Chương 1: "Mùa hè năm ấy, chúng tôi bắt đầu như vậy..."
Tờ mờ sáng, Tôi ngoác mồm ngáp một cái rõ to bonus thêm cái vươn vai. Sảng khoái đến nỗi nghe thấy cả tiếng lục khục. Bạn bè hay gọi tôi là cận lòi, mà đúng thế thật nếu không có kính thì thế giới với tôi cái gì cũng mờ mờ như nhau. Mỗi sáng câu chuyện dài nhất và lặp đi lặp lại của tôi là việc tìm kính. Dưới đất, trên giường, bàn học, nhà tắm? Tôi không minh mẫn để nhớ nổi đã loăng quăng chỗ nào?
Lọ mọ với tay lấy kính trên tủ cá nhân gần đầu giường: "4h?". Câu chuyện ấy sáng nay có vẻ không dài. Tôi tròn mắt, mới 4h sáng. Không nghĩ ra được đời mình lại có ngày chịu rời giường sớm đến thế này.
Đó là mùa hè khi tôi vào cấp ba. Cuối cùng thanh xuân tôi khăng khăng chạy trốn, không muốn lớn, không muốn đi qua vẫn cứ đến. Phim thanh xuân tôi xem mục đích chính là thuộc lòng kịch bản, đôi lúc ngớ ngẩn còn hay ước có một ngày mình cũng trở thành nữ chính ngôn tình trong câu chuyện tình cảm lãng mạn gì gì đó. Mỗi lúc thế, ông anh trai mang tính cách "em trai" hay gõ vào đầu tôi bảo thế này: "Nhà mình không có tiền đưa mày đi chữa bệnh thần kinh đâu". Tôi cũng thừa nhận, mình có xu thế mắc bệnh ảo tưởng. Nhưng ngoài dự liệu năm đó, tôi thật sự có riêng một thước phim thanh xuân cho mình...
Lớn hơn một chút lại thấy thế giới dường như rộng hơn, bầu trời cao lên. Tôi thuộc kiểu người thích bay bổng, cuộc sống cứ lửng lơ chẳng mấy khi có cảm giác chạm đất. Thanh xuân tôi quan niệm giống như cuốn sổ trắng tinh chẳng có nội dung gì, nhưng chưa được mở ra xem thì không giấu được cảm xúc hào hứng. Tâm lí của mỗi người chỉ muốn nhanh chóng chạy những bước dài đến tương lai, mong muốn xem mình trong cuốn sổ ấy. Lên dự định xem sẽ viết những gì vào trang giấy kia? Tôi...cũng không biết!
Phi ra khỏi nhà tắm, đứng trước cửa sổ kéo mạnh tấm rèm sang hai bên. 40 giữa mùa hè miền bắc mặt trời đã ló lên mập mờ. Ai đó đã làm công việc này mỗi ngày mỗi ngày như tôi mới thấy nó thú vị vô cùng. Mùa xuân, ngửi được "vị" thanh mát của đất trời đầu tiên. Mùa hạ, cảm nhận cái nóng cái nắng gay gắt đầu tiên. Mùa thu, thấy lá vàng đua nhau rụng, thấy sương mai còn đọng lại chút ít trên nền đất chưa ai "kịp" giẫm đạp. Mùa đông, sương giăng tứ phía, mưa phùn lạnh buốt hay đơn giản chỉ là cái giá đến tận tâm can ùa đến đầu tiên. Tôi cười tít mắt, dang tay hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành buổi sáng sớm. Vì tí nữa, ồn ào, khói bụi, còi xe, bla bla,... Nghĩ đến là tôi thấy đau đầu.
Trong nhà chưa ai thức giấc. Tôi gõ cửa trêu chọc Gia Luân. Cộc cộc, không có tiếng đáp lại chắc chắn Gia Luân đang ngủ say như chết. Tôi mở cửa, cái dáng ngủ nhìn tướng cũng biết vì sao hơn 20 năm sống trên đời lão vẫn còn ế. Lén đổi giờ báo thức của lão, tôi rón rén ra trước cửa phòng đợi tin tức.
1,2,3... Tôi che miệng cười khúc khích, chuông đồng hồ reo ầm ĩ. Gia Luân mắt nhắm mắt mở tỉnh giấc, bộ mặt ngái ngủ nghệt ra lè nhè trách móc: "Mày bị hâm hả? Mắc gì dậy sớm thế". Tôi le lưỡi trêu ngươi liền bị lão phi cái gối vào mặt. Gia Luân dụi dụi mắt, nhăn nhó: "Mau đóng cửa lại, sáng sớm đã ầm ĩ" Quay đi thì nghe tiếng đổ cái rầm, là tiếng cơ thể có phần nặng nhọc của anh trai tôi đổ xuống giường. Tôi có một "ông" anh trai, tâm hồn rối loạn kinh niên. Dành phần lớn cuộc đời để mong tâm hồn trẻ hoá, lão tranh giành với tôi suốt cả tuổi thơ cho tới khi trưởng thành. Hoặc cũng có một số thời điểm hâm hâm dở dở, lão thành ra nhân tính. Ví dụ như cái lần lão dẫn tôi đi ăn sau đó nói với chủ quán để tôi ở lại thế chấp hay cái lần lão quăng cho tôi cái thẻ tín dụng tài khoản chỉ còn sót mấy nghìn đồng.
Chạy lòng vòng quanh phố, tôi thở dốc như bị ai hít mất không khí. Vào những ngày tâm trạng "trở trời" tôi hay làm mấy việc dở hơi, ví dụ như kiểu tập thể dục này.
Đường phố bắt đầu tấp nập, xe cộ sượt qua trước mặt làm tôi chóng cả mặt. Hiếm khi được nhìn thành phố ngủ dậy như vậy, một bên tai nghe tiếng nhạc vẫn du dương một bên tai nghe âm thanh của thành phố đang vươn vai. Ầm ĩ, ồn ào mà kích thích.
Tai ương đến không kịp tránh, nhân duyên đến thì lại vội bỏ đi. Tôi ngửa chai nước lên trời tu ừng ực trước cái nắng đổ mồ hôi, tình cờ gặp được cái nhân duyên nói trên.
Kể ra cũng tình cờ, tôi va vào một ai đó hay một cái đó sặc nước ho đến đỏ cả mặt. Ai đó hay cái cái gì đó cũng vô tình làm cái kính cận của tôi không rõ đã rơi đi đâu. Khua tay múa chân tôi lại bắt đầu câu chuyện lần mò, cũng may ai đó còn có lương tâm giúp tôi đeo lên mắt. Câu thoại phù hợp mọi thời đại trước nghịch cảnh trớ trêu nên là: "Cậu bị điên à?" Hoặc: "Không có mắt sao?". Nhưng cuộc đời lại đưa đẩy đến cạnh tôi một mĩ nam, tôi nuốt nước bọt cái ực, nghịch cảnh này không tồi. Tôi nhẹ giọng: "Xin lỗi cậu. Tôi bắt cẩn quá". Không phải tôi không đủ cá tính mà khắc tinh rõ ràng không đến hai lần.
Suy cho cùng cũng ngửi thấy tí mùi ngôn tình. Tuấn Phong lần đầu gặp hay bây giờ gặp hay bất cứ lần gặp nào vẫn nụ cười khuynh thành. Nhưng thời điểm nào cảm xúc ấy, lần đầu tôi gặp cậu với tôi đó là ngôi sao may mắn.
Cậu cúi người dựng chiếc xe thể thao lên chu đáo hỏi thăm: "Cậu không sao chứ?". "Không, tôi không sao". Tôi xua xua tay cười xuề xoà.
Tôi thật sự được xét vào hàng ngũ đam mê ngôn tình đích thực. Mĩ nam, đồ ăn, tiểu thuyết, truyện, phim, bla, bla...Cuộc sống "trựu tượng phái" là động lực để tôi sống qua ngày. Nghĩa là có chút xa rời cuộc sống hiện tại. Gặp được một cực phẩm đời nào tôi nỡ đuổi đi.
Nhìn bộ đồng phục trên người cậu tôi tò mò: "Cậu là...?" "Tôi hả? Tuấn Phong". Tôi ngớ người, khi không lại moi được thông tin có giá trị. Vốn dĩ thắc mắc vì đó là đồng phục trường tôi. Tuấn Phong gãi gãi đầu: "Nhân tiện, có thể phiền cậu một chút không?" Tôi kiên quyết gật đầu. Giúp cậu chỉ đường đến trường mà tự nhiên thấy luôn cả đường vào trái tim mình, Tuấn Phong đang tìm ngôi trường của tôi. "Được, cảm ơn cậu" "Cậu đến đó làm gì thế?" Tuấn Phong đeo ba lô lên vai, cười: "Đi học, tạm biệt".
Câu chuyện khách sáo vừa rồi, chúng tôi đã bắt đầu như thế. Mặt trời chiếu qua lớp áo sơ mi trắng của cái người đã đi xa xa ấy trong mắt tôi như đang phát quang. Đó là lần đầu tiên tôi gặp cậu, năm đó tôi ghi tên cậu vào trang giấy đầu tiên của thanh xuân, là nam chính. Nhưng sau đó...
"Đi học, đi học?". Tôi lau mồ hôi lẩm bẩm. Đầu tôi hiện ra hình cái bóng đèn. Đúng rồi, tôi còn phải đi học, còn phải đến trường. Hôm nay là buổi đầu tiên, thanh xuân của tôi. Không biết sức lực ở đâu mà tôi phóng một mạch về nhà. Cái nắng có không hợp tác cỡ nào tôi cũng mặc kệ.
Cứ thử tưởng tượng vận động viên chạy maroton mặc áo dài để thi đấu ra sao thì tôi lúc này chính là như thế. Mới tối qua tôi còn cẩn thận là lượt mấy cái tà đáng ghét này, hào hứng mặc thử rồi đi qua đi lại trước gương không nghĩ được bây giờ nó lại đang chống đối.
Ba chân bốn cẳng không thoát được kết quả tất yếu...tôi muộn học, nhìn cổng trường đóng im ỉm là tôi thấy ngao ngán cái thanh xuân này ghê gớm. Ngó quanh một vòng buộc hai tà áo dài vào nhau, không kế sách nào hoàn mĩ hơn buông bỏ hình tượng. Tôi chèo tường. Ai mà nhìn thấy cái dáng vẻ này, thì con đường từ đây đến khi có gia đình của tôi thật sự lắm chông gai. Tính tôi hậu đậu, trí nhớ kém lại hay lề mề thủ tục chèo tường mỗi khi đến muộn tôi rành hơn cả làm bài tập trên lớp. Cái này nếu được coi là sở trường thì hôm nay tôi vừa khám phá được thêm một ưu điểm. Sau lần đó, số lần đi trễ của tôi thật sự trở thành...truyền thuyết! Nhìn mấy tấm băng dôn khẩu hiệu còn sót lại trên sân mà tiếc hùi hụi, tôi đã ao ước mãi được ngồi vào hàng ghế của những ngày thanh xuân đầu tiên.
Trong lớp, đang điểm danh. "Triệu Gia Khanh" "Có ạ" Tôi rón rén, lòng vòng tìm cả buổi trời mới ra cái lớp này, tôi bị cận, chân tay nhanh nhẹn không nổi. "Trần Linh Chi" "Có ạ" "Thưa cô". Tôi đứng ngay ngắn ngoài cửa lớp. Tươm tất, gọn gàng không phải tôi lúc trèo tường vào nhân tiện nở nụ cười thật tươi. Cả cái lớp mấy mươi con người đồng loại không hẹn mà tụ lại ánh mắt trên người tôi, "trừu tượng hoá" mà nói tôi có cảm giác siêu sao vũ trụ? Cô giáo ra hiệu cho cả lớp trật tự, sau đó nhìn tôi hắng giọng: "Em lớp nào?" "Dạ thưa cô, 10A2 ạ" Sau đó tôi mới biết mình nhầm lẫn, sự nhầm lẫn này có hơi nghiêm trọng. Cả cái lớp tôi "nhầm" đó cười như được mùa, có thể lúc ấy tôi giống sinh vật lạ mới từ nơi nào đáp xuống lớp của chúng nó. Cô giáo còn hỏi tôi: "Có phải em cắt kính sai độ không?". Bối rối thế nào tôi lại gật đầu, cả lớp được thêm trận cười. Có người còn nói tôi có khiếu diễn hài kịch nhưng tôi đủ IQ để nhận ra mình bị đá xéo. "Em không nhìn biển lớp sao?" Tôi nhẹ nhàng lùi một bước ngước bốn mắt lên cửa "12A2". Ra đến cầu thang vẫn còn nghe thấy tiếng cười. Giáo viên này cũng thật biết nói đùa, chọc tôi một câu biến tôi thành cái hố đen.
Nói đúng ra, khi chọn nguyện vọng vào cấp ba, tôi còn không biết tên ngôi trường này. Nhưng nếu mọi thứ cứ theo ý tôi như một đường thẳng tắp thì chẳng phải là tôi nữa, nhiều khi tôi cũng nghi hoặc cuộc đời mình. Chông gai với tôi xưa nay thì giống như nam châm với sắt.
Sáng nay tham gia 2 hội chạy marathon đến đây, người tôi ướt át toàn mồ hôi. Lại thêm bộ áo dài áo ngắn này bó sát đến mức không thở nổi. Tôi lại lầm lũi đi tìm lớp mình, nhà trường rộng thênh thang, phòng ốc cái nào cũng như nhau tôi không phân biệt được.
Tìm đến được lớp của mình, câu đầu tiên giáo viên chủ nhiệm nói với tôi không ngờ lại là: "Lâm Hạ Ân, điểm nhập học của em xếp thứ hai, em..làm lớp phó học tập". Nếu là góc độ khen thưởng tôi mạnh dạn mỉm cười đảm đương trọng trách. Nhưng chuyện lại là đi muộn ngày khai giảng được phong chức để "tự làm gương". Nghĩ thế nào cũng thấy không thoả đáng, khuôn khổ này tôi chẳng có ý định tham gia nhưng cãi tay đôi với giáo viên chủ nhiệm tôi nào có gan?
Không kịp đuổi theo lại gặp đúng nhân duyên, tôi chọn cái bàn gần cuối lớp để thuận tiện cho việc "nghỉ ngơi" sau này thì vô tình "hội ngộ" với Tuấn Phong. Chung lớp, chung bàn? Đến thế này thì định mệnh không sai đi đâu được!