thế Trung vội vã giải thích: "Không phải. Là Anh Phất cô nương nhảy xuống nước đào thoát, chạy tới quân doanh báo cho thần bệ hạ đang gặp nạn."

Hóa ra Anh Phất trước khi vào cung từng cùng các anh chị em xuống sông ở Biện Kinh học bơi, vô cùng thông thạo, bởi thế ban nãy nhảy xuống nước xong liền êm ái chuồn được đi, sau khi lên bờ lập tức chạy về phía quân doanh của Hàn Thế Trung, báo cho Hàn Thế Trung biết tin Triệu Cấu đang bị vây hãm. Hàn Thế Trung nghe xong kinh hãi, lập tức điều quân chạy tới cứu giá, đồng thời liên lạc với Tri huyện huyện Bảo Ứng, để y cấp thuyền cho quân sĩ xuống nước bao vây phản quân, vì thế chẳng bao lâu đã bình định được trận phản loạn này.

Triệu Cấu nghe xong lại nhìn Anh Phất, ánh mắt hiếm khi nào dịu dàng như lúc này. Y đứng lên đi tới trước mặt nàng, đưa tay ra đích thân dìu nàng đứng lên.

Ngày hôm sau, Triệu Cấu ngồi trên ngự tọa cùng quần thần bàn bạc cách xử lý sự việc lần này. Điện trung thị ngự sử Trương Tuấn bước ra khỏi hàng nói: "Thần cho rằng trước mắt triều đình tuy đang gặp khó khăn, thế nhưng tuyệt đối không thể làm qua loa. Đô thống chế Hàn Thế Trung dẫn quân không nghiêm, gây ra việc binh sĩ nổi loạn, xét tội phải phạt."

Triệu Cấu ngẫm nghĩ nói: "Hàn Thế Trung tuy quản quân chưa nghiêm, quả thực nên phạt, thế nhưng niệm tình cứu giá kịp thời, phạt tiền là được, không cần giáng chức."

Song Trương Tuấn và các quan Trung thư tỉnh đều không đồng ý, nói: "Hàn Thế Trung nếu chỉ phạt tiền, vậy sao có thể răn đe người sau?" Bởi thế dưới sự kiên quyết của đám người Trương Tuấn, Triệu Cấu đành giáng Hàn Thế Trung xuống làm Quan sát sứ. Lại hạ chỉ truy phong Lư Thần Trung đã bỏ mạng làm Tả gián nghị đại phu, thưởng cho gia quyến vàng bạc, lại phong hai người trong số con cháu của ông làm quan.

Sau đó lại mệnh mọi người tham gia luận tội những kẻ phản loạn, Trương Tuấn liền hỏi: "Vậy kẻ đã giết Tôn Kỳ Dương Mục nên xử lý thế nào?"

Triệu Cấu quả quyết phất tay, thốt ra một chữ: "Chém."

Quảng cáo
Trước /170 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Hồng Trần Như Nước

Copyright © 2022 - MTruyện.net