Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Ngay khi Ngao Bái định khẩu chiến thì hai cánh cửa điện Thái Hòa mở ra. Ngao Bái không dừng lại chào hỏi ai lấy một câu, một đường thẳng bước tiến vào giữa điện. Tô Khất cũng kịp thời xuất hiện cùng các quan lục tục bước vào điện, đôi bên chia làm hai hàng đứng trước bục gỗ.
Theo lệ Ngao Bái là một trong bốn phụ chính đại thần đã từng phò tá tiên đế Nam chinh Bắc chiến, lập nhiều chiến công lừng lẫy nên dẫn đầu hàng quan bên trái. Sách Ni dẫn đầu hàng quan bên phải.
Năm nay Ngao Bái cũng đã sáu mươi tuổi rồi, mà vẫn giữ được cho mình một tấm thân cơ bắp. Thêm vào chiều cao khác thường càng làm tướng mạo Ngao Bái thêm phần lực lưỡng. Ngao Bái để râu quai nón, miệng rộng, mũi lân, mỗi lần hầu triều đều mặc bổ phục đỏ thêu hình ngũ long, lưng mang đai thêu ngọa long mã vĩ. Ngao Bái đội mũ ô sa trắng phủ tua đỏ, vành mũ nạm những đóa hoa nhỏ bằng san hô. Một chiếc tua Hán bạch ngọc đính trên cổ áo Ngao Bái.
- Hoàng thượng và thái hoàng thái hậu thượng triều!
Mọi người xếp hàng chưa lâu có tiếng ẻo lả của Ung công công cất lên.
Các quan liền phủi hai ống tay áo, vén vạt áo sang một bên rồi kính cẩn quỳ mọp xuống sàn gạch, đồng thanh hô lớn:
- Chúng thần tham kiến hoàng thượng, thái hoàng thái hậu! Hoàng thượng vạn tuế, thái hoàng thái hậu vạn tuế!
Trong khi các quan tung hô vạn tuế, Hiếu Trang mang hài chậu hoa, gót cao bốn phân, nắm tay Khang Hi từ ngoài hành lang đi vô. Khang Hi thượng triều trong bộ y phục đính sáu nghìn hạt kim sa. Trên ngực áo thêu chín con rồng móng vuốt sắc lẹm bằng chỉ vàng. Trong đó con ở giữa ngực to hơn cả và mặt rồng hướng ra phía trước theo kiểu hồi long hướng nhật. Những con rồng còn lại được thêu dưới hình thức phi long. Một bên tay áo Khang Hi thêu hình dơi, bên còn lại thêu Tam sơn. Hai vạt áo thêu san hô và rùa. Trên long bào của Khang Hi chứa đầy đủ các chi tiết tượng trưng cho ba yếu tố Đất, Trời, Nước.
Hiếu Trang cũng khoác giá y màu vàng nhưng không đính kim sa như của Khang Hi, trên đầu Hiếu Trang đội mũ Phụng Quán, chóp mũ gắn một viên dạ minh châu. Một bên vạt áo thêu hình phượng hoàng đang giương cánh, vạt còn lại thêu một đóa mẫu đơn, tất cả đều bằng chỉ vàng.
Hiếu Trang dắt Khang Hi bước lên bục gỗ, lại bế Khang Hi đặt ngồi vào ngai vàng rồi mới ngồi xuống chiếc ghế lót vải nhung đỏ bên cạnh ngai vàng. Ung công công là thái giám thị tùng bên nhà vua nên cũng vào đứng dưới bục gỗ.
- Tất cả bình thân.
Khang Hi cất tiếng non nớt, trong giọng nói không giấu vẻ mệt mỏi.
- Tạ ơn hoàng thượng!
Quần thần nhất loạt tạ ơn rồi lục tục đứng dậy.
Như mọi khi, Ngao Bái là người đầu tiên dâng sớ nên khệnh khạng bước ra khỏi hàng ngũ hô:
- Thần có việc muốn tâu!
Tiếng Ngao Bái sang sảng, dứt lời bước lại bục gỗ đưa sớ lên bằng một tay.
Ung công công không để Hiếu Trang phải cúi xuống lấy sớ, ông lão đón lấy xấp giấy rồi mang lên cho Hiếu Trang.
Hiếu Trang đỡ sớ tâu từ Ung công công, mở ra, nhìn lướt qua những dòng chữ rồi gọi:
- Ngao đại nhân.
Khi này Ung công công đã trở về đứng dưới bục gỗ. Ngao Bái nhìn Ung công công bằng đôi con ngươi phát lộ sắc hàn, trầm giọng đáp:
- Có thần!
- Hai đề nghị này của khanh rất tốt, ai gia rất muốn phê chuẩn, có điều…
Hiếu Trang ngưng lại một chút, tiếp:
- Thiết yến mừng vua nước Nga đến thăm nước ta là chuyện hẳn hòi, tuy nhiên, đề nghị còn lại của khanh, ai gia lo với tình hình quốc khố đang thiếu hụt trầm trọng nếu còn chi một số tiền lớn để xây khán đài e triều đình không cầm cự được.
Ngao Bái mân mê chiếc tua Hán bạch ngọc, không thay đổi ánh nhìn, nói:
- Quốc khố hiện có hai mươi lăm vạn, nếu lấy mười vạn xây khán đài triều đình vẫn cầm cự được.
Hiếu Trang nói:
- Quốc khố hiện không có nhiều như vậy, không đến hai mươi lăm vạn, chỉ có dưới mười bảy vạn tám ngàn…
- Chúng ta phải làm ngoại nhân nể mặt!
Hiếu Trang chưa nói xong, Ngao Bái đã hắng giọng nói.
Hiếu Trang im lặng.
- Thần không đồng ý với việc xây khán đài để đá bóng giao hữu!
Khang Nạp thấy Hiếu Trang trăn trở, bước ra nói.
- Năm ngoái Hoàng Hà vỡ đê, đê lớn còn chưa sửa được, đó là một việc lớn trong quốc kế, dân sinh. Muốn sửa con đê này, triều đình cần chi ra ít nhất mười hai vạn lạng bạc mới đủ tiền sửa. Thần đã dự trù được năm vạn, và xin Bộ Hộ bảy vạn cho đủ số, nhưng Bộ Hộ dây dưa, không chịu cấp. Nay số bạc bảy vạn đó, xin thái hoàng thái hậu và hoàng thượng giúp đỡ.
Khang Nạp dứt lời, đảo mắt nhìn Tô Khắc Táp Cáp, chả là Tô Khắc Táp Cáp là người đứng đầu Bộ Hộ giữ nhiệm vụ kiểm chứng quốc khố.
Ngao Bái và Tô Khắc Táp Cáp kín đáo nhìn nhau.
- Vương gia ông cứ hay nói đùa – Ngao Bái cười khẩy nói - Cái lũ dân đen ti tiện làm sao có thể sánh bằng thể diện quốc gia!
Khang Nạp nghe Ngao Bái nói câu này lửa giận bừng bừng nổi dậy, định văng tục thì chợt Sách Ni tằng hắng, Khang Nạp kịp thời cảnh tỉnh, thở phì một tiếng.
Sách Ni nhìn Ngao Bái nói:
- Nhưng những nạn nhân Hoàng Hà là con dân hoàng thượng, là gốc rễ của quốc gia đó Ngao đại nhân!
Cơn giận của Khang Nạp được Sách Ni làm giảm xuống một chút, nhìn Hiếu Trang nói:
- Chẳng những triều đình cần phải trị thủy, tu sửa đê điền, thần nghĩ còn phải mở kho phát gạo nữa, hiện thời ngoài thành dân tị nạn đông như kiến cỏ, nếu chúng ta xuất ra mười vạn để xây khán đài, với số tiền còn lại sẽ không đủ dùng.
Nói đoạn lại liếc Tô Khắc Táp Cáp. Tô Khắc Táp Cáp cũng dùng đôi mắt đỏ ngầu gườm gườm Khang Nạp. Hai người đàn ông nhìn nhau tóe lửa một hồi Tô Khắc Táp Cáp bước hẳn ra hàng ngũ nói:
- Thần đồng ý với Ngao đại nhân, cũng có ý kiến này.
Lời này lọt vào tai Khang Nạp, tức thì Khang Nạp thu hai nắm đấm lại, Sách Ni phải liên tục tằng hắng vài tiếng nữa, Khang Nạp mới chỉ đưa mắt nhìn Tô Khắc Táp Cáp từ đầu tới chân.
Tô Khắc Táp Cáp khoảng ngoại ngũ tuần, thân hình dềnh dàng. Trên mình khoác bổ phục đen thêu bát tuyết nhãn, đầu đội mũ ô sa trắng dát ngọc, đuôi nón có gắn một chiếc linh tử được Thuận Trị ban thưởng. Trên mặt Tô Khắc Táp Cáp có hàng râu chữ bát lốm đốm trắng, nhưng rủ xuống rất gọn, khóe miệng và mi mắt có những nếp răn khá dầy, dưới hàng lông mày rậm là đôi mắt một mí sáng quắc và đen láy. Mỗi lần Tô Khắc Táp Cáp cười là đôi mắt đó híp lại như một sợi chỉ. Tô Khắc Táp Cáp tuy đã cao tuổi rồi mà trông vẫn còn khỏe mạnh, không có một chút cử chỉ của già lão.
- Tô khanh cứ nói – Hiếu Trang nhìn Tô Khắc Táp Cáp - Ai gia lắng nghe.
Tô Khắc Táp Cáp nói:
- Theo thần nghĩ, thay vì chúng ta làm theo lời vương gia mở kho phát gạo miễn phí cho dân tị nạn, chi bằng tạo công việc cho họ.
Hiếu Trang nghe biết Tô Khắc Táp Cáp ủng hộ việc xây khán đài để đá bóng giao hữu với nước Nga, đưa mắt thăm dò Tiêu Phong. Nhưng Hiếu Trang chỉ thấy cặp mắt của Tiêu Phong đóng băng, chàng đang đứng giữa Khang Nạp và Trương Đình Ngọc, đăm đăm nhìn vào một khoảng không, Hiếu Trang không thể đoán được cái đầu óc “thần bí” kia đang nghĩ những gì!
Hiếu Trang còn đang nhìn Tiêu Phong, Át Tất Long đã rời hàng ngũ tiến lên đứng bên Tô Khắc Táp Cáp mà tâu rằng:
- Thần cũng đồng ý với việc xây khán đài, việc này không chỉ tạo việc làm cho dân tị nạn, mà còn chứng tỏ lòng hiếu khách của nước ta đối với ngoại bang.
Át Tất Long năm nay cũng trạc ngoại ngũ tuần, là người có dáng bộ mà người nghiêm nghị nhất cũng phải mỉm cười, trán hẹp thấp, hai mắt xếch, mũi và mồm sát gần nhau, cằm như cái xẻng đưa ra phía trước. Át Tất Long ốm và cao lêu nghêu, khi đi thì chân lại hơi vòng kiềng, mọi cái xấu hầu như tập trung cả trên thân mình Át Tất Long, chỉ có đôi đồng tử trên mặt là sắc sảo. Át Tất Long mặc bổ phục nâu thêu chim công, đầu đội mũ trắng phủ tua đỏ, quanh vành nón đính thạch màu lam.
Khang Nạp chẳng chịu nhún nhường, trợn mắt định nói gì đó thì Trương Đình Ngọc bước ra nói:
- Thần đồng ý với đề nghị của vương gia, nếu chúng ta không thi hành chính sách trị an quốc dân, sẽ khiến dân chúng bất mãn, chừng đó lại dẫn đến cái cảnh dân chúng lập hội tạo phản như Đại Minh Triều nữa.
Mã Tề nghe Trương Đình Ngọc nhắc Đại Minh Triều, bất giác nghĩ đến Tần Thiên Nhân, trong lòng chùng xuống một cái, nhưng hình ảnh của Tần Thiên Nhân vụt qua ngay, liền đó, Mã Tề bước ra nói:
- Thần thấy lời Trương đại nhân chí lý, hiện nay đất đai chúng ta rộng lớn, biển khơi xa xăm muôn trùng, mà quốc gia càng lớn lại càng khó quản, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho thiên hạ trong vòng mấy mươi năm lại đây cứ liên tục hợp hợp phân phân. Với biên giới trải dài như thế, chúng ta luôn có địa phương không trông coi hết được. Bởi vậy, thần cũng thấy điều quan trọng mà chúng ta cần làm chính là an định bá tánh. Khi bá tánh đều quy về một mối, chúng ta không phải lo những chuyện như Đại Minh Triều nữa.
Hiếu Trang nghe Trương Đình Ngọc và Mã Tề liên tục nhắc Đại Minh Triều, lại đưa mắt nhìn Tiêu Phong, nhưng Hiếu Trang vẫn chỉ thấy trên mặt Tiêu Phong là nét bình thản cổ hủ, cứ như bầu không khí căng thẳng trong đại điện chẳng ảnh hưởng tâm trạng chàng chút nào.
- Phủ Viễn tướng quân -Hiếu Trang lên tiếng gọi – Khanh nghĩ sao?
Tim Ngao Bái đập thình thịch. Trong số trăm quan, Ngao Bái ngại nhất mà cũng sợ nhất là những người thận trọng trong từng nụ cười, câu nói.
Quả nhiên khi Tiêu Phong nghe gọi bước ra, Ngao Bái thấy dáng vẻ của Tiêu Phong ung dung, trên mặt như cười mà không phải cười, thần tình rất đáng sợ.
- Bẩm hoàng thượng và thái hoàng thái hậu.
Tiêu Phong ngưng lại một chút, từ tốn nói:
- Thần có suy nghĩ như Ngao đại nhân, nghĩ vấn đề Hoàng Hà không phải là vấn đề nên bàn trong lúc này.
Tiêu Phong vừa dứt lời, Khang Nạp quay vụt sang Sách Ni, trợn mắt như thầm hỏi “Tế Nhĩ Ha Lãng nói vậy nghĩa là sao? Vấn đề trị thủy lại không được coi là quan trọng ư?”
Sách Ni khe khẽ lắc đầu như muốn nói “Vương gia khoan hãy bực bội, chờ nghe hết đã.”
Tiêu Phong nói:
- Tất cả mọi người đang đứng đây, không ai có kinh nghiệm trị thủy hơn Cận đại nhân, hiện thời ngài ấy đang ở Lan Châu nghiên cứu cách xây dựng các công trình thủy lợi, chi bằng chúng ta chờ ngài ấy về rồi hẳn tiếp tục bàn kế sách trị thủy.
Mọi người trong điện nghe Tiêu Phong nói liền nghĩ đến Cận Phụ, lại nhớ năm ngoái Hiếu Trang đã sai Cận Phụ, một đại thần nổi tiếng về nghề nông đi tìm cách làm thủy lợi sông Hoàng Hà. Việc làm thủy lợi sông Hoàng Hà là để đảm bảo sự thông suốt của Đại Vận Hà, kênh đào lớn từ thời Tùy, giúp vận chuyển lương thực trong nước.
Hiếu Trang gật đầu:
- Ai gia đồng ý với Phủ Viễn tướng quân, chúng ta chờ Cận đại nhân về rồi mới dồn tâm huyết để trị thủy dòng sông này.
Các quan gật đầu.
Chỉ có Khang Nạp là vẫn chưa chịu giãn đôi mày chữ bát ra, nhưng Khang Nạp chưa kịp nói gì, Tiêu Phong tiếp tục nói:
- Thần cũng đồng ý với Tô đại nhân về việc tạo công việc cho dân tị nạn, hiện ngoài thành đang có hai ngàn dân tị nạn, ngày nào số người đó còn chưa tìm được công việc, tương lai triều đình sẽ gặp nhiều trắc trở.
Sách Ni, Trương Đình Ngọc, Long Khoa Đa, Vương Diệm, Ngạch Nhĩ Thái nghe Tiêu Phong nói vậy ra vẻ vừa hiểu, vừa không hiểu. Chỉ có Sách Ngạch Đồ là mắt vụt sáng.
Sách Ngạch Đồ nhìn gương mặt tỉnh rụi của Tiêu Phong, lại nhìn Hiếu Trang. Sách Ngạch Đồ biết trong lòng Hiếu Trang đang bế tắc trước lời Ngao Bái về việc xây khán đài, nhưng không để tâm trạng bế tắc đó bộc lộ ra mặt. Trời sinh Hiếu Trang phong phạm vương giả, ngồi ở vị trí mẫu nghi thiên hạ nên vẻ mặt lúc nào cũng bình tĩnh. Chẳng những vậy, Sách Ngạch Đồ còn thấy trên môi Hiếu Trang điểm nụ cười.
- Tướng quân cũng đồng ý với việc dùng mười vạn để xây khán đài à? - Hiếu Trang nói - Để dân tị nạn có công việc làm, không dẫn tới cảnh nước nhà tụ hội không lâu lại chia năm sẻ bảy?
Tiêu Phong im lặng.
Ngao Bái cũng im lặng.
Nguyên bản đại điện cũng chờ đợi lắng nghe, bầu không khí trong điện Thái Hòa im phăng phắc, khẩn trương đến đỗi tựa hồ ngưng đọng như một tảng băng.
Sau một thoáng trầm ngâm, Tiêu Phong nói:
- Thần ủng hộ việc triều đình tạo công việc cho dân tị nạn, nhưng thần không ủng hộ việc dùng mười vạn xây khán đài, như vậy thật quá tốn kém.
Ngao Bái hít vào một hơi, vung tay áo nói:
- Tướng quân cho rằng mười vạn quá tốn kém, vậy ngài muốn dùng bao nhiêu?
Tiêu Phong mỉm cười:
- Hai vạn.
- Ha ha!
Ngao Bái cười lớn nói:
- Xây một khán đài hoành tráng mà chỉ dùng có hai vạn, tướng quân định bóc lột sức lao động của con dân hoàng thượng à? Hay ngài định tự mình xắn tay áo đi xây?
Không khí trong điện đang nặng nề, nhưng do câu nói của Ngao Bái khiến cho mọi người bật cười.
(còn tiếp)