Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Hôm sau, Tạ Kim Ngô dẫn đội ngũ đi qua Vô Nịnh phủ, gần đến Thiên Ba lầu bèn đánh chiêng trống la hét om sòm, nhằm lúc Dương lịnh bà và Sài Quan Nhơn đang nói chuyện bên trong. Dương lịnh bà sai người xem, rồi trở vào báo Tạ Kim Ngô cỡi ngựa đi qua trước phủ, có quân gia rầm rộ, chiêng trống vang trời, không kiêng nể ai hết. Dương lịnh bà nổi giận nói:
- Cả trào ai cũng kính nể nhà họ Dương, huống chi Tạ Kim Ngô là đứa nào, mà dám đến đây khinh dể ta như vậy. Nói rồi liền vào cung tâu báo. Vua Chơn Tông nghênh tiếp, rồi hỏi:
- Chẳng hay lão phu nhơn vào đây có việc chi? Dương lịnh bà nói:
- Chồng tôi mang ơn Tiên đế lập Thiên Ba lầu, Vô Nịnh phủ để đền ơn họ Dương. Các khanh trong triều ai đi qua cũng xuống ngựa. Đó không phải là trọng họ Dương, mà trọng mệnh vua mà thôi. Nay Tạ Kim Ngô đi qua đánh chiêng gióng trống, làm ầm ĩ, thì rõ ràng là khinh mệnh thánh thượng nên tôi phải vào đây tâu cho Bệ hạ biết.
Vua Chơn Tông liền đòi Tạ Kim Ngô đến khiển trách: Tiên đế ta di chỉ lại, sao người dám trái lệnh vua? Nay lão phu nhơn vào đây trách độ ngươi khinh dể triều đình. Tạ Kim Ngô tâu:
- Tôi dám đâu khinh dể phép nước. Nay Thiên Ba lầu chiếm lãnh con đường mà nhiều quần thần phải đi qua, nếu xuống ngựa thì mệnh ta coi khinh quá. Lâu nay tôi cũng muốn tâu nên dời Thiên Ba lầu đi nơi khác ở chỗ vắng vẻ hơn. Còn ở nơi đây rất bất tiện. Vương Khâm phụ họa:
- Lời Kim Ngô rất phải lẽ, nên phá đi tiện hơn. Vua Chơn Tông nói:
- Các khanh hãy lui về để trẫm suy tính đã.
Lúc này Dương lịnh bà buồn bực, không biết làm sao cãi lệnh vua, bèn thương nghị với Sài phu nhơn rằng:
- Không dè Tạ Kim Ngô nó muốn phá Thiên Ba lầu, còn Vương Khâm lại một phe với nó. Nếu chúng lo liệu trước thì xấu hổ họ Dương chúng ta. Sài Thái quận thưa:
- Hiện nay trong triều rất nhiều gian nịnh, phải khiến kẻ tâm phúc đem thơ đến Tam Quan mà tin cho Dương Diên Chiêu hay, họa may mới giải cứu được. Dương lịnh bà nói:
- Con nói rất hay, song mẹ chẳng biết sai ai đi việc này. Cửu muội thưa:
- Đường ra Tam Quan con rất thuộc, vậy thì con phải đi mới được. Dương lịnh bà nói:
- Nếu con có đi thì phải về cho sớm kẻo mẹ không an lòng.
Cửu muội vâng lệnh đi suốt đêm mới đến Tam Quan ải, vào ra mắt Dương Diên Chiêu, thuật hết các việc. Dương Diên Chiêu thất kinh hỏi:
- Trong trào văn võ không còn ai can gián hay sao? Cửu muội thưa:
- Chỉ còn có Bát vương, nhưng yếu thế không chống lại nổi bọn nịnh thần. Bởi vì bọn Vương Khâm thu nhận nhiều thuộc hạ toàn là những tên gian manh xảo quyệt Dương Diên Chiêu nghe nói vừa giận vừa lo, nói với Cửu muội:
- Anh trấn thủ nơi đây là chỗ trọng yếu, triều đình không có chiếu gọi về, mà lén bỏ đi là trọng tội, nay biết làm sao bây giờ. Cửu muội nói:
- Thân mẫu trông đợi Lục ca lắm, vậy thì phải lén mà về ít ngày, xong việc rồi sẽ trở ra. Dương Diên Chiêu suy nghĩ một lúc, bèn gọi Nhạc Thắng vào nói:
- Nay triều đình có việc, mẹ ta sai người đến kêu ta lén về ít bữa, vậy ngươi và Mạnh Lương phải hết lòng giữ quan ải. Nếu Tiêu Táng có hỏi thì hãy giấu kín, nói ta đi săn bắn chưa về, chớ cho Tiêu Táng biết. Nhạc Thắng lãnh mạng.
Đêm ấy Dương Diên Chiêu ra khỏi trại, thẳng về Biện Kinh. Khi đi được nửa đêm, gần tới rừng O Nha thì có một bóng người nhảy ra, nói:
- Thượng quan dặn dò Nhạc Thắng đừng cho Tiêu Táng biết, mà Tiêu Táng đã rình nghe hết đầu đuôi rồi. Dương Diên Chiêu thất kinh nói:
- Sao ngươi không ở lại giữ gìn ải quan, lại đến chận đường ta? Tiêu Táng nói:
- Thượng quan lén bỏ ải Tam Quan mà đi, sao lại hạch hỏi Tiêu Táng? Vì Tiêu Táng muốn về kinh thành xem thử cảnh vật mà thủa nay chưa biết. Dương Diên Chiêu nói:
- Không được đâu. Ta đi đây không muốn cho ai biết, còn ngươi thì tính hay giễu cợt, lại nóng như lửa, nếu để đến kinh thành, thì ắt mang họa. Ngươi mau trở về giữ trại: Tiêu Táng thưa:
- Nếu không cho tôi đi thì tôi cũng lén đến Biện Kinh, để phò quan chủ. Cửu muội thấy con người kỳ cục, nói với Dương Diên Chiêu:
- Thôi cứ cho nó đi, nếu ép nó ở lại nó còn sanh sự lôi thôi.
Dương Diên Chiêu nghe lời Cửu muội nên cho Tiêu Táng đi theo. Về đến nơi, anh em vào phủ ra mắt Dương lịnh bà. Dương lịnh bà buồn bã nói:
- Tám cha con họ Dương vì nước mà thác dần, nay chỉ còn hai anh em con thôi, thế mà bọn nịnh thần là Vương Khâm và Tạ Kim Ngô lại tâu với Thiên tử phá Thiên Ba lầu, và Vô Nịnh phủ làm nhục họ Dương. Dương Diên Chiêu thưa:
- Xin mẹ chớ lo, để con lén vào thương nghị với Bát vương tìm cách trừ chúng nó.
Hôm sau, Dương Diên Chiêu sai gia tướng giữ gìn Tiêu Táng, không cho ra ngoài, sợ e sanh sự. Tiêu Táng bị cầm giữ buồn bã nói với quân sĩ:
- Ta theo thượng quan về đây là muốn xem chơi phong cảnh Biện Kinh, chẳng ngờ bị giam lỏng như vậy, thì hay hơn là chẳng về. Quân sĩ thấy Tiêu Táng buồn bã nói:
- Đi xem phong cảnh thì chẳng hề gì, chỉ sợ phá phách mà liên lụy đến thượng quan chăng? Tiêu Táng nói:
- Ta đã biết mọi việc, quyết chẳng làm lậu chuyện của thượng quan.
Tối hôm ấy, Tiêu Táng lén mở cửa sau thoát ra ngoài đi dạo kinh thành. Khi đi ngang qua phủ Tạ Kim Ngô, nghe trong phủ có tiếng nhạc rất vui vẻ, Tiêu Táng bèn dừng chân hỏi tên gác cửa:
- Nhà này là nhà ai, mà hát xướng vui vẻ như vậy? Quân giữ cửa nói:
- Nhà này là của quan lớn Tạ Kim Ngô, ngươi ở đâu mà không biết.
Tiêu Táng nghe nói đến tên Tạ Kim Ngô thì biết là tên nịnh thần đang âm mưa hãm hại thầy mình, nên lần ra phía sau, thấy tường chẳng cao cho lắm liền nhảy phóc vào vườn hoa, rồi đi lần đến nhà bếp. Bọn gia đinh lúc này đều bận phục việc ở nhà trên, duy có một cô đầy tớ gái đang lum khum nấu bếp. Tiêu Táng núp trong bóng tối lén bưng đĩa đồ ăn ngồi ăn một lúc, rồi bưng đĩa khác lên nhà trên, thấy Tạ Kim Ngô đang ngồi ăn uống, bàn chuyện phá Thiên Ba lầu. Tiêu Táng ném đĩa đồ ăn trúng vào mặt Kim Ngô. Tạ Kim Ngô thất kinh, đồ ăn dính đầy mặt, hét lớn:
- Gia đinh đâu! Có ăn cướp đến.
Tiêu Táng nổi giận mắng: Đồ gian nịnh? Ngươi lộng quyền thái quá, hôm nay ta cho ngươi biết Tiêu Táng là ai. Nói rồi rút dao chém xuống một đao, đầu Kim Ngô rơi xuống đất. Bọn gia đinh thất kinh bỏ chạy. Tiêu Táng đuổi theo giết sạch. Giết xong thì đã đến canh ba, Tiêu Táng ngồi lại ăn uống no say rồi lấy máu viết mấy hàng chữ để lại, mục đích để cho kẻ khác khỏi họa lây. Sau đó Tiêu Táng nhảy vọt qua tường trở về Dương phủ.
Sáng hôm sau, tin Tạ Kim Ngô bị giết đồn vang khắp kinh thành, mọi người đều kinh hãi. Vua Chơn Tông nghe tin thất kinh hạ lệnh cho Vương Khâm tra xét việc ấy. Vương Khâm cho bộ hạ dò la và biết đó là bộ tướng của Dương Diên Chiêu tên là Tiêu Táng lén về kinh thành làm loạn. Vua Chơn Tông nói:
- Dương lục sứ đang trấn ải tại Tam Quan, sao bộ tướng lại vào thành mà giết người được. Vương Khâm tâu:
- Dương lục sứ bỏ Tam Quan mà về, lại dắt Tiêu Táng theo thật trái phép nước, xin Bệ hạ trị tội.
Vua Chơn Tông nhận lời, liền hạ chỉ bắt Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng. Lúc này, Dương Diên Chiêu đang ở trong phủ trò chuyện với Dương lịnh bà, bỗng nghe quân báo:
- Đêm hôm qua Tiêu Táng nhảy tường vào giết cả nhà Tạ Kim Ngô, lớn nhỏ mười ba người, nay triều đình sai bắt. Dương Diên Chiêu thất kinh nói?
- Thằng điên này. Nó làm hại ta rồi.
Nói vừa dứt lời, thì cấm quân đã xông vào bắt Dương Diên Chiêu. Tiêu Táng ở ngoài nghe được tin ấy, liền xách dao chạy tới, múa vun vút làm bọn cấm quân chẳng ai dám lại gần. Dương Diên Chiêu thấy Tiêu Táng làm dữ, thì nạt lớn:
- Ngươi gây họa cho ta như vậy, mà còn dám nghịch mệnh triều đình nữa sao? Hãy trói mình au mà chịu tội. Tiêu Táng nói:
- Thủa nay tôi làm ăn cướp, giết người ta không biết bao nhiêu, nào thấy có tội gì. Nay mới giết chúng nó mười ba đứa mà sợ chi? Vậy tôi với thượng quan trở lại sơn trại, đặng xem chúng nó làm chi cho biết. Dương Diên Chiêu nói:
- Nếu ngươi chẳng nghe lời ta, thì ta chém đầu ngươi trước. Tiêu Táng sợ hãi, quăng đao quỳ lạy. Dương Diên Chiêu nói:
- Nếu sai phạm lần nữa ta không tha cho ngươi.
Bọn cấm quân thấy vậy muốn áp lại bắt trói Tiêu Táng. Dương Diên Chiêu hét lớn:
- Chúng bây không được lộn xộn, không được bắt thủ hạ của ta. Để ta vào triều ra mắt Thiên tử rồi sẽ hay. Nói rồi vào triều ra mắt vua Chơn Tông. Vua Chơn Tông hỏi:
- Trẫm không có chỉ triệu, sao khanh bỏ Tam Quan mà về đây, lại dắt lên bộ tướng theo giết cả nhà Phó sứ? Dương Diên Chiêu tâu:
- Tội tôi rất nặng nhưng Bệ hạ nghe lời nịnh thần, đòi phá bỏ Thiên Ba lầu, làm nhục họ Dương, nên mẹ tôi buồn rầu sanh bệnh, tôi phải lén về thăm. Còn Tiêu Táng, bộ tướng của tôi tính khí hung hăng, đã phạm tội triều đình, xin cứ theo phép nước mà xử. Vua Chơn Tông chưa kịp nói, thì Vương Khâm đã tâu:
- Giết Tạ Kim Ngô đúng là Tiêu Táng, bộ tướng của Dương Diên Chiêu. Xin Bệ hạ truyền bắt Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng xử trảm để răn chúng. Vua Chơn Tông chưa quyết, thì Bát vương tâu:
- Dương lục sứ tuy có tội, song công lao rất lớn, lại đang trấn thủ Tam Quan, là chỗ yết hầu của nước Tống, vậy xin Bệ hạ vì giang sơn không hại kẻ trung thần.
Vua Chơn Tông nhận lời, giao cho Viện Pháp tư định tội. Vương Khâm liệu cho người qua dặn dò Viện Pháp tư, phải tìm cách xử tử Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng. Lúc này Dương Diên Chiêu hay được tin, nói với Dương lịnh bà:
- Xin mẹ chớ lo rầu, con sẽ trở lại Tam Quan, chờ ngày sum hiệp. Còn như Tiêu Táng giết Tạ Kim Ngô ấy cũng là việc trừ được đứa dữ cho triều đình. Mẹ con còn đang trò chuyện, thì Tiêu Táng bước vào nói:
- Tôi nghe triều đình muốn bắt tội thượng quan đày ra Nhử Châu, còn tôi thì đày ra Đăng Châu mà làm lính. Nên tôi vào đây xin rủ thượng quan trở về Tam Quan trại, chớ có nghe bọn nó làm gì. Dương Diên Chiêu nói:
- Thánh chỉ đã ban rồi, chúng ta phải tuân lệnh, đợi triều đình ân xá trở về sẽ gặp lại nhau. Nếu ngươi nghịch chỉ thì tội lại nặng thêm. Tiêu Táng nói:
- Tôi nhất định không ra Đăng Châu, mà trở về sơn trại nói cho bọn Mạnh Lương và Nhạc Thắng biết để ra Nhử Châu rước thượng quan về thì mới an dạ. Dương Diên Chiêu nói:
- Ngươi đừng có hung hăng mà mất mạng.
Tiêu Táng cười lớn, rồi từ biệt bỏ đi. Chỉ mấy hôm sau, Dương Diên Chiêu đã bị đày ra Nhử Châu. Quan Thái thú Nhử Châu là Tương Tế được nghe Dương Diên Chiêu kể chuyện, thì trong lòng ấm ức, không biết cách nào trừ khử bọn nịnh thần, nên nói với Dương Diên Chiêu:
- Tướng quân phải nhẫn nhục ở tạm nơi đây, giúp ta lấy thuế rượu nạp triều đình, chẳng bao lâu cũng sẽ về triều được.
Dương Diên Chiêu tạ ơn rồi ở đó thu thuế rượu. Bấy giờ Vương Khâm nghe Dương Diên Chiêu đã đến Nhử Châu, bèn bàn với Huỳnh Ngọc tìm kế hãm hại. Huỳnh Ngọc nói:
- Việc ấy có khó chi, nay thánh thượng cần lấy thuế rượu ở Nhử Châu, đại nhơn nên làm một bản tấu nói Dương Diên Chiêu bán rượu của nhà nước thâm lạm tiền bạc, chúa thượng biết được ắt xử tội. Hôm sau Vương Khâm vào triều tâu:
- Dương Diên Chiêu khi dễ phép nước, đã bị đày ra Nhử Châu còn lấy rượu quan mà bán, ý muốn trốn đi làm phản, xin Bệ hạ trừ đi kẻo sánh hậu họa. Vua Chơn Tông nghe tấu, nổi giận phán:
- Nó đã xúi bộ hạ giết cả nhà Tạ Kim Ngô. Nay bị đày còn dám bán rượu của triều đình, thiệt tội ấy khó dung.
Nói rồi truyền chỉ sai Hô Diên Táng ra Nhử Châu lấy đầu Dương Diên Chiêu đem về nạp. Bát vương vội vã tâu:
- Dương Diên Chiêu là tôi trung nghĩa, bản chất trung hậu, có đâu làm việc gian xảo như vậy. Xin Bệ hạ đừng nghe kẻ nịnh thần mà giết đấng anh hùng oan uổng. Vua Chơn Tông nói:
- Sao khanh cứ binh vực Dương Diên Chiêu, mà không xét đến tội tình.
Bát vương làm thinh không dám tâu nữa. Đi về đến phủ, Khấu Chuẩn nói với Bát vương:
- May là người lãnh sắc mệnh là Hô Diên Táng, vậy hãy bảo Hô Diên Táng ra Nhử Châu lựa một tội phạm giống như Dương Diên Chiêu, chém láy thủ cấp đem về nạp, còn Dương Diên Chiêu thì bảo phải lánh mặt đợi ngày sau trong nước có nạn thì sẽ về lập công chuộc tội.
Bát vương khen phải, liền đến bàn với Hô Diên Táng. Hô Diên Táng nói:
- Việc ấy xin cứ để mặc tôi. Nói rồi từ biệt ra đi, đến Nhử Châu ra mất quan Thái thú là Trương Tế, tỏ hết các việc. Trương Tế thất kinh nói:
- Dương Diên Chiêu mới đày đến đây chưa bao lâu, sao lại có chuyện bán rượu của triều đình? Thật là bọn gian thần kiếm điều vu oan, giá họa. Hô Diên Táng nói.
- Ấy là tên gian thần Vương Khâm muốn hại người trung thần, Bát vương tâu không đặng, nên mới lập kế như vậy mà cứu người.
Trương Tế liền làm y theo kế, thỉnh Dương Diên Chiêu đến nói rõ sự việc Dương Diên Chiêu nói:
- Tôi không có lòng phản chúa mà nay nịnh thần cố hãm hại không biết phải làm sao. Trương Tế nói:
- Tuy vậy tướng quân chớ lo. Tôi đã có cách cứu mạng.
Nói rồi vào trong ngục có lên Thái Quyền là tử tội, diện mạo giống như Dương Diên Chiêu, liền sai quân chém lấy đầu trao cho Hô Diên Táng đem về nạp. Hô Diên Táng lãnh thủ cấp, suốt đêm về Biện Kinh, nhằm lúc vua Chơn Tông đang lâm triều, Hô Diên Táng dâng thủ cấp lên. Vua Chơn Tông ngỡ thiệt, còn Bát vương sợ đem thủ cấp ra bêu e có người biết được mà lậu chuyện, nên tâu với vua giao cho Vô Nịnh phủ chôn cất. Vua Chơn Tông y lời, khiến quân đem thủ cấp giao cho Dương phủ, mọi người trông thấy ai cũng thất kinh.
Lời bàn. Kẻ nịnh ưa thích những lời ninh ngọt, người trung thích những kẻ khí tiết, đạo nghĩa. Tiêu Táng, một kẻ nghĩa khí, tôn trọng đạo làm người, thế mà có lúc lại đem thân là tướng cướp. Hành động đó chỉ là quyền biến nhất thời, bản chất con người không phai nhạt mùi đạo nghĩa. Khi đã tôn Dương Diên Chiêu lên làm chủ, thì một lòng một dạ tôn phò chủ mình, vì chủ mà chịu bao cay đắng khổ cực. Còn như Thất vương con một vị vua, lại tham quyền đoạt lợi đầu độc giết em, không kể tình cốt nhục, lại nghe lời nịnh thần, như vậy con một ông vua. Xét về đạo nghĩa làm người thua một tên tướng cướp. Chuyện đời rất phức tạp, kẻ có đôi mắt tinh đời không căn cứ vào lời nói, không căn cứ vào địa vị xã hội mà đánh giá phẩm chất con người. Đây là một tâm gương soi vào cuộc sống, và cảnh cáo những ai ình là kẻ quyền quí, tự ình là hơn thiên hạ.-oOo-
- Hết hồi 56:1 (2):