Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Đã một tháng trôi qua kể từ ngày đoạn ký ức kỳ lạ kia bị xóa sổ, mặc dù tôi không thể an toàn trở về thế kỷ hai mươi mốt, nhưng vẫn cảm thấy may mắn vì mình vừa thoát được một ván bài ngang trái.
Thời gian này, ông Huỳnh Khởi dặn cậu Đằng chỉ dạy cho cậu Hiển mấy việc lặt vặt ở kho lúa xóm dưới. Ban đầu bà hai kịch liệt phản đối, cho đến khi nghe cậu Đằng khuyên nhủ thì bà cũng bóp bụng mà êm xuôi theo lời con trai, chỉ có điều, ở đâu có sự xuất hiện của cậu Hiển là ở đó không có bà. Tội nghiệp cho cậu Hiển, từ lúc nhận cha tới giờ chưa có một ngày nào cậu được lên nhà trên ngồi ăn bữa cơm với gia đình. Khi thì cậu ăn một mình trong phòng, khi thì ngồi khúm núm dưới bếp cùng tôi và mấy cụ.
Còn cậu Minh bây giờ đã chuyển hẳn về Hưng Vinh làm việc, cậu làm ở trạm xá nhỏ trong làng Son, cách làng Vọng Thê khoảng chừng chục cây số. Cứ vài ba bữa là cậu lại ghé qua nhà thăm khám cho cậu Đằng, cũng nhờ thế mà quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn trước. Có hôm tôi ở sau vườn dìu cậu Đằng tập bước đi, cậu còn đi được một đoạn xa mà không hề vấp ngã, thậm chí còn tự lái xe đi làm mà không nhờ cụ Sang đưa đón nữa.
Trưa nay thay vì về nhà ăn cơm như mọi khi, cậu Đằng lại biểu tôi đem cơm tới chỗ làm cho cậu và cậu Hiển. Thật ra thì tôi thừa biết là cậu muốn đày đọa tôi nên mới dở chứng sanh tật, nhưng dù sao thì thi thoảng cũng nên ra ngoài đi đây đó cho khuây khỏa, nên tôi vẫn vui vẻ theo Sang đi xuống xóm dưới.
Kể ra cũng thấy có lỗi với cụ Sang, đường xuống xóm dưới phải băng qua mấy cánh rừng cao su xa xôi diệu vợi, tôi thì được ung dung thong thả ngồi xe kéo, chỉ tội cho cụ Sang thân hình gầy gò mà còn phải hì hục chạy theo sau. Mấy lần tôi biểu cụ leo lên ngồi chung với tôi cho đỡ mệt, cụ chỉ cười trừ rồi nói rằng phận tôi tớ như cụ làm sao dám ngồi ngang hàng với chủ. Thế là tôi lại thôi, sợ rằng càng nói càng làm cho cụ khó xử.
Người ta nói nhà phú ông Huỳnh Khởi giàu nhất cái làng này, giàu lan sang cả làng bên cạnh thật ra cũng đâu có sai, khắp xóm trên xóm dưới, xóm trong rồi cả xóm ngoài, đi tới đâu cũng thấy toàn là ruộng vườn, kho lúa kho thóc của nhà ông quản lý. Lần trước tôi có theo cậu Đằng lên xóm trên, mới hay kho ở đây cũng lớn không kém gì bên ấy.
Vừa bước xuống xe kéo, tôi đã nhìn thấy cậu Đằng đứng từ đằng xa chăm chú nói chuyện với mấy cụ nông dân. Hôm nay cậu mặc sơ mi trắng, khoác bên ngoài chiếc áo gile màu đen, tóc tai vuốt gọn gàng ra đằng sau trông rất sáng sủa. Với tôi thì cậu Đằng đẹp nhất là lúc cậu nghiêm túc làm việc hoặc ngồi xem sổ sách, chỉ cần cậu không mở miệng, trái tim thiếu nữ của tôi có lẽ đã sớm rung rinh rồi.
"Mình ơi, em đem cơm tới cho mình rồi nè."
Tôi xách theo cái gào mên, nở nụ cười tươi rói khoác tay cậu Đằng. Trong khi mấy cụ ở đó đều lễ phép gật đầu gọi tôi hai tiếng "mợ hai" thì ông chồng tôi cứ trương bộ mặt khó hiểu ra nhìn vợ.
"Cậu hai thiệt là có phước, được mợ hai đem cơm tới tận nơi thì còn gì bằng nữa." Một anh thanh niên nước da nâu rắn rỏi, trên đầu quấn thêm chiếc khăn rằn nhanh nhảu nói trước.
Bên này, mấy bác gái trạc tuổi bốn mươi cũng hưởng ứng theo: "Cậu hai mau ăn cơm đi cho nóng, không thôi lại phụ lòng mợ hai à nghen."
"Đúng rồi đó mình, mình vô ăn cơm đi, bữa nay em có nấu mấy món mình thích nè." Tôi cầm gào mên xoay xoay ngay trước mặt cậu Đằng, nũng nịu với cái tone giọng nhẹ nhàng nhất có thể.
Cậu tằng hắng một tiếng rồi nói: "Mợ đem vô trong đi, không thấy tui còn đang mần việc sao?"
Chồng với chả con, trước mặt bao nhiêu người mà nỡ đành phũ phàng với vợ như vậy, bộ cậu nghĩ tôi rảnh rang quan tâm cậu lắm sao mà còn làm giá?
Nghĩ đoạn, tôi thấy cậu ba ngồi trên bàn trước nhà kho nghiền ngẫm gì đó, tôi mặc kệ cậu Đằng rồi với lấy gào mên còn lại trên tay cụ Sang, xách qua cho cậu ba.
"Ơ kìa chú ba, hộp cơm thơm ngon nóng hổi này là tui làm cho chú nè, chú nghỉ tay ăn đi nha."
Tôi ngồi đối diện cậu ba, hí hửng mở từng ngăn đồ ăn vẫn còn âm ấm. Ngăn đầu tiên đựng rau cải xào, ngăn thứ hai là gà luộc cùng một ít nước chấm, ngăn tiếp theo là món cá rô kho tộ mà cậu Đằng và cậu ba đều thích, ngăn cuối cùng là cơm trắng.
"Chị qua lo cho anh hai đi, tui tự làm được." Cậu ba ngượng ngùng cầm lấy đôi đũa.
Tôi vẫn tập trung bày từng ngăn thức ăn ra bàn, nói với cậu: "Có gì đâu, từ bữa tui bị té xuống ao sen tới giờ vẫn chưa có dịp thích hợp nói chuyện với chú, coi như tui làm mấy cái này để thay lời cảm ơn vì chú đã cứu tui đi."
Một tháng qua, số lần tôi gặp cậu Hiển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vì cậu phải theo cụ Đằng học việc, nên lần nào về nhà cũng vội vội vàng vàng ăn chén cơm rồi đi ngay. Trực tiếp đến tìm cậu nói chuyện thì sợ người này kẻ nọ ở nhà gièm pha, mãi đến hôm nay tôi mới có dịp đứng trước mặt cậu mà nói đôi câu cảm ơn.
"Chị nói sao? Ai cứu ai?" Cậu Hiển cau mày nhìn tôi.
"Thì hôm bữa tui té dưới ao sen, chú ba cứu tui lên chứ ai."
"Ai nói với chị như vậy? Bữa đó là anh hai đã nhảy xuống cứu chị chứ không phải tui."
Là cậu Đằng sao? Nếu như cậu Đằng là người đã cứu tôi thì tại sao lúc tôi hỏi, cậu lại nói là cậu ba chứ không phải mình? Muốn làm anh hùng cứu mỹ nhân nhưng sợ mỹ nhân trả ơn hay sao?
"E hèm... cơm của tui đâu rồi... Sang?"
Đang bận đi tìm câu trả lời thì tôi chợt nghe thấy tiếng tằng hắng của cậu Đằng quanh đây, thì ra cậu đứng ngay cạnh tôi nhưng lại làm mình làm mẩy quay qua hỏi cụ Sang.
Tôi đứng dậy nhường ghế cho cậu, tiện thể nâng tay áo lên chấm mấy giọt mồ hôi đọng trên trán cậu. Trước hành động bất ngờ này của tôi, với lại có thêm cậu Hiển ngồi ngay đối diện nên cậu Đằng mới ngượng ngùng ngả người ra sau để né tránh tôi.
Biết là không thể trêu cậu bằng cách này, vậy nên tôi chuyển sang mở cái gào mên còn lại, múc một ít cơm, để lên trên một ít rau rồi chầm chậm đưa gần miệng cậu: "Mình đi làm cả ngày chắc mệt lắm, để em đút cơm cho mình nghen."
Cậu Đằng thêm một lần nữa trở tay không kịp, cậu e dè nhìn mấy cụ đang vác lúa tới lui trước mặt, sau đó lại nhìn tôi mà nói nhỏ: "Mợ định mần cái trò gì nữa đây? Đông người như vậy, bộ không thấy xấu hổ hay sao?"
Tôi vừa cười vừa nghiến chặt răng, ghé sát tai cậu: "Cậu mà không ăn thì người ngoài nhìn vô sẽ nói là cậu hai nhà họ Huỳnh đối xử không tốt với vợ, tiếng xấu đồn xa, lúc ấy còn xấu hổ hơn nữa đó."
Thế là nói qua nói lại, cuối cùng cậu hai cũng miễn cưỡng ngậm lấy muỗng cơm của tôi. Cậu nhai một cách khó khăn, cho đến muỗng thứ hai thì cương quyết giành lại hộp cơm và ăn một mình.
"Mợ về đi, ở đây không còn việc của mợ nữa đâu."
"Không chịu. Em muốn ở lại chăm sóc mình, em đợi mình về."
Tôi ngồi chống tay lên cằm, ra sức năn nỉ cậu hai để mình ở lại, bữa cơm này của cậu hai coi bộ cũng khó nuốt hơn mọi ngày.