Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Sơn Hà Bất Dạ Thiên
  3. Chương 24
Trước /167 Sau

Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 24

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Mùng một tháng Mười, tiết Hàn Y, thời điểm tặng áo rét cho người nghèo, tặng đậu đỏ cho người thương. 

Phủ Cô Tô không coi trọng tiết Hàn Y bằng phủ Kim Lăng. Đây không phải là dịp được người dân Cô Tô quan tâm mấy, vì tuy trời bắt đầu trở rét ở tầm tiết Hàn Y thì cũng chỉ phải mặc thêm ít quần áo mùa thu thôi. Ấy vậy mà hôm nay trên Toái Cẩm Nhai lại đông vui như trẩy hội, hóa ra ngay gần lầu Thiên Thu, chẳng biết tự bao giờ đã mọc lên một tòa tửu lầu lộng lẫy, sang trọng.

Phố Toái Cẩm dài tít tắp, tiếng nói cười rôm rả. Trước cửa lầu Thiên Thu, quản lí Diêu đứng nhìn sang phía đối diện.

Tiểu đông gia của Hậu cần Đường thị – Đường tiểu tam nguyên – có bản lĩnh thế nào, giới thương nhân trong phủ Cô Tô đã rõ. Dịch vụ hậu cần kì quặc của cậu ta tạm không nói đến, quản lí Diêu biết, Hoàng Kim Lũ của Trân Bảo Các nhà họ Đường có thể bán chạy như vậy, trở thành báu vật của các tiểu thư, phu nhân Cô Tô, cũng là do một tay Đường Thận!

Nhưng kì lạ làm sao, hôm nay Đường Thận khai trương tửu lầu lại khá là khiêm tốn, chỉ mời đội múa lân biểu diễn trước cửa và đốt pháo mừng.

“Cậu Đường Thận này lại đang làm gì đây?” Quản lí Diêu săm soi hồi lâu mà không có manh mối.

Hậu cần Đường thị đã tuyên truyền về lễ khai trương của tửu lâu từ một tháng trước. Hôm nay tửu lâu Đường gia đã chật ních khách khứa từ sớm, tân khách tập nập ra vào. Quản lí Diêu bèn sai một đứa tiểu nhị: “Ngươi sang bên tửu lâu của Đường tiểu tam nguyên dò la xem rốt cuộc cậu ta đang làm cái trò gì.”

Tiểu nhị nói: “Thưa quản lí, nhà họ chuyên bán bát hà cung, tôi sang đó cũng nên đặt một nồi bát hà cung chứ ạ?”

Quản lí Diêu hừ một tiếng: “Bảo đi thì đi đi, ai để mi thiệt đâu.”

“Dạ vâng.”

Tiểu nhị được quản lí Diêu sai bảo là đứa đầy tớ khôn ngoan nhất lầu Thiên Thu, tên là Trương Miếu Nhi. Trương Miếu Nhi nhận việc xong cũng không chạy sang tửu lầu kia ngay, mà lẳng lặng đi thay quần áo trước. Sau đó, anh ta mới rời lầu Thiên Thu qua bên đường, ngẩng đầu nhìn bảng hiệu.

“Lầu Tế Hà?” Trương Miếu Nhi tuy biết đọc nhưng cũng chỉ nhận mặt được những con chữ khổ lớn trên bảng hiệu chứ không hiểu ý nghĩa sâu xa. 

Một thư sinh đi ngang qua cạnh anh ta, nhìn tấm biển thốt lên: “Tay ngà thanh mảnh vành trăng thẹn, nâng niu chén rượu lóng lánh vàng! Cái tên Lầu Tế Hà này mới hay làm sao, nhất định ta phải xem trong lầu có chén rượu sóng sánh ánh vàng không mới được!”

Trương Miếu Nhi lẩm bẩm: “Thư sinh đúng là bọn sính chữ!” Đoạn đi vào theo người này.

Trương Miếu Nhi chân trước vào cổng, đã có một tiểu nhị vội vàng chạy tới. “Quý khách, lầu Tế Hà của chúng tôi hôm nay kín khách rồi ạ.”

Trương Miếu Nhi: “Ồ, thế ta phải về hả?”

Tiểu nhị: “Xin chớ đi vội. Mời quý khách qua bên kia, nếu ngài đồng ý thì cứ ngồi chờ một lát. Có người ăn xong tôi sẽ báo cho ngài.”

Trương Miếu Nhi ngỡ ngàng: Còn có cả trò này nữa à?

Là tửu lầu tốt nhất và đắt nhất Cô Tô, lầu Thiên Thu cũng thường xuyên gặp tình huống kín khách. Khách đến lầu Thiên Thu thường phải đặt bàn trước, nhưng lầu Thiên Thu chưa bao giờ nói với khách rằng “mời ngài ngồi chờ một lát” cả. Họ vốn chẳng sợ thiếu khách bao giờ, thực khách cũng không chờ lâu được. Lẽ nào thời gian khách ăn bát hà cung ngắn hơn so với khi dùng bữa ở các tửu lâu thông thường?

Trương Miếu Nhi bán tín bán nghi đi theo tiểu nhị kia, tới một căn phòng nhỏ dành cho khách ở phía đằng sau. Tiểu nhị ân cần chu đáo quá khiến Trương Miếu Nhi hơi hoảng, tưởng người ta phát hiện ra mình là do thám của lầu Thiên Thu rồi. Trương Miếu Nhi vào phòng liền ngạc nhiên phát hiện đã có bảy tám người chờ ở đây rồi. Trong số đó, anh ta nhận ra ngay tiểu nhị của hai tửu lầu khác.

Ba người lúng túng nhìn nhau, nhưng không ai nói gì cả.

Trương Miếu Nhi kinh ngạc không thôi, sau khi an vị, bỗng nghe “coong” – một tiếng chiêng phát ra từ đài cao trong phòng. Trên đài, một người kể truyện già nua, gầy tong teo vỗ kinh đường mộc xuống bàn, tiếng đàn nhị tấu lên. Người kể chuyện nói: “Lại nói đến những năm cuối triều trước, quần hùng tranh hươu1, chiến sự loạn lạc. Ở phủ Kim Lăng có làng chài nọ, vào một hôm bầu trời ráng đỏ, mây lành hiện giữa trời xanh, có tiếng khóc oa oa báo hiệu một đứa trẻ sơ sinh chào đời!

[1] Ý chỉ tranh đoạt quyền lực bất phân thắng bại.

Kinh đường mộc lại vỗ xuống bàn, Trương Miếu Nhi giật mình, vô thức lắng nghe câu chuyện của người kể chuyện.

Truyện của ông này hoàn toàn khác với những câu chuyện hay được kể ở các quán trà.

Truyện kể rằng những năm cuối triều đại ấy, phủ Kim Lăng bỗng xuất hiện một thần đồng. Thần đồng này ba tuổi đã nhớ được trăm chữ, năm tuổi biết đọc thơ. Tám tuổi thì xuất khẩu thành thơ, mười tuổi đỗ tiểu tam nguyên đồng thí Kim Lăng, mười hai tuổi đoạt Giải Nguyên, còn tài giỏi hơn cả Đường Thận. Nào ngờ khi ấy, thần đồng bị kẻ khác đố kị, hạ độc ám hại khiến chẳng những tàn phế hai tay mà còn bị câm.

Trương Miếu Nhi nghe đến đấy thì căm phẫn sục sôi, bởi dù kẻ tiểu nhân đã bị giải lên quan phủ, nhưng thần đồng đã trở thành phế nhân, phải chịu sự chèn ép của bao người. Những kẻ từng nịnh bợ giờ đây đều không ngại ngần dè bỉu, dèm pha. Cha của thần đồng cũng mắc bạo bệnh qua đời, để lại cậu ta bơ vơ, vừa câm vừa phế. Tuy thế, hàng ngày cậu vẫn chăm chỉ đọc thi thư, không bao giờ từ bỏ.

Một ngày nọ, thần đồng bị mẹ kế ủn ngã xuống sông, thấy cậu sắp chết đuối, một ông cụ đi ngang qua đã vớt cậu lên, còn chữa trị cho hai tay đã bị liệt của cậu.

“Ta chỉ là một y sĩ lang thang mà thôi, bệnh câm của cậu ta không trị được. Tương phùng là cái duyên, cậu hãy tự lo cho bản thân!”

Thần đồng lấy đôi bàn tay vừa mới lành, nhịn đau viết lên đất: “Tôi bị câm cũng không sao, đôi tay này sẽ thay tôi nói. Nếu có ngày tôi trở thành vua, xin được xây trăm tòa miếu ghi ơn ân nhân, nhang đèn nghìn năm không dứt!”

Trương Miếu Nhi reo lên: “Nói hay quá!”

Anh ta hò reo khiến mấy vị khách trong phòng cũng nhao nhao: “Đúng lắm! Câm thì đã làm sao, bọn xu nịnh hèn hạ hãy chống mắt lên mà nhìn!”

Trương Miếu Nhi nghe truyện say sưa, lúc sau tiểu nhị tiếp đón hồi nãy tới gọi: “Quý khách, tới lượt ngài rồi.” 

Trương Miếu Nhi ngớ người ra: “Hả?”

“Mời ngài lên lầu ngồi, có thể ăn được rồi ạ.”

“…”

Trương Miếu Nhi lưu luyến rời khỏi phòng chờ, anh ta đặt một nồi bát hà cung rẻ nhất. Khi đồ lên, anh ta ngạc nhiên phát hiện ra món ăn này hoàn toàn khác với món mình đã từng ăn. Nước cốt đậm đà kết hợp hài hòa với rau xanh tươi rói. Thịt dê thái lát trụng sơ trong nồi, chấm với nước chấm đặc biệt của Lầu Tế Hà.

“Diệu kì! Bát hà cung hóa ra cũng có thể ăn thế này đây!”

Trương Miếu Nhi ăn luôn mồm, vứt luôn chuyện kể ban nãy ra sau đầu. Ăn bát hà cung hơi khát nước, anh ta cầm cốc lên, chợt phát hiện đã hết trà. Anh định lấy ấm trà để tự rót, một tiểu nhị mau mắn chạy tới nhấc ấm lên rót trà phục vụ.

“Quý khách, trà hơi nguội rồi, để tôi đổi cho quý khách một ấm khác.”

“Hả… Ơ, được…”

Khi Trương Miếu Nhi gắp miếng rau cuối cùng trong khay rau, liền có tiểu nhị dọn khay rau đó đi. Ăn lẩu khá nóng, Trương Miếu Nhi cởi áo khoác, lập tức có tiểu nhị treo áo lên cho anh ta.

Trương Miếu Nhi đánh chén thỏa thuê sung sướng, trần đời chưa bao giờ anh ta ăn bát hà cung ngon đến vậy, đồ ăn ở đây chẳng kém cạnh gì với lầu Thiên Thu cả!

Ăn hết nồi lẩu, Trương Miếu Nhi hẵng còn thèm thuồng, đã có tiểu nhị bưng khăn ẩm đến thưa: “Mời quý khách lau tay ạ.”

Trương Miếu Nhi giật mình, bỗng cảm thấy mình như bậc bề trên vậy. Tới tận khi quay về lầu Thiên Thu, anh ta vẫn váng vất, tưởng như vừa đạp mây bay, chân không chạm đất.

Quản lí Diêu hỏi: “Rốt cuộc Đường tiểu tam nguyên đang làm gì hả?”

Trương Miếu Nhi chẳng biết trình bày sao: “Chuyện này…”

“Hử? Lầu Tế Hà có gì lạ sao?”

Trương Miếu Nhi nhớ đến câu chuyện chưa nghe hết, nhớ lại nồi bát hà cung ngon lành tuyệt hảo, nhớ sự phục vụ tận tình chu đáo mà lòng lâng lâng như thể chưa rượu đã say. “Lầu Tế Hà đó không bình thường chút nào đâu. Quản lí, ngày mai tôi xin đi thăm dò thêm một lần nữa, hẳn có thể hiểu rõ thực hư ạ!”

Quản lí Diêu nhướng mày: “Ờ.”

Ngày khai trương đầu tiên, Lầu Tế Hà mở cửa từ giờ Tỵ đến giờ Thân. Trời tối rồi mà đèn đuốc vẫn sáng trưng.

Có người chẳng hiểu sao có nhiều khách khứa đồng ý đi vào chờ ăn thế, thậm chí là chờ nửa canh giờ để ăn một nồi bát hà cung. Đến khi Quản lí Diêu phát hiện ra có gì đó sai sai, thì Trương Miếu Nhi đã mất tăm mất tích, coi như bỏ việc rồi. Quản lí Diêu không tìm được anh ta, chỉ đành giận bản thân tin lầm người. Trương Miếu Nhi cũng muốn xin vào Lầu Tế Hà làm việc, nhưng làm tiểu nhị ở lầu Tế Hà đâu có dễ, chẳng phải ai cũng xin vào được.

Lầu Tế Hà buôn may bán đắt, tuy nói là không cạnh tranh với các tửu lầu khác, nhưng nếu có thể ăn ở lầu Tế Hà thì các khách hàng đều chọn đến đây cả. Thậm chí họ bằng lòng chờ ở phòng khách, nghe người kể chuyện thuật lại câu chuyện thần đồng đoạt thiên hạ.

Cuối tháng Mười, lúc Đường Thận đang luyện chữ, kế toán Lâm đến báo tin vui.

“… Việc buôn bán thuận lợi lắm!” Trình sổ thu chi lên, kế toán Lâm nói: “Tiểu đông gia, lúc đầu tôi cứ không hiểu sao cậu phải phục vụ các khách hàng đến trễ. Giờ mới biết cậu thật cao tay! Rất nhiều khách đến không phải để ăn bát hà cung, mà tới để nghe kể chuyện! Đến nghe chuyện, tiện thể ăn bát hà cung, thật là tuyệt vời! Sao cậu không cho người kể chuyện ngồi ngay giữa tửu lâu ấy, như vậy khách có thể vừa ăn vừa nghe truyện.”

Đường Thận ngừng bút: “Để họ vừa ăn vừa nghe truyện á? Ầy, thế thì họ sẽ ngồi ăn mãi, không chịu đi!”

Kế toán Lâm ngộ ra: “Tôi ngốc quá. Tiểu đông gia, cũng nhờ cậu viết truyện hay quá, nghe xúc động biết bao.” Kế toán Lâm ngượng ngập nói: “Không dám giấu cậu, tôi cũng đến nghe hai hôm, chỉ hận không được nhảy vào trong truyện, giúp thần đồng nhỏ tuổi tiêu diệt hết bọn ác nhân!”

“Cháu chỉ viết đại cốt truyện thôi, nhờ ông Lâm tìm được hai người kể chuyện diệu bút sinh hoa2, biến cốt truyện đơn sơ của cháu thành lời văn tuyệt diệu đấy chứ!”

[2] ví người có tài sáng tác tuyệt diệu.  

Kế toán Lâm: “Tiểu đông gia đừng khiêm tốn. Mỗi tội truyện đã kết thúc rồi, tiểu đông gia có câu chuyện nào mới không?”

Đường Thận sửng sốt: “Đã kể xong hết rồi ạ?”

“Vâng.”

“Nhanh thế chứ lại… Hầy, cháu cũng không có câu chuyện nào khác.” Đường Thận kiếp trước là trai bách khoa chính hiệu, với vốn văn học ít ỏi là vài cuốn tiểu thuyết mạng, cậu đã tiêu tốn hàng đống nơ-ron thần kinh để phịa ra một câu chuyện sảng văn cổ đại rồi, còn mệt não hơn cả thi cử. Cậu nghĩ ngợi rồi bảo: “Phủ Cô Tô thiếu gì chứ chẳng thiếu nhân tài. Thế này đi, Kế toán Lâm, chúng ta hãy tổ chức một hội thi viết, mời toàn bộ thư sinh trong phủ Cô Tô gửi truyện cho lầu Tế Hà của chúng ta!”

Kế toán Lâm đã quen với những ý tưởng độc đáo của Đường Thận, nhưng nghe đến hội thi viết thì vẫn rất ngỡ ngàng. Ông hỏi Đường Thận nên tổ chức thế nào, Đường Thận bèn giải thích cặn kẽ cho ông. Kế toán Lâm vui vẻ nói: “Tiểu đông gia yên tâm, cứ để tôi lo liệu.”

Vào đông, lượng khách của Lầu Tế Hà càng đông đảo.

Đầu tháng Chạp, Đường Thận sang phủ Kim Lăng để đăng kí thi Hương tới ở cống viện Giang Nam.

Thi Hương cũng được gọi là kì thi mùa thu4, ba năm tổ chức một lần vào tháng Tám. Còn hơn nửa năm chuẩn bị, Đường Thận tự biết khó có khả năng đỗ Giải Nguyên, nhưng cậu quyết định cứ tham gia thi, nếu không lại phải chờ thêm ba năm nữa. Với trình độ hiện giờ của cậu thì tám phần mười là đỗ cử nhân. Sang năm mà thi đỗ, cậu dự định sẽ không thi lên nữa.

Việc này Đường Thận giữ kín với tất cả mọi người, nhưng cậu cảm giác Lương Tụng đã nhìn thấu tâm tư kín đáo này của cậu. Tuy vậy, ông không hề lơi lỏng việc dạy dỗ cậu, lúc nào cũng nghiêm khắc, khiến Đường Thận khổ mà không dám kêu ca.

Đường Thận than vãn: “Thầy ơi, mỗi ngày phải viết hai bài chế nghệ, một bài thử thiếp, cả phủ Cô Tô này chắc chỉ có vài đứa học trò siêng năng khắc khổ đến thế thôi!”

Lương Tụng hừ một tiếng: “Hồi trẻ thầy đi học, mỗi ngày viết ba bài chế nghệ, không nghỉ hôm nào cả. Thêm vào đó thầy tự chọn một cuốn trong Tứ thư Ngũ kinh và các tác phẩm kinh điển của Nho gia, một ngày chép một bản.” 

Đường Thận: “…”

“Thầy có còn là người không vậy…”

“Hả?”

“Không có gì không có gì, con không nói gì đâu ạ.”

Lương Tụng cuộn quyển sách gõ cái “bốp” lên đầu Đường Thận: “Mai đi cống viện Giang Nam ghi danh hả?”

“Vâng ạ.”

“Chế nghệ với thơ của ngày mai không phải viết.”

Đường Thận sướng rơn, còn tin tức nào tốt bằng tin này không? Nghe tin quán lẩu lời một cục tiền cũng không mát lòng mát dạ như vậy!

Đi thuyền theo Đại Vận Hà đến phủ Kim Lăng chỉ mất nửa ngày.

Đường Thận xuống thuyền, cùng Diêu Tam đến cống viện Giang Nam. Cậu gửi học tịch của mình ở cống viện, lấy một tấm thẻ tên về. Có thẻ này, tháng bảy năm sau cậu sẽ được đến cống viện Giang Nam ghi danh vào kì thi Hương rồi dự thi vào tháng tám.

Đã tới phủ Kim Lăng rồi thì Đường Thận không thể bỏ qua Cẩm Tú Các được. Cậu tới hơi không đúng lúc, đại chưởng quỹ Phương của Cẩm Tú Các đi vắng mất, các nhân viên trong cửa hàng cũng không quen Đường Thận. Đường Thận đợi được một khắc ở Cẩm Tú Các thì để ý thấy sản phẩm bán chạy nhất vẫn là xà phòng. Thế nhưng, bán chạy thứ nhì lại không phải xà phòng thơm, mà là Hoàng Kim Lũ!

“Lạ lùng ghê, lẽ nào dân Kim Lăng giàu thế nhỉ?”

Một nhân viên nghe thấy thế liền cười: “Quý khách là người vùng khác ạ?”

Diêu Tam nói: “Chúng ta đến từ Cô Tô.”

“Ồ, vậy hẳn hai vị đã biết đến Hoàng Kim Lũ? Phải rồi, Hoàng Kim Lũ ở Cô Tô hẳn là bán không chạy như bên phủ Kim Lăng chúng tôi nhỉ. Chắc các ngài đã nghe, Hoàng Kim Lũ ở Cô Tô được Lương đại nho tặng chữ, ngài viết rằng “Nga nhi tuyết liễu hoàng kim lũ, mạch nhiên hồi thủ, na nhân khước tại đăng hỏa lan san xứ.” Ở Kim Lăng, Hoàng Kim Lũ cũng được tặng chữ đó. Ngài xem, “Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa”, chính là mô tả Hoàng Kim Lũ giống như nước sông pha cát trắng, tắm trong ánh trăng vậy.”

Đường Thận nhìn theo tay nhân viên chỉ, liền thấy một bức hoành phi giữa Cẩm Tú Các, đề bảy chữ:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa!

Mạch viết lưu loát, phong thái tuyệt vời! Một lần hạ bút mà tưởng chừng như ngàn dặm mây tuôn, diệu kì đến mức lòng người rung động. 

Đường Thận nhìn lạc khoản bỗng giật mình: “Là người đó ư?”

Nhân viên hỏi: “Quý khách biết Vương tướng công ạ?”

Đường Thận lắc đầu: “Không quen, chỉ là ta từng may mắn được chiêm ngưỡng một tuyệt tác của người ấy.” Lần đầu tiên Đường Thận đến bái phỏng Lương Tụng đã được thưởng thức bức “Đông Song Cúc”, người đề thơ lên bức tranh ấy chính là Vương Tử Phong.

Nhân viên xuýt xoa: “Quý khách đúng là có phúc! Hoàng Kim Lũ được chính Vương tướng công tặng chữ, mà các phu nhân và tiểu thư ở Kim Lăng hâm mộ Vương tướng công vô cùng, họ không thể nào từ chối Hoàng Kim Lũ đâu. Chính nhờ vậy Hoàng Kim Lũ mới bán chạy hơn xà phòng thơm đấy ạ!”

Đến tối, Đường Thận và Diêu Tam trở về Cô Tô.

Hôm sau, Đường Thận gọi kế toán Lâm tới, hỏi tình hình bán xà phòng thơm và tinh dầu. Kế toán Lâm tường thuật chi tiết cho cậu nghe.

Đường Thận nói: “Phủ Kim Lăng đúng là kì quặc! Tinh dầu bán chạy hơn xà phòng thơm thì một là đầu óc dân Kim Lăng có vấn đề, hai là họ giàu hết phần thiên hạ. Xem ra phải tìm cơ hội để nhờ vả dân Kim Lăng cứu lấy kẻ nghèo rớt mồng tơi là mình thôi!”

Đường Thận cũng chỉ giỡn vậy thôi, hiện tại cậu làm ăn ở Cô Tô rất thoải mái, nếu không cần thiết, cậu không có ý định chuyển sang Kim Lăng làm gì cả.

Năm mới cận kề, ngày mười tám tháng Chạp, học viện Tử Dương học buổi cuối trước kì nghỉ.

Đường Thận tới học viện từ sớm, liền thấy chú béo Tôn chạy đến từ đằng xa. Chú ta mặc áo bông dày cui, đội mũ lông cáo, hai tay ôm bình nước giữ nhiệt, nom hệt như một quả bóng bự tròn.

Đường Thận cười hà hà: “Trông cậu vẫn y chang năm ngoái nhỉ.”

Tôn Nhạc ngẩn ra một hồi mới phản ứng kịp: “Đồ dẻo mỏ Đường Thận, giờ này năm ngoái cậu bảo, béo không sợ lạnh, chê tớ mặc lắm cơ mà. Sao, cậu thì mặc ít hả? Có giỏi thì cởi áo bông ra coi!”

Đường Thận: “Đây ứ thèm trúng chiêu khích tướng của cậu nhé!”

Tôn Nhạc hừ một tiếng.

Không lâu sau, các học sinh khác kéo nhau đến lớp. Thầy giáo chưa tới, bọn học trò liên buôn chuyện rôm rả với nhau.

“Giờ này năm ngoái, dân tị nạn bu kín cổng Tây thành, làm tớ sợ chết khiếp. May mà năm nay tốt lành, mưa thuận gió hòa, mong là năm sau vẫn như vậy!”

“Sang năm là thi Hương ba năm một lần đấy, hi vọng là lần thi lại này tớ sẽ đỗ.”

“Lần trước cậu thi trượt hả?”

“Ừ. Thấy bảo năm sau giám khảo khi Hương ở cống viện Giang Nam nơi chúng ta thi rất có thể là La đại học sĩ. Đáng lẽ hai năm trước ông ấy phải là chủ khảo thi Hương, nhưng tự dưng lúc đó ông ấy đổ bệnh bất thường, thánh thượng cho phép ông ấy làm giám khảo bù vào kì thi sau.”

“Thế tớ phải nghe ngóng xem đại học sĩ La thích cái gì mới được.”

Kì thi tổ chức ở cống viện Giang Nam và Thịnh Kinh là hai kì thi được triều đình chú ý nhất. Ngay cả thi Hương cũng phải cử Đại học sĩ tam phẩm làm giám khảo, vừa ra đề mục, vừa coi thi.

Tôn Nhạc vểnh tai nghe ngóng, thì thầm bảo: “Tớ cũng phải đi thăm dò xem La đại học sĩ thích cái gì mới được. Chưa nghe đến ông này bao giờ cả, chả biết là thích Xuân Thu hay Chu Dịch đây, tớ phải chuẩn bị kĩ.”

Đường Thận: “Tớ cũng chưa nghe tên ông ấy bao giờ.”

Một tú tài già cười bảo: “Biết La đại học sĩ thích gì nào có khó? Minh nguyệt tùng gian chiếu, thanh tuyền thạch thượng lưu5. Ông ta chính là thành viên cốt cán trong Tùng Thanh đảng!”

Quảng cáo
Trước /167 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Đặt Bẫy Cha Cục Cưng

Copyright © 2022 - MTruyện.net