Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
"Mợ hai ơi mợ hai, mợ dậy đi mợ hai!"
Lại là thứ âm thanh nhẹ nhàng quen thuộc ập vào tai, ai như tiếng cụ Mận đang gấp gáp gọi tôi ngoài cửa. Tôi ngồi dậy một cách khó khăn, đầu óc thì nặng trĩu, lại thêm mồ hôi mồ kê nhễ nhại như vừa mới trải qua cơn ác mộng.
Tôi loạng choạng bước xuống giường, hai tay vỗ nhẹ bên thái dương rồi lười biếng đến mở cửa cho cụ Mận. Chết thật, trời đã sáng bét mà tôi còn ngủ quên đến giờ này, bà hai mà biết chắc bà lại chửi tôi một trận cho coi.
"Mợ hai, sao mợ không sửa soạn đồ đạc đi, cậu ba ở ngoài cổng đợi mợ nãy giờ kìa." Mận sốt ruột nói.
Cơn ngáp dài của tôi bị gián đoạn bởi câu nói của cụ Mận. Là tôi chưa kịp tỉnh ngủ, hay tại cụ Mận nhầm lẫn ở đâu đó? Khi không cậu Hiển đợi tôi làm gì? Rồi cái gì mà sửa soạn đồ đạc?
"Cậu ba... đợi tui? Cậu ba hay cậu hai, Mận nói như vậy, lỡ có ai nghe thấy là chết tui đó."
"Bữa nay là ngày giỗ má ruột của mợ, hôm qua ông bà với cậu hai cũng chịu để cậu ba đưa mợ về bên xóm Lũ, mợ quên rồi sao mợ hai?"
Lại chuyện động trời gì nữa đây? Rõ ràng là hôm qua tôi đi đưa cơm cho cụ Đằng từ trưa cho tới khuya mới về, rõ ràng là không có ai nhắc gì với tôi về ngày giỗ của má Thu Sương, càng không có chuyện ông bà cho phép cậu Hiển đưa tôi về nhà... Nhưng sao cụ Mận lại nói với tôi những điều kì lạ như vậy?
"Chắc Mận nhầm lẫn ở đâu rồi, chứ hôm qua tui đi xuống xóm dưới với cậu hai, rồi còn bị kẹt trong rừng cao su tới nửa đêm mới về nhà, làm gì có chuyện như Mận nói đâu."
"Mợ hai, mợ lại không khỏe chỗ nào hả? Mợ cứ nhớ nhớ quên quên nữa rồi, chuyện mợ với cậu hai ở trong rừng cao su đã qua được một tháng rồi mà." Mận khẽ lau mấy giọt mồ hôi trên trán tôi, gương mặt có chút lo lắng.
Một tháng ư? Mới đêm qua tôi còn vui vẻ ngồi đây trồng cây anh đào...
Cây anh đào...
Sao cái cây hoa quái quỷ này tự nhiên lại lớn nhanh như vậy? Vừa mới cao chừng nửa cánh tay, thế mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã cao hơn cả đầu người. Lẽ nào tôi đang gặp ảo giác, hay vẫn chìm trong cơn mộng mị lúc nửa đêm?
Mận nói với tôi rằng sau khi biết chuyện tôi và cậu Hiển là hàng xóm quen biết từ lâu, bà hai và cô Cẩm Tú đã phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng chúng tôi đã dan díu, thông đồng với nhau để vào được cửa nhà họ Huỳnh. Bằng chứng là cô tư nhiều lần bắt gặp tôi cùng với cậu Hiển nói chuyện thân mật, rồi cậu Hiển cũng đứng ra nói giúp cho tôi mỗi khi tôi bị bà hai mắng. Cũng may là phú ông và cậu Đằng không tin, còn cho phép cậu Hiển đưa tôi về nhà giỗ má trong lúc cậu Đằng bận bịu giải quyết công việc.
Mận nói với tôi rằng những gì tôi vừa kể đã là chuyện của một tháng trước, tức là tôi đã ngủ yên suốt một tháng trời? Không phải, bởi vì hôm qua trong nhà vẫn còn bàn chuyện cho tôi về xóm Lũ kia mà. Nếu vậy thì toàn bộ ký ức ở thời điểm đó đã đi đâu? Tại sao tôi không có bất kỳ ấn tượng gì về nó cả?
Thế giới này bị làm sao vậy? Thật giả cứ thi nhau đan xen. Vừa mới ở hiện tại, vèo một cái đã trở thành quá khứ. Có khi nào ngày mai tôi thức dậy, trước mắt chỉ là một đống hoang tàn hay không?
...
Tôi nắm chặt cái giỏ xách trong tay, chậm chạp bước ra cổng tìm cậu Hiển. Nhìn khung cảnh một người đứng đợi, một người ngượng ngùng thế này, nếu ai đó nói chúng tôi có gian tình với nhau... cũng không hề sai.
"Không còn sớm nữa, mau lên xe đi chị hai." Cậu Hiển lễ phép mời tôi, bàn tay lịch thiệp còn vịn vào thành xe kéo vì sợ tôi ngã.
Cậu Hiển đi trước, tôi đi sau, mỗi người một xe, nhắm thẳng về phía trước mà khởi hành.
Đúng như cái tên gọi xóm Lũ, ở đây ba bên bốn phía đều bị nhấn chìm trong biển nước, cảnh vật còn hoang sơ, im lìm đúng nghĩa một vùng quê bình thường chứ không nhộn nhịp như làng Vọng Thê. Từ trên đê nhìn xuống, bóng cây bạch đằng, bóng mặt trời nửa sớm in sâu dưới mặt ruộng tựa như một bức tranh nông thôn sống động. Đường về nhà chưa bao giờ lạ lẫm với tôi như thế. Mà cũng phải, nhà là nhà của mợ Sương, cha má cũng là của mợ Sương chứ thực tế chẳng liên quan gì đến tôi.
Qua khúc cua nọ, tôi và cậu Hiển dừng lại gửi tiền cho phu xe, sau đó phải tự đi xuồng qua bên kia sông thì mới tới nơi. Tôi không thể nhớ là bao lâu rồi mình chưa có dịp ngồi trên xuồng, ngược xuôi theo con nước, cho nên vừa bước chân lên mũi xuồng là tay chân đã loạng choạng như kẻ say rượu. Nghiêng qua nghiêng lại một hồi, bỗng nhiên tôi mất thăng bằng và ngã người về phía trước, mắt nhắm mắt mở vịn vào thứ gì đó... thì ra là hai tay tôi đang bấu víu vào lưng quần của cậu ba Hiển... lưng quần của... cậu ba Hiển. Trong tình huống xấu hổ thế này, tôi chỉ biết nở một nụ cười sượng trân rồi từ từ gỡ bàn tay hư hỏng của mình ra khỏi khu vực nhạy cảm đó.
Trở lại trạng thái bấp bênh trên mũi xuồng, cậu Hiển lúc này mới đưa tay ra nắm lấy cổ tay tôi, nói: "Không có người quen ở đây đâu, Sương không cần phải sợ."
"Thôi khỏi, tui đi được mà chú ba."
Tôi gỡ tay cậu ba ra, khom người men theo cạnh xuồng mà đi xuống. Có ai hay không thì cũng chưa chắc, nhỡ đâu bà hai cho người đi theo rình mò, núp lùm núp bụi để bắt gian tại trận thì sao? Thời này còn chưa có điện thoại di động, chứ cái cảnh cậu ba nắm tay tôi ban nãy mà bị chụp hay quay lại thì chỉ có nước đem hai đứa về xử trảm. Cũng may là tôi vẫn còn tỉnh táo từ chối ý tốt của cậu ba, không để nhan sắc của cậu làm cho mờ mắt. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Bên kia sông, vài ba căn nhà lá mọc lên san sát nhau tạo thành khu xóm nhỏ. Tôi cởi bỏ đôi guốc mộc, đi chân đất lon ton theo cậu ba trên con đê sình đất thụt lầy. Cả đoạn đường dài phía trước đều bị tấm lưng của cậu ba che khuất, không có đến một bóng người, không biết bao giờ mới tới nơi, cũng không biết đâu là điểm kết thúc.
"Bác hai, bác khỏe không bác hai?"
Ngắm trời trăng mây gió đến chán chê mê mỏi rồi, cuối cùng tôi cũng thấy cậu Hiển chịu dừng lại nói chuyện với ai đó. Nghe không lầm thì cậu gọi người đàn ông trước mặt là "bác hai", tôi cũng nghiêng người sang một bên, niềm nở gửi lời chào:
"Dạ con thưa bác hai."
"Sương, đây là bác hai Trực, cha của Sương mà Sương hỏi gì kì vậy?" Cậu Hiển huých nhẹ vào vai tôi.
"Bác hai" bên kia cũng thở dài: "Cái con nhỏ này, riết rồi cha nó mà nó cũng quên nữa."
Không xong rồi! Hóa ra người đàn ông dáng vóc gầy gò, cằn cỗi già nua này không phải ai khác xa lạ mà chính là cha ruột của mợ Sương. Vậy mà một giây trước tôi còn tưởng là bác hàng xóm nào đó gần nhà, lại còn tài lanh dạ dạ thưa thưa nữa chứ.
"Dạ thưa cha con mới về, ta nói sáng giờ đi đường xa quá nên con hơi hoa mắt chóng mặt, chứ có quên gì đâu cha."
Tôi nhanh chân chạy đến bên cạnh ông, một tay vuốt vuốt bên bả vai ông để xoa dịu tâm hồn, cũng để tạo chút cảm giác thân mật vốn có của cha và cô con gái lâu ngày gặp lại.
Nhìn này, hiện tại ông ấy chỉ mặc mỗi bộ bà ba nâu quen thuộc với người nông dân, tấm lưng thì gầy trơ xương, tóc đen cũng nằm chen chút giữa những sợi bạc. Tôi đoán là sau khi mợ Sương gả vào nhà họ Huỳnh, cuộc sống của ông cũng trở nên vất vả hơn nhiều.