Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Mùa Xuân năm Kiến Viêm thứ ba, Nội thị Khang Lý, Lam Khuê sau khi được Triệu Cấu ân chuẩn liền dẫn một nhóm hoạn quan tới sông Tiền Đường quan sát thủy triều, không ngờ lúc trở về hai người lại lần lượt rơi lệ khóc kêu chạy xuống quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu, kể lể: "Xin quan gia làm chủ cho chúng nô tài! Chúng thần chỉ thi thoảng xuất cung quan triều, nào ngờ lại xém chút nữa mất mạng trong tay Thống chế Miêu Phó!"
Triệu Cấu cau mày hỏi: "Vô duyên vô cớ vì sao hắn ta lại muốn giết các ngươi?"
Khang Lý đáp: "Chúng thần dẫn nội thị trong cung ra ngoài quan sát thủy triều, dĩ nhiên phải tìm một nơi thích hợp để dựng lều tránh gió. Miêu Thống chế dẫn binh đi tuần thấy vậy rất không vui, nói chúng thần làm ách tắc đường xá, lệnh hạ thủ cưỡng chế dỡ bỏ, còn chỉ vào lão nô mắng nhiếc, nói quan gia phiêu bạt lang thang tới đây đều là lỗi của nội thị chúng thần. Lão nô nhất thời tức giận bèn cùng y lý luận, ai ngờ y lập tức phẫn nộ, túm lấy lão nô toan đánh, Lam công công chạy tới khuyên can cũng bị y đẩy ngã xuống đất, sau đó liền tuốt gươm ra thị uy. May thay Lưu Chính Ngạn đại nhân đi cùng y là người hiểu lí lẽ, bèn kịp thời ngăn y lại, chúng thần mới may mắn giữ được cái đầu về tiếp tục hầu hạ quan gia..."
Nói tới đây, Khang Lý bật khóc, dáng vẻ vô cùng đau đớn, Lam Khuê cũng liên tục gạt nước mắt, nói: "Chúng thần hầu hạ quan gia đã được hơn 20 năm, từ đại nội theo về Khang vương phủ, lại đi khắp Giang Nam, chỉ mong được cung cúc tận tụy vì quan gia, có chết cũng không hối tiếc. Nay phải chịu nỗi nhục lớn thế này cũng không là gì, thế nhưng chúng thần là người bên cạnh quan gia, Miêu Phó lại vẫn dám ngông cuồng vô lễ như thế, rõ ràng là không chút khiếp sợ thiên uy của quan gia. Kính mong quan gia nghĩ cách giải quyết, trừng phạt Miêu Phó, để nỗi bất bình của chúng thần cũng được nhẹ nhõm."
Triệu Cấu yên lặng nhìn bọn họ, lại hỏi Khang Lý: "Ngươi lý luận với hắn như thế nào?"
Khang Lý thoáng ngây ra, ngẫm nghĩ một hồi mới đáp: "Lão nô nói: Triều đình nuôi quân binh cả ngàn ngày, lúc cần lại chỉ dùng một lát. Nay quan gia ăn gió nằm sương, đều vì đám quân lính chỉ biết ăn lương thảo, thất bại trên chiến trường như các ngươi... Các ngươi đánh không thắng nổi người Kim, lại đem trách nhiệm đổ hết lên người những nội thị tận tâm tận lực hầu hạ quan gia, làm gì có cái lý này..."
Triệu Cấu phất tay, nói: "Trẫm hiểu rồi. Các ngươi lui xuống đi, lát nữa trẫm sẽ giải quyết."
Khang Lý, Lam Khuê không dám nói nhiều nữa, chỉ đành lo sợ lui ra. Bọn họ là những thái giám già đã hầu hạ Triệu Cấu nhiều năm, khi xưa làm việc trong cung Vi phi, sau khi Triệu Cấu hành quan lễ chuyển ra ngoài cung sinh sống liền theo y tới Khang vương phủ nhậm chức Đô giám. Triệu Cấu xưng đế kế vị, bọn họ cũng được thăng làm Nội thị tỉnh áp ban, ngày thường được Triệu Cấu vô cùng tín nhiệm. Thế nhưng Triệu Cấu cũng biết bọn họ hay dựa vào sự trọng dụng của mình mà hành xử có chút kiêu mạn, lúc ra ngoài làm việc ắt hẳn không để ai khác vào mắt, nay bị Miêu Phó rút kiếm dọa dẫm, khả năng cao cũng bởi bọn họ quá đáng trước. Bởi thế, Triệu Cấu không hề lập tức đồng ý với bọn họ sẽ xử phạt Miêu Phó.
Sau khi phê duyệt tấu chương, Triệu Cấu tới cung của Anh Phất. Sau khi tới Hàng Châu y đã phong Anh Phất làm Hòa Nghĩa phu nhân, chính thức trở thành ngự tần. Vì đã cùng nhau trải qua khổ nạn lâu ngày, hiện giờ nàng là người thân cận nhất với y trong chúng phi tần.
Anh Phất thấy y như có điều trăn trở bèn lên tiếng hỏi trước, Triệu Cấu liền kể lại chuyện hai người Khang, Lam. Anh Phất nghe xong đáp: "Hôm nay thần thiếp thấy mấy vị nội thị theo hai vị công công đi quan triều quay về trong tay đều xách mấy con vịt, phát hiện ra thần thiếp đang nhìn, bèn vội vã giấu vịt ra phía sau."
"Bọn họ lại ở bên ngoài bắt vịt làm nhiễu loạn tới dân chúng?" Triệu Cấu ngạc nhiên, sau đó lại nói: "Khó trách Miêu Phó lại không vừa mắt."
Hóa ra trên đường Triệu Cấu lánh về Chiết Giang, lúc ngang qua Ngô Giang, các hoạn quan bèn lấy việc săn bắn vịt dọc đường làm thú vui, dân chúng thấy vậy tuy tức giận mà không dám nói gì. Sau đó Triệu Cấu nghe các đại thần can gián, liền hạ lệnh không cho phép bọn họ tái phạm nữa. Sau khi tới Hàng Châu Triệu Cấu đã lấy mình làm gương, tự giảm bớt khẩu phần ăn, mỗi ngày chỉ ăn một chiếc bánh nhân thịt cừu giống cung quyến, khẩu phần của nội thị cung nữ cũng đơn giản như vậy. Lần này đám nội thị đi theo Khang Lý xuất cung lại nhìn thấy vịt nước, nhất thời không nhịn nổi lại lấy cung ra săn bắt, lén lút đem về cung đánh chén.
Anh Phất gật đầu đáp: "Khang công công và Lam công công quả thực hầu hạ quan gia vô cùng tận tâm, chỉ là ngày thường thái độ đối với bá quan và các tướng lĩnh hình như không được thân thiện cho lắm. Quan gia nên để ý nhiều hơn một chút, nhẹ nhàng cảnh cáo bọn họ, tránh cho về sau vì nội thị mà làm mất lòng người, được không bằng mất."
"Nàng cũng biết việc bọn họ không thân thiện với quan lại tướng lĩnh?" Triệu Cấu lại hỏi: "Nàng còn biết những chuyện gì nữa? Đều kể ra cho trẫm nghe."
Anh Phất mỉm cười đáp: "Thần thiếp chỉ là phận nữ, không nên can dự vào việc triều chính. Huống chi cũng chỉ là lời đồn đại, nghe được chưa chắc đã là thật. Những việc này quan gia vẫn nên đi hỏi các đại thần chấp chính thì thích hợp hơn."
Triệu Cấu liền lập tức triệu Thượng thư hữu bộc xạ mới nhậm chức Chu Thắng Phi tới, hỏi y về quan hệ giữa Khang Lý, Lam Khuê và các nội thị khác với triều thần. Sắc mặt Chu Thắng Phi lộ vẻ khó xử, bởi Triệu Cấu không ngừng gặng hỏi nên đành đáp: "Khang Lý, Lam Khuê và mấy vị công công khác ngày thường hành xử không được thỏa đáng, đại thần tướng lĩnh trong triều ít nhiều có điều bất mãn. Khi hành quân xuống phía Nam, Khang Lý công công giữa đêm rửa chân thậm chí còn bắt một tướng lĩnh đứng bên hầu hạ. Các đại thần muốn cầu kiến bệ hạ đều phải được Khang công công truyền báo, nếu tâm trạng Khang công công không tốt thì bắt mọi người phải chờ một hai canh giờ là chuyện bình thường. Có một lần Lưu Quang Thế có việc gấp cần diện thánh, Khang công công lại nói bệ hạ đang nghỉ ngơi, không được quấy rầy, Lưu Quang Thế hiểu ý của y, bèn lập tức cung cúc móc chút tiền ra dâng lên, y mới hài lòng nói: 'Nếu việc trọng đại, lão nô sẽ liều mình đi đánh thức quan gia.' Trong chúng tướng lĩnh, có một số kẻ muốn nhờ bọn họ nói tốt vài câu trước mặt bệ hạ liền thường xuyên cùng bọn họ tiếp xúc, đưa tiền hối lộ. Mà một số khác nhìn không vừa mắt liền kín đáo chê trách, mà trước mặt cũng không nể nang gì bọn họ. Ví dụ như lần này các công công ra ngoài quan triều làm ách tắc đường xá bị Miêu Lưu trách mắng."
Triệu Cấu vừa nghe vừa gõ nhẹ ngón tay lên mặt bàn ngẫm nghĩ, lát sau liền mệnh Thừa chỉ đứng một góc nói: "Thảo chiếu cho trẫm: Nội thị không được phép tự ý gặp gỡ quan binh, ai trái lệnh bãi chức."
Chu Thắng phi nghe vậy chắp tay nói: "Bệ hạ anh minh! Thần to gan nói thêm một lời: Lúc này bệ hạ thăng chức của Vương Uyên không được thỏa đáng."
Triệu Cấu nghi hoặc: "Ồ?"
Chu Thắng Phi giải thích: "Hiện giờ đám người Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn không hiểu việc bệ hạ thăng chức cho Vương Uyên, cho rằng Vương Uyên chiếm được lòng tin của bệ hạ hoàn toàn là nhờ từng có giao tình thân thiết với Khang Lý, Lam Khuê, và mấy vị nội thị khác nên được họ nói tốt cho. Oán giận này khó tiêu tan, chỉ e về sau hậu hoạn khó lường..."
Sau khi Hoàng Tiềm Thiện, Uông Bá Ngạn bị bãi tướng, tháng Ba năm Kiến Viêm thứ Ba, Triệu Cấu liền thăng Trung thư thị lang kiêm Ngự doanh phó soái Chu Thắng Phi làm Thượng thư hữu xạ bộc kiêm Trung thư thị lang kiêm Ngự doanh sứ, thăng Ngự doanh sứ tư đô thống chế Vương uyên làm Đồng kiêm thư xu mật viện sứ, vẫn đảm nhận chức đô thống chế. Chức vụ mới của Vương Uyên thực chất là Xu mật sứ phó thủ nắm quyền quản lý quân đội, địa vị quan trọng không kém gì Phó tướng. Triệu Cấu thăng chức cho y sở dĩ là bởi niệm tình y cứu giá có công trong biến loạn Dương Châu, thể hiện được lòng trung thành, thế nhưng năng lực của Vương Uyên không phải rất xuất chúng, tính tình lại nóng vội, không được mọi người kính phục. Khi đóng quân ở Bình Giang, Vương Uyên phụ trách việc chèo thuyền qua sông, thế nhưng trong sự biến Dương Châu, sự quản lý yếu kém của ông đã khiến hàng vạn kỵ binh của đại tướng Lưu Quang Thế không cách nào vượt sông. Lưu Quang Thế sau khi qua sông gặp được Triệu Cấu liền lập tức cáo trạng Vương Uyên. Triệu Cấu cũng vô cùng không hài lòng, triệu Vương Uyên tới quở trách một trận. Vương Uyên bị trách mắng nhất thời tức giận, liền giật cá chém thớt trút giận lên tướng lĩnh Giang Bắc đô tuần kiểm sứ Hoàng Phủ Tá, thế nhưng hành động này lại khiến một loạt các tướng lớn bất mãn, khiến y đánh mất lòng quân. Sau khi Triệu Cấu thăng quan cho y, trên dưới đều rất bất bình, đặc biệt là Hỗ tòng thống chế, Đỉnh Châu đoàn luyện sứ Miêu Phó.
Miêu Phó xuất thân trong nhà tướng, nhiều năm trinh chiến ở phía Nam đã lập được nhiều chiến công hiển hách, thế nhưng vẫn chưa được thăng chức, nay thấy Vương Uyên thăng chức đột ngột dĩ nhiên phẫn nộ bất bình. Mà Uy Châu thứ sử Lưu Chính Ngạn cũng đồng bệnh tương liên* với y. Lưu Chính Ngạn đã từng chiêu mộ được đám người Đinh Tiến để chống lại nạn trộm cắp, thế nhưng phần thưởng nhận được lại rất ít, bởi thế mà cũng đem lòng oán hận, cho rằng Triệu Cấu thưởng phạt không công bằng, bởi thế liền cùng Miêu Phó họp lại, thường xuyên cùng nhau bày tỏ bất bình, hơn nữa đều thống nhất rằng Vương Uyên đã cấu kết cùng đám hoạn quan Khang Lý, Lam Khuê, Triệu Cấu tin lời hoạn quan nên mới trọng dụng Vương Uyên. Bọn họ vốn dĩ đã bất mãn với đám hoạn quan Khang Lý, Vương Uyên ỷ vào hoàng ân ngang ngược hoành hành, nay lại càng thêm hận bọn chúng tới thấu xương, lại cộng thêm với sự việc quan sát thủy triều, khiến nộ khí bùng lên không thể kìm chế, bí mật bàn bạc việc điều binh gây biến. Chu Thắng Phi cảm giác tình hình không ổn, bèn vội vã nhắc nhở Triệu Cấu về việc Vương Uyên.
(* Đồng bệnh tương liên: Ý nói những người có cùng nỗi khổ thường dễ dàng cảm thông với nhau.)