Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Sơn Hà Bất Dạ Thiên
  3. Chương 50
Trước /167 Sau

Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 50

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Đường Thận và Lý Thư đứng phía tay trái ngai vàng, sau cây cột rồng bằng bạch ngọc. Hai người khom mình hành lễ, Triệu Phụ đi ngang qua họ. Đường Thận chỉ có thể thấy một góc vạt áo nho nhỏ màu vàng sáng, cậu nheo mắt. Lát sau, nghe tiếng Triệu Phụ nhẹ nhàng nói: “Miễn lễ.”

“Tạ ơn bệ hạ.”

Lý Thư ngồi xuống chuẩn bị ghi chép, Đường Thận đứng sau lưng ông ta.

Điện Tử Thần vắng vẻ lạnh lẽo cuối cùng cũng bắt đầu buổi triều.

Cây cột bàn long bạch ngọc quá đỗi bé nhỏ so với những trụ cột quyền lực trên khắp cõi Đại Tống tập trung đằng sau nó. Có bề tôi tâu chuyện chiến sự biên cương gần đây. Triệu Phụ lắng nghe xong rồi phán: “Để sau rồi bàn lại.” Lý Thư ghi câu này vào Khởi Cư chú. Các đại thần lần lượt tâu trình, phần lớn là báo cáo những việc phát sinh gần đây.

Trong triều không có việc gì nghiêm trọng cả.

Sau nửa canh giờ, buổi triều kết thúc. Bá quan hành lễ trước ngai báu, tiễn Triệu Phụ rời điện. Sau khi Triệu Phụ đi, các quan mới rút ra khỏi điện từ hai bên cửa hông. Còn Đường Thận, Lý Thư và Khởi Cư xá nhân còn lại thì theo Triệu Phụ rời khỏi điện Tử Thần.

Từ lúc buổi triều kết thúc, Khởi Cư lang và hai Khởi Cư xá nhân vẫn theo sau hai bên Triệu Phụ. Trừ lúc tiêu tiểu ra, bọn họ không hề rời vua một tấc. Đến lúc chạng vạng, Triệu Phụ lên đài Đăng Tiên tu luyện thì ba người đứng ngoài cửa, Triệu Phụ chỉ cho hai đạo đồng theo hầu.

Đường Thận thắc mắc ngó Lý Thư, Lý Thư chỉ nhìn xuống đất, không nói gì.

Đường Thận thở dài trong lòng.

Hoàng đế rốt cuộc vẫn là hoàng đế thôi!

Theo lý thuyết, Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân phải túc trực cạnh hoàng đế từ sáng đến tối, từ lúc lâm triều đến khi hoàng đế về hậu cung, mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Triệu Phụ tu tiên không cho bọn họ theo sau, việc ấy không phải phép, nhưng ai dám hé răng phản đối nửa lời?

Song ông ta vẫn có thể coi là một hoàng đế đứng đắn.

Nghe đồn triều đại trước đây từng có một vị hoàng đế cực kì quyền lực và độc đoán. Ngày nọ ông ta đột nhiên yêu cầu được xem Khởi Cư chú. Bá quan văn võ đều can gián: “Bệ hạ không thể làm vậy được!” Nhưng hoàng đế đó không hề quan tâm. Khuyên sao cũng không nổi, các đại thần không tài nào lay chuyển nổi vị hoàng đế quyền lực đầy mình này, chỉ đành để mặc ông ta đọc những ghi chép về bản thân. Đương nhiên, sau khi hoàng đế đọc Khởi Cư chú, bản ghi chép đã bị sửa đổi rất nhiều1.

Về sau, sử sách ghi nhận việc này, cho nên Khởi Cư chú thời hoàng đế này bị nhiều sử quan coi là không có giá trị.

Triệu Phụ khá hơn nhiều, ông ta chỉ không cho quan ghi chép đi theo thôi chứ không nhúng tay vào việc sửa đổi Khởi Cư chú. Cuộc sống hàng ngày của ông ta cũng không có tì vết gì, tuy không phải minh quân cả đời, nhưng cũng không có thói hư tật xấu. Tóm lại, ông ta là một hoàng đế bình thường.

Hoàng đế tu tiên xong thì dùng bữa tối rồi về hậu cung. Màn đêm buông xuống, ba người Đường Thận tranh thủ ra về khi cổng cung chưa khóa.

Đây là ngày đầu tiên nhậm chức của Đường Thận, đến ngày hôm sau thì cậu không cần tiến cung, chỉ ở trong nha môn đọc sách.

Quanh đi quẩn lại, bảy ngày đã trôi qua.

Đường Thận vẫn theo Lý Thư học hỏi chứ chưa tự làm việc được. Nhưng trước hết cậu phải nghênh đón một người đã.

Hôm đó Đường Thận nghỉ làm. Từ sáng sớm, cậu và Diêu Tam đi đến bến cảng Vận Hà ở phía Tây Thịnh Kinh, đứng trên bến tàu, trông vời sông nước mênh mang. Nửa canh giờ sau, một con thuyền chở khách rẽ nước tiến tới từ đằng xa. Thuyền cập bờ, khách khứa trong khoang nối đuôi lên bến. Diêu đại nương và Đường Hoàng vừa xuất hiện, Diêu Tam đã nhận ra ngay mẹ mình, sung sướng gọi ầm lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con ở đây!”

Diêu đại nương thấy con trai thì mừng quýnh, nước mắt rơm rớm.

Bên cạnh Diêu đại nương dĩ nhiên là Đường Hoàng. Thế nhưng, nhác thấy cô thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, Đường Thận đứng đực ra. Khi Đường Hoàng và Diêu đại nương đến gần, cậu mới giật mình thốt lên: “Đường Hoàng đấy à?”

Dưới bầu trời xanh trong và những áng mây biêng biếc, cô thiếu nữ mảnh khảnh mặc chiếc váy màu vàng nhạt như ánh trăng, hoa văn như ý hồng cánh sen phơn phớt, khoác chiếc áo lông trắng nhỏ, dáng vẻ thanh tú lạ thường. Bên dòng Vận Hà cuồn cuộn, em mang trong mình nét duyên của miền sông nước Giang Nam hiền hòa say đắm lòng người, khác hẳn với những thiếu nữ kiêu sa chốn kinh kỳ.

Chỉ hai năm ngắn ngủi thôi, Đường Thận không ngờ em gái mình trổ mã nhanh đến vậy!

Song, cậu cũng nhận ra Đường Hoàng năm nay đã mười hai tuổi. Một cô bé mười hai tuổi ở thời hiện đại mới tốt nghiệp tiểu học, nhưng ở thời đại này, chỉ tầm ba năm nữa là đến tuổi cập kê, có thể lập gia đình.

Nhưng Đường Thận cứ thấy có gì đó là lạ.

Thấy Đường Thận nhìn mãi quần áo của mình, Đường Hoàng cúi đầu, lí nhí: “Đại bá mẫu nói Thịnh Kinh lạnh hơn Cô Tô, nên bá mẫu cho em mang theo nhiều quần áo. Giờ xem ra cũng không lạnh lắm.” À, cô bé đang giải thích tại sao mình phải mặc áo khoác lông.

Đường Thận ngắm nghía em gái mình một hồi lâu, tỏ vẻ biết tuốt, cười khoái trá: “Em béo lên rồi!”

Đường Hoàng ngẩng phắt đầu, trợn trừng mắt la lên: “Béo đâu mà béo!”

Đường Thận cười ha hả: “Ăn nói lí nhí, hít thở phập phù, chẳng phải là béo tắc thở đấy thì gì? Á à, giờ nói to được rồi này.”

Đường Hoàng điên tiết: “Đồ anh trai thối, sao anh không nói nổi một câu tử tế chứ?”

“Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng, vi huynh chỉ muốn tốt cho em thôi.” Đường Thận thật thà nói.

Đường Hoàng: “…”

Than ôi, chứng dở hơi của anh tôi hai năm nay vẫn chưa khỏi!

Nhí nhố một hồi, cả nhà cười chán chê, bèn lên xe ngựa về phủ Thám Hoa.

Ngồi trên xe, Đường Hoàng thở phào nhẹ nhõm.

Đầu năm ngoái sau khi Đường Thận đi rồi, Đường Hoàng lúc nào cũng nhớ anh trai, mỗi ngày đều mong ngóng được lên Thịnh Kinh đoàn tụ với anh. Nhưng theo tháng ngày, tâm trạng của cô bé dần dần thay đổi. Người ta nói với em rằng, Đường tiểu tam nguyên đã đỗ Á nguyên, trở thành ông cử rồi. Sau đó họ lại bảo với em, Đường Thận đỗ hẳn Thám hoa, trở thành quan lớn thật sự rồi.

Đường Thận giáo dục Đường Hoàng theo kiểu nuôi thả tự do, Đường Hoàng không phải giam mình trong nhà trong phủ như các cô gái khác. Đường Hoàng có gia sư riêng, cũng hay đi chơi với các thiên kim tiểu thư khác ở phủ Cô Tô. Có người bảo cô bé rằng, Đường Thận đỗ Thám hoa lang, ra làm quan rồi sẽ khác trước, dù là em gái ruột, từ rày cũng phải cư xử thận trọng, không thể vượt cấp bậc lễ nghĩa.

Vì thế, trước khi tới Thịnh Kinh, Đường Hoàng lo nghĩ miên man. Đặt chân lên thuyền, cô bé bắt đầu nôn nao sợ hãi.

Mãi đến khi gặp lại Đường Thận, mọi lo lắng của Đường Hoàng mới tan biến: Anh mình vẫn là ông anh thối tha chuyên bắt nạt người khác!

Bốn người về phủ Thám Hoa, Đường Thận đã biết trong hai năm vừa qua mình rời nhà phủ Cô Tô phát sinh những việc gì.

Diêu Tam nói: “Việc này năm ngoái lúc mới về Cô Tô tôi có kể cho tiểu đông gia rồi. Hầy, đúng là giậu đổ bìm leo. Năm ngoái khi tiểu đông gia mới rời Cô Tô, có đến mấy nhà tửu lầu, son phấn nhòm ngó việc kinh doanh nhà chúng ta. Họ không bươi móc được Trân Bảo Các với lầu Tế Hà thì quay ra chơi đểu Hậu cần Đường thị, bôi nhọ nhân viên. Đến khi tin tiểu đông gia bái Phó đại nho làm thầy truyền tới Cô Tô, lũ đấy cờ im trống lặng ngay tức khắc, tiệt không còn bóng dáng đứa nào.”

Đường Thận ngạc nhiên: “Anh biết cả cụm ‘cờ im trống lặng’ nữa à?”

Diêu Tam đỏ mặt: “Tiểu đông gia, tôi nói nhiều thế, sao cậu chỉ nghe được mỗi vậy?”

Đường Thận cười: “Diêu đại ca, anh có muốn đi học không?”

Diêu Tam cuống cuồng xua tay: “Ấy chớ ấy chớ, tôi chỉ muốn làm trợ thủ cho tiểu đông gia thôi, thế là đủ rồi.”

Đường Thận mỗi tháng đều biên thư về Cô Tô để liên lạc với người nhà. Đôi khi cậu cũng nhờ vả Vương Trăn để gửi ké thuyền nhà họ Vương mấy thứ đồ về Giang Nam. Tuy thế, có nhiều việc không thể nói rõ qua thư từ được.

Đường Hoàng hớn ha hớn hở: “Nghe nói anh thi đỗ Á nguyên, cả nhà mình tưng bừng đáo để. Tất cả các phú thương có quan hệ lợi ích với lầu Tế Hà và Trân Bảo Các và cả những người không quen biết đều đến bái phỏng nhà chúng ta. Phủ doãn mới ở Cô Tô cũng đến nữa.” Nghỉ một lát, Đường Hoàng nói: “Nhưng Á nguyên chỉ là cái cớ thôi. Ngay từ đầu ông ta đã có ý định gặp anh rồi.”

Đường Thận liền nhìn Đường Hoàng, không ngờ cô bé hiểu cả chuyện Phủ doãn mới ở Cô Tô đến thăm Đường gia không phải vì cậu đỗ Á nguyên, mà vì quan hệ của cậu với Phó Vị và Vương Trăn.

Đường Hoàng lại nói thêm: “Sau kì thi Hương, đại bá phụ mở tiệc lớn ở Cô Tô linh đình suốt bảy ngày đêm! Đến khi anh đỗ Thám hoa thì thôi rồi, không thể tưởng tượng nổi. Người nhà họ Đường ở khắp phủ Cô Tô đều đến chung vui, tiệc tùng suốt mười ngày mười đêm, dân chúng cả thành kéo về ăn uống. Tiếc là anh không về được, đại bá mẫu bảo khi nào thư thư ra thì anh nhớ về, cả nhà chờ để mở từ đường cho anh tế tổ đấy.”

Đường Thận nghĩ thầm, có phải chưa mở từ đường cho mình vào tế tổ lần nào đâu, song cậu chỉ nói: “Anh biết rồi.”

Đường Hoàng nói thêm một hồi thì nhớ ra một chuyện. Nét mặt cô bé hơi kì lạ, nháy mắt với Đường Thận: “À, anh ơi, anh có nhớ lúc chúng ta rời khỏi thôn Triệu gia thì có chuyện gì không?”

Đường Thận bị hỏi thế thì hơi lúng túng: “Chuyện từ khi mình rời thôn Triệu gia ấy à?” Cậu suy nghĩ một hồi: “Chuyện gì ý nhỉ?”

“Anh nhớ lại mà xem.”

“Anh em mình nợ ai chưa trả? Hay người ta nợ nhà mình?”

“…”

“Thế anh có nhớ, nếu anh đỗ cử nhân, bác trưởng thôn đã hứa với chúng mình cái gì không?”

Đường Thận sực nhớ ra: “Ơ? Chuyện đấy á?”

Diêu đại nương cười nói: “Giờ không còn thôn Triệu gia nữa đâu. Từ khi cậu thi đỗ Á nguyên, thôn đó đã cải danh thành thôn Đường gia rồi!”

Đường Thận dở khóc dở cười.

Không ngờ câu nói đùa ngày xưa lại thành sự thật.

Việc thôn Triệu gia sửa tên thành thôn Đường gia này cũng khá thú vị. Trưởng thôn hồi trước chỉ hứa đại thế thôi, bởi đâu có dễ gì mà đỗ cử nhân. Ngay cả anh họ cả của Đường Thận, Đường Vân, con trưởng của Đường cử nhân, tới giờ vẫn chưa đậu nổi tú tài!

Nhưng trưởng thôn làm sao mà ngờ được, mới hơn một năm, Đường Thận đã thi đỗ thật, còn đỗ hẳn Á nguyên.

Trưởng thôn lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Tên thôn đâu phải cứ thích là đổi chứ? Nào là phải lên phủ nha Cô Tô báo cáo, rồi sau khi đổi tên, gia phả rất nhiều hộ trong thôn cũng phải sửa theo, không được viết là “Ông này bà nọ thôn Triệu gia nữa”, mà phải sửa thành “Ông này bà nọ thôn Đường gia.” Trưởng thôn nghĩ tới nghĩ lui mãi, nghĩ từ năm nọ qua năm kia, nghĩ đến tận lúc Đường Thận đỗ Thám hoa rình rình rang rang.

Sau sự kiện ấy, mọi người trong thôn đều hối thúc trưởng thôn sửa tên. Trưởng thôn bấy giờ mới hồ hởi đi sửa tên ngay.

Phiền đến mấy thì phiền chớ, làm sao sánh nổi với niềm hãnh diện khi thôn Đường gia bọn họ có một chàng Thám hoa?

Nghe Đường Hoàng và Diêu đại nương kể lại những chuyện phát sinh trong hai năm xa nhà, Đường Thận cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Từ khi đến Thịnh Kinh, đây là lần đầu tiên cậu cảm nhận được không khí gia đình ấm cúng, chân thật, như thể được trở lại những tháng ngày êm ả ở Cô Tô.

Ăn tối xong, chỗ ở cho Đường Hoàng và Diêu đại nương được thu xếp ổn thỏa.

Đường Thận gọi Diêu Tam vào thư phòng: “Bao giờ anh định lên phương Bắc?”

Diêu Tam: “Định đi sớm rồi đấy ạ, nhưng vì mẹ tôi và tiểu thư A Hoàng lên đây nên mới lùi lại. Sáng mai tôi sẽ khởi hành.”

Đường Thận: “Cũng không phải vội thế đâu. Diêu đại nương mới tới, anh cứ ở chơi với mẹ hai hôm đã.”

Diêu Tam cười ngượng nghịu: “Cậu đừng trêu tôi, việc miền Bắc khéo cậu còn sốt ruột gấp mấy lần tôi ấy chứ. Không sao đâu, sáng mai tôi đi.”

Đường Thận chỉ cười.

Diêu Tam đang định đi, chợt thấy trên bàn Đường Thận có một cuốn sách đang mở ra. Anh ta lấy làm lạ, hỏi: “Ơ, tiểu đông gia, gần đây cậu đang luyện… vẽ bùa à?”

“Bùa?”

Diêu Tam nói: “Đúng thế, chứ không cuốn sách trên bàn kia là sách gì ạ, không phải sách bùa sao?”

Đường Thận nhìn theo ánh mắt của Diêu Tam, thoáng giật mình, lặng lẽ gập cuốn sách kia lại, cười nói: “Ừ, tôi đọc mấy cuốn sách Đạo gia ấy mà, trau dồi thêm chút xíu. Được rồi, anh cứ đi cho xong việc đi rồi về tha hồ bầu bạn với Diêu đại nương.”

“Vâng ạ.”

Đợi Diêu Tam đi hẳn, Đường Thận mới mở lại cuốn sách “bùa” ra, lặng lẽ nhìn.

Nếu Diêu Tam may mắn xuyên thời gian đến hiện đại, học hết chương trình phổ cập giáo dục chín năm, thì hẳn là anh ta sẽ nhận ra ngay, cuốn sách này đâu phải bùa Đạo gia, mà toàn là bính âm tiếng Hán.

Cất cuốn bính âm vào ngăn mật sau giá sách, Đường Thận thổi tắt nên, rời khỏi thư phòng.

Đường Hoàng và Diêu đại nương mới tới Thịnh Kinh nên vô cùng hiếu kì với đế đô phồn hoa. Đường Thận hàng ngày phải đến nha môn, không có thời gian rảnh dẫn hai bà cháu du ngoạn, bèn giao chuyện này cho Phụng Bút lo.

Lên làm Khởi Cư xá nhân được nửa tháng, Đường Thận cuối cùng cũng được chính thức ghi chép cuộc sống hàng ngày của hoàng đế.

Hôm đó lên triều, cậu không đi sang bên trái ngai vàng với Lý Thư mà tự mình sang phía bên phải. Như thường lệ, Đường Thận triều kiến hoàng đế theo bách quan, sau đó ngồi xuống, nhấc bút ghi chép.

Tan triều, cậu và Lý Thư quay về ngự thư phòng. Hoàng đế đọc sách, xem tấu chương, còn bọn họ cũng không nghỉ ngơi mà phải trau chuốt, sửa sang lại những ghi chép của ngày hôm nay, đảm bảo không có gì sai sót.

Suốt cả buổi, dù không phải viết nhiều, nhưng Đường Thận căng thẳng hết sức, lưng áo ướt đẫm mồ hôi.

Từ đầu đến cuối, Triệu Phụ không hề liếc nhìn cậu lấy một cái, như thể ông ta đã hoàn toàn quên mất chàng Thám hoa được chính mình khâm điểm trên điện Tử Thần hôm nào.

Đêm về, Triệu Phụ lên đài Đăng Tiên, Đường Thận và Lý Thư đứng ngoài cửa.

Trong những câu chuyện gẫu của các Khởi Cư xá nhân, vị Lý đại nhân này mặc dù không tốt tính cho lắm nhưng cũng không đến nỗi khó ở chung. Tuy vậy, khi Đường Thận theo ông ta học tập, ông ta lúc nào cũng hòa nhã, tận tình. Đường Thận biết mình được đối xử như thế là nhờ thầy mình cây cao bóng cả, tán cây của thầy là “ô dù vững chắc” cho cậu. Mọi người kể rằng, dù là Trạng nguyên Diêu Thiện, Khởi Cư lang hàng ngũ phẩm ngang với Lý Thư, ông ta cũng chưa bao giờ chu đáo đến vậy.

Hai người đứng ngoài đài Đăng Tiên, áng chừng một canh giờ nữa hoàng đế mới ra ngoài.

Lý Thư cười hỏi: “Ngày làm việc chính thức đầu tiên, Đường đại nhân thấy sao?”

Đường Thận giả vờ sầu khổ: “Bình thường chỉ quan sát thôi thì tưởng là dễ, bắt tay vào làm mới biết vô vàn khó khăn. Thêm nữa, khi thánh thượng nói chuyện với quần thần, các quan nói nhanh quá, nhiều lúc ta không viết theo kịp, nhưng chẳng dám viết sai một chữ.”

Lý Thư gật đầu: “Cậu làm đúng lắm, dù không viết kịp lúc ấy, chúng ta vẫn có thể so sánh với bản ghi chép của nhau rồi bổ sung sau. Còn nếu viết sai thì có thể nguy đến tính mạng đấy.”

Hai người thì thà thì thầm, trời dần dần sẩm tối. 

Sau gần nửa canh giờ, bỗng có một người mặc quan bào đỏ thẫm vội vã đi vào từ cổng cung. Dưới ánh mặt trời cuối ngày, người này đội mũ quan, gương mặt hết sức điển trai, đôi mắt như cánh hoa đào. Lý Thư và Đường Thận đều liếc nhìn anh ta theo bản năng. Người đàn ông này cũng liếc lại chòng chọc, ánh mắt sắc lẻm rọi thẳng vào hai người.

Lý Thư thấy anh ta thì thầm than: Sao lại là gã chứ!

Đoạn vội vàng cúi gằm xuống không dám nhìn nữa.

Đường Thận ngó nghiêng mấy lần, viên quan trẻ tuổi này thấy Đường Thận vẫn nhìn mình thì nhếch mép. Sau hồi lâu, anh ta mới quay đi, lên trên đài tiên, thì thầm mấy câu với đạo đồng giữ cửa điện. Đạo đồng nghe xong thì mở cửa đi vào điện, lát sau mới đi ra, mở rộng cửa cho viên quan trẻ tuổi ấy tiến vào.

Cửa điện khép lại, Lý Thư cũng thở phào nhẹ nhõm, lẩm bẩm: “Thế là tống tiễn được đức ôn thần.”

Đường Thận hỏi: “Người ấy là ai thế?”

Lý Thư ngó nghiêng xung quanh, biết là không có ai nhưng càng phải thì thào: “Thiếu Khanh Đại lý tự, Tô Ôn Duẫn. Tay này không dễ chọc đâu, sau này nếu tránh được thì ráng mà tránh. Đại lý tự có hai Thiếu Khanh, tuy y là quan tứ phẩm nhưng tất cả các quan phạm tội đều thuộc quyền quản lí của y. Hơn nữa, y còn rất được lòng Thánh thượng. Đài Đăng Tiên này ngoài các tể tướng trong Trung Thư Tỉnh ra thì chỉ có Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức, Thượng thư bộ hộ Vương Tử Phong, và y – Tô Ôn Duẫn là được vào.”

Đường Thận giật mình thon thót.

Tô Ôn Duẫn! 

“Khai Bình năm thứ hai mươi tư, ngày mùng bảy tháng tám, thánh thượng triệu quan Thiếu Khanh Đại lý tự là Tô Ôn Duẫn. Vua nói: Đêm qua trẫm gặp cơn mộng dữ, thấy chúng sinh trong lao tù than khóc, huyết lệ đẫm song sắt. Tô khanh đáp rằng: Bệ hạ nhân từ, thần không bì kịp. Vua nói: Trẫm đau nỗi đau của thiên hạ, Tô khanh có xót xa cùng với trẫm không? Nhân nhớ đến muôn dân, ban phúc trạch cho bách tính, trẫm đại xá thiên hạ! Ngày hôm ấy, vua Tống đại xá tội nhân.“

Tô Ôn Duẫn là người xử lí tất cả quan có tội, như vậy hai năm trước, Chung Thái Sinh cũng nằm trong phạm vi quản lí của anh ta!

Đang nghĩ dở, cửa điện lại mở, Tô Ôn Duẫn bước ra ngoài.

Đường Thận cúi xuống, lần này không nhìn anh ta nữa. Chỉ thấy một bóng người áo đỏ thẫm đi ra khỏi đài Đăng Tiên, ngang qua Đường Thận và Lý Thư thì thoáng ngần ngừ. Nhưng cũng có thể đó chỉ là ảo giác, vì anh ta lại xăm xăm bước về phía trước, nghênh ngang ra về.

Mấy ngày sau đó, Đường Thận cũng chưa gặp viên quan nào khác đi vào đài Đăng Tiên cả.

Đường Thận thích nghi rất tốt với công việc của Khởi Cư xá nhân, thuận buồm xuôi gió. Diêu Thiện so ra thì kém hơn cậu một chút, Diêu Thiện là Khởi Cư lang, công việc của anh ta cũng là ghi chép lại cuộc sống thường ngày của hoàng đế như các Khởi Cư xá nhân, nhưng kèm thêm chức trách đôn đốc, rà soát sai sót trong quá trình ghi chép. Tiếc rằng Diêu Thiện đi lính nhiều năm, tốc độ viết không nhanh bằng Đường Thận, đôi khi hoàng đế xuất thần phán một câu thì anh ta khó mà viết theo kịp.

Cứ thế, tháng Mười một đã sang.

Đầu tháng mười Một, Đường Thận về tới nhà đã thấy Diêu Tam mặc áo lông đợi cậu từ lâu. Thấy Đường Thận, Diêu Tam bước ngay tới thưa: “Tiểu đông gia, tình hình bên kia hơi khác so với chúng ta tưởng, viết thư khó nói rõ được, tôi đành phải quay về một chuyến. Tôi nghe nói quản lí Lục đã chọn được địa chỉ cho lầu Tế Hà, cũng mua luôn tửu lầu rồi, nhưng việc bên tôi lại chưa ra đâu vào đâu.” Nói đến đây, Diêu Tam tỏ ra rất hổ thẹn: “Tôi về đây, thứ nhất là để xin cho quản lí Lục đi cùng với tôi, có thêm anh ta thì tiện hơn nhiều. Thứ nhì… Tôi xin cậu bí mật đồng hành với chúng tôi ạ.”

Đường Thận chau mày: “Bí mật đi cùng anh ư?”

Diêu Tam cười ngượng nghịu: “Việc buôn bán với người Liêu khó hơn tôi tưởng rất nhiều, có lắm việc tôi không dám tự tiện quyết định. Chỉ có cậu mới biết khi nào cần quyết đoán, khi nào cần thận trọng. Bên ấy cũng không an toàn, xin cậu hãy cải trang đi cùng tôi với quản lí Lục, như vậy cũng tiện bảo vệ bản thân hơn.”

Đường Thận suy nghĩ một lát: “Giờ anh thương thảo được đến đâu rồi?”

“Cỡ ba phần mười ạ.”

Ít hơn nhiều so với dự liệu của Đường Thận.

Diêu Tam: “Chỉ được chừng ấy là vì nhiều việc tôi không dám quyết bừa. Có cậu, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy ngay!”

Đường Thận cân nhắc hồi lâu mới đáp: “Được rồi, ba ngày nữa là đến ngày nghỉ, tôi sẽ xin nghỉ thêm mấy hôm, đi cùng với anh!

Hôm sau đến nha môn, Đường Thận xin nghỉ với thượng cấp của mình là Lý Thư, Lý Thư chẳng buồn hỏi cậu bận việc gì, phê chuẩn cho nghỉ luôn. Lúc ra khỏi nha môn Trung Thư tỉnh, Đường Thận cảm khái: “Trong triều có quan hệ rõ sướng, ô dù còn đấy thì việc gì cũng trôi chảy!”

Mấy hôm nữa phải rời Thịnh Kinh, Đường Thận chợt phát hiện ra nửa tháng nay cậu chưa đến thăm hai cái ô đại bự của mình.

Đã nghĩ tới thì phải làm ngay. Về nhà xong, Đường Thận bèn lấy đặc sản Cô Tô Đường Hoàng mang lên sang thăm Phó phủ. Phó Vị đang vẽ tranh, thấy Đường Thận thì rào ngay một câu: “Cảnh Tắc lại đây nào con, nào nào, con hãy bình phẩm kiệt tác này của vi sư đi.”

Đường Thận: “…”

Tiên sinh, “kiệt tác” là để người khác khen ngài, chứ đời thuở nhà ai tự dùng để mà huênh hoang!

Quà cáp Phó Vị xong, thầy trò hai người tâm tình trò chuyện. Sau đó, Đường Thận mang hộp quà đi sang phủ Thượng thư.

Chẳng may, hôm nay Vương Trăn không có nhà, nghe bảo là đã tiến cung diện thánh rồi, phải lâu lâu mới về.

Đường Thận nghĩ một lát rồi nói: “Cứ để ta ngồi đây đợi sư huynh.”

Quản gia đáp: “Vâng ạ.”

Cậu đợi mãi đến khi trăng lên đỉnh đầu, sao trời lấp lánh mà Vương Trăn vẫn chưa về. Đường Thận bận bịu cả ngày quá mệt, ngả ra ghế ngủ thiếp đi. Trong lúc mơ màng cậu thấy mũi ngưa ngứa, tức mình khua tay gạt cái thứ cọ lên mũi mình ra. “Chát!” Đường Thận giật mình tỉnh giấc, bắt gặp ngay Vương Trăn đang khom người nhìn mình bằng ánh mắt ngạc nhiên.

Sư huynh đệ hai người nhìn nhau hồi lâu, Vương Trăn lên tiếng trước, nghe giọng vừa ngỡ ngàng vừa tủi thân: “Tiểu sư đệ, đệ…”

Đường Thận cũng hết cả hồn.

Cậu ngả lên ghế ngủ, thấy ngứa mũi nên vô thức xua tay. Nhưng trông tư thế giữa mình và Vương Trăn mà xem, chắc chắn là lúc Vương Trăn cúi xuống nhìn cậu thì tóc chàng rủ xuống mũi làm cậu bị ngứa, thế là cậu đã tát…

Tát thẳng vào mặt Vương Trăn!

Giàng ơi, sao cậu đến tặng quà mà lại thành tát vào mặt Vương Tử Phong thế này? Thế này liệu còn tặng nổi quà không đây?

Gay thật, lỡ cái tát này ủn bay luôn cây dù bự nhất của mình thì chết dở!

Đường Thận ngó mặt Vương Trăn ngay trước nhất, trên gương mặt trẻ trung, điển trai và trắng trẻo ấy không hề có một dấu tay nào. Nhưng ai quy định rằng cứ bị tát vào mặt thì phải hằn dấu tay? Đường Thận giật mình, vội vàng đứng dậy, rối rít phân bua: “Sư huynh, đệ mới ngủ thiếp đi, không biết đã xảy ra chuyện gì. Đệ có lỡ làm sai điều gì không?”

Vương Trăn không nói gì cả, chỉ lẳng lặng nhìn Đường Thận.

Đường Thận bị chàng nhìn thế thì chột dạ, cuống quýt nghĩ cách chữa cháy. Cậu vớ lấy hộp quà trên bàn: “Vừa rồi em gái đệ mới từ Cô Tô lên đây, con bé có mang theo vài món ăn vặt ở Cô Tô, mời sư huynh nếm thử.”

Vương Trăn vẫn cứ nhìn cậu mà chẳng nói chẳng rằng.

Đường Thận: “…”

Anh ơi, em van anh, anh nói giùm em một câu đi anh ơi!

Cuối cùng, trong ánh mắt thiết tha van nài của Đường Thận, Vương Trăn mới chịu mở mồm: “Lâu rồi không gặp tiểu sư đệ, ta nhớ đệ lắm luôn. Thấy tiểu sư đệ đang ngủ, ta không nỡ đánh thức nên mới khẽ khàng lại gần. Nào ngờ tiểu sư đệ chưa tỉnh ngủ, lại đánh vào tay ta, dường như không muốn gần gũi với ta vậy…”

Lúc Vương Trăn nói câu ấy thì trông mặt mũi rầu rĩ vô cùng, như thể hành động của Đường Thận làm chàng tổn thương ghê gớm.

Đường Thận hối hận lắm, nói: “Sư huynh, lúc đó đệ đang ngủ, không biết gì hết cả, huynh đừng để bụng được không? Không phải là đệ không muốn gần gũi với huynh, cũng không cố ý gạt tay huynh ra, tại đệ đang ngủ nên không…” Cậu bỗng khựng lại, trố mắt: “Gạt tay huynh á?”

Vương Trăn nín cười: “Đúng rồi, ta thấy tiểu sư đệ đang ngủ nên lấy tóc gẩy nhẹ lên má đệ ý mà, gọi là gần gũi với nhau tí.”

Đường Thận nhất thời không nhận thấy có gì bất thường trong câu “gần gũi với nhau tí”, cậu thộn ra nhìn Vương Trăn, miệng há hốc, không thốt nên lời.

Thấy thế, Vương Trăn không tài nào mà nhịn nổi nữa, cười phá lên.

Ngay từ đầu Vương Trăn đã biết Đường Thận hiểu nhầm rồi, nhưng nom tiểu sư đệ đáng yêu quá đi mất, nên chàng cứ giả đò như không biết, mặc kệ Đường Thận tự biên tự diễn.

Đường Thận từ từ bặm môi, thình lình, cậu đặt hộp quà đánh “cộp” lên bàn, quay lưng bỏ về.

Ánh mắt Vương Trăn thoáng chút hoảng hốt, chàng túm lấy cổ tay Đường Thận.

“Tiểu sư đệ.”

Có ai bị trêu ghẹo mà vui nổi chứ? Đường Thận tức cành hông: “Sư huynh, quà tặng xong rồi, đệ nên cáo từ thôi.” Nói rồi lại giằng ra.

Vương Trăn níu chặt tay Đường Thận.

Đường Thận ngẩng đầu: “Vương Tử Phong!”

Vương Trăn chỉ lặng im nhìn cậu. Trước ánh mắt sáng trong như vì sao của sư huynh, Đường Thận bỗng thấy cơn giận nguôi ngoai, nhận ra hình như thái độ của mình vừa rồi không được hay lắm. Vừa hối hận vừa ảo não, Đường Thận nhủ thầm “Kệ đi, phải nhịn chứ, giờ mình vẫn cần anh ta mà.” Cậu định chủ động xin lỗi, nhưng Vương Trăn đã giành nói trước. Bằng một giọng nói hết sức dịu dàng, chàng rủ rỉ những lời khiến người ta phải giật mình thảng thốt:

“Cảnh Tắc giận ta trêu đùa đệ, khiến đệ hoảng sợ lo lắng có phải không?”

“Đệ còn giận vì mình tức tối đến thế mà lại chẳng thể nổi nóng, thậm chí còn phải tìm mọi cách nhún nhường ta, đúng không?”

“Hay phải nói,” Vương Trăn nhẹ nhàng siết cổ tay Đường Thận, kéo mạnh cậu về sát trước mặt mình rồi buông tay, không cương quyết giữ lấy Đường Thận nữa. Chàng cúi đầu nhìn cậu, rót vào tai Đường Thận những câu chữ mê hoặc: “Hay phải nói là, đệ giận vì sao mình cứ sợ sệt, giận vì sao bản thân lại rơi vào cảnh bất lực đến thế, phải chứ?”

Đường Thận trợn tròn mắt, bị hỏi đến nỗi á khẩu.

Trông dáng vẻ ấy, đáng lẽ Vương Trăn phải thấy Đường Thận buồn cười lắm, nhưng không hiểu sao chàng chẳng thể hồ hởi nổi. Hơn cả thế, chàng vừa thấy khó chịu, vừa không thể lờ đi cảm giác xót xa đang len lỏi trong lòng. Mãi sau, Vương Trăn mới thở dài, ngẩng lên ra lệnh cho quản gia trực ngoài phòng khách: “Chuẩn bị cơm tối, lấy thêm một đôi đũa.”

Quảng cáo
Trước /167 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Tử Vong Nhai Khu

Copyright © 2022 - MTruyện.net